Người vác tù và

Thứ Hai, 31/07/2017, 08:00
Lão làm nghề hoạn lợn. Chẳng biết lão học cái nghề này từ bao giờ và ai là người truyền nghề cho lão? Với lại, thời buổi trăm công nghìn việc, ai rỗi hơi mà quan tâm cho mệt xác. Chỉ biết lão hoạn xong mà lợn chê cám hoặc lăn ra chết thì cứ việc chẻ cổ lão ra mà bắt đền. 

Lão làm nghề dễ đã mấy chục năm, từ ngày tôi còn hít mũi thò lò cùng lũ trẻ con trong xóm hò nhau đi xem mỗi khi có tiếng lợn con kêu eng éc. So với bọn cùng trang lứa trong cái xóm nhỏ với những ngôi nhà lợp rạ lúp xúp, tôi là đứa bé nhút nhát hơn cả. Sợ đỉa, sợ chuột, còn rắn rết thì chẳng phải bàn. Nhìn lũ trẻ trâu cho rắn quấn vào cổ mà đêm về tôi mơ ngủ, giật bắn người, nhảy ra khỏi giường chạy thục mạng ra ngõ hét lên: Rắn! Rắn. Cha tôi lao như tên bắn đuổi theo. Lúc bế tôi vào nhà với mồ hôi mướt mát, gương mặt thất thần, ông lại thắp ba nén nhang lầm rầm khấn vái trước bàn thờ tổ tiên…

Nhát là vậy, nhưng chết nỗi tôi lại là thằng thích đi xem hoạn lợn nhất. Chỉ cần nghe tiếng lợn con kêu eng éc là biết ngay lão đang hoạn lợn, dù là đang bữa ăn cũng buông bát phóng thẳng.

Mặc dù không dám đứng gần nhưng từ xa, nhìn con dao có hình và chỉ to như chiếc vỏ hến, có cái chuôi vuốt nhọn như gai bồ kết, rạch ngọt xớt vào mạng sườn con lợn, dưới lớp bì trắng hếu là máu đỏ tứa ra đã thấy rủn cả người. Tuy sợ hết hồn mà hai con mắt vẫn cứ giương lên không chớp, không bỏ sót một động tác nào của lão. Có cảm giác như lão không chỉ đơn thuần làm cái công việc như hàng trăm công việc của nghề nông mà lão đang trình diễn tay nghề hết sức điệu nghệ. Khi cái nhát rạch từ lưỡi dao vỏ hến sắc ngọt mở ra một lỗ nhỏ như hột quả đào non, thì ngón tay trỏ của lão đã đút ngập vào bụng lợn, khoắng đi khoắng lại.

Vài phút sau đã móc ra hai cái “hoa” to như hột chè tươi phơn phớt hồng mới thấy máu ri rỉ chảy quanh ngón tay lão. Ngón tay lão nhanh chóng chèn sát mép rạch, không cho nó tụt vào trong, bàn tay kia dùng lưỡi dao vỏ hến lẩy nhẹ, cả hai chiếc “hoa” cùng rơi tõm vào chậu nước bên dưới. Lão ghé mồm thổi phù một cái rõ mạnh vào cái lỗ đỏ nhớt, vớ chiếc kim cong móc hai đường chỉ chéo nhau rồi thắt nút. Cắt chỉ xong, xoa tí cao Sao Vàng hoặc vài hạt muối rồi thả tõm con lợn vào chuồng…

Từ lúc thả chiếc thòng lọng với tiếng lợn kêu eng éc đến khi hoạn xong chỉ chừng dăm ba phút. Lão hoạn lợn nổi tiếng mát tay, hoạn xong vài ngày vết hoạn liền vết, lợn cứ một ăn một lớn, bụng no phình như tang trống. Từ ngày chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, làng trên xóm dưới nô nức nuôi lợn thịt giống mới thì nhất nhất đều phải qua tay lão cả.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Một lần, sau khi đã hoạn xong một lúc ba chú lợn, lão đang rửa đồ lề trong chiếc chậu đồng bỗng chỉ tay vào tôi đang đứng ở đằng xa và bảo:

 - Bây giờ đã xong mọi việc, bắt thằng bé kia vào đây… Hoạn!

