Nhà có chó dữ

Thứ Hai, 14/05/2018, 08:35
Mùa đông năm ngoái, sếp hạ cố đến thăm nhà ông. Sau tiệc rượu đãi đọa, ông dẫn sếp ra vườn thưởng lãm cây cảnh. Ông ngỏ ý biếu sếp bất cứ cây nào sếp thích. Trong khuôn viên nhà ông có vài chục loại cây cảnh đủ cả thế trực, thế hoành, rồi phụ tử, tam đa, ngũ phúc... Cây nào cũng đẹp cũng có giá từ vài chục triệu đến vài tỷ. Thế quái nào sếp lại chỉ kết “đại lão”. 

- Đại lão bạt phong của ta đây rồi!

Ông Nghĩ thốt lên với vẻ hân hoan rồi bắt đầu ngắm nghía chậu cây. Bộ rễ vẫn thế. Ba rễ cái tạo thế chân kiềng cùng hàng trăm cái rễ con đâm xuống đất thật vững chãi. Cái gốc xù xì mốc mác cũng vẫn thế. Trên cành, những cái búp, cái nụ ti hí hồi nào bây giờ đã thành hoa thành lá. Ông chìa tay toan đếm lại số cành trên cây. Con chó vàng đang nằm dưới cây sanh phôi um tùm gầm gừ rồi hộc lên sủa mấy tiếng. Ông vội vã rụt tay lại và quay sang phía nó. 

Chỉ là con chó bọ nhà quê nhỏ thó, chả đáng sợ. Hai con Bẹc ở nhà ông mà đã hộc lên thì khách cứ gọi là sợ đến dựng tóc gáy. Chúng không chỉ to cao, dữ tợn mà tiếng sủa cũng đằng đằng sát khí. Ông chặc lưỡi vài tiếng làm lành với con chó bọ rồi tiếp tục đếm nhánh cây”. "Đại lão" chỉ còn 16 chứ không phải 17 nhánh như khi còn ở nhà ông. Kia rồi, một nhánh bị gẫy đã liền sẹo. Mất một nhánh, mất cái số lẻ, với các tay chơi cây cảnh cầu kỳ là mất đi cả đống tiền... Nhưng thôi, đằng nào thì ông cũng không còn là chủ “đại lão” nữa. Ông đã hứa biếu “đại lão” cho sếp từ năm ngoái ...

...Mùa đông năm ngoái, sếp hạ cố đến thăm nhà ông. Sau tiệc rượu đãi đọa, ông dẫn sếp ra vườn thưởng lãm cây cảnh. Ông ngỏ ý biếu sếp bất cứ cây nào sếp thích. Trong khuôn viên nhà ông có vài chục loại cây cảnh đủ cả thế trực, thế hoành, rồi phụ tử, tam đa, ngũ phúc... Cây nào cũng đẹp cũng có giá từ vài chục triệu đến vài tỷ. Thế quái nào sếp lại chỉ kết “đại lão”. 

Phải thừa nhận là sếp có con mắt tinh đời. Để có được chậu cây trăm tuổi, đẹp từ dáng đến thế, đẹp từ rễ đến cành, từ hoa đến lá như cây này ông đã phải “săn” khắp miền đất nước. Đầu năm ngoái đi qua miền Trung, tình cờ ông gặp nó ở góc vườn của một lão già gần bờ sông. Phải thuyết phục mãi lão già mới chịu bán. Từ ngày đưa về bên ngôi biệt thự của ông, nó như đẹp lên bội phần. Và ông tin rằng nó đã có giá gấp năm, mười lần số tiền ba trăm triệu mà ông mua. Khách đến nhà ai đáng được mời ra ngắm vườn cây cảnh, bao giờ ông cũng “chốt” lại bên chậu cây này với những  lời giới thiệu có cánh. Hôm ấy cùng sếp đứng bên chậu cây này, sẵn có hơi men, ông càng cao hứng:

- Dạ thưa... Đây chính là một kiệt tác hiếm hoi mà đời trước để lại cho hậu thế. Xét về mặt thẩm mỹ thì ngoài cái thế bạt phong vô cùng độc đáo, tác phẩm bon-sai này đã hội tụ đủ 4 yếu tố: Cổ-Kỳ-Mỹ-Văn khiến bất cứ tay sành chơi cây nào cũng ước được sở hữu. Xét riêng về cái tên “đại lão bạt phong” đặt cho nó, em cũng đã lao tâm khổ tứ nghiền ngẫm suốt mấy tháng trời mới nghĩ ra...

