Nghiệp đình

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:00
Thầy tôi không đụng vào miếng thịt gà nào cả. Bốn bu con tôi ăn dè trong mấy bữa mới hết một nửa những xương xẩu. Còn những miếng nạc, bu tôi múc vào cái cặp lồng nhôm, đậy kín nắp và nói để phần thầy. Ngày nào, vì sợ thiu, bu cũng mang ra đun lại. Thương mấy đứa con nhìn ngó thèm thuồng, bu đổ thêm bát tô nước vào chỗ thịt ấy rồi đun lên, lấy nước cho các con chan cơm ăn...

Tôi ngồi rất lâu trên chiếc ghế nhựa cũ kê cạnh cái bàn gỗ nhỏ, mắt nhìn những bóng người bán hàng rong đi lại trên đường. Cứ bóng người này nhòa đi ở phía xa, tôi lại nhìn sang chiếc bóng khác gần hơn. Tiếng bu tôi ngay sau lưng. Tiếc thì lại đi mà bán. Nhưng bu thấy cực lắm. Tôi không trả lời bu. Tiếc ư? Tiếc gì cái nghề bán rau rong suốt ngày dầm bụi đường, mưa gió ấy chứ. Nhưng quả thật tôi nhớ nghề. Bu tôi, bảy mươi tuổi, suốt ngày bận bịu với cái quán tạp hóa này cũng bị người đời coi là tham việc rồi. Mấy lần chị em tôi giục bu cho thuê cái tầng một này đi, cũng kiếm được vài triệu một tháng, nhưng bu tôi không nghe.

Chiều nào cũng vậy, cứ rảnh rỗi là tôi lại ghé về cái thế giới độc lập tự do của bu cả giờ, chỉ để ngẩn người ngắm những mưu sinh hối hả trên đường. Nhà ở giáp mặt đường phố mới, nên đông vui lắm. Tôi lấy chồng cùng làng. Xưa là làng thôi. Giờ làng lên phố, xã lên phường. Nhà tôi ở đáy một con ngõ sâu hút. Sau lưng nhà tôi là dòng sông Yên, nước lờ đờ như không chảy, là nơi lục bình phủ kín, đơm hoa tím ngắt.

Năm thì mười họa mới có một bà đồng nát hay một anh phôtô chìa khóa không thuộc đường mà đi vào ngõ nhà tôi rồi tiu nghỉu quay ra, bụng bảo dạ, cạch cái ngõ phố nghèo nàn này đến già. Chồng tôi có vẻ không thích tôi lê la mỗi chiều ở nhà mẹ đẻ cho lắm, nhưng anh cũng không nói gì. Mấy hôm trước, thấy tôi mua về chục ngan giống vàng suộm, nói nuôi cho vui cửa vui nhà, anh trừng mắt. Cô mà cũng biết buồn sao?

Tôi nhìn đàn ngan con óng ả đang tì mỏ vào đuôi nhau lim dim mà nhớ về một thời xa lắc. Hồi ấy, nhà tôi nghèo lắm. Gia tài chỉ có ba con gà mái đẻ. Con hoa mơ, đẹp óng ả, bu tôi hay mắng yêu là cái loại lẳng lơ. Vì cứ đẻ xong là con mơ bỏ trứng đấy không chịu ấp và lại cuống cuồng theo trống. Con vàng, cũng đẹp lắm, ai cũng thích bộ lông rực rỡ của nó.

Bu tôi hay tủm tỉm, nói rằng, cũng là đồ dại trai. Ai đời, con chưa nhú tôm, đã vứt ở sân, kêu mẹ váng cả nhập nhoạng để theo trống nhà khác. Có khi đàn con nhớ mẹ, dắt díu nhau rách rào tìm sang, thì mẹ lờ đi, tãi được hạt nào, chả cho con, chỉ đãi trống hết. Nết na nhất chuồng là con xám. Không đẹp và óng ả như con mơ con vàng, mà xấu xí, sù sì, nên gà trống của xóm chả con nào thèm ve vãn hay đoái hoài con xám. Con xám đẻ toàn trứng thiếu, nên trứng nó, bu luộc lên, dằm mắm làm thức ăn mặn cho cả nhà. Khổ nỗi, con xám say ấp, say làm mẹ. Nó nằm lì trên ổ rơm không cả tuần, người gầy xọp.