Tôi tái mét mặt, líu hết cả chân nhưng vẫn cố chạy một mạch về nhà. Chết khiếp. Từ cái vụ đó cấm bao giờ dám đi xem hoạn lợn nữa.

…Tôi lấy vợ muộn. Ngót ba mươi tuổi mới sinh con gái đầu lòng. Lúc đó lão đã ngoài năm mươi tuổi. Ngoài năm mươi tuổi vẫn không vợ không con. Hằng ngày, sau khi cất cái thòng lọng gắn trên cái cần tre đã lên nước bóng như sừng, lão lại vác chiếc chõng tre ra kê ở giữa sân, một mình nhâm nhi, một mình độc ẩm hết cút rượu với ổi xanh, chuối xanh và cả ớt xanh…

Ở cái tuổi của lão, một mình độc ẩm, một mình độc thoại và nhâm nhi nỗi đắng đót của cuộc đời không hiếm. Nhưng với lão, hình như tâm can không dễ để giãi bày. Sau khi chìm vào đáy sâu chén rượu, lão nằm khểnh trên chiếc chõng tre và lẩy những câu Kiều da diết. Lão thuộc Kiều tới mức có thể đọc ngược từ dưới lên. Những đêm giăng sáng, trời trong, những đêm mưa dầm bão bấc, hết thảy đều là những cung bậc diết da, cô đơn, giục giã và hối thúc. Những câu Kiều như mở lối vườn khuya cho lão có cơ duyên giãi bày tâm sự xót xa, bạc kiếp một đời trai.

Đời tư của lão có nhiều uẩn khúc và cũng rất mịt mùng. Người ta bảo “Sinh nghề, tử nghiệp”. Lão không chết về cái nghề hoạn lợn, nhưng cái nghề này đã làm lão chết dần, chết mòn trong nỗi cô đơn. Lũ đàn bà, con gái gặp lão cứ len lét, cấm thấy đứa nào đưa mắt liếc xéo hay thả một câu ỡm ờ, bóng gió… Lão đâu có chọn nghề này, nhiều đêm không ngủ, chênh chếch hơi men, lão ngộ ra một điều chính cái nghề hoạn lợn nó đã chọn mình.

Năm mười bảy tuổi, được cha mẹ, được trời phú cho cái sức vóc vâm váp hơn người, tháng năm, tháng mười vào vụ gặt lão vẫn đi đập lúa thuê với công một ngày ba đấu thóc. Có một tốp thợ tranh nhau cối đập, tức mình, lão xắn tay áo bê chồng luôn bốn cái lên nhau, cao đến ngang mặt người rồi bảo:

- Thích tranh nhau thì bê xuống mà đập!

Cả cánh thợ há hốc mồm. Nó mà rớt xuống thì cái chân mình có khác gì càng cua cho vào cối giã. Cũng vào hôm đó, chủ nhà gọi một ông hoạn lợn đến hoạn cho con lợn sề nuôi đã lâu năm. Ông thợ hoạn này người nhỏ thó, nhìn con lợn nặng gần gấp ba trọng lượng mình, trong bụng đã thấy chờn nhưng vẫn già giọng:

 - Con lợn này thì không ai hoạn nổi ngoài tôi. Nhưng công thì đắt đấy!

- Đắt là bao nhiêu?

- Không dưới một đồng kèm theo một lít rượu ngang.

Cứ tưởng hét giá thế thì chủ nhà sẽ bỏ. Ai ngờ, khi nghe tiếng “Được” ông này đã giật bắn mình. Tay run run đưa cái thòng lọng định lùa vào cổ lợn, ai ngờ con lợn tinh ma đã kịp đớp lấy vòng dây chão rồi kéo luôn cả chiếc cần tre và nhai rau ráu, mắt long lên, đỏ sòng sọc làm lão hoảng hồn. Đúng lúc ấy thì lão xuất hiện.

