Lưu danh muôn đời

Thứ Hai, 09/03/2015, 08:00
Chuông điện thoại di động réo liên hồi. Những chữ số 09xxxxxxxx hiện trên màn hình - Phác gọi: "Mình rất cần cậu, việc này chỉ có cậu giúp mới xong… Lên nhá, mình đón!". 

Sắc là thương binh cụt một cánh tay trói gà không được chứ nói chi đến chặt, đưa miếng cơm vào miệng cũng phải dùng thìa, liệu làm được trò trống gì để người khác phải cậy nhờ. Nhưng nhờ giúp cái gì thì Phác chưa hề đả động. Thôi cứ đi theo yêu cầu của bạn. Nếu vô dụng thì cứ cho là đi thăm thú bạn bè, thay đổi không khí, xem thời buổi kinh tế thị trường thiên hạ xoay xở ra sao.

Nhớ hôm đến, Phác ào vào nhà như cơn gió lạ. Chiếc xe bốn chỗ ngồi êm đến nỗi đã đỗ ngay trước ngõ mà người trong nhà không nghe một tiếng "xịch". Cái màu trắng sữa của nó nổi bật lên giữa bộn bề màu vàng của rơm rạ trải khắp đường làng đang vào vụ gặt. Thằng Tú mặc quần đùi ngồi ăn cơm với bố mẹ vừa "a" lên thì khách đã vào tới cửa. Một vị tuổi trung niên lạ huơ lạ hoắc, dáng to béo, đẫy đà, trán hói đến đỉnh đầu, miệng cười khoe hết cả hàm răng trắng bóng.

"Chào cả nhà!" - Nhanh mồm, ông ta cất tiếng, cái giọng y hệt ếch kêu trong chum: đầm mà vọng. Sự sung mãn ấy chỉ ở người có cuộc sống vật chất tinh thần dư dả. Khách tỏ ra đã quen Sắc từ lâu, còn chủ cứ trân trân nhìn khách không chớp mắt rồi tỏ ra bất lực vì vẫn chưa tìm được bóng hình của những người mình từng quen biết. Vợ Sắc thì mặt đỏ phừng phừng, chị xấu hổ vì hai ống quần vẫn còn xắn cao tới quá đầu gối, định tránh mà không kịp. Sắc vẩy tay ra hiệu cho vợ thu dọn mâm bát. Phác nhìn theo: một bữa ăn trưa thật đạm bạc giữa ngày mùa với những công việc nặng nhọc.

"Vẫn chưa nhận ra mình à?" - Phác đứng sững tựa cây chuối vừa chặt buồng, hỏi như thách đố, rồi cười, cười với nỗi thất vọng không cần che giấu.

"Chịu! Thông cảm! Lâu quá rồi, gặp nhau ở đâu nhỉ? Với lại giờ trí nhớ tôi kém lắm".

Dự kiến trước tình thế bất lợi, Phác chủ động độc diễn. Anh ta ngửa mặt lên trần nhà, tay vỗ ngực, giọng hào sảng vẻ tự tôn, nhưng dễ chấp nhận, lính mà: "Phác trâu đây! Cái tên nổi danh cả trung đoàn một thời chiến trận, nhớ không!?". Hiệu quả tức thời. Phác không ngờ hai từ "Phác trâu" mầu nhiệm như chiếc chìa khóa thần kỳ mở tung cánh cửa im ỉm chắn giữa hai người. Họ ôm chầm lấy nhau như anh em ruột thịt xa nhau lâu ngày gặp lại. Mừng vui khiến cả hai đều hoạt ngôn hẳn lên. "Mình nghe tin cậu hi sinh sau trận ấy, mà cụt những tận đây cơ à?".