Bu tôi thương nó, chạy vạy vay trứng gà hàng xóm về cho nó ấp. Có lần cả trứng gà, trứng vịt, cũng được đến hơn chục quả. Con xám xòe rộng đôi cánh, khư khư giữ bầy trứng, mỗi ngày chỉ xuống ăn và uống nước có một lần vào lúc bóng trời sắp tắt. Vì trứng đi vay nên đàn con của nó cũng ngộ lắm. Con vàng rực như cuộn tơ. Con đen nhánh như hòn than. Có con lại vằn vèo. Lác đác cả vài con vịt. Con xám yêu đàn con của nó lắm. Trần đời, cũng chỉ có con xám chiều con quá thể như vậy. Con to lắm rồi vẫn dắt díu, vẫn canh chừng và nhường thức ăn cho. Vì cái nết của nó thế, mà bu tôi không nỡ bán nó hay giết thịt.

Nhưng độ ấy, thầy tôi ốm nặng quá, lại vào thì giáp hạt, trong nhà chả có đồng nào mua thức ăn. Thuốc cho thầy tôi cũng là thuốc lang vườn, mà bu tôi lặn lội ra tận ngoài huyện đảo để cắt. Ba anh em tôi còn đói rã họng, huống chi mấy con gà mái. Vì đói ăn, nên con mơ và con vàng cũng đẻ cách nhật, trứng nhỏ tí. Mà thầy tôi cương quyết không ăn trứng. Thầy bảo, để dồn trứng vào cho con mơ ấp, không chịu ấp thì lấy sảo úp vào, bắt ấp, rồi nó khắc quen đi. Chứ cứ bắt con vàng ấp thay mãi là không công bằng. Rồi còn có đàn gà con mà bán đi, thêm tiền sách bút cho các con vào đầu năm mới.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Bu tôi nói, hay bán con xám đi, lấy tiền thuốc men cho thầy. Rồi bu lại ngậm ngùi, ai bỏ tiền ra mua con mái già xấu xí, xác xơ như con xám chứ. Có mua, thì người ta cũng chỉ trả vài đồng. Rồi bu lại bàn, hay là thịt con xám đi, làm thức ăn dần cho thầy. Nuôi báo cô nó làm gì. Toàn đẻ trứng thiếu trống. Thầy tôi giãy nảy không đồng ý cho thịt con xám.

Thầy bảo, bu mày mà thịt nó, tôi không động đũa. Bệnh lao phổi của thầy tôi mỗi ngày mỗi nặng. Một hôm, bu tôi nói, Liền à, con xám bị hiếng rồi thì phải, bu thấy nó mổ ba lần mới trúng cái cúc áo hỏng mà nó ngỡ là hạt ngô. Tôi mải khâu váy cho búp bê nên vâng dạ để đấy, chứ chẳng hơi đâu mà ngó qua con xám làm gì. Thế rồi, chiều hôm ấy, tôi đang xem lại bài vở, chuẩn bị cho kì thi cuối cấp hai thì nghe tiếng quác một cái ngoài vườn rau.

Tôi chạy ra. Bu tôi đang chống cuốc đứng đó. Trên luống đất đang cuốc dở là con xám tội nghiệp đang giãy lên những cái giãy cuối cùng. Đầu nó nát bét. Bu tôi thở hắt ra, miệng lẩm bẩm: "Ai bảo, thấy người ta cuốc, lại xán đến, đưa đầu vào. Thôi, mang vào, đun cho bu siêu nước, để bu thịt". Tôi thương con xám lắm, nhưng nghĩ đến miếng thịt gà rang gừng thơm ngậy mà cả năm rồi chưa được nếm, nước dãi  tôi ứa ra đầy miệng.

