Mây mùa đông

Thứ Năm, 29/11/2018, 11:01
Bố đặt phịch cái tải dứa xuống sàn nhà. Đứa con gái len lén đứng đằng sau, áng chừng thấp hơn tôi một cái đầu. Đen nhẻm. Bố bảo tôi: “Nó tên Vân, hai đứa bằng tuổi, gọi thế nào cho tiện thì gọi…”. Tôi gườm gườm: “Mày đến nhà tao, phải gọi tao là anh”. Bạn gật đầu. Tôi hỏi: “Thế sách vở của mày đâu”. Bạn lắc đầu.

Tháng chạp trời xám chì. Những cơn mưa rả rích ngân dài từ đỉnh núi, sùng sũng những mái nhà sàn trong bản. Bố tôi ngồi trơ ra ở cái phản nghiến bóng loáng mồ hôi, thi thoảng lại sòng sọc hút thuốc lào vã.

Mỗi lần, ông đều ươm khói thật lâu trong lồng ngực rộng, rồi nhả ra cả bằng mũi bằng mồm. Khói thuốc quẩn quanh. Cả ngôi nhà oi khói. Mẹ tôi càu nhàu: “Ông hút in ít thôi, chả bổ béo gì đâu...”. Bố tôi nói bằng cái giọng gừ gừ trong cổ họng: “Đàn bà, biết cái gì mà lắm chuyện. Trời với chả đất, mưa gì mà mưa mãi…”.

Ngày thường, bố vác dao quắm lên rừng từ tờ mờ sáng, nhọ mặt người mới đủng đỉnh về nhà. Mưa thế này, ông thấy tay chân thừa thãi. Mẹ nói với tôi đầy lén lút: “Cả bản này chả có ai cả ngày bám riết rừng cây như bố mày, rõ thân làm tội đời…”. Mẹ nói thì nói vậy chứ bà vẫn biết, cả nhà tôi sống bằng mấy héc ta rừng trồng của bố…

*

Trưởng bản Lý xuýt xoa bên bếp lửa, tợp chén chè nóng bố rót rồi bảo: “Anh Tạo này, anh biết con bé con nhà Tẩn chứ?”. Bố đáp: “Ừ, tôi biết, nhà Tẩn trước có làm sơn cùng tôi, rõ khổ…”. Trưởng bản thở dài: “Ờ, nhà Tẩn ra đi đột ngột quá, để lại con bé một thân một mình, tội quá anh ạ. Tôi cũng nghĩ mãi, bản mình nhà nào cũng đông đàn dài lũ, chỉ có mỗi nhà anh. Anh xem có nhận nó làm con nuôi được không?”. Bố lặng im một hồi rồi thở dài bảo: “Thôi được, mai tôi sẽ đưa nó về đây…”.

Bố đặt phịch cái tải dứa xuống sàn nhà. Đứa con gái len lén đứng đằng sau, áng chừng thấp hơn tôi một cái đầu. Đen nhẻm. Bố bảo tôi: “Nó tên Vân, hai đứa bằng tuổi, gọi thế nào cho tiện thì gọi…”. Tôi gườm gườm: “Mày đến nhà tao, phải gọi tao là anh”. Bạn gật đầu. Tôi hỏi: “Thế sách vở của mày đâu”. Bạn lắc đầu.

Tôi gắt: “Mày không có mồm hả”. Bạn co rúm lại, nép mình vào chân bố: “Em bỏ học từ năm ngoái...”. Lòng tôi chùng xuống. Tôi thấy bạn tồi tội và thầm trách mình quá đáng…Bố bảo, “đã là anh em phải yêu thương nhường nhịn nhau…”. Cái lần đầu tiên cuộc đời tôi và bạn va vào nhau kéo dài như tiếng thở dài nhiều năm của mẹ. Mười ba tuổi, tôi bắt đầu có một đứa con gái gọi mình là anh và thay mẹ giặt áo cho tôi mỗi tối…

Minh họa: Đặng Tiến

Bản nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi xanh thẫm và nhà tôi chông chênh trên đỉnh quả đồi, lúp xúp dưới những tàng cây thưa thớt lá. Sáng mùa đông ngó ra cửa thấy sương mù đặc quánh. Trưa sương tan, bản ẩn hiện như trong một câu chuyện ngày xửa ngày xưa người ta vẫn thường hay kể với những căn nhà đơn cách như những vết chàm trên khuôn mặt đẹp. Mây vờn bảng lảng trên ngọn núi uốn cong hình lưỡi hái để rồi mỗi chiều về, cái khum trời hình nấm nơi tôi ở lại in hình màu tro bạc, như ánh mắt buồn buồn của bạn.