Miệng nói tay Phác nâng nhẹ mẩu cụt còn dính vào vai phải Sắc khoảng mười lăm phân đang ngọ nguậy như cái đầu rùa. Giữa lúc đó, thằng Tú xách ấm nước sôi từ bếp lên. Nó băng qua sân phơi rơm như chạy mưa làm lũ gà đang nhặt thóc cũng chạy tao tác. Một con hốt hoảng bay thốc vào nhà trong, nơi chủ khách đang ngồi. Sắc vừa xua gà vừa mời Phác uống nước. Gia cảnh nhà Sắc gói một câu cho vuông: rất chi là tuềnh toàng. Bên trong không có vật dụng nào đáng giá hơn cái tivi Samsung đời chót. Sau nữa là cái kệ sách đặt ở góc phòng. Riêng ngôi nhà, là tài sản đáng quan tâm nhất lại làm từ năm Bảo Đại còn mặc quần cộc, giờ trông tàn tạ lắm.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Phác hỏi bạn: "Bà ấy đâu rồi, sao không uống nước, nói chuyện?". "Hai mẹ con đã ra đồng chuyển lúa về tối đập. Bây giờ không còn trâu nữa, sức người thay cho sức trâu". Rồi Sắc đưa đẩy câu chuyện: "Ông thấy đấy, nông dân vất vả không ai bằng mà nghèo túng cũng không ai bằng". Họ nhìn nhau lặng đi mấy giây. Rồi Sắc mới nói ra điều mình ngạc nhiên từ lúc bạn đến: "Làm sao ông tìm được địa chỉ này?". "Tất nhiên, đây là một kỳ công, mình sẽ tường trình sau. Ta còn phải gặp nhau dài dài, biết đâu hai đứa lại cùng một "chiến hào" thời bình. Còn bây giờ "kết" thế này nhá".

Phác đặt tay lên vai Sắc, nói dõng dạc: "Hôm nay đến thăm nhà, mừng là cậu vẫn còn sống, không thì mình còn phải ân hận đến suốt đời…". Phác xúc động thật sự, có gì nghèn nghẹn nơi cổ họng khiến anh phải dừng lại giữa chừng. Sắc vội vã giơ cánh tay còn lại xua xua trước mặt bạn: "Thôi, thôi! Mình quên hết rồi, chiến tranh mà, sống chết có số cả. Cậu đừng lăn tăn nữa".

Trước lúc ra về, Phác để lại trên bàn nước gói quà nhỏ. Sắc không nỡ từ chối thịnh tình của bạn.

*

Đêm ấy vợ chồng Sắc trằn trọc. Lũ chuột cứ lích ra lích rích nơi bồ thóc. Anh hỏi vợ: "Tiền em cất đâu rồi?". "Trong tủ gỗ! Anh tính sao về số tiền này?!". Im lặng. Lẽ nào bấy lâu Phác ân hận tưởng mình đã chết. Cái chết ấy có một phần liên đới đến cậu ta. Để đến bây giờ khi biết mình không chết đã tìm đến tận nhà cho quà, cho tiền, thay lời xin lỗi. Mà số tiền đâu có nhỏ. Cả đời Sắc chưa từng mơ tới. Vợ bàn: "Hay gửi tiết kiệm cho an toàn, khi nào cần thì rút, tiện nhất!". Sắc im lặng. "Ngủ rồi à?". Chị quàng tay qua người chồng tỏ lòng biết ơn, tin cậy nữa: "Có anh mới có số tiền này. Biết ơn cả đồng đội anh, họ luôn vì nhau".

Người nông dân sống thanh bần lâu rồi thành quen, thấy mình đâu có khổ. Thế nhưng, khi có đồng vốn trong nhà mới cảm thấy cuộc sống đỡ chống chếnh, đỡ bấp bênh hơn. Chị tính số tiền này trước hết sẽ chi cho hai con ăn học đến nơi đến chốn. Cái Thảo học đại học không phải đi rửa bát thuê cho hiệu phở ngoài phố buổi chiều, buổi tối nữa. Còn dự án của Sắc là: Với số tiền ấy anh có thể trùng tu ngôi nhà cổ mà bố anh, ông đồ nho một thời để lại. Các cụ xưa cũng kỳ công lắm: kẻ chỉ - chạm bông - trồng giường - đường tàu - lá mái, làm nên một nếp nhà, một nếp sống: trên dưới - trước sau - trong ngoài; cái nọ nâng đỡ cái kia, cái kia ràng buộc cái nọ làm nên rường cột.

