Những chuyến tàu đêm

Thứ Hai, 10/04/2017, 08:12
Ở trường, chẳng ai biết tôi là ai. Trong lớp, tôi là một nhân vật trầm lặng vô hại và chẳng chơi thân với bất cứ một ai. Tôi học không quá kém, nhưng cũng chẳng đủ giỏi để được thầy cô để ý. Tôi vẫn nghĩ mình cứ sẽ mãi thế này cho đến tận khi tôi rời trường tiểu học, hoặc cả đời này tôi sẽ cứ mãi thế này.

Tình cờ tôi gặp lại Nam - thằng bạn học từ hồi cấp 1. Đúng như lời mọi người nói, thời gian quả mang trong mình một sức mạnh kì diệu. 

Nam trong trí nhớ của tôi là một cậu trai trắng trẻo, hiền lành, hát rất hay và tài nhảy dây của Nam thì luôn làm cho bọn con gái trong lớp phải ngỡ ngàng. Chàng trai ngồi trước mặt tôi lúc này dường như là một con người khác với vẻ ngoài cương nghị và có phần già dặn trước tuổi. 

Chúng tôi bắt đầu trò chuyện có phần gượng gạo với vài câu hỏi thăm quen thuộc. Càng sau, câu chuyện lại càng quay trở lại thời điểm bọn tôi học cùng nhau. Tôi bảo Nam ngày càng “nam” hơn, và hắn thì trả đũa tôi bằng cách nhắc lại những chuyện xấu hổ đáng bị chôn vùi vĩnh viễn của tôi lúc trước. Bỗng dưng, như chợt nhớ ra điều gì đó, khuôn mặt Nam đanh lại, nó hỏi tôi bằng một giọng nghiêm túc chưa từng thấy:

- Mày biết tin gì chưa?

- Chưa. Tin gì cơ?

Tôi bỗng cảm thấy bất an.

- Không đọc bài đăng của cái Thanh trong nhóm lớp cấp 1 của mình à?

- Tao chưa. Tao dùng nick facebook mới rồi, hình như chưa ai thêm vào cả.

Câu trả lời của Nam như một cơn gió mạnh thốc vào ngực tôi làm cho tôi như không ngồi vững. Khi Nam nhắc lại một lần nữa về cái tin tôi chưa kịp đọc kia, cũng là lúc chúng tôi cảm giác hình như đang có một đoàn tàu đang đi ngang qua. 

Bằng một cách thần kì nào đó, giữa không gian phố phường tấp nập, thứ âm thanh ấy vẫn có thể vọng lại đến tận đây. Tôi không biết đó là tiếng bánh xe chạy trên những đường ray hay là tiếng động cơ của những con tàu cũ kĩ. Chỉ cảm giác tai mình như ù đi trong lúc Nam đang cố mấp máy môi để nói thêm điều gì tôi không nghe rõ. 

Con tàu đêm phát ra những âm thanh dài trầm đục, tựa như đang vọng lại từ một nơi rất xa, xa đến mức mọi thứ dường như nhỏ lại, giống như tôi đang đứng từ trên cao nhìn xuống một tôi khác, cố gắng kiễng chân nhìn qua bờ tường đầy rêu phủ về phía đoàn tàu chạy qua phía xa, tự đoán xem không  biết đấy có phải là đoàn tàu có bố mẹ mình trên đấy không.

Năm ấy, tôi lên 8. Còn em tôi chỉ mới 4 tuổi. Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng mùa hạ hôm ấy, cả nhà vừa cùng nhau đi đâu về, khi mọi người đang đứng chờ bố tôi mở cửa thì mẹ tôi bất ngờ quay lại và hỏi em trai tôi vì sao lại nằm bẹp trên yên xe như thế. Sau đấy là những chuỗi ngày khám bệnh ở tất cả các bệnh viện trong thành phố. 

Trong tâm trí non nớt của tôi lúc bấy giờ, cùng lắm em trai tôi chỉ là đang bị một cơn đau bụng. Nhưng sự thật tàn nhẫn hơn nhiều khi mẹ nói với tôi sau chuyến đi Hà Nội dài ngày rằng em bị ung thư. Ngày đó, với một con bé lớp 1, ở tuổi lên 7, tôi vẫn chưa thể mường tượng được ra nổi mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là một loại bệnh, uống thuốc vào là khỏi. Nhưng tiếp đó là nối dài những lần bố mẹ vắng nhà nhiều hơn, và lâu hơn. Tôi lớn lên vô tư quẩn quanh trong thế giới nhỏ bé của mình.

