Nghề rọ

Thứ Hai, 10/06/2019, 08:41
Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy mé ngồi đan rọ một mình, lặng lẽ, tôi mơ thấy con đường dốc trơn trượt, nhão nhoét lên rừng nứa, mơ thấy lũ vắt nhung nhúc giương vòi, mơ thấy những cây nứa hằn trên vai, nhặm, ngứa, da xưng lên từng mảng đỏ, lá nứa, cành nứa cào xước cả chân tay, người thì ướt sũng làm các vết xước vừa xót vừa đau...

Ba người lùi lụi lên dốc. Dốc trơn, gót chân không bám đất, chỉ năm ngón chân cắm xuống, bùn choét ra các kẽ ngón. Lối mòn ít người đi, lá cây, lá cỏ um tùm, đẫm sương chìa ra, quệt vào người lạnh buốt, ướt sũng quần áo, thế mà vẫn toát mồ hôi.

Bao giờ pó(1) cũng nhận phần đi trước rồi đến mé(2), đến tôi. Thỉnh thoảng pó ôm ngực, thở dốc. Muốn đan được rọ đẹp, bền, bán được giá phải lấy được cây nứa to, không quá non, không quá già, chỉ độ chừng một đến ba năm tuổi, cứ nhìn lá và màu của thân cây mà chọn. Chọn mãi mỗi người cũng được một vác nứa ưng ý, một đầu đặt lên vai, đầu kia kéo lê lệt xệt xuống dốc.

Về đến nhà đã hơn một giờ trưa. Cái đói, mệt làm người bải hoải. Pó hút điếu thuốc lào rồi đi nằm. Mé con tôi làm bữa trưa. Nhấc mâm lên, tôi vào gọi pó. Pó nằm đấy không thưa. Tôi lay mãi pó vẫn không dậy. Mẹ con tôi hốt hoảng gọi chú Hin lấy xe máy chở pó đi bệnh viện. Mãi đến chiều pó tỉnh lại. Pó bảo đưa pó về, pó biết bệnh của mình, đừng nằm viện làm gì cho tốn kém.

Pó nắm chặt tay tôi, bảo tôi gắng học thành người, đừng như đời pó, mé. Mé có nghề đan rọ tôm đấy rồi, không phải lo. Chỉ nói thế rồi pó nhắm mắt. Ngày đưa tang, lấy đồ để đốt cho pó, tôi thấy một ống nứa thật to, ở trong đựng đầy tiền lẻ.

Tôi gục mặt xuống cái ống tiền, thương pó. Thường ngày đôi lúc thấy pó có vẻ mệt, không ai biết pó bị bệnh từ lâu nhưng giấu mọi người. Ngày ngày pó vẫn lên rừng lấy nứa, đan rọ, dành tiền đợi ngày tôi nhập học ở tỉnh. Sự ra đi của pó hình như làm mé tôi dằn vặt. Mé thức đan rọ khuya hơn. Bóng mé như cây nứa in trên vách. Cái bóng lặng im, chỉ có hình cái rọ tôm xoay trên đôi tay thoăn thoắt.

Tôi vẫn quen nhìn bóng mé, suy nghĩ không đâu rồi thiếp vào giấc ngủ. Thời gian đầu vào học Trung cấp Nông lâm ở tỉnh, nằm trong phòng trọ, nhìn bức tường trăng trắng tróc lở, tôi không tài nào ngủ được.

Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy mé ngồi đan rọ một mình, lặng lẽ, tôi mơ thấy con đường dốc trơn trượt, nhão nhoét lên rừng nứa, mơ thấy lũ vắt nhung nhúc giương vòi, mơ thấy những cây nứa hằn trên vai, nhặm, ngứa, da xưng lên từng mảng đỏ, lá nứa, cành nứa cào xước cả chân tay, người thì ướt sũng làm các vết xước vừa xót vừa đau.

Cuối tháng nghỉ học về, thấy lạt nứa phơi đầy sân, đều tăm tắp. Lấy được loại nứa tốt thế này mé phải đi xa lắm. Tôi bảo: "Mé đừng đi xa". Mé thanh minh: "Không lấy được nứa tốt thì rọ ế con ạ". Đêm, tôi ngồi đan rọ tôm cùng mé. Là con trai nhưng tôi được xếp vào loại đan rọ khá.

Bản tôi hầu như ai cũng biết đan. Rọ bày ra chợ phiên, chẳng ai phân biệt được rọ của con trai hay con gái đan. Đan đến mười giờ đêm, buồn ngủ quá tôi đi ngủ. Mười hai giờ đêm tỉnh dậy vẫn thấy mé ngồi đan. Bếp lửa bên cạnh đã tắt từ lâu. Sương đêm bắt đầu rơi nhiều. Gió lạnh xao xác thổi. Những chiếc rọ tôm mé xâu thành xâu một trăm chiếc, chồng lên nhau, hom rọ quay ra ngoài nhìn như hoa.

