Người từ nước Mỹ trở về

Thứ Hai, 31/12/2018, 08:24
Một buổi chiều, mọi người vừa ăn cơm xong chưa kịp đứng lên thì thấy ngoài cổng một ông già mặc chiếc quần Jen, áo thun là lạ so với tuổi tác của ông và một thanh niên khệ nệ xách chiếc valy bước vào làm cả nhà Trung tròn mắt ngạc nhiên: Chú Sáu và thằng Thắng! Họ từ bên Mỹ trở về! 

Nhà Trung ở gần sân bay nên những người quen trong dòng họ bên vợ Trung trước khi về quê thường ghé nhà nghỉ ngơi như một "tiền trạm". Chú Sáu theo con sang định cư bên Mỹ đã hai năm nay, chắc chú về thăm quê hương. Còn thằng Thắng, nó mới đi du học đã trở về là cớ làm sao? Mới chín tháng trước cả nhà Trung - mà đúng hơn là gần như cả dòng họ bên vợ Trung đã tổ chức một bữa tiệc tưng bừng để tiễn Thắng sang Mỹ du học.

Thắng là niềm tự hào của dòng họ bên vợ Trung, một người xuất ngoại không phải là vượt biên, không phải đi theo dạng HO, mà sang Mỹ bằng con đường du học, tuy là du học theo diện tự túc thì vẫn là du học. Cả xã bên vợ Trung có nhiều nhà con cái xuất ngoại và họ trở về khá sang chảnh, còn dòng họ Huỳnh của vợ Trung toàn là những người nghèo, chưa biết nước ngoài nước trong nó tròn méo ra sao thì có một thằng Thắng đi du học tận bên nước Mỹ cũng làm rạng danh dòng họ.

Không để cho hắn kịp thở, vợ Trung đã nắm lấy tay hắn hỏi dồn:

- Sao lại trở về?

Hắn sượng sùng:

- Không học được thì về.

Câu trả lời của hắn đã xác nhận rồi nhé, hắn bỏ học trở về thật rồi. Trời đất ơi, gia đình hắn tốn không ít tiền bạc cho hắn ăn học, mua vé máy bay cho hắn sang Mỹ mà còn phải cho hắn mang theo mấy trăm ngàn đô với hy vọng hắn sẽ bỏ thói lười biếng, chí thú học hành, trở thành người trí thức… coi như tiêu tan.

*

Thường cứ khoảng 6h chiều, lúc mặt trời lặn xuống phía sau ngọn núi xa xa hắt ánh sáng thành những đường rẻ quạt lung linh ở phía trời tây, từng đàn chim nháo nhác bay về tổ. Ở xứ này thật nhiều chim, chúng bay từng đàn theo hình mũi tên, hình dấu ớ, không có ai săn bắt nên chúng có vẻ tự do. Ban ngày chúng đi ăn ở đâu trên những cánh đồng thật nhiều thức ăn, chiều chúng lại kéo nhau về tổ. Chắc tổ của chúng ở một cánh rừng bên kia dãy núi.

Những buổi chiều như thế Thắng lại ngẩn ngơ nhìn cánh chim trong buổi hoàng hôn gợi cho cậu nhớ về một miền quê xa lắc, nằm bên kia quả địa cầu. Cậu nhớ về cha mẹ, cậu là con một, cậu đi học ông bà ở nhà chắc buồn lắm. Thỉnh thoảng cậu lại lên mạng nói chuyện với cha mẹ.

Cha cậu mỗi khi thấy cậu mếu máo là ông lại tắt phụt chiếc laptop vì ông không muốn con yếu đuối mà mỗi lần cậu nhớ nhà, nhớ cha mẹ không kìm lại được, mồm lại méo xệch. Nhà cậu nuôi gần 5 ngàn con gà công nghiệp, hàng ngày cha mẹ cậu đầu tắt mặt tối với gà, với thức ăn của gà và với phân gà, nhà cứ nồng nặc mùi phân gà và đông đặc không khí vì ruồi. Khổ nhất là bữa ăn, ruồi bâu kín thức ăn, mặc dù ông đã dùng hai chiếc quạt máy châu vào bàn ăn để xua đuổi, chúng vẫn lăn xả vào. Bố mẹ cậu nuôi cậu bằng những giọt mồ hôi đổ trên đống phân gà…