Ở trường, chẳng ai biết tôi là ai. Trong lớp, tôi là một nhân vật trầm lặng vô hại và chẳng chơi thân với bất cứ một ai. Tôi học không quá kém, nhưng cũng chẳng đủ giỏi để được thầy cô để ý. Tôi vẫn nghĩ mình cứ sẽ mãi thế này cho đến tận khi tôi rời trường tiểu học, hoặc cả đời này tôi sẽ cứ mãi thế này.

Một khoảng thời gian sau, tôi bắt đầu nhận thức được những khó khăn mà gia đình đang mắc phải. Những lần bố hoặc mẹ về với tôi thưa dần. Không khí trong gia đình trầm lại, rõ rệt đến mức tôi cảm thấy sự bất an đang dần len lỏi nảy mầm trong tâm trí mình. Những dịp cuối tuần, khi nghỉ học, tôi được gia đình đưa ra Hà Nội, ngồi trong căn phòng trắng đến lạnh người với em trai và những đứa trẻ xa lạ mà điểm chung duy nhất là những mái đầu trọc lóc, có chăng cũng chỉ là ít tóc lưa thưa lấp ló sau những chiếc mũ len dày. Đi rồi về. Về rồi lại đi.

Rồi một ngày nọ, cô giáo nói tôi ở lại gặp cô sau buổi học. Ở tuổi đấy, chúng tôi luôn nghĩ việc phải ở lại gặp riêng giáo viên là một điều gì đó hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt là tôi. Trong ấn tượng của mình, cô chủ nhiệm luôn là một giáo viên ít nói với dáng người cao gầy và khuôn mặt có phần lạnh lùng khắc khổ. Chưa ai thấy cô to tiếng với người khác bao giờ, khác hoàn toàn với cô phó chủ nhiệm của chúng tôi, một cô giáo trẻ, phúc hậu và dễ xúc động. 

Tuy vậy, với chúng tôi, sự im lặng của cô mỗi khi chúng tôi mắc lỗi còn đáng sợ hơn nhiều so với những lời la mắng. Cô cũng chẳng xuất hiện ở lớp nhiều, trừ những dịp đặc biệt. Có một lần, thằng Minh lớp tôi đánh nhau với một vài đứa lớp bên. Một đứa bé trai đánh nhau ở trường tiểu học là một điều gì đó hết sức bình thường, trừ trường hợp đối thủ của nó không đáp trả bằng cách cầm một viên gạch ném thẳng vào đầu. 

Cả sân trường xôn xao cho đến khi cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi đến. Hai “chiến binh” sợ đến mức run rẩy, còn cô thì chẳng nói một lời nào ngoài việc hốt hoảng bế thằng Minh để đưa nó vào bệnh viện. Rất lâu sau đó, hình ảnh vệt máu đỏ tươi trên tay áo trắng của cô vào buổi trưa hôm ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí non nớt của chúng tôi. Sau lần ấy, tôi chợt phát hiện, thật ra cô cũng không đáng sợ như mình tưởng tượng. Nhưng với sự kiệm lời đến mức tối giản của cô, chúng tôi còn e ngại nhiều điều.

Minh họa: Hà Trí Hiếu.

Hôm ấy, tôi đã run như cầy sấy trước phòng giáo vụ. Đến mức tôi gần như không dám thở mạnh khi thấy cô đang tiến lại phía mình. Cho đến lúc cô đặt vào tay tôi một chiếc phong bì và nói rằng cô và các bạn trong lớp gửi tặng cho gia đình, tôi vẫn chưa kịp nhận thức được chuyện gì đang diễn ra. Và cô mỉm cười. Dù khi cười những nếp nhăn bên khóe miệng cô hằn sâu hơn, nhưng nó làm cô trông trẻ và tươi tắn hơn nhiều. Khoảnh khắc ấy, in sâu vào tâm trí tôi mãi mãi.

