Người đàn ông của mẹ

Thứ Sáu, 20/02/2015, 08:00
Tôi trân trân nhìn mẹ. Chú Phước bối rối ôm quàng mẹ đang vẫy vùng. Giọt nước mắt lăn trên gò má đen sạm. Cu Tuấn mếu máo ôm chặt chân chị. Thanh tru tréo. Tôi đứng lặng…

Trăng mười sáu xuân thì tròn trặn, lãng du vờn vỡ, đong đưa. Trăng treo trên đỉnh ngọn thông vi vút gió reo. Trăng lặn vào khoảng mây bồng bềnh chơi trò trốn tìm. Trăng hờ hững trườn qua mặt nước sóng sánh như rót mật, vằng vặc soi chiếu xuống đồi than trập trùng. Tuần này mẹ đi làm ca hai. Cứ trước giờ tan ca, tôi bí mật ngồi đợi mẹ bên moong nước.

Gió rời rợi. Tiếng khoát nước ì ũm. Có một phụ nữ tắm trăng. Trăng rẽ mây đổ tràn trên bờ vai thiếu phụ. Tiếng khỏa nước rời rợi, tí tách. Thiếu phụ ngước nhìn trăng. Mái tóc buông đổ dài phía sau dập dềnh. Bờ vai tròn trặn lấp lóa. Hai bàn tay sẽ sàng vun nước. Bờ ngực sóng sánh, đẫm trăng. Bàn tay sẽ sàng lướt nhẹ như phím đàn, thoa tròn, nâng bê bầu ngực căng tròn, mỡ màng hứng trăng. Thiếu phụ sẽ vân vê núm ngực săn cứng, vênh vểnh. Trăng cười. Mây xô dạt. Sóng nước dập dờn vun vơn mơn man. Thiếu phụ rùng mình…

Roạt! Roạt...! Bất ngờ vật gì ném trúng mặt. Mùi hôi hám lùa lũa bịt kín mũi. Tôi gạt vội vật lạ bưng kín mắt. Chùm chìa khóa rơi... Ùm... Một bóng đen như con gấu chực vồ mồi lao về người tắm. Sùng sục rẽ nước, bóng đen ôm choàng. Tiếng thét dựng vách núi... Chìm nghỉm... Vùng vẫy. Tiếng đập nước oàm oạp. Tiếng kêu, tiếng sặc... Chới với. Trăng cùng gió vờn vẫy, tàu chuối quần quật. Tim như muốn trào khỏi lồng ngực. Tôi lập cập ném hòn đá, hét to: "Cứu, cứu, có người... đuối...". Ôm đống "mắm tôm", tôi rờ chùm chìa khóa. Người đàn ông vẫn điên cuồng, ngấu nghiến, vồn vật…

Ùm! Một bóng người nhào xuống, rẽ nước, hất bóng đen trước, ôm quàm quạp người phụ nữ. Người đàn bà lõa thể dưới trăng. Người đàn ông cởi chiếc áo đẫm nước khoác lên "tòa thiên nhiên". Nhanh như cắt, một quả đấm quăng lão trần như nhộng văng xa. Tổ tuần tra rần rật chạy đến. Ánh đèn pin lia loáng. Là mẹ.

Lão lóp ngóp bò dậy khum khum hai tay giữ bộ hạ, đôn đáo kiếm tìm, vóng vớt:

- Bắt thằng thổ mừ lại. Nó là "ma gà", đánh bùa ngải, sàm sỡ, trêu chọc gái góa …Tao mà không đến cứu thì… nó đã xơi tái rồi...

Là Trưởng kho vật tư. Và người bị đổ tiếng oan là…

*

Chiều Xuân. Cái rét ngọt buốt. Nghe có tiếng hỏi, tôi vội quay lại. Một chú bộ đội vác balô, đeo kính đen đứng trước mặt. Tôi hét vang:

- Ba! Ba về! - Tôi ôm chầm và… tẽn tò khi nhận ra chú Phước cùng đơn vị ba.