Tôi giục: "Đi ngủ thôi mé!". Mé bảo: "Người già, ngủ đâu nhiều như thanh niên. Mé quen rồi!". Tôi nằm vùi chăn. Lại nhìn cái bóng mé đổ trên vách. Có phải mé quen thức đêm không, hay pó mất rồi, mé phải đan rọ thay cả phần của pó.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tôi thân với Sương, cô bạn cùng lớp, bén hơi nhau rồi yêu. Ngày ra trường, hai đứa dắt nhau về quê tôi xin việc. Xã tôi hết suất biên chế. Ban Lâm nghiệp xã đã có người làm. May nhờ có ông chú họ làm Chủ tịch xã thương tình, giúp cho suất Phó Văn phòng Ủy ban.

Tôi bàn với Sương, cho Sương nhận suất Phó Văn phòng đó để đi lại cho gần, còn tôi sẽ xin vào Ban Lâm nghiệp ở xã bên. Xin được việc, tôi và Sương cưới nhau. Tôi lâng lâng hạnh phúc vì lấy được vợ đẹp, hai vợ chồng lại có nghề nghiệp hẳn hoi; hạnh phúc vì đã không phụ công lao vất vả của pó, mé. Mé tôi có lẽ còn vui hơn. Mặt mé sáng ra như trẻ hơn hàng chục tuổi. Mé giặt chăn, lau nhà không biết mỏi.

Ngày đầu tiên về làm dâu, tôi thấy Sương đến bên mé hỏi chuyện nhỏ nhẹ, thân mật như hai mẹ con ruột: "Nhà mình có nghề đan rọ tôm truyền thống hả mé". "Ừ, nghề có từ cụ nội rồi nhiều người học theo, giờ cả bản ai cũng biết…". Mé kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui xen lẫn tự hào. Vợ tôi cầm một cái rọ mé đã gép hom, đan thử, bất chợt vợ tôi ném cái rọ xuống, hai tay gãi vào nhau: "Sao ngứa thế mé?!". "Lạt nứa, nhặm, nó ngứa thế đấy! Mãi rồi khắc quen".

Vợ tôi ra rửa tay, đi vòng vòng qua đám lạt nứa như đi qua đám sâu róm. "Thế mỗi chiếc rọ bán được bao nhiêu tiền hả mé?". "Ba nghìn con ạ". "Èo! Ba nghìn á! Thế thì đan làm gì? Chẳng bõ!...". Sợ câu nói của vợ làm mé chạnh lòng, tôi quay sang bảo: "Anh lớn lên, đi học, tất cả bằng tiền mé đan rọ đấy". Vợ tôi không nói thêm, đứng dậy đi làm cơm. Mé cố tỏ ra bình thường nhưng tôi biết mé buồn.

Mùa hè, tôm ăn ở vùng nước sâu, ít vào rọ nên rọ bán không chạy lắm. Mé chỉ đan hom, xâu thành từng chùm dài để trên gác bếp. Sang đầu thu, tôm ăn nhiều, mọi người đổ xô đi đánh rọ. Ngoài chợ phiên, rọ chưa kịp vào trong chợ đã có người đón lấy. Khi ấy mé lấy hom rọ xuống, gép thân, đan thành từng chiếc rọ xinh xắn. Mỗi tuần hai lần chợ phiên, mé tùng tằng gánh rọ đi bán từ lúc tinh sương. Vợ tôi về làm dâu mé khá lâu vẫn chưa động vào cái khuôn rọ.

Nhiều lần tôi bảo vợ: "Em cố gắng tập đan cùng mé cho mé đỡ tủi". Vợ tôi giãy nảy, cãi luôn: "Em không đan đâu, nhặm lắm!". Ngày đi làm, tối về, ăn cơm xong mé ngồi đan rọ, vợ tôi nằm vắt chân xem tivi. Tuần rồi trời mưa, mé không đi chợ được. Tuần này rọ nhiều, mé buộc thành một gánh to. Trời chưa kịp sáng, hai vợ chồng tôi vẫn còn ấm trong chăn đã lấy mé lục cục mở cửa, lấy rọ ra. Tôi huých vợ dậy, bảo: "Hay em lấy xe máy chở rọ ra chợ cho mé".

