Nửa đêm nhớ

Thứ Hai, 23/07/2018, 09:08
Anh Đồng lao như tên bắn vào sân, hai tay huơ hai chiếc  phong bì: “Bố ơi anh em con đỗ rồi”. Tức thì chặn ngang tiếng reo của anh Đồng là tiếng bố tôi từ chuồng bò vọng về: “Vuông tròn rồi… Bê cái..”.

Một buổi chiều đón hai niềm vui lớn, bố tôi vẫn không phá lệ nhà. Mỗi khi các bác các chú lập chiếu rượu, không bao giờ bố cho anh em tôi ngồi cùng.

“Chuyện thợ cày vui ít buồn nhiều, để lọt tai con trẻ chúng sớm khôn già trước tuổi” - Bố tôi nói thế.

Khuya lắm anh Đồng mới về. Anh tắt tivi đang tường thuật bóng đá, kéo tôi ra cửa sổ gian chái. Tôi phủ đầu: “Anh đi báo tin vui rồi vui quá phải không?”. Anh Đồng gật đầu: “Thì cũng báo cho vui. Nàng thưởng cho phát hôn đã đời rồi bảo cất đi làm kỷ niệm”.

Tôi biết Doan đôi khi cũng có những pha đùa không kém lũ con trai. “Nàng đùa anh thôi”. Anh Đồng thở dài ra dáng người lớn: “Không đùa tí nào đâu. Chúng tao phải bàn tính nên mới về muộn”. Tôi chộp vai anh Đồng: “Tính sao?”. Anh Đồng móc túi lấy ra hai bì thư ném tọt vào ngăn bàn: “Đi ngủ”.

Quát tôi đi ngủ nhưng anh Đồng lại đi ra sân. Kệ anh. Hình bóng cô bạn thời cấp hai với dàn khung thêu rực rỡ sắc màu đánh bạt những trăn trở về việc thi cử học hành. Doan học hết lớp chín là “bai bai” tuổi học trò, đi học nghề thêu. Bạn bè tiếc cho Doan học giỏi, gia đình có điều kiện.

Dân làng có người khen con bé Doan "tỉnh đòn" với thời buổi thừa thầy thiếu thợ, sớm học nghề lập nghiệp. Năm anh em tôi vào lớp mười một, Doan đã là chủ xưởng hơn chục khung thêu hàng xuất khẩu. Đến cuối kỳ một năm lớp mười hai tôi mới té ngửa anh Đồng và Doan đã “chết nhau” từ năm lớp chín. Thật kính nể ông anh vừa yêu vừa học vẫn đứng trong tốp mười toàn khối.

Càng nể Doan vừa yêu vừa lập nghiệp, nổi danh nhà doanh nghiệp trẻ. Cô chủ tỉ tê thế nào mà xem ra anh Đồng vô tư cho qua mười hai năm đèn sách. Hay là anh chị “chén nhau no rồi?”. Làng bây giờ không hiếm chuyện các cô các cậu thôi học để làm bố làm mẹ. Doan là cô chủ xinh đẹp nổi tiếng, khối anh quyền chức, con nhà săn đón. Biết đâu ông anh tôi sợ mất người đẹp nên đánh bài liều “xơi cỗ sớm”.

Tôi tá hỏa lao ra sân túm tay anh Đồng đang lững thững quanh sân: “Anh có... phải...”. Anh Đồng củng đầu tôi: “Tao thừa hiểu cái có phải của mày. Nghe đây…”. Từ từ rót vào tai tôi là tính toán của anh Đồng hay là kết quả hợp tác của hai cái đầu trẻ tuổi được khen là thông minh. Một nhà hai con cùng đỗ đại học quốc gia là việc xưa nay hiếm. Hãy dẹp cái vinh quang ấy vào góc nhà để nhìn vào thực cảnh. Hai anh em cùng vào đại học hệ năm năm quy về một là mười. Mỗi năm sào ruộng trừ “n” khoản phí còn được bao nhiêu?