Tôi bê con xám còn nóng hôi hổi vào sân giếng, tâm trạng thật khó tả. Vừa có cái hớn hở của trẻ con sắp được ăn thịt gà, vừa có cái tiếc nuối con vật nuôi quá đỗi thân thiết. Thầy tôi ngóc cổ dậy trên chiếc chiếu sờn rách, nhăn nhúm. Thầy thều thào: "Sao bu mày ác thế hở?". Bu tôi nhìn thầy tôi không chớp mắt, mà nước mắt bu cứ lăn ra, dát mỏng lên những vết nhăn nheo trên khuôn mặt rám nắng: "Ai bảo ông là tôi giết nó? Tự nó thấy giun thì thò cổ vào tầm cuốc của tôi chứ".

Rút cục, thầy tôi không đụng vào miếng thịt gà nào cả. Bốn bu con tôi ăn dè trong mấy bữa mới hết một nửa những xương xẩu. Còn những miếng nạc, bu tôi múc vào cái cặp lồng nhôm, đậy kín nắp và nói để phần thầy. Ngày nào, vì sợ thiu, bu cũng mang ra đun lại. Thương mấy đứa con nhìn ngó thèm thuồng, bu đổ thêm bát tô nước vào chỗ thịt ấy rồi đun lên, lấy nước cho các con chan cơm ăn.

Mà nào phải cơm. Toàn chuối xanh và ngô bung. Sau mấy ngày đun lại lấy nước, những miếng thịt gà trắng bợt và xơ xác, bu mới cho ba chị em tôi ăn. Vì thầy cương quyết không ăn. Tính thầy tôi là vậy.

Năm đó, thầy tôi không qua khỏi. Bu tôi thương thầy nên bàn với bà ngoại mang thầy lên chùa để sư thầy độ cho, mong thầy chóng siêu thoát. Nhà tôi gần chùa Chiêu. Ngôi chùa cổ rất linh thiêng. Hồi chống Pháp, chùa Chiêu là nơi che giấu những lãnh đạo cốt cán. Năm bảy hai, Mỹ rải bom, chùa Chiêu bị tàn phá. Rồi dân góp công sức dựng lại bằng ba gian nhà gỗ sơ sài.

Tôi nhớ như in lần đầu tôi đưa người yêu về nhà chơi. Là chồng tôi bây giờ. Bà ngoại tôi nhìn anh chằm chằm rồi hỏi: "Cháu là con cái nhà ai?". Bu tôi nói át bà ngoại: "Bu rõ dở. Anh Tình nhà bác Đại cuối làng mình chứ ai". Bà ngoại tôi kéo cái kính lão lên cao, rồi gật đầu: "Làng rộng quá, thanh niên giờ lại mau lớn, chịu chết, chả nhớ được. May bu mày nói tên bố nó thì nhớ. Có phải Đại con ông Bần coi đình Chiêu không?".

Tôi thò tay xuống, véo bà ngoại một cái vào đùi thì bà mới không hỏi thêm. Đêm ấy, tôi hỏi bu: "Coi đình Chiêu là thế nào?". Bu tôi thở dài. Bu kể, đại khái là ông nội chồng tôi là chân chạy việc của làng. Nếu ở vùng khác, hình như cái chân chạy việc này gọi là mõ. Chạy việc đình làng và ăn lương đám. Tôi chả hiểu việc đình là việc gì, lương đám là lương gì. Bu tôi lại giảng giải: Việc đình là việc làng, thuế khóa, phạt vạ, cưới cheo, hội hè, các chức sắc trong làng dùng chung một người giúp việc.

