Một cuộc tình nho nhỏ

Thứ Năm, 05/07/2018, 12:56
Thị Nhi quê ở Thái Bình. Bị chồng bỏ năm mười chín tuổi. Thị lên đất này thoạt đầu giúp việc cho ông Pào người Xã làm thuốc bắc ở Pao Mao Phìn. Lửa gần rơm, ít lâu sau, ông Pào và Thị ăn ở với nhau như vợ chồng. Nhà ông Pào ở cách bãi vàng Nà Rì chưa đầy cây số.

Thị Nhi quen nhóc Giẳng ở bãi vàng Nà Rì. Thị, ba mươi bảy. Nhóc Giẳng, mười bảy. Trai mười bảy bẻ gẫy sừng trâu. Gái ba mươi bảy đang thì hồi xuân. Ấy là nói đại đởn vậy thôi. Chứ nhóc Giẳng đang tuổi dậy thì, vậy mà còm cõi  như cái cọc rào. Lại thêm bệnh hen xuyễn, động giở giời là nằm cò cử thổi kèn tây.

Cũng vậy thôi, Thị Nhi là cái đầu thừa đuôi thẹo ở cuộc đời này. Trên đất này, đàn ông cả ngày chui rúc dưới hầm hố đào bới, có thể thành ông hoàng bà chúa, cũng có thể chết mất xác trong chốc lát, thì còn thú vui gì hơn là đêm về được hú hí với đàn bà. Ấy thế, đã có đàn ông thì tất phải có đàn bà! Càng lao lực đàn ông càng cần đàn bà để giải khuây, giải buồn, giải đen.

Quy tắc vậy mà vẫn có phàm lệ. Tiếc thay, phàm lệ lại rơi vào Thị Nhi. Ấy là bởi Thị Nhi xấu quá! Đàn bà nếu không có vẻ người vượng phu ích tử, nhân hình diện mạo đôn hậu, cân phân, đầy đặn thì cũng nên có dáng chủ về làm ăn sinh kế tần tảo. Tối kỵ là có dáng cô thần.

Dáng cô thần thuộc hạng tiện tướng, ác cái, lại chính là dáng của Thị Nhi. Mắt trắng dã. Mũi hếch. Mồm vẩu. Mày dựng đứng. Mặt đầy tàn nhang. Lưỡng quyền cao. Giọng á thanh khàn rè. Đã thế lại chân thấp chân cao. Diện mạo, thân hình tiên thiên bất túc thật chẳng được nét nào đáng gọi là đàn bà.

Thị Nhi quê ở Thái Bình. Bị chồng bỏ năm mười chín tuổi. Thị lên đất này thoạt đầu giúp việc cho ông Pào người Xã làm thuốc bắc ở Pao Mao Phìn. Lửa gần rơm, ít lâu sau, ông Pào và Thị ăn ở với nhau như vợ chồng. Nhà ông Pào ở cách bãi vàng Nà Rì chưa đầy cây số.

Bãi vàng Nà Rì, nơi cơ may chẳng chọn người! Chứng cớ là tuần trước, lão Luông tự xưng đại úy đặc công phục viên rách như tổ đỉa lên đây thoạt đầu chỉ là anh làm thuê cho bưởng, một đêm nằm mộng thấy mình đội mũ bình thiên, mặc áo thêu rồng phượng, ngồi trên xe tam mã, cửa rủ rèm tua vàng; sáng sau vào lò, đào được cục đá nặng chịch to bằng cái mũ cối, ôm về, lái vàng xô đến, chẳng hiểu trong có những gì mà bán được một tỷ hai, phút chốc đổi đời lên ngôi bưởng trưởng, chủ sở hữu cả chục lò vàng.

Thị Nhi lên đây cơm nước phục vụ bưởng Luông. Nhóc Giẳng quê cũng Thái Bình, sống cầu bơ cầu bất, theo người làng lên đây, cũng làm thuê cho bưởng Luông. Cả hai chưa bao giờ nằm ngủ mộng mị thấy mình là hoàng hậu công chúa, quan lớn quan bé gì. Ngày ngày chỉ mong đủ ba bữa cơm no, mùa nào có quần áo nấy và sống vui vẻ trong tình người thương mến lẫn nhau.

