Tưởng nhớ anh linh cụ ngoại Hai Hiên cùng các nghĩa sĩ trong khởi nghĩa Hà Thành đầu độc, nhân dịp Kỷ niệm 110 năm, 27/6/ 1908-27/6-2018

Một bước vào sử xanh

Thứ Năm, 28/06/2018, 09:19
Tùng! Tùng! Tùng… Nhịp trống cầm canh như thúc vào ngực, vào tim… Lại một thời khắc quý báu tuột trôi. Chỉ còn hơn một canh giờ nữa, Hai Hiên sẽ tự đi nộp mình cho quân Pháp để đổi mạng cho tất cả họ Nguyễn và toàn dân của làng Cao Xá Trung, phủ Hoài Đức.

Quan tri phủ Thanh Oai Nguyễn Văn Trù gục đầu trước hương án tổ tiên. Ngài không sao gượng dậy nổi để đi ra sân. Ngoài kia, ngài đã được báo: Trên đường làng, đường xóm, từng dòng người từ trong những lều tranh vách đất cũng như mái ngói tường gạch âm thầm tay mang theo thẻ hương lũ lượt lê bước đến nhà thờ họ Nguyễn, nơi dân làng thầm loan tin nhau: Hai Hiên vừa trở về tự nộp mình cho Tây để cứu mạng cả làng. Họ nghe nói các vị đại diện trong làng và gia tộc họ Nguyễn sáng sớm nay sẽ làm lễ tế sống Hai Hiên - vị nghĩa sĩ anh hùng - cậu ấm con trai nguyên quan phủ Quảng An cũ, nên để tri ân ơn cứu mạng, họ cũng tự nguyện tìm tới.

Cách đây 2 tuần, ngày 27 tháng 6, Hai Hiên đã lãnh đạo các anh em đầu bếp trong thành Hà Nội đầu độc 2000 quân Pháp trong Thành. Theo kế hoạch: Anh em binh lính người Việt trong Trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội khi được tin quân Pháp bị độc dược của các anh em đầu bếp vô hiệu hóa, sẽ hiệp đồng làm nội ứng, nổi dậy cướp súng Pháp bắn ba phát báo hiệu. 

Lúc đó, bên ngoài có nghĩa quân của ông Đề Thám đã phục sẵn, nhận được hiệu lệnh sẽ từ ba hướng: Đồn Thủy, Nhà máy Thuốc lá và phía Sơn Tây cùng nhất tề tấn công vào thành Hà Nội. Liên quân quyết mưu nghiệp lớn: giành lại Kinh đô ngàn năm thiêng liêng của nước Việt khỏi lũ ngoại bang xâm lược bạo tàn. Sau đó sẽ mời ông hoàng Cường Để từ Nhật Bản về cùng ông Đề Thám; ba bên hiệp thương bầu cử ra một ban lãnh đạo mới của đất nước; dẹp bỏ triều đình hèn mọn, bán dân hại nước; đánh đuổi đế quốc ngoại xâm; xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, hùng cường sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Ngờ đâu mưu sự bất thành! Nồng độ độc dược yếu. Chỉ có 250 quân Pháp bị ngắc ngoải. Lại thêm có kẻ trong cơ lính số 9 phản bội, lén đi tố cáo với giám mục Pháp. 

Đại sự bị bại lộ. Lũ giặc lật ngược thế cờ… Ba vị sĩ quan người Việt cầm đầu ba cơ lính pháo thủ là Đặng Đình Nhân, Dương Văn Cốc và Nguyễn Trị Bình đều trong ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã bị bắt ngay tại chỗ. Nghĩa quân Đề Thám phục kích bên ngoài Thành chờ mãi không thấy pháo hiệu nội ứng đành âm thầm lui quân về căn cứ. Cuộc khởi nghĩa chưa kịp đồng khởi đã thất bại đau xót. Hai Hiên và một vài chiến hữu, trong đó có ông Nhiêu Sáu và Đồ Đàm chạy thoát.

