Nhà hai tầng

Thứ Hai, 13/01/2014, 08:30

Nhà ấy một trệt, hai lầu, có sân thượng trồng đồ kiểng và 2 bình nước chói sáng. Sắc diện khá giả, có thẩm mỹ thời thượng. Do bề ngang hẹp, chiều dọc khá dài nên nhìn vô, thấy như một cái hành lang lớn của hội trường.

Nhà chia ba phần, ba thế giới khác nhau. Tầng trệt sơ sài với nhà bếp, phòng khách, chỗ để xe Honda và mớ chăn chiếu mùng mền. Trong cái không gian dài lòng thòng của "toa tàu" ấy lại cũng chia làm hai. Một chứa đựng những thứ sang trọng đắt tiền. Một dùng chứa những thứ thô sơ hoặc đồ cũ kỹ gần như loại phế thải. Cấu trúc tổng thể không hài hòa nhưng hợp lý cục bộ. Khu chứa đồ cũ là chỗ ngủ của hai người đàn ông vốn coi chuyện ngủ là thứ "nằm xuống để không biết gì". Đã không biết gì thì kể chi đến chiếu, nệm sạch hay dơ bẩn. Nói tóm lại, tầng trệt là nơi tập hợp của nơi ăn uống sang trọng với chỗ trọ rẻ tiền.

Tầng một là thế giới của trí thức, ngăn nắp và sạch sẽ. Tầng hai và sân thượng là thế giới của sự sang trọng giàu sang, nơi ở của chủ nhân nhà này.

Ở đời, có điều không hiểu người ta phải nhọc công gắng sức, thậm chí dồn hết tâm huyết để tìm hiểu cho ra nhẽ, nhưng cũng có những thứ không hiểu được cho qua một cách nhẹ nhàng. Chuyện ở gia đình 12B là một thứ như vậy. Không hiểu một cách vui vẻ.

Chuyện tưởng như đùa, như một thứ lắp ghép trang trí của hề rạp xiếc.

Vợ chồng bằng tuổi nhau, cùng sinh năm con Dê. Chồng ốm nhom ốm nhách, cũ kỹ đen đủi như một chiếc xe Môbilet của Pháp sản xuất từ năm 30 của thế kỷ trước còn sót lại. Đã vậy lại còn không chịu tu sửa, trang trí. Chưa tới tuổi 50 nhưng đã mang dáng vẻ, đường nét già nua ở tuổi ngoài 60. Nói tóm lại, đấy là dạng đàn ông không có chí tiến thủ.

Anh ta có 3 cái quần dài, 2 quần Jeans và 1 quần vải kaki đều quá khổ rộng thùng thình; 3 cái áo dài tay, 1 màu xanh nhạt có vẻ mới, 1 kẻ caro có vẻ cũ, 1 màu vàng lợt đã bị nhiều vết ố trông như da tắc kè bông. Ngoài ra còn có 2 cái áo may ô 3 lỗ màu cháo lòng thõng thẹo thùng thình chỉ che được phần bụng.

"Khi anh ta mặc áo thun 3 lỗ với chiếc quần Soọc, thượng đế cũng phải cười". Ai cũng nói vậy. Nghe nói có một nghệ sĩ tấu hài thời thượng đã tìm đến anh để ngắm nhìn tìm hiểu cái đặc trưng gây cười ấy, một sự đối lập tương phản. Cái áo thun 3 lỗ là thứ giẻ lau và chỉ có thể xem là áo khi đeo lên người. Còn như cái quần Soọc lại là thứ hàng hiệu chính tông mua từ Paris, một trung tâm thời trang của thế giới.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Khác hẳn với chồng, vợ là một phụ nữ đẫy đà, căng phồng và bóng láng sự sang trọng quí phái, sạch sẽ và thời trang. Có thể xem như một chiếc ôtô du lịch đời mới nhất vừa xuất xưởng. "Mọi thứ đều óng chuốt và mịn màng như da em bé, trừ giọng nói" - chồng nói vậy. Mọi người đều xác nhận. Chị là người phụ nữ không thể đoán nổi tuổi tác. Thời gian như nước mưa trôi qua lớp sơn Nippon "sơn đâu cũng đẹp". Trông gần cũng như nhìn xa, người ta thấy chị giống búp bê hơn là đàn bà. Bởi người ta sinh ra và trưởng thành từ những cái hoàn thiện và không hoàn thiện. Có một nhà triết học nghiệp dư trong hẻm này đang nghiên cứu mối quan hệ giữa hoàn thiện và không hoàn thiện. Ông ta khẳng định trong cái hoàn thiện và trong cái không hoàn thiện có sự hoàn thiện.