Vợ tôi vừa ngáp vừa làu bàu: "Em không đi đâu, ngại lắm. Mình là cán bộ, ai lại đi bán rọ như mấy bà…". Mặt tôi nóng lên: "Như mấy bà gì hử…". Vợ tôi vùi chăn ngủ tiếp. Tôi dậy, dắt xe ra đường, nổ máy, lấy gánh rọ loay hoay buộc lên xe. "Cồng kềnh khó buộc lắm con ơi, để mé gánh đi cho tiện, chợ có xa xôi gì đâu. Đường dốc, trơn, đất đá gồ ghề, xe xóc chẳng may lạt đứt, rọ lăn hết xuống vực thì nhặt mệt".

Mé giằng lại gánh rọ trên xe, gánh đi. Chừng mé đã nghe thấy vợ chồng tôi cãi nhau. Không nhìn thấy mé đâu, chỉ thấy gánh rọ trôi trôi xuống dốc, mờ dần, mờ dần. Không biết mé có tủi thân không chứ tôi thì cay cay sống mũi.

 Ngày hết chế độ nghỉ thai sản, đi làm, vợ tôi lo ngay ngáy khi để con cho mé trông, sợ mé làm nhặm sang con. Biết ý, mé để một bộ quần áo riêng, khi bế cháu thì khoác vào. Vợ chồng tôi tích cóp làm được ngôi nhà mới, không phải nhà sàn như các nhà trong bản mà là nhà xây. Hôm mấy người đồng nghiệp của vợ hẹn đến mừng nhà mới, vợ tôi dọn hết nứa, lạt, rọ của mé xuống cất trong bếp.

Tôi thấy ngứa mắt, bảo: "Có phải của ăn trộm, ăn cắp gì đâu mà xấu hổ". Vợ tôi cãi lại: "Nhà mình đâu khó khăn đến nỗi phải ky cóp từng ba nghìn một…". "Em nói nhỏ nhỏ đừng để mé nghe tiếng". "Mé nghe tiếng thì sao. Em đã nói với mé là mé đừng đan rọ nữa, mé không nghe, bõ bèn gì… Già rồi sướng không biết đường sướng…". Tôi lo lắng ngó vào giường ngủ của mé. May mé vẫn còn ngủ. Ấy thế mà chiều, tôi thấy mé dọn hẳn xuống bếp đan rọ. Mé bảo tôi kê thêm cho mé một cái giường, mé đan rọ rồi ngủ luôn trong bếp cho mát. 

*

Huyện và xã ráo riết làm công tác tinh giản biên chế. Xã tôi có một cán bộ Văn phòng Đảng ủy, một cán bộ Văn phòng và một Phó Văn phòng Ủy ban thì chỉ giữ lại một người kiêm luôn cả ba chức danh đó. Vợ tôi bị tinh giản vì bằng cấp không cập, lại không học chuyên về công tác văn phòng. Ông chú họ tôi cũng lắc đầu bó tay. Xã tôi và xã bên nơi tôi đang công tác sáp nhập thành một xã. Tôi lại bị tinh giản cùng lý do bằng cấp không cập, với lại thời gian và kinh nghiệm công tác của người kia hơn tôi.

Đùng một cái, hai vợ chồng mất việc. Vợ tôi khóc sưng mắt, nằm trong nhà cả tuần liền. Một thời gian, vợ chồng tôi lâm vào cảnh túng bấn khi cả hai vợ chồng không nghề nghiệp, không lương. Mé vẫn đều đặn đi chợ bán rọ. Nhà tôi vẫn có thức ăn tươi đàng hoàng từ tiền bán rọ tôm của mé. Dạo này mé mua cả quần áo, sách vở và nộp luôn tiền học cho cháu.

Tôi bàn với vợ: "Giờ em chịu khó học nghề đan rọ, anh lên rừng lấy nứa, chẻ lạt, ba người cùng làm thu nhập chẳng kém gì làm viên chức xã đâu em ạ". "Nhặm lắm, em đan không nổi". Tôi phát cáu: "Giờ này em còn…".

Vợ tôi cắt ngang: "Em có hướng làm ăn rồi! Hôm nọ em gặp con bạn buôn bán bên Tàu về, thấy em kể khổ nó bảo có một loại rọ gọi là rọ bát quái, nó đã bán cho mấy người ở trên Sơn La, Lai Châu, đánh tôm mà giàu sụ nhé…". Nói xong, vợ tôi lại có vẻ ngập ngừng: "Giờ… khó nhất là vốn".

Mé đã ngồi đó từ lúc nào. Mé đi đến đầu giường, thò tay vào ruột gối rút ra một bọc tiền dúi vào tay vợ tôi, bảo: "Đấy là tiền đan rọ trước đây chưa dùng đến, mé tích cóp để phòng, giờ cần, các con cứ cầm đi mà làm vốn".