Sắc trở mình. Vợ biết chồng chưa ngủ. "Anh nghĩ gì thế?" - Chị nôn nóng chờ ý kiến anh. "Anh nghĩ về em!" - Sắc cười thành tiếng thật to. "Chỉ được cái gian!". "Anh gian á, gian làm sao bằng cậu Phác. Đang nhớ ngày ấy, vì sao anh em lại đặt cho cậu ta cái tên "Phác trâu". Nói xong, Sắc dùng cánh tay và đầu gối ghì chặt vợ nghiêng về phía mình, lấy đà lăn, đu người lên bụng chị. "Hôm nay vội vàng thế?" - Chị vừa nói vừa đỡ anh lên. Cử chỉ này là thói quen mỗi khi chị chiều chồng.

Nhưng khác với những lần trước, lần này nằm chưa yên anh đã dùng đôi chân quặp lấy chân chị, lăn đi nửa vòng ngược lại. Chỉ trong tích tắc, cả thân hình tròn lẳn của chị đã yên vị trên bụng anh. "Điên à!!" - Chị kêu. Ngoài nhà, thằng Tú đang học bài, lên tiếng: "Mẹ gọi gì con?". "Không! Học đi, học hay là chơi điện tử đấy!". Lại im lặng. Có tiếng gió thổi vào tấm phên che tạm ngoài cửa sổ nghe phành phạch. Con gà trống chuồng nhà mơ màng tưởng tiếng vỗ cánh của bạn hàng xóm cũng vỗ cánh theo, rồi gáy.

Tiếp đó là tiếng Sắc, tỉnh queo: "Nhớ chiến dịch mùa khô năm ấy đơn vị anh được sư đoàn thưởng hai con trâu. Thủ trưởng cử Phác và một cậu nữa đi nhận. Hôm đầu dắt trâu về giữa đường thì trời tối, phải vào nhà dân ngủ nhờ. Trâu buộc dưới sàn nhà có cỏ. Người ngủ trên sàn nhà có cơm. Hai chú trâu rừng mới thuần dưỡng lại chưa hiểu tiếng Kinh nên rất bướng bỉnh. Đêm ấy mệt quá, cậu chiến sỹ ngủ không biết trời đất là gì. Sáng dậy, hai anh em định dắt trâu đi thì mặt ông chủ nhà sắc lạnh như con dao quắm, nói như lệnh: "Nằm trên phải mất trâu!".

Cậu chiến sĩ ngớ ra vì giá nhà trọ quá đắt. Ngủ trên sàn có một đêm mà mất những một trâu. Vô lý! Quay sang hỏi Phác. Phác không nói gì. Người dân tộc có cái lý riêng của họ và một khi đã quyết thì khó đổi ý. Đành chịu mất một trâu. Con còn lại, một người dắt, một người đuổi phía sau chắc về đơn vị sớm sủa. Nhưng, đi được một quãng, gặp con suối chắn trước mặt, Phác hạ lệnh cắm trại, chờ đến tối quay vào nhà chủ cũ ngủ nhờ đêm nữa với lý do suối chảy mạnh, trâu không qua được. Ông chủ không những vui vẻ nhận lời mà còn tiếp hai người một bữa rượu có thịt nai khô làm đồ nhậu. Cậu chiến sỹ chưa uống rượu bao giờ, đêm ấy say bí tỉ. Kiểu gì sáng mai cũng trắng tay, công cốc. Nhưng không! Sáng hôm sau ông chủ không những vui vẻ trả lại con trâu hôm trước cho bộ đội mà còn gọi cô con gái ra đứng tận cầu thang đưa tiễn.

Chẳng hiểu ra làm sao cả. Cậu chiến sỹ hỏi Phác. Phác bảo: "Có vậy mà không hiểu à? Thế này nhá: tớ đi ngủ với con gái người ta. Không ngờ lại bị phạt trâu. Đành phải ngủ đêm thứ hai. Tất nhiên đêm qua mình phải nằm dưới, nằm trên phải mất trâu, cậu hiểu chửa. Nhưng về đơn vị cấm được nói với ai".

Sắc dừng lời, anh lại đưa cánh tay còn lại quàng qua người vợ, nói như để kết thúc, để dỗ giấc ngủ: "Điều bí mật của một người là điều bí mật của Chúa. Điều bí mật của hai người thì ai cũng biết. Nghĩa là sau đó cả trung đoàn đều biết. Anh em đặt cho Phác cái biệt danh "Phác trâu" từ đó, gọi mãi thành quen, thành nổi tiếng, thành tiếu lâm hiện đại".

