Ô cửa sổ vẫn mở

Thứ Tư, 01/01/2014, 08:30

Càng vào sâu mùa đông, tiết trời càng trong. Trời càng trong càng giá lạnh. Những cơn giá buốt đổ tràn thị trấn khiến cảnh vật như bị gây tê và câm lặng suốt cả tuần. Những giọt sương hóa đá từ khi chưa chạm xuống mặt đất. Chúng vắt vẻo trên những tàng lá cóng lạnh, trên những cành thông già trơ trơ chịu trận. Và trên những nhánh lê khẳng khiu, không còn sự lựa chọn nào khác, cứ chĩa thẳng lên trời như thách đố.

Dự báo là sẽ có tuyết. Tuyết sẽ rơi dầy. Khách đến đông hơn. Những con đường sực tỉnh trong giây lát rồi lại miên man trong một đợt gây tê mới của đất trời. Chỉ còn hồi chuông cầu nguyện ngân lên như bổn phận vào mỗi sáng mỗi chiều, nhắc nhở người ta nhớ về một phiên chợ tình từng có từ thuở nào xa lơ xa lắc. Nhà của ba mẹ con người đàn bà ở trên một rừng sa mộc mà băng giá chiếm đóng suốt cả một thời gian dài. Khu rừng ở xa trung tâm, tiếng chuông nhà thờ nếu có đến được cũng chỉ còn là những âm thanh yếu ớt, không đủ làm xao xuyến hay thức tỉnh điều gì.

Khách du lịch thường dừng lại ở chốn ranh giới âm thanh ấy. Họ lắng nghe để rồi yên tâm rằng mình chưa đi quá xa. Băng tuyết ở đây rất tuyệt. Cả một rừng cây băng tuyết, cả những lối đi đầy băng tuyết. Và ngôi nhà cũng dát băng tuyết. Một kiểu nhà cổ trên nền một khung cảnh hiện đại. Sự pha trộn tài tình kích thích những ống kính hướng cả về phía ngôi nhà. Nơi những ô cửa sổ đặt dưới mái vòm bằng gỗ thông và căn phòng lớn cứ lấp lánh ánh lửa. Một cái lò sưởi lớn ấm áp với những khúc củi tỏa ra mùi nhựa thơm hắc cả một vùng. Từ ngôi nhà ấy vọng ra tiếng cười của những bé gái chừng bốn năm tuổi. Rồi cũng từ ngôi nhà ấy, một cái bóng đen nhánh lao ra ngoài vườn. Con vật ngước nhìn những vòm lá trắng xóa, trĩu nặng băng tuyết, nó kêu lên "mao… mao".

Thì ra là một con mèo. Một con mèo mun khổng lồ. Con mèo thoăn thoắt phi lên một thân sa mộc, dừng lại, cào sồn sột một lúc như giải tỏa những bức bối gì đó rồi lại lanh lẹ nhảy xuống. Một ít băng tuyết rơi từ cành lá rụng xuống gốc cây. Con mèo chạy xuống chân rừng, xung quanh những mái vòm bằng nhựa trắng che cho những vườn hoa ly đang đơm nụ. Hàng chục khu nhà hoa được bao bọc như thế để tránh rét. Sau khi chạy quanh khu vườn hoa một vòng, con mèo tót về hiên, lắc mình mấy cái thật thiện nghệ rồi mới nhảy lên cửa sổ, vào nhà bằng cách trang trọng nhất. Những cô, cậu thanh niên rú lên thích thú. Họ tiến lên thềm ngôi nhà, cất tiếng chào thân thiện.