Quân Pháp vừa sợ hãi, vừa uất hận đến điên cuồng. Ngay hôm sau, ngày 28 tháng 6, áp dụng sắc Luật ban hành lần đầu tiên ngày 25 tháng 7 năm 1864 về Tổ chức Tư pháp của Pháp tại Nam Kỳ (1): “Tất cả các vụ án có tính chất chính trị như khởi nghĩa chống đối chính quyền Pháp đều chuyển qua Tòa án Binh của Pháp xét xử”. Hội đồng Đề hình được thành lập cấp tốc, bỏ qua mọi thủ tục tra cứu, bác bỏ quyền kháng cáo, tên Jules Bosch - Công sứ tỉnh Hà Đông (trong đó có thành Hà Nội) ra lệnh lập tức xử trảm ba ông đội: Nguyễn Trị Bình, Đặng Đình Nhân và Nguyễn Văn Cốc vào ngày 8 tháng 7. Thủ cấp của ba ông bị chúng treo trên 3 cổng thành để răn đe dân Hà Thành và làm yên lòng thường dân Pháp đang hốt hoảng, náo loạn, đổ đến biểu tình ngoài cổng Phủ Tổng đốc, đòi được trốn vào Phủ để bảo toàn tính mạng.

Minh họa: Tô Chiêm.

Lại mượn thêm Luật “Tạo phản là trọng tội” của triều đình An Nam; tên Jules Bosch quyết liệt truy diệt bằng được vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa - Nguyễn Văn Hiên - người Việt giữ đầu mối cao cấp nhất điều hành tất cả mạng lưới các bếp nấu ăn, tiếp phẩm quân lương cho 2.000 binh lính Pháp trong toàn thành với chính quyền Pháp lúc bấy giờ - người đã trực tiếp ra lệnh cho những người phụ trách các bếp ăn bỏ độc dược vào món súp rau của tất cả quân lính trong tiệc chiêu đãi quân lính trong thành tối 27 tháng 6.

Sau một tuần truy tìm Hai Hiên mãi không được, tên Công sứ tỉnh Hà Đông điên tiết kéo cả quan phủ Hoài Đức cùng quân Pháp về Cao Xá lùa tất cả làng lớn bé ra đình cay cú, hùng hổ, tuyên bố: “Chúng tao thề sẽ tru di ba họ nhà Nguyễn Văn Hiên - kẻ chủ mưu vụ đầu độc Hà Thành, mấy hôm nay làm kinh hoảng toàn xứ Indochine, làm chấn động cả nước Mẹ Pháp. Chúng tao thề sẽ xóa sổ toàn bộ đàn ông, đàn bà, già cả, lớn bé của cái làng khốn khiếp đã đẻ ra tên Nguyễn Văn Hiên to gan lớn mật như trời này. Nếu cầm đầu cái làng này, nếu họ hàng tổ tông của cái thằng chết tiệt này nội nhật trong ba ngày nữa không nộp mạng tên Hiên cho quan quân Pháp xử trảm!... Thằng quan phủ Hoài Đức, thằng lý trưởng Cao Xá Trung phải lo việc này. Không lo được, tao sẽ đày biệt xứ tuốt. Tao thề sẽ đốt sạch, xóa sổ sạch, giết sạch không còn một mống nào cả cái làng khốn khiếp này!...”.

Chao ơi! Ông Hai Hiên thì cả vùng này đâu có lạ. Ông tên thật là Nguyễn Văn Truyền, còn có tên Nguyễn Văn Hiên, thường gọi là Hai Hiên, cậu ấm thứ hai của ông Chánh tổng Tòng (Nguyễn Văn Toe) bên phủ Quảng An với bà vợ thứ Nguyễn Thị Chuyên; và là em cùng cha khác mẹ của quan phủ Thanh Oai Nguyễn Văn Trù đương nhiệm. Ba con trai con bà thứ của ông Chánh Tòng đều nổi tiếng đẹp trai, văn thông, võ thạo.

Nguyễn Văn Hưu là anh cả (còn có tên gọi là Bảy Hưu), bản chất hào hoa lãng tử, không chịu được sự gò bó quan trường, ra luồn vào cúi nên đi thi cử ra làm quan mà ở nhà mở của hàng laghim buôn bán rau quả, thực phẩm. Hữu có gien của mẹ giỏi làm ăn buôn bán, nên cửa hàng của ông lớn nhất chợ Đồng Xuân. Cả ba đều chỉ thích giao lưu kết bạn với các trang nghĩa hiệp các xứ nên mở hàng cũng tiện việc giao tiếp.