Tôi kéo tay chú vào "nhà". Đó là ngách hang đá cơ quan bố trí cho mẹ con tôi ở tạm sau trận bom ở hang Đá Chồng:

- Ba cháu đâu ạ?

Nét mặt chùng chễ, chú vội quay đi:

- Ba kh...ông về…đư…ợc…

Tôi nhanh nhảu đưa chú tới cửa hang, hét to:

- Mẹ ơi! Chú Phước! Ba gửi quà...

Rót nước mời chú, tôi vội vã bế em... Bỗng có tiếng thét kinh hoàng vọng vào núi đá. Mẹ đổ vật, sõng soài, vật vã trên nền hang ẩm ướt, nấc lên khằn khặt:

- Anh... ơi! Bỏ... mẹ con em...

Tôi trân trân nhìn mẹ. Chú Phước bối rối ôm quàng mẹ đang vẫy vùng. Giọt nước mắt lăn trên gò má đen sạm. Cu Tuấn mếu máo ôm chặt chân chị. Thanh tru tréo. Tôi đứng lặng…

...Tôi đã từng rong ruổi theo ba vào rừng. Có lần, mải tìm nơi phát ra tiếng hót chim từ quy "Bắt cô trói cột", tôi bị lạc rừng. Bóng tối vây bủa... Bỗng trước mặt ánh đèn lia nhấp nhoáng, tiếng bước chân rình rịch, tiếng gọi khản đặc. Theo hướng đèn, tôi rẽ gai, cứ chạy, cứ gọi: "Ba ơi! Chú ơi!" mặc cho dây rợ vướng vấp, roài rạp... Chú Phước lao tới ôm tôi. Ba cũng vừa hổn hển chạy tới. Sững lại khi thấy hai chú cháu, ba ôm chặt tôi như thể lại sợ con biến mất…

Tôi òa khóc. Mẹ sực tỉnh ôm choàng ba chị em…

*

Chú Phước chuyển ngành về Trạm xá Xí nghiệp.

Từ khi ba mất, chú là người thường xuyên đi lại với gia đình. Có lần tôi nghe câu chuyện của chú với mẹ:

- Anh hy sinh là cho tôi sống. Tôi đã hứa trước vong linh… anh. Tôi đang sống trong phần đời của anh...

Cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Chúng tôi đi sơ tán. Hằng tuần, mẹ tất tưởi mang đồ cho các con. Chú Phước muốn giúp, nhưng mẹ ngại những lời đàm tiếu. Tôi mê truyện, khát chữ nên gặp bất cứ cuốn sách nào tôi cũng đọc ngốn nghiến. Mải đọc truyện "Kim Đồng", tôi quên trông em. Thanh bị ngã, máu chảy nhiều. Chú đưa em đi cấp cứu. Kho máu dự trữ cạn kiệt. Chỉ chú có nhóm máu "O". Em được tiếp máu từ chú. Mẹ bươn bả đạp 40 cây số đến. Chú Phước nằm trạm xá. Mẹ bóc cam đưa chú:

- Mẹ con tôi cám ơn anh rất nhiều!

Chú mỉm cười nhìn mẹ. Tôi quay mặt đi. Nỗi buồn và sự bất an...

*

Hòa bình.

Cơ quan cấp cho mẹ con tôi căn nhà tập thể bên đoàn xe. Tôi dị ứng với bất kỳ người đàn ông nào đến chơi. Các chú lái xe thường mua quà tặng mẹ. Tôi nhặt được nhiều bức thư tỏ tình, hò hẹn chưa bóc. Tôi vất vả với những "tín hiệu lạ", khi là tiếng gõ vách, lúc là viên đá ném mái tranh, khi là giọng đằng hắng và nhất là phải cảnh giác với ông Trưởng kho thường xuyên thập thò...

Có lần, nghe thấy tiếng động, tôi ra mở cổng. Thấy tôi, ông ta ra giọng:

- Bảo mẹ mày đến kho cấp hàng ngay!

- Sao bác không gọi cô Hạ?

Cô Hạ phụ kho cùng mẹ. Nhiều lần đi sinh hoạt đội về muộn, tôi thấy bác ấy mắt trước, mắt sau lẻn như chuột vào nhà cô ấy.

