Người phụ nữ bí ẩn…

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:00
Mọi chuyện khởi sự khi tôi đang là một sinh viên trường y trọ học ở Reykjavik trong căn phòng nhỏ dưới tầng hầm, được ngăn với lò sưởi bằng một tấm vách mỏng tồi tàn. Vào một mùa đông nọ, tôi chợt nghe thấy thứ giai điệu thường vang lên lúc xế chiều khi lò sưởi bắt đầu được đốt lên. Giọng hát trầm khàn như những gợn sóng lăn tăn lan tỏa, tới nốt nhạc cuối dường như ca sĩ quên không lấy hơi nên nó tắt lịm rồi im bặt, như thể người hát bỗng dưng chìm đi cùng bản nhạc. 

Và giọng hát bí ẩn ấy đã cất lên suốt cả mùa đông dài dằng dặc, hết đêm này sang đêm khác giữa bầu không gian tĩnh mịch. Cho tới khi quyết định tìm hiểu rõ hơn về ca khúc mỗi lúc xế chiều ấy, tôi mới phát hiện ra đấy là giọng ca của người chuyên trông coi lò sưởi. Nhưng cứ vào độ nửa đêm ông ta lại lật đật ra đi…

 Một lần trong tuyết lạnh và sương mù, tôi nhìn thấy một chiếc hộp đàn dương cầm tại đoạn góc khuất giữa hai tầng nhà. Đó là nơi Nebuchadnezzar sống. Tôi liền bước vào.

- Chào bác - Tôi nói.

- Chào anh - Chủ nhân nhã nhặn đáp.

- Bác đang hát - Tôi quyết định hỏi cho ra nhẽ.

- Không - Ông ta lắc đầu.

- Bác đã học ca khúc này ở đâu vậy? - Tôi đánh bạo hỏi.

- Ca khúc ư?... Chẳng có khúc nhạc nào cả.

- Nhưng cháu thấy bác thường xuyên hát điệu nhạc này mà?

- Tôi không hát - Chủ nhân tái khẳng định - Tôi không bao giờ làm được điều đó.

- Thế bác vừa mới lầm rầm cái gì vậy - Tôi nổi đóa.

- Thực ra trước đây tôi có thể cất tiếng hát được - Người đối diện tỏ ra cởi mở hơn - Nhưng đó là chuyện hồi xưa. Giờ thì tôi thậm chí không nghĩ tới điều ấy nữa. Đơn giản lúc này tôi chỉ ngồi đây, đợi cho lò sưởi bén lửa rồi lại ra đi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

- Vậy bác từ đâu đến đây vậy? - Tôi không nén nổi sự hiếu kỳ vốn có.

- Miền Tây.

- Chính xác hơn là ở vùng nào?

- Olafsvik.

- Nơi đó đẹp chứ bác?

- Biển ở quê tôi cũng dữ dội giống như bất cứ đâu - Bác thợ lò khoát tay.

- Thế bác có còn bà con ở đấy không?

- Họ chết cả rồi.

- Vậy bác làm gì dưới miền Tây?

- Tôi làm gì à? - Chủ nhân lưỡng lự - Thì đi bất cứ đâu tôi thích. Khi thì xuống biển, lúc lại lên núi… Tùy hứng cả thôi.

- Tại sao bác đến Reykjavik?

Yên lặng một lúc lâu, cuối cùng ông ta đáp:

- Tất cả cũng chỉ vì miền Tây. Đúng, miền Tây.

- Bác hoàn toàn có lý khi chuyển tới đây - Tôi nói - Dù sao sống ở chốn phồn hoa đô hội vẫn hơn bất cứ nơi nào khác.

- Thực ra đêm đầu tiên ở đây tôi đã ngủ ngoài nghĩa địa.

- Có thật vậy không bác? - Tôi bỗng đổi giọng đầy hưng phấn - Rất nhiều người cảm thấy mãn nguyện khi được qua đêm ngoài nghĩa trang.

- Đúng thế… - Chủ nhân phụ họa.

Viên thợ lò liền đứng dậy, bỏ mũ ra và treo lên cái đinh phía sau lò sưởi. Đó là loại mũ hình quả dưa mà cánh thương gia thường đội khi chúng còn mới, đằng này lỗ thủng to tướng ngay đỉnh chóp chứng tỏ mũ đã bị người đội loại bỏ từ lâu.