Được ngày nắng hanh hao sau những ngày đông sùi sụt, hàng rào thưa được cắm bởi những cây nứa phấp phới mấy cái váy thổ cẩm mẹ mang ra hong, chờ cho phiên chợ Tết. Bạn ngồi thu lu ở bậc thang, đôi mắt buồn diệu vợi. Tôi thấy mẹ ít quan tâm đến sự hiện diện của bạn. Còn bố bảo, mẹ chưa quen với việc nhà có thêm người.

Tôi biết những người đàn bà ở bản như mẹ luôn nghĩ về sự quan tâm của những người đàn ông với cả một sự thèm thuồng. Và khi nó còn bị san sẻ, ắt hẳn chẳng mấy người vui. Bố thì nghĩ, đàn bà đôi khi vẫn sống trong cái sự quẩn quanh như thế, tấm lòng chẳng rộng dài như những người đàn ông cả đời đứng thẳng như cây chò sống giữa đại ngàn…

Chiều ùa về đỉnh núi cùng bước chân nặng chịch của bố ngoài sân, mồ hôi thấm ướt chiếc khăn vắt qua vai trong tiết trời giá rét. Bố nói với bạn như thể đã nghĩ suốt cả một buổi lên rừng: “Ra Tết, con đi học cùng với anh”. Bạn bảo: “Cho con đi rừng với bố…”. Bố nhìn mẹ, thở dài...

Sáng hôm sau, bạn đeo gùi lẽo đẽo đi sau bố, bóng hai người va vất vào nhau dưới ánh sáng mai rất nhẹ. Tôi chẳng thích đi rừng. Bố vẫn bảo tôi: “Trai bản này sinh ra chỉ để làm mỗi việc uống rượu, lên rừng và cưới vợ. Nhưng mày không thể như thế được…”.

Bố nói, rồi nhóng đôi mắt bàng bạc lên những cánh rừng thưa thớt, chẳng biết mong đợi điều gì. Tôi nghĩ nếu sau này chẳng thể vươn mình ra thành phố, chí ít tôi sẽ phải chiếm giữ một khoảnh trời ở thị trấn ngoài kia để thỏa thuê cho ước mong thoát xác khỏi cái thung lũng buồn rầu của bố, và vùng vẫy cho ước mơ về một sự đổi đời nào đó mà tôi chưa thể hình dung…

Bạn về cùng bố khi mặt trời treo giữa đỉnh cây với cài gùi nặng trĩu những khúc măng vầu, mặt xước đỏ và đôi bàn tay đen nhựa. Măng về được bố và bạn bóc vỏ, bổ dọc, rồi hì hụi bắc chiếc chảo gang to lên bếp để luộc, rồi phơi, rồi sấy.

Qua giêng, những gùi măng khô được bố và bạn đưa ra thị trấn. Những đồng tiền được gom góp lại để mua những bịch thuốc to cho mẹ. Một căn bệnh nhiều năm chẳng rõ nguyên do, chỉ thấy mẹ ngày một héo hắt như ánh chiều trên đỉnh núi lưỡi hái. Bố bảo, chuyến măng sau để lại ít tiền mua cho bạn bộ quần áo mới…

Tôi nhìn bạn, bộ quần áo vẫn nguyên như buổi sáng mùa đông bạn đến. Còn tôi, khi hai mảnh đời chen lẫn vào nhau trong lam lũ ấy, tôi vẫn cứ tự thả hồn phiêu du theo những ước mơ ngày một ứ đầy trong ngăn bàn nhỏ. Mười ba tuổi, bạn có thể làm những việc tôi chưa một lần làm…

*

Tuổi thơ trôi đi như một bóng nắng, để rồi nhìn về mùa đông tuổi mười bảy, thấy có chút gì bâng khuâng. Tôi trở về nhà từ trường huyện, chợt nhận ra bạn đã lớn kịp mình, khuôn mặt chẳng phấn son mà vẫn ửng đỏ như ánh chiều cuối bản. Những ngày đông mây trôi lang thang trên ngọn núi hình lưỡi hái, và bạn vẫn đẹp miệt mài, như nhành quế lan nở trắng tỏa hương xôn xao cả một góc rừng.

