Mộ gió

Thứ Hai, 13/11/2017, 08:48
Bãi đá nằm ngổn ngang như bầy voi tranh nhau lội xuống biển. Ông Đội và thằng Sóng ngồi trên mỏm đá cao nhất, mắt dõi ra xa. Sóng biển giận dữ chồm lên muốn cuốn phăng bãi đá. Hình như hòn đá chao đảo muốn chìm, nhưng đó chỉ là ảo giác. “Thuốc nì ông!”. 

Thằng Sóng đã cuốn một điếu thuốc rê từ lúc nào. Gió biển tấp vô mặt rát rạt, ông Đội chỉ tay xuống phía dưới mỏm đá, ra hiệu cho thằng Sóng. Nó nhảy phắt xuống, núp sau khe đá, bật hộp quẹt. Điếu thuốc đỏ lòe ngay trước mũi ông già, làn khói trắng đục vừa nhả ra liền bị giật phăng, ném về phía bãi cát lổn nhổn thuyền thúng và những tấm lưới phơi la liệt.

Bốn con mắt cùng nheo nheo nhìn ra biển. Hoàng hôn nhuộm hồng chân mây. Sóng biển vẫn chồm lên đá. “Có tàu về rồi ông tề!”. “Mô?”. “Con nhìn thấy hai mắt hắn chớp chớp”. Ông già dụi mắt, hướng về phía tay thằng nhỏ. Ờ! Có một con tàu đang về bến. Sóng dữ quá, chỉ thấy mũi tàu nhấp nhô, lúc hụp xuống, khi trồi lên. Hai con mắt phía trước, khoang đỏ, khoang trắng dữ tợn nhìn xuống biển.

“Lạy trời có cha con trên tàu đó!”. “Ờ!”. Ông Đội buồn bã liếc nhìn vẻ mặt lo lắng của thằng nhỏ mười lăm tuổi. Khuôn mặt giống đúc cha nó, một ngư dân bốn mươi bảy tuổi. Sóng đứng hẳn lên mỏm đá, hai tay khoanh trên vầng ngực nở. Cái giò kia đã trổ dài, có bắp. Hai năm nữa là thằng Sóng cũng đi biển.

Cặp mắt giao long trên mũi tàu hiện lên rõ dần, đã nhìn thấy màu sơn đỏ vàng bên ngoài tròng mắt trắng, con ngươi đen săm soi nhìn xuống đáy biển, tìm tòi. Con tàu nhỏ ướt sũng lao vào bến. Tàu số 704 của nhà Hiền- Thu. Một đám đàn bà chầu chực ở đâu bỗng hiện ra, lao xao tiếng gọi. Thằng Sóng cũng bỏ ông già trơ trọi trên mỏm đá, chạy về phía chiếc tàu. “Không thấy cha con ông ơi!”.

Thằng Sóng quay lại, thở dài đánh sượt. Tháng trước, tàu cá nhà Hậu đang đêm gặp bão gần Hòn Che. Cha thằng Sóng cùng chín người khác ở trên tàu đó. Dù con tàu có đôi mắt giao long trắng giã chiếu tia nhìn dữ dội vào lòng biển, bọn thủy quái cũng không sợ. Chúng lùa từng đợt sóng cao bằng mái nhà, úp xuống tàu.

Anh Biển - cha thằng Sóng - trong lúc cố giữ đống lưới trên sàn tàu, bị sóng cuốn phăng xuống biển. Đến sáng, cả tàu mới phát hiện ra mất người. Họ hy vọng với tài bơi lội, anh Biển sẽ dạt vào Hòn Che, chờ cứu hộ. Tài công được lệnh thẳng tới Hòn Che, nhưng chạy hết hai vòng quanh hòn đảo nhỏ mà không thấy anh Biển.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ông Đội và thằng Sóng đi về làng, liêu xiêu bước chân. “Mạ con khóc cả tháng ni, hết nước mắt rồi. Ông đừng đi thành phố nữa, hãy làm cho cha con cái mộ gió”. “Mi không chờ nữa răng?”. “Chắc chết rồi! Ai giỏi cách chi mà bơi trên biển cả tháng”. “Về bàn với mạ mi, nếu quyết làm mộ thì để tau chuẩn bị cúng lên cốt”. “Dạ!”. “Còn nữa! Mi biết chạy xe, đi đổi giùm tau tấm vé xe đò. Thôi, để chủ nhật tới tau đi thành phố”. Nghĩa là sau khi đắp hình cốt, làm mộ gió cho cha thằng Sóng xong, ông Đội vẫn đi thành phố với con gái.