Rồi mùa xuân đến, còn nhiều kỳ thi quan trọng đang đợi phía trước nên tôi ít để ý đến mọi chuyện xung quanh. Bỗng một hôm có một gia đình mới chuyển đến căn hộ ở tầng giữa ngôi nhà. Đó là một cặp vợ chồng cùng cô con gái chừng tám tuổi. Tên cô bé là Lily. Qua dáng bên ngoài tôi đoán họ là những người từ dưới tỉnh lên, bởi mái tóc vàng hoe của Lily thường tết đuôi sam và bé thường đi những đôi tất len do mẹ tự đan lấy. Lily hay chơi với bọn trẻ ở cái sân ngay ngoài cửa sổ phòng tôi, còn ven hàng rào viên thợ đốt lò đang say sưa ngắm nhìn tụi nhóc nô đùa. Sự hân hoan của ông ta hiện rõ trên gương mặt lấm lem râu ria lởm chởm. Một ngày qua đi, lũ trẻ mệt nhoài liền chạy về nhà kiếm chút gì đó để ăn. Chỉ còn lại Lily một mình chơi nhảy lò cò trong sân. Bác Nebuchadnezzar liền cất tiếng gọi:

- Lily!

Nhưng xem ra cô bé giả tảng như không nghe thấy, mắt cứ nhìn xuống chân như thể giành chiến thắng trong trò chơi mới là điều quan trọng nhất…

- Lily bé bỏng ơi! - Tiếng gọi tha thiết lại cất lên.

Cô bé vẫn tiếp tục giả vờ không nghe thấy…

- Chẳng lẽ bé Lily không có gì để nói với lão già Nebuchadnezzar hôm nay sao?

Ông ta hỏi vọng tới từ hướng bờ rào, rồi rút trong túi ra một gói giấy nhỏ được giấu kín suốt từ nãy tới giờ. Lúc này cô bé đã bước ra phía ngoài đường, tay chắp sau lưng với vẻ nghi ngờ cúi xuống nhìn vào túi giấy. Trong túi đầy ắp nho khô.

Và mùa xuân cũng lặng lẽ trôi qua, nhưng từ trước đó rất lâu Lily đã không còn nghi ngại bác Nebuchadnezzar nữa. Cô thường cố tình chạy lại mỗi khi thấy ông đi đến, thò tay vào túi ông lôi ra bịch nho khô. Đôi khi vào những buổi chiều tà họ thường ngồi lại rất lâu ven bờ rào, tôi đoán chắc rằng bác Nebuchadnezzar đang kể chuyện gì đó cho cô bé nghe, bởi vì trông Lily như muốn nuốt chửng từng lời ông nói.

- Thế họ có họ hàng gì với bác không? - Tôi hỏi bác thợ đốt lò về cặp vợ chồng mới đến.

- Họ tới từ miền Tây.

- Vậy bác có biết gì về họ không?

- Có chứ - Bác Nebuchadnezzar quả quyết - Đó là bé Lily cũng với mái tóc vàng hoe.

Khi ấy ông ta mới hai mươi tuổi (tôi nghe ông kể vậy) và họ thường gặp nhau. Bác Nebuchadnezzar đã hứa sẽ xây cho người tình trẻ đẹp một ngôi nhà nhỏ ở Snout, căn nhà có thảm cỏ cùng vườn rau xinh xắn. Bấy giờ ông đang đi tàu đánh cá cùng Gudmundur, viên thuyền trưởng của con tàu Dreams. Công việc khá suôn sẻ, những lúc lên bờ cặp uyên ương lại cùng hát với nhau. Tên cô ấy là Lily.

- Đột nhiên tớ bị vỡ nợ nên chẳng còn khoản nào gửi về xây nhà dưới miền Tây nữa - Bác Nebuchadnezzar giãi bày trước khi đội cái mũ quả dưa lên đầu - Thôi chào cậu nhé.

Mãi nhiều năm sau tôi mới gặp lại Nebuchadnezzar trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. Lúc này tôi đang hành nghề tại một bệnh viện ở Reykjavik. Thi thể của bác được quấn trong một tấm khăn trải giường khi đem vào nhà xác. Người ta tìm thấy kẻ xấu số trong chiếc hộp đàn piano, cũng như không ai biết tên tuổi hay quê quán của ông ta, huống hồ điều gì từng là mục đích chính trong cuộc đời ông ấy.