Nhà tôi những đêm đông vẫn dập dìu trai bản ngoài ngõ, đôi lúc chúng còn choảng nhau để thể hiện một vị thế nào đấy với hy vọng giành được sự quan tâm phía trong cánh cửa chẳng một lần hé mở. Tôi nhìn chúng bằng ánh mắt đầy miệt thị: “Đúng là mấy thằng ít học, ba tuổi ranh đã học đòi lấy vợ…”. Rồi có lần tôi bảo bạn: “Anh cấm mày giao du với mấy thằng mất dạy kia, dính vào chúng nó chỉ có tàn đời theo rừng rú, thuốc lào và rượu ngô thôi…”. Bạn bảo: “Em không lấy chồng, em ở vậy để chăm bố mẹ. Anh rồi sẽ về thành phố, bố mẹ thì ngày một già…”. Có một cái gì đó dần dần kéo lên đỉnh đầu tôi.

Tôi nhớ lại buổi sáng mùa đông bạn đến, nhớ lúc bạn nép mình vào chân bố khi gặp ánh mắt gườm gườm của tôi. Cái khoảnh khắc có phần độc ác đó bám riết lấy tôi, để đến bây giờ khi nghe những lời chất chứa tận đáy lòng bạn, tôi chỉ muốn tát vào cái mặt vênh váo của mình một cách không thương tiếc...

Những ngày giáp Tết bản tôi như được khoác chiếc áo mới. Những chiếc váy rộn rã sắc màu của những đứa con gái mới lớn; những cây đào, cây mận đâm hoa đỏ trắng cả những triền đồi. Tôi bảo mãi, bạn mới theo tôi ra bãi đất trống người ta mới dọn, mải mê xem cánh con trai con gái bản ném Pao. Bạn bảo tôi ưng ai ra mà bắt Pao, mai mốt đưa về nhà làm con bố mẹ.

Tôi phẩy tay, “em thích thì ra mà bắt”… Mấy đứa con gái bản e ấp nhìn tôi với một ước mong xa vời nào đó về một chàng trai đã phôi phai dấu ấn bản làng bởi cuộc sống nơi phố huyện. Tôi lao vào chơi cù với mấy thằng trai bản, ngẩng lên đã thấy ánh chiều kéo về mãi phía chân trời.

Bất chợt tôi thấy lo khi không nhìn thấy bạn. Tôi chạy vội theo con đường cũ về nhà… Tôi nghe thấy tiếng bạn gào khóc từ con đường phía trước… Mấy thằng trai bản đang bắt bạn đưa lên chiếc xe máy bởi một tục rất cũ của người Mông… Tôi vớ được một viên đá lớn. Tôi lao đến. Một thằng trai bản ôm đầu ròng ròng máu nhảy lên chiếc xe máy rồi cùng một lũ choai choai phóng đi mất dạng…

Đêm đó, một người đàn ông dắt theo thằng nhãi ranh mặt non choẹt với dải băng bó ngang đầu đến nhà tôi. Bố tôi phân trần, xin lỗi, rồi dúi nắm tiền vào tay thằng nhãi bảo cầm về mua thuốc. Người đàn ông đeo những chiếc vòng màu vàng màu bạc lấp lóa đầy cổ, giật lại nắm tiền từ tay nó đặt xuống bàn rồi kéo nó về… Bố thở dài bảo người đàn ông đó tên Hùy, giàu nhất bên Đâng bởi chuyên đi buôn gỗ… Tôi chột dạ. Cái đẹp của bạn thế là đã bay sang tận bên Đâng…

*

Tôi không đỗ đại học và thầy giáo khuyên tôi nên đi học trường nghề. Tôi trở về nhà mang theo nỗi buồn chẳng thể buồn hơn. Nỗi buồn ấy hằn in lên khuôn mặt với vẻ thất vọng tột cùng của bố và ánh mắt ủ dột của mẹ. Còn bạn chỉ đứng thở dài, nhìn tôi lặng im không nói. Một nỗi buồn dai dẳng ứ đầy cả căn nhà rộng mênh mông. “Hay bố cho con đi rừng?”. - Tôi hỏi.

Bố bảo: “Rừng chỉ nhận những đứa nào thực sự cần rừng. Còn mày thì đã quá muộn để bắt đầu Trí ạ…”. “Nhưng mẹ thì đang ốm thế này, con đi học, bố và em lo sao được”, tôi bảo, và bố thở dài. Tiếng thở vắt dài bao nhiêu năm cuộc đời của bố.