Vào thời điểm ấy, bất cứ sự giúp đỡ nào dù là nhỏ nhất đối với gia đình tôi cũng là vô cùng quý giá. Dù số tiền chẳng lớn, nhưng quy ra một mũi tiêm, vài bịch máu cũng đã là rất quý giá. Sau này, khi lớn lên, nhớ lại cảnh tượng trong bệnh viện, tôi vẫn không hiểu những đứa trẻ ở đấy đã lấy sức mạnh ở đâu để có thể chịu đựng được từng ấy những mũi tiêm, trải qua từng ấy lần hóa trị, kiên cường mạnh mẽ mà mỉm cười với bố mẹ rằng con không đau đâu trước khi héo mòn đi vì bệnh tật. Bố mẹ tôi quắt lại vì lo lắng cho em. Tôi cố gắng chơi với em thật nhiều, thế nhưng mỗi lần nhìn em tôi yếu ớt nằm trên giường, tôi lại cảm thấy chân tay mình đờ ra thừa thãi.

Thời gian đầu tôi ở cùng ông bà nội. Đến khi trời trở lạnh thì mọi việc trở nên khó khăn hơn vì nhà quá xa trường, những 15 cây số, đường quốc lộ vào những ngày mưa thì trở nên trơn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Mỗi ngày đi học tôi đều phải đi qua không biết bao nhiêu là tấm biển cảnh báo đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn. 

Ở cái tuổi ấy, tôi không tài nào hiểu được tại sao cô lại biết được những chuyện này để giúp đỡ. Một ngày nọ, cô hỏi tôi là tôi có thích chơi với bạn Ngân hay không. Tôi thậm chí còn chẳng biết đến sự tồn tại của cô bạn tên Ngân ấy. Cho đến khi mẹ bảo từ nay trở đi con sẽ ở cùng nhà với Ngân trong lúc bố mẹ ở cùng em ngoài Hà Nội. Tôi biết rằng ít nhất nửa năm tới tôi sẽ không được ở cùng với gia đình. 

Thật may mắn, đó là những năm tháng tôi lớn lên trong tình cảm ấm áp của mọi người, những tấm lòng nhân hậu của mẹ Ngân và Ngân suốt đời tôi không bao giờ quên được. Chỉ có một điều, thiếu đi sự kèm cặp của cha mẹ, tôi học sút đi trông thấy. Một lần nữa, cô chủ nhiệm đã xuất hiện ngay những lúc tôi khó khăn. Không có gia đình bên cạnh, tôi may mắn có hai người mẹ khác và một người bạn luôn bên mình. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào lời động viên học thật tốt rồi bố mẹ và em sẽ về  mà mọi người dành cho tôi.

Một mùa đông khó khăn đi qua, chúng tôi đón năm mới trong sự lo lắng bất an. Vào một buổi trưa âm u của một trong những ngày đi học đầu tiên sau tết, trong giờ ngủ trưa, khi tôi đang nghịch ngợm chiếc tẩy trong lòng bàn tay đẫm mồ hôi của mình thì cô khẽ gọi tôi dậy, không phải để quở trách chuyện tôi trốn ngủ trưa, mà để thông báo một tin tức. Cô phó chủ nhiệm và hai giáo viên khác đã đợi sẵn chúng tôi ngoài cổng trường.

- Con nhớ nhà ông bà nội con không?

- Dạ có - Tôi lí nhí trong miệng.

Thật may là nhà của ông bà ở gần đường quốc lộ. Sau khi đi qua cỡ 7 hay 8 biển quảng cáo phía bên kia đường tàu sẽ thấy một cây bàng to ở phía bên tay trái. Đâm thẳng vào ngõ, nhà đầu tiên chính là nhà ông bà nội. Đấy là cây bàng chúng tôi và em từng chơi bán đồ lề dưới ấy, từng được ông bế ra nhìn tàu chạy mỗi đêm. 

Người lớn không thích việc ngôi nhà có ngõ đâm thẳng vào cửa vì sẽ đưa đến nhiều tai ương. Nhưng tôi lại thích việc đi chưa vào hết ngõ đã có thể nhìn thấy hết được mọi người ở trong sân. Khi tôi đưa cô về đến nhà tôi thấy mọi người đều im lặng đến lạ kì. Tôi chơi một mình trước hiên nhà nhìn mưa lất phất bay, nhìn xuyên qua hàng rào, qua cả con ngõ nhỏ. 

Bên kia đường là đường ray nơi con tàu tối nay bố mẹ sẽ đi qua. Tôi đứng một mình nơi ngõ nhỏ và hướng mắt về những đoàn tàu xa xa. Em trai tôi là cậu bé rất thông minh. Sang năm, khi nó khỏi bệnh, sẽ vào lớp một như chị, một lúc nào đấy gặp cô chủ nhiệm của tôi, cô sẽ nói cho nó biết là chị của nó đã học giỏi thế nào.