Ông chưa nói hết ý, sếp đã chẹn họng bằng một lời đề nghị thẳng tưng: Thế thì xét về nhã ý của cậu, “đại lão” là hợp với tớ nhất. Cuộc đời tớ trải qua bạt ngàn sóng to gió lớn mới có được chỗ đứng hôm nay. Vài năm nữa tớ nghỉ, cậu có đến thăm tớ với tư cách là người kế nhiệm, được ngắm lại cái lão bạt phong này ta mới có chuyện để nói với nhau...

Sếp đã nói thế coi như là mất toi cái cây đẹp nhất vườn rồi. Nhưng nghĩ cho cùng sếp thích, nghĩa là vận may đã đến với ông. Để được ngồi vào cái ghế của sếp sau hai mốt tháng bẩy ngày nữa ông phải “chạy đua” cùng vài tay trong cơ quan. Mấy tay ấy đều giỏi giang hơn ông nhưng chẳng đứa nào chịu chơi, chịu chi và hiểu sếp bằng ông. 

Ngoài ra còn một suất biên chế dành cho thằng con trai sau khi du học tự túc ở ngoại quốc về nữa. Ông đã đặt vấn đề và bộ nhớ của sếp cũng đã “lưu”. Chỉ hai “hạng mục” ấy “thời giá” hiện tại cũng phải tốn mươi  tỷ. Để có được cái chức hiện tại, mấy năm trước ông chỉ phải bỏ ra có dăm tỷ. Vậy mà đến giờ ông đã thu về hai ngôi biệt thự, ba miếng đất vàng, một căn hộ chung cư cao cấp và lúc nào trong sổ tiết kiệm cũng có vài tỷ tiêu vặt. Vậy thì chậu cây cảnh này coi như là “chút đỉnh” mà ông có cơ may được sếp cho “đặt cọc” thôi...

Minh họa: Lê Trí Dũng

Vốn là người cầu toàn nên hôm ấy ông xin sếp để chậu cây lại chăm sóc thêm mấy tháng đông kèm với lời hứa như đinh đóng cột: Đúng 8 giờ sáng hai tám Tết, “đại lão” với hàng trăm búp lộc nõn, hàng ngàn nụ hoa xinh sẽ được đưa đến khuôn viên nhà sếp. Sếp chỉ mỗi việc thưởng lãm vẻ đẹp thiên thần của nó ...

Nhưng sự đời thật không ngờ. Tối hai bảy tháng Chạp, ông tháp tùng sếp đi chúc tết về đến nhà thì “đại lão” bỗng dưng biến mất. Bọn trộm đã đột nhập đúng thời điểm vợ ông về quê góp giỗ, thằng con trai ở Tây mới về mượn cái Prado của ông đưa bạn gái đi chơi xa. May mà hệ thống khoá cửa của ngôi biệt thự quá chắc nên của cải trong nhà ông vẫn còn nguyên vẹn.

Cậu lái xe cơ quan đã đọc được nỗi đau trên gương mặt của ông lúc ấy. Hắn tìm cách động viên và nói cứng: "Ngày mai đích thân em sẽ đến tất cả các chợ cây cảnh trong vùng tìm cho sếp". Ông chưa kịp phản ứng gì thì cậu ta đã nói tiếp: "Sau cái vụ này, kiểu gì em cũng phải tuyển ngay cho sếp vài chú Bẹc -giê. Bà chị họ em hiện đang có một đàn Bẹc hơn ba tháng tuổi đẹp như trong tranh. Lát về nhà em sẽ bắt luôn cho sếp đôi chú...".