Vợ tôi ái ngại không dám cầm, với lại mấy đồng ky cóp của mé thì thấm vào đâu. Tôi giở bọc tiền ra đếm. Những hơn hai mươi triệu. Vợ tôi mắt tròn xoe kinh ngạc. Nghe theo vợ, tôi đóng thuyền, hai vợ chồng mua rọ bát quái từ cô bạn vợ về đánh. Rọ bát quái có hình hộp vuông làm bằng lưới và khung thép.

Đúng là thứ rọ ma quái, hôm đầu tiên đánh tôm, một thuyền ba trăm rọ, vợ chồng tôi đã thu về hơn một yến tôm, cả tôm to, tôm nhỏ chứ không chỉ một loại tôm nhàng nhàng, mỗi rọ một vài con như đánh rọ nứa thông thường. Một đêm, vợ chồng tôi đã thu hơn một triệu, bằng người khác đánh rọ nứa cật lực cả tuần.

Theo kinh nghiệm của cô bạn vợ mách, vợ chồng tôi làm loại mồi rọ bằng xi măng trộn với một ít bột cá khô, nặn thành viên tròn, mỗi viên mồi dùng được năm, sáu ngày chứ không tốn cám rang, cơm, sắn luộc và cá tép dầu tươi mỗi ngày thay một lần như đánh rọ nứa.

Sau một tháng, có vốn, vợ chồng tôi mua thuyền máy, mua thêm rọ bát quái, làm ăn lớn. Vợ chồng tôi phất như diều gặp gió. Vợ tôi đắc ý lắm, thỉnh thoảng vẫn bảo: "Bị tinh giản hóa lại may, chứ cứ làm viên chức quèn chẳng biết lúc nào mới có ngày như hôm nay".

Mé vẫn đan rọ, đan rất khuya như những ngày gia đình còn khốn khó. Giờ đến lượt tôi khuyên can: "Mé ơi, tiền nong chúng con sẽ lo, sức mé đã yếu, đan rọ làm gì cho khổ…". Vợ tôi đã khuyên nhiều, giờ chỉ trề môi rồi vắt chân nằm xem tivi. Mé bảo: "Mé đan cho vui, mé quen rồi…".

Thấy vợ chồng tôi đánh rọ bát quái giàu nhanh, nhiều người trong xã tìm mua về đánh theo. Vùng hồ xã tôi xuất hiện thêm vài thuyền rọ bát quái. Tôm vợ chồng tôi đánh được ít hẳn. "Hừ! Đúng là đồ đểu…". Vợ tôi cay cú tìm cô bạn thân để chửi bởi nguồn cung cấp rọ bát quái chỉ có một mối duy nhất là bạn vợ tôi.

Cô bạn vợ cười hì hì rồi rỉ tai vợ tôi nói nhỏ. Hôm sau cô bạn vợ  chuyển cho vợ chồng tôi mấy bao bột màu trắng. Chiều tối, vợ chồng tôi trộm rải một lượt bột dọc ven hồ rồi đánh thuyền ra vùng nước sâu thả rọ, y như lời cô bạn vợ bảo. Lạ thay, lượng tôm vợ chồng tôi đánh được nhiều gấp đôi. Vợ tôi gọi điện lại, cảm ơn cô bạn rối rít. Vợ chồng tôi hí hửng thu về gần chục triệu mỗi đêm.

Một phần ba dân số xã tôi sống bằng nghề đánh rọ nứa. Từ ngày có rọ bát quái, những người đánh rọ nứa không được tôm, nhiều người bỏ nghề, đi làm thuê tứ xứ. Mọi người nhìn vợ chồng tôi như kẻ thù. Nhưng cũng lạ thay, một thời gian rải thứ bột trắng của cô bạn vợ xuống hồ, lượng tôm đánh được cứ giảm dần. Có đêm vợ chồng tôi chỉ thu được chừng một đến hai kilôgam tôm. Những người khác cùng đánh rọ bát quái còn tệ hại hơn là bỏ thuyền, bỏ rọ, thua lỗ. "Hừ! Đúng là đồ đểu". Vợ tôi lại nhắc lại câu nói cũ, liên tục tìm số điện thoại của cô bạn làm ăn bên Tàu để chửi nhưng chỉ nhận được một câu trả lời lặp đi lặp lại: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…".

