Nỗi niềm son phấn

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:11
Son phấn được đưa về ấp. Thì cũng đâu phải từ đâu xa lạ. Chỉ trần là mấy đứa gái con nhà Hai Rựa, nhà ba Khoẳn, nhà Tư Lé đó. Mấy đứa hồi nào bỏ nhà rủ nhau đi hoang, giờ trở về với áo hai dây, quần Lơvis buông rèm chốt rỉa nơi đầu gối. 

Da không sạm nắng hay vẫn sạm mà được kem làm trắng che đi. Tóc không khét mùi sình non, không buộc túm đuôi gà mà được uốn sấy rối bong như tài tử xinê. Mắt không toen hoẻn nông trơ mà rợp tối ẩn một cái nhìn u uẩn dưới cặp mi nhựa cứng quèo và cong vút. Kẽ chưn không còn trưng ra màu ố vàng của phèn chua đọng mà được giấu trong đôi giày cao gót.

Mấy đứa chắc bạn bầu cũ chi ngoài phố theo về chơi, tóc tai bờm xãi, cổ lấp lánh vòng kiềng nhựa mạ vàng, chân bước trên đường mấp mô những ụ sình vừa kịp chai nắng mà cóm róm như đang trên đường chông, hai cánh tay trần trắng muốt chấp chới như cò gặp bão. Chỉ có vậy mà ầm ĩ. Cả cái xóm ấp nghèo như người đang ngủ mòng bị đánh thức dậy. Bọn con nít í ới kêu nhau: "Ra xem cave bây ơi". Người lớn ngó ra, ngơ ngác hỏi gió: "Ai vậy cà"; "Sao vậy cà", "Để làm chi vậy cà?".

Lời giải đến chỉ mấy hôm sau. Một quán lá được mọc lên ngay trước cổng nhà chú Tư Lé. Mái lợp chắm đóp. Vách thưng bằng lá dừa nước ép hai lần chồng nhau kín mít. Nhỏ nhưng không hề xập xệ. Ít nhưng hàng bày trong quán toàn thứ sang: Bia 333 đỏ, bia Sài Gòn xanh, cả Niken nữa. Thuốc Con Mèo nằm cạnh Ba Số dẹt. Chồng socola bên hũ kẹo gôm, kẹo cao su...

Vài ông già nhà kế đó da mốc cời ra đầu ngõ đứng ngó qua, chắt lưỡi hít hà. Mấy bả mấy chị đẩy xuồng qua ghìm chèo ngó lên mấy cái cặp chưn trần trắng muốt đang ngồi xếp băng trên bộ ván ngựa cũ lấy ra từ nhà Tư Lé, nghi hoặc. Cánh trai lượn lờ, đứa đứng xa ngó lại, đứa giả bộ tản qua miệng ngậm cọng cỏ, chân bước thẳng vẻ trang nghiêm nhưng con mắt nhìn xéo. Vài tay cả gan đánh võng mấy câu ấy ơi, ấy à với mấy đứa xưa cũ.

Thì xưa cũ thiệt. Bạch Vân là con gái đầu của vợ chồng nhà Tư Lé. Tên ngày xưa của nó là Bệu. Hồi bé nó béo mập như hòn bi ve nên chú thím đặt tên con vậy. Nhà Ba Khoẳn vì mong có được thằng cu, hoặc do thím Ba quen dạ không dừng được nên từ bụng thím Ba chui ra đứa thứ bảy, vẫn một nếp "Mặt mũi giống cha, ngã ba giống mẹ". Biết sao. Ông giời nặn ra chúng chứ đâu phải tại chú thím? C

hú Ba đặt tên cho con là Tuyệt, nghĩa là thôi, dừng, không đẻ nữa. Con Tuyệt giờ có tên "văn hóa mới" là Tuyết. Nghe bọn trai ấp đánh võng, mấy đứa xưa cũ nhà Hai Rựa, Ba Khoẳn, Tư Lé dang cánh tay trần rổn rảng đáp lại bằng thứ giọng nửa phố nửa xóm bãi. Chen lẫn nghe trong gió có cả thứ tiếng gì lạ huơ lạ hoắc...