Ông xua tay ngắt lời:

- Chỉ một thôi. Bà nhà tớ không thích chó.

- Thưa sếp, giả sử hôm nay có mấy chú Bẹc tuần tiễu bên trong bốn phía hàng rào sắt kiên cố kia thì bọn trộm nào còn dám mon men...Thôi, tóm lại sếp cứ nghe em tuyển hai chú. Một chú gác cổng phía Tây Bắc, một chú canh giữ cổng phía Đông Nam.

Giữ lời hứa, sáng hôm sau hắn mang đến cho ông hai con chó nhỡ. Sau khi giới thiệu đôi điều về phả hệ của hai chú Béc-giê giống Đức, hắn đưa cho ông một quyển sổ ghi chép những điều cần biết khi nuôi giống chó quý này. Đoạn hắn rời đi bắt đầu cuộc hành trình tìm “đại lão” giúp ông.

Đằng đẵng ba ngày: Hai tám, hai chín rồi ba mươi Tết, ông Nghĩ như ngồi trên đống lửa. Bắt đầu là chuyện ông đến nhà sếp trần tình chuyện bị mất trộm và gợi ý thay bằng cái cây hơn trăm tuổi thế huynh đệ, cũng được coi là của hiếm, của độc. Sếp xua tay và nói mát mẻ rằng: "Chẳng qua là tớ không có duyên với cây que nhà cậu…". Ông đành phải mở cặp lấy ra cái phong bì năm chục “vé” gọi là chút quà Tết, gương mặt sếp mới “ấm lên đôi chút.

Tận đến chiều ba mươi, cậu lái xe thất thểu về thú nhận rằng đã đi mấy chục chợ lớn chợ bé từ nội thành đến ngoại thành mà không thấy bóng dáng cái lão “bạt phong” ấy đâu. Trước khi ra về hắn nói: "Ra giêng ngày rộng tháng dài, em sẽ tiếp tục công việc truy tìm ...".

Bây giờ thì thì hắn đang ngồi trên xe ở ngoài cổng chờ ông. Sau mấy tháng tranh thủ hầu hết các ngày nghỉ lần mò tìm kiếm, tận đến chiều hôm qua hắn mới phát hiện ra “đại lão” đang nằm trong khuôn viên của cơ sở buôn bán cây cảnh mãi dưới tỉnh lẻ này. Suốt đêm ông và hắn đã bàn cách thu hồi “đại lão”. Theo ý của hắn thì dẫu chỉ là chậu cảnh nhưng ông đã bỏ ba trăm triệu ra mua thì cũng được coi là tài sản có giá trị lớn. Và như thế kẻ gian phải chịu trách nhiệm hình sự và người tiêu thụ của gian phải liên đới. Là người cơ mưu, ông khuyên hắn cứ bình tĩnh để ông tính. Ông muốn đích thân đến xem "tang vật", giả vờ hỏi mua, chốt giá trị tài sản để giúp cơ quan điều tra có tài liệu chứng cứ...

Trong khi ông Nghĩ còn đang  nghĩ kế trị kẻ gian thì một phụ nữ bước đến gần hỏi:

- Bác đến mua cây ạ.

Nói rồi chị ta bước nhanh về phía cuối vườn, vừa đi vừa gọi:

-Anh ơi, có khách này...

Trong khi chờ đợi chị ta đi tìm chồng, ông Nghĩ rút máy định gọi điện báo tin cho vợ. Đoạn dân ca nhạc chờ nỉ non bên tai ông mãi mà chả thấy bà ấy bắt máy. Chắc lại bỏ nhà đi múa gậy, múa quạt với mấy bà già trong khu rồi...

Gọi mãi cho vợ không được, ông bấm số gọi cho con gái. Nó cũng tắt máy. Ông sực nhớ ra: Giờ này nó đang ở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ.