Em trai út Nguyễn Văn Điều mới hơn hai mươi, hiền lành nhất cũng đắc lực đi theo chí khí của hai anh. Trong ba anh em thì Hai Hiên thông minh, tài hoa nhất. Hai Hiên nói và viết tiếng Pháp rất thông thạo nên thi được ngay vào ngạch chuyên viên phụ trách bếp và tiếp phẩm (đầu của tất cả các bếp) cho toàn quân của lính Pháp trong thành Hà Nội. Hai Hiên cũng nổi tiếng về tài quảng giao và nghĩa hiệp nên được bầu làm Chủ tịch Công đoàn nhân viên Dân sự trong thành (2).

Hai Hiên ý chí kiên định và sắc bén, lại hay đi quảng giao khắp các xứ, nên ông quyết chỉ lập gia đình khi tìm được một giai nhân đồng ý chí, tài sắc vẹn toàn. Mãi đến năm ba mươi tuổi, em trai quan phủ cũng tìm được cô Nguyễn Thị Hai quê tận Hải Phòng mới tròn hai mươi tuổi về làm vợ. Hai người mới cưới năm ngoái còn chưa kịp có con.

Quan phủ Phủ Hoài Đức vốn là bạn thân của quan Phủ Nguyễn Văn Trù từ thuở thiếu thời. Ông phủ Hoài Đức quá biết rõ tình cảm khăng khít, thắm thiết như cha con của mấy anh em bạn. Ông phủ Trù chính là anh trưởng của Hai Hiên, ông đâu có lạ nên cấp tốc sang cầu cứu bạn thân để cứu vớt dân làng Cao Xá, dù ông không hề biết chính xác bạn thân có đang cưu mang, che giấu em mình không, nhưng ông tin quan tri phủ Thanh Oai biết đích xác em mình đang ở đâu.

Quả nhiên, quan phủ Trù không tự đưa em đi trốn, nhưng trước tính mạng của mấy trăm lương dân làng Cao Xá đang treo trên sợi tóc, ngài đã dằn lòng hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn, âm thầm lặn lội lên đồn Phồn Xương, nơi Hai Hiên đang nương náu để báo tin dữ cho em.

- Em ơi! Quan phủ Hoài Đức đến báo với anh: Nhà mình cả thảy ba người: chú Bảy Hữu, chú Điều, cô Hai vợ em đều bị bắt giam trong ngục Hỏa Lò rồi! Ba ông Đội bạn thân của em đều đã bị chém bêu đầu ngoài cổng thành - Ngài nức lên thê thiết - Hiện bọn Pháp đang bao vây cả làng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đàn ông bị tra tấn, đánh đập, đàn bà bị hãm hiếp vô tội vạ. Xóm làng bị đốt phá, cướp bóc tan hoang. Chỉ có anh đang ở bên phủ Thanh Oai nên trốn thoát. Nhưng gia đình anh cùng cả ba họ nhà ta trong làng Cao Xá Trung đều đang bị giam giữ trong đình. Tên Công sứ Hà Đông đích thân đến làng thề sẽ tru di cả 3 họ nhà ta, sẽ giết sạch, đốt sạch, xóa sổ mấy trăm mạng người cả làng Cao Xá, nếu nội trong ba ngày em không tự nộp mình cho chúng.

Khi nghe ông anh trai kể xong, Hai Hiên đã quỳ xuống lạy anh và khí khái thưa:

- Em chỉ hận chí lớn của em và các chiến hữu không thành khiến cả làng, cả họ vạ lây, có nguy cơ ngập vào đầu rơi máu chảy. Em chỉ hận nợ nước chưa kịp đền! Việc em làm em chịu! Quyết không để ai liên lụy. Em sẽ về đổi mạng cho dân làng và họ tộc!