Ở làng Chài, người dân tôn kính gọi ông là pháp sư, cái nghề gia truyền từ hơn bốn chục năm nay. Cha ông, một người giỏi chữ Nho, thông thạo về nhân tướng. Khi dùng đất sét đắp hình nhân người chết biển, có thể khắc họa rõ sắc mặt, phong cách, tướng mạo, để người thân của họ mới nhìn vô là nhận ra chồng, con của mình. Ông Đội được cha hướng dẫn tỉ mỉ về nghề, từ việc đắp hình nhân đến các thủ tục cúng lễ. Mấy chục cái mộ gió được làm từ đó đến nay, ông đã thành thạo đến mức nhắm mắt cũng tưởng tượng ra từng chi tiết.

 Mụ Gái – mẹ thằng Sóng - gượng đứng dậy trên hai bàn chân run rẩy. Khuôn mặt trái xoan dễ nhìn, nay nhám đen, gầy sọm. Mụ lật bật tháo chiếc dây chuyền trên cổ, kỷ vật có giá nhất mà chồng sắm cho trong một lần đi biển, hai tay dâng lên cho ông Đội. “Thầy làm phước… giùm mạ con con…”. Ông Đội xua tay: “Mạ thằng Sóng cất vàng đi! Để tau lo!”.

Nỗi buồn trong lòng ông bỗng biến mất. Một thứ cảm giác say lâng lâng như chơi ma túy dâng lên, ngây ngất, thường có ở những người đang được hiến sinh vì đồng loại. Bốn mươi chín năm làm nghề pháp sư, cảm giác này có từ lần đầu tiên ông Đội trực tiếp làm mộ gió. Năm đó cha ông qua đời ở tuổi tám mươi và trong làng có sáu trai tráng thiệt mạng giữa biển trong một cơn bão.

Không thể từ chối lời khẩn cầu của dân làng, chàng trai hai mươi ba tuổi phải một mình đắp sáu hình nhân, làm sáu cái mộ gió trong vòng một tuần. Lúc đầu thì lo lắng, run sợ. Sau khi nhúng tay vào đống đất sét mịn, cảm giác lâng lâng, ngây ngất xuất hiện và anh Đội mê mải làm như bị bùa ngải.

Tất cả những người chết biển ở làng chài được ông Đội làm mộ gió đều có tên trong cuốn sổ cũ giấy ố vàng. Họ tên, tuổi, ngày mất tích, ngày làm mộ được ông ghi chép cẩn thận. Thường dân làng lấy ngày người thân đi biển cuối cùng làm ngày giỗ. Bốn mươi hai năm, tổng số có sáu mươi chín người chết biển, sáu mươi bảy đàn ông, trai tráng trong làng và hai người khách theo tàu đi nghiên cứu hải sản. Gia đình hai người khách ấy cũng tìm tới làng Chài, nhờ ông đắp hình cốt rồi liệm trong quan tài, mang về quê mai táng ở một tỉnh ven biển miền Bắc. Ngoài ấy không có tục làm mộ gió.

Đúng sáu năm bảy tháng, làng không có người chết biển. Hình như dân làng không quan tâm tới chuyện này, nhưng pháp sư thầm mừng trong lòng. Ông muốn những trai tráng ra khơi đều trở về bờ. Cũng có nhiều biến cố đến với làng Chài, bấp bênh sống chết, khi một chiếc thuyền bị tàu nước ngoài đâm vỡ, thuyền viên bị chúng bắt đi, tài sản bị cướp phá tan hoang.

Tuy vậy, chỉ khốn đốn một thời gian rồi cũng ổn định, người được chuộc về, tàu được đóng mới, lưới được sắm thêm, nhưng không có ai chết. Có hai lần ngư dân trong làng gặp bão lớn, mười hai mạng người bị rơi xuống biển, lênh đênh đói khát mấy ngày trời, nhưng rồi ông trời thương, có tàu nước ngoài đi qua cứu vớt.