Minh họa: Đặng Thảo Ngọc 

Bóng tối dần kéo đến, cậu vội lên xe chạy ra quốc lộ và phóng về nhà. Thế nào gần đến thị trấn cậu cũng đánh vòng lên phía ngã tư có mấy quán cà phê đón chú Sáu cùng về như giao hẹn. Hàng ngày cậu đi học vẫn ghé nhà chú Sáu, chở chú đến quán cà phê cách nhà bảy cây số, thả chú ở đó rồi đánh xe đến trường, chiều tối cậu lại đón chú về nhà, chỉ trừ thứ bảy, chủ nhật được nghỉ học thì cái quy trình đó mới tạm dừng.

Chú Sáu năm nay đã gần 70 tuổi, chú theo con trai sang định cư được hai năm rồi. Chú nói ở bên này buồn lắm, không có ai để chơi vì nhà nào biết nhà nấy. Những người Việt thường là lớp trẻ hoặc trung niên, sáng tinh mơ họ ăn vội vàng rồi xách cặp lên xe hơi phóng gần trăm cây số để đến công sở. Hỏi chú Sáu đi chơi với ai.

Cách đây gần nửa năm, chính Thắng tìm ra cho chú một chỗ đáng chơi. Tình cờ cậu ghé vào quán cà phê ở ngã tư, nó giông giống những quán cà phê ở quê mình, bước vào cậu mới à lên, hóa ra chủ quán là người Việt. Cậu nhìn thấy mấy ông già đang quây quần bên bàn cờ tướng. Họ ngồi đăm chiêu nghĩ nước cờ rồi có lúc ồ lên: "Chiếu tướng, chiếu tướng!". Một trận cười vỡ ra làm những người Mỹ uống cà phê ở gần đó ngoái lại nhìn. Phát hiện này làm Thắng vui lắm, cậu phóng xe về nhà chú Sáu, nói oang oang từ ngoài ngõ:

- Cháu nhớ là chú rất giỏi đánh cờ. Ở bên nhà, chú là vô địch cờ tướng. Khắp một vùng không ai thắng nổi chú đúng không? Bây giờ bên này cũng có hội cờ tướng toàn người Việt, cũng trạc tuổi chú, mai cháu đưa chú đến làm quen rồi đấu cờ với họ, vậy là chú hết buồn rồi nhé.

Chú Sáu cười hở hết cả lợi:

- Ồ mừng quá, có bạn để chơi lại có chỗ để đánh cờ, thế là Việt Nam ở đây chứ đâu.

Ngày hôm sau, Thắng đưa chú Sáu đến tiệm cà phê đã thấy bốn ông già người Việt đang quây quần bên bàn cờ tướng. Chú Sáu bước đến vui vẻ chào mọi người:

- Chào các anh, các anh chơi cờ vui quá.

Cả bốn ông già đều ngẩng lên nhìn chú Sáu hồ hởi bắt tay và hỏi chuyện rối rít. Người Việt xa quê chỉ cần nói tiếng Việt, ngay lập tức đã thân nhau. Họ kêu ngay cho chú một ly cà phê. Mùi hương cà phê thơm ngào ngạt. Chú Sáu vừa nhâm nhi cà phê vừa xem trận tỉ thí cờ tướng giữa hai ông già. Hết một ván cờ, một người đề nghị:

- Anh Sáu người mới, mời anh chơi một ván xem "giò cẳng" thế nào.

Không khách sáo, chú Sáu ngồi vào bàn cờ, khai cuộc, chú triển khai nước đi thoăn thoắt, sử dụng nhiều quân chủ lực như xe, pháo, mã chiếm các điểm then chốt, thuận lợi, công thủ toàn diện, tiền xe, hậu pháo, mã kề bên. Có cảm tưởng chú không phải suy nghĩ, cũng không cần nhìn cách đi của đối phương. Tất cả thuộc lòng, chưa đầy một phút chú đã triển khai xong toàn bộ chiến lược, chiến thuật cho một trận đánh làm đối phương lúng túng bị động. Nhiều người ồ lên: "Cao cờ, cao cờ".