Những ngày lạnh, trời thường tối khá nhanh. Mỗi năm vào dịp Tết là táo trong vườn nhà ông bà tôi lại đến mùa trĩu quả. Những trái táo to, ngọt và mọng nước, ngon hơn hẳn táo thường được mua ở chợ. Tôi cẩn thận cúi mình tránh những cành cây đầy gai nhọn, với tay lên hái những trái táo thấm đẫm sương lạnh trên cây cho vào túi. Phía trên nhà khá ồn ào và đông người. Chắc là vì đã rất lâu rồi bố mẹ và em mới lại về. Và hôm nay lại có cả cô chủ nhiệm của tôi ở lại dùng cơm. 

Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy háo hức biết bao nhiêu. Xa xa, tiếng còi tàu vang vọng lại, báo hiệu một con tàu đang trên đường trở về ga đỗ. Tôi vội vàng chạy ra thềm. Trời đã bắt đầu xẩm tối. Ông đang đứng nhìn về phía bên kia đường tàu. Tôi im lặng đứng cạnh ông. Trời mưa lất phất. Ông khẽ nghiêng sang phía tôi:

- Bố mẹ con sắp về rồi.

Tôi nhìn về con tàu xanh đỏ đang chạy vụt ngang qua mình, cố gắng nhìn theo những ô cửa sổ sáng đèn tự hỏi gia đình mình đang ngồi đâu trên những toa tàu ấy. Tôi mấp máy môi định hỏi ông, nhưng chợt im bặt. Phía dưới đôi lông mày rậm, đôi mắt già nua hằn đầy những vết chân chim của ông long lanh nước. Đến mức dường như tôi có thể thấy được hình ảnh chính mình trong đôi mắt ấy, một khuôn mặt nhỏ đang ngạc nhiên pha lẫn tò mò. Chuông điện thoại trong nhà reo lên như xoáy vào lòng tất cả mọi người. 

Điều gì đấy thôi thúc tôi chạy vụt vào trong. Tôi thấy cô tôi nghe điện. Và cô oà khóc. Mọi người kéo tôi vào lòng và nói những câu tôi không tài nào hiểu được. Những việc sau đó diễn ra trong sự lộn xộn làm con người ta hoảng sợ. Người lớn chạy qua chạy lại. Hàng xóm xung quanh bắt đầu ùa đến. Tôi thu mình ngồi trong góc tường, nơi cửa chính và cửa nách có thể chạm vào nhau, chỗ tôi và em vẫn hay trốn lúc chơi trốn tìm. Hé mắt nhìn ra ngoài, tôi nhìn thấy bố đang bế mẹ từng bước nặng nhọc. 

Tôi muốn chạy ra, nhưng điều gì đấy làm tôi không thể bước chân ra khỏi cái góc tối nơi bản thân mình đang trốn. Không biết đã bao lâu, khẽ cảm nhận được một luồng ánh sáng dịu dàng đang bao trùm lấy mình, tôi ngẩng đầu lên, trước mặt là khuôn mặt thân thuộc của cô được phóng đại lên nhiều lần. Cô im lặng, không nói một lời nào, chỉ lẳng lặng bế tôi ra ngoài. 

Tựa đầu lên bờ vai gầy của cô, tôi có thể nhìn thấy em mình đang nằm kia. Một bóng người cúi lom khom làm tôi không nhìn rõ được khuôn mặt em tôi, chỉ thấy đôi bàn chân đang dần bị lấp đi bởi thứ màu xanh người ta đang cho vào bên trong, hình như là trà, thứ trà bố tôi vẫn thường pha uống mỗi ngày. Đôi chân này đã từng lẽo đẽo chạy theo tôi lúc vui đùa hồi còn ở khu nhà tập thể. 

Đôi chân này đã từng ngồi dưới nắng hàng giờ trong lúc nhìn tôi chơi trò tung đồng xu trước ngõ để bố có thể yên tĩnh dạy học trong nhà. Đột nhiên tôi thấy tim mình đau thắt, và mắt thì nhòe dần đi khiến mọi thứ xung quanh trở nên không thể nhìn rõ. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt cô giáo mình lúc ấy, nhưng tôi biết cô cũng đang khóc. Liệu tôi có phải người học trò đầu tiên thấy cô cười và cũng nhìn thấy cô khóc? Không ai biết được. Chỉ biết những giọt nước mắt vẫn đang im lặng khẽ rơi trên mái đầu vàng hoe vì cháy nắng của một đứa bé cũng đang nức nở.

