Những người làm dâu

Thứ Năm, 25/05/2017, 13:58
Tôi và mẹ ngồi lặng im. Bên cạnh chúng tôi, người đàn bà nằm xõa tóc. Mấy tờ vàng mã đặt lên trán phủ kín khuôn mặt gầy guộc. Tôi không khóc, chỉ thấy thoáng buồn. Mẹ chồng tôi đã chết, từ mai tôi sẽ như thế nào? 

Tôi thực sự không hình dung được cuộc sống của mình khi không có người đàn bà đó. Chưa kể đến hạnh phúc hay đau khổ, tôi quen sự có mặt của mẹ chồng trong ngôi nhà này. Tuần trước cãi nhau với bà, tôi trở về nhà mẹ đẻ. Lúc bắt xe buýt đi, tôi thầm mong mẹ chồng sẽ biến mất. Và giờ đây con tim bà ấy ngừng đập, tôi lại rùng mình.

Bàn tay tôi ngập ngừng khi sờ vào ngực bà ấy. Bầu ngực tròn trĩnh theo thời gian đã biến mất, chỉ còn lại lớp da bầy nhầy níu cái núm vú khỏi bứt ra. Tôi khóc, mẹ nhìn tôi nghi ngờ. Đôi lúc, nước mắt cũng gây nên sự hiểu nhầm nào đấy. Tôi chẳng nói gì, mẹ bóp nhẹ vào vai tôi như niềm an ủi. Có lẽ, mẹ nghĩ rằng nước mắt tôi là sự hối tiếc, dằn vặt. Nhưng không phải, tôi nhìn thấy một điều, mình nằm trong chiếc quan tài kia, trước mẹ chồng tôi.

Chồng tôi trở về, anh đưa tay vuốt lên mặt mẹ. Đôi mắt bà chầm chậm nhắm lại. Anh làm được cái mà tôi không làm được. Trước đó, tôi vuốt đến vài lần nhưng mắt bà vẫn thô lố. Không biết đôi mắt ấy đợi chờ anh hay oán hận tôi. Sợ quá, tôi đắp lên mặt mẹ chồng những tờ vàng mã.

Mộ mẹ chồng tôi xanh cỏ. Giỗ đầu tiên của bà, tôi dậy sớm đằn chân con gà chọc tiết. Đôi chân gà lạnh, dòng máu chảy kèm theo hơi nóng bốc lên tựa khói, mắt nó trừng trừng nhìn tôi. Dưới ánh sáng của chiếc đèn nê-ông, tôi nhìn thấy màu vàng trong mắt nó. Màu vàng ấy tựa như mắt mẹ chồng tôi, không cố tình làm cho người khác sợ nhưng màu mắt ấy làm người ta rúm ró.

Đàn bà mắt có thần của bậc đế vương. Đôi chân con gà tê lạnh, tôi nhận thấy nó như chân mẹ chồng tôi, quắm lấy tôi quằn quại, không buông. Con gà thở dốc, nó rùng người giãy chết, bát tiết vỡ toang, máu đổ ra lênh láng. Tôi thét lên, chồng tôi điềm tĩnh xuống nhà, anh không nói gì, tay cầm đôi chân gà đặt vào chiếc chậu nhôm rồi đưa tay vuốt mắt nó. Con gà nhắm mắt, anh để nó nằm im, tôi lấy con dao vừa chọc tiết đằn lên mắt nó. Máu còn sót lại trên dao chảy xuống lông vàng đỏ ối.

Tôi trở về nhà mẹ đẻ. Căn nhà vắng, đứa em trai tôi đưa vợ nó ra ở riêng vì bất đồng với mẹ chồng. Mẹ ôm tôi khóc, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Không ai buộc ai cả, cuộc sống người muốn níu vào, người tìm cách bứt ra càng trở nên quẫn bách. Tóc tôi thưa đi, mẹ cũng nhận ra điều đó và hỏi tôi.

Tôi không nói gì, lấy nắm nhang lên tầng hai thắp hương cho bố. Đấy là người thương tôi nhất. Nhìn bức ảnh bố trên bàn thờ, lòng tôi đau nhói. Tôi sống cạnh bố mẹ hơn hai chục năm, bố mẹ giặt quần áo cho tôi, dọn cơm cho tôi ăn rồi mang bát đi rửa.