Con bò, con lợn đẻ được mấy lứa? Không cần bấm máy tính cũng biết tích số và hiệu số là lõa mồ hôi hột. Vào nhà, anh Đồng bắt tôi đứng trước tấm gương treo tường. Anh vén tóc trán anh, trán tôi, kéo vành tai anh vành tai tôi. Anh nhe răng nhăn mũi bắt tôi làm theo. Tôi méo mặt vì khó hiểu. Anh Đồng hớn hở như làm bài thi trúng đáp án. “Ông trời đã tính trước việc hôm nay lệnh cho bà mụ nặn giúp bố mẹ cặp song sinh xưa nay hiếm. Tao chỉ khác mày mỗi cái dấu huyền. Ông bà, bố mẹ lắm khi còn nhầm nói gì người ngoài”. Tôi cướp lời anh Đồng: “Anh có say không đấy?”.

Anh Đồng phấn chấn: “Từ ngày oe oe chào đời, hôm nay tao tỉnh táo, sáng suốt nhất. Tao ngộ ra mày là thằng siêu ngố ngoại hạng. Mày yêu văn mê sử đến phát cuồng. Từ ngày cởi truồng đã được vênh mặt là nhà nọ nhà kia. Thế mà mày lại thi vào ngành quản lý. Rõ là mày hám đường quan chức. Từ cổ chí kim, quan chức to tướng đến đâu cũng chỉ là nhất thời, phải nhớ. Chỉ những nhà giáo, thầy thuốc giỏi, những áng văn thơ hay mới bền lâu trong trí nhớ người đời.

Ví dụ hỏi Lương Thế Vinh. Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm… làm nghề gì thì ai cũng biết, nhưng hỏi ông vua, tể tướng thời ấy là ai thì hầu hết lắc đầu. Tao kém xa mày mà thi ngành sử vẫn được điểm cao. Mày đừng a dua, cứ thi theo sở trường thì ăn chắc thủ khoa. Người sáng suốt là dám sống chết với sự yêu thích của mình…”.

Tôi loạng choạng bước ra ghế dài. Anh Đồng tót ra ngồi bên cạnh. “Thực mày siêu ngố nhưng vẫn chưa hết cơ hội thông minh lại. Từ mai mày sẽ là Đỗ Đình Đồng”. Tôi thực sự choáng váng. Nhưng ngẫm ra anh Đồng có lý. Tôi buột miệng: “Lộ ra thì đi tù cả nhà”. Anh Đồng vỗ vai tôi: “Xưa nay cơ man sự tráo đổi mà có hề hấn gì đâu. Lắm pha còn nên nọ nên kia, lưu danh sử sách. Chúc mừng mày qua cơn siêu ngố. Đi ngủ”.

Tờ đơn xin việc tòi ra nửa chừng bị chặn lại bởi đầu cây gậy trúc ông ngoại tôi còn đứng bên ngoài lùa gậy trúc qua song cửa đùa đứa cháu ông tin yêu nhất. Bà ngoại, ông bà nội mất sớm, ông ngoại chăm anh em tôi bằng tình thương yêu “ba trong một”. Trong ký ức của anh em tôi, đồng hành với lời ru của mẹ là những câu chuyện của ông ngoại.

Ông ngoại tôi có rất nhiều sách báo nhưng “tủ sách” trong đầu ông còn nhiều hơn. Tuổi chưa biết chữ a-b-c vuông tròn thế nào anh em tôi đã biết bốn nghìn năm trước có bà mẹ một lần sinh hạ trăm người con, biết chữ “sát thát” có mấy nét sổ ngang, sổ đứng. Chuyện ông ngoại kể hay hơn, cuốn hút hơn chuyện in trong sách và nhiều chuyện không có trong sách vở. Câu chuyện dù hay đến đâu, dài ngắn thế nào ông cũng chỉ kể một lần rồi gợi ý để anh em tôi kể lại.