Ông Đội nghĩ nghề pháp sư của mình có thể bỏ được rồi. Ông sắp thoát khỏi ám ảnh bàn tay phải ve vuốt những tấm thân trai lực lưỡng bằng đất sét, tai không còn nghe tiếng kêu khóc của phụ nữ, con nít. Vợ chồng ông Đội không có con trai. Bốn người con gái đều đã gả chồng xứ người, cô út còn lấy chồng thành phố.

Lẽ ra ông bà cũng có những chàng rể da nâu sạm, khỏe mạnh giỏi giang là người làng Chài, nhưng ông sợ một ngày nào đó mình phải tự tay đắp hình cốt cho con rể. Bởi vậy, vô tình hay hữu ý, bốn chàng rể của ông không ai dính líu tới nghề biển.

Mới hai năm nay, khi bà vợ qua đời, ông sống đơn độc một mình trong căn nhà cuối làng, giáp bờ biển. Cô gái út năn nỉ cha ra thành phố ở với mình, ông chần chừ chưa đi. Đầu tháng nghe tin cháu ngoại bị té xe, gãy xương chân, ông quyết định lên ở với con gái một thời gian. Ông muốn thử xem cảnh ồn ào, náo nhiệt phố phường có thể làm quên hẳn những ngôi mộ gió. Vé xe đã đặt rồi, ngày mốt ông lên đường, nhưng mạ con thằng Sóng cầu xin ông chờ tin tức của anh Biển.

Bàn tay già run run lôi cuốn sổ xuống. Ông đã gói kĩ, cất vào trong hộp thiếc để trên bàn thờ cũ, với ý định từ giã nghề pháp sư, vậy mà… Nét chữ nghiêng ngả viết tiếp một dòng mới. Họ và tên Lê Văn Biển, bốn mươi bảy tuổi, ra khơi ngày hai mốt tháng bảy năm Nhâm Thìn.

Thằng Sóng chạy chiếc xe máy cà tàng tới rước ông. “Mạ con làm gà xong rồi ông ơi”. “Ờ! Chờ chút ông lấy bộ đồ dài”. Đi ngang quán mụ Bền, ông bảo thằng Sóng dừng lại, mua thêm mớ vàng mã, trầu, rượu. Nhà nó nghèo quá, không thì nấu thêm nồi chè và cái đầu heo cũng tốt.

Tấm chiếu nilon bạc màu, quăn queo bốn góc được trải trên cát. Pháp sư mặc áo dài. Chiếc áo màu cam cũ có vài lỗ bọ gián cắn li ti. Nghi lễ cúng lên cốt được bắt đầu. Mặt pháp sư hướng về phía núi, hai tay cầm ba cây nhang giơ lên cao. Hai ngọn đèn cầy lắt lay theo gió biển. Trời đất, thần biển cả hãy cho phép tôi được “lên cốt” cho ngư dân Lê Văn Biển. Hãy linh thiêng chỉ lối đưa đường cho hồn về nhập cốt.

Thằng Sóng đứng chờ với cây cuốc và chiếc vỏ thùng sơn, hai mắt đỏ hoe. Pháp sư khoát tay ra hiệu cho nó đi theo ông, tiến thẳng về phía chân núi. Hố đất sét rộng bằng miệng chiếc thuyền thúng, sâu ngang đầu gối. Đã lâu không bị đào bới, thành hố được nước mưa bào mòn, nhẵn thín. “Lấy hai phần ba thùng đất sét!” - Pháp sư ra lệnh. Thằng Sóng treo thùng đất lên cán cuốc, đặt lên vai, cõng về. “Trong khi ông cúng Bà mụ, mi đi mượn một thằng bạn về đây, hỉ!”.

Chiếc xe máy cà tàng gằn lên từng chặp phành phạch, khói phun mù mịt, cay con mắt. Bày xôi, chè, nước trắng lên tàu lá chuối trước đống đất sét, pháp sư cầu xin mười hai Bà mụ về chứng giám việc làm cốt cho người chết. Các bà mụ hãy nhập đủ ba hồn, bảy vía vào thân xác mới của Lê Văn Biển, để hồn phách biết đường về mộ, phù hộ cho vợ con bình an, no ấm.

