Ngày xưa

Thứ Hai, 06/09/2004, 14:45

Tôi bồn chồn rời ngôi nhà thiếu vắng hình bóng anh. Đi quanh quẩn một lát, tôi rẽ xuống bờ suối vắng lặng dài hun hút. Tôi buồn bã nhìn xuống dòng nước lấp lánh ánh trăng và tự hỏi mình sẽ ra sao nếu đêm dài không có hơi thở quen thuộc của anh bên cạnh.

Tôi còn đang dầm mình thỏa thích trong dòng suối mát thì bé Ngọc Na, em gái tôi, chạy vội ra tìm, hét vang rừng, lạc cả giọng:

- Chị ơi! Mau về đi, bên họ đằng trai tới rồi đó!

Mặc vội bộ đồ đang đặt trên tảng đá sù sì mà không kịp lau khô người, tôi bới mái tóc lên, mấy giọt nước chảy dài trên mặt, trên cổ rồi thấm ướt vào vai áo, ngực áo. Tôi nắm tay bé Na chạy ào đi.

Trong nhà đang ồn ào giọng nói của bao nhiêu người. Khi tôi vừa chạy qua vạt bắp xanh rờn, tới bụi hoa tường lan thì đâm đầu vào ngực một người đàn ông... Tôi loạng choạng muốn ngã và đứng vững lại nhờ đôi tay mạnh mẽ của ai đó. Tôi vụt ngước lên. Người ấy buông vai tôi ra và đăm đăm nhìn tôi. Tôi mở to đôi mắt ngạc nhiên và hốt hoảng đưa tay che ngực áo loang ướt những giọt nước từ mái tóc dài xút xổ. 

Chúng tôi cứ đứng nhìn nhau như thế, bằng những ánh mắt không lời. Tôi không còn nghe tiếng mọi người trong nhà đang giục giã bọn trẻ con chạy đi tìm tôi. Thời gian đang chầm chậm trôi qua hay đã mãi mãi dừng lại? Bé Ngọc Na bỗng vùng vằng chạy đến nắm lấy vạt áo tôi. Người ấy cũng sực tỉnh: “Tôi định ra đây nhổ một bụi hoa tường lan mang về nhà trồng”. 

Chầm chậm, tôi bước từng bước ngắn về phía cánh cửa và cố ngoái đầu lại nhìn người ấy một lần nữa. Đôi chân mày đen, mái tóc rậm, dày và cái nhìn xoáy thẳng khiến tôi bối rối.

Tôi được đưa ra nhà ngoài. Mẹ tôi dạy rằng: “Khi ra chào họ nhà trai, phận con gái nết na phải luôn nghiêm nét mặt và phải luôn nhìn xuống, chứ cấm không được nhìn lên!”. 

Tôi thèm được như bé Na, được chạy nhảy chứ không cần phải giữ dáng đi nhẹ nhàng. Được nằm lăn ra ngủ dưới mái hiên trước nhà, khoan khoái đón ngọn gió buổi trưa hè chứ không phải ép mình phải đứng ngồi cho ý tứ. Mẹ tôi từng nhẹ nhàng khuyên: “Ngày xưa, trước khi cưới, các đôi trai gái không biết gì về nhau. Ngay cả yêu nhau còn chưa kịp. Vậy mà cũng sống với nhau yên vui, đầm ấm. Nhiều đời rồi làng xóm này vẫn như thế!”. 

Minh họa của Hà Trí Hiếu

Căn buồng nhà trên hôm nay đông người quá. Tôi đứng cúi đầu lặng yên. Về sau tôi mới biết, mọi cô dâu khi ra trình diện họ nhà trai đều lặng yên cúi đầu như thế. Những câu đối đáp lịch sự của họ hàng đôi bên chẳng thể lọt vào tai tôi, nhưng tôi vẫn nhẫn nại cúi đầu lặng yên. Mảnh sân trước nhà sao mà rộn rã với đám trẻ con đang bày trò chơi gì đó vui quá. Có chú chim nào đang líu lo một khúc hát vui tai. Bé Ngọc Na bỗng buông một chuỗi cười trong trẻo, dễ thương. Tôi mỉm cười vui lây. Quên mất những lời mẹ dặn, tôi ngước lên nhìn qua cửa sổ dõi tìm bé Na. Ánh nắng ngoài sân chói chang. Tôi nhắm mắt lại, rồi mở choàng mắt ra. Cùng ánh nắng chói chang ngoài sân, bên khung cửa sổ ngang dọc những thanh tre là hai người con trai giống nhau như đúc. 