Đại khái là ông nội chồng tôi làm việc ấy. Còn lương đám, là nhà nào có đám cũng phải sắp dư một mâm cho ông, dù mâm ấy có xúi hơn một chút, nhưng vẫn phải đủ các món. Mình ông ngồi một mâm, ông ăn không hết thì ông đùm lại, mang về. Coi đó là bổng lộc. Có nghĩa là nhà đám trả lương ông, cả làng trả lương ông. Tôi hỏi bu: "Thế cái đình Chiêu đâu?".

Bu tôi nói, đình Chiêu bị bom Mỹ phá cùng thời với chùa Chiêu, trước khi tôi ra đời khoảng bốn năm. Tôi lại thắc mắc: Cùng bị tàn phá, sao bà con chỉ dựng lại chùa mà không dựng lại đình? Bu tôi bảo, ra đồng Quài mà hỏi thầy mày. Thế tôi mới thôi không hỏi. Nhưng trong lòng ấm ức. Tôi đi hỏi người yêu chuyện đình Chiêu, và nghe anh say mê kể về hai vị Thành hoàng làng đã có công đuổi giặc và lập làng thế nào.

Tôi tự hào lắm. Cho nên, dù bị mọi người ái ngại, gièm pha, rằng thà ở vậy còn hơn là lấy anh. Tôi vẫn chỉ muốn lấy cho được anh. Tôi vẫn nhớ, hồi ấy, sính lễ nhà anh mang đến nhà tôi là một mâm trầu cau và chục cân gạo nếp. Có thế thôi. Rồi chúng tôi nên vợ nên chồng.

Nhà chồng tôi đông con, cả bảy anh chị em, mà chồng tôi lớn nhất. Khi đó anh hăm tư, còn tôi tròn hai mươi. Nhà tôi có ba chị em gái. Chị cả tôi đẹp. Giống y hệt bu tôi. Da chị trắng, tóc dài mượt, ai cũng bảo chị đẹp nhất làng. Chị thứ hai nhà tôi, người tròn lẳn như gốc cau, nước da bánh mật của thầy, cái trán thông minh của thầy, nụ cười cũng rạng rỡ giống thầy. Cả hai chị đều mười tám tuổi là có người săn đón rước đi. Sính lễ cũng kha khá.

Còn tôi, tôi chưa đập gương bao giờ cả. Vì cũng chẳng mấy khi tôi soi gương làm gì. Cái mũi tẹt của tôi, nghe nói là bà nội tôi di truyền cho. Đôi lưỡng quyền cao là của bà ngoại. Còn lại, tất cả những đường nét chệch choạc trên khuôn mặt tôi là do tạo hóa nhặt nhạnh từ thầy bu tôi, mỗi người một tí, mà lại là những cái tí xấu nhất. Nhưng tôi chẳng bao giờ rầu lòng về chuyện nhan sắc thua chị kém em của mình.

Tôi nghĩ, tuy tôi không xinh đẹp, nhưng tôi chăm chỉ, tháo vát và biết hi sinh, nhường nhịn thì tôi vẫn được chồng yêu chiều. Mà thế thật. Lúc đầu anh chiều tôi lắm. Đi làm về đến nhà, nhìn quanh, hễ không thấy ai là anh bế bổng tôi lên và rao: "Ai lợn giống đê…", y như người bán lợn con dạo nhốt trong những cái rọ lớn bằng tre nứa mà dân vùng trung du đem về bán. Tôi hỏi, tại sao anh lại gọi tôi là lợn con? Anh chỉ cười và bảo: "Anh thích thế".

Năm tháng qua đi. Những ngày tháng tôi hạnh phúc vì được chồng yêu chiều cũng trôi đi. Cho đến một ngày, mẹ chồng tôi gọi tôi vào hỏi: "Thế vợ chồng con đã đi cắt thuốc hiếm muộn chưa?". Tôi giật mình: "Mới hai năm mà bu?". Mẹ chồng nhìn tôi, ánh nhìn pha trộn sự ngạc nhiên với niềm thương hại: "Hai năm là ít hả con?".

