Ông Bường

Thứ Hai, 05/12/2016, 08:00
Được Cường dẫn đi xem nhà, khi lên lầu hai, thấy phòng vệ sinh khóa bằng ổ khóa to, Chi đã không nhịn được cười. Cường gượng gạo cho người yêu biết, đó là phòng vệ sinh của riêng bố anh, mỗi lần dùng xong là ông khóa lại, tính ông ghét xài chung đồ dùng. 

Chi khúc khích cười, thì ở cơ quan cũng vậy, sau giờ làm việc hàng ngày, giám đốc Bường bắt phải khóa cửa khu vực nhà vệ sinh, đến giờ làm việc hôm sau mới được mở. Ngày đầu tiên khi mới vào làm việc ở công ty, Chi được chính ông giám đốc Bường thảy vào tay chiếc chìa khóa: "Đúng năm giờ chiều, hết giờ làm việc, cháu hãy khóa phòng vệ sinh lại, sáu giờ rưỡi sáng hôm sau hãy mở".

Giọng giám đốc Bường nghiêm trang khiến cô áy náy không biết xử lý thế nào, chẳng lẽ người như mình lại làm cái việc đóng, mở cái toalet, mà trong ấy là bộ bàn cầu, cái chậu rửa mặt bằng sứ, mấy cái vòi nhựa, cho cũng chẳng ma nào lấy. Hơn thế, phòng vệ sinh là hệ thống mở để cho người ta sử dụng chứ.

Chiều ngày đầu tiên, về đến gần nhà rồi, cô liền quay trở lại, mở phòng vệ sinh mới khỏi day dứt. Thế rồi, hằng ngày, đợi cho ông Bường về cô mới rời cơ quan, sáng hôm sau tới sớm. Nhưng việc làm của cô không thể qua mặt ông Bường. Hóa ra, khắp nơi trong tòa nhà xuất bản này, kể cả cửa ra vào toilet, lão Bường đã bí mật gắn camera:

- Cô đã có bằng đại học loại giỏi, tôi muốn thử thách thêm trọng trách giữ khóa phòng vệ sinh. Đâu dè, cô qua mặt tôi. Từ nay cô xuống làm ở phòng tiếp thị.

Tiếp thị ở công ty xuất bản sách này tức là đi tìm bản thảo. Làm nhiệm vụ cao cả này là mấy cô, mấy cậu phải biết nghiêng ngó vào bàn viết nhà văn, đánh hơi thấy đâu đang viết sách là nhào tới. Rồi phải biết cách ăn nói để người ta đặt bút ký hợp đồng với mình. Giám đốc Bường thường phán vậy.

Thì Chi cũng biết việc xuất bản sách thời công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển này rất khó khăn, người ta cắm đầu vào laptop, điện thoại di động truy cập những chuyện giật gân qua mạng xã hội, ít người cầm sách đọc, nhà xuất bản nhiều, người làm ra bản thảo thì ít, đã vậy lại hình thành xuất bản sách điện tử.

Minh họa: Lê Huy Quang.

Tiếng là cơ quan xuất bản lớn nhưng phải tự hạch toán chi tiêu, nào tiền nhà, tiền lương cho nhân viên và hàng chục khoản chi có tên và không tên, khiến cho ban giám đốc lúc nào cũng họp hành tìm phương kế, đầu giám đốc Bường bạc ra ngày một nhiều, hai thái dương đã trắng màu cước, tính khí ngày một gắt gỏng thêm.

Chi đã làm được điều ông Bường giao, cô gặp các nhà văn để họ chuyển bản thảo đến nhà xuất bản của mình để in ấn thành tác phẩm. Tuy vậy, nhà văn thường là nghèo, họ không thể bỏ ra trên dưới một trăm triệu để in một cuốn sách mà chỉ muốn mua giấy phép rồi tự in. Phí giấy phép một tập thơ cỡ một triệu, văn xuôi là hai triệu. Thời buổi này mà nhặt từng triệu bạc lẻ, sống sao nổi.

Giám đốc Bường thường thở dài não nề vậy. Ông lệnh khai thác mảng hồi ký và sử các đơn vị. Hồi ký thường là các tướng lĩnh hay người có công với nước mới viết, còn sử biên niên cũng phải đúng vào dịp kỷ niệm năm chẵn. Cho nên nhiều vị mong bám ghế một, hai nhiệm kỳ để được vào sử sách.

Dẫu biết rằng, loại sử các cơ quan, đơn vị này xuất bản là để tặng theo gói quà kỷ niệm ngày thành lập, người được tặng cũng chẳng lấy làm vui, xách nặng tay, đọc chẳng thấy hứng thú vì chỉ là tư liệu ai cũng biết, có khi phát bực bởi mấy ông đương chức dùng sử để phô trương thành tích cá nhân, nhiều khách quí lấy ra lén đút vào gầm bàn, cũng là một cách trả lại xem ra có phần tiêu cực. Giám đốc Bường thừa hiểu vậy, nhưng đấy là khoản thu bộn nhất, mỗi cuốn có khi lên tới vài trăm triệu, chứ đâu phải ít.