Không còn tôm, không còn người đánh rọ nứa. Những người đan rọ nứa, đan được bao nhiêu chất đống bằng đấy. Mé vẫn đều đều mỗi tuần hai phiên gánh rọ đi chợ bán. Gánh đi lại gánh về. Một hôm mé gọi vợ chồng tôi lại, bảo: "Các con đừng đánh rọ bát quái nữa!". Vợ tôi vặc lại: "Không đánh thì lấy gì mà ăn hả mé?!". Mé không nói gì. Từ hôm ấy mé không ra khỏi nhà. Rọ không bán được, mé vẫn đan. Rọ mé xâu thành chùm như những bông hoa khổng lồ xếp đầy gian bếp.

Cũng thời gian ấy mé gầy rộc hẳn đi. Một thời gian không lâu mé mất. Hôm đốt các thứ cho mé đem về Mường Trời, vợ tôi ném cái khuôn rọ của mé vào đống lửa đang cháy rừng rực. Tôi vội nhặt lại, trộm cất vào hòm như kỷ vật riêng của hai mé con, để tôi luôn nhớ về công ơn của mé.

*

Huyện chọn xã tôi là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Với một xã nông nghiệp miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đề án phát trển kinh tế, xã và huyện đặc biệt chú ý đến việc phát triển nghề đan rọ tôm trở làng nghề. Trực tiếp Chủ tịch huyện đến xã chỉ đạo và đến tận bản tôi để nắm tình hình. Huyện còn cử hẳn một cán bộ chuyên trách ở lại tìm hiểu nguyên nhân tại sao nghề đan rọ bị chững lại.

Hơn một tuần, báo cáo của anh cán bộ chuyên trách huyện chỉ rõ, nghề đan rọ tôm chững lại là do sự xuất hiện của một loại rọ lạ có tên là bát quái cùng một loại chất hóa học lạ, màu trắng dùng để xua đuổi tôm từ vùng nước nông vào vùng thả rọ. Rọ bát quái và chất hóa học lạ đã tận diệt loài tôm trên hồ, làm cho nhiều ngư dân sống bằng nghề đánh rọ nứa phải bỏ nghề. Đó cũng là nguyên nhân làm chững lại nghề đan rọ tôm bằng nứa.

Sau kết luận ấy, chỉ chừng hơn tuần sau, có công văn trên huyện xuống, cấm tất cả ngư dân đánh bắt tôm bằng chất hóa học và rọ bát quái. Vợ chồng tôi bỏ thuyền, bỏ rọ. Số tiền kiếm được dùng một thời gian rồi cũng hết. Vợ chồng tôi lại trở về hai bàn tay trắng, lâm vào cảnh túng bấn như xưa. Vợ tôi trầm tính hẳn, ít nói, cũng ít ra ngoài hơn.

Một thời gian, tôm trên hồ bắt đầu hồi sinh. Người dân lại đóng thuyền, mua rọ nứa, đi đánh bắt tôm. Huyện đã xây dựng làng tôi thành làng nghề truyền thống đan rọ tôm. Bằng nhiều hình thức quảng bá, tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm rọ tôm như tổ chức Hội chợ rọ, giới thiệu làng nghề và sản phẩm rọ trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên kết với thương lái xuất rọ ra thị trường tỉnh bạn như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang…

Chỉ một thời gian ngắn, giá rọ tôm tăng lên vùn vụt, lúc đỉnh điểm lên đến sáu nghìn đồng một chiếc. Bản tôi kinh tế khá hẳn lên từ nghề đan rọ. Nhiều người xây được nhà to hơn cả nhà tôi nhờ nghề đan rọ tôm. Người ta đan rọ giàu lên, còn mình nghèo hèn khi nhà mình là tổ nghề thì thật đáng xấu hổ với cụ, với pó, mé và dân bản. Đ

au đáu ý nghĩ ấy, chẳng bàn gì thêm, tôi quyết định lên rừng lấy nứa, chẻ lạt, đan rọ. Thật bất ngờ, vợ tôi đã ngồi xuống, đan cùng. Tay lóng ngóng, vợ tôi cứ xỏ lạt vào, nan lại rơi xuống, loay hoay cả ngày không đan được. Chợt nhớ đến cái khuôn rọ của mé cất trong hòm được pó làm bằng gỗ tốt, các lỗ nan đều, sâu, chắc nên tôi lấy ra cho vợ. Vợ tôi cầm cái khuôn đã mòn vẹt chỗ tay cầm do mồ hôi trên tay mé miết đi miết lại bao năm, cẩn thận cắm mười ba chiếc nan xinh xinh, từ từ xỏ lạt… nhưng… nan vẫn rơi. Loay hoay mãi, vợ tôi bỗng gục mặt, ôm lấy cái khuôn rọ, bật khóc.

…………......

(1): Bố; (2): Mẹ

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
.
.