Tôi nghi ngờ lệnh lúc đêm khuya, nên bí mật theo sau. Mẹ tất tả vào kho. Mẹ vừa mở cửa kho, lão ta lẻn vào ngay sau lưng, cánh cửa đóng… Tiếng mẹ thét lên… Tôi ôm choàng lấy mẹ, giận dữ hét lên… Vừa lúc đó, chú Phước chặn trước mặt, tát cho lão một cái trời giáng…

Minh họa: Tô Chiêm.

Tôi bỏ quên tuổi thơ vì giữ mẹ. Vẫn biết quan trọng là thái độ của mẹ, nhưng vẫn bất an khi đàn ông vây quanh. Đôi mắt mẹ vời vợi. Mẹ còn trẻ. Trước thái độ tâng hót, nịnh bợ của họ, mẹ thường tránh. Sự đằm thắm, đoan trang càng làm cho họ mê mẩn. Mẹ đã cố gắng thay ba. Cơn bão lớn ập đến. Mẹ chạy đến nhà khi gió giật phăng cả mái tranh ném thốc ra xa. Mẹ chỉ kịp nhét các con vào gầm giường sắt. Ầm...ầm... một cây thông đổ vắt ngang mái và rơi xuống ngay chiếc giường. Ngay lúc đó như có vị thần gồng mình, oằn đỡ cây để mẹ có thời gian lôi chúng tôi ra khỏi gầm giường. Cây thông đổ đè bẹp giường sắt, văng người cứu ra ngoài. Đội cứu hộ tới đưa mẹ con tôi tránh trú. "Vị cứu tinh" phải đi cấp cứu là chú Phước...

Bão tan, tôi lén đến trạm xá. Đầu chú quấn băng. Hình ảnh mẹ xé chiếc khăn buộc vết thương chú ám ảnh không yên. Dù biết chú đã cứu mạng sống, nhưng tôi vẫn buồn. Cái hôm xí nghiệp tổ chức cho cán bộ xem bộ phim "Vợ chồng A Phủ". Bác Nhã cứ loanh quanh chờ, mời mẹ đi cùng xe com măng ca, nhưng mẹ không đi. Chú Phước và mẹ vừa đi khỏi, tôi bí mật chạy theo xe đạp. Tôi bền bỉ rượt theo mẹ như cuộc chạy maratông. Òa khóc khi mất dấu vết mẹ...

Tỉnh dậy tôi ngơ ngác, đôn đáo. Bác Nhã đứng bên. Tôi giật mình khi chú Phước kêu to: "Tỉnh rồi. Cám ơn anh...". Lại chú ấy. Nỗi lo mất mẹ như vắt cạn kiệt sức lực, tôi hét lên:

- Chú xấu lắm. Sao chú cứ bám mẹ cháu. Chú cút đi!

Vỡ lẽ, chú Phước lặng lẽ ra ngoài. Bác Nhã cũng ra theo. Mẹ nghiêm sắc mặt:

- Con hiểu sai chú rồi!

Tôi ghét chú ra mặt. Chỉ mong chú lấy vợ. Cơ quan vun vén chú với cô Hạ. Cô Hạ chủ động. Ngày Chủ nhật, cô cắt cơm tập thể, đi chợ nấu nướng và nhờ tôi mời giúp. Lần nào chú cũng kiếm cớ bận...

Đi học về, tôi thấy dòng chữ viết nguệch ngoạc dán lung tung ở dãy nhà tập thể:

Ở kho hàng nọ

Có cô Thuý Hường

Chê bác Nhã già

Thích chàng Phước trẻ...

Bọn trẻ xúm xít vòng trong vòng ngoài. Cái Tú "hớt" đang vóng vớt bắt nhịp: "Hai ba... Có cô...". Tôi quăng cặp sách, túm lấy cho nó một tát. Tú chạy về mách mẹ. Mẹ con bé xồng xộc sang. Miếng cơm chưa đến miệng, cô Tam giằng bát trên tay tôi ném phịch xuống mâm, túm tóc kéo giật lên:

- Đồ không... Cái con mẹ mày không dạy được...

