“Lương tâm bé mọn”

Thứ Hai, 05/02/2018, 08:06
Không rời mắt khỏi màn hình máy tính, Hen dửng dưng: “Tiền gì?”. Chị bán xôi nghiến răng: “Tiền thuê anh làm giấy tờ cho con gái tôi”. Hen lạnh lùng: “Biến đi! Tôi cố gắng hết khả năng rồi”. Chị bán xôi đay lại: “Hôm qua, lúc chia tay ở sân bay, con gái tôi bảo, anh tự ý dịch nó khai 20 tuổi, trong khi nó chỉ 18”. Hen dằn giọng: “18 hay 20 thì khác gì nhau, đằng nào cũng bị trục xuất”. 

Trong phòng làm hồ sơ tại trại dành cho người nước ngoài nhập cư trái phép, cô gái trẻ tóc đen, mắt một mí ngồi khép nép trước cái bàn gỗ, đối diện với viên sĩ quan biên phòng và Hen. Viên sĩ quan biên phòng mặc trang phục màu xanh lục nhìn xoáy vào mắt cô gái, lạnh lùng hỏi: “Cô bao nhiêu tuổi?”. Hen dịch lại. Cô gái cúi đầu, lí nhí: “Dạ, cháu 15 tuổi ạ!”.

Quay sang cô gái, Hen gằn giọng: “Vừa phải thôi! Cô nói dối thế, ai tin? Trông cô, ai cũng đoán không dưới 20”. Cô gái mếu máo: “Chú cứ dịch thế giúp cháu! Mẹ cháu dặn, nếu lỡ bị bắt phải khai tuổi vị thành niên thì không bị trục xuất”. Hen đanh mặt: “À! Thì ra là vậy”. Quay sang viên sĩ quan, Hen dịch: “Cô ấy khai 20 tuổi”. Dõi mắt theo nét bút viên sĩ quan biên phòng viết trên tờ khai, cô gái hớt hải: “Ối, chú ơi! Cháu 15 tuổi chứ!”. Hen lừ mắt, không nói gì.

Nhìn mấy người Việt Nam đầu gối quá tai, ngồi xổm trên sàn phòng đợi kế bên, Hen ngao ngán thở dài. Giải quyết hết số này, chắc Hen lỗi hẹn với khách đang chờ ở Sở Ngoại kiều. Chả hiểu sao dạo này người Việt đổ sang Ba Lan nhiều thế. Đi đâu Hen cũng đụng phải đồng hương mắt xếch mũi hếch, trên phố, trong phương tiện giao thông, thậm chí cả toilet công cộng, chỉ trừ nhà hát là nơi biểu diễn nghệ thuật hàn lâm như âm nhạc cổ điển, opera, balet. Hồi đó, thời Hen là sinh viên, toàn Ba Lan chỉ có vài trăm người Việt.

Nửa tháng sau, cô gái trẻ cùng đám người Việt bữa ấy bị trục xuất về nước. Hen lại được cơ quan biên phòng triệu tập. Tại nhà ga sân bay Okecie, chứng kiến cảnh hai mẹ con cô gái trẻ đứng hai bên hàng rào, nước mắt lưng tròng chia tay nhau, Hen cau mặt quay đi.

Hen tên thật là Trần Quốc Huy, quê huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nơi có phủ Thiên Trường, đất tổ phát tích vương triều Trần. Chi họ Huy giờ chẳng ai còn gia phả, nhưng Trần Quốc Huy vẫn vỗ ngực tự xưng là cháu 30 đời của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Huy nghĩa tiếng Việt thì hay nhưng phát âm tiếng hệ Slave như Nga, Ba Lan… thì eo ơi tục lắm. Theo gợi ý của thằng bạn Ba Lan, Huy đổi tên thành Henryk. Để gọi cho gọn, bọn Việt Nam còn giữ lại mỗi Hen. Lâu dần chẳng ai còn nhớ tên cúng cơm của Huy, chỉ Hen.

Chúi mặt vào bàn phím, gõ xong dòng cuối trong bộ hồ sơ xin giấy phép lao động cho bếp trưởng nhà hàng Quê Hương, Hen nhíu lông mày “Chuyên gia nấu bếp gì nó, nhân viên nắm than ở Ban Lễ tân thì có. Cái bằng cao đẳng du lịch này nghi lắm. Vụ này mình cứ vừa dọa, vừa xoa là ra khối tiền”. Hen thời trẻ học giỏi nhất trường làng. Hết năm lớp 7, qua thi tuyển, Hen được chuyển lên học trường chuyên Lê Hồng Phong danh giá. Tụt xuống từ lưng trâu nhưng trong kì thi đại học, Hen đỗ đầu tỉnh, được chọn du học Ba Lan. Hồi đó, người Việt ở Ba Lan chỉ có sinh viên, nghiên cứu sinh, toàn trí thức văn hóa cao được đào tạo cơ bản, chứ không như bây giờ…

Cánh cửa văn phòng dịch vụ bật mở. Người phụ nữ trung tuổi mặt xanh lét, người gầy đét, mặc bộ thể thao Tàu nhàu nhĩ màu ghi sẫm ào vào. Chị thuộc giới cần lao mà người bán hàng nào ở chợ Sân vận động cũng biết, bởi hằng ngày chị đẩy xe bán xôi dạo trên đó. Hen vẫn giấu đầu sau màn hình máy tính, tay chống cằm, tay rê chuột. Xấn xổ đến trước mặt Hen, chị bán xôi lớn tiếng: “Anh phải trả lại tôi 5 nghìn zua!”.

