Một cơn đau

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:00
Ôi giời ơi!... Hắn cứng người lại. Trước mắt hắn qua cái lỗ tí hon của cánh cửa cũ mọt, vẫn ơn ởn trắng nõn một màu da thịt của chị Tiên, nhưng dáng chị nằm không thư thái như bao ngày, lúc này đang quấn bện với một cái dáng lạ vạm vỡ đen xì của một thanh niên trong cái cảnh tranh sáng tranh tối của căn nhà đóng kín cửa. Tiếng phì phò hổn hển, tiếng giát giường cót két theo nhịp như tập thể dục của cái bóng xù xì đen đen. 

Hắn không hẳn là típ người phá đời buông tuồng. Hắn cũng không phải hạng người quen nếp vệ sinh, nhất nhất nhìn đâu cũng thấy vi trùng và bệnh tật. Nhịp sống của hắn không phải là một cái biểu sinh hoạt cố định sáng cháo, trưa cơm đạm bạc, tối tối chỉ nhai rau để giữ gìn sức khỏe. Hắn không như nhân vật Hài trong truyện ngắn “Quên điều độ” của Nam Cao. Bởi Hài vốn quắt queo ốm lên ốm xuống vì bị bệnh tim và yếu phổi bẩm sinh, phải bán dần sự sống để… kéo dài sự sống, tức là ốm cũng phải làm việc để có cái đút mồm, để sống…

Vậy, hắn là người bình thường như mọi người bình thường. Hắn vốn khỏe, vài năm nữa mới ở tuổi thời xưa các cụ khao lão, nên chưa bước vào cái ngưỡng thứ hai của trục Sinh-Lão-Bệnh-Tử, nói chi đến bệnh tật!

Hắn tên Bường, lý lịch ghi là Lê Bường, họa sĩ ngành điêu khắc, vẻ mặt và vóc người xù xì gai góc. Ấy thế mà cơn co thắt ngực đột ngột xuất hiện lần đầu chiều ấy khi hắn đang mải miết đắp đắp trát trát, tay chân dính đầy đất, làm hắn tưởng sẽ đi sang thế giới bên kia. Cú đau dội đến nghẹt thở. Ngực hắn chật ních như bó củi, mỗi phút một đau thêm, co thắt như ép đai thùng, tim phổi như có ai thò tay vào vò bóp. Mặt hắn tái dại, mồ hôi vã như tắm. Với cái vốn hiểu biết còm, hắn lờ mờ cho đó là nguy cơ của cơn kịch phát động mạch vành? Nói chả được, thở chả được. Người ta tức tốc đưa hắn nhập viện…

Trong buồng chụp citi, lạnh toát bởi khí lạnh từ cái điều hòa thổi ù ù giữa tiết trời đông, Bường hơi co người nổi da gà khi nhân viên kỹ thuật y tế bảo hắn cởi trần ra để gắn các giác hút kèm thiết bị đầu ghi nhằng nhịt trên ngực, cổ tay, ngón chân cái… để chuẩn bị chui vào cái máy chiếu chụp…

“Không có gì nghiêm trọng cả, đừng căng thẳng, miễn là bệnh nhân hợp tác tốt thì mới chụp được. Khi nào tôi ở phòng ngoài nhắc qua tiếng loa gắn ở máy chụp: Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở! thì anh làm theo nhá, nín thở không tốt là chụp hỏng đấy. Phải làm cả chục lượt như vậy mới xong việc”, bóng blu trắng nhắc. “Vâng, chắc ổn thôi…”, hắn nhỏ nhẹ đáp. Bóng áo blu khuất bên kia phòng kỹ thuật, đóng ập cửa, để lại mình hắn với khối máy móc thiết bị y tế lạnh lùng… Thế quái nào mà hắn bất giác rơi vào tâm trạng của kẻ tử tội lên đoạn đầu đài…