Tôi được ông khen: “Thằng Đông nhập tâm hơn, biết suy dẫn hơn thằng Đồng. Xem ra có khiếu làm anh giáo văn sử”. Nhờ những câu chuyện của ông, tôi được lũ bạn tôn danh “nhà sử học”. Tôi cũng hay khoe mẽ với chúng bạn bằng trò phịa ra những câu hỏi “sử học”: “Khi vào thành Thăng Long vua Quang Trung cưỡi voi đực hay voi cái? Trên thuyền chiến Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải múc nước tắm cho nhau bắng gáo dừa hay bát gỗ?

Minh họa: Lê Trí Dũng

Hoặc trước khi đi săn Vua Hùng ăn sáng bằng món gì? Lê Lợi và Nguyễn Trãi sau khi giết lợn lấy mỡ viết lời sấm lên lá cây thì bộ lòng đem xào hay luộc, có đánh tiết canh không?”. Khi bị lũ bạn căn vặn, tôi ra ngay bài thủ sẵn: “Cứ về tìm sách mà đọc. Lại là một trò đểu nữa.

Lũ chúng tôi nửa ngày đi học nửa ngày đi chăn trâu, đánh dậm, có đứa đi đội cát thuê, cắt cỏ bán cho cánh xe bò bến than… Thì giờ đâu mà đọc sách. Sách giáo khoa không đủ tiền mua trọn bộ, đào đâu ra tiền mua sách truyện để đọc.

“Ông ngoại ơi”. Tôi nghe rõ tiếng lòng mình bật lên thổn thức. Trong bâng khuâng tôi nhìn thấy nửa tờ đơn xin việc đổi màu và dầy lên như một cuốn sách. Phải là pho sách quý mới đầy đặn bìa đỏ lấp lánh chữ vàng sang trọng như thế. Một gợi nhớ hết sức thú vị. Kỳ nghỉ hè năm thứ hai, trên đường về tôi rẽ vào hiệu sách phố huyện.

Trong túi chỉ còn tiền đủ mua bộ tranh truyện hai tập cho đứa cháu và suất xe ôm về làng. Lúc trả tiền bộ truyện tranh, tôi nhìn thấy trên giá sách sau lưng chị nhân viên có lô sách bìa đỏ nổi hàng chữ vàng “Lịch sử đảng bộ…”. Pho sách dày ngót năm trăm trang, bìa cứng sang trọng mà giá chỉ bằng nửa hai tập truyện tranh. Tôi mua hai cuốn để tặng ông ngoại và cho mình. Mấy hôm sau sang nhà ông ngoại chơi, ông bảo tôi lấy trên giá xuống cuốn lịch sử đảng bộ.

“Cháu đã đọc chưa?”. Tôi thưa: “Cháu đọc kỹ rồi. Cháu sẽ mang lên trường khoe với các bạn truyền thống quê hương. “Hãy khoan làm việc ấy”. Ông ngoại nói khó nhọc như người đang ốm nặng buộc phải ngồi lên nói chuyện. Cuốn sử đã làm ông khó ngủ, đến bữa ăn chợt nghĩ đến là miếng cơm nghẹn cổ họng.

Có một hiện tượng đang khá phổ biến, địa phương nào đấy, ngành nào đấy rục rịch làm lịch sử truyền thống là xuất hiện các Mạnh Thường Quân. Các vị đổ tiền tài trợ in ấn, đăng ký mua số lượng phát hành. Đồng tiền đưa tên tuổi các “Thường Quân” vào pho sử hoành tráng bìa đỏ chữ vàng. Tiền sử đã lấn át chính sử, càng đọc càng thêm buồn, xót đồng tiền, thương tờ giấy trắng. Ông ngoại mở trang sử có mấy dấu hỏi to tướng bên lề: “Cháu có nhận xét gì về những trang này?”.

Tôi  thưa: “Đó là những trang viết rất hay về cuộc Tổng khởi nghĩa”. Ông ngoại thở dài: “Người có công không được ghi nhận dù chỉ nửa chữ”. Thêm một câu chuyện ông ngoại kể không có trong sử sách. Thời kỳ tiền khởi nghĩa việc chuyển tài liệu, chỉ thị đến cơ sở rất nguy hiểm, nhiều người bị bắt, bị tra tấn đến chết. Ông Cò Kè người làng Quảng sau khi chứng kiến cô giao liên bị treo cổ lên cây đa, ông tìm gặp tổ chức xin nhận nhiệm vụ nguy hiểm.

