Nơi đầu nguồn con sông

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:00
Không phải đây là lần đầu tiên anh mất ngủ, mỗi khi có một vụ án khó, anh đều như vậy, nhưng lần này, anh trằn trọc vì một thứ linh cảm khác, rất khó giải thích. Nguyên cớ bắt nguồn từ buổi chiều hôm nay, lúc bất chợt đi ngang qua "phòng lễ tân", nơi mà anh em trong đơn vị ví đùa, đó là nơi xét hỏi các đối tượng bị bắt, tạm giữ khi đưa về đây. 

Cường mới chuyển về nhận công tác, phụ trách địa bàn huyện này chưa lâu. Với chức danh Trưởng Công an huyện, hằng ngày anh đều ghé qua các bộ phận, nắm bắt tình hình. Hôm nay, đúng lúc anh vừa ghé qua nơi xét hỏi, thì gặp một người đàn ông vừa được giải tới. Bộ quần áo lính bạc phếch, tơi tả, kèm theo mái đầu bù xù, gương mặt cũng nhàu nát không kém, toát lên vẻ bất cần đời của can phạm. Một thoáng giật mình khi Cường nhìn thấy bộ mặt ấy, nhất là đôi mắt: "Hình như... mình gặp anh ta ở đâu rồi nhỉ?".

Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu óc anh, cho đến bây giờ.

Từ khi còn là người lính trinh sát cho đến khi lên tới cấp bậc thượng tá,  từng đối mặt với rất nhiều loại tội phạm, không hiếm trường hợp gặp đi gặp lại "cố nhân" - ấy là anh cũng hay đùa như thế, mỗi khi thấy lại những người mình vừa bắt vài tháng trước, hay vài năm trước. Mỗi khi như vậy, anh chỉ hơi buồn, vì những hình phạt của pháp luật không cải tạo được, không làm cho họ thay đổi, và anh thường đề nghị, tìm những biện pháp nghiêm khắc nhất với những con người như vậy. Chính vì cái tính quyết liệt này mà ở đơn vị nào, anh cũng được gán cho biệt hiệu “Cường sắt”.

Tự nhiên vết sẹo trên thái dương vắt lên trán, dấu ấn của vết thương trong một trận đánh từ hồi còn là bộ đội giật giật, đau nhức khiến anh ôm đầu, choáng váng. Không có lẽ... chính là mày hả Thích, có phải vết sẹo này nhắc tao nhớ lại mày, nhớ tới cái trận đánh mà mày cứu tao phải không? Thôi đúng rồi, cái nhìn ấy... Như không tự chủ được, Cường vùng dậy cầm điện thoại, bấm số:

- A lô. Tùng hả, xin lỗi cậu vì bị dựng dậy giữa đêm như thế này. Cho mình biết lý lịch của người chiều hôm nay cậu vừa dẫn đến đi...

*

Trung đội cối 120 nằm ém mình dưới sườn núi, điểm cao 1350, dưới chân bình độ 1550, dãy Hắc Sơn, đây là tên của cánh lính đóng chốt ở đây đặt cho, vì khung cảnh trên này quanh năm suốt tháng toàn một màu đen u ám, mây đen, đất đá đen, cây cối ám màu đen, mưa lắc rắc ruốt ngày, khiến bùn đất nhão nhoẹt trát lên khuôn mặt lẫn quân phục của những người lính một màu đen nhờ nhờ. Cả tháng nay, đơn vị của Cường trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, các mục tiêu được phân công đảm nhiệm phần tử bắn đã lấy sẵn, những quả đạn như bắp chân lắp sẵn ngòi nằm trong hầm đạn, chỉ cần có lệnh quấn liều và thả. Nhiệm vụ của họ là bắn chi viện cho bình độ 1550, trong trường hợp đối phương tấn công các điểm chốt trên đó...

... Tiếng đạn pháo nổ lục bục trên đỉnh núi, cũng vừa lúc, cậu chiến sĩ thông tin, tay còn bóp chặt tổ hợp chiếc máy P108Đ trong hầm chạy ra: "Bộ binh địch đang tràn sang, trung đội về vị trí chiến đấu, hướng 101 gấp bắn!". Tiếng  uỳnh uỳnh đầu nòng từ hai khẩu cối phát ra, rồi cấp tập theo lệnh hiệu chỉnh mục tiêu của đài quan sát.  Cường như ù tai vì tiếng nổ. Anh hối hả chạy vào bê đạn ra cho các pháo thủ, được quả nào, lại bay mất hút về hướng 1550.