Chú Tư Lé sớm đó không mặc xà lỏn ngâm sình và ở trần như mọi bữa, mà vận quần âu, áo bỏ thùng. Chú là người đi đầu trong công cuộc cải cách này và chú thực sự vừa rũ bỏ giai tầng cũ bước lên một ngạch bậc mới. Chú đi cùng con Bệu nay có tên mới là Bạch Vân xách túi đồ, trong đó lỉnh kỉnh những lon bia hộp và mấy món đồ nhậu mua từ siêu thị ngoài phố ra Ủy ban xã. Vì tối qua chú đã đến nhà ấp trưởng, nhà Chủ tịch xã để có nhời nên hôm nay chú đến Ủy ban, tim không đập thì thùm, bụng không thắc thỏm như mấy lần vướng công chuyện trước, mà tự nhiên như vừa từ ngoài đồng trở về nhà mình. Ông Chủ tịch xã giữ ý không ra mà cho cậu tạp vụ đón cha con chú Tư từ cổng trụ sở.

Con Bệu kêu ông Chủ tịch xã là anh. Chú Tư nghe, tim đập cái bụp, trừng đôi  mắt lé: "Bây hỗn. Phải gọi là bác chớ". Con Bệu cười lấp lóa: "Trời ơi ba thiệt là… anh Chủ tịch trẻ vầy mà ba". Ông Chủ tịch xã đang ngó chăm vô chiếc váy ngắn của con nhỏ cũng vội cười lấp lóa: "Không sao, không sao. Tụi trẻ bi giờ chúng tân tiến, hiện đại. Mấy lị… nghĩ chúng có lí chú Tư à. Đây là chốn công đường, nơi giao dịch xã hội. Mọi quan hệ đều trên tinh thần công khai, bình đẳng chớ đâu phải trong gia đình họ hàng mà xưng bác cháu, kêu thế người ngoài không hiểu lại cho là mình có dây leo chi nó mất cái khách quan. Thôi chú với em vô đây.

Nào có chuyện chi bày tỏ công khai, minh bạch… hè hè…". Chủ tịch xã rút máy di động từ cái bóp da bên hông ra bấm tít tít. Mươi lăm phút sau đã đầy đủ các chức sắc chính quyền xịch đến. Sự bày tỏ công khai minh bạch của chú Tư với những người làm công quyền của xã diễn ra thân mật, ấm áp nghĩa tình trong phòng làm việc của Chủ tịch xã. Ai cũng khen nhà chú Tư có phước, khen con Bệu sáng ý tiên phong đem văn hóa mới về thôn ấp.

Nội cái vụ chú Tư cho dựng quán trước cả tuần nay, đã đi vào kinh doanh, giờ mới báo xã cũng được khen là có tư duy kinh tế, nhanh nhạy, biết bất ngờ chộp thời cơ. Con Bệu lại phải mấy lần cười lấp lóa đính chính cái tên Bạch Vân thay vào cho tên Bệu. Bia và những hàm răng cải mả xám xịt xen lẫn những răng nhựa trắng lấp lóa va vào nhau sủi bọt. Phải phải, anh nhớ rồi, anh nhớ rồi. híc híc. Bệu Bạch, Bệu Bạch… hí hí… nào zô. Trăm phần trăm nghen!

*

Nắng chấp chơi. Gió chấp chới. Tất cả đều như không thật.

Quán của con Bệu mở lòng đón khách. Mấy ngày đầu liền khách đông kín từ sáng tới đêm. Mà phần lớn khách sang không hà. Họ đến từ đâu đâu. Có người đi xe máy từ ngoài thị về dẫn theo cả một toán đông bạn bè. Có người lên từ một ghe hàng bông, buổi sáng theo con nước dâng trên kênh Chà, trưa khi nước ròng về ngang qua quán Mây chiều Tím thì neo lại lên quán uống bia 33 rồi ngồi miết đó tới khi chừng tám chín giờ đêm con nước lên lại mới xuống ghe đi tiếp.