Cối, chày gỗ được đem ra cọ rửa sạch sẽ. “Mi rảy qua chút nước lên đất sét cho mềm, rồi bỏ vô cối”. Tiếng thậm thịch vang lên, xen với nhịp thở của hai con người. Tịnh không một tiếng nói. Pháp sư bốc từng vốc bông gòn bỏ vô cối, từng nhịp chày dận xuống, biến dần màu trắng thành màu nâu, dẻo quánh, mịn màng như da thịt con người. Ông già đã chuẩn bị sẵn một bọc cây dâu. Bảy cây xương sườn, tám lóng xương tay, xương chân, cả những đốt ngón tay, chân đều đủ cả. Trứng gà làm trái tim, dây chỉ xanh đỏ làm mạch máu. “Hai đứa vét sạch đất ra cho ông, đừng để sót chút mô cả! Ăn miếng xôi chè đi, rồi đứa nào có nhà nấy về, chiều nay hai mạ con thằng Sóng qua nhận cốt nghe!”.

Nặn cốt là việc buồn tẻ nhất của nghề pháp sư, vì không ai được tới gần. Pháp sư chỉ còn chú tâm vào đống đất sét giã nhuyễn và những trạng thái tâm lý khác nhau khi nghĩ về người chết. Như giờ đây ông ngồi lụi cụi một mình dưới tấm bạt che, cố hình dung thật kỹ gương mặt của cha thằng Sóng. Ông đã bắt được cái thần của người chết. Nắng chiếu xiên khoai, rọi trên màu áo đỏ. Mồ hôi hầm hập chảy, ông ngất ngư như người lên đồng.

Anh Biển tính nóng nảy, đôi chân mày đen rậm, có tật hay nheo mắt và nụ cười nhếch mép khinh mạn. Con người này “khẩu xà, tâm phật”, tuy dễ nóng giận nhưng thảo tính, vợ con muốn gì là chiều, bạn nghề thiếu gì là giúp, vậy nên cặp chân mày nhìn dữ dội nhưng khuôn mặt chữ điền lại hiền khô. Anh Biển hiện lên trong tâm trí ông, sừng sững bên chiếc thuyền thúng đang được khiêng vô bờ, bắp thịt nổi cuồn cuộn dưới đòn khiêng.

Rồi đôi mắt xếch, cái miệng cười nhếch khinh khỉnh khi Biển nói chuyện với thằng đầu nậu cá ép giá ngư phủ, bàn tay to bè đã nắm chặt lại thành nắm đấm rồi lại mở ra. Tướng mạo người chết hiện dần dưới bàn tay khéo léo của pháp sư. Đầu, mặt đã có sắc khí, tiếp theo là vầng ngực rộng, nở nang, đôi cánh tay vạm vỡ, bàn chân thô to bè có những ngón chõe ra bám chặt mạn tàu mỗi khi sóng to, gió lớn.

*

Chiều buông tím hồng chân trời biển, những chiếc thuyền thúng dập dờn bơi vào bờ, người ngư dân đứng trên thuyền, đôi tay chèo như múa, đôi mắt dõi lên những ngọn dừa cao, hóng mây đoán thời tiết ngày mai. Mạ con thằng Sóng kéo tới cả thảy bốn người. Hai đứa con gái đi học về, cặp sách còn treo trên ghi đông xe đạp. Họ đứng lặng phắc thành một hàng. Ông Đội mở tấm vải trắng che hình nhân ra, cả bốn mạ con đều bật kêu lên. “Anh ơi!”. “Cha ơi!”.

Khuôn mặt hình nhân giống đúc mặt anh Biển. Mụ Gái vẫn buồn rũ, nhưng ánh mắt sáng le lói một niềm tin. “Ba giờ sáng mai sẽ làm lễ cúng gọi hồn nhập cốt!”. Pháp sư tuyên bố, rồi dặn mụ Gái chuẩn bị một con cá nướng, một con cua, dĩa gỏi cá nhám và hai chén gạo, muối. Mụ Gái bán dây chuyền vàng, mua được cỗ quan tài ưng ý nhất cho chồng. Còn dư chút tiền, sẽ làm vài mâm cơm mời dân làng uống rượu chia buồn.

