Mật ong rừng... chính hiệu

Thứ Bảy, 12/02/2005, 09:35
Chả có ai bán hàng lạ đời như chàng trai này: người mua phải mang chai đựng đến, và anh bán cho mỗi người mỗi lần chỉ một gáo mật ong với dung tích xấp xỉ một phần tư lít. Điều lạ nữa là anh ta chỉ nhận duy nhất một loại tiền, là loại giấy bạc mười ngàn đồng mà anh gọi là tờ đỏ.

Dễ chừng có đến trăm người chen chúc, xô đẩy nhau trên một khoảng đất hẹp gần cửa ô thành phố. Người nào cũng một tay cầm tiền, một tay cầm chai giơ cao lên trên đầu, mồ hôi nhễ nhại, cố chen vào phía trong. Có người mải chen, kính văng ra rơi xuống, không thể cúi xuống nhặt được, liền bị bàn chân người khác xéo nát, cũng không hề tiếc. Thì ra họ đang cố mua cho được một thứ gì đó, chắc là quý hiếm lắm.

Minh họa của Đỗ Dũng

Đây là chuyện lạ thời kinh tế thị trường, lâu lắm rồi tôi mới được chứng kiến một cảnh chen chúc gợi nhớ chuyện mua vé tàu tết thời bao cấp. Gì thế nhỉ? Tôi tò mò đến gần đám đông, cố chen vào xem họ đang mua bán gì. Sau bao vất vả, tôi mới có thể nhìn vào trung tâm đám chen chúc. Thì ra họ đang tranh nhau mua mật ong rừng.

Người bán hàng là một thanh niên dân tộc mặc quần áo chàm, chân đi đất, đầu đội bê-rê đen. Chung quanh chỗ anh ngồi là những bầu mật ong vàng óng. Phải gọi là bầu mật ong vì mật ong được đựng vào trong những quả bầu khô, có quả to có thể chứa được chục lít. Dụng cụ đo lường là một ống nứa khô được cưa ra làm gáo, có cán tay cầm để múc mật. Chả có ai bán hàng lạ đời như chàng trai này: người mua phải mang chai đựng đến, và anh bán cho mỗi người mỗi lần chỉ một gáo mật ong với dung tích xấp xỉ một phần tư lít. Điều lạ nữa là anh ta chỉ nhận duy nhất một loại tiền, là loại giấy bạc mười ngàn đồng mà anh gọi là tờ đỏ.

- Hai tờ đỏ một gáo!

Đó là người nghe phải hiểu là như thế, chứ sự thật anh nói rất ngang, không hề có một dấu nào nên nghe là hai tơ đo môt gao. Cái quy định lạ lùng chỉ nhận toàn tờ đỏ làm khốn khổ nhiều người. Có người chen vào, không có giấy bạc mười ngàn, đưa tờ hai mươi ngàn, bị lắc đầu, thậm chí tờ năm mươi ngàn đồng cũng bị anh ta trả lại và tất nhiên khách hàng ấy phải cầm chai không chui ra ngoài để tìm cách đổi cho được vài tờ đỏ.

Mật ong rừng nguyên chất là một vị thuốc quý, chữa được bách bệnh. Trẻ sơ sinh bị tưa lợi, chỉ cần thấm một ít mật ong vào bông, bôi vào là khỏi ngay tức khắc. Người lớn mắc chứng ho đêm, khi mọi thứ thuốc đã bó tay, thì chỉ cần một thìa nhỏ mật ong rừng để nhấp giọng là cơn ho tan biến. Người bị chứng đau dạ dày kinh niên chỉ cần một ít bột nghệ tẩm mật ong rừng uống vào vài viên là khỏi hẳn… Nói công dụng của mật ong rừng thì có thể nói suốt ngày, là việc khen phò mã tốt áo. Thôi đừng kể thêm công dụng làm gì, cái chính là phải mua được mật ong rừng chính hiệu như ở đây, cái dịp hiếm hoi ở thành phố này.

Người dân thành phố là tinh tường lắm, chỉ nhìn cách thức bán mật của anh chàng này, chẳng cần quảng cáo, tiếp thị gì, người ta biết đích thực mật ong rừng chính hiệu. Từ những trái bầu khô đựng mật, từ việc đong bằng ống nứa, từ việc nói tiếng Kinh lơ lớ không hề có dấu… Duy cái quyết định chỉ nhận tờ đỏ chứ không nhận bất cứ một loại tiền nào khác đủ nói lên sự thật thà ấu trĩ của người bán hàng, đúng là người từ trong rừng ra…

Tôi là người chúa ngại sự chen chúc. Biết mật ong rừng quý thật nhưng tôi cũng chỉ nhìn cho biết rồi chui ra, về nhà. Tôi kể chuyện cho vợ nghe, tức khắc nàng lục túi lấy mấy tờ đỏ và cái vỏ chai la-vi giục tôi trở lại ngay hiện trường, cố mua cho được một ít. Khi tôi vội vàng ra tới nơi thì đám đông đang chưng hửng vì mấy bầu mật ong đã hết sạch, chàng thanh niên đang thu dọn mọi thứ và hẹn mọi người rằng năm ngày sau có thể đem mật ong rừng tới bán, bởi đường về bản của anh rất xa, và cái chính là xem dân bản có lấy được mật ong rừng hay không, nên chẳng dám hẹn trước.

