Ông lão bẫy chim

Thứ Hai, 10/02/2014, 09:00

Lão Sáu Đẹt sống cô độc, một mình dựng căn chòi lá ngoài rìa vàm Cọp ở. Gọi là vàm Cọp bởi nghe nói ngày xưa khi còn hoang vu, cọp ở đây nhiều như rái cá, đêm đêm bơi ngược theo dòng nước lên mà mò về các ấp nhỏ bắt gà vịt, heo, có khi bắt cả người. Không ai biết lão quê đâu, chỉ lờ mờ rằng lão trốn bắt lính tới trụ, riết rồi quen, rồi thành thổ địa ở đây.

Cả đời lão chỉ có dăm cái xà lỏn tong teo nhận sình đen đúa, mà cái nào cũng có nhiều lỗ thủng. Gã hàng vàng ngoài thị Rạp bảo lão có mặc đến bốn cái quần xà lỏn cùng lúc thì vẫn có chỗ phơi thịt mông ra. Gã còn giễu, chắc Sáu Đẹt mở cửa sổ cho con chim mồi của lão nó gọi bạn đấy. Mấy đứa oe choai ngồi trong quán nhậu kế bên cũng nhóng cổ với ra: Tìm thấy cái bả da như bông bưởi hồi nào chưa lão?

Lão Sáu Đẹt chả nói lại. Chấp chi cái bọn uống đế mà ngửa cổ dốc thẳng một hơi. Uống kiểu đó là nát rượu, là làm hỏng rượu chớ hay gì. Người ta uống rượu là để hơi rượu dẫn vào máu một cái gì đó cho đời đỡ nhạt, nốc nhanh vậy sao đủ thời gian cho cái gì nó vào mình? Nó xuống thẳng đáy dạ dày rồi nó theo nước đái chảy ra ngoài luôn hà. Lão ngúc ngoắc bỏ đi, hai cẳng chân tong teo gầy ngẳng huơ lệu dệu. Bàn chân lão giữa các ngón nước ăn lở loét, có chỗ lòi xương, móng chân trét đầy bùn đen, thúi sạm.

Lão Sáu Đẹt trước sống bằng nghề bắt rắn, sau mấy lần bị rắn cạp nia đớp cho gần chết, lão chuyển sống bằng nghề bẫy bìm bịp. Con bìm bịp đầu đen nháy, đôi cánh phớt vàng nâu, mắt đỏ như lúc nào cũng muốn khóc, sống trong các bụi cây mọc hoang ở các gò. Nó chả có tội vạ gì, chả làm ác cho ai, bắt nó là có tội, nhưng biết làm sao. Đời mà. Bây giờ ở vàm Cọp, người ta không ai bẫy bìm bịp như cách ông già Sáu Đẹt nữa. Người ta dùng chó xua vào các bụi lùa cho bìm bịp bay ra rồi dùng súng hoa cải bắn.

Lão Sáu Đẹt vẫn quyết giữ nghề. Lão bẫy rồi nhốt mấy con bìm bịp trong cái lồng bằng nan quây lưới ni lon. Lũ bìm bịp vốn nhát, có người tới là đập cánh văng mạng, không có người chỉ đứng như mải nghĩ đâu đó những chuyện đời. Từ ngày ngoài thị Rạp dân nhậu có thú uống rượu ngâm bìm bịp, lão đỡ khổ hơn. Bìm bịp bán từng cặp còn sống nguyên trao cho khách. Khách sành nhậu nhờ chủ quán cứ để bìm bịp còn sống tắm rượu rồi bỏ vào bình ngâm cả lông cả cánh. Bìm bịp chết hoặc ngâm trước rồi không mấy người mua vì cho là không còn nguyên chất máu. Lão Sáu Đẹt không bán nhiều, bắt bẫy chi cũng chỉ đủ để qua một tuần sống. Hết bắt tiếp. Bìm bịp do vậy mà sinh con đẻ cái cứ như không, cứ như chả lo đến ngày tuyệt chủng.