Và rạng sáng nay, theo đúng hẹn với anh trai, Hai Hiên cưỡi ngựa băng theo lối tắt, vượt đồng sâu vào nhà thờ họ Nguyễn làng Cao Xá Trung. Vừa nhìn thấy em trai, ông phủ Nguyễn Văn Trù òa khóc:

- Em ơi! Anh thật vô cùng xấu hổ vì lẽ ra người làm quan như anh mới phải là người ra tay cứu nước trước. Vậy mà anh đã không làm tròn được khí tiết trước non sông thì chớ, không phụ giúp được người anh hùng xả thân vì dân tộc, lại còn cầu xin em từ bỏ mạng sống để cứu giúp gia đình mình, họ tộc mình, dân làng mình. Làm quan như anh thật vô ích, thậm nhục nhã. Mang tiếng làm quan lớn của dân mà ngày ngày chịu sự sỉ nhục sai bảo của một lũ giặc ngoại xâm cướp nước tanh hôi đi đàn áp đồng bào mình. Khom lưng, quỳ gối vì miếng cơm manh áo dơ dáy. Làm anh trưởng mà không có đủ dũng khí để làm gương cho các em. Ngày ngày dâng hương lên bàn thờ tiên tổ, đứng trước các bài vị của cha ông - những anh hào tiết liệt xa xưa, anh không khỏi hổ thẹn. Anh thật không đáng có mặt trên đời này!

Quan phủ Nguyễn Văn Trù vùng dậy, chạy ra cửa, rồi quay ngược lại nhằm cây cột gỗ có treo câu đối trước bàn thờ lao đầu vào.

 Hai Hiên đang đứng bên bàn thờ thấy vậy vội bổ nghiêng sang ngáng đường. Ông đã kịp thời chặn được phần nào cú lao chí tử của quan anh. Nhưng đầu ngài cũng đã va vào tấm câu đối bầm máu. Hai Hiên ôm chặt người anh, khẽ trải lòng:

- Thưa anh! Từ thuở thơ ấu, ba anh em chúng em tuy là không được cùng một mẹ với anh, nhưng anh vẫn coi chúng em không khác nào cùng mẹ sinh ra. Cha mất sớm mà chúng em vẫn còn quá nhỏ dại, anh thay cha cưu mang, dạy dỗ chúng em học hành, bảo ban ba anh em từ lời ăn, nết ở, quan tâm tới chúng em trong cuộc sống từ mái ấm, cho đến công ăn việc làm. Công ơn ấy chúng em luôn luôn ghi nhớ. Là người anh trưởng, nghiệp nhà quá lớn, gánh nặng mình anh. Anh tạo dựng cho cả gia đình. Cả dòng họ nhà ta vẫn thường trông cậy vào anh mỗi khi công to việc lớn, gặp việc đời trắc trở. Lý ấy, anh đừng băn khoăn nhiều. Với em, anh luôn là bậc phụ huynh gương mẫu. Trong thâm tâm, xưa nay, em vẫn luôn coi anh như là một người cha đáng kính.

- Nhưng anh còn thua cả nữ nhi. Anh cảm thấy nhục quá! - Quan phủ lắc lắc mái đầu hoa râm mới mấy ngày đã trở nên bạc trắng - Anh không bằng cả cô Hai vợ em. Cô ấy còn dám chính danh gan dạ trợ giúp nghĩa quân mong trừ nguy cứu quốc. Nay bị bắt giam trong ngục rồi. Thương quá! Cô ấy mới hai mươi tuổi đầu, còn quá trẻ, quá đẹp. Nghe nói cô ấy không bị tra tấn tàn khốc lắm vì đã nhận luôn tội tìm và vận chuyển độc dược cho nghĩa binh!

Vợ em quả là nhi nữ mà anh thư tú kiệt; quả không hề hổ thẹn là người vợ tiết liệt, trung kiên của em. Cô ấy thà nhận tội chết chứ quyết không khai cho ai một lời! (3). Còn bà Nhiêu Sáu (4). Ôi chao! Bọn mật thám Tây dã man lắm em ơi! Chúng đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, rồi nhét bà vào đó mà lăn từ nhà bà về ngục Hỏa Lò.