"Lấy ví dụ như chị tròn vo ở nhà 12C, cái duyên của chị ta lại ở trong cái thể trạng tròn xoay và lạnh giá, cái mà người ta thường cho là vô duyên và không đẹp".

Người trong hẻm không quan tâm lắm tới các chiều cao, sâu, rộng của triết học. Họ chấp nhận cái luận điểm "mập có cái duyên của mập, lạnh có cái duyên của lạnh" của nhà triết học ngõ hẻm này, bởi ai cũng phải công nhận người đàn bà mặt tròn, mắt tròn, mông tròn ấy có cái duyên dáng rất đậm đà, và cũng từ cái duyên ấy mới có cái quần Soọc của anh chồng ốm nhom như con bọ gậy.

Vợ chồng nhà ấy là bạn học cùng nhau từ tiểu học lên trung học. Hồi đó, nàng luôn là tâm điểm của những vòng tròn con trai. Nàng không đẹp rực rỡ như nhiều người đẹp khác. Nàng thấp lè tè, tròn vo, đi như vịt bầu, ngồi như tượng đá. Bạn học gọi nàng là "bánh bao di động", và cái bánh bao di động ấy luôn có sức hút kỳ lạ. Nàng ngồi đâu bọn con trai bu bám vòng quanh. Nàng đi, cả bọn rùng rùng chuyển động theo. Thầy, cô giáo phải thốt lên, kinh ngạc: "Không thể hiểu nổi!".

Chàng cũng là một trong số con trai trồng cây si trước nàng. Nhưng chàng tự nhận mình chưa đủ tầm vóc nên thường đứng ở xa để ngắm nhìn nàng. Rồi bỗng nhiên mơ ước tưởng như hão huyền biến thành sự thật.

Năm 1981 chàng rời quân ngũ chuyển ngành về làm cán bộ Phòng Thương nghiệp quận. Hồi đó, kinh tế khó khăn, nắm thương nghiệp là nắm tất cả. Gia cảnh nàng túng thiếu cùng cực. Chàng ra tay giúp đỡ, đưa nàng vào làm việc ở cửa hàng và ra sức làm đêm thêm giờ, tận dụng tối đa những điều kiện cho phép để chu cấp cho gia đình nàng nhiều thứ hàng. Nghĩa cử đó được xem như giá trị kinh điển "anh hùng cứu mỹ nhân". Kết quả là nàng đồng ý lấy chàng làm chồng.

Khi cái gia đình nhỏ được thiết lập, mối quan hệ giữa hai người chuyển sang một hình thái mới thì sự thay đổi từng người bộc lộ song hành ngược chiều nhau. Nàng càng tháo vát, chịu khó rèn luyện mọi thứ từ nội tâm, trí tuệ đến hình thức bên ngoài bao nhiêu thì chàng lại biếng nhác, ù lì và nhếch nhác bấy nhiêu.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế thị trường đã mở rộng mọi bề, hai vợ chồng rời khỏi cơ sở nhà nước ra ngoài làm ăn với hai vị thế xã hội khác xa nhau một trời một vực. Vợ là chủ một tiệm vàng có số vốn lưu động hàng chục tỷ đồng. Chồng ra ngoài đường chạy xích lô đạp, sau đó nâng cấp chút đỉnh với chiếc Honda 81 cũ kỹ gỉ sét, mỗi khi nổ máy tiếng kêu phành phạch như gà ngỗng cắn nhau, nghe rất chói tai.

