Muốn cũ thì có cũ

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:09
Sau khi nghỉ hưu, thầy giáo Văn rời thành phố, về dưới quê sống ung dung, nhàn nhã, tự do tự tại. Buổi sớm thức dậy, nghe gà gáy te te đầu tường, lũ chim sẻ chí chóe trên cây, nhìn chó chạy loăng quăng ngoài cổng, rồi mấy luống củ cải, cải trắng xanh rờn trong vườn…, thầy Văn cảm thấy đây mới thực sự là cuộc sống có sinh khí, đáng để mà sống.

Chỉ có khiếm khuyết duy nhất, đó là việc muốn đọc sách ở đây thực sự là điều khó khăn. Có người mách ở trụ sở thôn có sách, có nhiều sách là đằng khác. Mấy cái giá chất đầy nhóc sách, xếp ngay ngắn nhưng đã bị bụi bặm phủ lên một lớp dày như tấm thảm. Thầy Văn muốn tìm ông trưởng thôn để hỏi mượn sách vì mượn sách không giống như mượn tiền, không sợ mất mặt.

Trưởng thôn đang cầm tách trà, miệng phì phèo điếu thuốc lá, hơi nước và khói thuốc bốc lên uốn lượn vòng vèo trên đầu, nhìn hệt như khói hương thắp trong miếu thờ vậy. Ông ta nói: "Thầy xem sách cả một đời, già rồi mà vẫn không chịu nghỉ hay sao?".

Thầy Văn đáp: "Không xem sách thì chẳng còn ý vị gì nữa". Trưởng thôn bảo: "Sách của tôi không thể cho ông mượn về được!". Thầy Văn thủng thẳng: "Sách mà không cho ai xem, sao có thể gọi là sách được chứ?". Trưởng thôn đáp: "Có người xem chứ, đó là cấp trên xem. Ông nghĩ coi, cấp trên xuống kiểm tra, sách của tôi đem cho mượn lung tung hết thì lấy sách đâu cho họ xem?".

Minh họa: Lê Tâm.

Thầy Văn vốn dĩ mặt mỏng, nghe trưởng thôn từ chối như vậy thì không nói gì nữa, lẳng lặng ra về. Không cho mượn thì thôi, chẳng chết ai.

Một hôm, thầy Văn đang nằm khểnh phơi nắng, ngắm nhìn chó, gà, ngan ngỗng đang nô giỡn ngoài sân thì ông trưởng thôn xộc đến, chìa ra chiếc chìa khóa, bảo thầy Văn: "Thầy Văn, đây là chìa khóa phòng đọc sách của thôn, ông muốn đọc sách thì cứ đến đọc thoải mái đi!".

Thầy Văn nhỏm dậy: "Ông trưởng thôn lại khách khí rồi, tôi còn đọc được bao nhiêu nữa đâu. Mắt hoa rồi, có chăng chỉ là để giết thời gian thôi mà!". Ông trưởng thôn cười bả lả: "Kìa thầy Văn, ông cứ dẫn người đến đọc sách đi, tôi sẽ pha trà, bưng nước cho ông. Trà Bích Loa Xuân, rồi Thiết Quan âm…tôi đều có cả". Thầy Văn cũng cười, đáp: "Đọc sách là phải thanh tĩnh, đông người quá, đọc không vào. Già rồi, thận yếu uống nhiều nước, phải chạy đi vệ sinh…thì còn gì hứng đọc sách nữa?".

Trưởng thôn vội đáp: "Nhà vệ sinh ở đó tôi cũng có, thầy cứ đến đi!". Trước thiện chí của trưởng thôn, thầy Văn đến trụ sở thôn; thấy đã có mấy ông bà già ở đó và quả nhiên, trưởng thôn đãi họ uống trà.

Nhưng thầy giáo Văn chỉ đến đó có một lần, bởi vì bà con trong thôn đến đó, ăn ăn, uống uống rồi chuyện trò, bàn tán ồn ào, có thấy ai đọc sách đâu! Thầy Văn không chịu nổi cái cảnh ồn ào, huyên náo ấy, muốn mượn sách về nhà để có thể tùy nghi, thích nằm đọc thì nằm, thích ngồi dựa tường đọc thì ngồi…. nhưng vì lần trước đã bị trưởng thôn từ chối nên thầy không hỏi lại, mà cũng chẳng đến trụ sở thôn nữa.

Một hôm rỗi rãi, thầy Văn đi tản bộ, chợt thấy có hai chiếc xe ô-tô tải đậu ở bên cửa trụ sở thôn. Có người đang dỡ hàng từ xe ô-tô xuống, lại có người bê đồ xếp lên chiếc xe kia, còn ông trưởng thôn thì đứng bên chỉ trỏ, điều hành công việc.

Thầy Văn vốn không phải là người thích dúng vào chuyện của người khác nhưng vì hiếu kỳ, thầy hỏi ông trưởng thôn: "Làm gì mà bốc lên, dỡ xuống náo nhiệt vậy ông?". Trưởng thôn rít một hơi thuốc, nhả khói mù mịt, đáp: "Cấp trên vừa đến kiểm tra, họ bảo sách gì mà cứ như mới tinh, chưa giở ra đọc lần nào rồi chê là tôi không biết làm việc. Muốn cũ thì có cũ, đã thế, tôi bán hết chỗ sách mới này đi, mua của trạm phế liệu một xe sách cũ thay thế vào…hì hì…".

Đột nhiên, thầy Văn khục khục liên hồi, thở dồn dập, nước mắt nước mũi giàn giụa, đập đập tay ông trưởng thôn, hổn hển: "Trưởng thôn, ông bỏ thuốc lá đi nào, sặc chết tôi rồi!".

Truyện vui của Úy Tân Mẫn (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.