Chiều chiều khi mặt trời đổ vàng trên vàm Cọp, nhằm nước trong kinh bắt đầu lên, con bìm bịp mồi của lão mới cất tiếng kêu. Đâu đó lập tức có vài con đáp trả. Lão Sáu Đẹt thích nghe tiếng bìm bịp. Nghe tiếng bìm bịp kêu, trong người cứ như có con sâu, con trùn chi đó bò tới mọi ngóc ngách hồn người ta. Gần đây có khi chả đợi con nước lên, con bìm bịp mồi của lão cũng cứ kêu. Nó kêu mà không có tiếng đáp. Lại kêu tiếp. Kêu miết, khắc khoải tới khi tiếng bíp bíp cứ nhỏ dần, ngắn dần. Lão giật mình. Nó kêu chi hay con bìm bịp gọi bạn tình mà buồn thấu trời, thúi ruột. Con người cũng vậy cà, hễ có tiếng kêu thoát ra từ đáy lòng là đều buồn hết. Mấy lần nghe con bìm bịp giở chứng như thế, lão thương nó quá, đã tính chuyện thả nhưng rồi lại thôi. Thả nó thì lão sống với ai?

Minh họa: Đỗ Dũng.

Trước kia cũng đã có một người đàn bà tạt ngang vào đời lão. Nhưng người đó chỉ trụ lại cùng lão được vài tháng rồi lại theo ngọn gió hoang thổi trên vàm Cọp mà bỏ đi. Có thể người ấy cũng chỉ là một ngọn gió hoang, trụ lại đây thì cũng chỉ là tạm thời. Không có ai giữ được ngọn gió hoang bao giờ. Có cố giữ nó trong vách kín thì nó cũng chết. Nếu không muốn chết thì nó phải tìm kẽ ngách nào đó mà ra. Cái kiếp nó vậy…

Lúc nào lão cũng có ý tìm người đàn bà đó. Lão không giận người đó mà giận mình. Cái thằng đàn ông nuôi không nổi vợ. Người đàn bà thường đã cặp vào với người đàn ông, dẫu chẳng có cưới cheo thì cũng vẫn là đũa đã có đôi, cái ghe đã đủ cặp dầm. Người ta bỏ đi là chuyện cực chẳng đã. Ai muốn ăn, muốn lùa cơm bằng một chiếc đũa làm chi. Ai muốn chèo ghe bằng một cây dầm làm chi. Chòng chành, trệu trạo lắm. Nhưng tay chèo nát mấy thân ghe rồi, chân lội kín mấy cánh đồng rồi mà vẫn không thấy người đó. Lão ân hận, mấy tháng sống với nhau người ấy chỉ mong có được một lần được lão đưa ra ngoài thị Rạp xem người ta diễn vở "Đời cô Lựu" mà cho đến khi bả bỏ đi, nguyện ước ấy vẫn chưa thành. 

Lão Sáu Đẹt từ đó hay buồn. Lão thường buồn vào lúc trời bắt đầu sáng. Đêm còn có lúc mơ được cái chi đó. Thảng hoặc còn nghĩ rằng ngày mai sẽ có cái gì đổi thay. Nhưng khi ánh mặt trời lên soi rõ mọi thứ thì lại thất vọng. Còn có gì đến trong ngày đó chớ. Nó rành rã vầy mà. Cái sạp giường trống trơ một chiếc gối bằng gốc cây tràm đẽo. Dòng kinh Xà Ron lúc ròng thì sát đáy phơi toàn bùn đen, lúc nước bò lên thì đầy rác trôi lẫn với dăm cụm lục bình. Đời hào phóng đâu đâu chớ không phải nơi đây. Không phải cho lão.