Tài liệu, cờ đỏ ông quấn trong người được bộ quần áo Cò Kè bảo vệ an toàn tuyệt đối. Có những tài liệu ông phải gói kỹ giấu dưới sọt phân. Một lần vào đồn dọn phân xong, ông xin gặp viên thiếu úy Đồn trưởng. Giữa chừng câu chuyện, viên thiếu úy rút súng dọa bắn. Ông Cò Kè bình tĩnh chỉ đôi quang sọt nghề nghiệp: “Tôi là kẻ làm nghề mạt hạng còn biết nghĩ đến lẽ đời phải trái, được cách mạng tin cậy giao việc. Anh học cao hiểu rộng, hiểu biết thời cuộc hơn tôi, biết đâu là sáng đâu là tối. Trong sọt có tài liệu mật, phiền anh đọc xong hãy siết cò súng”.

Sử chép đồng chí X. gọi loa thuyết phục lính đồn đầu hàng. Sự thật là ông Cò Kè thuyết phục kẻ có học mà lầm đường. Viên thiếu úy cùng lính đồn dẫn đầu đoàn nông dân đánh chiếm dinh Tổng đốc. Ông ngoại gấp lại cuốn sử, động tác không giấu nổi bực dọc: “Vài ba năm nữa cháu là anh giáo dạy sử. Đứng trên bục giảng lời nói sai sự việc, tên người là tai họa khôn lường. Cháu đừng quá tin vào kiến thức sách vở”.

Pho sách đỏ biến mất. Ông ngoại tôi vẫn đứng ngoài song cửa chăm chú nhìn ô vàng. Có một đêm trăng sáng từ từ hiện lên trong đôi mắt ông ngoại đã ngả màu cùi nhãn. Bố đưa anh em tôi sang thưa với ông việc tráo đổi. Ông đọc xong chẹn cặp kính lên tờ giấy báo nhập học: “Trò tráo đổi thế này sử sách có chép nhưng không nhiều.

Hai cháu thật khéo thu xếp việc trái phép nước nhưng thuận cảnh nhà”. Cậu cả cùng đi ra ngõ níu anh em tôi chậm lại: “Bố chúng mày bơn bớt cái tính thẳng mực tàu thì hai đứa được hưởng chế độ con thương binh từ ngày oe oe. Giờ cả hai đứa vào đại học đỡ rất nhiều tốn kém…”.

Tôi biết cậu cả chưa hết trách bố tôi về việc giám định thương tật. Bố tôi bị thương ở mặt trận Tây Nam. Mấy lần bố tôi đi giám định thương tật đều thiếu một, hai phần trăm. Mức thiếu ấy chỉ vài cái phong bì là dư tỷ lệ xếp hạng được trợ cấp hàng tháng, vợ con được hưởng các chế độ ưu tiên. Bố tôi bảo người chết còn chưa tìm thấy xác, người sống mặt mũi nào hưởng cái danh lợi mua.

Đêm trăng sáng từ từ khuất sâu vào đáy mắt ông ngoại. Tôi vội vàng níu cây gậy trúc, bàn tay chạm vào song cửa. Thưa ông, tấm bằng tốt nghiệp của cháu đây. Ông ngoại trở tay chống gậy, ánh trăng xiên chiếu bóng ông đổ kín tấm bằng. Thời gian kể từ đêm trăng vừa khuất trong đáy mắt ông cho đến đêm nay đã sáu năm dài. Bao nhiêu câu chuyện ông kể vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ. Tôi đau đáu một ngày trong giờ lên lớp, trong đêm lửa trại, buổi ngoại khóa các em sẽ được nghe tôi kể lại chuyện của ông ngoại tôi.