Trở lại chuyện cái quần Soọc. Đầu năm 90, bỗng dưng nhà ấy thường xuyên tiếp đón Việt kiều. Trong số đó cũng còn không ít người vương vấn tình xưa và khi gặp lại họ vẫn bị cái duyên "vịt bầu" ngày nay lôi cuốn.

Người tinh tế, kẻ thô bạo ra sức tán tỉnh, mời gọi, thậm chí có gã si cuồng còn gay gắt hạ nhục anh chồng, nói là thứ "phế thải hữu cơ" - loại phế thải mất vệ sinh gây ô nhiễm nặng hơn loại vô cơ.

Gã ba que xỏ lá ấy tặng anh chồng chiếc quần Soọc, bảo: "Tôi mới mua ở tiệm thời trang nổi tiếng của Paris, định mặc trong thời gian trong nước. Thấy ông bệ rạc quá, tôi cho không. Ông mặc thứ này vào còn có vẻ giống người một chút!".

Anh chồng bày tỏ niềm vui vẻ hết cỡ. Miệng cười ngoác ra, trơ hết hàm răng ám khói thuốc lá đen vàng nham nhở. Lại còn tung tăng như trẻ em nhận được quà sinh nhật, cám ơn lia chia như súng nổ cực nhanh. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, anh chồng còn toe toe cám ơn vợ, rằng: "Cám ơn bà xã, nhờ có bà xã tôi mới có được cái quần chính hiệu Pháp!".

Người vợ đập bàn quát to: "Đủ rồi, cút hết đi!". Chưa bao giờ chị giận dữ như vậy. Cái mặt tròn căng phồng như quả bóng bay căng hơi, càng căng cứng hơn, có vẻ như sắp nổ tung.

Gã Việt kiều cà chớn biến mất từ đó. Người chồng vui vẻ nổ máy đi làm. Dường như anh ta không biết giận dữ, buồn phiền là gì.

11 giờ đêm, khi xe máy ngưng phát ra tiếng nổ động cơ, tiếng hát anh ta lại vống lên liêu xiêu, nghiêng ngả như bước đi của người say xỉn: "Không phải ngày, không phải đêm. Nhìn thấy cái này, không thấy cái kia. Thấy được là vui, không thấy cũng là vui…ha ha ha!".

Đấy là lời tân nhạc cải biên. Sau đó là câu vọng cổ tấu hài: "Con cá xuôi dòng, rồi lại ngược dòng. Muốn tìm chút lửa sưởi cho ấm lòng…".

Máu văn nghệ tự phát sôi động, hào hứng và ồn ào hơn khi từ đâu đó nhảy ra gã con trai đầu, một tay viết chữ rất khó khăn nhưng sửa xe rất thông thạo. Tiếng hát của gã như giật cục và nhòe nhoẹt như xe máy hết xăng: "Bố chạy xe, con sửa xe. Bố nhậu đầu phố, con cuối phố, bố nhậu rượu đế, con uống bia… Bố đi ngược chiều bị thổi phạt, con đi thuận chiều chạy vo vo…vo vo là vo vo…".

Ông bố gào lên: "Con ngược chiều - bố đi thuận chiều. Chạy vo vo…vo vo là vo vo…". Cha con nhà ấy đùa giỡn với nhau như con nít. Nhưng máu tấu hài song diễn không thể kéo dài lâu. Từ trên cầu thang, tiếng quát vang lên như súng lệnh phát nổ: "Im đi!".