Cửa mở, một người đàn bà còn trẻ ôm con mèo trong lòng đứng dậy, đưa tay chỉ chỗ ngồi cho khách bên lò sưởi. Ở đó họ tha hồ hàn huyên, trò chuyện. Thi thoảng họ còn được chủ nhà mời thưởng thức những chiếc bánh bao nướng nhân thịt gà trộn nấm hương nóng hổi hoặc những hạt dẻ rừng đặt trên than đến lúc chín tự nứt vỏ ra, thơm ngào ngạt…

*

Tuyết có từ bao giờ? Khi nào thì tuyết rơi? Cuộc sống của người dân nơi này mỗi khi tuyết rơi thì có xáo trộn gì không?  Mỗi mùa đông, cả trăm lần người đàn bà nghe những câu hỏi ấy. Và dường như sau mỗi mùa đông, chị lại nhận được một vài đề nghị ngẫu hứng muốn mua lại ngôi nhà, khu rừng sa mộc và trang trại hoa ly của những kẻ có tiền. Mùa đông năm nay, người đàn bà còn được nghe thêm một câu hỏi: "Cô ơi, sao con mèo nhà cô hay thế, nếu không nghe nó kêu, cháu không biết nó là một con mèo". Câu hỏi ấy như một bàn tay ai đó vừa bốc tuyết nghịch lại sộc vào sâu trong những lần vải áo, miết lên da thịt mình.

*

Vào một đêm giữa xuân, băng đã khá dầy, người đàn bà dậy cho thêm củi vào lò sưởi và đi kiểm tra mọi cửa sổ của ngôi nhà. Chị cất tiếng gọi: "Meo meo". Con Mun ra khỏi nhà từ chập tối giờ vẫn chưa về. Hai đứa con gái của chị đứng bên cửa sổ, hướng mắt vào không gian nhờ nhờ thăm thẳm của khu rừng. Tiếng gọi của chúng trong vắt, hồn nhiên. "Meo meo, mày ở đâu, về thôi!". Mưa băng vẫn rơi. Những tiếng gọi bị đông cứng. Bọn trẻ con ôm ngực chạy về phía chiếc giường ấm áp, nơi mẹ chúng ngồi yên như tượng. Còn yên hơn cả bức ảnh đức mẹ đồng trinh treo trên tường.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Khi cả hai đứa con chìm sâu vào giấc mơ kiếm tìm thì người đàn bà bất chợt nghe tiếng của con Mun gào thét như từ một cõi nào đó xa lắm. Cẩn thận xỏ ủng và cầm theo cây đèn pin, người đàn bà nhẹ nhàng ra khỏi nhà sau khi đã khóa cửa lại. Tiếng kêu của con Mun như bị tra tấn dẫn người đàn bà đến chỗ ba ngôi mộ hoang mà thi thoảng chị vẫn hương khói và chăm chút dọn cỏ. Mọi âm thanh dường như mất tích sau những ngôi mộ làm chị thấy bủn rủn từ xa. Chị vấp ngã đến cả chục lượt mới về đến hiên nhà. Con Mun đã đến tuổi tìm bạn tình. Thi thoảng nó có ra khỏi nhà và thường sau một hai đêm mới về.

Chưa từng ai kể lại rằng đã nhìn thấy loài vật này ân ái như thế nào. Nhưng người ta lại cứ nói về tiếng kêu gào của loài vật ấy trong cơn hoan lạc. Thi thoảng, hình như chị có nghe thấy những tiếng gào thét bản năng ấy. Nhưng lần này, chị linh cảm hoàn toàn khác. Vì tiếng kêu của nó là tiếng kêu cứu, đau đớn và vùng vẫy. Con Mun đã bị ai đó bắt đi. Dù có khôn đến mấy, nó cũng chỉ là một con vật. Nó còn đang chuẩn bị làm mẹ.

Băng đã tan. Trời rét sâu hơn. Trăng lồ lộ đỉnh rừng. Con Mun đã ba đêm chưa về. Cả ba đêm người đàn bà đi tìm và mất dấu con Mun giữa những ngôi mộ vô chủ. Tiếng kêu gào của con Mun như một nỗi ám ảnh, giằng xé tâm can chị. Vì thế, dù trời rất giá rét và gió cứ hun hút thổi thì chị vẫn dành một ô cửa sổ để chờ nó.