Cũng năm ấy, thành phố cho phép xây dựng lại chùa Chiêu và đình Chiêu. Tôi phận đàn bà con gái, lại là cái phận con gà không biết đẻ trứng nên không hiểu gì đại sự của làng. Chỉ thấy cái sự lạ lùng là tại sao đất đình Chiêu và chùa Chiêu lại quy hoạch liền kề vào nhau, tổng cộng là bảy sào đất.

Tôi đem chuyện này hỏi nhỏ chồng. Anh cầm cái chén đang uống nước ném ra sân. Cái chén vỡ toang. Tôi đem chuyện về nhà thì thọt hỏi bà ngoại. Bà ngoại tôi vớ cái điếu cày, mồi điếu rõ to, ngửa cổ rít, phả khói mờ mịt một góc hè rồi nói: "Thành hoàng với Phật ở chung với nhau thì đã sao? Nhiều chuyện. Đi lo cái chuyện chửa đẻ của mày đi. Nếu không là khổ đấy con ạ".

Thấy tôi lì lợm đứng đó, bà trấn an: "Thế chẳng phải người ta vẫn đi từ đời vào đạo đó à?". Tôi thở dài, lòng nơm nớp một nỗi buồn khá lạ. Đêm ấy, chồng tôi không ngủ. Sau mấy chặp răn rở, cựa quậy, anh nói với tôi: "Anh bỏ việc ngoài cảng rồi". Tôi nhỏm dậy, mắt nhìn anh như ngọn lửa nhìn búi rơm khô. Bao nhiêu thân quen mới xin cho anh vào được chỗ làm ổn như thế, giờ anh nói bỏ là bỏ ngay sao được.

Chồng tôi cũng ngồi dậy, đưa bàn tay thô ráp, bóp nhẹ vai tôi và nói: "Ngày Thìn tới là ngày đẹp, bên đình cũng tiến hành động thổ. Ban quản lý dự án cử anh đại diện cho phường trông coi việc thi công. Rồi sau này ra sao, lại tính tiếp". Người tôi run bắn lên. Cái điều bà ngoại tôi nói, lại đúng thế sao. Nghiệp đình.

Đận ấy tôi ốm lê lết. Giữa trận ốm dai dẳng ấy thì thầy lang báo tin vui sau khi xem mạch tôi. Thầy bảo tôi đã có thai. Người hân hoan nhất là mẹ chồng tôi. Bà đứng giữa nhà, cúi đầu kính cẩn, chắp tay về hướng đình Chiêu đang xây dở mà vái lia lịa. Bà quay sang tôi: "Ơn Thành hoàng con ơi. Ơn to lắm, mau phục sức đi, bu con mình sửa lễ mang sang tạ".

Tôi nhìn mẹ chồng, ứa nước mắt. Đúng lúc ấy chồng tôi về, vai áo anh ướt đầm đìa. Anh nhìn tôi, nhìn thầy lang, rồi quay sang nhìn bu, giọng anh như lạc đi. Có phải vậy không bu? Mẹ chồng tôi lao vào anh, ôm chầm lấy thằng con trai duy nhất của bà. Tôi chỉ nhìn thấy đôi vai gầy mỏng manh của bà cứ rung lên như cái bẹ dừa khô trước gió.

Dạo tôi ở cữ thằng cu con, trong làng xảy ra chuyện xô xát lớn. Ấy là chuyện quy hoạch đình chùa Chiêu. Người già trong làng, nhất là những vị có học nói rằng, đình chùa Chiêu đã có từ bảy trăm năm trước, và từ xưa xửa đến giờ vẫn ở cạnh nhau như thế. Như thế thì có sao?

