Những giấc mơ xưa cũ

Thứ Sáu, 25/11/2016, 08:33
Đôi trai gái phải lòng nhau từ đấy. Nhưng Tiêm nhìn anh Cốc khỏe mạnh, chất phác thì cũng xiêu lòng. Cô tần ngần đứng nhìn hai người như đôi chim cu mà không dám hé răng nửa lời. Chỉ Nhài là rõ. Nhài dọa sẽ mách mọi người. Tiêm sợ lắm nên Nhài bắt làm việc gì cô cũng gắng làm, cốt sao Nhài ngậm miệng...

Nắng chiều ủ ê rũ rượi trong cơn buồn ngủ như sắp bị nuốt chửng bởi bóng tối. Từ ngoài cổng, thằng cu Ti chạy vào hớt hải:

- Nhọn ơi… ời… mày… ra đây mà xem!

Nhọn đang quấy cám lợn. Hơi nóng bốc lên táp vào mặt làm mồ hôi túa ra. Nó chưa kịp đáp lại thì thằng Ti đã xộc ngay vào chỗ nó đang ngồi.

- Bà Lành… rồ đấy… trời kinh quá mày ạ…

Vừa nói nó vừa thở hổn hển chẳng ra hơi.

- Mày làm gì mà như cháy nhà thế, bà Lành làm sao?

Con Nhọn gắt lên. Nó đưa cái que bời dập dập vào đùn rơm đang cháy dở. Tàn tro bay tả tơi. Mặt mũi nó nóng ran, bừng đỏ. Nó sốt sắng hỏi lại:

- Ơ, mày bảo bà Lành thế nào mà kinh?

- Thì mày ra đây mà xem.

Thằng cu Ti nắm tay nó, lôi xềnh xệch ra cổng.

Vừa chạy ra đến nơi, con Nhọn đã há hốc mồm. Bà Lành đang làm cái quái gì vậy? Bà lấy rong rào bịt kín cổng, đổ đầy mảnh chai ở đó. Còn bờ rào thì bà phá bỏ, trổ một lối đi giữa nhằng nhịt tre pheo gai góc. Đáng sợ hơn là một cái tiểu sành được đặt giữa lối đi không biết bà tha ở đâu về và vào lúc nào. Chả lẽ bà đã mang về từ trước và cất trong nhà mà không ai biết. 

Hai đứa nhỏ nhìn nhau rồi lại nhìn cái cảnh tượng quái dị đang diễn ra trước mắt. Tiệt không thấy bóng dáng bà ta đâu. Sao bà ta có thể làm những việc này chóng vánh như vậy? Tự nhiên chúng thấy lạnh sống lưng. Bóng tối dần trùm phủ.

*

Hơn năm mươi năm về trước, làng ở vùng tề. Lính lập các chốt để canh phòng, cai quản. Dân làng thường đi cắt cỏ ngựa bán cho Tây lấy tiền. Cô Lành cũng vậy. Hôm nào cũng phải vào tận trong núi, từ tờ mờ sáng đến quá trưa, được gánh cỏ lặc lè. Nhà thì nghèo, cha mất sớm, mẹ lại cay nghiệt, cô trở thành trụ cột của gia đình. Khỏe mạnh, xốc vác, nhiều trai làng để ý nhưng cô chưa thuận ai. Kế cô là cô Tiêm, rồi đến cô Nhài. Cô Tiêm thì nhỏ nhẹ, nhu mì, kín đáo, còn cô Nhài thì bốp chát chả giữ ý giữ tứ bao giờ.

Minh họa: Đặng Tiến.