Bường cố gắng tự nhủ, có gì mà phải hồi hộp? Nhưng con tim hắn bắt đầu đập mạnh, nhanh. “Anh thở đều, đừng hồi hộp, nhịp tim sẽ tăng, không chụp được”, qua tiếng loa, nhân viên y tế nhắc. Bình tĩnh! - hắn lại tự nhủ. Nhưng bình tĩnh bằng cách nào? À,… nhạc! Hắn tự nhủ sẽ dìm mình vào giai điệu bản Sonata Ánh Trăng của Beethoven, hy vọng sẽ vang lên trong đầu hắn. Nhưng hắn sợ Ánh Trăng sẽ quyến rũ lênh đênh dụ hắn đi, nhỡ không nghe rõ lời nhắc của nhân viên y tế, thì hỏng. Chi bằng nên nghĩ tới sự lãng mạn?

Phải. Cứ thế mà nghĩ! Hắn nhớ tới thời tuổi mười ba, mười bốn… Ờ, cũng lãng mạn đấy! Tiếng máy bơm thuốc cản quang xè xè chạy dẫn thuốc qua ống nhựa cắm ở mạch cổ tay hắn, người Bường bắt đầu nóng ran lên.

“Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở!”- Bắt đầu rồi! Hắn lập tức làm theo. Hắn vội vót nhọn trí nhớ, đâm và gỡ cái mớ lằng nhằng, lộn xộn của ký ức…

Con tim Bường vốn khỏe mạnh và cơ thể của hắn hình như dậy thì sớm? Có phải thế không mà hắn hay tưởng tượng cơ thể đàn bà từ những năm hơn mười tuổi? Cơ may hay là trời ban phát, gần ngõ nhà hắn có chị Tiên da trắng nõn, gương mặt xinh, vẻ đẹp đằm, nhưng khổ, mãi mà chưa có chồng. Gia cảnh chị nghèo, bố mất sớm, nhà chỉ còn một mẹ một con. Mẹ chị suốt ngày ngồi chợ bán chuối kiếm cơm.

Người ta đồn rằng vì mắc bệnh tim nên chị Tiên không lấy chồng, sợ cái gánh nặng đè lên vai nhà chồng? Rồi thì phụ nữ mắc bệnh tim không nên sinh nở, nếu cố cũng khó mà vượt cạn? Người thì bảo, chị đã bệnh tật, tính tình lại lơ đễnh, buông tuồng và lười, nên vẫn phòng không lẻ bóng là phải! Nhưng hình như cái tính lơ đễnh và lười thì trẻ con làng đứa nào cũng biết. Ngoài cho lợn gà ăn, thì thấy chị ngủ nhiều. Ai đời, cứ trưa hè chị chỉ vận độc mỗi cái quần lót, thân thể ơn ởn trắng như lợn cạo ườn trên giường mà phơi cái tuyệt tác của tạo hóa lồ lộ qua khuôn cửa sổ trổ sau lưng nhà. Cơ thể chị quá đẹp, bọn trẻ như Bường chưa từng bao giờ thấy có cái gì đẹp hơn thế?! Chỗ chị nằm vương vãi những thư là thư, trắng một mặt chiếu, chả biết của ai gửi.

Báo hại, cái cửa sổ nhỏ ấy lại sát ngay con ngõ, nơi bọn trẻ của Bường đánh quay đánh đáo. Bường nhắc khéo chúng rằng, hô hét cười nói vừa vừa thôi, không mẹ chúng mày biết lại réo về nhà bây giờ, mất cuộc vui. Hắn nói thế vì sợ chị Tiên thức giấc, biết đâu lại giữ ý giữ tứ kéo sống kéo áo lên thì cuộc chọi quay của hắn trưa nay thành ra xôi hỏng bỏng không à?... Mà cứ bảnh mắt ra là hắn chỉ mong đến trưa để được đi chọi quay thôi. Và chị Tiên cứ ngày ngày ngủ trưa như thế, như chưa bao giờ biết có bọn trẻ nhít đánh quay sau nhà.