Hai cha con im bặt. Người chạy vào toilet, người nhảy lên salon. Người ta bảo nhà ấy có hai đứa con. Đứa đi nhậu, đứa đi học. Cũng không quá lời chút nào. Thằng lớn sinh năm 82 thế kỷ trước. Càng lớn lên càng giống bố. Y hệt như hai cây chuối đẹt. Vêu vao, xương xẩu xám xịt nhưng vui vẻ, hớn hở suốt ngày. Nó bỏ học từ năm lớp 6. Không giở trò ma giáo trốn lớp như những đứa trẻ ham chơi khác, nó nằm sẵn trên ghế, tay dang ra, chân duỗi thẳng, kêu to như người la bắt cướp: "Đánh đi! Không học là không học. Học dốt mắc cỡ lắm".

Người mẹ quát: "Ra vỉa hè!". Thằng bé ra vỉa hè, lê la khắp chỗ sửa xe học lóm, học ké. Rồi nó cũng sửa được xe. Có hôm nó lôi cổ chiếc xe Honda 81 của bố ra lau chùi, lắp ráp lại. Bố nó vui vẻ bảo: "Có nghề là sống được. Mày hơn tao rồi!". Nó đâu có chỉ thạo nghề sửa xe gắn máy. Nghề điện cũng thạo. Cả hẻm này ai cũng biết năng lực sửa tủ lạnh, ti vi, đầu máy video của nó. Bố nó bảo: "Mày học thêm ngành vi tính nữa đi. Có tiền xài đấy!". Nó nói: "Thế là đủ nhậu rồi! Nhiều tiền làm gì".

Không biết nó làm cho ai, ở đâu? Nó đi từ sáng, qua nhiều nơi quen biết làm mỗi nơi một chút rồi nhậu. Tối có người đưa về bằng xe Honda hoặc xích lô. Không giống như ông bố, nhậu và đi nó đều im lặng, chỉ nhăn răng ra cười. Nó chỉ hát hò với ông bố ở trong nhà là những câu hát tự biên, tự diễn theo một giai điệu quen thuộc nào đó.

"Ấy dà, ấy dà! Đàn bà tuổi băm. Ma không sợ, xe tải cũng không sợ. Chỉ sợ mập mà thôi. Đàn bà tuổi băm lắm chuyện, lắm lời… ơ hờ hơ! Cần tránh xa… cần tránh xa".

Mẹ nó đập chổi lông gà vào ghế, thét: "Mày chửi tao đấy à?". Nó chui vào gầm bàn nín khe. Mẹ nó là công tắc điện trong nhà. Thét lên là cầu dao bị cắt. Cả nhà tối thui, chẳng nhìn rõ nhau. Ngược lại với nó, đứa em trai sinh năm 1984 giống mẹ như đúc, như khối chất dẻo trắng trẻo, như một thứ máy tinh xảo mới xuất xưởng, lúc nào cũng sang trọng và bóng lộn. Thằng bé này học theo một dây chuyền lắp ráp rất chặt chẽ. Tính tự giác trong việc học của nó đến mức hoàn hảo. Trong nó luôn có một chương trình cài đặt sẵn, đến giờ là tự động thực hiện. Ngoài lớp học, nó học đủ thứ. Học thêm Anh văn, Pháp văn và cả tiếng Trung Quốc; học vi tính, học vẽ, học đàn piano, học cả y học dân tộc. Nó đi học suốt ngày. Chỉ đến 10 giờ đêm mới về. Từ năm lớp 10 đã học như thế. Vào đại học y khoa cũng học vậy, không thay đổi. Ngày chủ nhật được phép nghỉ buổi sáng. Nghe nhạc giao hưởng trên dĩa CD và chơi với con mèo tam thể. Cũng từ năm lớp 10 nó được trang bị chiếc xe gắn máy đời mới và khi đỗ vào đại học được mẹ cấp thêm cho điện thoại di động, dàn máy vi tính và ti vi. Ngoài việc học, nó thờ ơ hết thảy mọi chuyện. Sự tồn tại của người cha, anh ruột nó ở dưới nhà cũng giống như một cái tủ bếp đựng đồ chén, đĩa, xoong nồi. Những thứ đó không có trong bộ nhớ của nó. Mỗi ngày nó có 50.000 đồng tiền ăn sáng và ăn trưa, và trong túi luôn có 100.000 đồng tiền dự phòng. Tối về mẹ nó mang cơm đến tận phòng. Ăn xong nó thẩy ra ngoài cầu thang. Con mèo kêu. Mẹ nó biết, mang xuống nhà dưới. Bố nó và anh nó oẳn tù tì ra cái này, cái kia để xem ai thua sẽ đi rửa chén bát. Nhà có 4 người nhưng rất ít khi ăn cơm chung với nhau. Nếu có cũng chia làm hai đợt.

