Má về

Thứ Sáu, 10/09/2004, 10:16
Má tôi đi chừng hơn nửa năm, thì cũng vào một buổi chiều, có người đàn ông lạ đến tìm tôi, ông ta trao cho tôi lá thư và một chiếc hộp được dán kín cẩn thận, rồi ra đi vội vã, làm tôi không kịp hỏi gì thêm. Tôi mở vội lá thư, thì ra là thư của em gái tôi.

Từ một nước bên kia bờ Thái Bình Dương xa tắp, má tôi điện thoại về cho tôi. Má bảo, tuần sau má sẽ về nước và dặn tôi không cần phải lên Sài Gòn đón, vì má sẽ về cùng chuyến với những người ở thị xã.

Tôi quen và làm con của má trong một sự cố như là định mệnh. Lần ấy, tôi đang trên đường từ khu tập thể đến cơ quan, vì tránh một chiếc xe tải ngược chiều lấn đường, nên tôi đã va quệt vào xe đạp của một người phụ nữ đi cùng chiều. Xe đạp bị đổ và bà bị xây xát nhẹ. Tôi đưa bà vào tổ y tế gần đó để rửa vết thương. Bà bảo không có làm sao, chỉ bị trầy xước ngoài da thôi, tôi có việc thì cứ đi, kẻo trễ. Hỏi thăm gia cảnh của bà thì được biết, chồng bà là lính của chế độ cũ. Sau ngày miền Nam giải phóng, khi mãn hạn cải tạo, ông đã dẫn theo đứa con gái thứ hai vượt biên, hiện đang ở đảo Mã Lai, để lại cho bà hai cô con gái thứ ba, thứ tư và cậu con trai út.

Từ khi quen, biết hoàn cảnh của tôi không còn ba má, bà thở dài, im lặng như chia sẻ. Bà nói, từ khi gặp tôi, bà đã có cảm tình, đến khi hiểu được hoàn cảnh của tôi, thì bà càng thương tôi nhiều hơn, bà muốn nhận tôi làm con.

Đâu chừng hơn năm sau, thì ba tôi dẫn em gái tôi hồi hương, vì không sang được nước thứ ba. Nhưng, ba tôi không chịu từ bỏ ý định lập nghiệp ở xứ người. Về nước chưa được mấy ngày, thì ba tôi chuẩn bị lo thủ tục để cả gia đình xuất cảnh theo diện HO. Má tôi nhất định ở lại cùng thằng út, dù ba nhiều lần ép má phải đi. Tưởng việc êm xuôi thì bất ngờ thằng út bị tai nạn: quần áo cháy trụi, bỏng nặng toàn thân, lên Sài Gòn điều trị mấy tháng trời, mà chân tay vẫn bị co rút, đi đứng còng queo... Ba tôi quyết định đưa thằng út ra nước ngoài điều trị tiếp. Vậy là, má tôi ở vào tình thế bắt buộc, không đi không được...

Má về đến nhà tôi vào lúc năm giờ chiều. Trông má không có vẻ khác gì mấy. Vẫn bộ đồ bà ba màu tím than, với dáng người dong dỏng cao, lọn tóc bới sau gáy, nhưng trước trán đã nhiều sợi bạc. Hay tin má tôi về, bạn bè trong khu tập thể tới chia vui chật ních cả căn hộ. Nghỉ ngơi xong, má bảo cảm thấy nhớ bún nước lèo lắm, má muốn đi ăn cùng tôi. Rồi má hỏi: “Con à, hồi nãy trên đường về đây, má cố nhìn con hẻm cũ nhà mình hồi trước, sao không thấy đâu hết vậy?”. “Con hẻm cũ bây giờ làm gì còn mà thấy, hả má? Năm ngoái Nhà nước mở một con lộ hai mươi bốn thước chạy ngang qua, để đi tắt vào khu du lịch sinh thái Vườn Cò”. Má tiếc rẻ nói: “Con biết không, trước khi xuất cảnh, má có tính là để căn nhà đó lại cho con, bởi vì từ khi nhận con làm con, má có lo được gì cho con đâu, một chút để gọi là tấm lòng của má, mà cũng là để sau này má về còn có chỗ ở”.