Chú Phước nhào đến. Nhanh như cắt, bàn tay chú như gọng kìm giữ tay cô lại. Cô ấy lăn ra đất, ngoác mồm lu loa:

- Thằng Phước phải lòng gái góa đánh...

Chú bỏ tay cô Tam. Con Tú bị mẹ kéo xềnh xệch, nó kéo tay mẹ:

- Cô Hạ xui...

Bị bọn trẻ khu tập thể "phát xít", tối ấy con Tú thập thò sang làm lành. Nó kể cô Hạ xui viết, hứa thưởng kẹo nếu dạy bọn trẻ thuộc...

Đêm khuya. Chợt thức giấc, tôi quờ tay. Trống phía mẹ. Cửa không khép. Tôi lẻn ra. Dưới cây "mít đôi" có tiếng rì rầm:

- Hường... hiểu... Tôi không thể dối lòng vì... đã...

Mẹ vuốt tóc mai lõa xõa xuống mặt, ngước nhìn trăng. Chú Phước ngập ngừng... Bỗng chú ôm riết, vùi mặt vào suối tóc mềm đẫm trăng của mẹ:

- Hường! Tôi… yêu… 

Mẹ hốt hoảng van vỉ:

- Xin...  đừng...

Trăng mây quấn bện. Tiếng thở nồng ấm. Tiếng trái tim loạn nhịp... Tôi trở về giường dấm dứt. Nước mắt đẫm gối. Mẹ trở vào lặng lẽ đổ phịch xuống ghế. Như bức tượng đá. Mẹ lấy chiếc gương nhỏ xíu soi, xoa viền môi vẫn run rẩy, vuốt mái tóc phủ đầy tấm lưng ong thon thả. Mẹ gom lại sợi tóc rối, nhét lên mái tranh... Tiếng rung bần bật từ phía đầu giường. Mẹ đang bấu bíu, cắt xé. Thành giường run lên từng hồi. Tiếng thở dài đã nén vẫn rung lên thê thảm...

Tôi gắng sức cắt mọi mối quan hệ với chú. Đi học về, mở chạn thấy có gói bánh quy, tôi ăn ngốn nghiến. Nghe Tuấn nói của chú Phước tôi ra sức khục khạc, giằng gói bánh trên tay cu Tuấn, ném tọt vào sọt rác. Tôi lột ngay bộ đồ khi hai em xúng xính... Hai đứa giãy đành đạch. Tức tốc tôi chạy đến nhà chú Phước:

- Chú đừng đến nhà... đừng dụ dỗ...

Chú lặng im. Đôi mắt của chú ánh lên một ánh sáng khó tả.

Tôi giận mẹ. Mẹ giật mình thấy tôi xới bát cơm, đặt bút tích ba lên bàn thờ khấn. Mẹ bỏ bát cơm dở lên mâm, bước tới bàn thờ ba... Tiếng khóc dồn nén ẩn ức, tức tưởi. Tiếng khấn rì rầm: "Em có lỗi với anh đã không dạy...". Tôi lặng im như phỗng đá. Chạm nỗi đau lòng mẹ...

Mẹ kéo chị em tôi vào lòng, nước mắt ầng ậng:

- Ba vẫn sống trong cuộc đời mẹ con mình. Hương hiểu sai cả mẹ và chú Phước. Mẹ định không nói.... Nhưng... Mẹ và chú Phước đang gặp rắc rối. Đang chờ quyết định của Hội đồng kỷ luật...

- Mẹ nói sao? Mẹ và chú Phước...? - Tôi giãy nảy, đứng vụt dậy. Thảo nào cả tuần nay, mẹ không đi làm, chỉ hí húi làm vườn.

