Một nhà

Thứ Hai, 25/07/2016, 08:00
… Có một bàn tay mềm và ấm nóng vỗ nhẹ lên vai cùng gương mặt thiếu nữ rạng ngời, sáng láng. Mãi sau này anh mới cảm nhận chính gương mặt ấy đã đưa ban mai vào ngôi nhà hoang quạnh và làm dịu bớt nỗi đau của đứa con mất mẹ.

Dục về đến làng thì đêm đã về khuya. Từ đường cái quan vào, rẽ theo con đường đất rìa làng, nghe những rặng tre gió đưa kẽo kẹt như tiếng đánh võng, tiếng chó sủa vu vơ, lạc lõng mà bồn chồn từ lòng dạ tới bước chân. Giờ này chắc mẹ đã đi nằm. Dục cứ cố tưởng tượng gương mặt mẹ mình với những nếp nhăn, với sự chuyển màu của mái tóc, về cái dáng đi mau mắn và đặc biệt là đôi mắt, một đôi mắt mà từ khi anh lớn lên chưa bao giờ bắt gặp trong đôi mắt ấy một nụ cười. Đôi mắt mẹ anh thật đẹp nhưng hình như nó sinh ra để mà u uẩn, để mà chôn giấu những điều bí mật.

Muốn dành cho mẹ sự bất ngờ, Dục khẽ nhấc chiếc cánh cổng tre đã ọp ẹp rồi rón rén bước vào vuông sân đổ tam hợp chỉ bằng ba manh chiếu trải sát nhau. Nhà tối om. Luồn tay khẽ đẩy cái then cửa, mặc dù đã cố lựa thật khẽ mà cái ngõng cửa gỗ kiểu phản thịt vẫn cứ kêu kèn kẹt. Dục bật lửa. Khi ánh sáng vừa mới phát ra từ cái bật lửa Zípcô kịp soi sáng căn nhà mẹ gỗ con tre, bé và thấp sẹt là ánh mắt của mẹ từ di ảnh. Dục chỉ kịp kêu lên hai tiếng: “Mẹ ơi!”.

Chưa kịp cởi ba lô, anh đã quỳ gục trước ban thờ nức nở.

Đêm như đông đặc. Những ngôi sao nhạt nhòa trong tiếng côn trùng rỉ rả, thê lương… Không có ảnh mẹ lúc già, ai đó đã mang truyền thần từ ảnh chứng minh thư. Một gương mặt đẹp, phúc hậu nhưng buồn. Mắt Dục nhòa đi trước những sợi khói uốn lượn như hình dấu hỏi trước di ảnh mẹ.

Rồi anh thiếp đi trong tư thế tựa lưng vào chân cột.

… Có một bàn tay mềm và ấm nóng vỗ nhẹ lên vai cùng gương mặt thiếu nữ rạng ngời, sáng láng. Mãi sau này anh mới cảm nhận chính gương mặt ấy đã đưa ban mai vào ngôi nhà hoang quạnh và làm dịu bớt nỗi đau của đứa con mất mẹ.

Người con gái lặng lẽ thắp hương.

- Bố em bảo sáng nào cũng phải đến thắp hương trên bàn thờ bác cho đủ một trăm ngày. Bác mất cách đây đã gần ba tháng. Anh mới về chắc chưa biết?

- …

- Em là con gái bố Thạo. Đồng niên với bố anh. Lúc bác mất, anh đang ở trong chiến trường. Bà con thôn xóm đã lo chôn cất cho bác chu đáo, mồ yên mả đẹp. Anh về rồi, tính đến hôm nay là còn mười bảy ngày nữa. Anh…

- Anh vô cùng cảm ơn bà con thôn xóm, hai bác bên nhà và em. Em là con gái bác Thạo chuyên đốt lò gạch phải không?

- Vâng! Anh đi lâu ngày mà vẫn nhớ. Bây giờ nhà em vẫn đốt gạch.

Cái eo lưng thon mềm của con gái ông Thạo đã khuất sau rặng duối ngoài ngõ. Cả buổi sáng ấy và nhiều ngày sau đó Dục cứ bần thần thương nhớ mẹ không nguôi.

