Ngày đông ấm áp

Thứ Năm, 23/01/2014, 08:21

Năm nay rét sớm. Mới năm giờ chiều mà thành phố đã chìm vào không gian xám lạnh. Trên các ngả đường, từng dòng người lặng lẽ trở về tổ ấm của mình sau một ngày bươn chải mưu sinh. Vỹ đứng tựa ban công nhìn khoảng không xám xịt ấy và tự hỏi, trong dòng người bất tận kia là biết bao thân phận, có người hạnh phúc viên mãn, có người đang trải qua nỗi đau giày vò và nếu ai đang phải gánh chịu những bi kịch của đời mình, không biết họ có đủ niềm tin và can đảm để vượt qua.

Trong phòng họp của Đội Cảnh sát điều tra chỉ còn lại mình Vỹ. Vậy mà một giờ trước đây, tiếng cười nói tưởng đến vỡ nhà. Chuyện là vợ cậu Lưu có bầu, cả họ ai cũng mong chờ đứa cháu đầu lòng vì Lưu thuộc diện độc đinh, lấy vợ mấy năm mà chưa có tin vui. Trước ngày lên chức bà nội, mẹ Lưu nâng niu, chăm sóc cô con dâu đúng như câu thành ngữ "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Bà không cho cô đụng tay vào bất cứ việc gì, cứ nửa tháng lại đi khám để biết rõ tình hình phát triển của thai nhi. Nghe người ta nói cần ăn gì bổ dưỡng cho thai nhi là bà tìm mua bằng được. Chẳng thế mà con dâu bà cứ tăng cân vùn vụt, người tròn xoe và nặng nề như cái cối đã lỗ.

Ngày sinh nở, cả nhà lo thắt tim vì vợ Lưu đau đẻ trong bệnh viện suốt hai ngày liền. Không có dấu hiệu phải mổ và bác sĩ cũng khuyên không nên mổ. Cuối cùng thì giờ phút tuyệt vời ấy đã đến. Đại gia đình chầu chực, phấp phỏng ở ngoài phòng chờ như vỡ òa khi cô y tá mặt tươi như hoa bước ra thông báo: Đó là một bé trai bụ bẫm, mẹ tròn con vuông.

Lưu và mẹ bật khóc. Buồn cười thật! Tướng mạo hầm hố, gan lỳ nhất đội, gian khổ mấy cũng chịu được, đi bắt mấy thằng truy nã to cao vật vã, hung khí đầy mình mà không hề sợ hiểm nguy, vậy mà… Từ bệnh viện, cậu gọi điện về báo tin vui cho Vỹ, người đội trưởng mà cậu luôn kính trọng và coi như anh ruột. Cái lưỡi tán gái giỏi như khướu giờ bị tụt vào trong hay sao mà ấp úng mãi không thành câu. Cả đội không phải chờ lâu. Chỉ nửa tiếng sau, một chiếc taxi tải chở hai chục thùng bia cùng đồ nhắm chạy thẳng vào trụ sở Công an quận. Trời rét căm căm mà Lưu mướt mát mồ hôi, gặp ai cũng cười như mếu. Rồi tiếng cười nói chúc mừng, những câu vui đùa tràn ngập căn phòng. Anh em ở các đội khác biết tin cũng ùa đến chia vui. Vỹ đến bên khoác vai Lưu rồi quay về phía mọi người:

- Hôm nay tôi quyết định thưởng cho cậu Lưu một tuần phép để phục vụ chu đáo mẹ con thằng cu tí. Mọi việc trong đội sẽ có anh em lo liệu!

Tiếng vỗ tay râm ran. Vỹ nói xong mà thấy sống mũi cay cay. Suốt từ ngày Lưu tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân rồi được phân công về đội nhận công tác hơn sáu năm nay, đã bao giờ cậu ấy nghỉ trọn vẹn một cái phép đâu? Một lúc sau thì lãnh đạo quận cũng có mặt. Những cái bắt tay, lời chúc mừng cùng những cốc bia vàng óng sóng sánh khiến bao gương mặt thiếu ngủ như giãn ra.

Ở đội điều tra này ngày nào chẳng ngập trong việc, hết trọng án đến thường án, tủ đựng hồ sơ của điều tra viên nào cũng chật cứng. Công việc cứ thế, triền miên, kéo lê họ từ ngày này sang ngày khác, hết tháng này đến tháng khác mà ở đó là niềm vui, nỗi buồn, bao suy tư, trăn trở để rồi bất chợt một lúc nào đó ngoảnh lại nhìn quãng đường đã đi, họ hiểu rằng, tuổi trẻ đã qua, một phần cuộc đời đã qua, nhưng những kỷ niệm về bao tháng ngày đó như đã ngấm vào máu thịt và cho họ niềm tin để họ vững vàng bước tiếp chặng đường phía trước.