*

Năm ấy, Giao thừa, một mình chị bên lò sưởi. Đang hồi hộp chờ đón những khoảnh khoắc đầu tiên của năm mới thì chị giật mình vì có gì đó vừa chạm vào chân, dẫu rất nhẹ. Chị nhìn xuống. Một con mèo đen bé như cổ tay trẻ con, ướt mèm và bị què một chân. Con mèo ở đâu lết vào nhà chị và nằm mê man cạnh lửa. Toàn thân người đàn bà ớn lạnh. Chị nhớ đến mùa đông năm trước, hồi chị mới sinh con, một đêm, nghe tiếng hai đứa trẻ đồng thanh khóc thét lên. Anh bật điện và phát hiện một con mèo hoang đã chui vào nhà. Nó ngồi ngay dưới gầm giường và cất tiếng rên rỉ rất rùng rợn. Vợ chồng chị đã đuổi nó đi. Anh bảo: "Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu". Chỉ một tháng sau, anh đột ngột ra đi vì cảm lạnh. Từ đó, chị rất sợ mèo và sợ sự xuất hiện của những vị khách không mời vào những đêm mưa gió. Nhìn những đứa con nhỏ đang ngủ ngon trên giường, bản năng làm mẹ nhắc nhở chị rằng, chị phải bảo vệ chúng, cho chúng tránh xa những rủi ro trong cuộc sống. Giờ đây, con chị là tất cả. Rồi chị lại trách mình đã không cẩn thận khép chặt cửa mỗi khi ra vào.

Mùa băng giá, mưa rét, những con thú nhỏ ngoài rừng hay tìm vào nơi có lửa ấm để tránh rét. Chị không hẹp hòi gì với chúng, nhưng đã thành một kinh nghiệm mà người đời đúc rút rồi. Chị không thể cưỡng lại. Chị quay mặt đi, dùng cái kẹp than gắp con mèo lên như gắp một con chuột chết. Chị sẽ ném nó ra vườn. Đằng nào nó cũng sẽ chết. Khi chị ra đến cửa, con mèo con vặn mình, thoi thóp giữa cái kẹp sắt, kêu được duy nhất một tiếng "meo". Tiếng kêu nhỏ bé, yếu ớt. Chị nhìn hai đứa con nằm trên giường giữa những quần áo sang trọng, ấm áp, lại nhìn con mèo con quằn quại trong cái kẹp than… Gió vẫn không thôi vật vã.

*

Trời đã bước sang năm mới. Chị khẽ thơm lên những chiếc má bầu bĩnh, trắng hồng của hai đứa con sinh đôi côi cút. Chị lấy ra cái áo len đan dở và tiếp tục công việc. Bàn tay chị lóng ngóng, mũi đan xộc xệch. Chị lấy cuốn tiểu thuyết để trên giá xuống, lật một trang bất kì. Những dòng chữ nhảy múa. Cuốn này chị đã đọc ba lần. Có lúc chị ngỡ mình đã thuộc món quà anh tặng chị trong lần đầu hò hẹn. Vậy mà các nhân vật trong truyện ấy, đêm nay, sao bỗng như xa lạ? Không ai muốn nhận ra chị? Chị cho thêm củi vào bếp lò. Trên tường, cái bóng của chị như già đi, còm cõi và đơn độc.