Rầm! Đang bê quả đạn cối chạy ra, một tiếng nổ cùng ánh chớp lửa lóe lên, Cường bị một lực đẩy rất mạnh xô ngã lao xuống giao thông hào gần đó. "Dính rồi", một ý nghĩ thoáng qua đầu. Cố nén đau vực dậy, bò một đoạn, thấy trận địa cối bị một loạt đạn pháo bắn trúng, một khẩu bị hất văng xuống vực, khẩu còn lại bị thổi nằm nghiêng bên vách đá. Khói lửa bốc lên mù mịt, xác đồng đội nằm xung quanh hai chiếc đế cối, chỉ kịp nhìn thấy vậy rồi anh ngất đi.

Tiếng lao xao cùng tiếng thở phì phò nặng nhọc khiến anh tỉnh lại. Vài người lính bộ binh đang dìu nhau lê qua. "Vậy là trên ấy mất chốt rồi, bộ binh đã rút, chắc đây là những người còn lại, đang mang thương binh, tử sĩ về!". Anh chua xót nghĩ, có gì đó nhói nhói, buốt buốt trên mặt, sờ tay lên thấy ươn ướt, cứng cứng, bàn tay đỏ sậm những vệt máu đã khô, một chân tê dại, "mình cũng bị thương!".

"Các đồng đội ơi! Giúp tôi với!". Hình như không ai nghe thấy tiếng kêu của Cường. Mấy người lính kia dường như không còn đủ sức, họ cũng bận bịu với thương binh, với những vết thương của họ. Cường hốt hoảng khi thấy mọi người cứ từ từ đi qua, rồi khuất dần sau rặng cây, anh cố nhúc nhích nhưng không làm sao cử động được, cái chân bên phải nặng trình trịch, níu cả người anh xuống mặt đất mỗi khi cố nhổm dậy.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Khát, cơn khát kéo đến cùng cảm giác bị bỏ rơi làm Cường hoảng loạn, bàn tay anh nắm đám cỏ trước mặt rồi kéo chúng bật lên. Cường hy vọng còn người nào đó nhưng cổ họng khô tắc khiến anh chỉ phát ra vài tiếng lào khào trong miệng. Không lẽ nằm đây chờ bọn chúng tràn xuống tới nơi, một phát "kiểm tra" dành cho mình hay sao! Không! - Anh lần thắt lưng, móc ra quả lựu đạn mỏ vịt, móc tay vào cái khoen, rồi gục xuống mê man...

Không biết Cường nằm bao lâu, anh lại tỉnh khi có người lay lay, trong tiếng gọi nghe mơ màng: "Này! Ông bạn, còn sống đấy chứ?".

*

Họ tên: Nguyễn văn Được.

Năm sinh: 1960.

Quê quán: Đan Xá... Phú Thọ.

Lý do bị bắt: Đánh người gây thương tích, chống lại người thi hành công vụ.

Cường thở dài ngao ngán khi đọc đi đọc lại mấy dòng chữ ngắn ngủn trên tờ giấy ghi trích ngang can phạm trước mặt. Như vậy thì không phải Thích rồi, nhưng sao, cái cảm giác của mình vẫn khẳng định là cậu ấy. Đúng là khuôn mặt sần sùi kia không giống, nhưng đôi mắt, mình hiếm khi nhận sai một ai, khi nhìn vào đôi mắt của họ, dù thời gian có lâu thế nào đi nữa.

Nắng chiều nhạt dần, đã hết giờ làm việc, ngoài sân trụ sở, các chiến sĩ trẻ đang tổ chức đánh bóng chuyền, tiếng xôn xao cổ vũ, rộ lên mỗi khi có cú lốp bóng đẹp mắt của người nào đó. Cường vẫn ngồi im lìm bên bàn làm việc, như không nghe thấy những âm thanh sôi động ngoài sân dội vào.

- Thủ trưởng gọi em ạ! - Trung úy Tùng hỏi.

- Ừ! Sao thông tin lý lịch của người này có vài dòng thôi vậy -  Cường vừa nói vừa đẩy hồ sơ của Được cho Tùng.

- Dạ, anh ta rất cứng đầu, khi xét hỏi chỉ khai có từng ấy, và đối tượng này cũng không phải người gốc ở đây, em đang cho đi xác minh lại!

-  Cậu trình bày lại sự việc xảy ra chiều hôm qua của trường hợp này đi.

- Tổ em đang đi tuần, đến khu chợ xép thì thấy dân ồn ào, tán loạn cả lên. Hắn ta đang đứng trong đấy, mặt mũi dữ tợn, có một người bị thương nằm dưới chân, rất nặng. Khi anh em vào can thiệp, hắn xô một người ngã...