Chuông điện thoại reo vang cắt ngang mạch suy nghĩ của Vỹ. Từ phòng trực ban, chiến sĩ trực báo có một phụ nữ giới thiệu là bạn học cần gặp anh. Vỹ nhắn cậu trực ban mời họ vào phòng mình, còn anh chuẩn bị pha ấm trà mới. Khi vị khách xuất hiện trước khuôn cửa cùng mùi nước hoa thoang thoảng, Vỹ hơi sững người. Đó là Trinh, bạn học cũ của anh và cũng là mẹ của Nguyễn Trần Quang Minh. Hai con người ấy như hai dấu hỏi lớn ám ảnh anh suốt thời gian qua.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Hai năm cuối phổ thông, Vỹ ngồi cạnh Trinh. Vỹ học giỏi các môn tự nhiên trong khi Trinh có năng khiếu nổi bật về văn và ngoại ngữ. Tình bạn giữa hai người được gắn kết bởi những kỷ niệm vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của lứa tuổi học trò. Rồi các bạn trong lớp bắt đầu gán ghép. Vỹ lấy làm thích thú về điều này nhưng anh hiểu, người đàn ông mà Trinh lựa chọn không phải là anh.

Dưới con mắt của một thiếu nữ luôn sống nội tâm và đa cảm thì Vỹ chỉ là một cậu bé to xác, quá non nớt trước những va đập cuộc đời. Cô cần một người đàn ông từng trải, có nhiều vốn sống và quan trọng hơn, người đàn ông đó phải là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho cô. Mà những điều này khó có thể hy vọng vào một người bạn cùng trang lứa. Những rung động đầu đời rồi cũng qua đi bởi sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vỹ thi đỗ vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân, còn Trinh nhập trường Đại học Ngoại thương. Thỉnh thoảng hai người vẫn viết thư hỏi thăm tình hình của nhau và luôn duy trì một tình bạn tốt đẹp. Rồi Trinh xây dựng gia đình với Sáng, một thanh niên du học ở nước ngoài về. Ít lâu sau, thằng Minh ra đời. Khi Minh ba tuổi thì bố nó bị tai nạn giao thông trong một chuyến khảo sát ở miền Trung.

Trong đám tang của Sáng, Vỹ không dám nhìn vào mắt Trinh. Trông cô tiều tụy như một cái xác không hồn. Thằng Minh thì vẫn hồn nhiên chạy nhảy với đám bạn bên ngoài. Nó còn quá nhỏ để hiểu về nỗi đau mất cha. Thời gian rồi cũng nguôi ngoai, nỗi đau dần lắng dịu. Mãn tang chồng, Trinh đi bước nữa với một người đàn ông hơn cô chục tuổi. Ông là Phó Viện trưởng một viện nghiên cứu khoa học khá nổi tiếng và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Hai người có với nhau một cô con gái. Thỉnh thoảng gặp nhau trong những lần họp lớp, vẫn quý và tin nhau như những ngày còn đi học, Trinh kể cho anh nghe về cái tổ ấm "cạp lại" của mình một cách hài hước và kết luận là "không đến nỗi nào". Ông chồng già rất thương yêu, chiều chuộng vợ và con riêng của vợ. Hai anh em cùng mẹ khác cha cũng luôn quấn quýt nhau. Cứ đi học về là hai đứa lại líu ríu kể chuyện ở trường lớp, bạn bè, thầy cô. Vỹ thấy mừng cho bạn.

Bi kịch thứ hai trong đời Trinh chính là ngày cô nghe tin con trai là thủ phạm một vụ án mạng. Cả thành phố xôn xao về vụ án đó, đi đâu người ta cùng rì rầm bàn tán về hung thủ gây án, về những cuộc tình tay ba và bi kịch từ sự ghen tuông mù quáng, về nỗi đau tột cùng của người mẹ mất con hay sự bất hạnh cay đắng của người thân có con là kẻ tước đoạt mạng sống người khác…

Đó là những ngày cuối cùng khi thằng Minh chuẩn bị học xong năm thứ ba Đại học. Như hầu hết số thanh niên bị quay cuồng trong nhịp sống hiện đại, nó luôn biết nạp những kiến thức cần thiết để sau này lập nghiệp nhưng cũng chơi hết mình và giỏi thích nghi với cái mới. Trinh thấy lo sợ về tương lai của nó, chỉ biết khuyên ngăn bằng tình yêu thương và những giọt nước mắt. Nhưng ngay cả cô cũng nhận ra rằng, thằng Minh đã trưởng thành, tình yêu thương của người mẹ không thể mang lại cho nó những ham muốn hay dục vọng của tuổi trẻ, và điều quan trọng hơn, nó không muốn ai kiểm soát nó và nó muốn chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.