*

Chi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, bố mẹ là cán bộ, nhân viên sống vào thời kinh tế bao cấp nên chẳng tích lũy được gì, bây giờ chi tiêu dè xẻn vào đồng lương hưu ít ỏi, thời này mà còn phải ăn nhín gạo, vẫn chưa thoát ra khỏi căn hộ tập thể vài chục mét vuông, tường bong tróc thấy rõ gạch táp lô, nước từ phòng vệ sinh tầng trên rỉ xuống đến rợn người.

Tốt nghiệp phổ thông, Chi vào học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, được tuyển vào nhà xuất bản này, hàng ngày vẫn phải ở căn phòng trọ chung với ba bạn gái thời sinh viên. Họ có việc làm nhưng thu nhập vừa đủ chi trả tiền phòng, tiền xăng xe, tiền ăn và không tính xiết cơ man nào khoản cần phải tiêu pha của người con gái ở giữa đô thị lớn nữa.

Đâu ngờ, cô Chi nhân viên vừa rời ghế đại học lại lọt vào mắt tuyển chọn con dâu của ông Bường. Con bé này dáng người nền nã, gương mặt sáng, gặp người quen là mỉm cười thay lời chào, làm việc gì cũng chu đáo, ngoài việc làm ở cơ quan nó còn lãnh cái việc làm ngoài giờ hành chính là dọn vệ sinh cho một phòng phát hành báo chí ở gần đây. Con gái thời này được vậy là hiếm. Có được con dâu như nó mình chẳng phải lo gì việc ở nhà. Tuy nó hơi bướng nhưng tuổi trẻ phải vậy.

Ông thường nhìn Chi ngồi trước bàn vi tính dáng đài các và nghĩ vậy. Rồi ông ngấm ngầm thực hiện bằng được chọn cô làm con dâu. Ông khôn khéo bố trí cho con trai gặp cô. Chi biết hết, nhưng cô vui vẻ chấp nhận.

Lần đầu gặp Cường, Chi suýt bật cười, khuôn mặt anh giống bố quá. Một khuôn mặt với những múi thịt chường gồ lên, má màu cà chua chín, đóng vào trí nhớ người ta ngay lần gặp đầu tiên. Đành rằng, con giống bố là chuyện đương nhiên, là diễm phúc lớn, nhưng Cường giống bố từ dáng đi chân như bổ từng nhát xuống đất, ngực ưỡn ra, khi trò chuyện môi như bặm lại, khiến cô không nhịn được cười. Cường nheo mắt nói:

- Anh biết em cười gì rồi?

- Xạo.

- Em thấy anh giống bố. Mà tính ông già thì em rõ rồi đó, rất khó, đúng không?

Chi cười khúc khích. Đâu ngờ, Cường tinh ý đến vậy. Nghe đâu anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh loại giỏi, là một trong những chuyên gia thiết kế mạng của Viettel.

Thoạt đầu, Chi chấp nhận quen biết Cường như là bạn bè. Cuối tuần, hai người thường đến quán cà phê bên kênh Nhiêu Lộc, họ trò chuyện về công việc, về những diễn biến đang xảy ra trong xã hội, biết bao nhiêu sự kiện chấn động diễn ra hằng ngày, với kiến thức và sự từng trải chưa nhiều của tuổi trẻ, họ không thể lý giải nổi. Và họ được tận hưởng dòng nước kênh đang xanh trở lại, mùa mưa nước dâng lên chạm mép kè, từng đàn cá nhao lên giỡn sóng, mỗi khi trời nổi gió, hàng cây bên bờ lật lá lên trắng như mảnh thiếc. Họ tranh luận, mở cả google tìm xem tên loài cây ấy nhưng tới giờ vẫn chưa biết.

Khi Cường trao lời yêu, Chi im lặng. Cường biết lý do cô chưa thể đồng ý, anh nói:

- Anh biết em không ưa tính ông già anh, nhưng chúng ta sẽ có cách sống biệt lập. Anh tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, kể cả gặp mấy nhà tâm lý học nhưng chẳng giải thích nổi tại sao ông già lại có tính như thế.

Tính ông Bường khác người, nóng nảy, hay cằn nhằn, thích miệt thị, chê bai người hơn mình. Sáng sớm bước đến công ty là ông mắng, la lối người này để xe không đúng chỗ, người nọ rửa ráy để nước vương ra sảnh nhà, người kia đi giày nện tiếng to quá.