Ông có hai đứa con. Thằng anh lấy được những nét của mẹ nên khá đẹp trai. Phiền một nỗi nó lại quá ham chơi. Học xong phổ thông, thi đại học bị trượt, ông đành cho nó đi du học. Năm ngoái về nghỉ hè nó khoe: Đã chuyển lên học thạc sỹ và có thể sẽ học lấy luôn bằng tiến sỹ. Tết vừa rồi nó về là để xin thêm tiền làm luận án. Ông phấn khởi liền nạp luôn vào tài khoản của nó thêm vài chục ngàn đô. Trái với tính nết của thằng anh, con em vừa chăm ngoan vừa tiết kiệm. 

Kém anh 2 tuổi nhưng nó đã tốt nghiệp đại học cách đây hơn hai năm. Ra trường nó đã thi đỗ vào công chức nhà nước đàng hoàng. Ông thưởng luôn cho con gái một căn hộ  chung cư cao cấp. Có việc làm, có căn hộ riêng, lại ngoan hiền, con gái ông trở thành mục tiêu săn đuổi của cả đống con trai tỉnh lẻ. Một thằng ra sức đeo bám con bé và  trở thành chồng nó bây giờ. 

Ngoại trừ cái mẽ bảnh trai, thằng chồng kém con vợ đủ đường. Nhà nghèo, quê xa tít mù tắp, trình độ cử nhân tại chức phọt phẹt. Từ ngày lấy vợ, được ở nhà đẹp, được đi xe sang, mặc hàng hiệu, ra ngoài ai cũng tưởng chồng nó thuộc diện thiếu gia có điều kiện. Một vài đứa trong đám chân dài quen săn đại gia đã giăng lưới tình bẫy thằng chồng nó hòng đào mỏ. Bị đám gái hư săn đón dần dà nó ngộ nhận và nảy ý chán vợ. Chịu đựng mãi sự tẻ nhạt của chồng không nổi, nó về tâm sự với mẹ...

Về hình thức, quả thật con gái ông hơi bị xấu. Người thấp, dáng gù, trán dô, mũi tẹt...Toàn là zen trội mà nó nhận được của ông. Đã thế chẳng mấy khi nó chịu trang điểm. Ông phân tích với vợ về nguyên nhân khiến con gái bị chồng chán rồi quyết định đầu tư nâng cấp nhan sắc cho nó. Trước mắt, nó phải đến trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ chuyển đổi cái mũi tẹt thành mũi dọc dừa và săm trổ đôi môi cho thật gợi cảm đã... Ban đầu nghe ông bàn, con gái chối đây đẩy. Nhưng rồi vợ ông và đám bạn bè tỉ tê mãi nó xuôi. Hôm nay theo kế hoạch là ngày nó đi độn mũi, xăm môi và sẽ về ở nhà ông để mẹ nó chăm sóc ít ngày. Vậy thì có lẽ giờ này cả hai mẹ con nó còn đang ở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ nên phải tắt điện thoại...

Ông Nghĩ đang nghĩ ngợi vân vi thì một gã chừng ngoài bốn mươi, mặt mũi bặm trợn từ ngoài cổng bước vào.

- Xe biển xanh đậu ngoài cổng là của sếp, hử? - Gã hỏi.

Giọng ông lạnh tanh:

- Ừ. Đi công cán, thấy có vườn cây cảnh ghé  xem.

- Sếp cứ xem thoải mái.

Ông Nghĩ chỉ vào “đại lão”, hỏi:   

- Cây này giá bao nhiêu?

- Cây này tuổi thọ vài trăm niên, thế đẹp, rễ, cành, lộc lá không chê vào đâu được, phải năm trăm triệu...

- Những nửa tỷ, cả một cơ nghiệp ...

- Vâng. Đã có vài ba ông cưỡi xe bóng lộn đến đây vừa nhìn thấy nó đã ngẩn tò te ra rồi. Mới chiều hôm qua, một tay từ thành phố về, chạm mắt là đã mê mẩn luôn. Hắn hẹn hôm nay sẽ nhờ chuyên gia xuống xem tuổi cây rồi mới quyết...