Từ bữa đó chú Sáu vui, nhanh nhẹn hoạt bát hẳn lên vì chú đã tìm thấy một góc Việt Nam ở cái quán cà phê trên đất Mỹ xa xôi này…

Niềm vui của chú Sáu ngắn chẳng tày gang, một bữa chú đến quán cà phê thì chỉ còn thấy hai ông già đang ngồi đấu cờ với nhau, còn những cổ động viên là hai ông già kia đâu rồi? Chú Sáu ngạc nhiên hỏi người lớn tuổi nhất:

- Anh Hai, anh Bảy và anh Tám đi đâu rồi? Sao hôm nay không đến?

Ông già ngẩng đầu lên, ánh mắt buồn rầu nói:

- Hai người đó trở về nước rồi. Họ nói về nước còn có bà con dòng họ, dù đói no gì thì cũng là quê hương mình, được chết trên quê hương mình.

Chú Sáu ngẫm nghĩ, họ nói cũng đúng, như mình đây theo thằng con sang bên này, chỉ nó là con ruột mình, còn con dâu là người Mỹ da màu và các cháu sao nó xa lạ đến vậy? Mà thằng con mình nó còn phải đi làm kiếm tiền, một ngày chỉ gặp nó chừng một giờ buổi tối, gần khuya nó mới mò về. Cũng may có mấy ông già chơi cờ tướng để mình còn có dịp trò chuyện, nói tiếng Việt với nhau. Nhưng bốn người giờ chỉ còn hai, chẳng mấy chốc nữa các cụ lại trở về quê hết. Chú Sáu thở dài.

Một bữa Thắng đưa chú Sáu từ quán cà phê về, dọc đường chú nói với nó:

- Thắng ạ, có bốn ông già đánh cờ nay chỉ còn có hai, mà hai người còn lại cũng đang bàn nhau trở về quê hương bản quán, có lẽ chú cũng xin về.

Thắng ngẫm nghĩ, nhớ đến thân phận mình, cha mẹ lo tiền cho nó du học. Nó ở nhờ nhà bác - anh ruột của cha nó. Còn bác gái là người dưng, mấy người anh con của bác sinh ra trên đất Mỹ, chúng nói tiếng Mỹ, chỉ bập bẹ vài ba tiếng Việt, hoàn toàn xa lạ với Thắng. Cậu sống trong gia đình bác mà thấy lạnh lẽo, còn hơn băng tuyết ngoài trời. Hàng ngày bác dậy sớm đi làm từ lúc ba, bốn giờ sáng. Bác gái cũng thế, mỗi người mỗi cái xe hơi chạy hai hướng khác nhau cách nhà trăm cây số, khuya mới đánh xe về, ăn chung với nhau một bữa vội vàng rồi đi ngủ. Mấy anh cũng vội vàng đánh xe đi học.

Những ngày đầu còn tình cảm bác cháu, sau một thời gian tình cảm cứ nhạt dần. Kể từ bữa Thắng lùi xe đụng vào bờ tường làm móp một bên xe làm bác gái nhìn thấy, mặt nặng trình trịch. Cũng tại cậu ta quen sống với cha mẹ, là con một quen được chiều chuộng, sáng dậy cậu chỉ việc đánh răng rửa mặt là có thức ăn sáng mẹ bày trên bàn. Ăn xong cậu cũng không phải động đến việc rửa bát. Quần áo dơ thì thay ra, ném vào góc nhà, mẹ cậu lại nhặt lên đem đi giặt rồi phơi, là ủi phẳng phiu móc lên giá cho cậu.

Cậu đi chơi hay đi học chỉ việc thay đồ rồi lên xe phóng đi. Hồi cậu lên học trên thành phố lại ở nhà dì Bảy, chị ruột của mẹ cậu. Bởi thế dì cũng thương cậu như mẹ thương, nghĩa là cậu lại được bao cấp từ đồ ăn đến việc giặt đồ. Bây giờ trên đất Mỹ, bác gái không phải ruột thịt, lại quen với văn hóa xứ Mỹ nên bác cũng không phải lo bữa ăn sáng, càng không giặt và ủi quần áo cho cậu. Bữa đầu cậu nhịn đói đi học, đánh xe ra ngoài đường tự tìm gì đó ăn qua quýt xong buổi sáng.