*

Nhà ông Thạo đến nay cũng chẳng có gia phả, tộc phả, ông chỉ biết gia tộc mình là dân ngụ cư. Từ mấy đời trước, gốc gác của mình là ở Hà Nam lên làm mõ đã mấy đời ở cái đất này. Người ta bảo: “Thứ nhất thì vợ thầy bùa/ Thứ hai vợ mõ vợ vua nào bằng” chả biết có đúng không, chứ từ cái thời hợp tác xã thì trong cái làng này ông vẫn sướng hơn chán vạn người, tuy chỉ là một anh xã viên quèn trông coi một cái lò gạch. Thì ai muốn xin mấy gánh xỉ than về đóng gạch ba banh cũng cho ông chai rượu hay mấy đồng bạc lẻ. Vừa không phải mất sức xúc đổ đi mà lại có tiền tiêu vặt. Ấy là chưa kể có những kiêu gạch mới ra lò biết bay do ông chắp cánh.

Thời ấy, việc nấu rượu lậu coi như tội phạm nên mới có câu “Uống rượu như uống máu đào”. Nấu rượu thì còn dễ che giấu vì ở trong nhà. Nấu xong thì phải đem bán chui bán lủi. Hèn nào có tên là cuốc lủi. Cứ vài ba tối, cô Nhàn lại mang cho ông một chai sáu nhăm nút lá chuối khô. Chai rượu được giấu trong cạp quần, úp chiếc nón che trước bụng vừa thơm lừng hương nếp cái, ấm nóng nhờ cái phần bụng dưới vừa thơm cả mùi thịt da con gái. Rơm đốt mãi cũng phải bén vào củi, củi đốt mãi rồi cũng bén vào than trong lò gạch nữa là đàn ông với đàn bà. Nhiều bận ông luồn tay vào bụng cô Nhàn để lấy chai rượu khiến cô co rúm người lại, lâu dần chẳng thấy cô hất tay ra…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Đồng không mông quạnh, chỉ có tiếng ếch nhái uôm oam và khói lò gạch lởn vởn, lờn vờn vây lấy khu lò gạch như một chiếc màn trời mắc trong đêm. Bộ cánh ghế bốn tấm bằng gỗ xà cừ kê cạnh bếp củi, bắc bằng mấy viên gạch mộc nhiều đêm rung lên hối hả. Họ quấn lấy nhau, uống ừng ực như ruộng hạn gặp trời mưa. Nhưng thời gian cũng không đủ được ba lần trăng tròn rồi khuyết. Đấy là cái đêm mà cả hai đều vô cùng sợ hãi khi nghe Nhàn bảo:

- Tôi tắt kinh đã hai tháng rồi đấy!

Nhìn hai cái núm vú tròn vành vạnh như hai đồng năm xu mấy bữa trước còn đỏ hồng giờ đã thâm nâu làm ông Thạo tái mặt. Ở cái làng này, chuyện nhà ai đêm qua mất con gà, chó nhà nào đẻ một lúc sáu bảy con đến con dâu nhà ai đẻ ra một cái quái thai, trên trán có sừng, nhe ra hai cái răng nanh thì chỉ một loáng sau cả làng đều biết. Một đứa con gái thì chửa hoang, một thằng đàn ông thì hủ hóa thì làm sao mà bịt nổi được mồm thiên hạ. Lạy giời lạy đất, biết làm sao bây giờ?

- Anh phải tính đi. Không thể chần chừ, không thể để lâu được nữa.

- Thì ta cưới!

- Nói thế mà cũng nghe được. Mà cũng chỉ tại tôi dễ dãi thôi. Đã bảo là không được mà cứ lấy thịt đè người, cứ sấn xổ đè người ta xuống chiếu. Đời nào bố mẹ tôi và dòng họ đồng ý gả con gái cho nhà “đập ngang”.

Nghe hai tiếng “đập ngang”, ông Thạo đau đến tận xương tủy vì cái thân phận của mình có liên quan đến nghề làm mõ trước đây. Ở cái làng này, có ai coi trọng mình? Người muốn lấy xỉ than bảo đưa năm hào, thậm chí bảo đưa đồng rưỡi mà chả thấy ai kỳ kèo. Hóa ra là họ không muốn dây với mõ. Thời xưa việc làng, đang ăn mà mõ đến trút thức ăn, đến chánh phó lý, xã trưởng cùng phải ngậm miệng nữa là. Nói ra chỉ thêm xấu mặt là tranh ăn với mõ. Cô ấy là người duy nhất chẳng dám khinh mình, nếu coi khinh thì đã chẳng như vậy.

- Anh tính thế nào thì tính. Đừng để tôi phải đi tự tử.