Ba mươi Tết, trời đã nhá nhem, Lành vừa bán gánh cỏ được hai hào. Nghĩ tủi phận, nước mắt ứa ra, nhìn thấy cỗ bàn của chúng mà thèm. Nếu được ăn những món đó thì cô sẽ chẳng cần phải giữ ý gì nữa. Bao nhiêu lâu rồi có biết mùi vị của thịt là thế nào. Về đến cổng làng, thấy người xúm xít đen đỏ. Lành nghển cổ vào, thì ra người nhà ông Lý mổ bò bán. Tiếng qua tiếng lại xì xào. Lành đang nhẩm tính xem mình có đủ tiền mua chút đỉnh về gọi là có tí tết không thì bỗng có người gọi nhỏ:

- Cô Lành, bây giờ mới về ư? Thế tết nhất đã có gì chưa?

Lành giật mình. Ra là anh Cốc, người làm công cho nhà ông Lý. Lành chưa kịp nói gì thì anh ta đã bốc cả cỗ lòng còn nóng hổi dúi vào cái nón mê của Lành.

- Cô cầm về đi

Lành sững sờ, đưa hai hào ra:

- Nhưng mà tôi… chỉ có chừng này thôi

Anh Cốc ôn tồn đáp lại:

- Đừng ngại, cô cứ mang về đi. Tôi với cô chứ đâu phải người xa lạ. Thôi về đi kẻo nhà lại mong…

Lành còn đứng tần ngần. Cốc lại giục:

- Tôi bảo cô về đi mà, cầm tiền về… cô ở đây lâu tôi không bán hàng được, ông Lý lại quở tôi thì chết.

Lành chẳng nói được lời nào thì Cốc đã lặn vào trong đám người xôn xao.

Đôi trai gái phải lòng nhau từ đấy. Nhưng Tiêm nhìn anh Cốc khỏe mạnh, chất phác thì cũng xiêu lòng. Cô tần ngần đứng nhìn hai người như đôi chim cu mà không dám hé răng nửa lời. Chỉ Nhài là rõ. Nhài dọa sẽ mách mọi người. Tiêm sợ lắm nên Nhài bắt làm việc gì cô cũng gắng làm, cốt sao Nhài ngậm miệng. Một hôm, Lành và Tiêm đi gánh cỏ, bà mẹ ở nhà nấu nồi cháo cám rồi múc ra ba bát để cho ba đứa. Nhài đi đâu mãi chưa về. Hai chị em Lành về đến nhà thì cũng chập tối. Vừa đói vừa mệt, miếng cháo cám chát đắng lại trở nên ngòn ngọt. Tiêm bảo Lành:

- Chị no chưa? Em vẫn còn đói quá!

Lành xót xa:

- Thế mày ăn nốt bát này đi…

Chẳng kịp nghĩ gì, Tiêm cầm bát cháo lên ăn nốt.

Tiêm vừa ăn xong bát cháo thì bà mẹ  bước vào. Trông bà ta mệt mỏi và rách rưới quá. Cái đói khổ đã làm cho bà ngày càng cay nghiệt với những đứa con dứt ruột đẻ ra. Biết Tiêm đã ăn cả hai bát cháo cám, bà rít lên chửi bới, lăng mạ cô. Bà ngoa ngoắt xổ ra bao lời lẽ chua cay làm cho miếng cháo trong cổ Tiêm như tắc lại, ngẹn ứ trong họng. Giá mà nôn ra được thì cô cũng nôn, cũng khạc cho ra kì hết. Tiêm khóc nấc lên, chạy ào ra khỏi cửa. Lành định chạy với theo em thì bà mẹ gắt lên:

- Tiên sư mày, mày mà chạy theo nó thì cũng đừng có về cái nhà này nữa. Đồ lăng loàn!

Lành khựng lại, nhìn mẹ hằn học và đau đớn.

Mãi không thấy Tiêm về. Bên ngoài trời đen như mực. Lành thấy trong lòng như lửa đốt, định đứng dậy ra cổng. Bỗng nhiên, ngoài ngõ xôn xao, tiếng người chạy rầm rầm, tiếng gọi thất thanh. Con chó xộc ra cắn ông ổng. Trời ơi, người ta vác xác Tiêm về. Nó trẫm mình ở bến sông. Chỉ vì một bát cháo cám.