- Có nghĩa là đây là một khối tài sản trị giá nửa tỷ đồng? - Ông Nghĩ hỏi lại và lấy điện thoại ra đi xung quanh chậu cảnh ấn nút quay phim.

Gã chủ vườn tỏ vẻ khoái chí.

Ông Nghĩ xem lại đoạn video vừa quay, nghe lại cả giọng nói của gã chủ vườn rồi quay về phía người phụ nữ  nói:

- Cô em ra gọi cậu lái xe vào đây giúp tôi.

Cậu lái xe vừa xuất hiện ở cổng, gã chủ vườn vui vẻ hẳn lên:

- Hoá ra cái tay chiều hôm qua đến đây là lái xe của sếp. Chắc hắn cũng  hiểu biết về cây cảnh ...

Ông Nghĩ ngắt lời gã chủ vườn:

- Cậu ấy còn rất am tường về pháp luật nữa đấy.

Gã chủ vườn đoán ngay ra ẩn ý trong câu nói của ông Nghĩ, liền đổi giọng :

- Nói về các kiểu luật thì tôi cũng vô cùng thông tỏ. Bẩy năm bóc lịch trong tù cũng các ông quản giáo dạy dỗ pháp luật nhiều đấy.

- Vậy chắc anh biết điều khoản về việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự... Mà thôi, tôi nói toạc ra nhá: Cái cây trị giá nửa tỷ này là của gia đình tôi bị kẻ gian lấy trộm vào ngày 27 Tết vừa rồi...

Gã chủ vườn đã cắt ngang:

- Thì đã sao. Chính tôi mua được cái cây này vào chiều tối ngày 27 tháng Chạp đấy. Người ta mang cây đến tận nhà, nói bã bọt mép rằng có ông bố bị đột quỵ, thiếu tiền viện phí mới phải mang bán cái cây quý trong vườn của cụ kị để lại... Thế tôi hỏi ông, tết nhất người ta nghễu nghện chở hàng ngàn cây cảnh rao bán trên đường, làm sao biết được đâu là cây ngay, cây gian...

Cậu lái xe nghe tay chủ vườn nói vậy liền hỏi:

- Ông có nhớ mặt người mang cây đến đây không?

- Sao lại không. Những hai đứa. Thằng con trai trên dưới 30, còn con bé chỉ mười tám, đôi mươi, chân dài, mặt đẹp, ăn mặc cứ như diễn viên...

Nói đến đây gã chủ vườn quay sang phía chị vợ quát:

- Vào nhà lấy chứng cứ ra đây...

Chỉ một loáng vợ gã chủ vườn đã chạy ra đưa cho chồng một cái túi. Gã rút từ chiếc túi ra mấy tấm ảnh đưa cho ông Nghĩ và nói:

- Con vợ tôi chụp bằng điện thoại phọt phẹt nên ảnh rửa ra không nét lắm. Chỉ có cái số xe ôtô mà bọn nó chở cây đến là rõ nhất.

Ông Nghĩ xem xong mấy bức ảnh thì mặt xám ngoét. Cậu lái xe đứng sau ông liếc mấy bức ảnh nhưng không dám nói gì. Khá lâu sau ông Nghĩ mới ra lời. Giọng ông đã dịu lại:

- Cho tôi mượn mấy tấm ảnh này. Tôi sẽ nhờ bên Công an người ta điều tra. - Được thôi. Hai vợ chồng tôi đều là dân tù tha nên cứ phải phòng xa kiểu này. Năm trước có mấy tay chở một cây vạn tuế mang đến đây bán. Nhờ có mấy bộ ảnh như thế này mà chúng tôi có công giúp Công an tóm được một lũ nghiện chuyên trộm tài sản của nhà chùa ...

Ông Nghĩ đút mấy tấm ảnh vào túi quần rồi lặng lẽ bước ra ngõ. Cậu lái xe lẽo đẽo bước theo. 

