Người của năm cũ

Thứ Sáu, 26/08/2016, 08:01
Quen lệ, cứ sẩm tối là ông lang thang ra quán nước ông Đoàn ở ngõ hẹp cuối phố làng. Phần vì quán này vắng vẻ, hợp với nỗi cô đơn của ông, phần vì chủ quán cũng tàng tuổi với ông, lại là người xởi lởi. Chứ ông mà ra quán bà Di thì có khi uống rượu thỏa thích cũng chẳng mất tiền. Nhưng mà ông ghét bà ta...

Đó là một người đàn ông gầy gò, nước da tai tái. Ông ta mới sáu lăm tuổi nhưng ai nhìn cũng tưởng ngoài bảy mươi. Vài năm nay ông đâm ra ít nói, nét mặt lúc nào cũng lộ rõ sự buồn phiền. Nhà ông ở trong xóm - một xóm hẻo lánh trong xã ít dân cư. Căn nhà ngói ba gian rộng rãi với đồ đạc nửa cũ nửa mới. Chuồng lợn bỏ không. Cái bếp nửa lợp ngói ta nửa lợp ngói tây giờ cũng ọp ẹp, vườn non một sào nhưng cũng có dăm ba cây ăn quả, còn lại là trồng nhiều loại rau nhưng đều già sưng già sỉa chen lẫn với cây cỏ hoang dại. Rõ là nhà này thiếu bàn tay của người đàn bà. Và có lẽ thiếu cả bàn tay con cái. Phải, ông Tõm chẳng vợ chẳng con. Nói đúng ra, ông đã có vợ có con nhưng bây giờ thì ông sống một mình.

Quen lệ, cứ sẩm tối là ông lang thang ra quán nước ông Đoàn ở ngõ hẹp cuối phố làng. Phần vì quán này vắng vẻ, hợp với nỗi cô đơn của ông, phần vì chủ quán cũng tàng tuổi với ông, lại là người xởi lởi. Chứ ông mà ra quán bà Di thì có khi uống rượu thỏa thích cũng chẳng mất tiền. Nhưng mà ông ghét bà ta.

Bà ta ngoài tuổi năm mươi nhưng vẫn còn phốp pháp lắm. Bà góa chồng đã lâu, chỉ có ba cô con gái, hai đứa với ông chồng còn đứa út năm nay mới mười bốn tuổi đi kiếm. Đi kiếm với ai thì bây giờ cả xóm đều biết, và bà cũng chẳng giấu giếm làm gì. Vì "cái thằng phải gió" ấy cứ như bà vẫn rủa thì năm kia đã phải gió mà đi bãi Giã rồi. Ông Tõm ghét cái thói ỡm ờ, nhõng nhẽo của bà. Già rồi mà ăn mặc như gái mười tám đôi mươi. Chỉ nhìn cái coócxê đỏ chót lẫn trong cái áo trắng nõn nà thì ông đã điên cả tiết.

- Hôm nay có rượu ngon lắm, tôi mới lấy thử ở Đa Mi - Ông Đoàn cười khì, với tay lấy chai rượu để tít trong gầm chõng.

- Chắc ngon bằng rượu hôm qua?

Ông Đoàn cao giọng:

- Không, rượu hôm qua là của làng Búng. Cái làng ấy hỏng mấy năm nay. Có lẽ họ lấy men Tàu.

- Ừ, họ dùng men Tàu. Về đây, ông lại pha thêm rượu làng Búng.

Ông Đoàn cười khì trước những câu trêu chọc của ông Tõm. Quả thực, ông cũng pha rượu gạo với rượu sắn Đa Mi nhưng mà không đểu như quán bà Tảo ở ngã ba trên chợ "chơi" cả nước giếng.

- Tôi vừa lấy lúc nãy, để phần ông,

Ông Tõm hợp một hụm. Cũng chẳng hơn gì làng Búng!

- Thế nào, ngon chứ?

- Khá - ông Tõm nhăn nhó.