Cuộc sống muôn màu sẽ có lúc được nói ra sự thật không có trong sách vở và không giống trong sách vở. Một ngày của kỳ nghỉ hè năm cuối hai ông cháu đi trong vườn cây, ông chỉ cây nhãn lồng đầu luống: “Sang năm cây nhãn vào lứa bói là cháu ra trường. Ông sẽ xin phép dự buổi đầu tiên cháu lên lớp…”. Ước nguyện của ông bị cơn đau tim cướp mất. Cháu của ông cũng chưa biết đến bao giờ mới có buổi lên lớp đầu tiên. Chút hơi ấm cuối cùng từ bàn tay ông đã cô khối tròn vo trong ký ức. Lời chót ông dặn vĩnh viễn là mực thước hành xử với cuộc đời rất nhiều biến cải. Xin ông hãy giúp đứa cháu được ông khen là “thằng biết học”.

*

Vườn cây lao xao tiếng lá. Tôi cảm nhận rất rõ một làn gió lùa qua song cửa. Ô vàng phập phồng bật lên tiếng “ủng… ò”. Con bò ân nhân của tôi thật tinh quái, từ trong lòng ô vàng “ủng ò” đánh tiếng rồi mới đủng đỉnh bước ra chễm chệ một góc ô vàng. Xin chào ân nhân. Tôi huơ bàn tay thân thiện. Con bò ngoay ngoảy đi. Đã thân thiện với nhau từ bẩy, tám năm nay tôi hiểu động thái của ân nhân. Cái ngoảy đầu hàm ý câu hỏi.

Xin thưa: Thì cũng như mọi lần mẹ con bò đứt ruột xa nhau là góc tủ lại có một phong bì đựng tiền. Cái phong bì lặng lẽ chờ gã sinh viên về đem đi chi dùng vào sự ăn học. Phong bì với những ai đó là niềm vui là thu nhập. Với gã hồn nhiên chơi trò tráo đổi “Đông thành Đồng” thì cái phong bì là nỗi ám ảnh là những cơn giật mình vỡ nát giấc ngủ vì tiếng “ủng … o…” gọi con, tiếng “ẹ… o…” gọi mẹ.

Giữa kỳ năm học gã sinh viên cần tiền đi thực tập. Lợn nái chưa đến lứa. Sào lúa non chịu giá bèo bọt. Mẹ con “ân nhân” phải chia tay nhau sớm hơn chu kỳ con tách mẹ cả tháng trời. Con bê ra đến cổng ngoái đầu lại kêu thống thiết. Bò mẹ suốt đêm “ủng… ò” gọi con, sáng mai bước chân loạng choạng, ra bãi sục mõm hít cỏ thở dài. Bán xong con bê lứa thứ năm, chú Thự bàn cho ăn tăng dinh dưỡng, uống thuốc kích thích sinh sản rút ngắn thời gian giữa hai lứa. Bò sớm lứa sớm có tiền nuôi sinh viên. Bố tôi làm theo. Con bò đẻ dầy lứa già đi trông thấy. Sắp đến ngày sinh lứa thứ bảy, con bò bị chướng khí nằm ợ thở dốc. Cả nhà lo cuống lên. Anh thú y dùng thuốc đặc trị liều cao. Chị Doan nghe lời các bà sắm lễ ra miếu Thần Nông xin tàn hương về pha nước lã cho bò uống. Bảy ngày đông - tây y giao duyên con bò qua cơn nguy hiểm, mẹ tròn con vuông.

Tháng Mười tôi ra trường. Nhà đỡ một khoản chi, bố tôi đồng ý thôi bắt bò uống thuốc kích thích. Tôi có thời gian trả nghĩa “ân nhân”. Sáng chiều hai buổi tung tăng bãi cỏ non, đêm đêm cỏ tươi đầy ô. Con bò mượt sáng lông vàng, mông sườn nây núng hồi xuân, ra bãi khối chàng bò tơ ve vãn. Lứa thứ chín phối giống nhân tạo.