Với mẹ chồng, cũng bằng ấy thời gian, bà càu nhàu khi tôi không chịu giặt đồ, lúc tôi làm bếp muộn và chén bát tôi chất thành đống đợi cuối ngày mới rửa. Có lẽ do điều ấy, tôi không thương được mẹ chồng. Mẹ lấy cơm cho tôi, một ít thức ăn bỏ vào đĩa. Cách làm này của mẹ giống với mẹ chồng tôi.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lúc tôi và anh giận nhau, bà thường lấy cơm cho tôi. Bà ấy bảo, chịu khó mà ăn, chồng tôi chết từ hồi thằng Thung mới bảy tuổi. Chỉ mong còn được giận hờn như chị cho bõ thương... Tôi lườm bà, cái kiểu tự ru lòng mình chỉ có trong thế hệ ấy. Tôi đời nào, một người đàn bà có trình độ chẳng đáng nghĩ mình sẽ như thế. Tôi cầm đĩa cơm không ăn đặt lại bàn. Mẹ hỏi:

- Thằng Thung thế nào rồi con?

- Anh thay đổi hẳn.

- Thế tốt rồi.

Tôi khóc, uất nghẹn. Mẹ chẳng biết rằng thà chồng tôi vẫn còn lang bạt như trước nhưng anh ấy đừng kiệm lời. Tôi không chịu được sự lặng im của anh ấy trong ngôi nhà này. Tính từ ngày mẹ chồng tôi mất đến ngày giỗ đầu của bà, hầu như anh lặng im. Tiếng anh nói không đếm đủ trên đầu ngón tay khiến căn nhà rất lạnh. Cứ chiều xuống anh lại thẫn thờ quét lá. Anh dồn chúng lại rồi châm lửa đốt và chống chổi ngước mắt nhìn khói bay lên trời. Mẹ chồng tôi cũng hay làm như thế. Căn bếp, nơi lưu giữ nhiều nhất hình ảnh về mẹ chồng khiến tôi ngột ngạt. Từ chảo, chiếc chậu cho đến cái thìa mỏng manh mỗi lúc va vào nhau đều gây nên những âm thanh chói tai, đôi lúc nó khiến tôi hoảng loạn. Tôi nghe tiếng mẹ chồng mình.

- Chị bẩn thỉu vừa thôi, đàn bà sao để bếp núc bừa bộn như thế?

Tôi bịt tai mình rồi thét lớn:

- Mẹ, con lạy mẹ, đừng theo con mãi như thế, con cũng là đàn bà, con cũng là con dâu của cái nhà này...

Chồng tôi nghe tiếng khóc, anh đi vào chậm rãi dọn chỗ thau chậu nằm nghiêng ngửa trên nền nhà rồi lặng lẽ đi ra. Tôi gọi với theo sau, anh vẫn tiếp tục đi, cánh cửa khép lại, tôi đặt tay lên tấm ván. Bàn tay nhúm nhó như tay mẹ chồng tôi chạm vào quan tài. Tôi đấm thùm thụp vào cánh cửa, trời tối om, mái tôn nừng nực, chỗ thức ăn còn sót lại vừa đủ bốc mùi khiến tôi ngạt thở.

Tôi nghe tiếng nhạc, từ chiếc máy cát-sét mẹ chồng tôi để lại. Đó là những bài hát buồn, bà ấy thường mở vào mỗi đêm mưa. Có những đêm trắng, tôi nằm nghe tiếng nhạc. Ánh đèn phòng mẹ chồng tôi vẫn sáng. Tôi nghe tiếng động nhỏ, có lẽ bà ấy lại lên cơn đau nhức nên tìm lọ dầu. Tôi đến phòng đưa lọ dầu cho bà, tay già đón lấy với ánh mắt hàm ơn. Về phòng mình, tôi ôm gối khóc.

Mấy đứa con trai tôi về hè, chúng ở đúng ba ngày rồi biến mất. Chúng làm điều như anh từng làm, về nhà cho có tiếng chút rồi đi. Hết đứa này đến đứa khác đút tay vào túi áo tôi cười nụ để xin tiền, tôi đưa tiền cho con như mẹ chồng tôi từng làm với anh. Lần lượt chúng cưỡi xe và biến mất cùng với tiếng máy nổ ròn. Bạn bè chúng cứ líu ríu gọi nhau, lên rừng, xuống biển, vào thành phố.