Qua những lời kể của má, tôi được biết cuộc sống của bà ở nước ngoài cũng không sung sướng, giàu có gì. Vì từ khi qua bển đến nay, mấy đứa nhỏ thì còn đi học. Đứa em gái lớn của tôi và ba má tôi thì thời gian thất nghiệp nhiều hơn là thời gian có việc làm. Mặc dù má rất nhớ tôi, nhớ quê hương, nhớ mồ mả ông bà, nhưng ki cóp, dành dụm mãi cho đến hôm nay chỉ mới đủ tiền làm một chuyến về quê. “Con à, má tính như vầy, con coi có được không? Vài năm nữa các em con lớn, đi làm có tiền, má dành dụm được tiền, má sẽ về đây mua một miếng đất nho nhỏ, ở luôn bên này với con. Mấy năm nay mắt má kém đi nhiều, không còn may vá gì được, má sẽ buôn bán tạp hóa lặt vặt chắc là cũng đủ sống". Tôi rưng rức trước ước muốn của má: “Dạ! Nếu má về bên này ở luôn, con hứa sẽ phụng dưỡng má suốt đời, không cần phải có vài chục ngàn như má nghĩ đâu. Má ở đây với con, lương con bây giờ tháng cũng trên triệu bạc, đủ nuôi hai má con mình”.

Ăn bún nước lèo xong, tôi đưa má đi dạo một vòng quanh thị xã. Má luôn kêu thấy lạ, không còn nhận ra cảnh cũ. “Má xa quê mới có mấy năm, mà không ngờ thị xã mình thay đổi nhiều quá. Nhà cửa, đường xá, xe cộ có khác chi là thành phố đâu!”. “Dạ! Nghe nói thị xã mình sắp nâng cấp lên thành phố đó, má ạ! Mấy vùng ngoại ô vắng teo, vắng ngắt hồi trước, bây giờ đã lên phường hết rồi...”.--PageBreak--

Đêm ấy, má tôi thức thật khuya, nhưng trời vừa tờ mờ sáng thì bà đã đánh thức tôi dậy để đưa bà đi viếng mộ ông bà ngoại tôi. Má ở chơi với tôi được một tuần thì đi. Tôi đưa má lên tận sân bay Tân Sơn Nhất. Trước khi vào phòng cách ly, má còn nắm chặt tay tôi: “Nhất định má sẽ hồi hương, con ạ!”.

Má tôi đi chừng hơn nửa năm, thì cũng vào một buổi chiều, có người đàn ông lạ đến tìm tôi, ông ta trao cho tôi lá thư và một chiếc hộp được dán kín cẩn thận, rồi ra đi vội vã, làm tôi không kịp hỏi gì thêm. Tôi mở vội lá thư, thì ra là thư của em gái tôi.

Thưa anh,

Đáng lẽ ra em phải đưa má về với anh. Nhưng em không thể - vì sao thì chắc anh cũng đã biết - nên em đành ủy thác điều thiêng liêng này cho một đồng hương để làm tròn lời trăng trối của má lúc lâm chung...