Chỉ có thế thôi mà hai vợ chồng mất ngủ. Chuyện xưa chuyện nay cứ đan xen vào nhau rồi liên tưởng.

*

Phác gọi lại. Những con số đẹp lại hiện trên màn hình: "Nghe đâu cậu viết văn à? Viết được nhiều chưa, mang lên cho mình đọc với".

Ma xó thật. Ai nói mà tay này biết được mình viết văn. Chuyện là thế này:

Sau chiến tranh Sắc trở về quê với thương tật loại hai: Một cánh tay để lại chiến trường. Một vết thương ở ổ bụng đứt nửa mét ruột. Vợ con làm nghề nông. Chẳng giúp được gì ngoài việc cho lợn, gà ăn và tưới tắm cây vườn. Mấy năm nay tuổi càng cao, bệnh tật phát sinh thêm, sức khỏe giảm nhiều, làm gì cũng khó nhọc. Lẽ nào ngồi bó gối trông vợ con vất vả, nghèo đói. Không tìm được việc, khác gì người bỏ đi. Đành nghĩ ra cái chuyện viết văn.

Ấy thế mà trời thương. Truyện của Sắc được báo đăng. Khi thằng Tú reo lên với chị nó: "Em có tiền mua sách rồi!", Sắc mới bừng tỉnh: "Đây là sự thật!".

Truyện thì mọi người đã đọc rồi, còn người viết nó bằng cánh tay trái thì ít người biết lắm. Những ngày đầu tập viết thật là khó khăn. Chữ xấu đã đành, nhưng tốc độ viết chậm không thể nào theo kịp được tư duy làm Sắc chán nản. Đã có những ngày anh ngồi kể chuyện chiến trường cho con nghe rồi đố con viết lại. Nó cũng biết là anh đang nhờ nó, chứ chuyện tình yêu của anh bộ đội với cô thanh niên xung phong bố kể rồi bắt nó viết lại làm gì. Mỗi khi nhận tiền nhuận bút, Sắc đều có phần thưởng dành cho con. Tuy không nhiều, nhưng cả hai bố con đều vui.

Vợ anh cũng động viên, chỉ nhắc giữ gìn sức khỏe, thức khuya vừa vừa thôi. Ấy vậy mà có đêm thức dậy chị thấy một đống lù lù giữa nhà, sợ quá thét lên, thì ra cái đống lù lù ấy là anh. Vì mỏi lưng anh đã bỏ bàn bỏ giường cuốn chăn, ngồi xổm xuống nền nhà để viết. Văn chương nó vậy, khi hứng lên thì có thể viết ở mọi tư thế. Có hôm Sắc còn ngồi thần mặt ra nghĩ ngợi về cái tên mình, cái tên các cụ đặt cho: Trần Văn Sắc. "Văn Sắc" tức là "Vắn". Khi đẻ anh ra đâu có dài rộng như những đứa trẻ khác. Thế thôi. Đến khi cầm bút viết được vài cái truyện rồi lại nghĩ vẩn vơ. Trần Văn Sắc tức là văn phải ngắn nhưng vẫn phải sắc sảo và khi viết khó nhọc đến độ phải "trần" người ra mới viết nổi.

Sau này Sắc mới biết, từ các truyện đăng trên báo có tên tác giả Văn Sắc, Phác đã đến các tòa soạn tìm địa chỉ của anh.

*

Rồi đến lúc anh và Phác ngồi lại với nhau ở ngay phòng tiếp khách của Giám đốc Cao Danh Phác. Cũng chỉ có hai người ngồi đối ẩm bên chiếc bàn đã được bày sẵn: thịt dê tái, thịt hoẵng nướng,… rượu hổ cốt, rượu rắn,… Phác rót rượu mật gấu tươi vào ly nhỏ bằng đất nung đưa sang bảo Sắc uống. Nhìn vào ly đậu vài giọt vàng mơ, Sắc dốc luôn vào miệng. "Tốt! Thế nào?". "Hơi nhằng nhặng". Phác vẫy tay ra hiệu cho cô hầu gái đưa một chén nước mắm nhỏ trên đó có sẵn chiếc tăm tre dài để Sắc tráng miệng, rồi nhấc chai rượu rắn lên rót vào cốc khác, đưa sang Sắc, nháy mắt rất điệu nghệ. Lần này trước khi uống, Sắc tỏ ra cẩn trọng hơn, ý cũng nói với Phác rằng: "Giống rắn quái và hiểm". "Tốt! Thế nào?". "Hơi tanh tanh!". Sắc nhăn mặt, chẹp chẹp miệng.