Những cuộc chơi đêm đã mang lại cho thằng Minh một cuộc tình, và người tình của nó là Loan, gái nhảy vũ trường. Sự dạn dĩ, từng trải của Loan khiến thằng Minh như người bị lạc vào mê cung. Nhưng chính nó cũng hiểu, đó là mối  tình không có tương lai, vui ngày nào biết ngày đó bởi mẹ và cha dượng không bao giờ chấp nhận một người con gái như thế bước chân vào nhà.

Tuổi trẻ vốn thừa bốc đồng và sĩ diện, nó gạt mọi lời khuyên ngăn của mọi người để đến ở trong một căn phòng tồi tàn mà ả gái nhảy kia thuê tại khu nhà trọ ven thành phố. Tất cả diễn ra không quá hai tháng bởi nhân vật thứ ba xuất hiện. Đó là Sơn, người tình cũ của Loan. Thằng này đã nhiều lần gọi điện đe dọa với mục đích Minh phải nhả con bồ cho nó nhưng Minh không chấp nhận. Một đêm, trên đường chở người tình về nhà trọ, Minh bị Sơn cùng hai thằng chặn đường đánh. Trong cơn kích động và để tự vệ, Minh đã nhặt một viên gạch bên đường nện thẳng vào đầu thằng Sơn. Cái đầu nó vỡ toác, máu phun ra ướt đẫm áo Minh. Ngay đêm đó, thằng Minh trốn biệt tăm.

Vỹ nhận được tin vụ án mạng nghiêm trọng đó xảy ra trong địa bàn quận khi anh vừa từ đơn vị trở về nhà sau khi cùng lãnh đạo Công an quận họp bàn với anh em trong đội triệt phá một ổ nhóm lừa đảo bán hàng đa cấp, nạn nhân ở khắp 34 tỉnh thành và số tiền bị kẻ xấu chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong vụ án mạng này, nhân chứng cùng những dấu vết để lại trên hiện trường đủ cơ sở xác định ngay đối tượng gây án nên phải tìm mọi biện pháp cần thiết để truy bắt kẻ phạm tội trong thời gian sớm nhất. Suốt đêm đó cùng những ngày tiếp theo, các đơn vị nghiệp vụ đã tỏa đi khắp những nơi thằng Minh có thể đặt chân tới. Hàng trăm thông tin về những quan hệ của thằng Minh được khẩn trương xác minh trên một diện rộng nhưng chưa mang lại kết quả. Vỹ đã gọi điện nhiều lần cho Trinh, người bạn cũ của anh, mẹ của hung thủ song kết quả vẫn là con số không.

Một tháng, hai tháng trôi qua. Tên giết người vẫn bặt vô âm tín. Hơn một lần anh đến gặp Trinh, thuyết phục để cô hợp tác vì theo quy luật, kẻ phạm tội sau khi gây án bao giờ cũng có mối liên hệ với những người ruột thịt vì muốn nắm thông tin và nhận tiếp tế. Trước mắt anh vẫn là Trinh nhưng với đôi mắt u ẩn thâm quầng. Người đàn bà một thời từng làm xốn xang trái tim trai trẻ của anh giờ ra nông nỗi này ư? Sự nhạy cảm, nhân hậu và chân thành của Trinh bao giờ cũng là điều anh đánh giá cao, ngay cả khi cô đã có cuộc sống riêng. Nhưng sự nuông chiều, quá tin con của Trinh là điều anh không thể chấp nhận. Đàn bà là vậy. Họ luôn luôn tốt và nhân hậu. Song, họ lại trở thành nạn nhân với những bi kịch không tên bởi lòng tốt và sự nhân hậu của chính mình.

*

Trinh gục mặt xuống bàn rất lâu. Tấm lưng gầy của cô rung lên mỗi lúc mạnh hơn. Vỹ cứ để yên cho cô khóc. Một lúc sau, Trinh từ từ ngước cặp mắt đẫm nước lên, nói nhỏ nhưng rành mạch:

- Thằng Minh đã trở về!

- Hiện nó đang ở đâu - Vỹ hỏi và cố nén tiếng thở mạnh.

- Nó đang ở nhà bà ngoại. Nhưng…

Chỉ đủ can đảm nói được như vậy, Trinh lại nấc lên. Vỹ đến bên cô, đặt hai tay lên vai và dỗ cô như một đứa trẻ:

- Bình tĩnh nào. Bạn tôi là người có nghị lực lắm cơ mà. Rồi mọi việc sẽ ổn thôi. Mình có thể giúp bạn điều gì, cứ nói, đừng ngại.