Mấy hôm đầu còn thói quen cởi quần áo vứt xó nhà, lấy trong vali bộ khác ra thay. Quần áo sạch dần hết, còn đống quần áo ở xó nhà đang bốc mùi. Buổi sau cậu không còn quần áo thay, cậu tìm trong đống đồ dơ xem cái nào đỡ dơ thì mặc. Quần áo cậu bốc mùi, bạn cùng lớp ngửi thấy mùi chua chua, nồng nồng từ người cậu. Họ khó chịu, nháy nhau, khịt mũi và xa lánh cậu. Còn ăn uống, có vẻ như người ta cũng để cho cậu tự lo lấy.

Câu chuyện lại bắt đầu từ chiếc xe hơi, cậu va chạm với một người đi ngược chiều, chiếc xe bị hỏng khá nặng làm bác gái không kiêng dè gì nữa, ra mặt la mắng cậu và bác không đi sửa xe cho cậu đi nữa. Cậu đến trường phải đi bộ cỡ 500m mới có trạm xe buýt. Mùa đông xứ bắc Mỹ lạnh cắt da cắt thịt, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, tuyết phủ trên mái nhà, trên cành cây, trên đường. Cậu mặc đến năm lớp áo ấm mà vẫn thấy nhức buốt tận xương. Có bữa cậu bị chảy máu mũi vì quá lạnh.

Thắng không ngờ rằng đời mình lại có ngày hôm nay. Sở dĩ cậu đồng ý đi du học vì nghĩ sẽ tránh được những người thân luôn cản cậu chơi game, một môn mà cậu say mê, có thể nói là nghiện cũng được. Cậu nghĩ rằng sang nước ngoài cậu càng có thời gian chơi game hơn, bởi vì dầu ở đâu thì lên mạng là gặp ngay nhóm bốn đứa cùng TEAM của mình.

Thắng với nhóm bạn này đã sát cánh bên nhau bao năm rồi, họ đã đi qua biết bao nhiêu mùa game, bao trận đánh, có trận thắng, có trận vừa mới "đilút" xong, nhặt được đủ súng, đạn, giáp, ba lô… mới sáp trận đã bị địch bắn hạ, bị trừ 40 điểm, mỗi điểm số để tăng hạng giống như là máu của mình vậy.

Thắng được nâng cấp từ vàng, lên bạch kim, kim cương, rồi cao thủ 1,2,3,4,5, chỉ còn 100 điểm nữa sẽ đủ điểm lên ACE, đó là đỉnh cao của game thủ, trên thế giới có mấy người leo lên đến cấp đó? Ấy vậy mà Thắng vẫn chưa tích được đủ điểm, cứ lên được vài chục điểm lại bị bại trận. Thắng nhớ những đồng đội của mình, hắn luôn tỏ ra là thủ lĩnh cuả TEAM khi liên tục chỉ huy đồng đội: "Chú ý ngôi nhà hoang phía trái có địch". "Lô cốt phía trước có địch, không bắn, sử dụng lựu đạn"…

Tiếng Thắng cứ vang lên như người tường thuật trận bóng đá giữa đêm khuya khoắt, ai nghe thấy, tưởng hắn khùng. Thắng cũng có nghệ thuật chiến trận, ngoài am hiểu địa hình, giỏi núp, chạy, sử dụng các loại súng thành thạo, bắn chính xác, còn giỏi chiến lược, chiến thuật, hỗ trợ cho đồng đội, chia đạn, thậm chí chia cho nhau từng bịch máu để có thể sống sót mà chiến đấu.

Đoàn kết như thế, vui như thế. Đánh nhau hăng quá, thắng thì vui náo nức mà thua thì cay cú lại nhảy dù xuống trận địa mới chiến đấu tiếp, quên cả thời gian, có bữa trời sáng lúc nào cũng không hay. Ngày hôm sau đi học mắt cậu cứ díp lại, người thẫn thờ như đang sống trong một thế giới khác với thế giới những người bình thường.

Lớp học của Thắng hơn 30 người, đủ các quốc gia. Cứ đến giờ là thầy lên lớp, không bao giờ chậm một phút. Môn thuyết trình, thầy và trò cùng tranh luận một chủ đề. Có lần thầy chỉ Thắng nói:

- Bạn hiểu vấn đề này như thế nào? Bạn có đồng ý với lập luận của tôi hay có ý gì khác?