Thành ra, cuối cùng theo quy tắc vạn vật kết đôi, hai cái đồ dư thừa là Thị Nhi và Nhóc Giẳng đã gặp nhau. Tất nhiên, vạn sự khởi đầu đâu có dễ:

- Này, đừng có léng phéng. Ai đã cho phép mà sờ vào hiện vật đấy.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Buổi chiều, bãi vàng vắng ngắt, Thị Nhi đang rửa bát trong lán thì Nhóc Giẳng xấn tới ôm eo. Thị giẫy ra, trợn mắt xưng xỉa.

Nhóc Giẳng nhe răng:

- Cao giá thế!

Thị Nhi vênh mặt.

- Muốn gẫy tay thì sờ vào.

Nhóc ta hít hà, kêu:

- Hứ, chưa rang đã thơm.

Rồi hùng hổ vỗ ngực:

- Đây đã định là đây không có sợ nhá!

Nói đoạn trơ trẽn xông tới và nhoáng cái đã ôm được Thị, lại ép được Thị vào vách lán, làm rung cả căn lán lợp lá gồi.

Không ngờ bập vào nhau rồi mới thấy khăng khít, keo sơn quá. Mới thấy rằng, cứ như có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Mới thấy rằng, từ đây chẳng thể rời xa được. Đêm đầu, trong gian bếp tăm tối, Nhóc mãn nguyện quá. Xong cuộc, nó cười. Hỏi, nó bảo: "Các cụ nói không sai, đã chơi gái phải chơi loại đã có qua một hai đời chồng rồi mới đã". Thị quát: "Nói nhảm!".

Nhóc lật Thị lên, bóp nặn ngực Thị, kêu: "Vú đằng ấy bự như hai quả dừa chứ kém gì, sao không mặc xu chiêng đệm mút vào để trông cho nó bắt mắt". Thị quẫy: "Này, thế đã biết bao nhiêu cái bướm rồi. Ho hen gì, ông tướng chỉ được cái giả vờ". Nhóc lại dằn Thị xuống, ấp hai tay vào cổ thị, gằn: "Từ nay, cấm về với lão Pào đấy. Nhớ chưa!".

- Bây giờ thì đôi lứa cọc cạch này dính với nhau như nhựa. Thị Nhi như cây cối vào mùa trổ hoa. Xuân sắc trở lại, biến đổi từng nét thô kệch xấu xí trên gương mặt. Những nốt tàn nhang mờ dần. Mắt rờ rỡ sáng. Cặp môi hay mún mím như thiếu nữ e thẹn. Đôi chân tuy vẫn cái dài cái ngắn, nhưng dáng đi bỗng dưng như là ngay ngắn và xem ra dẻo dai hơn trước nhiều. Ấy thế, cái đôi chân bất thành nhân dạng ấy giờ đây nó mà quặp vào lưng thì Nhóc Giẳng như đang trên mình ngựa muốn hạ mã cũng đừng hòng.

 Tất nhiên, Nhóc cũng là tay chẳng vừa. Mọi khi, mỗi tuần Thị Nhi về với lão Pào một đêm. Còn bây giờ thì quên đi ! Vì mới  chập tối ông Nhóc đã mò tới. Sáng bửng nó còn lục đục ở trong buồng. Bưởng trưởng Luông đập cửa liếp, toang toang:

- Dậy đi làm đi! Một vừa hai phải thôi. Đàn bà nó không thương mình như cơm gạo đâu, ông Nhóc!

*

Buồn thay, vì lúc này trước mặt tôi là nữ phạm nhân mắc tội giết chồng có tên là Thị Nhi đang co ro cúm rúm trong bộ áo quần kẻ sọc đặc thù. Cũng chẳng hiểu vì sao lại là Thị, chứ không phải là một nữ tù nhân nào khác. Hay là, Ban giám thị trại muốn cho tôi biết một trường hợp vợ phạm tội đầu độc chồng. Trước nay, bao giờ chẳng vậy, vụ án càng ly kỳ càng hấp dẫn cánh nhà văn nhà báo và sau đó là bạn đọc: Tò mò có lúc nào thôi là thuộc tính của con người?