Có đấy ạ. Một cánh, cứ tạm gọi là cánh Đình cho rằng, cái quy hoạch mới tinh này có vấn đề rất lớn. Rằng theo cấu trúc xưa thì phải là tiền Thánh hậu Phật. Tức là qua cửa Đời để bước vào Đạo. Qua cửa Thánh mới đến cửa Phật. Còn quy hoạch bây giờ, nếu lấy mặt đường phố lớn làm quy chuẩn, thì từ cổng vào, chùa Chiêu với năm gian lừng lững choán khoảng chính diện. Còn ở phía bên tay trái, là đình Chiêu, cũng năm gian, nhưng nhỏ hơn. Như thế là thiên vị Phật hơn Thánh. Cánh Phật thì cho rằng, thời nay, dân đi lễ chùa là chủ yếu, phải bố trí thế nào để cho dân vào hương khói tiện lợi, hợp lý nhất.

Chùa Chiêu, suốt hai cuộc kháng chiến có công nuôi giấu bao nhiêu cán bộ cách mạng nên xứng đáng được ở vị trí như quy hoạch mới. Cánh Đình không chịu kém lý, viện dẫn những bằng chứng từ thời vua Trần, rằng vị này, vị kia có công đuổi giặc, giữ đất, lập làng, được vua ghi nhận… Hai bên cứ cãi nhau rền rĩ suốt cả năm cho đến khi thằng cu Tiến nhà tôi đầy năm.

Hôm ấy, vào ngày rằm tháng giêng, tôi bế theo thằng cu con vào đình chùa Chiêu. Tôi thật sự choáng ngợp trước sự bài trí sang trọng, nghiêm cẩn của chùa Chiêu. Khách đi lễ đông tấp nập, mâm nào mâm nấy đầy ắp lòng thành. Mặt nào mặt ấy hớn ha hớn hở. Trong khi đó, chỉ vài bước chân, đình Chiêu vắng tanh vắng ngắt. Cũng phải thôi, ai đến đình để cầu khấn, thỉnh xin gì bao giờ.

Chồng tôi, mặt cúi gằm, tay cầm cái chổi lông gà, phe phẩy lau qua tấm bia đá để ngay trước sân đình mà tôi chả thấy có ai đoái hoài. Tôi thả con xuống đất. Thằng bé mới chập chững biết đi nhìn qua bức bia đá ghi tên Thành hoàng một cái, nhoẻn miệng cười rồi tiến thẳng về phía chùa Chiêu, nơi dòng người nô nức đổ về. Chồng tôi khựng lại, hai cánh tay anh đưa ra, chờ đón thằng bé chạy về phía mình, hẫng hụt buông thõng xuống.

Nhìn vào mắt anh, tôi thấy một nỗi buồn thăm thẳm, ghê gớm. Tôi chạy vội theo thằng bé, bế thốc nó lên, rồi hối hả quay về. Sau đó, bu tôi biết chuyện, bu trách tôi: "Đến chùa, đến đình, chưa thắp nén hương nào mà đã bỏ về là có tội". Tôi không biết cái tội mà bu tôi nhắc đến là tội gì. Tôi chỉ biết, nếu lúc đó, tôi cố tình bế con vào chùa, có lẽ chồng tôi sẽ đau đớn lắm. Điều ấy, chắc gì bu tôi đã hiểu.

Đêm ấy, nằm bên cạnh tôi, chồng tôi đột nhiên thủ thỉ: "Sao hôm nay mình không vào chùa?". Tôi thở dài, tính lảng chuyện. Hay giả ngủ cũng được. Nhưng nằm một lúc, tôi thấy như là anh vẫn đợi câu trả lời của tôi nên tôi trả lời: "Nếu em đưa con sang đó, anh có vui không?". Đến lượt anh thở dài. Anh nói: "Mình có biết vì sao tiền nhân lại đặt đình cạnh chùa không?".