Chỉ được nghỉ mỗi tháng hè không đủ thời gian để chúng giảm căng thẳng. Tôi bắt đầu làm quen với chiếc chổi, tôi lùa lá vàng đi, những giọt nước mắt rơi trên lá khô nghe thấy tiếng. Anh đứng từ xa không nói gì. Tôi thấy nhớ mẹ chồng tôi, chưa hẳn là tình yêu, tôi vẫn đang quen với sự có mặt của bà ấy. Có thể đó là lúc tôi chữa lành vết thương mà vẫn nhớ vùng da bị trầy xước. Tôi ước gì căn nhà này thay đổi, tôi ước gì lá vàng không còn rơi, không còn khói bay lên trời và tất cả sẽ biến mất.

Tôi sửa soạn để làm nhà. Dù gì thì đó cũng là mơ ước của mẹ chồng tôi. Lúc trước, bà ấy bảo, mẹ muốn được thấy ngôi nhà mới trước khi chết. Lúc đó đang giận anh, tôi nói:

- Mẹ bảo con trai mẹ làm cho.

- Ngôi nhà gỗ này do tay tôi tạo dựng...

- Đàn bà mà làm nhà ư?

- Chồng tôi mất sớm, ông ấy không được khỏe, cất mái nhà ông ấy không còn. Tôi mong còn chồng cho ông ấy ở nhà mới.

Tôi không ưa cách nói này. Tôi đứng dậy xắn tay áo đi ra ngõ. Đấy là chỗ tôi hay đứng khi giận anh, khi bất hòa với mẹ chồng. Giờ tôi vẫn đứng chỗ ấy, tôi nói với anh:

- Em muốn làm nhà.

- Tôi sắp đi rồi.

- Anh đi đâu?

Anh cười rồi gom lá đốt, chiều ấy lá cháy nhanh hơn thường lệ và tuyệt nhiên không thấy khói. Tôi trố mắt nhìn, càng nhìn vào đống lửa càng thấy màu đỏ lự của tiết gà. Lá vàng nhăn nhúm trước khi cháy như khuôn mặt của mẹ chồng tôi. Tôi run rẩy vịn vào tay anh, anh gỡ tay tôi ra rồi vào nhà lấy chậu nước ra tưới. Khói thi nhau bay lên trời, chúng bạc trắng như mái tóc mẹ chồng tôi. Anh quay lại nhìn tôi cười rồi ngước mặt lên trời nhìn theo lũ khói. Chúng bay là đà thành vòng tròn, trên bầu trời thu xanh ngắt.

Giỗ thứ hai của mẹ chồng, căn nhà được làm xong. Tôi cho đẵn hết cây to để khỏi phải quét lá vàng. Ngày trước, cứ quét lá mệt là mẹ chồng tôi đứng đấm lưng, nói: “Thằng Thung chặt hết cây đi, quét lá mệt rồi”. Tôi trồng cây cổ thụ khác, loại lá xanh quanh năm. Anh cầm chổi đi một lượt quanh sân, quét vài chiếc lá vàng cho vào sọt rác. Mẹ đẻ tôi về ở cùng, tôi phải chăm sóc mẹ lúc bà không được khỏe. Nhà tôi ở gần bệnh viện, những lúc huyết áp mẹ tụt quá mức tôi có thể chở qua viện hoặc gọi bác sĩ trực tiếp chăm sóc tận nhà. Mẹ quỳ xuống cúng giỗ cho mẹ chồng tôi. Anh không làm việc ấy. Đến ngày giỗ mẹ, anh chỉ cắm hoa, đặt trái cây và thắp nhang trên bàn thờ.

Tôi ngủ với mẹ, và chợt nhớ, tôi chưa ngủ với mẹ chồng lần nào cả, mặc dù trong căn nhà vắng, bà ấy nằm một mình còn chiếc giường tôi lạnh lẽo khi anh đi triền miên. Vì sao tôi không làm điều ấy? Do khói thuốc lá thối khẳm từ bà ấy hay thói quen nghe nhạc thâu đêm, hay vì nguyên nhân nào đó khiến tôi không vừa lòng. Tôi không biết, không thể trở lại ngày đó để làm hoặc không. Giờ bên mẹ đẻ mình, tôi ngủ rất ngon. Mặc dù những câu chuyện kể của mẹ khiến tôi không thích bà nội - mẹ chồng của mẹ đẻ tôi, bà nội đã quá khắc nghiệt với mẹ tôi.