Nhàn gạt nước mắt, cắp nón ra về, mặc cho ông Thạo quỳ dưới nền đất van vỉ.

…Đấy là những ngày mà ông Thạo rối trí. Đêm nằm thẳng đưỡn trên bộ cánh ghế, vắt tay lên trán nghĩ ngợi nhưng cũng chả nghĩ được điều gì để có thể lấy được nhau. Cũng từ hôm ấy, Nhàn cũng không ra lò gạch nữa, không có rượu uống nên lại càng nhạt mồm nhạt miệng và ngày càng trở nên bí bách, gan ruột bồn chồn.

Rồi có một đêm, ông mơ thấy dưới thùng đấu lấy đất làm gạch, qua mấy trận mưa đầy nước, xác Nhàn lõa lồ, cái bụng phình lên, tóc xõa như có đôi tay lùa vào, hất tung cho gió thổi. Lạ thế, người chết đuối hay tự tử mà đôi môi, đôi núm vú và hạ thể vẫn đỏ hồng, đủ cả ba cái đen cái đỏ cứ nửa chìm nửa nổi, cứ quay quay ở giữa ao.

Ông muốn lao ra mà đôi chân như có ai buộc dây trói, không thể tài nào nhúc nhích được, rồi choàng tỉnh. Mồ hôi ướt đầm từ mặt xuống lưng. Ông choàng dậy, xách cái đèn chai chạy vội ra thùng đấu. Nước vẫn trong veo, chỉ xâm xấp cỡ ngang ống chân. Vài con cá rô ron thi thoảng lại nhảy cỡn lên, khiến mặt nước sóng sánh, lấp lánh ánh sao trời. Rã rời lê bước chân về lều, ông ngồi bệt ngay nơi cửa ra vào. Chiếc nõ điếu chốc chốc lại đỏ lên cho đến sáng. Ông giật mình khi thấy một mụ nạ dòng bảo:

- Hôm nay cánh tôi chỉ làm đến chín rưỡi, mười giờ thôi đấy! Còn phải về ăn cưới cô Nhàn con cụ Nhã.

- Lấy ai?

- Lấy cu Thước thọt chân chứ còn lấy ai. Thế cậu không được mời à?

Ông đánh trống lảng:

 - Bỏ thế nào được cơ ngơi, tài sản của hợp tác xã.

Ông khép cửa vào lều. Tự đấm vào ngực mình và xỉ vả:

 - Mày là một thằng hèn. Thế gian này còn có ai hèn như mày không hả Thạo? Vàng mười hẳn hoi mà mày không biết giữ. Mày đắp đập, be bờ để cho người ta mang lờ đơm cá. Có còn đáng mặt làm thằng đàn ông nữa không hả Thạo? Chết quách đi cho rồi.

Thế rồi Thạo lăn ra ốm. Ốm mà không chết cho mới khổ. Công việc thì hợp tác cử người ra thay. Mỗi ngày cô y tá ở trạm xá ra tiêm thuốc cho một lần, chừng mươi hôm thì khỏi.

*

…Đêm ấy Nhàn ra lò gạch. Chai rượu không giấu trong cạp quần như mấy bữa trước nữa mà để trong một chiếc rổ cùng một nải chuối tiêu chín trứng cuốc.

- Biết anh ốm nhưng không ra thăm được.

- Thì cũng chỉ cảm cúm qua loa. Việc ở nhà thế nào rồi?

-  Hỏi thế nào thì biết trả lời thế nào. Thôi thì bây giờ duyên ai phận nấy. Tôi giờ gái đã có chồng. Anh cũng nên tìm người cho nó có sớm có tối.

Nhàn quay mặt về phía bức vách lau nước mắt. Cô không giận gì Thạo về cái việc bỏ mặc mình lo liệu. Cũng chỉ do hoàn cảnh, do quan niệm của người đời và miệng lưỡi thế gian. Chứ rủ nhau trốn biệt không vác mặt về làng thì Nhàn không muốn. Nhàn còn cha còn mẹ, lúc khỏe mạnh thì không sao, lúc cha già mẹ héo thì biết trông cậy vào ai. Còn bảo đi tự tử thì lại càng không muốn. Cái thai trong bụng hình như đã bắt đầu mấp máy.

Thôi thì cũng vì con, người mẹ nào mà chả thương con. Nếu có phải chết cho con được sống thì cũng chẳng nề hà. Nghĩ thì như thế nhưng Nhàn vẫn thấy tủi. Từ hôm cưới đến nay, đêm nào thọt chân cũng trèo lên bụng vợ, hấp ta hấp tấp như người dại đi chợ ngẩn ngơ. Chưa tới chợ đã hết tiền rồi lăn ra ngủ.