Tôi nằm im. Anh nhẹ nhàng: "Mình thấy đấy, tôi là người rất nóng nảy. Nhưng kể từ khi trở lại làm việc đình, tâm tính tôi đã thay đổi. Không phải vì tôi sợ Thành hoàng quở trách. Mà vì, mình ở sát với nhà Phật, mình không nên làm việc gì quấy quá, náo động, ảnh hưởng đến sự tĩnh lặng của cửa Phật. Có lẽ, tiền nhân muốn dùng uy của Phật pháp vô lượng để chế ngự, và giảm thiểu bớt những thói hư thật xấu của người đời". Tôi thấy hai bên cánh tay lành lạnh. Những lời nói của chồng tôi rất lạ, cứ như không phải từ anh.

Kể từ khi anh về làm việc tại đình Chiêu, tôi có cảm giác người đàn ông nằm cạnh tôi không còn giống chồng tôi nữa. Rồi tôi hỏi lại anh: "Thường người ta chọn đất làm chùa là nơi yên ắng, tránh xa mọi sự dung tục đời thường. Vậy tại sao chùa lại ở sát đình?". Chồng tôi ngồi dậy, dựa lưng vào đầu giường, nói rất lạ: "Chùa ở gần đình là điều kì diệu nhất trên đời mà tôi từng thấy đấy mình ạ".

Tôi giật thót mình. Chồng tôi trở nên ý nhị, văn hoa từ bao giờ thế. Cả khó hiểu nữa. Cái gì mà kì diệu chứ? Cãi nhau năm tao bảy tuyết, giờ lại nói vậy là sao? Chồng tôi bảo: "Chùa ở cạnh đình bởi vì Đạo muốn phục vụ Đời, Phật muốn ở gần dân, muốn vì dân và muốn ở trong dân, trong mỗi người, trong mỗi hành vi, mỗi suy nghĩ. Đức Tổ Trúc Lâm xưa, ngài rũ bỏ quyền lực, ngai vàng lên núi Yên Tử không phải để lánh xa sự đời, mà để giúp hoàng thượng chăn dân, yên lòng bách tính và bảo vệ giang sơn. Còn gì tốt hơn là gây dựng và tạo ra một dòng Phật mang đậm bản sắc dân tộc?

Một ông vua theo Phật, thử hỏi bách tính có thể không theo sao? Và ông đã thành công. Từ bảy trăm năm trước, đình chùa Chiêu đã là một tổng thế không thể tách rời, tuy một mà hai, tuy hai mà một. Trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, đình vẫn bên cạnh chùa. Nếu coi đó là nghịch lý, thì lí do gì để nghịch lý đó tồn tại suốt bảy thế kỉ?".

Ơ hay, sao anh lại hỏi tôi? Tôi đàn bà con gái, làm sao tôi biết. Vậy, nếu anh đã tỏ tường mọi việc đến thế, sao còn rầu rĩ? Chồng tôi nhếch mép cười, nụ cười hiền lành. Anh bảo: "Tôi buồn, vì sự nhất trọng nhất khinh của người đời. Nhẽ ra, nơi sầm uất, náo nhiệt, xô bồ phải là đình. Nơi thanh tịnh yên ả, nghiêm cẩn phải trả về chùa. Vậy mà giờ lộn xộn hết cả.

Xưa, các cụ nói Hội Đình, Lễ Chùa là thế. Đình thì mở hội, khao mùa màng, khao thắng trận, kể cả phạt vạ, bắt tội ai đó đều công khai ở đình. Còn chùa chỉ diễn ra các hoạt động lễ bái thuộc về tín ngưỡng tâm linh thôi. Vậy mà nay, chùa mở hội, váy ngắn váy dài, son phấn lập lòe, loa đài náo nhiệt. Dân đi chùa cung tiến hoa quả ngoại, tiền vàng bạc nén, xôi gà, rượu thịt, bia. Chưa kể vàng mã các loại nhà lầu xe hơi, điện thoại di động, tivi, tủ lạnh, máy giặt… Phật mà xài sang thế, sao còn chay tịnh. Và đâu còn là Phật? Quay phim chụp ảnh, hát hò tưng bừng. Tôi thấy, mất hết cả ý nghĩa. Nói ra thì lại bảo đình ghen với chùa. Trâu buộc ghét trâu ăn. Mà không nói thì chướng tai gai mắt…".