Khách đó chịu chơi, hào phóng, nhiều khi mua hàng rồi lại bày luôn đó mời cả mấy đứa trong quán cùng nhậu, cùng hò hát. Cánh đàn ông trong ấp cũng tới nữa. Phân nửa là bọn trai. Thì họ ít tiền, ngồi đó như để xả một cái gì cho đời đỡ tẻ, ngó mấy đứa trẻ ăn vận lạ cho mát mắt chút đỉnh. Họ kêu xị rượu, nhâm nhi với vài ba gói đậu phộng, nhướn mắt ngó ghen với mấy bọn khách lạ ăn mặc bảnh, ai cũng có điện thoại di động bấm tít tít, cười nói oang oang, điệu bộ cà chớn với mấy đứa nhỏ trong quán như ở chỗ không người. Thế thôi.

Chú Tư trong nhà chốc lại chạy ra, không vô quán, chỉ đứng phía bên kia lộ. Mặt chú quay lơ hướng khác nhưng con mắt thì ngó qua, nói cười phớ lớ với mấy bác, mấy cậu giai quen trong ấp. Rồi lại vội quay vô nhà. Con Bệu lệnh cho chú không được vô trong quán. "Đây là quán chung của mấy đứa liền, ba vô đó tụi nó cho là ba săm soi thu chi chi" - Cái Bệu bảo vậy.

Chú Tư ờ ờ chịu trận. Chú giữ lời nhưng vẫn thấy mình phải để mắt tới mọi thứ. Tụi nhỏ biết có tính toán được lời lãi cho đàng hoàng không. Trong cái vụ mở quán nầy có hai chỉ vàng của chú đắp cái nền và toàn bộ số vật liệu công xá dựng dã, rồi cả tiền vốn cho con Bệu đó chớ. "Ba yên tâm mạnh dạn đầu tư. Cứ có khách đều như vầy thì chỉ mấy tháng là con hoàn lại cho ba số tiền đó" - Con Bệu lấp lóa cười với chú.

Nhưng rồi như người dân ở đây thường nói, chuyện tính zdậy nhưng lại không phải zdậy. Con Bệu tính vậy nhưng còn có cái ở đâu đó, có thể là người không nhìn thấy nhưng vẫn đang lởn vởn giáp kề cũng tính nữa. Nhưng là tính kiểu khác.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Trước hết là những câu bỏ nhỏ của vài ba người trong ấp. Cave là chi vậy cà? Thì còn là chi. Tiếng Tây nó gọi vậy cho sang chớ thực là làm đĩ đó. Làm đĩ? Ừa. Ai có tiền thì vào quán, nó chìu chuộng, bả lả ôm vế sờ đùi hun hít. Có tiền nữa thì đi cùng ra ngoài thị Rạp, vào nhà nghỉ cho lên giường ôm ấp. Thế thôi. Ủa, mấy đứa gái đó bé hui, còn ít tuổi mà. Vậy đáng tuổi cha chú nó, ông cố nó mà có tiền? Thì đã nói mà. Được. Được tuốt luốt con trạch chấu. Cứ có tiền là xong. Ông có tiền nhiều không bao tui, tui dẫn đi coi. Coi mần chi. Tui kiếm đâu ra tiền?

Mà... nói nghiêm đó chớ hay ba xạo chọc quê tui? Đã ai nhìn thấy chưa? Hổng cần nhìn thấy. Nhưng suy kĩ cho thấu đường chui của con lươn thì thấy. Ngoài phố, minh mông thiên hạ thiếu chi bia, nước ngọt, sinh tố, kẹo bánh mà họ cứ phải về tận cái quán nầy. Phải có chi khác chớ. Cái đó nó là vậy mà. Hoài nghi. Ngơ ngác. Mơ mòng. Rùi bạu cọ: Hèn gì tháng qua thấy toàn mấy thằng đâu đâu lạ hoắc lởn vởn. Hèn gì chúng có tiền dựng quán, ăn diện ngút trời. Hèn gì... Ui, tiền đó kiếm đâu ra?

Một đồn mười, mười đồn trăm. Những lời rỉ tai của mấy bà mấy thím sồn sồn theo ngọn bấc bay đi len qua những vách lá ọp ẹp rồi luẩn quẩn trong đó không chịu rời. Chỉ chưa đầy tháng sau quán Mây Chiều Tím vắng khách hẳn. Cánh trai làng tỏ ra dè dặt. Đáp trả mấy câu anh à anh ơi ngọt lịm từ mấy đứa gái trong quán chỉ là những câu: Ui, bai bai... anh đang mắc chút công chuyện. Mấy bác mấy chú thì dợm bước chân ra ngõ đã vấp phải cái nhìn lạnh băng hoặc câu hỏi  ngang hông của vợ "Ông định đi dăng câu giờ này?".