Chỉ với ba bước nhảy, lão đã đứng phía sau con lợn sề hung dữ rồi bất ngờ lấy hết sức vếch một bên chân sau khiến con lợn ngã ngửa. Cái giống lợn khi đã chổng bốn vó lên giời thì chỉ còn cách kêu như bò rống. Ca “phẫu thuật triệt sản” thành công ngoài ý muốn. Lão được tay thợ hoạn lợn mời ra quán tiết canh lòng lợn đầu làng uống rượu, sau khi trả tiền, còn lại sáu hào cũng cho lão nốt. Sáu hào ngày ấy mua được hai thúng thóc và cũng từ ngày ấy lão nhập môn, rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng khắp làng trên xóm dưới với công việc suốt cả thời trai trẻ.

Lão luôn bị ám ảnh bởi câu nói của ông thầy truyền nghề cho mình trước khi chết:

- Cái nghề này phúc mỏng, tội dày. Phúc là giúp cho người ta rồi kiếm được đồng tiền bát gạo nuôi con. Nhưng tội thì mầy trông ba đứa con tao, người chẳng ra người, ngợm không ra ngợm. Ngẫm ra thấy nó bạc bẽo trần đời.

*

Quê tôi tuy ở cách Thủ đô không xa là mấy, từ bao năm nay, cái nghèo vẫn trùm lên cách làm, nếp nghĩ. Cái nghèo níu kéo những tập tục cổ hủ, lạc hậu. Nhìn sang làng bên, chỉ cách nhau một con sông nhỏ qua mấy nhịp cầu tre mà làng tôi như có sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Nằm lọt thỏm giữa vùng đồng chằm, xưa chưa có các công trình thủy lợi tưới và tiêu nước, về mùa mưa tháng bảy, làng tôi như một đảo nổi giữa rốn nước từ mọi nơi dồn xuống. Lối mòn “đất lề, quê thói” cứ hằn mãi trong đầu, bám dai như đỉa đói và cứ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nghề nuôi lợn thả rông bao nhiêu năm vẫn cứ duy trì với bí quyết gia truyền: “Nhất cám bã, nhì lợn thả”. Đường làng quanh năm vương vãi phân lợn, phân trâu bò. Có nhiều lý do khiến cho cái nghèo ở vùng quê này dai dẳng và vẫn ngự trị một cách cố hữu là người ta đẻ vô tội vạ. Tách cái vô tội vạ ấy ra thì một nửa cũng do nguyên nhân đàn bà quê tôi hầu hết đều cao mông, rộng háng.

Trên khoảng đất phình ra như cặp hông nở nang của đàn bà bởi hai con mương nhỏ là một huyệt đạo thiên tạo càn khôn. Ao Bà. Sen trong ao chỉ lơ thơ và bèo ong mùa nào cũng chỉ loáng thoáng nhưng nước bao giờ cũng trong leo lẻo. Tương truyền rằng những đêm cuối nguyệt, các tiên nữ như những cái bóng trắng thướt tha vẫn xuống ao Bà tắm rửa tẩy trần.

Nhờ thế mà đàn bà, con gái quê tôi khi tắm nước ao Bà đều trơn lông, đỏ da, thắm thịt và mắn đẻ. Người ta nuôi trẻ con không khác nuôi lợn thả lã là mấy. Mặc cho chúng lê la, tha thủi nơi bờ bụi, ao chuôm, buổi tối mải chơi rồi ngủ quên bên đống rơm đống rạ là chuyện thường tình. Đói nghèo, lạc hậu cùng thủ cựu như vòng dây trói vô hình, như lũy tre làng giàng giữ thể xác, tình cảm và nhận thức người dân quê tôi.

…Rồi đến một ngày, lão bỗng dưng được “lên chức”. Chả là phong trào kế hoạch hóa rồi cũng được phát động. Huyện lấy xã tôi làm điểm. Xã lấy làng tôi để đột phá. Hôm phát động cờ dong trống mở, loa đài mở hết cỡ oang oang... Các bà, các cô thuộc diện mắn đẻ luôn là mũi nhọn, là chủ đề trong những câu chuyện tếu táo lúc rảnh rỗi.