Tiếng trống nhịp ba, tiếng chiêng âm vang, đám tang bừng thức làng Chài nhỏ. Không một tiếng khóc, chỉ có tiếng nấc nghẹn cố nín của mạ con mụ Gái. Thằng Sóng đi ngay sau lưng pháp sư, hai tay nâng di ảnh của cha, mắt ráo hoảnh. Lý trí của chàng trai biển đã hình thành trong nó, nguồn cội từ cha ông.

Quan tài trên vai mười người đàn ông nhẹ tênh, có lúc trĩu nặng như hồn phách người chết nhập vào thành thể xác. Lâu lắm làng mới có đám tang mộ gió. Người dân chợt tỉnh, trở lại với món nợ của biển. Đoàn người cùng cờ xí chầm chậm đi qua lối mòn giữa hai ruộng bắp ngọn trổ cờ phất phơ, chiếc quan tài màu son nhấp nhô như trôi trên sóng. Huyệt mộ sâu hun hút, màu đất pha cát vàng nâu, loang lổ. Nghĩa trang thêm cái mộ gió thứ bảy mươi.

*

Thành phố tấp nập, ồn ã nhiều hơn tưởng tượng của ông Đội. Cháu ngoại nằm ở nhà, có người giúp việc chăm sóc. Con gái, con rể đi làm qua trưa, gần tối mới thấy mặt. Ông đối diện với cái ti vi mãi phát chán, nói chuyện với cháu ngoại được dăm câu lại dừng vì con bé cứ chúi mắt vô cái “ai bát, ai chén” gì đó to bằng tập vở. Ông có ra ngoài uống cà phê hai lần, rồi không dám ra khỏi cửa. Tiếng máy, tiếng người, khói bụi, xe cộ lao vun vút đến chóng mặt, làm ông cảm thấy như sắp bước vô trận cuồng phong. Ông muốn gọi điện về hỏi chuyện quê nhà mà không có số của ai. “Mình khờ quá! Bữa ra đây có cho thằng Sóng số điện thoại nhà con gái mà quên hỏi số của nó”.

Hai mươi ngày trôi qua như ngục tù. Cơm canh, thịt cá gì cũng đắng ngét không nuốt nổi, ông Đội chỉ uống nước lạnh. Một sáng ngủ dậy, ông thấy mình nóng hầm hập như bị sốt, người mệt rũ, chỉ muốn nằm bẹp trên giường. Người giúp việc đi chợ, các con đi làm hết. Ông loạng choạng đi sang phòng cháu ngoại, nó gác cái chân bó bột trắng xóa lên thành giường, tay khư khư chiếc máy, vang lên những tiếng chéo chéo. Reng! Reng! Reng! “Có điện thoại cháu ơi!”.

Con bé không ngẩng đầu lên, nói lớn: “Ngoại nghe giùm con đi!”. Đầu dây đằng kia ồn ào như có tiếng sóng biển, làm ông Đội tỉnh táo hẳn. “A lô! Ai đó? Vợ chồng tụi nó đi làm hết rồi”. Có tiếng đàn ông vẳng tới: “Ông thầy ơi! Con là Sóng nì! Mấy cái tàu nước ngoài lại kiếm chuyện. Làng mình có tàu bị nó đâm chìm ngoài khơi, hai người mất tích, tìm kiếm cả tuần nay không thấy. Thầy về đi!”.

Con gái, con rể giữ thế nào ông Đội cũng không ở lại. “Cha phải về. Phải về gấp các con ơi! Cha không thể bỏ làng Chài được”. Ngồi trên chiếc xe giường nằm, ông cứ nhấp nhổm ngóng nhìn phía trước, dù đường về làng còn hơn hai trăm cây số nữa. Trong đầu ông nghe tiếng biển thét gầm, tiếng con người nhỏ nhoi kêu gọi nhau giữa màn đêm. Trời ơi! Bao giờ ông mới bỏ được nghề pháp sư? Những ngôi mộ gió lào xào tiếng gió, mờ ảo trong tâm thức, níu kéo ông trở về. 

Truyện ngắn của Lan Quy
.
.