Mẹ lặng đi hồi lâu:

- Hoàn cảnh chú Phước tội lắm. Nhà bị quy thành phần. Phải sống lầm lũi cô đơn. Hai người anh đã hy sinh ở chiến trường. Không trong diện khám nghĩa vụ quân sự, nhưng chú xung phong đi bộ đội. Chú chiến đấu với ba ở mặt trận B2... Vì lời hứa trước vong linh ba con, chú rời quê, về gần mẹ con mình. Chú là người cương trực, thẳng thắn, nhưng lại gặp rất nhiều điều tiếng khi bảo vệ mẹ con mình...

- Họ kết chú tội gì ạ? - Tôi sốt ruột.

- Trưởng kho trù dập, vu khống chú. Nào là hủ hóa, trộm tài sản công, đánh phụ nữ và người thi hành công vụ...

- Trời! Sao có chuyện ấy được...

Tôi thốt lên rồi chạy vào buồng. Bọc "mắm tôm" hôm trước đã nhét vào hòm mìn thứ 13. Mẹ ngạc nhiên:

- Con tìm gì thế?

- Dạ, con có việc, À ... còn...

Trời nổi dông. Sấm giật. Chớp xé rách đêm. Cánh cửa sổ bật tung. Mưa gió xối táp. Mẹ lao ra, tôi cũng ùa theo… Thật lạ, cánh cửa như có phép mầu khép lại. Một bóng đen xùm xụp áo mưa…

Chú Phước…

Chú bước vào nhà. Mẹ không nói gì. Tôi lẻn vào buồng. Hai đứa em bật dậy, sà vào lòng chú.

- Tôi bất lực và quá yếu đuối không bảo vệ được anh. Mẹ con tôi nợ anh lòng tốt. Giá như anh đừng về đây...

Chú Phước nhìn quanh, chợt hỏi:

- Cháu Hương đâu?

- Hương ngủ rồi. Mai thi, cháu ngủ sớm - Lần đầu mẹ nói dối - Cháu còn dại. Anh bỏ qua...

- Có gì mà bỏ. Thương còn chưa hết làm gì còn chỗ giận. Chiến tranh... - Chú Phước chậm chãi, tay vân vê bọc nilong.

-  Tính thế xấu nhất là đuổi việc, tôi vẫn đủ sức chịu đựng, nhưng nếu phải xa mẹ con Hường...

- Phỉ phui - Mẹ ngăn chú. Chú giữ bàn tay mẹ áp lên ngực. Mẹ rụt vội bàn tay đứng lên, đi về phía cửa.

- Đó mới là quyết định của kho. Ba mươi chưa phải Tết. Mỗi bức tường đều có nhiều ô cửa. Chúng ta không sai, nhưng lúc này, còn thiếu chứng cớ...

Mẹ nuốt ngụm nước "ực... ực...". Chưa bao giờ tôi thấy mẹ thế. Mẹ nói tiếp:

- Tôi vừa gửi tiếp đơn khiếu nại lên xí nghiệp. Có một chuyện này, tôi phải nói... Đó là cái thai của Hạ... Hạ bị ông ta lợi dụng, không dám tố cáo, mà ngậm đắng nuốt cay làm "bồ nhí". Hạ mang nỗi ấm ức về nhà khi nhận rõ hành vi bỉ ổi của lão. Khi làm cô ấy có thai, hắn bắt Hạ vu cho anh. Thấy cái thai cứ lùm lùm, lão đưa Hạ lên đồi sim dằn mặt, bắt cô "quan hệ" cho bật thai, mặc cho cô đau đớn van lạy...

Chú Phước đứng dậy, đi đi lại trong phòng, hốc mắt chú tối sầm. Hồi lâu, chú mới ngồi xuống:

- Đồ ma quỷ! Ti tiện. Lão bày đủ trò ghê tởm với tôi. Nhưng hành hạ phụ nữ như thế... Không thể để cái ác...

Mẹ ngắt lời chú:

- Cái thai hơn 5 tháng. Lão sắc rễ thanh hao đè cổ đổ vào miệng. Lão bố trí bảo vệ lập biên bản khi thấy anh cấp cứu Hạ tuột thai. Nhưng có một điều rất lạ, sao chùm chìa khóa kho lại có dấu vân tay anh?