Lành không khóc được. Cô thấy quá tủi hổ và đắng đót.

*

Những câu chuyện về bát cháo cám vẫn thường ám ảnh con Nhọn mỗi khi nó nấu cám lợn. Có hôm, mùi cám bốc lên thơm phức, béo ngậy làm nó cũng lè lưỡi ra nếm thử. Nhưng vừa đưa vào đầu lưỡi thì nó chun ngay mũi lại. Thế mà, chỉ vì miếng cám chưa chắc được bằng thế này mà gia đình tan đàn xẻ nghé.

Bà nó kể, sau cái đận cô Tiêm tự tử, cô Nhài cứ thấy day dứt, bất an trong lòng. Thi thoảng lại mơ thấy Tiêm về nói rằng cấm được hé răng chuyện cô thích anh Cốc, nếu không cô sẽ về bắt Nhài đi theo. Lại có lúc mơ thấy Tiêm đòi lấy anh Cốc… Nhài sợ quá, hoảng loạn, chẳng bao lâu thì ngớ ngẩn, dở dở ương ương. Cũng năm đó, chẳng hiểu thế nào, đêm đến, bà mẹ lại mò ra bến sông rồi trượt chân mà lăn xuống chết đuối. Người ta còn thấy rất rõ cái vết trượt dài nơi bến lở.

Sau đó, cô Lành phải lập riêng một cái miếu thờ cô Tiêm. Đến tận bây giờ, mấy chục năm đã trôi qua, cô Nhài đã đi xa thì cái miếu ấy vẫn không lúc nào là nhang lạnh khói tàn.

…Con Nhọn vẫn không thể ngủ được. Nó hé mắt nhìn thì chỉ thấy màn đêm đặc sánh. Một vài vì sao lơ thơ xa lăng lắc như sắp bị vũ trụ nuốt chửng vào cuống họng khổng lồ, tăm tối. Bỗng nó vùng dậy mở cửa rồi đi ra cổng. Lặng như tờ. Mệt lử rồi mới thấy cánh cổng gỗ ọp ẹp hiện ra.

Nó đẩy cổng, cánh cổng kêu kèn kẹt. Nó đi về phía nhà bà Lành. Lối đi nhỏ vào nhà phát sáng màu xanh ma quái. Những búi tre rít lên, quằn quại. Nó thấy rõ trong thứ ánh sáng ấy, một người đàn bà tóc trắng ngồi trong miếu, ngay trên cái tiểu sành. Người đàn bà khóc âm i, âm i như thả vào khoảng không những tiếng gọi hồn. Nó đứng chôn chân, cấm khẩu.

Muốn hét lớn nhưng không thể nào hét được. Muốn chạy về nhà nhưng không thể chạy được. Người đàn bà ma quái ấy đang bay về phía nó. Ngực nó đau thắt, nặng trịch như muốn vỡ tung trong tột cùng của sự sợ hãi…

Bỗng nó rơi bịch xuống đất. Nháo nhác nhìn xung quanh, nó lổm ngổm bò dậy. Thì ra là một giấc mơ. Miệng nó đắng ngắt và toàn thân rã rời, chẳng còn chút sức lực nào. Nó vừa bị bóng đè, mà ma đè thì có. Thế nên dù trời nóng hầm hập, nó vẫn kéo chăn trùm kín mít, chẳng dám hé mắt nhìn ra bên ngoài nữa.

…Có tiếng gõ cửa cộc cộc. Nhọn choàng tỉnh. Sững sờ khi thấy một người phụ nữ đang nằm cạnh mình cũng hốt hoảng trở dậy. Nhọn kêu lên nhưng cổ họng nó không phát ra tiếng. Nhọn sợ quá gào lên. Cũng không nghe thấy âm thanh gì từ cuống họng của nó.