Hất thọt chân xuống giường, Nhàn ra giếng đá ong thả vội chiếc gầu mo cau kéo nước. Vừa rửa sạch cái nhơ nhớp, rửa sạch nỗi tủi hờn vừa rưng rức khóc. Khóc để được than thân trách phận, khóc cho số kiếp đàn bà như hạt mưa sa. Và, khóc để được an bài, nhẹ nhõm. Mà sao cũng là nước mắt, sao nước mắt đàn bà lại khổ thế? Sao đàn bà lại cứ phải trần đời duyên nợ…

Nghĩ tới những đêm mang tiếng có chồng mà chua xót. Cái chua xót thổi bùng duyên nợ đã dẫn Nhàn ra lò gạch đêm nay. Vẫn là đêm đồng không mông quạnh, chỉ có tiếng ếch nhái uôm oam và khói lò gạch lởn vởn, lờn vờn vây lấy khu lò gạch như một chiếc màn trời mắc trong đêm. Biết là không thể trọn tình, biết là vẫn còn dang dở, thôi thì đêm nay Nhàn đi trả nợ cho người ta lần cuối.

…Nhàn thong thả mặc áo quần, vấn lại tóc. Có lẽ phải đến sau cái giây phút viên mãn này Nhàn mới thực sự thanh thản, không hề vướng bận cái duyên nợ trần đời. Cái giọng nói yếu ớt, run rẩy rất bản năng đàn bà:

 - Nhẹ thôi! Tôi về.

*

Từ sau khoán sản và cấp bìa đỏ đất nông nghiệp, đất chuyên dụng cho các hộ nông dân, cái lò gạch của ông Thạo chỉ không có cái giấy phép kinh doanh, không có tờ khai xin thành lập doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mà thôi, nhưng theo ngôn ngữ báo chí thì nó hoạt động cực kỳ hiệu quả. Giải quyết nhiều công ăn việc làm và thu nhập của người dân địa phương. Thu nhập của một ông chủ lò gạch khiêm tốn cũng áng chừng đứng giữa triệu phú và tỷ phú.

Sau khi xuất ngũ, Dục đi làm cho ông chủ lò gạch. Công việc quá nhàn nhẹ so với sức vóc của anh, nhưng nó kéo dài cả hai mươi bốn giờ, ngày nọ qua tháng kia khi được giao vừa quản lý và bảo vệ cơ sở sản xuất.

Từ khi có Dục về làm, ông Thạo vừa nhàn nhã với tuổi già, vừa vui ra mặt. Cái lò gạch mà ông đã gắn bó suốt mấy chục năm, từ thuở rong công chấm điểm theo chế độ hợp tác xã, công mỗi ngày thậm chí sau khi cân đối chỉ được dăm bảy lạng thóc đến bây giờ. Ông cũng không ngờ số phận hẩm hiu như ông lại có thể sở hữu gần năm nghìn mét vuông đất nông nghiệp và đất chuyên dụng. Đất không của ông thời giá bây giờ cũng đã gần mười tỉ. Chưa kể đến hệ thống lò cải tiến, những máy xúc, máy phay đất, máy ép gạch cùng những xe tải hạng nhẹ.

Cái vui lớn nhất của cuộc đời ông sau những năm tháng quăng quật là cái cơ ngơi ấy mai đây sẽ có người chủ mới. Người chủ mới ấy chỉ riêng ông biết được. Con Nhung thì ông đã cho đi học lớp kế toán doanh nghiệp xong. Chẳng phải lo chạy chọt xin việc phiền hà, tốn kém. Nếu sau này ông mở công ty, ông tin rằng anh em nó thừa sức để quản lý và biết nhường nhịn lẫn nhau trong việc phân chia lợi nhuận.

*

Mặc dù đã đổi đời nhờ cái lò gạch, dẫm chân lên tiền được và ở cái làng này không ai dám khinh ông nữa, kể cả các tướng đầu trò từ tổ đội đến xóm xã, các ban, ngành vẫn thường xuyên lui tới nhà ông, tuy không phải báo cáo (mà ông cũng chẳng thích báo cáo vì báo cáo chỉ đọc ở các hội nghị, mỗi lần đọc báo cáo là mỗi lần thành tích của địa phương được nâng lên, chứ mỗi lần báo cáo ở nhà ông thì chỉ làm cho cái ví của ông xẹp xuống với liên miên hội nghị lớn nhỏ và các cuộc vận động ủng hộ bao nhiêu loại quỹ).