Viên quản giáo mới ngoài hai mươi, không phải người đằm tính, dẫn Thị Nhi đến cho tôi hỏi chuyện, sau khi giới thiệu Thị với tôi đã như bỏ mặc tôi, lừ lừ ngồi xuống chiếc ghế, kề bên một ô cửa sổ trổ ra một vùng hồ nước. Lúc này đang là mùa thu. Mặt hồ xanh biếc. Nhưng cây roi ven hồ đã kết từng chùm quả đỏ hồng. Thật tình khung cảnh chẳng thích hợp một tẹo nào cho cuộc trò chuyện về một tội ác và để khám phá cái gì đó ẩn sau nó cả. Nhất là khi nhìn người đàn bà nọ. Khỏi phải nói giờ đây Thị Nhi tiều tuỵ, xấu xí đến thế nào! 

-  Chị Nhi này, tôi được biết chị bị kết án bảy năm tù. Anh Giẳng bị kết án ba năm tù. Như vậy là anh ấy ra tù trước chị. Giờ anh ấy ở đâu?

Một ánh nhìn trộm chớp qua mặt tôi. Thị Nhi gằm mặt, tay vân vê vạt áo và  đáp lời tôi với một tiếng nói lọt qua vành môi khô nẻ nhẹ như một hơi thở:

- Thưa ông… anh Giẳng anh ấy chết rồi ạ!

- Anh Giẳng chết rồi!

- Vâng. Anh ấy chết rồi. Anh ấy không chết vì sập lò. Anh ấy chết vì… suy tim và hen ạ.

Một khoảng lặng đọng lại giữa tôi và người đàn bà tội phạm. Buồn nản, thật sự tôi chẳng muốn khơi lại câu chuyện thảm thương này làm gì nữa. Nhưng anh quản giáo hình như thấy thế là chưa thoả mãn yêu cầu nhà báo nên đã xoay người e hèm một tiếng. Và sau cái nhìn như nhắc nhở của anh thì Thị Nhi bỗng ngước dậy nhìn tôi, ánh mắt run rẩy và rõ ràng là vô cùng sợ sệt:

- Thưa ông, hay là con có tội gì nữa nên mới phải lên gặp ông?

Ngạc nhiên, tôi lặng đi mấy giây, rồi nhíu mày, cắn môi:

- Sao chị lại hỏi tôi thế? Tôi chỉ muốn hỏi những chuyện gì đã xảy ra trong đời chị thôi.

- Thưa ông. Con quê ở Thái Bình. Ba mươi lăm tuổi, con gửi hai đứa con không cha ở làng, lên bản Pao Mao Phìn khai hoang. Ở đây, thoạt đầu con giúp việc cho nhà ông Pào làm thuốc bắc. Ông Pào sáu mươi lăm tuổi. Nhưng người to khoẻ lắm. Ông đã có hai đời vợ. Cả hai, nghe nói, một bị ông bóp cổ chết vì ngoại tình. Một bị ông trói đánh đến què quặt phải trốn đi cũng vì có tình ý với một anh sơn tràng. Ông Pào hung hãn lắm. Uống rượu sâm và thuốc kích thích vào là ông hành con suốt đêm. Ông có tật, vừa ngủ với con vừa cào cấu, cắn xé, đánh đập con. Có bận ông ngoạm răng nhay nghiến bật cả máu ở vú con. Con không có tình yêu với ông Pào!

Không có tình yêu với ông Pào!

Viên quản giáo nghe đến đây, chắc thấy lạ tai, liền đứng vụt dậy, rời ô cửa sổ, bước tới, đay lại câu nói với cái cười nhếch miệng như giễu cợt, như nghi ngờ.

Một ngọn gió thu từ ô cửa sổ lọt vào căn phòng, mang theo hơi mát của nước hồ ngoài xa. Người phụ nữ ngẩng lên. Và khi nhìn thấy những nét chia sẻ cảm thông trên gương mặt tôi thì liền gật đầu, tự tin và thong thả như đắn đo từng lời :

- Vâng, thưa ông, con không có tình yêu với ông Pào. Con chỉ có tình yêu với anh Giẳng thôi.

Con chỉ có tình yêu với anh Giẳng thôi!

Con chỉ có tình yêu với anh Giẳng thôi!