Đành thụt vô nhà kiếm mảnh giấy báo ngồi quấn thuốc rê, đốt điếu thuốc lên rồi nhìn khói bay mắt hoang hoải buồn. Đời là chi mà như bò buộc cẳng vầy nè ? Ngay cả mấy đứa con nít lảng vảng quanh đó cũng bị ba má nẹt: "Sao, bây định sau theo lối bỏ nhà đi hoang hay sao? Về học bài!". Vậy đó.

Quán dần vắng khách. Con nhỏ Bạch Vân dành nhiều thời gian ngồi đồng ngó gió. Chếch quán của nó là tiệm sửa vá kiêm chạy xe ôm của thằng Túc. Cái quán xập xệ, tong teo… nhưng được cái nằm ngay nơi giao của con lộ chạy liên xã với con hẻm nhỏ ven ấp nên cũng tạm ổn. Mặt Bệu thoáng một chút nóng khi nhớ đến Túc.

Từ hôm Bệu về, chỉ duy nhứt một lần thằng Túc ghé qua để phụ chú Tư dựng quán. Nhưng quán dựng xong, cái biển Mây Chiều Tím được giăng lên là Túc mất tăm. Có vẻ như Túc giận chi nó? Thằng Túc tướng tá như bụi đời, mặt mũi đen nhẻm, thân đét như con chàng hiu. Ăn nói cũng bặm trợn nữa. Nhưng được cái nết, nhỏ thó mà hào khí. Tánh nó tốt lạ lùng.

Hồi chưa đi hoang, Bệu chập chững mò ra thị Rạp kiếm đồ phế thải về lọc bán phụ với má đóng tiền học, nó phải nhờ thằng Túc đi kèm. Có thằng Túc, bọn bụi đời ngoài thị Rạp mới cho nó tới bãi rác mà lần nào mò đến nó bị lũ trẻ xua kì cùng, bảo đấy là lãnh địa riêng của chúng. Nhà Túc nghèo nhứt xóm. Đặt tên cho con vậy là ba má nó mong khi lớn lên nó sẽ giàu. Nhưng mà giàu sao nổi giời. Đời ba má đã nghèo đến phải bán cả vài công ruộng để sắm một cái xe đạp cà tàng giúp chuyển làm nghề ve chai thì mai này thằng Túc muốn giàu chắc trông vào giấc mơ trúng vé số.

Nó nghĩ rồi lại chù ụ ngồi nhìn hoang ra mé kinh nơi có lùm hoa mua với những bông tím khẽ đung đưa. Tất cả chẳng có gì ăn nhập với cái gì. Đời đem những cơn gió vô hình chứa đầy cát sỏi quất tới tấp vô trái tim non nớt của nó. Tất cả chuỗi thời gian ở tạm ngoài phố giờ buộc phải về, cái còn lại duy nhứt, lởn vởn trong trí nó vẫn chỉ có cái bản mặt tím tái bóng nhẫy kem thoa của bà chủ quán khi nắm tóc đuổi tụi nó ra không cho làm tiếp vì không chịu chiều khách cho tới "Z". Thì về. Ham vui chút đỉnh thì được. Giang hồ vặt cho đời đỡ tẻ mà, chớ chi cũng phải có ngưỡng nha. Tụi tui đâu có phải kiếm ăn với ba chuyện đó.

Hối con Tuyết chạy vô phòng lấy túi đồ rồi kéo bạn đi hùi hụi, không ngoái lại, Bệu thấy đau. Mà đau chi cà? Hổng biết. Đau vã vậy thôi chớ ai biết rõ là đau gì. Chỉ bỗng dưng thấy thèm một nụ cười, một nụ cườì kèm theo câu: Đằng ấy ơi, lại đây tớ bảo cái này hay lắm. Vậy.