Xe chạy được một lúc, ông Nghĩ mới lên tiếng:

- Chuyện này chỉ cậu và tớ biết, nhớ không được nói với ai.

-Vâng, sếp không dặn thì em cũng phải biết giữ mồm giữ miệng. Nhưng đúng là cậu nhà mình có số đào hoa. Cô bé người yêu cao ráo, xinh đẹp hơn cả người mẫu...

Ông Nghĩ không trả lời. Ông biết khá rõ về con bé đi cùng con trai mình trong tấm ảnh mà gã chủ vườn vừa đưa cho. Nó là nhân viên mới ở một tiệm mátxa cách nhà ông vài cây số. Đã một lần ông tụt tạt vào và được nó đấm bóp đủ thứ. Xong việc, ông “boa” cho nó 200 ngàn. Nào ngờ nó xị mặt ra chê ít rồi ném trả lại. Ông đành phải rút ra tờ 500 ngàn dúi cho nó mới được yên. Với con hồ ly tinh ấy thì vài chục ngàn đô mà ông mới đổ vào tài khoản của thằng con chắc đã bị nó moi gần hết trong dịp tết rồi. Còn bây giờ là vụ “đại lão ”. Không ngờ kẻ lấy trộm cây của ông lại là chúng nó. Hôm ấy trước khi đánh xe ra khỏi nhà nó đã xin bà ấy mấy triệu rồi cơ mà. Cũng phải thôi. Đã đi hú hí với loại gái ấy thì vài triệu đâu có bõ bèn gì. Thế nên nó mới làm liều, nghĩ quẩn. Chỉ uất một nỗi là cái cây tiền tỷ mà nó dám mang đi bán tống bán tháo...

Ông Nghĩ về đến cổng thì phố xá đã lên đèn. Riêng ngôi biệt thự và khuôn viên nhà ông vẫn chìm trong bóng tối. Cậu lái xe mở cửa xe cho ông xuống và nói lí nhí:

- Em đánh xe về cơ quan cất. Sếp có việc gì cứ gọi ạ.

Loay hoay mãi ông mới mở nổi cái khoá cổng. Không thấy hai con chó lao ra sủa mừng ông như mọi ngày. Ông bật công tắc điện thứ nhất. Mấy chục ngọn đèn bảo vệ bốn phía hàng rào của cả toà biệt thự rực sáng như sao sa. Ông bật công tắc thứ hai. Hệ thống đèn ngoài hiên và trong phòng khách lấp lánh đủ màu. Có những vết máu tươi loang lổ từ cổng vào đến tận hiên nhà. Ông đứng lặng đi hồi lâu rồi lắp bắp gọi:

- Có ai ở nhà không?

Không ai trả lời ông. Ông rút điện thoại bấm số của vợ. Vẫn chỉ có tiếng nhạc chờ ỉ eo vọng ra như hồi chiều. Có chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà này nhỉ? Ông không thể hỏi hàng xóm. Ngôi biệt thự phía bên trái nhà ông vẫn bỏ hoang. Còn ngôi biệt thự phía bên phải là của một thằng đểu. Mối bất hoà của ông đối với hàng xóm bắt đầu từ cái vụ nó chơi trội: Chăng thêm mấy lớp dây thép gai phía trên hàng rào nhà nó cao hơn hàng rào nhà ông nửa mét. 