Mấy lần bu tôi ướm hỏi việc tôi đi bán rau lại, thay cho việc nhận trông trẻ con vào hai ngày cuối tuần. Cả mấy lần tôi đều viện lí do rau bây giờ không còn sạch nữa. Nhất là rau muống. Bu tôi cũng không giục nữa. Vì bu tôi cũng biết, buôn bán lang thang ngoài đường mưa nắng, đâu có sướng. Một hôm, lấy hết can đảm, tôi hỏi bu về chuyện con gà mái xám. Và cuộc trò chuyện ấy thế này. "Có phải bu cố tình bổ cuốc vào đầu con xám để thịt nó làm thức ăn cho thầy không?".

"Không phải thế, vì mải nghĩ về bệnh tình của thầy con mà bu cuốc nhầm vào nó, chứ không định giết nó". "Thế thầy con có biết như vậy không? Sao thầy không ăn thịt con xám?". "Cả ba đứa chúng bay, không đứa nào hiểu thầy bu hết. Thầy biết bu không cố tình giết con xám, nhưng vẫn dằn dỗi nói thế là để không ăn thịt gà". "Thầy thương con xám phải không?".

"Không phải. Thầy không ăn, là vì thầy thương các con, nghĩ mình không qua khỏi, ăn thêm vài miếng thịt gà cũng chẳng để làm gì. Thầy muốn nhường các con…". Tôi đã òa khóc. Úp mặt vào hai bàn tay mà khóc. Bu gắt: "Con bé này lạ, tóc hai màu đến nơi rồi, hơi tí là khóc".

Chiều nay, như thường lệ, tôi ngồi trên cái ghế nhựa cũ, mắt thả theo dòng người trên đường. Thằng cháu gọi bằng dì đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa đang thực tập tại phường tiến sát lại tôi. Dường như sự có mặt của nó cũng khiến căn nhà bớt ắng lặng. Nó hỏi: "Dì ơi, dì đếm cái gì đấy?".

Tôi giật mình, ấp úng: "Dì đếm người". Thằng cháu bật cười khanh khách. Nó nghĩ tôi điên. Thì cả nhà vẫn nghĩ tôi là đứa đàn bà có cái đầu không bình thường mà. Quả là tôi không bình thường. Hôm nay mười bốn, nội có hai giờ đồng hồ kể từ khi tôi bắc ghế ngồi đây, đã có bảy khách hỏi thăm đường rồi.

Tôi nhớ như in ông khách thứ bảy. Người dong dỏng cao, tóc dựng cao, khó đoán tuổi. Ông hỏi thăm chùa Chiêu. Tôi cố tình gộp vào theo thói quen: "Đình chùa Chiêu chứ". Nhưng ông khách chỉ sửa một cái lễ khá tươm tất. Có nghĩa là, quán của bu tôi có những thứ quà gì cao giá nhất thì ông mua. Trước khi ra khỏi cửa, ông còn nói vào sát mặt tôi: "Cô chả hiểu gì cả. Có ai sửa lễ lên đình bao giờ không?". Con người đàn bà ngu ngơ trong tôi nhoẻn một nụ cười.

Ừ nhỉ. Cả bảy người đều sửa lễ lên chùa. Tôi đếm cả chục năm nay mà không ra một người khác với họ thì nói riêng gì buổi chiều này. Chả trách, bu tôi bảo, tôi ăn đũa chồng, nên cái nghiệp chồng nhiễm vào. Mà nghiệp chồng tôi là nghiệp đình. 

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
.
.