Anh đi đâu không hay. Sáng sớm anh mặc chiếc áo xanh với quần màu nâu đi bộ ra đường. Chiều tối không thấy anh về, tôi gọi điện cho các con. Chúng đều không biết. Đấy là điều kỳ lạ, anh có mối liên hệ chặt chẽ với con sao bây giờ lại như thế được. Mấy ngày sau, tôi đăng tin lên truyền hình, người quen điện thoại bảo thấy anh bắt xe đi miền Nam. Gần bảy mươi tuổi, anh có thể tiếp tục lang thang khám phá mảnh đất và con người nẻo xa? Tôi ôm mẹ khóc, mẹ dỗ dành tôi.

- Mẹ có ở nhà cùng bố con được mấy đâu...

- Con không thể sống như thế.

- Chồng của con không thể sống như con.

- Mỗi người tự yêu chính mình đến mức ấy sao hả mẹ?

- Mẹ không biết, nhưng thấy bố con sống vui, mẹ thực sự hạnh phúc. Giá bố con còn sống đến bây giờ...

Tôi ngắt ngang câu nói của mẹ vì tôi bắt gặp giọng điệu của mẹ chồng tôi. Thời gian sau, mẹ cũng trở về nhà, bà sống một mình trong ngôi nhà vắng. Tôi không sống như thế, tôi sẽ đưa anh trở về với ngôi nhà này.

Các con tôi lấy vợ, chuyến du lịch thay cho đám cưới. Chúng xin tiền tôi để mua đất, làm nhà. Cứ cuối tuần chúng dắt díu nhau về ở cùng tôi. Vào chiều chủ nhật chúng trở về nhà để vào sáng thứ hai đi làm cho tiện. Tôi ở với người giúp việc và một bác sĩ riêng. Mấy đêm trời lạnh, tôi lại nằm mơ thấy mẹ chồng. Bà bảo đi tìm anh về. Giấc mơ nối tiếp giấc mơ, những hình ảnh cứ lặp đi lặp lại. Mẹ chồng tôi bảo anh ở vùng sông nước. Tôi nhớ lại, đó là căn nhà lá đơn sơ, trong đó có người đàn bà rất giống với cô giúp việc. Tôi đem chuyện này kể, cô ấy cho biết hai mẹ con họ rất giống nhau. Những đêm sau tôi không ngủ, nước mắt chan ra gối. Mẹ chồng tôi được sống cạnh anh trọn cả đời người. Lúc điếu thuốc, khi lá trầu anh đều tận tay đưa. Sáng sớm, tôi gọi người giúp việc:

- Tôi hỏi chút được không?

- Thưa bà cứ bảo.

- Bố cô làm nghề gì?

- Tôi không có bố, mẹ tôi đơn thân nuôi con.

Tôi lật bộ hồ sơ của người giúp việc mà Trung tâm giới thiệu việc làm chuyển cho tôi. Lần theo địa chỉ ấy, tôi gặp người đàn bà trong căn nhà lá. “Đúng là anh đã ở đây, một lần duy nhất vào chiều mưa. Anh đến đây hỏi tôi đường đến nhà của người bạn, xong uống nước rồi đi luôn” - người đàn bà kể.

Theo hướng người đàn bà chỉ, con đường đỏ quạch nát bét giữa mưa. Tôi bảo lái xe tiếp tục đi, thật xa đến tận cuối con đường thì đứa con trai đầu của tôi điện thoại. Nó bảo rằng, bố đang ở nhà con mấy năm nay, bố không muốn ai biết, con tôn trọng. Tôi chết lặng, tay đặt lên tấm kiếng lạnh ngắt như tấm ván từ cổ quan tài của mẹ chồng. Bên ngoài, trời mưa mỗi lúc nặng hạt. Người tài xế phân vân.

- Tôi cho xe chạy bà nhé, vùng này sẽ ngập nước.

- Anh cho xe quay về đi, tôi ở lại đây.

- Như thế sao được, nước sẽ cuốn trôi bà, tôi không thể làm thế.

- Làm ơn, tôi đã chết từ rất lâu rồi...

Người tài xế bước xuống theo tôi, chỉ một lúc nước ngập trắng vùng. Chiếc xe bắt đầu dịch chuyển và trôi bồng bềnh trên mặt nước. Anh ta giữ chặt lấy tôi để chống lại lũ mỗi lúc càng dâng cao. Bất chấp con nước chảy cuồn cuộn, tôi với theo chiếc xe. Tôi gào thét, tôi gọi mẹ chồng tôi. Mẹ ơi! Vớt giùm con chiếc xe, đó là cỗ quan tài chở con về với gia đình... 

Truyện ngắn của Hoàng Hải Lâm
.
.