- Cô Lài, bà Hớn kỳ này không thực hiện kế hoạch là xã giao cho bác sỹ hoạn lợn (ý nói là lão) giải quyết. Xoẹt. Chỉ có dăm ba phút thế là hết te tởn nhé!

- Ăn với chả nói. Ỉa vào cái mõm nhà anh. Có giỏi cứ gương mẫu trước đi, mang cái con nái xề của nhà cho lão ấy nó hoạn. Dào ời! Suốt ngày rúc vào váy vợ lại còn lên mặt dạy đời. Biết thân biết phận thì câm cái mõm lại, không chị đây lấy rơm nút chặt cái lỗ cống bây giờ.

Chuyện tếu táo dễ quen mồm, thành ra lão đi đâu cũng được người ta tếu táo chào là bác sỹ. Mới đầu là chuyện tầm phào, nghe lâu, nghe mãi quen dần nên lão cũng thấy thích. Tay nghề của lão thì đã nhất ở vùng này rồi, giờ lại được đế thêm cái câu bác sỹ khiến lão lại càng phổng mũi. Gần đây đã thấy xuất hiện “hội chứng kiêu ngạo”. Nhà nào khi mời lão đến hoạn lợn mà quên chức danh nghề nghiệp, y như rằng lão tìm cách lỡ hẹn, thậm chí cho tụt bến luôn. Một hôm lão đến hoạn lợn cho chị trưởng trạm y tế xã, nghe chị bảo muốn mời lão tham gia vào ban vận động sinh đẻ có kế hoạch, mời lão lên huyện tập huấn quãng một tuần, kinh phí nhà nước đài thọ hết, nhưng chỉ sợ bác mải lo kiếm tiền mà không muốn đi cho. Chết thật! Bấy lâu nay đôi lúc cứ nghĩ dân người ta trêu chọc, người ta nói lỡm mình. Bây giờ cán bộ xã đích thân đề nghị hẳn hoi thì… Lão cười hì hì bảo:

- Chị cũng chẳng nên coi thường, đánh giá tôi quá thấp như thế! Một tuần chứ một tháng để được phục vụ bà con, tôi cũng không ngán ngẩm gì đâu.

Thế rồi mấy ngày sau, lão theo đoàn cán bộ y tế xã lên huyện tập huấn lớp tuyên truyền viên vận động sinh đẻ có kế hoạch thật.

…Sau một tuần lão vỡ vạc khá nhiều điều và trở thành người hết sức năng nổ trong công việc được giao. Lão vẫn cứ tiếp tục hành nghề, tới nhà ai cũng vậy, sau khi xong việc lão đều nán lại uống bát nước vối và đều lái sang chuyện kế hoạch hóa gia đình. Lối nói bỗ bã, suồng sã của lão làm người ta cười thoải mái. Đằng sau tiếng cười đến chảy cả nước mắt, đằng sau câu chuyện hài hước pha chút tục tằn là sự ngẫm ngợi phải trái, thiệt hơn.

Công việc của lão ngày càng tỏ ra hiệu quả và lão cũng đã nhận được giấy khen của xã. Nhưng cũng không ít khi lão gặp phải những rắc rối, khó xử. Cái sự rắc rối, khó xử đôi khi khiến lão chạnh lòng. Ấy là có một vài mụ nạ dòng, khi nghe lão lái sang chuyện kế hoạch hóa gia đình thì ưỡn ngực, xếch một bên váy mà ngọt nhạt:

- Lão nói thì quá phải. Nhưng chẳng cần phải hỏi thì đây cũng biết. Lão thì đã bao giờ được lên lên, xuống xuống, đã biết đầu cuối răng lợi nó ra làm sao. Tiếc thật đấy. Giá như thằng chó dái nhà này nó không có tính ghen thì thể nào đây cũng cho lão đến nhà mà tập huấn. Chưa được ngoáy ốc thì chớ có vội nói mò.