Lại nữa, đúng ngày ông bị mất “đại lão" thì bỗng dưng nó tha cây vú sữa cổ thụ về trồng gần phía đất nhà ông. Ông không thèm chấp. Bởi chỉ riêng một “đại lão” trong vườn nhà ông cũng có giá gấp vài chục lần tất cả đám cây hổ lốn rậm rịt quanh ngôi biệt thự của nó. Cho đến một ngày ông bỗng phát hiện thấy cây vú sữa nhà nó có mấy cành toẽ hẳn sang không phận nhà mình. Ông lẳng lặng dóng sào rồi bắc thang chém phăng đám cành lá ấy cho đỡ tức mắt. Trong đống lá vừa bị chém rơi xuống vườn nhà ông có một tổ chim. Hai con  Bẹc của ông chạy đến hít hít, phát hiện ra lũ chim non mới nở ở trong liền lôi ra nhai ngấu nghiến. Hai đứa trẻ con nhà hàng xóm nhìn thấy cảnh ấy thì khóc ré lên. Thằng hàng xóm chạy ra dỗ con và giảng giải văn vở rằng: Bản tính của loài chó là tham ăn và khi tức giận thì trở nên hung dữ theo bản năng hoang dã của tổ tiên của chúng... Hắn còn vận câu tục ngữ “mõm chó vó ngựa” rồi khuyên lũ trẻ phải tránh xa những mối hiểm nguy ấy ...

Ông tuổi Tuất. Thằng đểu ấy nói như thế là nhằm ám chỉ ông. Đường đường như ông, một bước lên xe, đến cơ quan có hàng trăm người xun xoe chào hỏi, thưa gửi mà lại bị nó xỏ xiên như thế. Uất đến tận cổ. Nhưng không thể và cũng không biết nói gì. Đành phải nuốt cục tức vào trong cổ, lặng lẽ về nhà mang bia lạnh ra uống. Chuyện hai con chó cưng của ông và hai đứa con thằng hàng xóm tưởng đã tạm yên thì tuần trước lại xảy ra chuyện. Chiều thứ  bảy, ông dẫn sếp trên đi “đổi gió”. 

Trưa chủ nhật về đến nhà, vợ ông cằn nhằn rằng nửa đêm hôm qua hai con chó sủa ông ổng khiến bà mất ngủ. Ông vội đảo ra vườn và phát hiện ra những vết chân chó mới cào trên hai cây cột bê tông chia ô  hàng rào sắt phía cổng trước. Thì ra đêm qua phía ngoài của hai cây cột đã bị bọn đểu kẻ hai dòng chữ “NHÀ CÓ CHÓ DỮ” bằng nhựa đường nhem nhuốc hơn cả bọn quảng cáo khoan bê tông. Chắc thủ phạm vụ này là bố con thằng hàng xóm đây thôi.

Trong khi ông Nghĩ đang phân vân không biết phải hỏi ai ở cái khu đô thị mới toàn biệt thự kín cổng cao tường, bỗng ông tổ trưởng khu dân cư là người trong xóm nằm kề với dãy biệt thự và hai tay bảo vệ hợp đồng đến. Giọng ông tổ trưởng có vẻ nghiêm trọng:

- Ông chủ về đây rồi. Chúng tôi đến là để ông ký vào biên bản việc 2 con chó của ông "gây án” hồi chiều...

...Thì ra hồi chiều, tại cổng nhà ông xảy ra một "vụ án” mà nạn nhân là con gái ông và hai đứa trẻ hàng xóm. Vào thời điểm ấy, con gái ông từ trung tâm thẩm mỹ về. Mặt mũi nó vẫn còn đầy băng gạc nên phải trùm khăn, đội mũ che kín mít. Khi nó vừa mở được cổng chưa kịp bước vào, lũ chó tưởng người lạ liền lao ra tấn công. Sau khi tranh nhau chồm lên quật con gái ông ngã xuống đất, một con cứ nhè cái mặt vừa giải phẫu thẩm mỹ của con gái ông mà cắn xé. Con còn lại cũng lao vào ngoạm cổ con bé theo cách mà ông đã huấn luyện chúng mỗi khi tấn công đối phương. Nghe tiếng con gái ông gào thét, hai đứa trẻ con hàng xóm đang đánh cầu lông gần đó liền chạy đến dùng vợt vụt hai con chó. 