Mùa gió chướng. Gió thổi ràn rạt suốt từ lúc mở mắt. Đêm ngủ cũng nghe tiếng gió chen nhau ào ào ngoài kinh. Cái gió cũng như người đang uẩn ức chi đó, bỏ đi biệt xứ một thời gian rồi bất ngờ trở về giận dữ cào xé lên tất cả. Vào dịp này lão Sáu thường hay lôi rượu ra uống. Tiếng gió làm cho lão thấy đỡ quạnh vắng. Đôi khi tiếng gió thổi lên đám lá chuối khô phía hiên nhà gợi lão nhớ bước chân ai đang lại. Lão thích uống rượu, cũng lại hay uống nữa, nhưng không nhiều. Có lẽ lão  không có tri âm nên mượn rượu làm bạn thôi. Và có lẽ lão khoái ngửi hơi rượu, khoái nâng ly lên đặt xuống hơn là uống. Bởi nhiều khi lão nâng ly lên rồi, cứ săm soi nhìn thứ nước đục và lẩn vẩn như nước gạo loãng hồi lâu rồi lại đặt xuống.

Con kinh Xà Ron chảy qua vàm Cọp qua ngày càng chảy càng cạn nên càng dềnh rộng ra. Nó cũng như đời lão, càng sống càng mênh mang dần những nỗi buồn, nhưng chả thấy nỗi buồn nào sâu sắc. Nó như dòng Xà Ron mùa nước nổi, không thấy bờ. Chèo chống chi cho mỏi, cứ để rồi hết mùa nước lại cạn sát đáy thôi. Lão chả cố làm gì, cứ khoan nhặt vầy mà sống.

Cũng đã mấy lần lão ốm tưởng chết. Người ta nhận ra lão ốm qua cái bộ dạng mỗi ngày một tong teo. Lão ở một mình, thành ra nếu chết lão cũng sẽ chết một mình. Nhưng qua mỗi đận ốm, lão lại lúp cúp mò ra thị Rạp. Người ta hỏi lão chưa chết hả. Lão nhe răng cười: Tính chết rồi đó, sau thấy tiếng con bìm bịp gọi bầy, thấy vui vui lại sống thêm chút nữa. Ngày còn dài mà, chết lúc nào chả được. Lúc về lão tranh thủ đi dọc bờ kinh quật mấy con nhái hay rắn mối về làm mồi cho con bìm bịp. Tới nhà, việc đầu tiên của lão là đến bên cây bần, tháo móc hạ cái lồng nhốt con bìm bịp mồi xuống. Lão cưng con chim này hơn mọi thứ trên đời.

- Tao mê mầy như gái mê trai, như bà Hai cháo lòng mê ông Tư thuốc điếu, mê mày như lão Trượng mê tiên tửu, như bọn oe choai mê rượu đế mới ra đời...

Lão dành hết hơi để xuống xề ở cái tiềng "đời" cuối cùng nhưng lần nào cũng mắc nghẹn, hụt hơi. Con bìm bịp quay đít đi một vòng trong lồng. Tao mê mầy, tao mê mầy… mê chi cái thằng tôi. Kiếp chim mồi phản bạn nầy thì có chi mà mê. Lão cứ nói thẳng là mê lũ bạn tui ngoài vàm kìa. Chúng nó cho lão tiền mỗi ngày để sống đó. Rõ cải lương!

Lão Sáu quắc mắt: Không bao giờ mày có được cho tao một cái điệu bộ tử tế. Liệu hồn đó con. Trêu gan tao riết vậy, có ngày tao cho mày ra hiệu thuốc bắc! Là lão mắng yêu nó vậy thôi, chớ thực bụng lão mê cái điệu cà rịch cà tàng đầy chất du côn ấy của nó. Phải vậy mới khoái. Đời nó dám ngang, chứ lão, lão sống như con trùn chui đất, dám làm mình với ai bao giờ đâu. Lão vứt cho nó mấy con nhái vừa kiếm được: Ăn từ từ con, mắc nghẹn giờ. Con bìm bịp lúc lắc cái đầu, giương đôi mắt đỏ lên ra ý không vừa lòng: Ăn là việc của tui, mắc mớ chi đến lão mà lão cứ chằm xẹt tui vậy, mất cả ngon!

