Năm phút nữa đến giao thừa

Thứ Ba, 14/03/2006, 11:39
Chẳng hiểu bốn anh chàng này là hạng người nào và đang muốn gì. Có thể đây là 2 nhóm đinh tặc đang tranh giành địa bàn. Cũng có thể chúng cùng một hội, diễn trò tiếp để bắt chẹt tôi. Đúng lúc tôi còn đang mông lung đoán định, thì anh chàng đang chữa xe đứng phắt dậy, lao vào một trong hai gã mới đến...

Kim giờ của chiếc đồng hồ dạ quang trên tay tôi đã nhích qua con số mười một. Vậy là  tôi sẽ có mặt trong căn nhà ấm cúng của mình đúng lúc giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời khắc thiêng liêng nhất đối với mỗi gia đình. Tôi mường tượng rõ mồn một: Vào thời khắc ấy, vợ tôi sẽ sắp một mâm cơm cúng thịnh soạn. Đứa con gái lớn sẽ ra bể lấy cốc nước lã, thằng con trai bé châm ba nén hương, còn tôi trịnh trọng bước đến trước bàn thờ khấn vái theo đúng lễ nghi mà hồi còn sống bố tôi vẫn làm.

Chiếc kim phút nhích đến con số 30. Bên tai tôi hình như văng vẳng có tiếng ríu rít của hai đứa con tôi.

Tiếng đứa con trai:

- Em đố chị biết, bây giờ bố phóng xe đến đâu rồi?

Tiếng con chị:

- Cứ như tin bố nhắn về thì giờ này bố đã đến cầu Mục rồi.

- Ứ phải, giờ này đường vắng, bố phóng sáu, bảy mươi cây số một giờ thì phải qua cầu Mục lâu rồi.

- Không, chẳng bao giờ bố nhà mình dám phóng quá năm nhăm cây số một giờ đâu.

Tôi mỉm cười theo chúng nó. Con chị đã đúng. Tôi mới đến cầu Mục và kim chỉ tốc độ trên công-tơ-mét chỉ dao động ở con số 50. Phần vì tôi là người thần kinh yếu, phần vì theo ti vi và báo chí, đoạn đường này thường bị rải đinh…

Trong lúc tôi còn đang ngất ngây sung sướng tưởng tượng ra cảnh đoàn tụ với vợ con sau gần một năm “trấn thủ lưu đồn” thì bất ngờ chiếc xe chao đảo như con ngựa bất kham hất tôi xuống đường. Khi định thần lại, tôi hiểu ngay ra cơ sự. Tôi lồm cồm bò dậy, chống chân giữa và lần tìm đinh trên chiếc lốp trước đã xẹp lép. Ngón tay tôi chạm vào đầu một cái đinh khá nhọn. Tôi là anh lính thuộc vào loại khỏe của đơn vị mà không tài nào rút nổi cái đinh ra khỏi lốp. Cảm giác hồi hộp hạnh phúc phút chốc được thay bằng nỗi bực dọc và lo lắng. Bốn bề vắng lặng. Gió lạnh từ ba bề bốn bên thổi tới. Cả những giọt mưa lạnh lẽo nữa. Đúng là đêm “năm cùng tháng tận”. Không thể dắt nổi con xe Minxkơ hết hơi đang chất đầy hàng hóa, đồ đạc, tôi đành phải đứng đợi sự may rủi. Ước gì giờ này có một chiếc ô tô tải nào hết hàng chạy qua. Ước gì một ông bạn đi xe máy nào mang theo đồ nghề bơm vá phòng xa. Tệ lắm là bọn rải đinh phát hiện ra mình là “con mồi” sập bẫy đến “giúp đỡ” rồi thẳng tay “chém chặt” cũng còn hơn là đứng đây suốt đêm…

Trong lúc tôi còn đang bấn loạn với những ý nghĩ như vậy thì phía trước có ánh đèn xe máy quét tới. Cầu mong đó không phải là bọn trộm cướp…

Ít phút sau chiếc xe máy đã dừng bánh trước mặt tôi. Một trong hai người ngồi trên xe hỏi:

- Có chuyện gì thế?

- Dính đinh. Nhưng đã gọi điện cho người nhà ra đón rồi.

Tôi cố đáp bằng giọng cứng cỏi và bịa ra chuyện gọi điện chứ từ bé đến giờ tôi đã biết sử dụng điện thoại di động thế nào đâu. Nhà tôi cũng chẳng có điện thoại.Hồi sáng, trước khi rời đơn vị, tôi gọi điện về một gia đình ở đầu làng nhờ họ báo tin cho vợ con rằng tôi được thủ trưởng cho nghỉ tranh thủ hai ngày và sẽ có mặt ở nhà  trước lúc giao thừa. Rằng tôi đã mượn được xe của đơn vị...

- Vậy có cần giúp đỡ không? Bọn này có đồ nghề vá xe phòng xa đêm hôm đây - Người khách lạ hỏi tôi:

Đích thị là bọn “đinh tặc” rồi. Có rải đinh thì mới biết  mình gặp nạn ở đây mà kịp đến chứ. Còn chuyện mang theo đồ nghề phòng xa, chúng cũng phịa ra như mình phịa chuyện gọi điện thoại chứ gì. Nghĩ vậy, tôi trả lời:

- Chắc phải mười phút nữa mấy thằng em tớ mới đến được. Tết nhất, nhanh phút nào hay phút ấy, phiền các cậu giúp.