Cả Hà Thành chứng kiến sự can trường của vị nữ anh hùng ấy: Không một lời khóc lóc van xin. Ngược lại bà liên tục lớn tiếng gào thét, nguyền rủa quân cướp nước. Người bà Sáu Nhiêu rách tướp, máu bà chảy qua thùng thấm đẫm xuống đất suốt dọc những con đường mà bà bị lăn qua. Những con đường của Hà Thành - mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà bà đã cắt máu thề nguyền sẽ đem cả tính mạng ra để cứu nó.

Một ông Đội bạn em đã quát vào mặt Tổng đốc Hà Đông đang hỏi cung ông rằng: “Những điều ông hỏi làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi tự hỏi rằng: Không biết tại sao ông lại còn hỏi chúng tôi như thế? Bởi vì, suy cho cùng, ông cũng là người Việt Nam, ông phải hiểu cái việc mà chúng tôi - ba người lính khốn nạn này - đã cố làm. Chính các ông - những ông quan, ông lớn - các ông phải làm việc đó trước tất cả mọi người mới phải” (5). Chao ôi! So với ông Đội lính khố đỏ bình thường đó, so những người đàn bà như bà Ba Đề Thám, bà Nhiêu Sáu và cô Hai vợ em, anh là một vị quan mà thật đê nhục! Thật không đáng sống! (6)

Hai Hiên vội đỡ anh dậy:

- Em xin anh nghĩ lại! Anh Hựu, em Điều, rồi vợ em đều bị Pháp bắt giam vào Hỏa Lò hết cả rồi. Chắc rằng cũng chẳng có ngày về. Vợ chồng em chưa có con cái gì, em Điều chưa vợ, thôi thì cũng xong, Nhưng còn vợ con anh cùng vợ con anh Hựu, các cháu còn quá nhỏ dại. Anh mà cũng bỏ dương gian này mà đi thì dòng dõi nhà ta tan nát hết. Gia đình ta nay đều trông vào một mình anh. Anh không nên nghĩ quẩn. Xin anh hãy nén nhịn, gắng sống để còn chăm lo cho dòng tộc nhà mình - Hai Hiên nắm chặt tay, mắt quắc lên - Hãy nuôi mối cừu hận này trong lòng con cháu dòng họ nhà ta. Hãy gắng nuôi dạy chúng nên người, đặng mai sau phục thù cứu quốc. Quân tử phục thù mười năm, hai mươi năm vẫn chưa muộn mà anh. Hy vọng mai sau em cùng các đồng chí của mình được ngậm cười nơi chín suối khi thấy Tổ quốc mình độc lập, quốc dân mình được tự do, hùng cường sánh vai được với các cường quốc năm châu…

 *

Đang thời khắc hung hiểm nhưng các bậc cao lão trong họ Nguyễn vẫn cố gắng biện lễ trang nghiêm hương trầm nghi ngút nơi đỉnh sứ trước hiên nhà thờ. Được tin người anh hùng Hà Thành khởi nghĩa Hai Hiên đã về nhà thờ tổ họ Nguyễn để sớm mai tự đi đổi mạng cứu họ tộc và dân làng, cả làng Cao Xá lặng đi, không ai cầm được nước mắt vì thương phục. Ngay trong đêm khuya, các hương lão, chức sắc trong làng họp bàn rồi bí mật gọi đại diện của các dòng họ lặng lẽ kéo đến sân nhà thờ họ Nguyễn. Họ đã chia nhau theo tôn ti thứ tự, xếp hàng sụp lạy sẵn, chờ người anh hùng vì nghĩa cả quên thân bước ra ngoài.

Cánh cửa gỗ lớn của nhà thờ tổ họ Nguyễn từ từ mở rộng. Dân làng Cao Xá Trung chẳng biết từ lúc nào đã kéo đến đứng chật sân nhà thờ. Họ thấy cậu ấm Hai Hiên người anh hùng của họ từ trong nhà đường hoàng, đĩnh đạc bước ra bậc thềm hiên giữa vầng sáng chói lòa từ ánh mặt trời rực rỡ của buổi sáng giữa thu ùa vào người ông như giát vàng.