Lão Sáu bỏ qua cái điệu hỗn láo của con chim mồi, lúp cúp bỏ vô chòi lấy ra bịch thuốc gò với ít giấy quyến cặm cụi ngồi vấn. Lão châm lửa. Từng lọn khói đậm đặc quyện vào nhau lơ lửng bay lên. Chiều đang dần cạn đáy. Đã nghe u u đâu đó tiếng của bầy muỗi lá gọi nhau quần tụ. Lão chợt thấy nhớ. Cái hồi mà người đàn bà ấy chưa bỏ lão mà đi, cứ tầm này chị lại lui cui nhặt mấy quả dừa khô về rồi nghiêng đầu chụm môi thổi lửa làm mấy cái mẻ om khói xua muỗi. Cái cách thổi lửa đó nói với lão rằng chị không phải người của vùng này. Mỗi lần thổi lửa là mỗi lần chị húng hắng ho, còn tóc chị thì tàn tro phủ trắng. Nhưng cái dáng nghiêng đầu của chị có cách chi đó làm lão cứ nhìn là mê.

Rồi chị xách cái chậu nhôm hỏng đựng thóc lẫm ra bờ kinh cất tiếng gọi. Mấy con vịt xiêm vừa thay áo lá chiếp chép chen lấn lũ vịt cồ ào ạt chạy tới. Lão nhận ra từ ngày có chị về cùng, mấy con vịt bầu nhà lão đẻ chăm hơn hẳn. Sáng sớm, con gà trống duy nhất của lão nuôi định thỉnh thoảng đem đi đá cho vui cũng thản nhiên đè mấy con vịt xiêm cái ra đạp, xong rồi hồn nhiên vươn cổ gáy tè té te.

Đàn bà cũng như là đất, có tiền nghiệp với nhau, cùng thúc đẩy sự sinh nở. Cái duyên của chị thấm truyền sang bầy gà vịt. Xong rồi chị đi tắm. Ờ…. Cả cái tiếng nước xối rào rạt phía hiên căn chòi cũng làm lão mê nữa. Cũng làm lão nhớ. Nhớ nhất là lúc chị tắm xong. Chị sẽ bước ra cạnh gốc cây bần già rồi nghiêng người cúi đầu, cánh tay trần trắng như bông bưởi vươn nắm lấy lọn tóc dài quay tít làm văng ra bắn lên những tán lá bần, bắn cả vào mặt, vào bộ ngực để trần của lão những giọt nước mát rượi. Và những giọt nước ấy cho đến giờ hình như vẫn đọng lại trên khóe mắt lão. Lão thấy buồn se sắt. Ừa… vậy là mấy năm rồi vậy ta? Đời người như bóng câu qua cửa? Ai nói câu đó hè? Chắc đời họ vui nên tiếc. Còn lão chỉ một ngày cũng đã thấy dài ngoằng nè.

*

Lão Sáu Đẹt đột ngột biến mất vào dịp cuối tháng mười âm. Nói thế là bởi từ đó chả ai thấy lão đâu. Chả ai biết lão đi đâu. Và cũng không chắc là lão có đi đâu đó được thật không nữa. Chỉ biết tự dưng vào ngày ấy căn chòi nhỏ bên vẹt vàm Cọp đổ sụp rồi cứ thế nằm cho lá bần phủ dần lên. Cái lồng trước thả con bìm bịp vẫn treo trên gốc bần nhưng cửa thì mở, trong lồng trống không. Người ta bảo có lẽ lão Sáu Đẹt đã thả con chim để nó đi tìm bạn tình, còn lão thì theo những ngọn gió chướng đi kiếm người ấy rồi. Nói xong thở dài. Đất trời này mênh mông thế, kênh rạch đướng sá chằng như lưới nhện, rồi biết có ai tìm được ai ở đâu… Và biết ai giờ đang ở đâu?

Dù không biết là đi đâu về đâu, nhưng mấy đứa oe choai khẳng định như đinh đóng cột rằng mỗi lần nhậu say xỉn đi về qua chòi lão Sáu Đẹt đều nghe một giọng hát khê nồng cất lên: "Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này tôi xin mãi cuộc vui. Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người ..." (nhạc Trịnh Công Sơn)

K.S.
.
.