Thị Nhi xấu xí, tật nguyền, nghèo khổ không có tình yêu với ông Pào. Thị chỉ có tình yêu với Nhóc Giẳng cọc còi, ho hen, trên răng dưới dép. Chao ôi! Tình yêu, cái thứ tình cảm cao siêu ấy trước nay cứ tưởng nó chỉ là thứ sở hữu đặc quyền của những ông hoàng bà chúa, của những công tử tiểu thư, của các bậc đại gia, các đấng thượng lưu tri thức, của những kẻ có học, chí ít cũng là của những kẻ có cơm no áo ấm, gia cảnh đuề huề.

Cứ tưởng nó là thứ đặc sản của một đời sống tinh thần thuộc đẳng cấp cao. Hoá ra là không phải. Hoá ra nó còn là thứ tình cảm của Thị Nhi và Nhóc Giẳng, hai cái cá thể bất thành nhân dạng, thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, những kẻ sống lam lũ, lầm than, cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ ấm, bị coi là hạng tiện dân, không ai thèm để tâm tới. Tình yêu! Hoá ra nó là tài sản chung của nhân loại. Nó là thuộc tính của những kẻ mang danh tính là con người!

Thị Nhi không có tình yêu với ông Pào. Ông Pào uống rượu sâm và thuốc kích thích có thể làm tình với thị suốt đêm. Nhưng sắc dục dẫu có đắm chìm đê mê cũng khác với tình yêu lắm. Bởi vì, nếu so ra thì Nhóc Giẳng đâu có phải là loại đàn ông hèn kém. Trái lại, hắn cũng là anh háo dục. Hỏi, vì sao yêu Thị, hắn vỗ vào bụng dưới của Thị, cười hị hị: "Vì đằng ấy có cái nấm này".

Rồi thêm: "Này, đàn bà giọng khàn rè như đằng ấy là đại dâm đãng đấy!". Nhưng không sao. Càng thế Thị càng thích! Thích vì Giẳng hám lắm. Đêm nào hắn cũng vần vò thân xác Thị vài ba cuộc. Và khoái trí, nổi hứng có khi hắn còn rống lên ầm ầm: "Ôi da, cứ tưởng nó là cái hang chuột ! Mà hoá ra nó vừa thơm như múi mít vừa rít như múi mật thế a!". Chà! Ông trẻ cũng thô lỗ, cũng tục tĩu ra trò!

Nhưng mà thằng Nhóc Giẳng vẫn khác ông Pào lắm. Cũng là khoái thú nhục thể thôi, nhưng ở thằng Nhóc vẫn có sự khác lắm với ông Pào. Ở thằng Nhóc là  sự giao tình, là sự âu yếm và lòng yêu thương. Còn ở ông Pào thì chỉ đơn thuần là các thao tác làm tình thôi. Thế đấy! Có lần giao tình nào thằng Nhóc không bắt Thị khoả thân.

Ôi, cái thân xác trẻ chưa qua, già chưa tới tiên thiên bất túc ỏng eo cóc cách của Thị, đâu đã một lần được gã đàn ông nào nhìn ngắm và nâng niu! Vậy mà thằng Nhóc mỗi lần vậy là một lần hắn kêu rằng hắn đang ở trong mơ. Thôi thì đủ, vừa xuýt xoa khen Thị đẹp, vừa xoay vần mút mát, la liếm, nghịch ngợm Thị, vừa chằm bặp từng hồi, gọi Thị là nàng tiên, thề sẽ yêu Thị mãi mãi và nếu cần thì hắn sẽ chết trên bụng Thị.

Những lúc ấy Thị run rẩy từng đầu ngón tay ngón chân. Thị ghì lưng Giẳng, hổn hển gọi hắn là hòn ngọc hòn vàng của em, tình yêu của em. Y như ngôn ngữ vẫn thường thấy trong các pha lâm ly mùi mẫn của các vở cải lương diễm tình trình chiếu trên tivi. Chà, ngôn ngữ nghệ thuật! Ngôn ngữ gì mà có khả năng lớn lao và kỳ diệu đến thế đấy! Và thế là ở bãi vàng này, Thị Nhi đã bắt gặp được tình yêu, đã tìm được hòn ngọc hòn vàng của mình. Đã có được một tình yêu, một tình yêu cao hơn cả lẽ phải, bất chấp cả logic, chẳng thèm tính đếm tới tuổi tác đời người.