Ông quát, ông la lối, ông cằn nhằn, ông mắng mỏ. Ngó ông vừa phì phèo thuốc lá vừa chỉnh đốn tác phong từng người mới thấy khôi hài. Khôi hài ở chỗ, chính ông là người dõng dạc phổ biến nghị định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng của Chính phủ và trước cửa ra vào tòa nhà, bên cầu thang các tầng, đều có biển "cấm hút thuốc lá".

Có lẽ ông thừa biết thuốc lá hủy hoại nội tạng người, nhiều lúc ông không nén được những tràng ho gật gục, lại còn làm ảnh hưởng sức khỏe người khác, nhưng trót nghiện nặng nên không thể cai được, thỉnh thoảng ông rít một hơi dài, ngửa cổ nhả khói lên, ra chiều khoan khoái và cũng là một sự ra oai, thách thức, ta đây cóc sợ ai, cơ ngơi này ta là ông chủ.

Sáng sớm nào nhân viên cũng phải hứng một thôi bực tức của ông giám đốc. Hình như đó là căn bệnh tâm thần của vị đứng đầu nhà xuất bản này. Ấy vậy mà khi có khách ôm bản thảo gõ cửa là ông thay đổi thái độ tức khắc, miệng ông cười xã giao, tay nắm tay đối tác thân mật như thể đồng đội sống chết cùng chiến hào lâu ngày gặp nhau, rồi mời vào chỗ trang trọng nhất bộ salon.

Sau tuần trà nóng tự ông pha, ông ca ngợi biên tập viên nhà xuất bản này tay nghề cao, kiến văn quảng bác, sống lịch lãm, làm việc có nền nếp, nhà in nọ in đẹp chẳng kém nhà in nước ngoài, giá lại rẻ như cho.

Ấy, bác thử nghĩ coi, đêm nằm tôi cứ mong sáng để tới cơ quan tận hưởng không khí làm việc hăng say, thân thiện ở đây. Không chừng khi có sổ hưu tôi xin làm chân gác cổng hay dọn phòng không cần thù lao để được sống trong môi trường văn hóa, khiến mình cảm thấy cuộc đời này thật là đáng sống.

Ông đứng dậy ngó ra phòng biên tập viên đang ngồi cắm mặt vào vi tính mà thổ lộ nguyện ước. Khi thương thảo hợp đồng có vẻ đã chín muồi, ông âu yếm nhìn đối tác, đi một nước cờ quyết định: "Tại sao trưa nay chúng ta không dùng cơm thân mật với nhau nhỉ? Có món cá chép sông Sài Gòn om dưa, cá rô đồng Tiền Giang kho tộ, canh chua cá lóc rạch Long An nấu với me, bạc hà, rất nhiều bẹ bạc hà, gọi là cơm nhà quê ấy mà. Cũng là để anh thấy được tài nấu nướng của con dâu tương lai tôi.

Cơm gạo nàng hương thổi bằng bếp củi, mở vung ra đã thơm nức nhà. Bữa trưa cấm rượu nhưng hôm nay tôi xé rào mời quí anh dăm ly rượu nếp Gia Viễn của một lão đồng chí sau khi thành công vang dội hồi ký đã sai con trai chở từ Ninh Bình vào biếu tôi ba vò rượu tự cất. Thứ rượu nếp than, ủ bằng men gia truyền này mỗi bữa chỉ cần xài vài ba ly thì cường sức phải biết".

Giám đốc đã quảng bá đến vậy đố vị khách nào nỡ từ chối và dĩ nhiên sau bữa cơm rượu sừng sừng họ hào phóng ký vào một bên hợp đồng.

Cũng phải thừa nhận, từ khi biết con trai mình yêu Chi, ông Bường chăm sóc cô như bố cưng chiều con gái vậy. Cứ tới lửng trưa, ông bách bộ ra siêu thị bên kia đường, biết cô thích sầu riêng, ông mua cả ký, rồi bánh ngọt hương vị socola, nho Nam Phi đầy cả giỏ… cuối tuần lại mua các thứ dầu gội đầu, sữa tắm. Cháu hãy xài thoải mái, con gái cũng phải biết làm đẹp. Các cháu đẹp thì bác đây cũng hãnh diện với thiên hạ. Xem ra, ông Bường là người hào phóng.

Nhiều lần, ông nói riêng với Chi:

- Bác rất mong có con dâu như cháu để nhờ cậy việc gia đình. Nhà cửa, xe hơi, tài sản chìm, nổi tao sẽ giao hết cho vợ chồng bay chứ có mang xuống mồ được đâu.

Nói vậy, nhưng trong thâm tâm ông Bường đoán Chi lấy được thằng Cường là phúc nhà nó lớn lắm. Thằng Cường có công việc ổn định, tương lai được giữ chức phó, trưởng phòng là cầm chắc, lại có nhà cửa đàng hoàng, bất cứ đứa con gái nào lọt vào nhà này là chuột sa chỉnh gạo, huống là cái đứa xuất thân từ miền khô hạn, rốn bão lũ như Chi.