Bên cạnh Bạch Vân, con Tuyết ngồi, một chân bẻ ngang, chân kia gập lại chống cằm. Nó đang cạo móng chân. Móng chân nó trước lội sình nhiều, phèn bám vào vàng khé. Sát mé kinh một vài dây đậu cộ mọc hoang đang ra hoa. Nụ bông đậu cộ tím biếc trông giống chiếc giày cao gót. Nó nhìn bông hoa mà mắt chợt bâng khuâng. Hôm ở phố có anh chi đó biểu chiều, cho ảnh hun môi rùi ảnh mua cho đôi giày cao gót...

Hứa vậy thôi nhưng cho đến giờ chiếc giày giống hình bông đậu cộ vẫn mãi đang nằm trong niềm mơ của nó. Cũng cái hồi còn theo con Bệu ra làm ở phố, nó thường ngồi đồng trên mấy cái ghế nhựa trước quán nhậu vừa đón khách vừa ngắm đời. Nó ngắm đời, cái cổ quay rù rù, chậm như con rắn mối bò tới bên con muỗi lá đậu trên vách liếp. Không có tiền mua son phấn hàng hiệu, nó mua lại đồ trang điểm chắc là dổm của mấy tay cò mồi, da nó nhiều chỗ bóng ra, bị son ăn, phấn ăn loang lổ. Vậy nên phải trát thật nhiều. Trát thật nhiều nên mọi cử động của nó phải thật chậm kẻo vữa phấn bong rơi hết.

Nó nhớ nhỏ bạn. Con đó thân với nó hơn cả chị em ruột nè. Nhưng hôm nó bỏ quán về quê, rủ về cùng, nhỏ bạn nó chỉ khóc, dặn biểu má nó rằng nó vẫn nhớ nhà. Nhưng đừng chờ, nó không về đâu. Bao giờ chết thì nó sẽ về. Nghe nhỏ bạn nói mà hoang hoải. Đi làm cái nghế bạn với phấn son nầy sao hổng buồn. Ăn nói bằng giọng lưỡi ai đó chớ đâu phải của mình. Mình gọi cái thằng cứ chằm vô đòi ôm eo, ôm cổ mình mà hun hít mình đó là anh iu, là hoàng tử của em, là...

Ban ngàn vạn từ trên giời bay như bông gòn trong gió mà có đậu lại từ nào của mình, có câu nào đi ra từ trái tim mình đâu. Nó cô đơn đến nỗi lục hoài tan hoang hết trí nhớ mà vẫn không tìm ra được một gương mặt ai đó để thương, để nhớ. "Mùa hè năm nay, anh sẽ đưa em về thăm nhà..." - Giọng của ca sỹ Tuấn Vũ theo nhịp Bolero từ chiếc catsete trong quán khiến nó nhăn mặt nấc cụt. Xạo hoài!

Quán Mây Chiều Tím chỉ tồn tại được mấy tháng rồi bị dẹp. Vụ dẹp quán diễn ra ngay từ lúc mặt trời bắt đầu đổ nắng xuống cái xóm nghèo đã mấy tháng trắng mắt mong mưa. Người lớn nghe ồn ào hối mấy đứa trẻ mầy chạy qua đó xem có chuyện gì. Rồi cả ấp kéo đến xem. Sao vậy cà? Nghe nói mấy ổng văn hóa huyện kêu là tụ điểm dễ xảy ra tệ nạn chi đó, phải dẹp ngay lỡ có chuyện sau nầy mất truyền thống. Xã vừa rùi bị mất cái bằng văn hóa là do quán nầy đó. Quán nầy nó làm sao cà? Tụi nhỏ đó nó chứa giai, làm đĩ! "Chời chời". Ai bắt được tụi nó làm bậy vậy à? Không ai bắt được. Nhưng... sao đó. Chắc cũng manh mối chi?

Mà... bữa nào tui cũng nghe ông nói vậy? Tui nói hồi nào cà. Mà có thì chỉ giỡn vậy thôi chớ đâu ai chủ làm ác? Đời buồn quá, kiếm được gì thì bật ra cho đỡ lạt miệng vậy thôi. Mà qua là thôi, ai ngờ... Mấy đứa gái nhặt nhạnh thu túm quần áo váy khăn cho chung hết vào cái cần xé chẳng biết lượm được ở đâu. Xong rồi ra bộ ván ngựa ngồi khóc. Ừ thì phá đi. Phá hết đi. Dỡ hết đi. Quyền của mấy người mà...