-  Xô một người ngã, hay khi các cậu vào, vô tình va chạm vào nhau bị ngã. Cậu có chủ quan khi ghi vào biên bản câu chống người thi hành công vụ không đấy?

- Dạ... -  Tùng ấp úng - Thì lúc giằng co hỗn loạn như vậy, cậu Phương bị ngã, chắc chắn...

- Thôi. Đưa tôi xuống phòng tạm giam ngay.

*

Cường tỉnh dậy, nhưng vẫn mơ màng, anh cảm thấy có bàn tay đang băng quanh đầu mình, rất vụng về, thi thoảng chạm vào vết thương làm anh đau buốt. "Nước", Cường thều thào.

Chiếc bình tông kề vào miệng, Cường vừa nuốt vài ngụm xong, người cầm vội giằng ra ngay, mặc cho Cường muốn uống nữa, cổ họng như được mở ra, Cường bật câu hỏi: "Ở đây là đâu thế?". Bàn tay vừa cầm bi đông vội bịt miệng anh lại: "Suỵt, bé thôi, bọn nó ngay trên đầu ấy!".

Tiếng khua khắng loạn xạ trên mỏm đá bay xuống chỗ hai người. Trong bóng tối lờ mờ, Cường nhìn người lính vừa cứu mạng mình, không rõ mặt, nhưng anh thấy rõ đôi mắt người lính ấy đang long lên dữ tợn, như muốn, nếu có thể, anh ta sẽ nhảy lên trên kia, tiêu diệt hết lũ lính địch, bắt chúng nó câm bặt những tiếng ồ à ngay lập tức. Đôi mắt của một người không bình thường, nó to, và cảm giác đang vằn lên những tia màu đỏ trong đó.

Định thần lại Cường mới thấy, mình không còn nằm ở trận địa cối nữa. Người lính bộ binh cũng bị thương, một tay anh ta treo lủng lẳng, cố định thêm bằng một cành cây nhỏ trước ngực, mỗi lần cử động cũng phát ra tiếng thở nhăn nhó. Anh ta phải vất vả lắm mới lôi được Cường xuống dưới này. Cái chân của anh đã hơi có cảm giác trở lại, hóa ra cũng không tệ lắm, hình như bị giập phần cơ đùi do lúc rơi xuống hào.

- Mẹ, khi bọn nó tràn lên đông quá, các ông bắn được ít quả, chặn được một đợt, sau đó nó phản pháo lại qua đầu chúng tôi, thì thấy dưới ấy tịt, bọn tôi trên này toàn súng bộ binh. May cho ông, lúc tôi bò ngang qua, tưởng khẩu đội ông hy sinh hết, thấy ông cầm quả lựu đạn trên tay, nghĩ ông chưa chết, sợ bị bắt sống mới làm thế. Đến sờ thì đúng vậy thật - Người lính cộc lốc nói với Cường.

Khi đêm xuống im ắng, bọn lính trên kia đã rút hết. Cường hỏi tên ân nhân của mình.

- Tên tôi hả, Thích, còn ông?

- Cường.

- Ông mất máu nhiều đấy, đừng uống nước nữa, bây giờ tôi với ông, cố gắng lết tụt xuống phía dưới nữa, khi nào gặp con suối, mình cứ xuôi theo đó, sẽ ra ngoài sông, chỉ cần tới chỗ chiếc Cầu Gỗ, chắc đơn vị đang tập trung phía đó để chặn chúng nó không cho ra. Nào đi thôi!

*

Người chiến sĩ gác đêm hôm ấy rất ngạc nhiên, khi thấy đích thân đồng chí thượng tá, Trưởng Công an huyện xuống gặp gỡ can phạm tại phòng tạm giam trong đêm như thế này, càng lúc càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy hai người cứ ngồi im lìm đối diện nhau qua chiếc bàn, không ai hỏi và tất nhiên, cũng không có ai trả lời.

Cường như bị thôi miên, anh dán chặt đôi mắt vào cái gã đàn ông có tên là Được kia. Nhiều lúc muốn mở miệng ra nhưng có gì đó khiến anh không nói được, y như cảm giác cơn khát cách đây ba mươi năm, ở trận địa cối 120, tại biên giới, cổ họng khô đặc lại, chỉ thoát ra tiếng thở khe khẽ. Có lúc, tưởng chừng như anh muốn hét lên, nhảy bổ vào ôm chặt lấy người mà hiện tại, đang là đối tượng mà nghề nghiệp của anh, phải đấu tranh không khoan nhượng với gã, khi nhìn thấy, cái bắp tay trái, dưới cổ tay áo lính bạc phếch thò ra một vết sẹo mờ mờ, cũng là dấu tích một vết thương lâu ngày, mà anh rất rõ. 