- À!- Tôi buột miệng. Cả mẹ và chú Phước hướng về phía buồng.

- Chắc con bé ngủ mê!

 Chú lấy lại bình tĩnh:

- Trong thời gian đình chỉ công tác, tôi có chút việc. Cả một đời xa quê, hương hỏa tổ tiên chưa làm trọn. Cũng may có người bạn quá tốt giúp đỡ. Cũng tội... - Chú thở dài.

- Mai phải không? Anh nên nghĩ cho cô ấy.

Cô Mai cả một đời yêu chú, nhưng chú chỉ coi như người em. Ngày bé, chỉ có cô dám chơi với chú, mặc cho làng đồn nhà có ma... Kể từ khi chú rời làng vẫn chỉ mình cô chăm sóc, hương hỏa tổ tiên chú... Chú vụt đứng dậy, bước nhanh tới bàn thờ, đặt gói nilong, thắp hương cho ba, vội vàng lại giường vuốt mái tóc hai em, rồi chạy như bay...

Mẹ lặng lẽ kể từ đêm ấy. Tiếng thở dài ném vào đêm. Tôi nín thở. Tiếng nấc nghèn nghẹn, dấm dứt. Tôi nuốt từng giọt nước mắt rỉ qua kẽ miệng. Tôi muốn nói với mẹ "Con đã sai", nhưng… không đủ can đảm... Mẹ và chú Phước trở thành bị cáo trước sự đố kỵ. Lời mẹ nhức buốt: "Chú chịu bao oan ức vì sự trả thù hèn mạt. Mẹ con ta đã không cứu được chú. Theo lệnh ông ta, cô Hạ lợi dụng những sơ hở... Mẹ phát hiện kho mất hàng, ông ta mời Công an kiểm tra... Dấu vân tay có chú Phước và mẹ con mình...".

Mẹ suy sụp nhanh...

Tôi nôn nóng chờ...

Hội đồng kỷ luật họp. Con Tú "hớt" mách. Mẹ dậy sớm.

Tôi mở hòm lấy chiếc áo trắng, quần phăng tím than, thắt khăn quàng đỏ, dâng lên bàn thờ ba những bông hồng nhung đỏ thắm... Sáng nay, với tôi có nhiều việc hệ trọng. Mẹ đến gần chỉnh lại chiếc khăn quàng đỏ:

- Con thi tốt nhé. Sáng nay mẹ có việc họp ở xí nghiệp.

Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ. Nước mắt dân dấn chỉ chực trào ra.

*

Tôi nộp bài trước.

Thấy mẹ đi vào xí nghiệp, dáng mệt mỏi, bụi than bám nhòe mồ hôi. Mẹ đi bộ hơn 10 cây số mà không đi xe của Kho. Dải khăn đỏ bay bay. Nước mắt tràn nhòa. Tôi giật mình thấy Tú ''hớt'' cũng đồng phục phăm phăm đi vào. Lại ông trưởng kho dụ nó làm nhân chứng? Bác Nhã giám đốc đi vào phòng họp lớn. Tôi đi thẳng tới. Một quyết định quan trọng. Ngày mai, tôi sẽ được kết nạp Đoàn.

Tôi cúi đầu chào. Bác ngạc nhiên khi nhận ra tôi:

- Cháu có việc gì thế? Gặp mẹ à? Cháu đợi nhé!

- Dạ không! Bác cho cháu xin 5 phút...

Sự tự tin, nghiêm túc của tôi làm bác lạ. Im lặng một hồi, bác gật đầu, tôi theo sau bác. Ông Trưởng kho vóng vớt:

- Tôi không giáo dục được công nhân để chúng trộm cắp tài sản, đánh người, quan hệ bất chính... Cái thằng Phước lấy trộm quần áo khi tôi cứu chị Hường bị hắn quấy rối... Ớ! Cái con ranh kia - vừa nhìn thấy tôi - Bảo vệ đâu lôi cổ nó ra! Mẹ nó xui đến phá...

Mẹ sững sờ đứng lên...