- Tôi đã bảo mà, loại đặc biệt. À này - Ông Đoàn cao giọng - Có lẽ ông cũng phải tính đến chuyện vợ con. Tôi nghe quanh quẩn xóm này cũng có người thích ông đấy.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Ông Tõm mủm mỉm cười. Thơm ơ? Cũng có người bảo vậy. Mà mình cũng thích cô ấy. Hay là mai ra trạm xá xem sao? Cô ta mà niềm nở bắt chuyện thì mình sẽ năng đến. Và thế là xong. Thơm là y sĩ trạm xá xã. Cũng do hoàn cảnh gia đình mẹ già, em dại mà Thơm lỡ làng đến giờ. Chứ cô ấy thì cả xóm, cả làng đều khen cái nết.

Ông Tõm chỉ cười mà không nói gì. Ông Đoàn thấy vậy cũng không nói nữa. Ông Tõm trả tiền, lững thững trở về nhà. Rồi cũng giống như mọi hôm ông lên giường nằm nghĩ chuyện linh tinh cho tới khi mệt lử để ngủ cho đẫy giấc.

- Ông Tõm có nhà không đ…ới…í? Em trả cái cuốc nhé. Gớm chưa tối đã ngủ rồi.

Tiếng bà Di bổng trầm ở đầu sân. Ông Tõm chẳng thèm cất lời. Có tiếng cuốc dựng ở đầu bếp. Rồi bước chân xa dần.

- Ông Tõm ơi, cho cháu đi nhờ qua nhé?

Đó là tiếng thằng Công con ông Quốc ở đằng sau.

- Chú Tõm ơi…

Lại ai đó gọi để vào tìm con lợn giống vừa sổng chuồng. Tõm với Tòm. Đến khổ với cái tên!

Hồi học lớp bốn trường làng, cậu học trò Tõm nằng nặc đòi cô giáo cho đổi tên nhưng đã không được chấp thuận. Biết chuyện, ông Tỏm quát con:

- Tõm thì làm sao! Xấu nhục à! Không chịu học, chịu làm thì tên đẹp cũng khoác bị ăn xin!

Mỗi năm mỗi lớn, Tõm càng xấu hổ với cái tên của mình. Nhiều buổi Tõm đánh nhau vỡ đầu sứt trán với bạn chỉ vì chúng trêu tức tên mình.

- Chúng bay ơi, có đi tõm không?

- Tõm ơi, lúc đẻ mày bị rơi xuống ao hả?

- Em mày tên là Tòm à?

Cũng vì cái tên xấu xí ấy mà Tõm đang học dở dang cấp II thì nhất quyết bỏ. Ông Tỏm chẳng để ý chuyện ấy. Với ông, học nữa hay không cũng được. Rồi Tõm đi bộ đội.

Cứ nghĩ đến mình, ông Tõm càng cáu. Tõm, tõm! Họ và tên: Tạ Tõm. Đã Tõm lại còn Tạ. Khốn nạn quá! Bao giờ cũng phải ghi cái tên chết tiệt ấy vào các loại giấy tờ. Binh nhất: Tạ Tõm. Thiếu úy: Tạ Tõm. Trưởng quân pháp trung đoàn: Tạ Tõm. Lúc nào cũng Tõm!

Khổ, đến cái tên cũng không sửa được. Mà ở nước mình, chữa đổi tên dễ như đun rạ. Ngay ở xóm này khối người ở nhà tên là Đực, là Nhe, là Hĩm, là Nở mà đi công tác hoặc vào bộ đội được sửa lại là Đức là Nho, là Giáng Hương, là Tuyết Lan. Thế mà với ông, đổi cái tên cũng không xong.

Ở bộ đội, đại đội trưởng không chấp nhận cái tên Tạ Thịnh mà vẫn gọi Tạ Tõm. Bởi thế cái tên Tõm vẫn bị anh em réo suốt đêm ngày. Khi lên tới thượng sĩ, Tõm gặp chính trị viên tiểu đoàn nằn nì cho xin đổi tên - nếu chữa là Thịnh hơi khó thì bỏ dấu ngã để thành Tom cũng được. Nhưng chính trị viên phát cáu:

- Cậu đang diện cảm tình Đảng mà mỗi cái tên mà cũng phải gặp hết người này đến người khác để trình bày. Cậu phải biết rằng cái tên chỉ là vỏ, là hiện tượng, còn phẩm chất chiến sĩ mới là cốt lõi, là bản chất.