Chị lên giường, nằm cạnh các con và cố không nghĩ ngợi. Ngoài kia, gió cứ dồn đuổi nhau trên những tán lá như một trò chơi đơn điệu mà nguy hiểm. Mùa xuân, muôn loài thay lá mới, chỉ riêng sa mộc vẫn diện tấm áo choàng cũ kĩ. Thi thoảng, đầu cành lá, một mầm non nhú lên, bẽn lẽn, ngơ ngác. Gặp gió hoang, chúng khép mình, và rồi vừa mới non tơ xanh đã vội vàng dạn dày để thích ứng. Đến nỗi, có người bảo không thấy sa mộc thay lá bao giờ. Chị không ngủ được. Giống y hệt cái đêm chị và anh đuổi con mèo ướt nhách, hôi hám ra khỏi nhà. Chị thở dài, ra khỏi chăn, xỏ ủng, lấy đèn pin, mở cửa. Chị đi dọc bờ rào, nơi vẫn dồn tích lại những rác rưởi để đợi ngày nắng ráo sẽ đốt đi.

Con mèo vẫn nằm đó, người nó mềm oặt, vắt ngang một đoạn rễ cây. Chị nhặt nó đem vào bếp, cuốn một cái khăn len cũ lên người nó và để gần với lửa. Mẹ chị vẫn hay nói, loài mèo vốn rất kiên cường, không dễ chết. Chị không nghĩ, một con mèo bé tí, non nớt như thế lại có thể sống sót dưới cái nền nhiệt chỉ khoảng một độ C suốt mấy tiếng đồng hồ.

Và hằng đêm, khi các con đã ngủ say, chị bối rối gạn những giọt sữa ít ỏi cuối ngày của mình vào cái thìa nhỏ, đổ cho con Mun. Con Mun như tìm thấy vị ngọt sữa mẹ mà nó đã từng được biết đến, nó tỉnh rất nhanh. Nó đã biết vươn vai, ngồi dậy, biết rùng mình, biết rửa mặt và tự lau chùi vết thương ở chân sau.

Những ngày sau đó, thức ăn của con Mun là một phần cháo, bột của các con, được chị chuẩn bị dư hoặc cố tình bớt lại. Con Mun háu ăn, không chê gì cả. Đến lúc nó ăn hết cả nửa đĩa cơm. Nó lớn rất nhanh và bắt chuột rất giỏi. Nhà chị chẳng còn một mống chuột. Chuột ngoài rừng sợ vía con Mun cũng không dám bén mảng vào nhà bao giờ. Chị và các con về thăm bà nội hoặc đi đâu đó xa nhà cả tuần, con Mun trông nhà như một bảo vệ thực thụ. Nó hoàn toàn biết tự lo liệu.

Với các con của chị, con Mun như một món quà quý. Với chị, con Mun là một người bạn. Buổi sáng nào, nếu nó trèo lên cửa sổ rửa mặt và chăm chú nhìn ra bên ngoài thì hôm đó trời nắng đẹp. Hôm nào nó phóng như bay lên thân sa mộc rồi cào cấu, hôm ấy mưa. Hôm nào, nó quanh quẩn trên ghế thì trời râm mát. Những đêm tuyết rơi, con Mun không ngủ, nó cứ ngồi bên lò sưởi lim dim như kẻ nghiện lửa. Tuy thế, thỉnh thoảng nó vẫn vểnh tai hóng ra rừng, như đợi một tiếng gọi xa xăm nào đó. Chị nghĩ, cũng như người, chắc con Mun có kí ức và đang có điều gì bồn chồn, day dứt.

*       

Bị tiếng kêu cứu của con Mun đày đọa, người đàn bà hốc hác hẳn đi. Ngôi nhà chìm trong những lời đồn thổi về một hồn ma miêu nữ. Rằng chính hồn ma ấy đã mang chồng chị đi và rồi sẽ về bắt hết con chị. Chị không tin như thế. Nhưng mẹ chồng chị và họ hàng thì tin. Các con chị rất sợ, ngay cả ban ngày chúng cũng không dám chạy ra rừng như trước nữa. Và rồi khách du lịch đổ xô về ngôi nhà có "ma mèo" trên rừng sa mộc như một sự trải nghiệm. Nhiều khách còn chỉ cho nhau những vết xước lớn trên thân cây và khẳng định đó là vết cào của con ma mèo trong cơn tức giận. Có người bảo con ma mèo còn theo họ về nhà nghỉ, nó ngồi trên cửa sổ, cất tiếng kêu ma quái. Họ bảo chưa từng thấy một con mèo mun to như thế bao giờ. Giờ đây, ngôi nhà và khu rừng ma ám của chị trở thành chiêu câu khách của cánh xe ôm. "Đi rừng ma không các bác ơi"…