Lời trăng trối của má lúc lâm chung? Trời ơi! Như vậy là má tôi đã chết rồi sao? Trước mắt tôi mọi vật đều chao đảo. Tôi buông rơi lá thư, tay run rẩy lần mò tháo từng mảnh băng keo quấn quanh chiếc hộp. Khi nắp hộp bật ra, bên trong là một cái lọ sành có một mảnh giấy trắng bao quanh với những dòng chữ ghi đầy đủ tên họ, ngày tháng năm sinh và mất của má tôi, miệng lọ được chốt chặt lại. Trời ơi! Trong lọ chính là... má tôi thật sao! Không! Tôi không tin. Tôi không muốn tin. Tôi không dám tin! Nhưng tôi lại không dám bật nắp lọ. Tôi sợ gió, gió sẽ làm những hạt tro bụi kết tinh từ thi thể của má tôi bay đi. Tôi muốn giữ lại tất cả những gì là của má tôi. Tôi ôm chặt chiếc lọ vào ngực để tìm hơi ấm của má; tôi áp chiếc lọ vào tai để nghe những lời thì thầm của má: “Vài năm nữa các em con lớn, má ráng dành dụm được vài chục ngàn, sẽ về đây mua một miếng đất nhỏ, cất một căn nhà nhỏ, rồi ở luôn bên này...!”. Vậy mà, trời ơi, giờ má lại về đây trong hoàn cảnh này?

... Anh biết không,

Hôm ấy em và má đang ngồi ăn tối ở một tiệm ăn rẻ tiền của người Việt mình thì bỗng có một chiếc xe phân khối lớn thắng kít lại. Người ngồi sau bước xuống tiến thẳng lại chỗ má và em, rồi bất thần rút súng ra, nã đạn vào má không thương tiếc, xong hắn bình thản cất súng vào người, rồi đi ra xe, mặc cho em kêu khóc bên thi thể đầy máu của má. Má gắng gượng hơi tàn thì thào vào tai em: "Má không muốn vĩnh viễn nằm lại xứ người, hãy đưa má về cố hương, nơi đó má còn có anh con, còn có mồ mả của ông bà ngoại con". Những người trong tiệm gọi xe cấp cứu, nhưng không còn kịp nữa...

... Về cái chết của má, có người bảo rằng đó là sự thanh toán nhầm lẫn của một băng nhóm xã hội đen, đang sống lưu vong. Nhưng em biết rằng không phải như vậy, mà đó là một sự thanh trừng hết sức điên rồ của những kẻ tuyên bố chống Cộng đối với những người chống lại chúng. Anh biết không, việc thất nghiệp triền miên, cộng với bọn phản động có tổ chức - được sự hậu thuẫn của bọn cực đoan nước sở tại - tìm đến lôi kéo, khơi dậy lòng hoài niệm chế độ cũ, hô hào thanh thế, tập hợp lực lượng, lôi kéo không ít người Việt mình sang đây làm ăn chân chính phải sa ngã, trong đó có ba. Nhưng ngược lại, không ít người có hiểu biết tình hình thực tế trong nước, đã đứng ra phản bác luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chúng, trong đó có má. Đỉnh cao của mâu thuẫn đó là sau chuyến về thăm quê, má đã không ngừng tìm gặp bà con Việt kiều của mình, nói cho họ biết quê mình đang từng ngày thay đổi, và khuyên họ kêu gọi con em của mình không nên tin vào bọn chúng mà lầm đường lạc lối, có tội với Tổ quốc, quê hương. Má còn dẫn chứng ra rằng, gần ba mươi năm qua đã có bao kẻ phản động lưu vong xâm nhập về quê nhà, nhưng đều bị thất bại một cách thảm hại. Rồi những kẻ chuyên lừa bịp, lợi dụng hoạt động này chỉ nhằm vào việc quyên góp tiền bạc của những người nhẹ dạ. Ba bảo, nếu má còn liều lĩnh đi tuyên truyền cho Việt cộng thì ba không thể đảm bảo sinh mệnh cho má. Mặc, má vẫn đi làm việc của má, nhiệt tình và can đảm. Má thường bảo, má biết những việc làm của má là rất nguy hiểm, nhưng má muốn được làm một chút gì đó cho quê hương, hơn nữa má không thể ngồi nhìn bà con mình ở hải ngoại bị bọn xấu lừa bịp và má cũng muốn chuộc lại một phần lỗi lầm của ba trong quá khứ.

Hãy hứa với em chăm sóc chu đáo cho má, nghen anh.

Có lẽ, tôi không cần phải kể gì thêm nữa

.
.