Thượng sĩ Tõm nói thật cũng không thông lắm với lập luận hùng hồn của chính trị viên nhưng từ dạo đó không dám đề đạt với cấp trên về việc đổi tên nữa.

Hôm nay ông Tõm mãi không ngủ được. Cái trò không ngủ được thì hay dậy, thích được trò chuyện. Bỗng nhiên, ông nhớ tới ông chủ quán Đoàn. Ông trở dậy đi ra. May quá đèn điện ở nhà ông Đoàn vẫn sáng.

- Ông cho tôi chai rượu.

- Ấy, ông Tõm đấy à? Đêm nay ngài thức khuya thế?

- Ờ… tại rượu ông ngon đấy mà.

- Ngon chứ lị - Ông Đoàn toét miệng cười.

- Ông còn thứ nào nhắm không?

Ông Đoàn sửng sốt:

- Ông có khách à?

- Không.

- Thức nhắm chỉ có bánh đa và thịt bò khô.

Ông Tõm ngập ngừng:

- Ông sắp đóng quán à?

- Vâng… âng. Nhưng sao?

- Chốc nữa sang tôi nhé. Uống rượu với tôi cho vui.

Ông Đoàn nhanh nhảu:

- Thế thì quý quá. Ông về trước đi, tôi sẽ sang ngay.

Ông Đoàn không hiểu vì cớ gì mà lúc khuya khoắt thế này ông Tõm lại sang uống rượu. Ông đoán lại chuyện nhờ mình làm mối lái với bà nào đó. Chẳng lẽ lại là bà Di? Chắc là không phải, vì ông Tõm chẳng ưa gì bà ta. Nhưng bà Di thì làm sao? Khỏe mạnh, khá giả. Trước, chồng làm chức to gì đó trên tỉnh, vơ véo bao nhiêu tiền của nhà nước. Con gái cả đi lao động bên Tây về cho mẹ khối của cải. Con gái thứ cùng chồng đang làm gì đó ở Vũng Tàu tháng nào cũng gửi tiền về cho mẹ. Đứa con út đang chuẩn bị vào Nam ở với chị. Ông Tõm mà vớ được bà thì chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo. Chứ cái cô Thơm tiếng là gái trinh nhưng nhà nghèo. Nghèo lại rước nghèo về, còn hạnh phúc gì. Đò nát đụng nhau thì chẳng trước thời sau sẽ tan thôi.

Ông Tõm rót rượu ra bát chứ không rót ra chén như mọi khi, ấy là điều lạ.

- Đêm nay tôi muốn uống thực say để dễ ngủ.

- Nhiều khi tôi cũng phải làm vậy - Ông Đoàn gật gù, bẻ bánh đa ra từng miếng.

- Nào cụng bát - Ông Tõm nâng bát rượu lên.

- Vâng. Uống một hơi nhé?

- Không, uống từ từ thôi. Ông cũng biết đấy, tôi uống xoàng lắm, cũng là mượn rượu để bộc bạch tâm can mình.

- Đúng đấy, tôi cũng vậy.

Ông Tõm lẳng lặng nhìn ông chủ quán hơn mình vài tuổi vốn khét tiếng keo kiệt ở xóm này, người vùng Hải Dương lên đây, thời bao cấp làm quản lý bếp ăn ở trên huyện, phải buộc về nghỉ hưu sớm vì chuyện nhập nhèm tiền nong gì đấy.

- Theo ông, tôi có nên lấy vợ không?

- Sao lại không? - Ông Đoàn nhai bánh đa rau ráu - Nếu ở hoàn cảnh ông, tôi đã lấy vợ từ lâu rồi.

- Người ta sẽ gọi tôi là ông ba vợ?

- Mặc xác thiên hạ. Ai bịt được miệng thế gian. Việc phải cứ làm.

Ông Tõm trầm lặng nhìn ra ngoài:

- Tôi nghĩ rồi, ông Đoàn ạ. Tôi sẽ lấy vợ. Nhưng trước khi làm việc đó, tôi sẽ đổi tên.