Ông Thạo vẫn có cái thói quen uống rượu với lạc rang. Con người của công việc được thể hiện ở ông cả trong lúc ăn, lúc uống. Một tay cầm chén rượu, một tay vân vê hạt lạc, đôi khi còn thổi bằng mồm để tách đi lớp vỏ nâu hồng, tung cái hạt lạc vào mồm chính xác như tung viên gạch vào lò. Nhâm nhi dăm chén cuốc lủi với hai lưng cơm và uống hết ấm trà, ông Thạo đã lên giường nằm khểnh. Đang thiu thiu thì vợ ông đến lay khẽ:

- Này! Này! Ông dạo này cứ như trẻ con đến tuổi ăn tuổi ngủ hay sao ấy? Người đâu mà vô lo vô nghĩ.

- Bà lại có chuyện gì hử? Chắc lại muốn… thì hãy nằm xuống đây cái đã?

Đàn bà nông thôn, từ khi bốn chín, năm mươi tuổi coi như đã hoàn thành thiên chức làm vợ. Đẻ được con trai mới gọi là làm tròn phận sự với tổ tông nhà chồng. Từ lâu, ông bà đã mỗi người một giường riêng rẽ.

- Già rồi mà vẫn cứ còn nỡm. Phải gió. Là tôi muốn nói với ông chuyện con Nhung nhà mình.

- Con Nhung nó làm sao? Bà nói đi.

- Con Nhung nhà mình thì còn trẻ lại xinh đẹp, chẳng gì cũng con nhà khá giả, nó lấy đâu chả được chồng. Nhưng tôi cứ nghĩ thương thằng Dục. Hoàn cảnh mẹ góa con côi. Bố nó đoản mệnh mất sớm. Dào ời! Chiến tranh lưu lạc, chả biết thế nào mà lường. Đi chiến trường bấy nhiêu năm, về đến nhà thì mẹ cũng đã mất. Tội nghiệp. Côi cút một mình. Dạo này tôi thấy hai đứa có vẻ quyến luyến nhau. Hay là…

- Hay là là thế nào, bà cứ nói chẻ hoe ra cho nó rõ đi.

- Ông đã bảo vậy thì tôi cũng cứ nói thật lòng. Thằng Dục bây giờ cứ coi như tứ cố vô thân. Nhưng tôi xem cái nết ăn, nết ở cũng là con người nhân hậu, biết phải biết trái. Đàn bà như giọt mưa sa. Giàu sang cũng có số có phận. Nhưng có được một người chồng tử tế thì sang hèn, giàu nghèo cũng chả là cái gì.

- Ý bà là…

- Thì thôi chúng nó yêu nhau, nhà có một mụn con gái, tìm được thằng rể chỉn chu như thằng Dục bây giờ cũng khó, toàn là những loại đào mỏ thôi ông ạ!

- Không được!

- Ông nói không được là làm sao?

- Không được là không được chứ còn làm sao.

- Này! Ông có say không hả? Chỉ chết vì rượu thôi. Nghe tôi nói đây này. Tôi nói chỉ mình ông biết thôi, mà ông cũng đừng đánh con mà tội nghiệp nó. Con Nhung nó đã có thai với thằng Dục rồi đấy!

- Hả?

Ông Thạo chồm dậy ra phòng khách, nơi kê bộ trường kỷ gỗ gụ đã lên nước đen bóng. Chiếc điếu bát mà ông cất công mua từ chợ Viềng ở Nam Định về đã mấy năm đêm nay bị vần đi vần lại. Tay ông dường như chẳng lúc nào ngừng. Lúc thì vê thuốc, châm đóm xong cứ để cháy rồi tắt, lại châm, ngay cả khi ngửa cổ phì khói lên trần nhà ông cũng dùng tay xua xua, cứ như thể không có động tác ấy thì khói vón cục, rơi lả tả xuống chiếc trường kỷ ông ngồi. Ông đang cố xua đi những ý nghĩ. Nhưng càng xua, nó lại càng đọng lại. Đóm lại châm, nõ điếu đồng lại đỏ lên nhưng cũng không nung chảy được những ý nghĩ đã bị vón lại.