Thắng đứng ngẩn tò te bởi câu hỏi này, vì tiếng Anh của cậu chỉ đủ trò chuyện thông thường. Thầy giáo tỏ ra thất vọng, ra hiệu cho cậu ngồi xuống.

Rồi thầy chỉ một sinh viên người Ấn Độ đứng lên thuyết trình. Anh ta đứng lên thao thao bất tuyệt, tranh luận với thầy cực hay, có chỗ còn trái với luận điểm của thầy làm lớp học trở nên sôi nổi hẳn lên, khi anh ta ngồi xuống, cả lớp vỗ tay rào rào.

Trong lớp có một người Việt, nàng tên là Tú Trinh, nước da mặn mòi vùng biển, khuôn mặt trái xoan, dễ thương. Cha nàng làm nghề đánh cá, mẹ buôn bán vặt ngoài chợ. Nàng kể, cha nàng chỉ ra biển vào mùa lặng gió, còn mùa sóng to gió lớn thì đành neo tàu ở cảng, nên những ngày này nhà nàng đói lắm, không có tiền, chỉ trông vào sạp rau củ của mẹ ngoài chợ, mà cái đảo của quê nàng chỉ có vài ngàn dân, người rảnh rỗi quá nhiều nên có nhiều người ngồi chợ, chỉ bán rau thôi đã có hàng chục người, cạnh tranh nhau nên kiếm được đồng tiền thật đỏ con mắt. Nàng mang cái đức tính tằn tiện và chịu thương chịu khó này sang Mỹ. Hôm thảo luận trong lớp, Tú Trinh ngồi gần Thắng, cô cảm thấy xấu hổ vì người bạn Việt Nam của mình. Sau giờ nghỉ, cô gặp Thắng nhẹ nhàng góp ý:

- Tại sao bạn không biện luận được như anh chàng người Ấn Độ?

- Tiếng Anh mình còn kém, mình không thể biện luận lưu loát được.

- Trời ơi, thế mà bạn dám sang đây học, cái điều cơ bản nhất là tiếng Anh phải rành thì mới tiếp thu được chương trình thầy giảng, rồi còn phải viết luận văn, viết bài thi. Bạn sẽ khó hoàn thành xong các học phần. Hay là vầy, mỗi buổi tối mình đến nhà bạn dạy thêm tiếng Anh cho bạn, phải cần cù chịu khó học thuộc từ, học thuộc ngữ pháp may ra còn đuổi kịp được.

Thắng tránh nhìn vào mắt Tú Trinh:

- Mình không có đủ kiên nhẫn như bạn.

Trong buổi nói chuyện, Tú Trinh ngạc nhiên khi nghe Thắng khoe:

- Đêm qua bọn mình đánh ba trận đều thắng cả ba, tiêu diệt gọn bọn địch, làm chủ hoàn toàn trận địa.

- Là bạn nằm mơ hả?

- Không, mình chơi game và đánh những trận rất oanh liệt, chiến thắng giòn giã, mình đã lên đến cao thủ 5 rồi.

Tú Trinh thở dài, trong khi người ta đang lao vào học tập, tiếp thu kiến thức ở một nước đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật để về xây dựng đất nước thì Thắng vẫn ngập trong những trận chiến, sống mơ màng với nó, không biết đến bao giờ mới thoát ra được?

Một buổi Tú Trinh gặp Thắng ở hành lang, rủ:

- Bạn có thích đi làm thêm với mình không? Mình làm ở một tiệm phở người Việt. Bưng phở thôi, nhưng mỗi giờ cũng kiếm được năm đô. Tiệm của mình lại đang cần nam, bạn đi làm với mình cho vui nhé!

Thắng cười, gãi tai:

- Thú thực mình chưa đi làm thuê bao giờ.

- Bạn nhớ hôm nay thầy vừa hỏi lớp có bao nhiêu bạn đi làm thêm, mình đếm có đến 3 phần 4 lớp giơ tay. Bạn thấy không, cả người Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… cũng đi làm thêm, có sao đâu. Đi làm thêm là cách để tiếp xúc, học thêm tiếng Anh, học thêm các kiến thức ngoài xã hội.

