Một phạm nhân khó chịu

Thứ Bảy, 27/01/2018, 08:55
Ở Monaco, một người đàn ông phạm tội giết vợ bị kết án tử hình nhưng có một điều kỳ lạ là ở đây không có công cụ để thi hành án tử hình.

Mọi người thảo luận vấn đề này rất lâu và đều không nghĩ ra được biện pháp khả thi. Cuối cùng, Quốc vương đề nghị giảm án cho người này từ tử hình xuống tù chung thân. Mọi người đồng ý với đề nghị của Quốc vương nhưng lại xảy ra một vấn đề khác là không có nhà tù để giam giữ phạm nhân. Vị Quốc vương đành phải ra lệnh xây một nhà giam và cử một người cai ngục để giam giữ phạm nhân này.     

Mấy tháng đầu tiên mọi việc đều thuận lợi, phạm nhân suốt ngày nằm trên nệm cỏ trong nhà giam ngủ, còn người canh giữ thì ngồi ở cái ghế ngoài cửa, suốt ngày ngắm những người qua lại và ngủ gà ngủ gật. Ở quốc gia này, vị Quốc vương rất tiết kiệm các khoản chi tiêu, ông chú ý đến cả những khoản chi tiêu dù là rất nhỏ nhặt, có lẽ đây là một sai sót của ông ta.

Minh họa: Lê Tâm.

Khoản chi tiêu về người phạm nhân được đưa lên cho Quốc vương, trên đó ghi: Sửa chữa nhà giam, nuôi phạm nhân và chi phí của người canh giữ v.v... Vị Quốc vương trợn tròn mắt, ông ta nghĩ: “Phạm nhân hãy còn trẻ, nếu khoản chi này cứ tiếp tục lâu dài sẽ là một gánh nặng”. Quốc vương lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp nghĩ cách giảm bớt khoản chi. Bộ trưởng Tư pháp thảo luận với bên Tòa án, nhất trí cắt bỏ người canh ngục để phạm nhân tự quản mình. 

Khi không còn người cai ngục, một người đầu bếp của Tòa án phụ trách việc mang cơm cho phạm nhân. Hình như người phạm nhân này không muốn được tự do. Có một ngày, người đầu bếp quên mang cơm và mọi người thấy anh ta thản nhiên xuống nhà bếp xin cơm ăn và cũng từ đó, chẳng cần người đầu bếp đưa cơm nữa, thành thói quen cứ đúng giờ, phạm nhân đến nhà bếp ăn cơm cùng với nhân viên Tòa án và anh ta trở thành bạn của rất nhiều người. Sau bữa cơm trưa, anh ta đi tản bộ đến tận Monte Carlo, đôi khi anh ta còn đến sòng bạc quẳng lên bàn mấy franc...

Khi thắng được ít tiền, buổi tối anh ta đến nhà hàng sang trọng ăn một bữa thật thịnh soạn rồi lại trở về nhà giam và cẩn thận đóng cửa lại. Từ khi thực hiện chế độ tự quản, chỉ có duy nhất một lần anh ta ở bên ngoài vào ban đêm.

Dần dần, sự việc thay đổi không phải đối với phạm nhân mà đối với thẩm phán nên tòa án lại bàn về phạm nhân một lần nữa và quyết định buộc người phạm nhân phải rời khỏi Monaco. Khi người ta báo cho anh ta quyết định này, anh ta thẳng thừng trả lời: “Tôi thấy đây là một trò cười, mọi người muốn đuổi tôi đi thì tôi thành người gì? Tôi sẽ là người không có nguồn gốc, không có gia đình, mọi người định bắt tôi làm gì? Tôi bị án tử hình, mọi người không để cho tôi được chết, tôi không nói gì cả, sau đó tôi bị đổi thành tù chung thân và giam giữ tôi. Khi mọi người cắt bỏ người coi ngục, tôi cũng không nói gì. Bây giờ, mọi người lại đuổi tôi đi khỏi đất nước của tôi. Không thể được! Tôi là phạm nhân, là phạm nhân do Tòa án phán quyết tôi phải trung thực, phải chấp hành án, tôi sẽ mãi mãi ở đây!”.

Lời nói của anh ta rất hợp tình hợp lý nên tòa án tối cao không bác bỏ được. Quốc vương nghe tin nổi giận, lập tức ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với phạm nhân này.

Mọi người lại phải họp bàn về vấn đề tù nhân và cuối cùng quyết định: Cấp cho tù nhân 600 franc sinh hoạt phí để anh ta ra nước ngoài sinh sống. Người phạm nhân chấp nhận quyết định, anh ta đến một nơi rất xa, thuê một mảnh đất trồng các loại rau quả, từ đó anh ta chẳng bận tâm đến ai nữa. Anh ta sống một cuộc sống sung sướng trên mảnh đất của mình.    

Truyện vui của Maupassant (Pháp)- Thiêm Nguyễn (dịch)
.
.