Đám tang được cử hành vội vã trước lúc trời tối. Trong thời gian cử hành nghi thức truyền thống dành cho người quá cố, trừ viên mục sư kiêm chủ sự thuộc nhà thờ ra chỉ có duy nhất một người phụ nữ già nua ngồi tít tận hàng ghế cuối. Tôi nghĩ rằng bà ta lọt vào đây cốt nhằm trú mưa mà thôi, chứ hoàn toàn không liên quan gì tới người sắp được chôn cất cả. Nhưng khi cỗ xe tang rục rịch chuyển bánh, người đàn bà bí ẩn trùm tấm khăn mỏ quạ màu đen vẫn cứ lẽo đẽo theo sau. Lúc huyệt mộ được lấp đất và vị mục sư đã ra về, riêng người phụ nữ bí ẩn vẫn đứng chôn chân tại đó dưới cơn mưa tầm tã, mắt nhìn không chớp vào đống đất tươi rói… Tôi nấn ná ngoài cổng nghĩa trang hồi lâu vẫn chưa thấy bóng dáng bà ta, nên đành quay lại huyệt mộ bác Nebuchadnezzar để kiểm tra.

- Bà còn đợi gì nữa, hỡi người phụ nữ đa cảm - Tôi đánh tiếng từ xa - Bà có quen biết gì với người đàn ông này không?

Người đối diện nhìn tôi với ánh mắt vô hồn. Nét mặt bà ấy co rúm lại do đau buồn, khóe miệng trề xuống bên đôi môi run run. Đôi mắt già nua đỏ ngầu của bà giàn giụa nước. Trước đây tôi đã từng nghe miêu tả đâu đó, rằng thật đáng sợ khi phải chứng kiến cảnh người già khóc.

- Xin bà đừng có khóc nữa, hỡi người phụ nữ tốt bụng - Tôi lên giọng van nài - Dù gì thì ông ấy cũng đã lên thiên đàng.

- Vâng - bà ta đáp đồng thời lấy vạt khăn lau khô nước mắt.

- Bà phải về nhà thôi kẻo cảm lạnh đấy - Tôi lựa lời khuyên và quả thực không muốn người phụ nữ xa lạ này nấn ná ở đây lâu thêm nữa.

Chúng tôi lặng lẽ đi bộ sóng đôi bên nhau hướng ra cổng nghĩa địa.

- Xin lỗi, bà từ đâu đến? - Tôi hỏi, cốt phá tan bầu không khí quá ư tĩnh mịch lúc chập choạng tối.

- Tôi vừa chân ướt chân ráo dưới miền Tây lên khi hay tin…

- Từ Olafsvik phải không? - Tôi bán tin bán nghi hỏi.

- Đúng vậy!

- Chắc bà có biết ông ta?

- Vâng, chúng tôi cùng tuổi nhau.

- Xin mạn phép được hỏi, thế tên bà là gì?

- Lily.

- Trên đời thật có nhiều chuyện lạ - Tôi chợt tư lự một mình - Bác Nebuchadnezzar vẫn luôn cô đơn…

Người phụ nữ luống tuổi lại lê bước câm lặng bên tôi qua những dãy huyệt mộ, khó có thể trông đợi bà cất thêm một lời nào nữa. Trước khi chia tay người phụ nữ bí ẩn ngoài cổng nghĩa trang, tôi quyết định bỏ mũ ra vẻ ngưỡng mộ bất chấp cơn mưa nặng hạt.

- Xin tạm biệt bà - Tôi nói.

Người đối diện khác giới chìa một bàn tay nhăn nheo gầy giơ xương ra và nhìn thẳng vào mắt tôi, kẻ chứng kiến duy nhất nỗi đau khổ suốt cuộc đời bà.

- Bản thân tôi cũng luôn luôn đơn côi…

Và như không kiềm chế được, người đàn bà bí ẩn lại kéo vạt khăn xuống lau mắt rồi quay gót. Đó cũng là hồi kết của câu chuyện về bác Nebuchadnezzar, nhân vật đã từng qua đêm ngoài nghĩa địa khi mới đến thành phố này. 

Harold Laxness (Iceland) – Trần Hồng (dịch)
.
.