Chú Tư cầm con rựa mấy lần định xông ra ăn thua với những người lạ hoắc đang dỡ quán của con chú, nhưng đều bị thím Tư ôm chân níu lại: "Giời đất, tôi xin ông. Ông tính chết để má con tui đi cuốc mướn à?". Chú đành vứt con rựa xuống nền nhà. Chú đứng như Từ Hải chết giữa trận tiền, hai con mắt mất đoàn kết mở trân trối, môi trễ xuống, nơi hàm răng nghiến chặt có những giọt máu ứa ra. Thím Tư vẫn gục vào chân chồng khóc. Chú Tư tính quát vợ cho hả cơn giận nhưng rồi không hiểu sao lại cúi xuống đẩy vai vợ: "Chời" ơi, đời còn bao cái khổ. Bao giờ thật khổ hãy khóc. Cứ hơi động là khóc, nước mắt đâu cho thấu.

Tối đó Bạch Vân leo lên chiếc Honda cà tàng của Túc rồi cộc lốc: "Đi". Túc hỏi: "Đi đâu". Nó tỉnh queo: "Thì tùy ông, chỗ nào thấy còn chạy được thì cứ chạy. Mà yên tâm nha, hôm nay tui có bộn tiền, đừng lo"… Túc chống chân xuống đất quay lại ngó con Bệu. Mặt con nhỏ có chi đó lạ lạ nè. Tính hỏi cho ra nhưng rồi lại chỉ im lặng nổ máy. Xe chạy lòng vòng kiểu hoang mang. Chỗ nào còn chạy được thì cứ chạy là sao?

Tánh hắn vậy nhưng lại hay mắc cỡ. Bắt đầu từ rẻo đất nhỏ ven kinh Chà dẫn ra chỗ giáp với con lộ nhựa vào thị. Hết lộ nhựa đến lộ đá liên xã rồi lại về con lộ đất. Đến khi tính gần hết bình xăng rồi, chạy miết chẳng đặng Túc đành táp xe vô bên vệ cỏ. Im lặng. Gió lùa hơi nóng từ chiếc pô xe hắt ngược vào chân Túc. "Về được chưa?". "Về làm gì?". "Ủa...". Im lặng. "Thôi về đi. Mai cũng đừng ra phố nữa. Ở nhà cũng được mà". "Ở nhà làm chi?". "Thì... ở nhà. Nhiều người cũng vẫn ở nhà đấy thôi". "Chắc ông biểu tui ở nhà lấy chồng? Ai dám lấy tui chớ. Ế chắc rùi…". "Ế gì, người như... ấy, lấy ai chả được". "Lấy ai?...". "Thì lấy ai đó thương mình thiệt lòng… Mà… ấy thương ai?".

"Tui thương ai thì người đó phải biết chớ. Tui nói sao được. Chả lẽ đang không ngoắc người ta lại, túm tay người ta biểu tui thương anh rùi, anh thương lại tui đi? Chuyện đời trâu đi tìm cọc chớ chi mà chéo cẳng ngỗng quá vậy?". Thằng Túc thấy nặng trong ngực. Rùi hoang mang ngó lơ: "Thì ấy coi lại xem, có thể ai đó thương ấy mà không nói ra được. Ví như người ta thấy mình nghèo quá. Nói thương ấy rồi không có tiền cưới. Không có tiền nuôi ấy để về sau ấy phải cực...".

"Vậy ông thấy tui là đứa quen ăn sẵn ha?". Im lặng. Túc ngó lại sau. Gương mặt con nhỏ bạn có gì đó khiến nó chợt thấy lòng chếnh choáng. Nhưng nó chỉ mím chặt môi. Tự dưng con Bệu lại muốn khùng. Đàn ông gì mà trước mặt đàn bà miệng cứ như con ngựa bị đóng hàm thiếc vậy chớ. Thôi, đã vậy mai lại nhất quyết đi.

Trên trời vệt trăng cuối tuần mỏng dính lặng lẽ trôi.

TP Hồ Chí Minh,

Miền Tây mùa chướng nổi 

Truyện ngắn của Kao Sơn
.
.