Tuy nhiên, anh cố kìm nén cảm xúc lại, vì làm như thế, với cương vị hiện tại, không có lợi cho mình, và cả người bạn lính năm xưa, người đã cứu mạng anh trên chốt - giờ anh khẳng định chắc chắn như vậy - Nếu để bột phát ra ngoài.

Hãy nói gì đi Thích, tao xin mày đấy, đừng lì lợm như thế nữa. Mày có biết, người bị mày đánh, đã không qua khỏi cách đây ít phút ở bệnh viện không?

 Không thể: Tôi đánh nó vì nó đáng ăn đòn, thích thì đánh.

 À tao hiểu rồi, từ xưa, cái tên Thích ngày xưa, là biệt hiệu của mày, một thằng lính ngang tàng, chiến đấu cừ và... vi phạm kỷ luật cũng lắm, hết mình với đồng đội nhưng sẵn sàng làm mất lòng chỉ huy chỉ vì những chuyện mày thấy ngang tai trái mắt, thích là làm, thích là được. Nhưng thôi, giờ hãy tự cứu lấy mình trước đi đã. Hãy nói, hay gọi là khai ra cũng được, người ta sẽ xem xét từng tình tiết, tăng nặng, giảm nhẹ cho mày tùy theo thái độ thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra. Mày có biết, sự im lặng của mày là quả tạ nặng nghìn cân đang đè lên lồng ngực của tao không? Ngay ngày mai, khi hết hạn tạm giam, người ta sẽ giải mày lên tỉnh, lập hồ sơ truy tố mày tội giết người. Tao biết làm gì đây, muốn cứu mày nhưng pháp luật là pháp luật, phải tuân thủ nghiêm minh.

Hừm, hình như đồng chí thượng tá cũng nhận ra tôi rồi thì phải, tôi biết đồng chí nhận ra ngay khi gặp tôi lúc bị giải vào đây. Ánh mắt đồng chí nhìn tôi sao thương cảm thế! Đồng chí đang nghĩ gì nhỉ, nhận ra tôi nhưng không dám gọi tên thằng đồng đội cũ, hay đồng chí ngại, khi cấp dưới biết, tên tội phạm đang ngồi đây là bạn của đồng chí. À, đồng chí đang thương hại tôi. Đời thật là ch... chết, tự nhiên hai thằng chúng ta giờ lại vào thế gặp nhau sau bao năm như này, ấy là tôi nghĩ thay cho đồng chí đấy!

Mà cũng không cần phải suy nghĩ gì nhiều đâu, chuyện tôi cứu đồng chí ngày xưa ấy. Là thằng lính, cố gắng không bỏ lại đồng đội trong mọi tình huống, ai cũng như vậy, không riêng tôi. Bọn tôi cũng rất đau, khi sức cùng lực kiệt, địch thì tràn ngập khắp các ngõ ngách chiến hào, tôi rút cuối cùng, còn tận mắt nhìn thấy chúng xiên lưỡi lê, hay bắn bồi vào xác anh em mình. Giá như lúc ấy, còn quả lựu đạn, tôi cũng giật nốt, liều chết với lũ ăn cướp ấy.

Hay đồng chí đang muốn tôi khai lý do tôi đánh người. Nếu tôi kể ra, chắc đồng chí bị sốc đấy. Thằng tôi cho trận bò lê bò càng ngoài chợ, chính là... một trong những thằng  cùng đơn vị tôi năm xưa đấy, nhưng nó đã phạm vào một tội không thể dung thứ được.  Nó đã đi lừa gia đình một đồng đội cùng vào sống ra chết, khiến người ta khuynh gia bại sản, mất luôn cả vợ vì bị nó rủ rê, đi theo nó, khi chán nó quăng ra đường như mớ giẻ rách. Pháp luật không làm gì được nó, vì không có chứng cứ, tôi thay mặt những người anh em, cả những người đã khuất, tìm nện cho nó một trận. Từng là thằng lính chiến, dù đói, dù rách nhưng không thể làm cái việc bất nhân với nhau như vậy được, và chính với đồng đội của mình.