Lẫn trong những cô cậu thanh niên mới lớn ham chuyện lạ tìm đến khu rừng, còn là những vị khách tâm linh. Đó là cách gọi chung cho những người làm việc bằng giác quan thứ sáu như gọi hồn, gọi vía, trừ tà, yểm bùa, dâng sao, giải hạn. Chưa bao giờ lượng khách tâm linh tìm về thị trấn lại đông như lúc này. Những nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, qua môi giới, dẫn dắt đã lần lượt đăng đàn cúng bái. Thôi thì có thờ có thiêng có kiêng có lành. Ai ai cũng thế. Vậy mà chị, chủ khu rừng và biệt thự có ma lại dám khước từ mọi nhã ý của những nhà tâm linh cất công lặn lội từ xa đến là sao? Chị tiếc tiền chăng?

Chị làm nghề trồng hoa. Trang trại của chị dưới chân rừng chỉ có duy nhất hai loài hoa, đó là hoa ly và hoa bất tử. Người ta còn bảo, chị rất giàu cơ mà. Thôi thì, nạn đến cửa nhà ai, nhà ấy phải chịu. Đâu có riêng gì khu rừng và ngôi nhà của chị. Đất này, chục năm trở lại đây có rất nhiều chuyện kì lạ. Phần lớn là chuyện ma, chuyện những oan hồn đi đòi đất, đòi nhà, đòi con, đòi chồng, đòi công lí. Ngay cửa ngõ vào thị trấn là một khu đất khá rộng và bắt mắt, giải tỏa, đền bù đã xong, đã có một dự án đầu tư lớn, nhưng cứ xây gì lên cũng đổ, trồng cây gì cũng chết. Và đến cả một khách sạn hạng sang ngay giữa phố cổ cũng bị khách du lịch tẩy chay vì cứ đêm đêm, những ma nữ áo trắng xuất hiện trong phòng của khách, thậm chí còn lên giường nằm cùng. Chưa kể, thi thoảng lại có một cái chết bí ẩn. Hoặc trong một nhà hàng lớn.

Cứ khuya khoắt, như có một bữa tiệc âm thầm diễn ra. Người ta bảo đó là ma quỷ đói khát kéo về tự nấu nướng và ăn uống với nhau, loảng xoảng cả lên. Nếu không phải thế, sao thức ăn, rau củ quả để trong tủ lạnh, chỉ sau một đêm cũng thối rữa hết…? Và đêm nào cũng có tiếng bát đũa xô vào nhau? Rồi từ đâu đó, lại có những người hảo tâm về thị trấn, bỏ tiền ra mua lại khu đất ấy, khách sạn và nhà hàng ấy. Tất nhiên là mua rẻ thôi vì họ phải bỏ ra tiền ra để mời các nhà tâm linh về hóa giải. Rẻ mà bán được thì cũng bán, còn hơn là để như vậy rồi chết dần chết mòn vì sợ. Mạng người vốn quý nhất.

Tiếng là "đất dữ" nhưng ngôi nhà và khu rừng của chị cũng có khá nhiều người đánh tiếng hỏi mua. Chị không muốn bán. Không phải là chị không tin vào những điều tai nghe mắt thấy nhưng chị không bán ngôi nhà chỉ vì chị sinh ra và lớn lên tại chính khu rừng này và chị là người duy nhất gìn giữ tài sản bố mẹ chị để lại. Nhìn đâu cũng thấy kỉ niệm, những kỉ niệm theo chị đã nửa đời người níu giữ chị. Một bên là kỉ niệm. Một bên là sự bình yên của các con. Vào những đêm tiếng mèo hoang rú lên, các con ôm chặt lấy chị, người chúng đầm đìa mồ hôi và rồi chúng bật khóc. Cái cảm giác có lỗi với các con đã dằn vặt chị rất nhiều. Cuối cùng chị cũng quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp cho một người đàn ông giàu có và quyền thế trong vùng. Mọi thứ gần như đã xong xuôi cả. Qua ngày giỗ anh, chị sẽ chuyển đi.