Thâm nhập vào cái địa hạt thiêng liêng huyền bí và sa xỉ của đời sống tình cảm này, Thị Nhi như một kẻ khác lạ với chính mình. Là bởi vì lúc này, trong cái hình hài queo quắt của Thị lúc nào cũng râm ran một nỗi khát muốn được dâng hiến, biếu tặng. Thị ân cần săn sóc Giẳng. Thị giặt quần áo cho hắn. Dành dụm khoản tiền công ít ỏi, nhịn ăn nhịn mặc, Thị mua thuốc lá cho hắn hút, sắm áo quần cho hắn mặc.

Sung sướng còn hơn mình được hưởng, Thị nấu món khấu nhục học được khi ở nhà ông Pào cho hắn ăn. Hoà tan mình vào đối tượng, một ngày không thấy mặt Giẳng, lòng dạ Thị bồn chồn như có lửa đốt. Tuần lễ Giẳng về quê chịu tang mẹ, Thị đứng ngồi không yên. Nồi cơm cạn quên rụt lửa. Rửa bát đánh vỡ liền mấy cái.

Bưởng trưởng Luông liếc nhìn cái bụng phinh phính của Thị, chép miệng cau mày: “Thế kia rồi mà còn nổi chớp giông là sao, hả con phò!”. Thị cũng bỏ ngoài tai. Ôi, tình yêu! Tình yêu giữa đàn ông và đàn bà. Tình yêu giữa Nhóc Giẳng và Thị Nhi! Sao lại có thứ tình cảm vừa say đắm vừa thanh tân mà lại trong lành thuần khiết đến thế!

Đắm chìm vào cái địa hạt bí ẩn lạ lẫm này, quả thực Thị Nhi như kẻ nhập đồng mê man không tri giác. Thị chẳng nhớ gì nữa. Chứng cớ là Thị quên bẵng ông Pào, kẻ xét về hôn nhân thực tế là chồng Thị. Ông Pào năm lần bẩy lượt nhắn lên bãi vàng gọi Thị về, Thị cũng lờ tịt. Lờ tịt hay khuây quên cho đến khi ông Pào xồng xộc lên, tay cầm cuộn giây thừng và cái gậy: "Mẹ mày, có mông có má, có vú có ví rồi động cỡn, hả!". Ông Pào quát rồi xắn tay áo: "Mày muốn sống hay muốn chết, hở con đĩ già!".

Mặc, Thị chẳng nhớ gì nữa. Kể cả tội ác Thị gây ra cho ông Pào. Kể cả lúc này đây khi cần phải kể lại với bọn nhà báo chúng tôi. Thị chẳng nhớ gì nữa. Để đến nỗi viên quản giáo phải nhắc. Nhắc rằng: Từ bãi vàng về với ông Pào được hai hôm thì Nhóc Giẳng mò đến nhà Thị. Lúc ấy ông Pào đi hút thuốc phiện ở nhà bà goá A Lìu. Thị và Giẳng bàn bạc cùng nhau những gì. Lát sau ông Pào về. Thị dọn cơm lên cho ông ấy ăn. Có món trứng vịt rán. Ngon miệng, ông Pào ăn hết cả đĩa. Có biết đâu đó là trứng Thị đã trộn với gan cóc, trứng cóc và nước lá ngón. Ăn xong, ông Pào ôm bụng quằn quại kêu đau. Thế là Thị kinh hoàng kêu gọi hàng xóm sang đưa ông đi bệnh viện. May mà cấp cứu kịp thời. Có phải thế không?

- Nghe viên quản giáo nhắc đến đó, bấy giờ người đàn bà tội phạm mới giật thót mình, ngước mắt lên nhìn chúng tôi và  khóc tu tu:

- Dạ… thưa hai ông. Đúng là con phạm tội. Cũng là vì con sợ ông Pào giết con! Với lại, thật tình là con đã yêu anh Giẳng. Con yêu điên rồ, con yêu mê dại, con mù quáng! Ôi, anh Giẳng ơi… sao anh lại bỏ tôi bơ vơ một mình thế này…

Hà Nội, 2018

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
.
.