- Đổi tên? Sao ông lại phải cầu kỳ như thế. Tên thế nào chả được. Ông cũng biết đấy, tên tôi cũng xấu xí. Cua, Đào Văn Cua. Nhưng với tôi Cua hay Càng chẳng quan trọng gì. Giờ vẫn còn người gọi tôi là Cua. Nhưng nói chung người ta vẫn gọi tên thằng con trai đầu của tôi là Đoàn.

- Tôi muốn đổi tên cho đẹp và cũng có ý nghĩa…

- Ý gì ạ? - Ông Đoàn vội đặt bát rượu đã vơi quá nửa xuống giường.

Ông Tõm rót rượu tiếp cho bạn nhưng không nói gì. Phải, có nói thì ông Đoàn cũng chưa chắc đã hiểu được.

- Để ông dễ lấy vợ? - Ông Đoàn nâng bát rượu lên.

Ông Tõm cười, lắc đầu.

- Thế thì tôi chịu - Ông Đoàn móc miếng thịt bò khô trong túi giấy bóng, cho vào miệng - Nhưng tôi nghĩ cánh ta già rồi, còn thứ gì hưởng được thì cố, chứ nay mai cũng ra bãi Giã tuốt. Ui chao, gần đất xa trời rồi. Cứ nghĩ đến chuyện ấy, tôi nẫu cả ruột.

Ông Tõm bật cười. Chưa đến bảy mươi mà ông ta đã lo chết.

- Vậy ông định đổi thành tên gì? - Ông Đoàn hỏi.

- Là Lại.

- Ui giời, tưởng ông đặt tên cao quý hùng tráng gì chứ Lại thì hay cái chi.

- Nó có ý nghĩa đấy.

- À…ờ… cũng phải. Lại hết. Lấy vợ lại, làm nhà lại. Nghĩa là làm lại cuộc đời. Rõ là đổi mới thực sự. Quá hay.

- Ông nghĩ đúng đấy.

Uống chưa hết bát rượu thứ ba, ông Đoàn đã ngà ngà say. Cũng lâu rồi, dễ đến nửa tháng, ông mới được thỏa thuê uống loại rượu nguyên chất, mà lại không mất tiền.

- Ph…ả…i… lại hết. Tôi cũng muốn lại lắm. Cả chuyện lấy vợ. Nhưng… H…ừ…m. Ph…ả…i… Cả xã này, cả làng này cũng phải lại hết. Tất cả phải lại h…ế…t!

Ông Tõm vội ra gầm bàn lấy siêu nước chè tươi, rót cho ông Đoàn uống cho dã rượu nhưng ông Đoàn phát khùng:

- T…ô…i m…à…s…a…i... à. Còn lâu! Tôi là chủ quán rượu chứ không phải chủ quán chè tươi.

Say đã gọi ngọng ra sai rồi. Cơ chừng này là ông ta sẽ kềnh tại chỗ.

- Ông Đoàn đâu rồi! Ông không về cho tôi đóng cửa chứ! - Vợ ông Đoàn xoe xóe từ ngoài cổng.

- Tao đang nói chện. Chốc nữa! - Ông Đoàn quát.

Ông Tõm chẳng còn hứng thú trò chuyện với ông chủ quán. Ông nói khéo:

- Có tý rượu, tôi đâm ra buồn ngủ. Thôi, tôi với ông chia tay nhau. Buổi khác vậy.

Ông Đoàn cúi xuống đất, nhổ phì phì. Vợ ông bước vào nhà, vội dìu ông trở về.

Chỉ mấy ngày sau khắp xóm Thượng rộn lên bàn tán về việc ông Tõm đổi tên. Người khen có, người chê có, nhưng nhiều nhất vẫn là dè bửu, chê bai.

- Rõ là ông Tõm bây giờ lẩn thẩn. Trẻ trung gì mà còn đổi tên. Khổ, tên nào mà chẳng được. Nghe nói, ông ta đổi tên để kiếm một bà.

- Có mà dở hơi. Hai vợ rồi để giờ lại thêm bia miệng.

- Tưởng đổi tên gì hóa ra là Lại.

- Có mà dại, Tạ Dại!