Bường vốn được bọn trẻ tôn làm trưởng hội, vì hắn khéo tay, đứa nào thích có con quay đẹp, hắn đẽo gọt nhoáy một cái là xong. Hắn nặn đất thành ôtô, nặn hình anh công nhân đội mũ tay cầm búa, nặn con ngựa đất có ông Quan Công cầm đại đao ngồi trên, rồi nặn gà qué, lợn, ếch nhái. Hắn còn đẽo gọt, nặn được cả búp bê tặng mấy con bé hàng xóm nữa… Gì hắn cũng làm được!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

“Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở!” - Cái nóng của thuốc bơm đã lan đến tận đầu ngón chân ngón tay của Bường, cơ thể hắn càng thêm rạo rực.

…Rất nhiều buổi, tiếng chọi quay chan chát của bọn trẻ không lay thức được giấc trưa của chị Tiên. Bường cười mỉm: Không khéo chị Tiên còn ngủ trưa thế này vài chục năm nữa? Hắn nhíu mày: Lúc bấy giờ hắn sẽ thế nào nhỉ? Có còn đánh quay ở đây không? Rồi hắn thở dài… Hắn không tự biết rằng tuổi ham chơi chỉ hết nay hết mai, hắn sẽ lớn và phải cuồng lên mà cày cuốc chuyện cơm áo… Rồi mọi cái sẽ đổi thay, sẽ không như bây giờ. Nhưng Bường không nghĩ được như thế, hay là hắn không muốn nghĩ?

Thì việc đổi thay đến nhanh quá. Chuyện của chị Tiên. Một trưa, cả bọn đang chọi quay chan chát thì có tiếng kẹt nhè nhẹ của cánh cửa sổ gỗ cũ kỹ sau nhà chị Tiên  đóng mít vào. Thoáng bóng bàn tay trăng trắng rút vội. Thôi hỏng! Bường nhăn mặt, sự lạ quá! Có đứa nào hò hét gì đâu nhỉ? Hắn gườm mắt liếc lướt qua mặt lũ bạn xem thằng nào gây nên cơ sự? Không phát hiện sự khả nghi nào trên bốn, năm gương mặt nhễ nhại mồ hôi mồ kê đỏ như gấc đang năm ăn năm thua. Bường rời cái đám đang say máu, lén đến bên cánh cửa gỗ đã mọt thủng lỗ chỗ, ghé mắt dòm vào.

Ôi giời ơi!... Hắn cứng người lại. Trước mắt hắn qua cái lỗ tí hon của cánh cửa cũ mọt, vẫn ơn ởn trắng nõn một màu da thịt của chị Tiên, nhưng dáng chị nằm không thư thái như bao ngày, lúc này đang quấn bện với một cái dáng lạ vạm vỡ đen xì của một thanh niên trong cái cảnh tranh sáng tranh tối của căn nhà đóng kín cửa. Tiếng phì phò hổn hển, tiếng giát giường cót két theo nhịp như tập thể dục của cái bóng xù xì đen đen.

Bường thở khẽ như kẻ đi ăn trộm. Hắn định thần nhìn kỹ. À, thế mà bảo chị không có người yêu? Anh Đỗ thợ đá, người làng chứ ai? Thôi rồi, tan tành xác pháo! Sức vóc lão Đỗ ấy như trâu thế kia, đến đá cũng nát, nọ người! Bường thương chị Tiên lắm! Hắn thở dài một cái, làm những viên cứt mọt trong lỗ thủng cánh cửa gỗ vọt bắn vào mắt. Mắt hắn nhắm nghiền. Hắn rén chân lùi lại mấy bước, rồi ôm cái mắt giàn giụa nước chạy vội về nơi đám bạn: “Đứa nào thổi cho tao với!”, hắn van. Một thằng vành cái mắt đỏ hoe của Bường mà thổi phù phù rồi toét miệng ra cười: “Đáng đời nhé, cái thằng chỉ đi rình trộm!”… Hắn cũng cười nhệu cái mồm ra: “Hay lắm, chúng mày ạ, hay hơn là nằm ngủ. Thề!”…

“Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở!”- Tiếng máy vẫn chạy xè xè, đèn trước mặt hắn vẫn loang loáng quét chụp…

… Đợt ấy là anh Đỗ về phép. Hóa ra là anh vẫn thư từ về cho chị Tiên. Cũng không đếm được bao nhiêu ngày bọn trẻ quái quỷ phải vất vả chen lấn, nín thở bu quanh cái cánh cửa gỗ mọt để xem cảnh “tập thể dục” của anh Đỗ chị Tiên. Một ngày anh Đỗ cận mãn phép, lũ trẻ ngán ngẩm như ngồi câu cả buổi chả giật được con tép nhãi nào. “Chán lắm! Chỉ toàn ngồi nói chuyện!”, mấy đứa lắc đầu bỏ cánh cửa sổ tản ra, lại chan chát chọi quay.

Bường không rời khuôn cửa. Với hắn, tiếng những con quay gỗ lúc này va vào nhau nghe vô hồn khô khốc. Hắn vẫn mải miết dõi theo cái tiếng thì thầm của chị Tiên: “Thôi, nếu nợ nần thì phải trả người ta anh ạ. Sau này mình ở với nhau, chịu khó thì chả đến nỗi nào. Người ta bảo em lười, không phải đâu, em chân yếu tay mềm, không làm được việc nặng đồng áng hay chạy chợ, ở nhà cũng biết nuôi lợn nuôi gà, đến lứa bán đi đỡ đần cho mẹ. Nay có đôi lợn hơn sáu chục cân rồi đấy, em nói mẹ cho em, mình bán đi, anh mang tiền trả cho người ta. Nhịn ăn nhịn tiêu đi là ổn anh à”.

Hóa ra là chuyện anh Đỗ làm ở công trường  đá, chả biết ăn tiêu thế nào, ôm món nợ về khoác vào cổ chị Tiên? Anh Đỗ cúi mặt, vẻ tần ngần: “Ừ. Anh yêu em, nguyện cả đời gắn bó với em. Dù em là người thế nào, em dù ốm dù đau, dù nghèo dù hèn, chúng mình cũng vẫn về sống với nhau. Anh thề! Mai em gọi người bán lợn đi nhé!”. “Vâng, anh không phải thề. Em tin anh mà. Vì anh, em sẵn lòng làm tất cả”…

Nhưng mãi mà sao anh Đỗ chị Tiên không làm đám cưới nhỉ? Lũ trẻ rì rầm. Đứa thì bảo, sắp rồi. Đứa thì bảo chưa chắc, anh chị nghèo không có tiền làm đám cưới đâu. Còn Bường thì chỉ mong chị Tiên đừng cưới anh Đỗ, để chị ngủ trưa thêm mấy năm nữa đã…

"Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở!”- Tiếng máy vẫn chạy xè xè, đèn trước mặt Bường vẫn loang loáng quét chụp…

… Cũng độ hè này nhiều năm trước, là anh Đỗ nghỉ phép. Lũ trẻ lại bận bịu chan chát chọi quay gỗ gần sát cánh cửa gỗ mọt. Nhưng chúng thất vọng không thấy anh Đỗ “tập thể dục” ở nhà chị Tiên nữa, anh chỉ đến chơi, hai người vẫn ngồi trên cái giường gỗ cũ, chân buông và mắt hai người cũng buông xuống nền nhà đất nhẵn thín. Câu chuyện của anh chị chậm chạp. Chị Tiên thỉnh thoảng ý tứ liếc mắt nhìn bà mẹ ngoài hè đang thận trọng cắt tỉa những nải chuối vàng, bận cho phiên chợ ngày mai. Giọng chị đau khổ: “Chuyện thế nào? Sao lại ra thế?! Bây giờ nếu nói ra không tiện, thì tối nay hẹn anh ở ngoài vườn kia, chỗ gốc đống rơm sát hàng giậu dâm bụt ấy, anh nói ngọn ngành cho em nghe! Em chưa rõ chuyện, bây giờ anh về đi, em còn nấu cơm cho mẹ. Thế nhé…”.