- Cháu muốn nói gì phải không?- Bác Nhã quay sang tôi- Các đồng chí nghe cháu nói, rồi chúng ta sẽ họp tiếp. Cháu đến đây chắc có việc quan trọng.

- Dạ!- Tôi tiến đến bức tượng bán thân của Bác Hồ, giơ tay chào: "Thưa Bác, cháu Đỗ Minh Hương, đội viên đội thiếu niên... một, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào... Năm... thật thà, dũng cảm".

Tôi hướng đến bác giám đốc đang điều khiển cuộc họp:

- Thưa bác giám đốc, thưa các cô các chú và thưa mẹ!- Mẹ vẫn đứng nguyên, ngạc nhiên nhìn tôi - Cháu cám ơn bác giám đốc đã cho phép cháu được nói một sự thật. Cháu đã giấu chỉ vì...- Tôi hướng mắt đến bác trưởng kho -Thưa bác! Sao bác nói chú Phước lấy trộm quần áo của bác trong đêm mẹ cháu tắm mương?

- Là nó chứ ai? Tao không đến nhanh là nó xơi tái mẹ mày rồi. Nó nhận ăn cắp...

Tôi giở bọc nilong. Mọi ánh mắt đổ dồn lên.

- Đây là quần áo bác vứt trên bờ. Chính cháu thấy bác phá quấy mẹ cháu tắm. Chú Phước là người cứu mẹ cháu chứ không phải bác.

Con Tú "hớt" chạy ào vào:

- Cháu hái sim nhìn thấy bác lột quần áo, đánh cô Hạ trên đồi. Cô ấy khóc... nhưng bác ấy cứ... Mẹ cháu bảo không được nói. Nói là bác ấy giết...

- Đuổi chúng nó ra. Tại sao giám đốc cho trẻ ranh phá quấy?- Nét mặt lão ta phừng phừng.

- Người phá đứa con tôi chính là...- Cô Hạ đứng lên chỉ thẳng mặt lão đang tái dại -Ông ta đã xui tôi lấy trộm chìa khóa, lấy hàng quý trong kho để vào gầm giường nhà anh.... 

Lão nhảy bổ khỏi chỗ ngồi, chạm vào chiếc cốc rơi vỡ tan:

 - Chúng nó bênh thằng... Thằng ấy có coi kỷ luật... Ớ ớ...

Vừa lúc, chú Phước đi vào cùng một người đàn ông. Cả hai chú đều mặc quân phục, đeo ba lô.

Chú Phước hướng đến bác Nhã đang chủ trì cuộc họp:

- Thưa Hội đồng kỷ luật. Tôi xin lỗi vì đến muộn. Đây là Đoàn Đức Chính - đồng đội của tôi và liệt sĩ Đỗ Tiến Trung, chồng chị Vũ Thúy Hường. Chúng tôi đi từ Tây Nguyên ra. Hơn tuần nay, chúng tôi đi tăng bo. Xe hỏng, hai anh em đi bộ suốt đêm...

Chú Chính nói thêm:

- Lẽ ra chúng tôi có mặt đúng hẹn, nhưng dọc đường anh Phước phải cấp cứu người ốm...

- Đồng chí Phước ở lại!- Bác Nhã quay sang- Đồng chí Cường đưa anh Chính ra phòng khách và cất giùm hai chiếc ba lô.

Chú Phước và chú Chính đều đứng bật lên:

- Không, giám đốc cho phép đồng đội tôi được nghe...

- Sao, đồng chí nói gì?

Chú Chính tiếp lời:

- Trong hai chiếc ba lô này là hài cốt liệt sĩ Đỗ Tiến Trung. Cả tháng nay tôi và đồng chí Phước đã vào Tây Nguyên tìm hài cốt anh ấy hy sinh hơn 10 năm nay.  Nhưng đến hôm nay chúng tôi mới thực hiện được lời hứa ấy. Hãy để anh ấy được "dự" cuộc họp này ...

Mẹ ngã khụy. Tôi ào đến ôm choàng chú Phước hét to:

- Ba! Ba Phước!!!
Truyện ngắn của Lê Thị Bích Hồng
.
.