Nó hoảng quá, lật tung chăn và nhảy bổ xuống giường. Người đàn bà mở cửa và một người đàn ông bước vào, dáng điệu vội vã. Không ai để ý tới sự có mặt của nó, cứ như là họ không nhìn thấy nó. Nó chạy lại, chen giữa họ, khua tay múa chân loạn lên, nhưng những hành động của nó như tan vào khoảng không. Trời ơi, là sao thế này? Nó là người hay là ma đây? Nó chết từ bao giờ mới được chứ? Sao nó lại ở đây?

Nó ôm mặt khóc nức nở. Rồi lại ngẩng lên nhìn họ. Người phụ nữ phúc hậu và trông có nét gì quen quen. Chỉ có người đàn ông là nó chưa gặp bao giờ. Nó nín khóc, nhìn xung quanh ngôi nhà. Nơi đây vừa quen thuộc mà lại vừa lạ lẫm, vừa gần gũi mà lại vừa như sự hiện hữu của quá khứ xa xăm. Nó giật mình khi thấy người đàn ông cất tiếng:

- Lành ơi… giờ tôi phải đi rồi. Người ta đang chờ tôi ở bến sông. Mai này, khi đánh đuổi hết giặc Tây, tôi lại về. Nhớ chờ tôi nhé!

Người đàn ông nghẹn ngào nắm chặt đôi bàn tay run rẩy của người phụ nữ. Cô lảo đảo, cố rặn ra từng tiếng đứt gãy:

- Anh… nhất… định… phải… đi… sao? Anh… Cốc?

Con Nhọn lúc này không thể tin vào tai vào mắt mình nữa. Hai con người đang ở trước mặt nó là bà Lành và ông Cốc khi họ còn trẻ. Nó chỉ được chứng kiến cảnh tượng này mà chẳng thể tham gia vào câu chuyện của họ, chẳng có cách nào để họ biết nó đang có mặt nơi đây, trong căn nhà xác xơ nghèo nàn của nhà bà Lành hơn năm mươi năm về trước.

- Ừ… tôi không thể chậm trễ được… Lành ạ!

Người đàn ông quay đi, phả hơi sương vào trong nhà lành lạnh. Nó kịp lách mình qua cánh cửa để chạy theo họ ra phía bến sông. - Khẽ thôi, đừng để người ta thức giấc, nhà ông Lý mà biết thì chỉ có nước chết! Thỉnh thoảng, chó lại sủa lên vài tiếng thủng thẳng cũng đủ làm cho họ rợn tóc gáy. Bến sông lặng ngắt. Một con thuyền nhỏ chênh chao giữa đôi bờ. Người đàn ông cứ thế mất hút vào vô thẳm.

Nó lầm lũi theo người đàn bà trở về căn nhà trống trải. Gió lùa xao xác. Ngọn đèn hạt đỗ đung đưa.

Chuyện thằng Cốc trộm tiền của nhà ông Lý rồi bỏ trốn giữa đêm hôm loan khắp làng. Chẳng biết thực hư thế nào. Ông ta bảo bằng mọi giá sẽ phải tróc nã thằng phản chủ ấy về, cho voi giày ngựa xéo. Cái đồ ăn cháo đá bát. Bà mẹ cô Lành thì đay nghiến cô:

- Mày sáng mắt ra chưa hả đồ con gái mất nết. Cứ mà đi đâm đầu vào cái thằng ấy. Giờ cháy nhà mới ra mặt chuột. Rõ là mèo mả gà đồng…

Lành chỉ lặng thinh. Lý do anh ra đi thì Lành sống để bụng, chết mang đi.

Một hôm, khi đi tắm, Lành sơ ý để tuột khuy áo trước mặt bà mẹ. Chỉ nhìn thấy thế, bà đã nhảy cỡn lên mà rít ken két qua hai hàm răng:

- Ối trời cao đất dày ơi, ối ông ơi là ông ơi, về đây mà xem cái phường lăng loàn, cái đồ vô phúc… ối giời ơi là giời ơi… cái phường đánh đĩ… ối giời ơi, cái bụng nó sắp ễnh lên bằng cái thúng rồi mà nó còn định che mắt tôi đây…

Cô Lành sợ quá, chẳng nói được câu nào. Bà mẹ ba máu sáu cơn nhảy xổ vào mà cào cấu, cắn xé cô.