Chuyện trưa hôm ấy, Bường chỉ nghe được có vậy. Hắn bảo lũ trẻ tối nay phải phục sát bờ rào có hàng dâm bụt um tùm, cách không mấy xa đống rơm cao vót mà chân đống thì bé thắt lại do bị rút rơm đun nấu hằng ngày, giờ nó trông tựa như một cái ô. Đống rơm này chắc gặp trận bão là đổ…

"Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở! Anh nín thở tốt lắm” - Tiếng nhân viên y tế mờ mơ,â  vẳng bên tai hắn.

…Tối đó, khi cơm tối xong hắn và lũ trẻ kéo đi mật phục hồ hởi như đi xem kịch diễn sân đình. Trời đất tối om. Tiếng lũ trẻ sột soạt luồn lách rồi phục sát hàng dâm bụt ong ong muỗi. Lũ trẻ chỉ dám gãi nhẹ chứ không dám đập mỗi khi bị muỗi đốt, sợ lộ. Nhưng, khi mà hắn và lũ trẻ đang cố căng tai ra để nghe, thì anh Đỗ chị Tiên đã ngồi đó từ bao giờ. Khỉ thật. Sao họ lại chọn ngồi chếch ở phía kia của đống rơm nhỉ, thành ra câu chuyện của anh chị, Bường và lũ bạn chỉ nghe lõm bõm. Tiếng anh Đỗ vẻ ngọt ngào nhưng âm thì đanh lại: “Em thông cảm cho. Anh dù rất muốn, nhưng không thể em ạ. Bố mẹ anh cũng không đồng ý với lựa chọn của anh cưới em vì em bệnh tật, vì em tai tiếng…”. Tiếng thút thít yếu ớt, tiếng nấc nghẹn ngào của chị Tiên…

Bường đắc thắng thì thào vào tai thằng bên cạnh: “Tao đã bảo, là không cưới mà lị…”.

Rồi thì Bường cũng lơ mơ hiểu, người làng đồn ầm lên rằng, anh Đỗ bỏ chị Tiên để sắp làm rể ông Phó Giám đốc công trường đá rồi. Người ta còn nói trắng ra, thằng Đỗ là thằng đểu, thằng đào mỏ và trộm tình chị Tiên thôi, rằng đôi lợn chị Tiên bán đi là để anh ta gom tiền có quần áo mới, mua được xe máy để đi cưa con gái ông Phó Giám đốc công trường đá. Thằng Đỗ này là người khéo ăn khéo nói có hạng ở làng này rồi, ai chẳng biết!...

Chợt Bường và lũ trẻ giật bắn mình, tiếng anh Đỗ thảng thốt: “Tiên, em sao thế? Em đau ngực à? Đau tim à! Sức khỏe em thế, lẽ ra anh không nên nói chuyện này… Chết thật! Chiều nay em đã uống thuốc chưa?”. Tiếng chị Tiên ú ớ, rên quặn lên đau đớn: “Đau quá… anh ơi! Không thở được… Anh đã phụ em…  Em đau quá… anh… ơi…!”.

Rồi tiếng chân chạy quýnh quáng, những bước rậm rịch nằng nặng của anh Đỗ, tiếng của đống rơm đổ nhấn chìm tiếng rên của chị Tiên. Tiếng anh Đỗ hốt hoảng trong lùm xùm rơm rạ lấp vùi: “Bà ơi, làng xóm ơi… có ai không, cứu với!!!…”.