Những lần như vậy, đêm về lão lại lẩy những câu Kiều ai oán. Nằm ngửa trên chiếc chõng kê giữa sân, mắt đăm đăm nhìn chòm sao Bắc Đẩu như chiếc gàu sòng. Lạ thật, lão chưa bao giờ hình dung nó giống chiếc gàu sòng mà chỉ nghĩ nó giống như con dao hoạn lợn. Con dao cùng lời nói cuối cùng của người truyền nghề cho lão cứ ám ảnh, khiến lão vật vã mãi mà không sao ngủ được. Đêm càng khuya, dưới sương đêm dìu dịu, tâm trạng lão lại hướng tới, dấy lên nỗi khao khát mơ hồ.                            

 *

Nhờ chính sách khoán mười, quê tôi coi đó là cái mốc của sự đổi mới. Ai cũng bảo không có nó thì chết cả lũ, không có nó thì đói rạc đói rày. Nhà nào cũng lo làm tốt phần ruộng, phần ao nhận khoán và ngày càng phát triển chăn nuôi nên nghề của lão lại càng trúng. Lão cũng tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, được cử tham gia vào một số chức vị ở làng, xã.

Thuở bé tôi mê xem lão hoạn lợn, bây giờ lại mê lão lẩy Kiều. Lâu dần, tôi với lão đã thành bạn vong niên. Khoảng cách tuổi tác không ngăn cản được sự chia sẻ giữa tôi và lão. Đôi lần tôi đã khuyên lão hãy lấy một người đàn bà nào lỡ thì, quá lứa, hoặc giả có người đàn bà nào chồng chết, chồng chê… Thôi thì rổ rá cạp lại, nhưng sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa nên duyên, cho nó đỡ hiu quạnh, nhưng lão đều lắc đầu nguây nguẩy.

Cách nhà lão chừng chục nóc nhà, có một bà góa, chồng chết ngót hai mươi năm vẫn ở vậy. Cũng có vài đám dòm ngó nhưng còn vướng mẹ già của cả đôi bên. Các đám kia có lấy họ thì cũng đều làm cảnh vợ lẽ, con riêng cũng tội nên đành ở vậy. Đi thêm bước nữa chẳng xong nên đò đành cắm sào đợi lái. Mấy lần tôi đã rủ bà góa đến nhà lão nghe lẩy Kiều, bà bảo: Ai lại thế! Ngại chết. Phải nói tôi làm công tác phụ vận cũng không tồi. Năm thì mười họa bà cũng theo tôi sang nhà lão trong cái tâm thế nhìn trước nhìn sau, chỉ sợ người làng nhìn thấy… Dạo này bà góa thường hay lui tới nhà lão nghe lẩy Kiều. Bà bảo:

 - Ngày xưa hồi còn trẻ, em hay đọc truyện “Trê Cóc” với “Phạm Công Cúc Hoa”. Giờ thì chả nhớ nổi một câu nào.

- Trê Cóc của cô thì làm sao sánh nổi được truyện thơ nôm “Thúy Kiều”.

- Vâng! Nhưng mỗi lần nghe bác ngâm mà em lại thấy…

Bà góa không nói nữa, gương mặt góa bụa với những nếp nhăn nơi đuôi mắt, những vết rạn chân chim nơi thái dương như ruộng hạn lâu ngày gặp nước giãn ra. Còn trong thâm tâm lão như cũng cảm thấy những mảnh vỡ thời gian liền lại…

Chập chiều hôm ấy, bà góa úp chiếc nón mê đậy bát canh cà nấu ếch mang sang cho lão uống rượu. Lão bảo cà ăn đêm sợ lạnh bụng.

- Lo gì. Chiều nay em sang nhưng bác đi vắng, thấy trong vườn nhiều cây xương sông nên đã hái một nắm to cho vào làm gia vị. Cà có tính hàn nhưng nhờ có xương xông làm vị hãm nên ăn tốt lắm.