- Hừ, tao nói cấm có sai, ngữ này rồi lại cạo đầu bôi vôi thả trôi sông thôi con ơi… Mày bôi gio trát trấu vào mặt tao. Nhục nhã chưa? Mồ mả bố mày cũng bị người ta xới tung lên vì cái thói động cỡn của mày con ạ… Thằng nào, thằng chết băm chết vằm nào… À, đúng rồi, thằng Cốc, nó ăn ốc rồi không đổ vỏ, nó đè mày ra cho mày có chửa rồi nó chạy làng rồi phải không?... Ối con ơi là con ơi, đã thấy sướng chưa hả con?

Lần ấy, để tránh cho Lành khỏi bị cạo đầu bôi vôi thả trôi sông, bà mẹ đã đeo mặt mo đến năn nỉ một thanh niên trong làng đang đi lính cho Tây. Dù gì mẹ anh chàng này với bà cũng là chỗ thân tình. Thế nên, sau đó, vụ cô Lành chửa hoang cũng có người đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Lành mau chóng được gả chồng. Tiêm thì đã chết rồi. Nhài thì dở dở ương ương, mẹ cô Lành dù khắc nghiệt đến mấy cũng không đành lòng nhìn cô đi vào chỗ chết. Lành được gả đi mấy hôm thì bà mẹ chết đuối bờ sông vào một đêm tăm tối.

Con Nhọn không thể thay đổi những sự thật đó dù nó tận mắt chứng kiến từng cảnh tượng đau lòng. Lúc thì nó cố sức đuổi theo cô Lành, lúc lại cuống cuồng chạy theo bà mẹ. Rút cuộc, những cái kết vẫn đến theo đúng kịch bản của tạo hóa. Một đêm cô Nhài ngồi trong miếu thờ cô Tiêm, xổ tung bới tóc, khóc cười rũ rượi. Rồi sáng ra, chết ở đó tự lúc nào.

Ngôi nhà trở thành nhà hoang.

Vài tháng sau, cô Lành sinh con. Vừa mới đẻ ra, chưa kịp nhìn mặt con thì nhà chồng cô đã bế đứa trẻ mang đi cho. Nó không phải là giọt máu của nhà này thì cớ gì phải để nó lại đây. Rồi tung tin là cô Lành khó đẻ nên đứa con chết ngạt trong bụng mẹ. Cô Lành khi biết chuyện thì cấm khẩu như hóa đá.

Năm ấy, mất mùa đói kém, đến cháo cám cũng không có mà ăn. Chồng cô Lành – cai Đội một hôm đi đưa gạo cho quan Tây, bị đám dân đói phục kích cướp gạo, giết chết. Rồi đám dân đói cũng bị bắn hết, máu chảy lênh láng thấm cả vào gạo. Chúng mang về cho ngựa ăn. Những hạt sót lại ở trên đường thì người dân túa ra tranh cướp nhau nhặt sạch.

Cai Đội chết. Mẹ chồng đuổi cô Lành đi. Cô lặng lẽ trở về nhà. Ngôi nhà hoang tàn, rêu phong và ẩm ướt, đơn côi như một mảnh đời tủi phận nằm bẹp dúm ở góc vườn. Rồi cô nói được trở lại. Nhưng cô không nói nữa...

…Bỗng tiếng nhạc đám ma vang lên não nùng thống thiết. Con Nhọn bàng hoàng. Nó chồm dậy, bừng mở mắt, ngơ ngác. Ánh nắng le lói đâm thẳng vào mắt nó. Vẫn ngôi nhà của nó. Ngôi nhà mốc mác, bạc màu thời gian. Bà nó ngồi đấy, hiền từ như một bà tiên trong câu chuyện cổ. Trên tay bà vẫn là chiếc quạt mo mà nó từng ao ước trộm lấy để đem đi đổi cho phú ông trong làng. Bà nó vội vứt cái quạt mo xuống mà mắng yêu:

- Gớm, tiên sư nhà cô! Sốt li bì suốt đêm, lại còn mê sảng, nói năng lung tung, vừa cười vừa khóc...