Đại loại những chuyện như thế cứ râm ran, rì rầm ở các quán nước trên đường làng và trên đồng. Thế là ông Tõm thấy do dự, phân vân. Ông mới dự định mà đã xôn xao như thế thì khi đổi tên hẳn sẽ rất ồn ào. Nghĩ đến ra ủy ban xã để nộp đơn đổi tên, ông đâm ra ngại. Thế nào mà chẳng có trăm con mắt nhìn vào. Rồi người bàn ra, tán vào. Cái xóm này cũng đáo để lắm cứ nhúng miệng vào chuyện riêng tư của mọi gia đình. Thế này thì phải tạm gác chuyện đổi tên. Ông Tõm cứ thở dài thườn thượt.

Nghĩ đến chuyện lấy vợ, ông lại càng lo âu. Tất phải lấy vợ rồi, không thể cứ sống mãi thui thủi một mình. Lúc khỏe thì chớ, lại còn lúc đau ốm, giở giời. Không có người đàn bà thì miếng ăn cũng chẳng ra hồn. Nhưng mà lấy ai?

Ông chú họ ông Tõm cứ khuyên cháu nên lấy chị Lịch, cán bộ huyện hội phụ nữ đã về hưu, người ở cạnh nhà ông, nhưng ông Tõm thấy chị ta gầy gò quá, chẳng thiện cảm gì. Còn ý của bà dì thì muốn ông lấy chị Mong con ông Thái ở xóm Hạ. Nhưng chị ta trẻ quá, chưa đến bốn mươi, mà lại xinh xắn. Ai chả thích gái trẻ, gái đẹp nhưng mà nghĩ đến hai người vợ trước, ông đâm sợ.

Thời trẻ, ông cũng là chàng trai tuấn tú, nghĩa là tương xứng với Ngọc. Ấy vậy khi ông vào bộ đội, đóng quân cách nhà chừng trăm cây số thì cô ta ở nhà lại ăn nằm với một anh thợ may ở phố làng, đẻ ra thằng Đài bây giờ. Không cần làm đơn bỏ, cô ta ngang nhiên đến làm vợ lẽ chàng phó may. Gia đình họ chuyển đi vùng kinh tế mới từ mấy chục năm nay.

Người vợ thứ hai của ông là cô giáo đã nhỡ thì. Cô ta chẳng đẹp nhưng cũng chẳng xấu, rất có duyên ăn nói. Cũng do bất đồng bố chồng nàng dâu mà cô ta đèo con về ăn ở tập thể trường, cách nhà gần năm cây số. Hồi ấy, ông Tõm vẫn ở chiến trường C. Khi ra Bắc điều dưỡng, ông mới biết tin vợ ông chết vì nạo thai chui. Còn đứa con gái của ông sau cũng chết vì bị bệnh não.

Cả hai lần lấy vợ, ông đều do gia đình sắp đặt. Ở nhà ông mọi công to việc nhỏ đều do người bố quyết định. Khi còn quân ngũ, ông cam chịu mọi sự áp đặt của cấp trên. Mẹ ông mất từ khi ông đang học cấp hai. Bố ông lầm lũi ở vậy nuôi con. Ông cụ mất cách đây chục năm. Bây giờ lấy vợ, ông Tõm phải tự quyết định. Điều này làm ông Tõm vừa khoan khoái vừa lo lắng. Khoan khoái vì ông không còn phải lệ thuộc vào ông bố nóng nảy, khắc nghiệt. Lo lắng vì ông vốn là người nhút nhát, cả tin, nhu nhược, dễ chao đảo.

Lấy vợ là việc lớn, ông phải chọn người rồi lo sắp đặt. Thâm tâm ông vẫn thích chị Thơm y sĩ ở trạm xá xã. Chị ta cũng chỉ kém ông hơn chục tuổi, lại là người dịu dàng, chăm chỉ. Hôm qua ông lấy cớ khám bệnh để ra trạm xá. Ông mặc bộ quần áo mới nhất, cạo râu ria cẩn thận. Không hiểu vì sao cả trạm xá reo lên khi thấy ông đến. Cô Thơm mặt đỏ. Ông cũng mặt đỏ, đứng như chôn chân trên đất. Rồi ông về. Thơm còn tiễn ông ra đến cổng.