Lại rót rượu hổ vào một chiếc cốc thủy tinh trong suốt. Phác cúi đầu ngắm nghía vẻ chiêm nghiệm cái màu hổ phách rồi vẫy tay cho một cô hầu khác ăn mặc chải chuốt hơn lại gần, ghé miệng sát tai nàng nói cốt để Sắc không nghe thấy rồi mới chuyển cốc rượu sang, đầu gật, mắt nháy. Sắc nghĩ: Mình đã là lính thì chả sợ cọp nào; mới lại ý đồ của Phác cũng chỉ để làm Sắc vừa lòng, chứ còn ý đồ nào khác? Sắc dốc ngược ly rồi đặt chiếc cốc lên bàn thật mạnh, tỏ ra mình cũng chịu chơi. "Tốt! Thế nào?". Sắc rùng mình: "Hơi gây gây". Phác kết luận: như vậy là cậu đã cảm nhận hết mùi vị. Nhưng chưa hết đâu, còn nhiều mùi vị trên đời lạ lắm. Chịu khó đi với mình đời sẽ khôn ra.

Vừa lúc đó, thức ăn thêm món gà gô tẩm thuốc bắc đặt trên bàn. Hai người chạm cốc, vào cuộc. Tiếng cười ha hả. Giữa rừng.

Uống đến khi ngà ngà, Phác tự tin đi thẳng vào vấn đề: Anh em mình đã từng hiểu nhau, từng sống chết vì nhau, gian khổ có nhau; hôm nay lẽ nào không vì nhau để sống tiếp những ngày còn lại. Mình nghĩ cậu khổ quá, có tiếng mà không có miếng, còn mình như cậu thấy đấy. Thật thà thì thiệt thằng thân. Vì nhau mà hôm nay mình nói thế này: Mình có tiền, cậu có tài, hai cái đó chúng ta… Mình dự kiến liên kết xuất bản một tập truyện gồm 15 cái. Người viết là cậu, người đứng tên là mình.

Sắc định nói chen ngang, Phác giơ tay ngăn lại. Tiếng chắc và chậm như búa bổ củi. Mắt Phác vằn đỏ nhìn chăm chắm vào Sắc. Ngón trỏ bàn tay phải gõ cộc cộc xuống bàn: "Bản thảo hoàn thiện tại đây. Mình tạo mọi điều kiện để cậu viết. Đêm nào cũng "Nhất dạ đế vương", được chưa? Mười truyện đầu coi như cậu trả tiền tớ đã cho vay để sửa nhà, năm truyện còn lại thì nhuận bút mỗi truyện một con trâu. Bây giờ, trước tiên cậu hãy viết truyện ngắn thứ nhất, lấy tiêu đề của nó làm tiêu đề cho toàn tập".

Phác đã đặt Sắc vào chuyện đã rồi, không làm thì lấy tiền đâu trả nợ, làm thì theo đóm ăn tàn. Sắc đang dọn giọng, thì vừa lúc cô gái ăn mặc chải chuốt khi nãy đã đứng bên nâng cốc rượu đưa vào môi anh để chứng minh nghi thức "nhất dạ đế vương". Lúc ấy không biết Sắc nói hay rượu nói: "Mình sẽ trả lời cậu khi truyện thứ nhất viết xong, hai đứa cùng thống nhất được nội dung và tiêu đề".

Con người kể cũng kỳ. Khi đói khổ thì thèm tiền. Khi có tiền rồi thì thèm quan. Khi làm quan rồi thì thèm danh. Cái danh làm quan chỉ của một thời, còn văn chương thì của muôn đời. Họ muốn lưu danh cho muôn đời.

Không biết sau này hai người đã xử sự với nhau như thế nào, chỉ biết trên văn đàn chưa bao giờ xuất hiện cái tên Cao Danh Phác. 

Truyện ngắn của Vũ Am
.
.