Lý trưởng làng Cao Xá Trung vội bước lên trước, quỳ sụp trước mặt Hai Hiên, vái ba lạy rồi quay lại lớn tiếng nói với dân làng:

- Ông Hai Hiên đã vì nghĩa lớn mà khởi nghĩa cứu nước. Đại sự bất thành là một nỗi uất hận, đau đớn khôn cùng. Ông đã may mắn trốn thoát khỏi bàn tay truy sát của giặc Tây. Đó là trời thương người anh hùng mà bao dung, che chở. Nhưng nay ông lại không nỡ để mặc toàn bộ con dân làng ta chết trong thảm sát mà tình nguyện hy sinh cả cái tính mạng quý giá của mình. Các bô lão và toàn bộ chức sắc trong làng Cao Xá ta đã họp bàn đêm qua: Tên làng là của tiên tổ để lại, đã được Thành hoàng chứng ghi lâu năm, khó đổi, nay chỉ có thể lập tên xóm. Làng ta xin được ghi nhớ công ơn trời biển của ông Hai Hiên bằng cách lấy tên ông làm tên xóm đã sinh ra ông - người anh hùng của dân tộc, để con cháu Cao Xá Trung ngàn đời hàng ngày vẫn luôn nhắc nhở, ghi tâm khắc dạ người anh hùng đã vì nghĩa lớn mà tình nguyện xả thân vì dân làng. Xóm Hai Hiên! Các bà con dân làng có nhất trí không? (7)

“Có ạ! Nhất trí! Xóm Hai Hiên ạ!”, “Nhất trí! Xóm Hai Hiên!”, “Xóm Hai Hiên!”, “Xóm Hai Hiên!,…

Những tiếng dạ ran lên cùng những tiếng khóc xụt xịt cố ghìm nén, xen tiếng niệm Phật bột phát vang lên: “Nam mô A-di-đà Phật!”, “Nam mô A-di-đà Phật”… tiễn Hai Hiên  - một trong những nghĩa sĩ lừng danh nhất của cuộc khởi nghĩa Hà Thành đầu độc - bước vào cõi bất tử của sử xanh - một trang sử đẫm máu bi hùng của kinh thành Thăng Long, Thủ đô thiêng liêng ngàn đời của đất Việt.

VĨ THANH

Tháng 10/1908, mật thám Pháp đã thu được những tập truyện mỏng mang tên “Truyện các liệt sĩ Hà Thành” của Phan Bội Châu từ Nhật gửi về nước. Trong đó có đoạn kết ca ngợi:

“Nguyễn Trị Bình quê ở Hoàng Mai, Hà Nội.

Ông Hai Hiên quê ở thành phố Hà Nội.

Hà Nội là sở hữu của người Pháp. Nhưng ngay cả 3.000 năm sau nữa, vết máu của các anh hùng đó sẽ không phai mờ; một người nấu ăn Việt Nam cũng đã yên nghỉ trên đất Hà Thành một cách vinh quang. Và chúng ta phải mãi mãi lưu truyền kỷ niệm về quá khứ của họ.

Sau sự kiện đau thương này, người ta phê phán sự thiếu kín đáo của các anh hùng chúng ta đã để mất đi một cơ hội tốt đẹp đặng hoàn thành sự nghiệp cứu nước của họ. Tuy vậy, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, những người đã chết cho Tổ quốc họ và cho chúng ta, đó thực sự là những anh hùng. (8)

108 năm sau, ngày 30 tháng 8 năm 2016, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã tổ chức một buổi lễ trang trọng dâng hương khánh thành Đài tưởng niệm các nghĩa sĩ trong vụ Hà Thành đầu độc.

*****************************

(1) Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918,Nxb GD,2000,tr311

(2) Vụ án chính trị Đông Dương 1895-1923 của TS Patrice Morlat, Nxb Harmttam, tr 81-88.

(3) Bà Nguyễn Thị Hai, vợ Hai Hiên bị kết án 5 năm tù khổ sai

(4) Bà Nhiêu Sáu (Nguyễn Thị Ba) bị kết án 3 năm tù thường.

(5) Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918, sđd, tr 312

(6) Sau đó, quan tri phủ Nguyễn Văn Trù đã từ quan về làm ruộng.

(7) Hiện nay ở thôn Trung, Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội, có 1 xóm mang tên xóm Hai Hiên.

(8) "Phan Bội Châu toàn tập",  Tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2000.
Truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Thị Anh Thư
.
.