Đêm ấy không thấy bà góa sang nghe lẩy Kiều. Lão thấy bồn chồn, bồn chồn trong dạ. Không biết có phải do ăn thức ăn lạ hay vì cái gì mà lão cứ trằn trọc mãi. Đêm cuối tháng ba sau cơn mưa đầu hạ mát mẻ, tiếng ếch nhái râm ran gọi nhau vào mùa sinh nở càng làm cho cõi lòng u uẩn và khép kín của lão thêm xao động. Dường như sự hối thúc chưa đủ để lão đi đến một sự quyết đoán nếu như không uống thêm ba bốn chén rượu. Máu trong cơ thể lão rần rật chảy như cái thời vâm váp ngày xưa. Lão xăm xăm bước vội trong đêm với cái bát trong tay.

Bà góa chưa ngủ. Lão đẩy nhẹ cửa bước vào. Dưới ánh đuốc, bà góa xắn quần cao đến háng để lộ đôi chân núc ních trắng đến nhễ nhại, còn bên hông thì lủng lẳng một chiếc giỏ tre.

- Khuya khắt thế này mà cô chuẩn bị đi đâu?

- Bác không nghe tiếng ếch đầy đồng ấy à? Phải chịu khó đi khuya, chúng nó say nhau mới dễ bắt.

Cái nhìn sắc như lưỡi dao vảy hến của lão, như có thể cắt phăng cái dải yếm buộc có phần trễ nải.

- Thôi! Tha cho chúng nó đêm nay.

Lão vừa nói vừa cởi chiếc giỏ tre buộc bên hông bà góa rồi ném nó vào góc nhà. Lão đã ném đi lời nguyền về sự ám ảnh bởi câu nói cuối đời của người đã truyền nghề cho lão.

Tiếng ếch gọi nhau thưa dần, thưa dần rồi chìm vào đêm đặc quánh sinh sôi. Bà góa cắn vào ngực lão rồi nói như hụt hơi:

- Sao không để đến sáng mai hãy mang trả bát…

*

Sau cái đêm ở nhà bà góa, hằng ngày lão vẫn cứ rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng cùng chiếc thòng lọng đi hoạn lợn. Trông lão trẻ ra đến hơn chục tuổi. Khuôn mặt hằng ngày khó đăm đăm mà mấy bữa nay phởn phơ rạng rỡ hẳn lên. Một tay cầm lái, tay kia vỗ vào yên xe bắt nhịp tom chát, còn miệng thì ngân nga giọng hát ả đào: “Mới ngày nào… ứ ư… còn chửa biết cái chi chi ự…ừ. Mười lăm năm…ứ…ư… thấm thoắt có ra ự…gì”… Ngang qua ngõ nhà mụ nạ dòng mách qué hôm nào, lão ghé vào xin một bát nước vối. Mụ bảo:

- Gớm! Đôi lợn từ hôm hoạn đến giờ lớn nhanh như thổi. Chả bù cho mấy hôm chưa hoạn, thoắt cái đã nhảy vọt ra khỏi gióng chuồng, đuổi chết mệt.

Lão chỉ tủm tỉm cười, đặt cái bát sứt miệng xuống hiên rồi thả một câu lấp lửng:

 - Lợn động hớn thì đã nhằm nhò gì. Chỉ sợ… thì mới khó chữa thôi.

Nói đoạn rồi nhảy phóc lên yên xe lao ra khỏi ngõ.

Như đã quen hơi bén tiếng, vài ba tối lão lại lò dò sang nhà bà góa. Nhưng mà khỉ thật, lần nào cũng đều gặp người quen. Một lần gặp tay bảo nông đi gác ruộng dưa về, hai lần sau đều gặp tay trưởng thôn đeo cái đài ga len kè kè bên hông đít đành phải nói giả tảng là đi mua rượu. Nỗi ấm ức vô cớ như quả bóng bơm căng bỗng nổ toác ra vì cái sự chột dạ.