Khi đèn đóm rực lên ở góc vườn thì Bường và lũ trẻ xuất hiện ở đó trước rồi. Bọn trẻ xé nát hàng dâm bụt trong bóng tối và băng qua. Khi chúng hối hả bới rơm rạ moi được hai người ra, thì mặt chị Tiên đã nhợt bệch, môi chị tím ngắt, mũi không còn thở nữa…

Đám tang của hồng nhan bạc mệnh qua chóng vánh như cuộc đời vắn của chị. Bường và lũ trẻ cũng không nhốn nháo chạy trước chạy sau như trong các đám tang khác. Chúng lầm lũi theo người lớn đi ở cuối đoàn. Tiếng kèn tiếng trống vẳng đâu đây, tiếng dùi gỗ đánh vào tang trống, nghe nhàn nhạt và rỗng, khác hẳn tiếng những con quay gỗ chọi vào nhau chan chát. Chán! Sau này nghe người làng nói chị Tiên mất vì quá sốc, bị nhồi máu cơ tim… Cũng phải đến cuối năm ấy, Bường và lũ trẻ mới biết nhà anh Đỗ chuẩn bị cho đám cưới của anh ở tỉnh xa. Ở đâu thì chúng chẳng rõ, và chúng cũng ít thấy anh Đỗ ghé về thăm nhà…

Vài năm sau, bà cụ mẹ chị Tiên cũng mất… Khi căn nhà trở nên lạnh lẽo thì bọn trẻ cũng rời lưng cái nhà ấy, không còn đánh quay ở cái ngõ đất nhỏ đó nữa…

"Hít vào!... Thở ra!... Hít vào... nín thở! Anh nín thở tốt lắm, chụp lần cuối cùng nhé” - Tiếng nhân viên y tế văng vẳng bên tai hắn.

… Tọc mạch vào chuyện của người khác, đến lớn Bường mới biết là chuyện rất xấu. Nhưng lúc đó hắn có nghĩ được điều đó đâu. Hắn sau này thi vào nghề họa, suốt ngày chỉ ham nặn tượng. Hắn mải miết đắp trát. Khối đất dù vuông vức xù xì, dù tỉa tót tròn trịa, mềm mướt đi, với dáng vẻ nào thì dưới bàn tay của hắn vẫn lồ lộ những hình bóng đàn bà, những hình nhân dù ở tư thế biểu cảm nào, hạnh phúc hoặc khổ đau, đều toát lên vẻ đẹp có sức hút mê hồn. Bường nói, ấy thế mà chưa một tác phẩm nào của hắn thể hiện được, chạm được đến tận cùng cái nỗi ám ảnh, cái hình ảnh như đã cứa thành vệt rớm máu, sâu và dài hằn trong ký ức tuổi thơ của hắn…

“Anh dậy, mặc áo vào nào, xong rồi… lát nữa bác sĩ sẽ đọc kết quả.” – Tiếng kỹ thuật viên y tế nhắc bên tai, tiếng dứt lựt phựt những giác hút trên cơ thể trần của Bường…

…Vị bác sĩ già xem phim xong, ngẩng lên bảo với Bường rằng: "Tim anh, chúng tôi không phát hiện vấn đề gì. Nhưng ở tuổi trung niên lẫn điều kiện sinh hoạt, làm việc căng thẳng, môi trường sống, anh cần giữ lòng thanh thản. Không loại trừ sẽ có những cú cảm xúc cao, thì tim anh sẽ loạn nhịp cũng không biết chừng… Cố gắng tránh nhé!”. "Vâng... tôi sẽ cố. Đời người, ai cũng mong mình khỏe mạnh, ai cũng mong ấm và yên… Nhưng cuộc sống dằng dặc vốn phức tạp, làm sao tránh được, thưa bác sĩ...", hình như hắn ứa nước mắt.

Hắn nghe và đáp mà tưởng như mọi việc rơi tõm vào đâu. Hắn lí nhí cảm ơn ông bác sĩ già rồi cúi mặt lầm lũi bước …

24 tháng Chạp, Giáp Ngọ.

Truyện ngắn của Văn Ba
.
.