Vài năm nay, từ khi giao cho thằng Dục quản lý, chỉ có ông thi thoảng mới đi kiểm tra khu lò gạch. Con Nhung thì đi học, mấy tháng nay học xong chỉ ở nhà lo việc thanh toán với khách hàng. Có phải như ngày trước, vài ba tối, bà Nhàn lại sang lò gạch gặp ông. Ông đâu có nghĩ rằng thời buổi bây giờ trai gái gặp nhau đâu phải cần giáp mặt.

Ông cay đắng vì cái niềm vui sau một đời quăng quật của mình chẳng được bao lâu. Cứ tưởng được mở mặt mở mày, hóa giải được cái thân phận, số kiếp đeo đẳng cha truyền con nối. Nào ngờ. Sao đời ông bỗng nhiên lại khốn nạn đến thế. Kiếp trước ăn ở ra sao mà dẫn đến đời ông phải gánh chịu oan gia trái chủ, để đến bây giờ con cái loạn luân. Khu lò gạch của ông giờ đã được mở rộng, giờ đã được khang trang trong qui mô sản xuất. Nhưng dù đã mấy chục năm, thì đêm vẫn là đêm đồng không mông quạnh, vẫn chỉ có tiếng ếch nhái uôm oam và khói lò gạch lởn vởn, lờn vờn vây lấy khu lò gạch như một chiếc màn trời mắc trong đêm. Đời ông đã nhiều năm trông coi lò gạch. Con ông lại trông coi lò gạch. Cái lò gạch quỷ ám.

Một lần nữa ông lại tự đấm ngực mình với những lời xỉ vả như mấy chục năm về trước. Ông không biết phải lần sờ, mò mẫm thế nào để có thể đi ra được từ đêm vẫn cũ và lại vác chiếc điếu bát ra trước hiên nhà rồi nghĩ nát nước. Góc khuất cuộc đời như những mẩu phim trầy xước, quăn queo bỗng dưng tái hiện. Mỗi mẩu phim nhàu nhĩ, nhạt nhòa nhưng cứ rổn rảng những âm thanh như một lời buộc tội xa xưa: - Mày là một thằng hèn. Thế gian này còn có ai hèn như mày không hả Thạo?

Cứ tưởng giấu kín được một sự thật, hóa ra không phải là ai khác, chính những đứa con mình nó lại xới tung lên, vung cây gậy sự thật giáng vào ông một đòn chí tử.

*

Trời đã tang tảng sáng. Vành điếu bát đầy ứ những bã thuốc lào.

Nhung thỏ thẻ:

 - Bố làm sao vậy. Sao con trông bố sớm nay “nghiêm trọng” thế ạ!

Ông Thạo không dám nhìn thẳng vào mặt con gái nhưng giọng nói thì rin rít qua các kẽ răng:

 - Mày giết bố mày không cần phải gươm phải giáo đâu con ạ!

- Có chuyện gì thế bố?

Không thấy ông Thạo trả lời. Dễ chừng phải đến dăm bảy phút, rồi Nhung bỗng phá lên cười khiến ông Thạo vằn mắt. Đã đến nước này mà nó lại còn cười được nữa thì…

- Con hiểu rồi. Đúng là các cụ Khốt. Thực ra thì anh Dục có đôi lần nhắn nhe. Con thì cứ nghĩ bố mẹ sẽ chẳng bao giờ đồng ý nên muốn thăm dò ý của mẹ trước mà nói vậy. Chắc mẹ cũng đã nói chuyện với bố. Nhưng con nghĩ anh ấy là người tốt bố ạ!

Ông Thạo bàng hoàng. Cái mặc cảm thân phận trong ông chưa dễ gì rũ bỏ được mặc dù ở cái làng này, tiền của ông có thể rải kín sân đình nhiều lớp. Người ta nghèo mà không hèn thì cớ sao ông có thể dẫm chân lên tiền được mà lại… Không. Ông thấy mình hèn hạ không phải sự giàu nghèo. Sự hèn hạ là bởi bấy lâu nay ông không đủ dũng cảm để nói ra sự thật. Một sự thật mà chính ông, người đã khuất và cả các con ông sẽ là những nạn nhân vì một sự hèn nhát.

…Ngày mai, sau khi thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, ông sẽ mời vợ con mình ngồi lên chiếc sập gụ kê ở gian giữa phòng thờ để được quỳ lạy, không phải để tế sống mà để được nói những lời tạ lỗi... 

Truyện ngắn của Triệu Văn Đồi
.
.