           

*

Bữa cơm chiều trong phòng ăn khá rộng, thức ăn bày đầy mặt bàn tròn, gà luộc xé phay rắc lá chanh chấm muối ớt  xanh; thịt bò xào với rau cần, hành tây; cá trê kho tộ; canh chua cá ba sa với bẹ bạc hà.

Vào bữa, ông Bường ngồi ở cái ghế bành, mọi người ngồi ghế nhựa. Đây cũng là điều khiến Chi thắc mắc, sao bàn ăn lại để cái ghế bành, lưng dựa cao giống y ghế ngồi ở phòng làm việc giám đốc Bường. Hình như đoán được thắc mắc của người yêu, Cường nói:

- Bố anh thích ngồi ghế như vậy. Cụ ghét sự giống nhau.

Cường không nói ngoa, bát, đũa, muỗng bố anh cũng loại khác, cái bát sứ cổ có họa tiết con rồng uốn bên ngoài, đôi đũa inox sáng bóng, cái muỗng bằng đồng đỏ au. Thời xưa, ông nội rồi đến bố bác cũng dùng loại đồ này nên bác rất thích, xài loại bát đũa khác là cảm thấy bữa ăn nhạt nhẽo, bữa trưa ở cơ quan nhai vội nuốt vàng, gọi là cơm ba chạ, sao cũng xong, còn bữa chính ở nhà phải kỹ lưỡng mới thể hiện được bản sắc văn hóa gia đình Việt mình chứ. Ông nói vậy.

Cường tiếp lời:

- Đồ dùng của bố anh phải để riêng, ai nhỡ dùng là cụ bỏ luôn, sắm cái khác.

Ông Bường uống cạn ly rượu Chivas, chép miệng rồi vặc con trai:

- Mày cứ để ý những chuyện vặt như vậy làm sao mà tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được. Mày có thấy ngồi ở ghế này tạo được uy lực không. Làm người đàn ông phải biết lựa ghế mà ngồi.

Dứt lời ông chìa cái bát cho con trai. Cường xúc muỗng cơm vào bát, đưa hai tay cho bố. Ông liền nạt lớn:

- Đã bảo cơm là phải xúc hai lần, cơm cúng xới một lần. Hay mi tính tế sống tao?

Cường cảm thấy xấu hổ, mặt đỏ rựng. Chi cảm thấy thương anh. Ông Bường nói lấp:

- Đấy cháu coi, hắn lớn thế nhưng bác phải dạy từng li từng tí một như vậy đó.

Không khí bữa cơm gặp con dâu tương lai trở nên gượng gạo, cho dù ông Bường đôi lúc buông lời nói vài chuyện trạng để mua vui. Bữa ăn tàn một cách chóng vánh vì mọi người ít hứng thú. Chi dọn dẹp, rửa bát đũa, xoong nồi cho vào tủ, quét dọn phòng ăn sạch sẽ. Khi cô ra phòng khách thấy ông Bường ngồi ở ghế bành, Cường ngồi bên cạnh, cô giật mình sao Cường giống bố đến vậy.

            *

Đêm ấy Chi mơ thấy Cường ngồi trên ghế bành, mặt cương lên, miệng cằn nhằn không dứt. Cô thét lên, tỉnh giấc và thấy mồ hôi dấp dính lưng áo. Từ đó tới sáng, nỗi sợ bám riết lấy Chi, cô lo nay mai Cường sẽ giống bố anh.

Cường cảm thấy sau lần đến nhà chơi như là sự ra mắt ấy, Chi đối xử với anh khác hoàn toàn, khi anh hẹn gặp, cô thoái thác là có việc, cô đáp lại những đoạn tin dài bày tỏ nỗi nhớ của anh, bằng những mẩu tin nhắn cộc lốc và trung tính. Với mẫn cảm của  tuổi trẻ, Cường biết Chi đã không còn yêu mình nữa. Nhưng Cường vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Cho đến khi Cường ngỏ ý mời Chi về nhà dự sinh nhật của anh, Chi mới bộc lộ:

- Anh tìm người khác phù hợp hơn em. Thành thực mong anh xá lỗi.

Cường bàng hoàng, không ngờ Chi thay đổi chóng vánh đến thế. Nhưng rồi, anh biết, Chi đã lo ngại khi bước vào làm dâu nhà này.

Chừng vài tuần sau, ông Bường bàng hoàng thấy Chi chuyển sang cơ quan xuất bản khác, nghe đâu thử việc ở khâu sửa bản in thử và đi bỏ sách cho các tiệm bán lẻ.

Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung
.
.