Đến mãi sau này, khi được nghe kể về lúc bố mẹ và em trai đang hấp hối của mình ngồi trên tàu lúc chạy ngang qua nhà ông bà nội mà chẳng thể nào dừng tàu xuống được, tôi vẫn luôn tự hỏi không biết lúc đấy em có nhìn thấy mình và ông nội? 

Nếu biết có thể đấy là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, hẳn tôi sẽ leo lên vai ông và kiễng người thật cao để nếu em có nhìn ra, biết đâu em sẽ nhìn thấy mình chứ không phải là những khung đường mờ nhạt chạy lùi tầm mắt hay khung lưới bảo vệ lạnh lẽo trên tàu hỏa. 

Tôi không nhớ rõ thời gian sau đấy tôi và gia đình mình phải vượt qua những mất mát này như thế nào. Tôi chỉ nhớ vòng tay ấm áp đã ôm tôi vào lòng đêm ấy, và một đôi mắt âm thầm dõi theo tôi suốt quãng thời gian còn lại ở trường tiểu học. Như giữ lời hứa học cả phần của em mình, tôi đậu vào trường chuyên của thành phố, rồi của tỉnh, và đậu đại học mà không gặp quá nhiều khó khăn, dù đôi lúc thói lơ đễnh chểnh mảng vẫn làm tôi chao đảo. Tôi đã không chọn đi theo con đường của ông bà bố mẹ tôi, của cô. 

Tôi sợ vòng tay tôi không đủ rộng để chở che hết lớp học trò này đến lớp học trò khác, mà mỗi lớp học như vậy đều có những phận người, những số phận luôn cần được vực dậy. Tôi sợ mình không đủ kiên nhẫn để rèn giũa học trò từng nét chữ, thế ngồi đến cách sống như cô. 

Tôi đã lớn và càng hiểu biết tôi càng thấy những gì cô đã làm cho tôi và gia đình trong suốt gần một năm trời khi tôi học lớp 2 trường tiểu học Hà Huy Tập, thành phố Vinh thật vĩ đại. Nếu không có bàn tay cô chiều ấy, không biết tôi có là tôi bây giờ? Với tôi, nghề giáo là một nghề mà nếu không có tấm lòng và sự kiên nhẫn thì nhất định không thể nào làm được.

Hè nào tôi cũng đến thăm cô. Tôi được thấy cô cười nhiều hơn, cũng như rơi nước mắt mỗi lần nhắc về chuyện cũ. Bẵng đi một vài năm, tin tức mà thằng Nam đưa lại khiến tôi sững người.

- Cô bị bệnh bao lâu rồi?

- Bọn tao cũng không rõ nữa. Chắc là cũng khá lâu rồi, nhưng cô giấu, chẳng nói với ai.

Lòng tôi chùng xuống, và ngực trái thì thắt lại như có một bàn tay đang bóp nghẹt phía trong. Cô vẫn luôn như thế, luôn luôn im lặng chịu đựng rồi giữ hết tất cả cho riêng mình.

- Lớp mình lên kế hoạch ngày kia để đợi mọi người về đông đủ rồi đến viếng cô luôn một thể. Mày có về không?

Tôi có về không? Tôi cũng không chắc nữa. Tôi còn một bài tiểu luận chưa hoàn thành nốt. Nhưng tôi biết có những thời khắc quan trọng đến mức tất cả mọi thứ còn lại trên đời đều trở nên vô nghĩa. Hơn nữa, tôi còn nợ cô một lời tạ lỗi.

- Bao giờ mày đi?

- Tối nay. Tao đi chuyến muộn nhất. 11 giờ 30.

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Bây giờ đã là 10 giờ kém.

- Mày có xe không? Chở tao nhé?

Dường như thằng Nam không thấy bất ngờ trước câu hỏi của tôi mà cũng chẳng cần hỏi xem sẽ phải đưa tôi đi đâu. Xuống lấy xe, tôi nói với Nam bằng một giọng khẽ khàng:

- Đưa tao về nhà.

Im lặng một lúc, tôi nói thêm:

- Tao còn phải lấy ít đồ.

Không nhìn rõ mặt Nam, nhưng tôi biết nó đang cười buồn. Nụ cười hiền hậu giống một nụ cười đã từng xua tan hết bao nhiêu sợ hãi lo lắng vẩn vơ của tôi ngày tôi còn bé.

“Về với cô thôi!”.

Vinh, 7/8/2016

Trần Hồng Hạnh
.
.