Thôi bỏ mẹ rồi! Đúng là tay trưởng thôn nó định rình mình để bắt quả tang đây. Mồ hôi lão vã ra ướt đầm lưng áo. Lão tưởng tượng ra việc bị bắt quả tang, bị đưa ra trụ sở hợp tác kiểm điểm về cái tội cán bộ (lão tự nhận mình là cán bộ) mà không gương mẫu, nhất là lão lại đang làm công tác kế hoạch hóa gia đình, ấy là chưa nói đến cái tội hủ hóa, tội quan hệ nam nữ bất chính thì không biết chừng, lão phải bỏ làng bỏ nước mà đi chứ chẳng chơi.

Lão sống trong những ngày nơm nớp lo sợ nhưng vẫn có ý chờ bà góa sang xin lá xương sông. Bẵng đi một thời gian dài, những cơn mưa mùa hạ qua đi, những cây xương sông trong vườn nhà lão tua tủa lá non, hết lớp lá non này đến lớp lá non khác vẫn không thấy bà góa sang xin. Lão và những cây xương sông vẫn từng ngày chờ người đến hái. Rồi mùa hè nóng bỏng cũng trôi qua. Thu sang. Những lá xương sông trong vườn lão đã xanh đen, cứng như những lưỡi mác thì lão không thể đợi lâu hơn được nữa. Đêm ấy lão “liều mình” đến nhà bà góa hoàn toàn không phải cái lý do… đem trả bát như hôm nào. Lão đứng tim khi nghe bà góa bảo:

 - Ở cái tuổi và hoàn cảnh em và bác bây giờ, ít ai nghĩ tới chuyện kia… Em chỉ mong muốn có một mụn con cho lúc về già đỡ tủi. Bây giờ được rồi (bà góa đặt tay lên bụng), từ nay bác đừng phải nhọc lòng. Dẫu có tai tiếng thế nào cũng để một mình em chịu. Bác là cán bộ, còn phải ăn, phải nói với dân làng nữa chứ…

Lão rũ rượi ra về. Đêm đêm lão lại lẩy những câu Kiều như mấy chục năm về trước. Cũng từ dạo ấy, lão cũng không hiểu nổi tại sao cứ đi hoạn lợn cho người ta thì… mười con thể nào cũng phải chết vài ba chú. Lão chợt nhớ tới lời ông già đã truyền nghề cho lão có lần bảo: Nghề nào cũng có điều cấm kỵ. Phải chăng cái điều cấm kỵ ấy bây giờ mới ứng nghiệm?

Ở làng này không ít nhà đông con, lít nha lít nhít, nhiều lúc khổ quá, biết là có kêu trời thì trời cũng không thấu được, người ta thở dài rồi buột câu cửa miệng:

- Thà cứ ở một mình như lão có phải sướng không.

 Người ta đâu có biết bây giờ, lão cũng có ba bốn bề nỗi khổ… Rồi một đêm, lão uống rượu cho tới sáng mà vẫn tỉnh queo rồi đi đến một quyết định dứt khoát.

*

Ở phòng hậu phẫu sau khi triệt sản, dù đi lại vẫn còn khó khăn lão vẫn lần từng bước sang khoa sản với gói tiền bồi dưỡng của chương trình cùng ít tiền gom nhặt gần đây. Bà góa sau cơn đau vượt cạn đang thiêm thiếp ngủ. Đứa bé khuôn mặt hồng hào, đôi môi nhỏ xinh xắn đang mút khan như đang được ngậm đầu vú mẹ. Tay lão run run đặt gói tiền nhỏ dưới lần tã lót của đứa trẻ. Khóe mắt lão cay xè, ứa ra hai dòng lệ màu huyết dụ rồi vội vã ra khỏi phòng như người chạy trốn.

Bà góa tỉnh dậy sau tiếng khóc của đứa trẻ. Có một thứ ánh sáng lung linh, kỳ diệu ùa vào đôi mắt người mẹ, xua tan những âu lo, thắc thỏm, nỗi buồn khổ và sự muộn phiền trong những ngày thai nghén, xua tan lớp mây mù lãng đãng và một mặt trời hạnh phúc hiện lên. 

Truyện ngắn của Triệu Văn Đồi
.
.