                                                                   *

Ông Tõm ngồi dậy. Kìa, ông Đoàn đến. Ấy là điều lạ. Xưa nay ban ngày ban mặt, ông Đoàn chẳng bao giờ bỏ quán đi chơi. Hẳn có việc gì gấp chăng? Ông Tõm mang nậm rượu ra:

- Tôi định tối đến gặp ông thì ông lại đến. May quá.

- Việc gì vậy? - Ông Đoàn thủng thẳng chắc là mừng vừa được đổi tên?

- Nhưng ông đến đây chắc hẳn có việc quan trọng?

- Con mụ nhà tôi trông quán. Thế là tôi sang đây nói chuyện cho vui. Chỉ có vậy thôi. À này, tôi nghe người ta kháo nhau ông có ý định hỏi cái Thơm ở trạm xá.

Ông Tõm gượng gạo cười. Dân xóm này khiếp thật. Chẳng có chuyện gì là giấu được họ.

Ông Đoàn nghiêm giọng:

- Theo tôi, đây là việc lớn, ông phải suy nghĩ hết sức cho kỹ.

Ông Tõm lo lắng:

- Vậy là cớ sao?

Ông Đoàn đặt chén rượu vừa uống xuống chiếu, thì thầm:

- Cái Tho, em gái cái Thơm ấy. Vẫn mắc bệnh dở có đúng không?

- Vâng, nhưng mà sao?

- Vậy đến lúc nào đó cái Thơm kia cũng sẽ mắc. Bây giờ sách báo nói khá nhiều về chuyện ấy, những gỉ những gì toàn tiếng lạ tai nhưng các cụ ta thì nói gọn: Lấy vợ chọn tông, lấy chồng kén giống. Cái tông dở dại ấy mà nổi lên thì ông sẽ nhục cho tới chết.

Ông Tõm toan cự lại: "Mẹ cô ta có thế đâu, thọ tới tám mốt tuổi" nhưng ông Đoàn đã tiếp tục phân tích, giảng giải:

- Ấy là một nhẽ. Cái nhẽ thứ hai là ông sẽ gánh thêm một tảng đá nặng: Cái cô Tho dở dại. Bỏ thì thương, mà cũng không cho phép bỏ được, nhưng vương thì tội… Có đúng không?

Ông Tõm phân vân. Quả là ông Đoàn cũng nói có lý, nhưng mà…

- Tuổi ông với tôi lẽ ra chỉ tọa hưởng nhàn nhã, sung sướng cớ sao đang chỗ quang lại quàng vào bụi rậm, lại chịu khổ nhục. Chi bằng ông lấy một bà giàu có, không cần đẻ đái gì hết, nuôi ông cho tới chết. Chả mấy nữa đâu, tôi với ông dắt tay nhau đi bãi Giã.

- Tôi rất thích cô Thơm…

- Thích! Thích! Ông còn trẻ trung gì nữa mà thích với không thích! Ông cứ nghe tôi là ông sung sướng.

- Vậy thì ông bảo tôi lấy ai?

- Lấy bà Di chứ ai nữa! Tôi nói cả xóm Thượng này không ai giàu có như bà ấy. Bà ta cũng phốp pháp, mà cũng đang độ hồi xuân nhé…Hu…uề…hề…

- Nhưng mà…

- Không có nhưng nhiếc gì nữa. Ông cứ gật đi là tôi có cách giúp.

Ông Tõm cũng chẳng đồng ý mà cũng chẳng phản đối. Ý ông là sẽ lui chuyện này - chuyện lấy vợ - vào thời gian sau để tiếp tục suy xét.

Nhưng thật tai hại cho ông, ngay đêm hôm sau, khi đang ngà ngà say rượu do chập tối uống hơi nhiều với ông Đoàn thì bà Di đến. Bà ta ăn mặc đến là hở hang. Và ông bị ngã gục trước sức tấn công liên tục của bà chủ quán.

Cuối cùng thì vẫn là Tõm, không phải là Tạ Lại. Vẫn cứ sống theo sự sắp đặt của người khác, dù năm nay đã kề miệng lỗ rồi.
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
.
.