Thắng nhìn Tú Trinh, cô nàng nho nhỏ xinh xinh, dễ thương và nhanh như con sóc. Nghĩ đến việc nàng đi học là thấy rùng mình, vì nàng muốn nhanh tốt nghiệp nên đăng kí học thêm nhiều môn. Vừa học xong ở lớp này, nàng lại thoắt sang lớp khác, trưa nàng chỉ có khoảng vài chục phút nghỉ ngơi ăn uống. Trong cặp của nàng là thức ăn nhanh, rồi buổi chiều nàng lại "chạy xô" như thế, vậy mà buổi tối nàng vẫn có thời gian đi làm thêm.

Thắng thở dài, chao ôi, tưởng sang Mỹ sung sướng gì, còn vất vả hơn ở Việt Nam. Tuần nào cũng phải có bài kiểm tra, có tuần làm đến bốn bài kiểm tra, phải viết bài nộp cho thầy, mà trình độ tiếng Anh của cậu như thế, nguyên việc viết bài kiểm tra cũng đã là cực hình đối với cậu, nghĩa là phải viết rất nhiều, có bài phải viết dài đến ba chục trang; chưa kể có tuần lại có bài thuyết trình trên lớp.

Bài kiểm tra, bài trắc nghiệm thì thầy không công bố điểm trước lớp còn đỡ quê, bài thuyết trình mà kém thì chỉ có lấy mo che mặt. Chính vì điều đó cậu lại càng chán học. Một bữa cậu nhảy xe buýt rồi cuốc bộ đến tiệm cà phê của chú Sáu. Cậu ngạc nhiên bởi trong tiệm chỉ còn ông già gần 80 tuổi và chú Sáu đấu cờ với nhau. Một ông già đã trở về nước nữa rồi. Hai ông không có cổ động viên nên âm thầm buồn bã. Lúc hai chú cháu trở về nhà, cậu bàn với chú:

- Chú ơi, hay chú cháu ta trở về Việt Nam, chú cũng muốn về nước mà cháu cũng chán lắm rồi, cháu cũng muốn về nước.

Chú Sáu ngạc nhiên:

- Tại sao con lại bỏ về?

Thắng cúi đầu lí nhí trả lời. Chú Sáu lớn tuổi, tai nghe kém nên không biết hắn nói gì.

Trước hôm trở về Việt Nam, Thắng gặp Tú Trinh ở ngoài hành lang:

- Tú Trinh ở lại học giỏi nha, mình về nước đây.

Tú Trinh ngước cặp mắt đen láy nhìn chàng thanh niên đẹp trai tuấn tú, lòng bỗng chùng xuống, một nỗi buồn tràn ngập. Ở trường này chỉ có hai người Việt, thỉnh thoảng còn nói chuyện với nhau, chia sẻ những kỷ niệm buồn vui, ôn lại những nỗi nhớ quê nhà… Bây giờ Thắng bỏ về, Tú Trinh chợt thấy hụt hẫng, như vừa mất một cái gì quý giá. Sau giây phút bàng hoàng, nàng nói:

- Tại anh không cố gắng. Sống được trên nước Mỹ yêu cầu người ta phải có nghị lực ghê gớm vì đó là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt để làm giàu, còn anh vẫn không thoát ra khỏi những chiến thắng hư ảo.

Thắng thở dài:

- Nếu bạn về Việt Nam mà còn nhớ đến Thắng thì liên lạc nhé.

Tú Trinh nắm thật chặt tay của Thắng vừa xòe ra, mắt cô nhòa lệ.

                                                   *

Ở nhà dì Bảy một bữa, hôm sau Thắng tẽn tò trở về nhà dưới quê tận Long An. Cậu bước vào cổng nhà thì đúng lúc cha cậu từ chuồng gà đi ra, áo quần còn đẫm mùi phân gà. Ông đón con bằng một câu:

- Cha vừa bắt thêm 5 ngàn con gà nữa, con về cũng kịp cùng cha mẹ chăn nuôi. Nhất nông nhì sỹ con ạ.

Truyện ngắn của Nguyễn Trường
.
.