Con Nhọn ngây người ra. Rồi nó vội đưa tay rờ lên khuôn mặt của bà. Rõ là bà rồi. Nó cảm nhận chân xác trên những ngón tay run rẩy của mình. Nó chưa chết. Nó khóc vì hạnh phúc. Thì ra tất cả những gì xảy đến với chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng tiếng kèn đám ma thì vẫn dội vào tai nó rõ mồn một. Nó tỏ vẻ không hiểu. Bà nó buồn rầu đáp:

- Bà Lành chết từ đêm qua rồi. Chết lúc nào chẳng hay. Sáng nay ủy ban người ta vào hỏi, gọi mãi chẳng thấy đâu, đập cửa vào thì thấy đã chết cứng.

Con Nhọn nghe mà thấy lòng nghẹn đắng. Giấc mơ ùa vào lòng nó một cô Lành hóa đá.

Đưa ma bà Lành chẳng có mấy người. Thưa thớt ảo não. Con Nhọn tụt lại phía sau cùng. Đôi chân nó chênh vênh trên dải đất đồng khấp khểnh vương đầy những cứt trâu cứt bò. Hoa cỏ may trong chiều tan tác…

Thời bà còn sống, người ta vì cái lý lịch lấy chồng theo Tây (mặc dù chồng bà đã chết từ tám hoảnh nào rồi) nên thường gây khó dễ cho bà. Ngay cả mảnh đất bà đang ở, người ta cũng đã nhảy vào xâu xé, chia chác và chỉ chừa lại cho bà một phần đất của tổ tiên.

Cũng may có cái miếu cô Tiêm, làng đồn nhau là cô này chết trẻ, thiêng lắm nên người ta còn chợn, không dám tống cổ bà đi. Có khi, bà rời khỏi đó thì chắc cũng chả ai dám ở. Biết bao nhiêu năm hội làng, người ta không cho bà vào cúng lễ. Thế là bà nghiễm nhiên bị hất ra rìa cuộc sống như một con hủi. Người ta bảo bà rồ. Cũng chẳng còn ai nhắc tới ông Cốc nữa – một kẻ trộm cắp phải tha phương biệt xứ, không biết đã chết rũ xương ở xó nào…

Đám đang lặng lẽ bò lê trên đường quê như những con kiến mệt mỏi bỗng nhiên nhốn nháo hẳn lên vì một chiếc ôtô trắng tinh lao đến. Trong phút chốc, tất cả dừng lại. Chiếc xe tang nằm im chờ đợi. Một người đàn ông trạc năm mươi bước xuống khỏi xe, ngập ngừng và run rẩy.

Rồi bỗng rẽ mọi người mà chạy đến bên chiếc quan tài. Sự xúc động tột độ làm cho khuôn mặt ông méo xệch, mái tóc muối tiêu rủ xuống, tơi tả. Ông nấc lên nghẹn ngào: “Mẹ ơi… con… về… muộn mất… rồi”. Cả đám người xôn xao không hiểu người đàn ông đó là ai, chuyện này là thế nào?

Riêng con Nhọn đứng như chết lặng. Người đàn ông này… nó đã gặp ở đâu? Bóng dáng ấy cứ chập chờn lay động trong một đêm tối tăm mà ngọn đèn hạt đỗ chẳng thể thắp sáng cả căn phòng. Nó buột miệng thảng thốt: “Ông Cốc!”. Người này rất giống ông Cốc trong những giấc mơ của Nhọn, thế là ông ấy đã về tìm được mẹ của mình thật rồi. 

Truyện ngắn của Hằng Chu
.
.