Một người bên đằng trai lên giọng kẻ cả: “...Hai anh em sinh đôi nhà này sống đùm bọc nhau từ khi cha mẹ qua đời. Cô dâu hãy khéo mà ăn ở”. 

Tôi nhìn họ, lặng yên và chờ đợi... Trời ơi! Họ giống nhau quá. Họ đứng bên nhau và cùng nhìn tôi trân trối. Có tiếng ai đó nhắc: “Kìa chú rể, hãy bước đến đây!”. Một người khoan thai bước tới, mỉm cười cùng tôi. Khi cả hai chúng tôi cúi đầu, chắp tay lại chào nhau, có một người đang đi ra khoảng sân hanh nắng cùng bụi tường lan hoa vàng rực rỡ trên tay. 

Vậy là tôi đã bắt đầu làm vợ và cũng đã biết yêu cuộc sống mới mẻ này. Người đàn bà trong tôi đã bắt đầu biết nghĩ ngợi, rằng làm sao tôi có thể ngủ được nếu có một đêm nào đó thiếu vắng cánh tay yêu thương của anh làm gối kê đầu. Anh ôm tôi vào lòng, thở vào tai tôi những hơi nóng ấm. Tôi còn e ngại từ chối anh vào lúc ban ngày và van anh hãy chờ tôi khi đêm xuống. Nhưng ngày dài quá và đêm sao quá ngắn. Vì thế, ánh nắng mặt trời càng làm rực rỡ thêm nỗi đam mê của chúng tôi.--PageBreak--

Từ khi chúng tôi cưới nhau, người em trai cất một căn nhà và dọn ra ở riêng. Chồng tôi cố khuyên chú ấy hãy sang ăn chung với vợ chồng tôi. Người em miễn cưỡng ưng thuận và chỉ sang nhà tôi vào những bữa cơm. Vào những lúc ấy, tôi thường luống cuống và làm rơi đổ cơm canh. Tôi im thin thít không dám chuyện trò với ai vì sợ xưng hô nhầm lẫn với một trong hai người. 

Chiều hôm ấy, vợ chồng tôi ra suối. Tôi xõa bung mái tóc dài mượt mà cho anh gội. Tôi nhắm mắt lại cảm nhận những ngón tay anh dịu dàng cào nhẹ vào từng chân tóc. Rồi anh chải tóc cho tôi. Tôi tinh nghịch cầm một lọn tóc ướt cột chặt vào cổ tay anh. Anh bảo: “Để hôm nào rảnh rỗi, anh sẽ ra bìa rừng hái cỏ quỳnh duyên về nấu nước gội đầu cho em. Ngày còn bé, có lần chơi đuổi nhau, em trai anh bị té va đầu vào tảng đá. Vết thương đã lành nhưng tóc lâu mọc lại. Mẹ anh nấu cỏ quỳnh duyên để gội đầu cho tóc chú ấy mọc nhanh, lâu ngày thành nghiện. Bây giờ chú ấy chỉ thích gội đầu bằng loại cỏ ấy”. 

A! Tôi biết loại cỏ này rồi! Ngày trước, tôi và bé Ngọc Na vẫn hái những lá cỏ ấy về treo ở cửa sổ, rất thơm.

Anh bỗng sực nhớ: “Quên mất, cơm chiều xong anh sẽ mang bầy gà con về tặng bé Na như đã hứa”.

Mặt trời xuống thấp. Một đàn chim vội vã kéo nhau về một nơi nào đó, có một con lạc bầy bỗng kêu lên buồn bã. Đi bên anh, tôi có cảm giác yên tâm, hạnh phúc. Màu của những lá cây rừng như càng thêm xanh sẫm. Trời sắp tối rồi, chim chóc đang rủ nhau về tổ. Tôi cũng có một vòng tay nồng ấm chở che, ôm ấp trong giấc ngủ lúc đêm về.