Mẹ tôi ốm nặng. Những cơn ho khan thổ cả huyết đỏ tươi. Thầy cúng lại đến nhà tôi lắc những cái chuông đồng ầm ĩ. “Phải đưa mẹ ra bệnh viện ngoài tỉnh thôi bố ạ, cứ để thế này mẹ con không qua được”, tôi và bạn bảo. Bố mở chiếc hòm gỗ, lục tung đống quần áo moi ra được mấy trăm nghìn quăn tít. Bố tôi không đến nỗi quá mê muội với chuyện thầy cúng chữa bệnh ma gà, nhưng nhà tôi nghèo quá.

Bà già răng đen nhai trầu chì choẹt, mái tóc dài vấn quanh đầu thập thò ngoài ngõ, lúc lâu mới bước lên cầu thang gặp bố tôi. Bà đặt nén bạc xuống bàn: “Là quà của ông Hùy bên Đâng. Ông ấy nhờ tôi nhắn với anh nếu đồng ý gả con Vân cho thằng con nhà ông ấy thì anh cả đời chả phải lên rừng nữa…”.

Bạn ngồi trong gian chái, tựa cằm vào gối, đôi mắt thảng thốt dán vào hư không còn lòng tôi như có vạn con kiến đang bu lấy và cắn tôi dấm dứt. Bố tôi uống chén chè, cục bươu ở trước cổ dần dật chạy lên chạy xuống. Rồi ông cười nửa miệng, đẩy nén bạc về phía bà già: “Bà cầm về đưa lại anh Hùy, nhà tôi còn nhiều việc và cháu nó chưa muốn lấy chồng”.

Bà già bĩu môi, cất vội nén bạc vào túi áo, miệng vẫn không quên nhắc: “Anh cứ cân nhắc kỹ đi, có gì bảo lại tôi. Nhà đấy không phải ai cũng bước vào cửa được đâu…”. Bà già về rồi, bố tôi ngồi trơ ra, không châm thuốc hút. Có một cái gì đó đè nặng suy nghĩ của bố, khiến ông thật khổ tâm và tồi tội.

Bạn bước ra, khẽ ngồi trước mặt bố, đôi mắt vô hồn như thể đã biết điều này sẽ đến từ khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời bạn: “Bố, bố cứ để con sang bên đó, biết đâu có tiền để lo cho mẹ…”. Tôi đứng ngoài hiên, đấm thật mạnh vào cột nhà. Bàn tay bật máu. Tôi khóc bằng một khuôn ngực rỗng tuếch, một cõi lòng rỗng tuếch. Bố vẫn ngồi trơ ra đó, không nói và không ai biết bố nghĩ gì…

Sáng hôm sau bố vẫn ngồi trơ ra trên chiếc ghế dài, mái tóc thêm những phôi pha… Rồi bố đi, không chút dùng dằng như cơn gió heo may thường quẩn quanh trên bản…Trưa bố trở về nhà, bế thốc mẹ lên chiếc võng dù được buộc trên thân cây tre đực rồi cùng mấy trai bản lực lưỡng đưa mẹ ra trung tâm xã. Ngoài đó chiếc xe ô tô đang chờ mẹ tôi để đưa ra viện tỉnh.

Bạn nhảy theo lên xe bỏ mặc tôi ở lại. Bố nói với theo: “Chuẩn bị ít quần áo cho mẹ, lát cùng chú Lự đi xe máy ra”. Đêm ấy bạn ngủ thiếp dưới chân giường mẹ nằm vì mệt. Tôi quanh quẩn bên bố ngoài hành lang khu cấp cứu, hỏi ông lấy tiền đâu chữa bệnh. Bố bảo: “Sáng tao lên Công ty Lâm nghiệp, họ hợp đồng sẽ mua rừng cây nhà mình vào cuối năm sau. Tiền ứng chắc cũng đủ chữa bệnh cho mẹ mày thôi”. Tôi nhìn bạn đang say sưa ngủ, thấy lòng nhẹ như vệt gió đầu xuân…

*

Trời xanh mê xanh mải trong ngày mẹ tôi trở về bản sau những ngày nằm viện. Bản tôi mấy hôm nay bàn tán xôn xao chuyện lão Hùy bên Đâng bị Công an bắt vì buôn gỗ lậu và buôn ma túy, thảo nào mà nhà lão ta giàu thế. Bạn nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh, bâng khuâng. Tôi nhìn bạn, cảm giác nợ người con gái ấy cả một cuộc đời… Tôi dõi đôi mắt lên cánh rừng trồng của bố. Rừng vẫn xanh bạt ngàn xanh và cuộc sống vẫn vươn những cánh tay cường tráng đến từng thẻo đất hoang bên bản.

 Ngày mai, tôi lại về tỉnh để học trường nghề…

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)
.
.