*

Đêm hôm ấy, tiếng con ma mèo lại gào la thảm thiết trên khu rừng sa mộc. Người đàn bà khốn khổ lại bật khỏi giường, xách đèn pin chạy lên chỗ những ngôi mộ hoang với linh cảm rằng con Mun còn sống và nó đang cần đến chị. Bất chấp những sợ hãi, chị tiến đến gần, dùng đèn pin rà soát toàn bộ ba ngôi mộ. Trên những ngọn cỏ hoang thân mộ, chị thấy lấp loáng những vệt máu tươi. Chị chắp tay, vái lia lịa, cất tiếng gọi và rối rít khẩn cầu. "Meo... meo... Mun ơi, mày ở đâu? Về nhà đi. Con van các ông các bà, con lạy các ông các bà, các ông các bà tha cho nó đi". 

*                  

Gió vẫn không ngừng vặn vẹo, bẻ cành, tuốt lá. Tất cả các cánh cửa đều đóng, duy chỉ ô cửa sổ phía phòng khách vẫn mở. Các con chị sợ sệt nhìn ra ô cửa đen ngòm. Mắt chúng như van nài. "Mẹ ơi, con sợ lắm". Chị khép cánh cửa lại, ôm cả hai đứa vào lòng, an ủi. "Một đêm nay nữa thôi, sáng mai mẹ con mình sẽ về bà nội". Hai đứa trẻ nằm im, những ngón tay nắm chặt. Chiếc đồng hồ trên tường gặp nhấm niềm hi vọng cuối cùng của chị một cách chậm rãi đau đớn.

Kể từ khi con Mun đi, đêm nào chị cũng đốt lửa, sưởi một mình. Và khi các con đã ngủ say, chị lại mở cửa sổ, đợi con Mun. Đêm nay, lần cuối cùng được khép mở cánh cửa này, chị bật khóc. Đúng lúc ấy, một bóng đen nhảy vụt lên. Còn đang bàng hoàng thì con Mun đã lao thẳng vào lòng chị. Con Mun không còn đôi tai để dụi vào tay chị, cũng không còn cái đuôi để cong lên mừng rỡ khi gặp chủ. Tất cả những cảm xúc của nó dồn vào một con mắt sáng như đuốc. Máu từ hố mắt còn lại của con Mun vẫn đang rỉ ra. Bụng nó lép xẹp. Nó gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Chị xiết chặt con Mun vào lòng mình, dịu dàng hỏi: "Ai đã cắt đuôi ra từng mẩu?". "Meo meo". "Ai đã cắt hết cả tai?". "Meo meo". "Và ai đã móc mắt?". "Meo meo". "Làm sao mà trốn được? Hay người ta đã thả mày ra?". "Meo meo meo". "Thế các con đâu? Chết hết rồi phải không?". "Meo meo". "Họ muốn chúng ta bán ngôi nhà đây mà. Không bán nữa nhé?". "Meo meo".

Chị lặng lẽ cời ra từ bếp lò những hòn than thật đỏ, thật nóng như được ủ suốt một mùa đông dài. Con Mun tụt xuống, ngồi bên cạnh chị. Nó cẩn thận dùng cái chân duy nhất lành lặn, tự lau rửa những vết thương. Trên tường, rõ ràng hai cái bóng, một to, một nhỏ. Đôi lúc ngọn lửa làm hai cái bóng nhòa vào nhau

T.N.H.
.
.