Tôi úp mặt vào chiếc gối của chồng. Mùi hương quen thuộc từ chiếc gối khiến tôi nhớ anh nôn nao. Trăng len lỏi đến cành cây mộc khang bên cửa sổ và rọi vào giường vợ chồng tôi những đốm lá loang lổ. Theo ngọn gió vờn, những đốm lá ấy trăn trở chao nghiêng. Sao anh đi lâu quá? Hay là trên đường về anh ghé nhà người em trai? Đã nhiều lần tôi thấy anh nằm vắt tay lên trán đầy vẻ đăm chiêu. Tôi biết anh thương nhớ người em trai đang sống một thân quạnh quẽ. 

Tôi bồn chồn rời ngôi nhà thiếu vắng hình bóng anh. Đi quanh quẩn một lát, tôi rẽ xuống bờ suối vắng lặng dài hun hút. Tôi buồn bã nhìn xuống dòng nước lấp lánh ánh trăng và tự hỏi mình sẽ ra sao nếu đêm dài không có hơi thở quen thuộc của anh bên cạnh.

Tôi chợt kêu lên mừng rỡ và chạy nhanh đến bóng đen đang đứng dưới một tán cây. Sao anh không dang rộng đôi tay đón tôi vào lòng mà lặng yên tư lự. Tôi rụt rè, khẽ chạm vào vai anh. Anh bỗng rùng mình. Tôi cảm nhận cái rùng mình ấy toát ra một nửa sự thờ ơ và một nửa niềm rung động. Anh đi ra khỏi tán cây sẫm tối. Không có nụ cười, không cả ánh mắt thương yêu. “Em chờ anh lâu quá. Mẹ và bé Na có khỏe không anh?”. Anh không trả lời, cúi đầu buồn bã đi xuống cạnh con suối đang uốn mình mềm mại và quay lại nhìn tôi bằng đôi mắt mênh mông u tối. Tôi cũng nhìn anh, mỉm cười thúc hối: “Mình về nhà đi anh. Em sẽ gối đầu lên tay anh mà ngủ...”. Anh bỗng thảng thốt quay lưng dợm bước đi. Lòng tôi tràn ngập thương cảm bởi sự xa vắng thờ ơ của anh, tôi vội ôm choàng đôi vai rộng, áp má vào lưng anh...

Ngay khi bị xô mạnh ra, cũng là lúc tôi bàng hoàng nghe hương thơm của cỏ quỳnh duyên từ mái đầu ấy. Giật mình như một kẻ vừa khó khăn thoát ra một cơn mộng dữ, tôi lảo đảo té khụyu xuống. Mái tóc dài của tôi xõa bung rũ rượi như muốn che đi gương mặt đắng cay, tủi hổ. Người ấy cất giọng trầm buồn: “Tôi xin lỗi. Tôi ra đây để tìm ngắm những bụi tường lan. Màu hoa của chúng sao chỉ đẹp dưới ánh nắng mặt trời”.

Lại tường lan? Vẫn những bụi hoa đã nở rộ góc sân trong một buổi sáng ngập nắng ngày tôi theo chồng.

Đêm nay, tôi trở thành một người đàn bà hấp tấp, hồ đồ nhầm lẫn. Tôi hốt hoảng nhìn quanh. Vắng vẻ lắm. Chẳng có ai đâu. Chỉ có  đôi mắt của những con chim cú mèo trên những cành cây tối tăm đang nhìn tôi soi mói. Và chỉ có tiếng những con côn trùng ẩn nấp đâu đó đang cùng nhau xì xào, bàn tán và mỉa mai.

Người ấy nhìn tôi lần cuối bằng đôi mắt xót xa,  rồi chầm chậm bước đi, lẩn khuất vào đám cây rừng. Khi những đám mây không còn loay hoay vướng mắc vào trăng, tôi cũng không còn trông thấy bóng dáng người ấy nữa.

Người em trai đi mãi không về.  Chúng tôi đi tìm nhau khắp tận chân trời, góc bể. Ngôi nhà trở nên hoang phế. Chỉ còn ngậm ngùi của phân ly và những cuộc tìm kiếm mỏi mòn.

Chim trời cá nước, người biền biệt nơi đâu?

.
.