Con bê lai được chụp hình “ăn theo” bài báo in trang nhất báo tỉnh. Mẹ con bò chia tay đúng chu kỳ nên nỗi buồn cũng không quá nặng nề. Tiễn con bê ra ngõ, bố tôi nói với người mua: “Tôi muốn giữ con bê để nhân đàn nhưng cần món tiền kẹp hồ sơ lo việc cho cháu”. Người mua nhận chạc dắt con bê, từ chối tiền bớt lấy may: “Bác để cho con giống tốt là may rồi… Coi như tôi đã nhận, cho lại cháu lấy may”. Món tiền bán bê chị Doan đã đổi toàn tiền chẵn cho vào phong bì để trong góc tủ. Con bê lai tăng đáng kể trọng lượng hồ sơ xin việc của gã cử nhân.

“Cảm ơn nhé”. - Tôi buột ra lời thành thực chứ không phải là tiếng lòng tiếng dạ. Bởi vì ngoài song cửa thấp thoáng mẹ con bê lai đủng đỉnh… Bởi vì tôi thấy hai tai nóng rần rật. Con gái sinh viên thường rỉ tai nhau dự cảm đang lo tính việc gì mà nóng mặt nóng tai là điềm báo thành công. Thật thế không, các bạn? Tôi đang nóng cả tai cả mặt đây. Cảm ơn… cảm ơn… Xin chào… xin chào… Tôi cuống lên. Đồng hành với dự cảm vận may tôi nhìn thấy con chó cái đen và con lợn nái lai chễm chệ giữa ô vàng. Bấy nay bố tôi được tiếng khen là mát tay chăn nuôi.

Bò, lợn, chó đều lứa, mẹ cũng như con đẹp như tranh vẽ. Thâm tâm tôi nghĩ những con vật trong nhà âm thầm chia sẻ hoàn cảnh với chủ. Chào cái đen. Ngày tôi chuẩn bị nhập trường cũng là ngày mẹ con đen chia tay nhau. Năm cô cậu cún con sắm cho tôi chiếc hòm tôn và chăn màn loại tốt. Chăn màn phải thay vì thằng bạn cho ăn tàn thuốc lá. Chiếc hòm tôn dày đựng đầy sách theo tôi về quê. Như là có hẹn cái đen đẻ hai lứa lại có một lứa trùng với nái lai.

Ở trường mấy bạn thân hay hỏi vui: “Kỳ này lợn hay chó đóng học phí?”. “Bò nộp cho mấy tháng tiền trọ?”. Hết kỳ nghỉ hè năm thứ ba tôi đeo nỗi buồn trở lại trường. Buổi tối cái đen bụng mang dạ chửa ra đường bị dính bả cố lết về gục bên gốc mít. Anh em tôi và chú Thự đưa đen ra chôn ở gốc sung bờ ao. Đã hai mùa cây sung sai quả, thơm ngọt hơn. Lại sắp một mùa sung chín…

Mới hôm kia thả bò trên bãi tôi nằm bên bờ tre chắn sóng ngủ thiếp đi. Tôi mơ gặp lại buổi đầu tiên đến trường. Con đen đi theo ra đầu ngõ dụi mõm vào hòm tôn, ngậm ống quần tôi níu lại. Tôi cúi xuống xoa đầu bắt gặp đôi mắt đen ươn ướt, mắt tôi nhòa đi… Chào chị nái lai. Ngúng ngoảy thế chắc là chị vẫn còn giận gã cử nhân thất nghiệp. Vâng. Bài học nhớ đời nái lai ạ. Tháng ba, mười hai chú ỉn cho gã dư ba tháng tiền ăn tiền trọ. Lên trường vui bạn rủ gã chung vốn đánh đề. Ba ngày hai thằng trúng đậm, một vốn mấy chục lời. Gã bàn nộp tiền trọ gửi trước tiền ăn hết học kỳ, số dư mua đôi xe đạp tốt, chấm dứt cảnh lếch thếch nhà trọ - nhà trường.

Thằng bạn quả quyết cờ bạc chiều tay mới, làm quả gấp chão. Đốt cháy giai đoạn xe đạp lên đời xe máy xịn. Hai ngày gấp chão cháy sạch tiền ăn tiền trọ. Thằng bạn tỉ tê đêm hôm qua tao mơ bị hai đứa người yêu đá cùng một ngày.