Đúng năm ngày, mặc dù anh không hẹn, nhưng tôi đã chuẩn bị mấy tờ đỏ với mấy vỏ chai la-vi đợi sẵn. Tôi ngồi trên quán nước đối diện với khoảnh đất đầu ô chờ anh ta xuất hiện. Sắp đến giờ tan giờ làm việc buổi chiều mới thấy anh vừa gánh, vừa xách những bầu mật ong tới nơi. Anh nói rằng chuyến xe từ vùng núi về muộn. May mắn thay, tôi là một trong những người đầu tiên mua được mật ong, nhưng anh chỉ bán cho một gáo giá hai tờ đỏ như mọi hôm, còn tôi đưa tiếp chai la-vi và hai tờ đỏ nữa, anh cũng không bán, bảo rằng dành phần cho người khác, vì hôm nay mật ong rừng không nhiều. Lúc đầu tôi hơi bực, nhưng sau thấy thế cũng tốt chán, vì có hàng chục người không có cái may mắn mua được như mình.--PageBreak--

Tôi mang chai mật ong về nhà, vợ tôi đưa lên ngắm nghía, mặt hớn hở rồi lấy mấy túi nilông gói kỹ, cất vào tủ lạnh. Thế là yên tâm, từ nay không còn lo ho đêm, không còn lo đau dạ dày, và sau này có cháu ngoại thì không lo nó bị bệnh tưa lợi. Bữa tối hôm đó gia đình tôi vui hẳn lên, và trong bữa cơm chỉ toàn kể tác dụng của loại mật ong vừa mua được, đang được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong tủ lạnh.

Từ hôm đó trở về sau, hễ có khách đến nhà là tôi liền khoe chai mật ong rừng bảo bối. Có một anh bạn quê ở thành phố khác không hề ngạc nhiên, và anh bảo anh cũng mua được mật ong chính hiệu của anh chàng người dân tộc cụt ngón tay trỏ. Thế thì hoàn toàn chính xác, vì khi anh ta múc gáo mật ong cho tôi, tôi thấy ngón tay anh bị cụt, hỏi lý do thì anh bảo rằng trong một lần leo lên ngọn cây cao lấy mật ong, anh đã đánh nhau với con gấu đang lao vào ăn mật, làm con gấu rơi xuống đất, nhưng nó đã ngoạm một miếng làm anh mất ngón tay trỏ. Có được mật ong thứ thiệt, có khi phải đổi bằng máu là thế đấy!

Bẵng đi một thời gian, ở khu tập thể không ai bàn đến mật ong rừng nữa vì ai cũng đã mua cho mình một vài chai và chưa ai vội khai trương việc sử dụng vì còn đợi dịp hệ trọng. Cuối năm cơ quan tôi được thưởng một số tiền gọi là tháng lương thứ 13 nhưng thực ra nó phải bằng năm tháng lương. Vợ tôi lo đồng tiền bị mất giá nên giục tôi đổi thành đôla mà cất cho yên tâm.

Tôi ra cửa hàng vàng bạc quen thuộc thì thấy người có ý định chuyển tiền Việt thành đôla như mình khá đông, nên phải xếp hàng. Lại chuyện xếp hàng, sao số tôi năm nay gặp nhiều chuyện xếp hàng đến thế. Đứng ngay trước tôi là một thanh niên mặc quần áo bò, đi giày Adiđát, đưa ra một bọc tiền thật to để mua đôla. Khi anh mở bọc tiền ra làm mọi người ngạc nhiên, vì tất cả đều tiền mười ngàn đồng, số tiền mệnh giá khá nhỏ ít khi người ta dùng để mua đôla. Nghe người cửa hàng phàn nàn về loại tiền, anh ta thở dài nói một thôi một hồi:

- Tiền nào mà chả tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam? Đã có máy đếm, nhanh như xiếc, lo gì. Mà tôi nói cho bà chị biết nhé, toàn những tờ đỏ này, trong dịp Tết, khối người cần để mừng tuổi con cháu lắm đấy. Không khéo rồi cửa hàng nhà bà chị lại phất lên nhờ những tờ đỏ của thằng này đấy. Đừng chê mà rách việc, đếm tiếp đi, ba mươi triệu rồi phải không?

Khi anh ta liên tục chuyển từng xấp tiền cho nhân viên cửa hàng đếm, tôi chợt nhận ra ngón tay trỏ anh ta bị cụt. Tôi tò mò nhìn vào mặt  thì không tin ở mắt mình nữa: Người mặc “quần áo bò toàn cây”, mang giày Adiđát đang đứng trước tôi chẳng phải ai xa lạ mà chính là anh chàng mặc quần áo chàm, đi chân đất, giả làm người dân tộc bán mật ong rừng hai tờ đỏ mấy tháng trước!

Buổi tối về kể chuyện, vợ tôi vội vàng mở tủ lạnh, tháo mấy lần ni lông và mở nắp quan sát già nửa chai la-vi mà tôi đã lập công mua được: Trời ơi, đó chỉ là nước bí ngô nghiền nát và mùi của nó cũng là mùi bí ngô thiu, không hiểu cái mùi mật ong hấp dẫn khi mua đã biến đi đâu rồi?

Chiều hôm sau, chuyến xe rác cuối năm từ khu tập thể chúng tôi đi ra, chị gom rác của công ty môi trường đô thị tỏ ra bực bội vì phải đẩy một xe gồm hàng trăm loại chai cùng đựng một thứ nước nhờ nhờ, thum thủm thối. Chị ta biết đâu, chỉ trước đây vài ngày, đó chính là mật ong rừng chính hiệu, bảo bối của mọi nhà
Vương Trọng
.
.