*

Làng Đan Xá, cái tên mà Cường nghe thấy nó gắn liền vào một câu chuyện vụ án cách đây những... mấy trăm năm trước. Chuyện kể rằng cả làng làm nghề ăn cướp, sau đó bị triều đình đem quân tới bắt, xử tội chết không còn ai, đàn ông thì đem lăng trì, chặt đầu, đàn bà chém ngang lưng. Để lại hậu quả rây rắc đến thời hiện đại, khi người sống sót tìm cách trả thù người đã mật báo với quan khiến từ ông già chuẩn bị xuống lỗ tới đứa trẻ con vừa sinh bị kết cục thảm khốc như vậy, với nhân vật huyền thoại, cha truyền con nối: Quỷ cốc tử. Sau nhờ một chiến sĩ An ninh, tiền bối của ngành công an thời chống Pháp, tìm cách hóa giải, mối thù truyền kiếp từ đời này qua đời khác mới chấm dứt được. Tất nhiên, đây chỉ là câu chuyện hư cấu, nó không có thật, nhưng với Cường, đây là một cuốn truyện anh rất thích đọc, kể từ khi mới chân ướt chân ráo chuyển ngũ sang ngành Công an.

Trên chuyến xe về Đan Xá, nhóm của Cường, những người bạn lính cùng nhau năm xưa, không ai cất lời. Cho đến khi:

- Cái thằng Thích... À quên, thằng Được ấy, nó là chúa cùn chúng mày nhớ không? -Người ngồi cạnh Cường nói, xua đi không khí trầm lặng trên xe.

- Hồi đó - Một người khác góp chuyện - trung đoàn cho anh em đi khai thác gỗ để làm hầm, cực không kể xiết, nhưng mấy bố chỉ huy lại lợi dụng lúc xe về xuôi lấy nhu yếu phẩm, chất lên mang về quê làm nhà. Nó biết chống lại, thậm chí khi bị lôi lên trước mặt sĩ quan, nó nói thẳng: "Không phải cứ nước sông công lính thì chúng tôi cái gì cũng phục tùng, nếu lấy làm hầm phục vụ cho anh em trên kia, thì vất vả mấy tôi cũng làm được, chứ không phải đi lấy về phục vụ vợ con vài đồng chí đâu".

- Đấy không phải là cùn, mà khí phách, thẳng thắn chứ! - Một người cãi lại.

Cường vẫn im lặng, suy nghĩ, mấy hôm nay, anh như già hẳn đi, về nhà, đến bữa chỉ  uể oải nuốt vội lưng cơm rồi lên phòng, nằm vắt trán suy nghĩ. Có lúc anh hực lên như bị mắc nghẹn. Vợ con thấy thế, tưởng anh ốm, khi nghe anh tâm sự, vợ anh ngân ngấn: "Vậy sao, các anh không đi về thăm nhà anh ấy đi, dù không giúp được gì, vì tội của anh ấy quá nặng, nhưng, gia đình anh ấy vừa mất đi chỗ nương tựa, biết đâu các anh...". Cường như sực tỉnh, vội thông báo cho các đồng đội cũ cùng đơn vị Được.

Ngôi nhà của Được nằm tít tận cuối làng, sát con sông Lô, do được báo trước, người vợ lam lũ của Được cùng hai đứa con đã đứng ngoài ngõ chờ sẵn các cựu chiến binh...

*

- Các bác sẽ cứu bố cháu chứ ạ ?

Thằng bé con cả của Được nhìn Cường, hỏi. Không biết nó nghe lỏm được câu chuyện giữa các anh trao đổi cùng vợ Được, hay linh cảm mách nó biết, bố nó đang vướng vào chuyện gì đó rất phức tạp, và các bác về đây thăm mẹ con nó vì chuyện ấy.

Nhìn ánh mắt thơ ngây của đứa bé mới lên bảy, Cường thấy lòng se lại, anh xoa đầu nó, nói rất nhỏ, như thì thầm với chính mình: "Các bác không cứu được bố cháu, nhưng sẽ không ai bỏ rơi người đồng đội xưa đâu...".

Sông Lô, vẫn đang miệt mài chảy, mang trong lòng chút phù sa về cuối nguồn, hợp với sông Hồng chảy về xuôi. Ánh mắt Cường dõi ngược lên trên, trong đầu anh chợt hiện ra hình ảnh hai người lính, quần áo tả tơi, kiệt sức, đang dìu nhau lết qua từng mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, trên bờ con suối tung bọt trắng xóa, tìm về hướng Nam. Nơi ấy, là đầu nguồn của một con sông...

Truyện ngắn của Tạ Ngọc Dũng
.
.