Được lời của tôi, hai người khách lạ dựng xe sang bên đường. Một anh soi đèn pin, một anh mở túi đồ nghề. Có cả một cái bơm giậm bằng chân từ thế kỷ trước. Anh thợ đã nhổ được chếc đinh dài ngoẵng và làm tiếp công việc móc lốp lấy xăm ra. Qua ánh đèn pin tôi nhìn thấy bàn tay của anh ta lóng ngóng vụng về. Ngữ này khéo chỉ quen rải đinh chứ chẳng thạo bơm vá. Và sau khi diễn cái trò này, anh ta sẽ “quát” bao nhiêu tiền đây! Đế tránh cái sự “chém chặt” quá đáng, tôi lên tiếng:

- Các ông định lấy miếng vá này bao nhiêu đây? Tôi là lính biên phòng được về tranh thủ, chả có nhiều tiền đâu.

Anh soi đèn pin giọng khôi hài:

- Tùy ông. Đáng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Nhưng chắc chắn chúng tôi không có họ với bọn “cơm tù” và bọn bán bia rượu kèm “ca ve tươi” đâu.

Dẫu vụng về nhưng cuối cùng anh thợ cũng đã chuyển sang công đoạn cuối cùng là bơm lại chiếc xăm vừa vá. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn mười lăm phút nữa là đến giao thừa. Từ xa lại xuất hiện ánh đèn xe.Và chưa đầy một phút sau một chiếc xe máy phân khối lớn dừng lại trước mặt chúng tôi. Người ngồi trên xe hất hàm hỏi:

- Có chuyện gì đấy?

Tôi cũng lặp lại câu trả lời  ban nãy:

- Dính đinh.

Hai người mới đến đồng thanh:

- Trò hề của bọn “đinh tặc” đây. Vậy các ông tự vá à?

Hai anh chàng này có thể là bọn đồng minh giải thoát cho mình khỏi cái giá “chém chặt”. Tôi thoáng nảy ra ý nghĩ như vậy, liền đáp:

- Không, tình cờ hai ông bạn này đi qua. Thương tình lính tráng đêm hôm gặp nạn mà giúp đỡ thôi…

- Đến giúp hay đến “chém” đấy - Hai anh chàng mới đến lên giọng.

Tôi cảm thấy bình tĩnh vì sự có mặt của hai người bạn mới, bèn dàn hòa:

- Đừng nghĩ oan cho các anh ấy.

Rồi tôi quay sang anh cầm đèn pin hỏi tiếp :

- Này, hai anh bạn định lấy tôi bao nhiêu tiền?

- Bốn chục.

Giá không có hai anh bạn mới đến, chắc chẳng thể nào họ chịu lấy cái giá “bèo” như thế đâu. Tôi rút tiền toan đưa cho họ. Người ngồi trên xe phân khối lớn nói với tôi:

-Này, để họ “chém” như thế mà chịu được à. Một miếng vá ban ngày là 20 ngàn đồng, ban đêm lấy đến 30 ngàn đồng là quá lắm rồi. Ông chỉ trả 30 ngàn, nếu không chịu, bảo họ lột miếng vá ấy ra. Bọn này vá miễn phí luôn cho ông.

Anh chàng cầm đèn pin:

- Các ông có chắc là vá miễn phí không?

- Chắc như đinh đóng cột - Vừa nói anh chàng ngồi phía sau ném bộ đồ nghề xuống đường. Có cả hàng trăm cái đinh tự chế văng ra tung tóe.

Anh chàng cầm đèn pin cười mỉa mai:

- Đất có thổ công, sông có hà bá. Các ông ở đâu mà dám đến đây hành nghề hở?

Một trong hai người cưỡi xe phân khối lớn liền, nhảy phắt xuống đường, chống nạnh quát lớn:

- Này, dễ thường bọn tao dọn cỗ cho lũ vạc đi ăn đêm chúng mày hưởng đấy hở?

Tôi chẳng hiểu bốn anh chàng này là hạng người nào nữa. Ai cũng đội mũ xùm xụp. Trời tối đen như mực thế này khó mà “trông mặt để bắt hình dong”. Có thể đây là 2 nhóm đinh tặc tranh giành địa bàn của nhau. Cũng có thể chúng cùng một hội, diễn trò tiếp để bắt chẹt tôi. Đúng lúc tôi còn đang mông lung đoán định như vậy thì anh chàng đang chữa xe đứng phắt dậy, lao vào một trong hai gã mới đến. Một chiếc còng số 8 của anh thợ vá xe đã bập vào tay đối thủ. Đợi cho anh vá xe làm xong nhiệm vụ, anh chàng cầm đèn pin rút điện thoại di động bấm số và nói như reo:

- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng cho ngay xe đặc chủng xuống km 34 cách cầu Mục 2 km về phía nam đón hai gã đinh tặc ạ.

Gọi điện xong, anh chàng cầm đèn pin rút từ trong túi ra chiếc thẻ màu đỏ, quay sang tôi giọng phấn khởi:

- Cả tuần nay, ngày nào anh em chúng tôi cũng cử người đi dọn đinh trên đoạn đường này mà vẫn chưa hết. Anh gặp nạn như thế này, một phần lỗi cũng là của chúng tôi. Chúng tôi chưa triệt được tận gốc bọn đinh tặc. Cũng may đêm giao thừa này, thủ trưởng của chúng tôi phòng xa, cắt cử mấy tổ thay phiên nhau tuần tra trên đường nên anh em ta mới gặp nhau. Là lính biên phòng hở…Vậy thì thời gian tranh thủ phải tính bằng phút,  lên đường ngay đi kẻo người nhà mong.

Tôi lặng người đi không biết nói gì. Đúng là còn  năm phút nữa là đến giao thừa. Nhưng được ở bên những người lính trinh sát vào thời khắc này cũng ấm áp và hạnh phúc lắm. Có lẽ đây là một giao thừa đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi

.
.