- Có! Mình rất cần bạn, nhất là lúc này. Với một đứa phạm trọng tội như nó, ai cũng có thể bắt giữ bất cứ lúc nào. Mình van xin bạn một điều, một điều này thôi!

- Trinh cứ nói. Mình sẽ làm tất cả những gì có thể.

- Việc là thế này. Bà ngoại thằng Minh ốm rất nặng. Tính mạng như ngọn đèn trước gió. Bạn biết đấy, từ nhỏ thằng Minh đã sống với bà. Bà chăm sóc cháu còn hơn cả mẹ cháu. Người mà cháu yêu quý nhất chính là bà. Nhận tin bà ốm nặng và khó qua, cháu đã trở về và biết thể nào cũng sẽ bị bắt. Cháu nó muốn được ở bên bà những ngày cuối đời. Mình chỉ xin bạn đừng bắt cháu vội. Chờ khi bà nhắm mắt, việc bắt nó cũng chưa muộn.

Vỹ đốt thuốc lặng lẽ suy nghĩ. Yêu cầu của Trinh đưa ra không phải là quá khó, nhưng Vỹ lại nghĩ khác. Đúng là ở hoàn cảnh của thằng Minh, ai cũng có thể bắt nó, nếu vậy thì người bà bất hạnh kia hẳn sẽ không được thanh thản trước khi vĩnh biệt cõi đời. Trong đầu Vỹ đã vạch ra một kế hoạch để giám sát nó, nhưng sau tất cả mọi việc, thằng Minh phải ra đầu thú tại cơ quan điều tra, nó sẽ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Tiễn Trinh ra cổng, Vỹ còn căn dặn cô một số điều. Trước khi lên xe, Trinh mở túi đưa anh một lá thư trong những ngày thằng Minh lẩn trốn ở thành phố Đà Nẵng gửi về nhà qua một người bạn:

- Bạn sẽ hiểu hơn về thằng con mình khi đọc lá thư này…

*

Hai ngày sau, bà ngoại thằng Minh qua đời. Suốt những ngày đó, Vỹ bố trí hai chiến sĩ trong đội canh gác từ căn phòng nhỏ tầng hai của ngôi nhà đối diện. Anh muốn thực hiện lời hứa với Trinh và cũng đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra, đó là việc thằng Minh trốn tiếp. Lá thư thằng Minh viết cho bà ngoại kín hai trang giấy. Chữ nó rất đẹp, hơi nghiêng và rắn rỏi:

"… Bà yêu quý của cháu. Đến bây giờ cháu vẫn không thể tin được mình trở thành kẻ giết người. Cháu có tội với bà, với bố mẹ, người thân. Mọi người quá tốt với cháu, vậy mà cháu chưa đền đáp được gì, lại làm điều ngu ngốc để bây giờ phải chuốc lấy hậu quả. Những ngày sống chui lủi, cô độc nơi xa lạ, cháu càng thấm thía điều này. Cháu vô cùng ân hận, nhưng giờ đây còn ý nghĩa gì nữa?

… Bà ơi! Bà nhớ giữ sức khỏe. Mùa đông sắp về rồi. Bà nhớ mặc áo ấm và quàng chiếc khăn len cháu mua tặng bà nhé. Sống xa bà, cháu luôn cầu chúc bà được mạnh khỏe.

… Tết này, cháu không có mặt ở nhà. Vậy là cháu đành thất hứa với bà, không đưa bà đi tảo mộ được. Cháu ngàn lần chắp tay mong bà tha thứ cho thằng cháu tội lỗi này…".

Đợi cho đoàn xe tang khuất dần trên con đường chạy thẳng xuống nghĩa trang thành phố, Vỹ mới vỗ vai Minh, bảo nó lên xe. Đôi mắt nó nhòe nước và hai bàn tay đan chặt vào nhau. Khi còn cách cổng Công an quận vài chục bước chân, anh dừng lại và bảo nó đi tiếp. Vỹ nhìn nó hồi lâu, mỉm cười và gật đầu động viên. Ngay sau đó, nó xoay người với một động tác dứt khoát bước nhanh về phía trụ sở Công an quận đầu thú.

Giữa dòng người xuôi ngược, nhìn cái dáng cao lớn của thằng Minh khuất dần sau cánh cổng sắt, Vỹ mới lên xe. Có một niềm vui đang dâng lên trong mắt anh và ánh lên trong nắng ban mai

N.T.
.
.