Đen tình đỏ bạc. Hết lãi còn vốn. Đánh quả quyết định. Bảy giờ tối hai thằng chụm đầu xem tin nhắn điện thoại. Sạch sành sanh. Cô bạn cùng lớp từ thiện hai thùng mỳ tôm. Chủ nhà trọ thúc tiền trọ, lần thứ ba rõ giọng điệu trục xuất. Đành muối mặt a lô cầu cứu anh Đồng. Đúng lúc anh chị ngồi hóng mát trên bờ đê. Ông anh chơi xóc đưa điện thoại cho người yêu. Chị dâu tương lai hình như vừa nói vừa cười tủm: “Lần sau có gấp chão thì gấp tư mới chắc ăn”.

Tôi không kịp trình cái đen và nái lai tấm bằng tốt nghiệp. Có lẽ hai ân nhân chưa nguôi giận nên ghé qua ô vàng một lúc rồi bỏ đi. Mà cũng có thể các ân nhân biết tôi đang phải chịu hậu quả trí tưởng tượng của chính mình. Chuyện là thế này: Trong bữa liên hoan chia tay tôi nói với các bạn, nếu gom lại được kỷ niệm thời sinh viên sẽ nhiều như những bao cát hộ đê. Những bao cát ấy sẽ è cổ sệ vai mỗi người cho đến tận ngày “bai bai” cuộc đời. Các bạn ngớ ra một lúc rồi vỗ tay rầm rầm, bia lon ruợu cốc ép tận môi.

Tôi chọc thử ngòi bút vào cái bao cát vô hình lơ lửng trên khoảng không cách ô vàng vài gang tay. Chảy ra “cát” một buổi ngoại khóa. Sa bàn phòng tuyến Như Nguyệt trông rất hoành tráng. Ông thầy học vị tiến sĩ huơ thước chỉ cô bạn “mỳ tôm” của tôi. “Em hãy chỉ đâu là đại bản doanh của Lý Thường Kiệt. Đâu là hướng tấn công chính của quân Tống”.

“Mỳ tôm” xúng xính váy áo, má phấn môi son, guốc mốt bảy phân, từng bước… từng bước…như người mẫu lên sàn. Bỗng… Cạch… Cạch. Hai gót bẩy phân rủ nhau gẫy. “Mỳ tôm” ngã oạch, kêu ối. Váy trắng chợt loang đỏ tốc lên phô ra mấy vòng vải trắng thít bụng. Cả lớp xói ánh mắt vào tôi giây lát đổi hướng. “Mỳ tôm” giơ tay, nhoài người về phía ông tiến sĩ: “Anh… anh ơi…”. Ông tiến sĩ vẫn chăm chú sửa lại đụn cát sa bàn chỗ quân Tống dàn trận.

Có hạt cát tua tủa góc cạnh xoay như con quay trên đỉnh đầu nhói thuốt xuống lồng ngực. Thằng bạn đi đâu cả tuần, mười giờ đêm hạ cánh cùng cô gái xinh tươi. Đang vui chuyện tay ba, cô gái thở dài, thằng bạn lừ mắt. Tôi ôm sách ra bờ sông. Ngồi dựa gốc cây dán mắt được mấy trang sách tôi ngủ thiếp đi. Giấc mơ tôi với thằng bạn vật dở cuộc vật tay vì có bàn tay rờ rẫm trên người.

Tôi hé mắt bình tĩnh chuẩn bị thế đòn. Chờ bàn tay chạm vào cái ví tôi bật lên túm ngực tên móc túi. Gã trai cao dỏng nhanh thoắt chém cổ tay tôi, khoèo chân làm tôi ngã ngửa. Gã đạp giầy lên ngực tôi, huơ huơ cái ví: “Ngực mày có giáp sắt bảo vệ tim không?”. Trong ví là món tiền mẹ con nái lai chia tay nhau và anh Đồng tạm ứng công trình.