Phát hiện ra đứa trẻ đã từng “gây sự” với chúng, hai con chó buông con gái ông lao ra tấn công hai đứa trẻ. May mà lúc ấy có mấy bà đang múa gậy dưỡng sinh ở cái sân bê tông bán nguyệt trước cửa nhà ông đồng thanh hô hoán rồi xúm đến cứu lũ trẻ. Bị nhiều người tấn công từ mọi phía hai con chó bỏ chạy mất tăm. Tuy nhiên con gái ông bị thương tích đầy mặt và một vết chó cắn trên cổ mất khá nhiều máu. Hai đứa trẻ hàng xóm dẫu bị thương nhẹ nhưng cũng phải đưa đi tiêm phòng...

- Thế bây giờ con gái tôi ở đâu? - Ông Nghĩ chùng giọng hỏi mọi người.

- Anh bác sỹ hàng xóm của ông đã chở cả ba đi bệnh viện rồi - Ông tổ trưởng đáp.

Một cậu bảo vệ nói thêm:

- May mà có 2 cháu bé hàng xóm dũng cảm chứ không thì con gái ông không thể sống nổi với hai con chó như hai con hổ dữ ấy.

Ông Nghĩ cầm bút mà đôi tay run bắn. Mãi ông không viết nổi một chữ ký của mình. Đúng lúc ấy có chiếc ôtô dừng bánh trước mọi người. Từ trên xe, anh hàng xóm bước xuống tiến lại gần ông và nói:

- May quá, bác đã về. Lên xe ngay để em đưa đến bệnh viện với cô nhà.

Ông Nghĩ ngạc nhiên vì cái giọng có vẻ tình cảm của hắn. Nhưng rồi ông vẫn phải hỏi:

- Con gái tôi sao rồi?

- Cô nhà mình mất nhiều máu quá. Máu của bác gái lại không tương thích với cô nhà mình. Cơ số nhóm máu ấy hiện bệnh viện còn quá ít. Em cùng nhóm máu với cô nhà đã cho nhưng chưa đủ. Bác đến tiếp thêm …

Ông Nghĩ đưa lại tờ biên bản và cây bút cho ông tổ trưởng dân phố và nói:

- Để mai tôi ký...

Nói rồi ông Nghĩ theo anh hàng xóm lên xe. Dọc đường ông không dám hé răng nói gì. Anh hàng xóm phải chủ động bắt chuyện:

- Cô nhà mình chỉ bị thương ở phần mềm, được tiếp máu sẽ ổn thôi… Nhưng sau cái đận này, thay vì nuôi chó bác cứ giăng mấy cái dây thép gai là yên tâm nhất. Thú thực nhiều đêm, mấy con chó bên ấy sủa to quá. Em không dám nói vì sợ mất đi tình cảm hàng xóm láng giềng. Tối hôm trước nghe  hai con chó bên ấy cào cấu, sủa ầm ĩ ở cổng mà không ai bên nhà có lời, em phải chạy ra. Thấy em, mấy đứa trẻ thường đá bóng ở cái sân bán nguyệt của khu mình đang sơn vẽ gì đó vội vàng bỏ chạy...

Thì ra là như thế. Bố con người hàng xóm không “đểu” mà sống thật có tình có nghĩa. Quả thực từ khi có chức có quyền, có tiền ông đã thay đổi tâm tính, nghi ngờ người này, coi thường người kia, lẫn lộn phải trái. Mọi ý nghĩ và việc làm của ông chỉ xoay quanh tiền của và danh vọng. Những ngày sắp tới ông sẽ  sống thế nào đây? Thằng con càng ngày càng hư hỏng. Đứa con gái đang bị chồng chê, bây giờ mặt mũi lại đầy vết chó cào. Còn bà ấy, chắc lần này ông không thể giữ được nữa. Nếu không đến ở với con gái thì bà ấy cũng sẽ về quê chăm sóc mẹ già. Vậy thì ngôi biệt thự cùng những chậu cây cảnh vây quanh sẽ chỉ vong vóng còn một mình ông. Nghĩ đến đây ông chợt rùng mình, mồ hôi vã ra như tắm...

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải
.
.