Đứa đi học ăn với mẹ. Đứa đi nhậu ăn với bố. 4 người, 4 tô cơm. Thức ăn ở trong xoong, nồi. Ăn được bao nhiêu cứ ăn. Đồ ăn chỉ có 2 loại, loại canh và loại khô (kho hoặc rang hay chiên). Mỗi loại ăn trong hai ngày.

Ngay cả khi ra khỏi nhà cũng ít khi đi cùng 4 người. Nếu có cũng lại đi hai đợt. Đi cùng với mẹ vẫn là đứa đi học. Đi với bố lại là đứa đi nhậu. Mà có đi như thế mới hợp với lẽ thường tình trên đường phố. Mẹ sang trọng quí phái, con cũng mập mạp sáng láng màu sắc trí thức. Bố lôi thôi nhếch nhác, con đi theo cũng nhếch nhác lôi thôi.

- Cho quá giang tới ngã bảy nghe ba.

- Quá giang là sao? Không có tiết mục miễn phí đâu nhé!

- Tính kỹ với con như vậy không sợ trời phạt sao?

- Chỉ có loại lợi dụng tình cảm người khác để thu vén lợi ích cho mình mới bị trời phạt thôi.

- Được rồi! Trả tiền thì trả tiền.

- Năm ngàn đây nha!

- Nào, đi thôi, cha nội!

Xe nổ phành phạch nghe chói tai. Cha, con ngả ngớn cười đùa trên xe nghe cũng không êm lỗ nhĩ. Chỉ có thể phán một câu: "Cha nào, con nấy!". Khác hẳn với cảnh mẹ con khi ra khỏi nhà. Con dắt xe cho mẹ. Lật yên, lấy giẻ lau chỗ ngồi cẩn thận. Con sửa kính cận. Mẹ sửa kiếng mát. Con chỉnh lại cái nếp áo quần. Mẹ ghé mắt nhìn vào kiếng xe kiểm tra lại lần cuối gương mặt búp bê của mình. Con ngồi lên trước nổ máy. Mẹ ngồi sau, lịch lãm như một giám đốc tiếp đón khách hàng. Chỉ có tiếng máy xe nổ rì rì. Nghe thật êm tai. Trông thật mát mắt. Chỉ có thể hạ một câu khen ngợi: "Đúng là mẹ nào, con nấy".

"Khác nhau vậy, nhưng không có hai phe đâu nhé! Cùng một đài truyền hình cả. Giống như VTV1 và VTV3 thôi" - Người cha nói ran rát với mọi người như vậy. Nào ai có nói gì đâu. Cư dân hẻm cụt từ người lớn đến trẻ con gặp cha đi Honda ôm, con đi nhậu là cười vui, không có tà tâm hắc ý. Cũng như khi gặp người mẹ lịch lãm, người con đi học, họ đều im lặng gật đầu chào hỏi một cách kính nể.

Không thắc mắc, tọc mạch. Mấy bà hàng xóm nhà 12C bảo rằng: "Trông vậy mà không phải vậy, chị ấy vẫn thường dùng thuốc ngừa thai!".

Nói là nói vậy thôi, nhưng hết thẩy mọi người đều nói rằng sự tồn tại của vợ, chồng, con cái nhà ấy trong một nhà là điều lạ, ít ai thấy

T.V.T
.
.