Hôm tôi trở lên trường anh Đồng bảo: “Sang tháng tao lập kế hoạch nâng cấp đội lên xí nghiệp. Phải vay thêm vốn mua sắm máy móc. Hai nhà đồng ý chờ mày ra trường là chúng tao cưới. Liệu đấy mà chi tiêu”. Tôi cố nén cái đau gót giày di trên ngực: “Xin anh để lại cho em tiền nhà trọ. Năm cuối rồi phải lo tìm nhà trọ, khổ lắm anh ạ”.

Gã cao dỏng xuôi tay cầm ví, nhẹ gót giày day ngực: “Mày học trường nào, ngành gì?”. Tôi nghển cao đầu: “Đại học Quốc gia, Sư phạm sử”. Gã giơ cao cái ví như muốn ném vào mặt tôi: “Nguyện vọng ba hay đợt bốn đánh trống ghi tên?”. “Không ạ. Em đỗ trong tốp hai mươi”. Gã cao dỏng sừng sộ di mạnh gót giày: “Mày là thằng đại ngu. Lực học như thế mà lại thi vào cái ngành không ai muốn học. Đã từ tám hoánh nay tìm bẩy ngày không thấy thầy cô nào dạy thêm, trò nào học thêm môn sử. Một phòng thi sử ba bốn thầy cô coi một trò. Biết chưa?”.

Tôi nói to: “Biết rồi ạ”. Gã cao dỏng cười phá lên, cúi xuống kéo tôi đứng lên: “Mười năm trước tao thi, đứng trong tốp năm, học ngành oai nhất thế giới. Việt Nam học. Oai sang quá còn gì. Bây giờ tao là thằng ăn cắp”. Gã thở dài, nhét trả cái ví vào túi tôi: “Thì ra đời vẫn còn thằng ngu như tao. Thưởng cái tính thật thà của mày”.

*

Sáng mai ai vào việc ấy. Tôi có việc như một năm nay các bạn xa cũng như gần tôn danh: Cao bồi miền ta; hơn đứt dân cao bồi miền Tây xứ cờ hoa tấm bằng cử nhân đại học.

Ra đến ngã ba đường trục đồng tôi nhìn thấy có người đứng trên cống máng nổi vẫy tay. Đích thị là thằng Tháp đi kiểm tra dòng chảy. Tháp là bạn tôi từ năm lớp một. Tháp học khá và nổi tiếng với những trò đùa hóm hỉnh. Tốt nghiệp phổ thông Tháp thi cao đẳng nghề. Bây giờ hắn là Trưởng trạm bơm lo việc nước non cho bảy xã tả ngạn sông Lăng.

Tháp nhao lại giơ tay chào con bò, vỗ vai tôi:

- Thế nào rồi?

- Cậu hỏi tớ. Tớ biết hỏi ai. Hay chúng ta cùng hỏi con bò.

Tháp gật đầu đánh phắt. Hắn ghé miệng vào tai con bò, ghé tai vào mõm con bò, nhảy cẫng lại trước mặt tôi:

- Bò bảo bằng đỏ bằng hồng gì hãy biết vậy. Trong khi chờ đợi cậu có việc nên làm.

- Việc gì ?

- Bò bảo bướm đã có nhầy là sắp đến kỳ thả nước. Nó hứa giúp cậu nhân đàn, làm ông chủ.

- Việc rất hay - Tôi buột miệng.

Tháp khoát tay về phía bờ đê:

- Ông Kha lùa bò ra bãi từ sớm. Ông ấy có thâm niên nửa thế kỷ hành nghề phối giống trâu bò. Tông tích trâu bò trong vùng ông biết rõ lắm. Trước khi vào việc cậu phải gặp ông ấy.

Tháp quay ra vỗ mông ân nhân của tôi. Con bò nghển cao đầu “ủng… ò…” một thôi rồi xăm xăm về phía bờ đê. Bên kia mái đê là cánh bãi bạt ngàn cỏ non.

Truyện ngắn của Trần Văn Thước
.
.