Không rời mắt khỏi màn hình máy tính, Hen dửng dưng: “Tiền gì?”. Chị bán xôi nghiến răng: “Tiền thuê anh làm giấy tờ cho con gái tôi”. Hen lạnh lùng: “Biến đi! Tôi cố gắng hết khả năng rồi”. Chị bán xôi đay lại: “Hôm qua, lúc chia tay ở sân bay, con gái tôi bảo, anh tự ý dịch nó khai 20 tuổi, trong khi nó chỉ 18”. Hen dằn giọng: “18 hay 20 thì khác gì nhau, đằng nào cũng bị trục xuất”. Chị bán xôi cong ngón tay, chỉ vào mặt Hen: “Nhưng con bé đề nghị anh dịch là 15, thế mà anh tự ý nâng lên 20. Người Việt mặt chênh với tuổi, bọn tây đếch biết phân biệt. Sao anh độc ác thế?”.

Minh họa: Đỗ Dũng

Hôm sau, chị bán xôi đi rỉ tai từng người ở chợ Sân, rằng Hen làm việc hai mang, vừa kiếm tiền trên lưng người Việt, vừa cộng tác với an ninh Ba Lan. Kế độc này chị bán xôi chẳng thể nghĩ ra. Chắc có ai đó lén bày cho chị.

Nhớ hình ảnh cánh tay con gái tuyệt vọng giơ lên vẫy ở sân bay, chị bán xôi òa khóc tức tưởi. Ngồi bệt bên xe xôi, chị quệt nước mắt, kể lể. Chồng theo gái, chị ở vậy nuôi con. Năm 1987, nhà máy giảm biên chế, chị đi Đông Đức xuất khẩu lao động. Con gái ở lại, bà ngoại nuôi. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nằm trong diện phải về nước trước thời hạn, chị theo bạn trốn sang Ba Lan. Bán xôi mấy năm trời, chị mới dành dụm được 15 nghìn đô la để trả tiền dịch vụ đón con gái. Chị bán xôi mếu máo: “Thế mà thằng Hen nỡ hãm hại, bắt hai mẹ con phải chia lìa. Ối, con ơi là con ơi! Ối, 15 nghìn đô la của tôi ơi! Tiên sư nó chứ! Còn sống ở trên đời, bà quyết không tha cho mày vụ này”.

Nhiều người Việt ở đây giấy tờ tùy thân lận lưng một mảnh không có, kinh tế “đen” lớn hơn “trắng” nên ai cũng ngại rơi vào tầm ngắm của an ninh Ba Lan. Người làm việc hai mang lại càng nguy hiểm. Bởi đặc thù dịch vụ khiến họ biết quá rõ điểm yếu của “thân chủ”.

Giữa trưa, trời nóng hầm hập, quán fast food trên Quảng trường Hiến Pháp đang tấp nập khách, bỗng thanh tra lao động cùng cảnh sát ập vào kiểm tra giấy phép lao động. Trong số những người bị xét hỏi có đôi vợ chồng trẻ người Việt. Chồng đủ giấy tờ không sao, vợ chỉ có visa tị nạn bị tạm giữ. Khi thanh tra và cảnh sát ra khỏi quán, người chồng cuống cuồng lao đến văn phòng dịch vụ của Hen cầu cứu.

Sáng hôm sau, Hen dẫn người chồng đến trại dành cho người nước ngoài nhập cư trái phép. Trong phòng làm hồ sơ, nhìn người vợ mắt đỏ hoe, mặt thắm nét duyên quê, mặc áo phông in hoa thả ngoài quần bò xanh thẫm, chân xỏ đôi giày thể thao trắng, Hen ngán ngẩm lắc đầu, “đúng mẫu bọn luồn rừng từ Ukraine sang”.

Viên sĩ quan biên phòng hỏi: “Tại sao không có giấy phép lao động lại đến quán bar làm việc, trong khi Ba Lan cấp visa theo quy chế tị nạn?”. Tránh ánh mắt, người vợ mân mê gấu áo: “Tôi đến học việc, không nhận lương”. Hen dịch: “Cô ấy đến làm việc nhưng chưa nhận lương”. Viên sĩ quan biên phòng hỏi tiếp: “Đến quán bar làm việc hằng ngày hay chỉ có hôm đó?”. Người vợ sụt sịt: “Lúc nào rảnh rỗi tôi mới đến xem nhân viên làm và thử thực hành”. Hen dịch: “Hằng tuần, cô ấy đến quán làm việc từ thứ hai đến thứ sáu”.

Cầm tờ quyết định trục xuất khỏi Ba Lan, người vợ gục đầu vào vai chồng, òa khóc nức nở.

*

“Policja. Mở cửa!”

Sơn bàng hoàng đứng chết lặng. Tiếng đập cửa càng to hơn: “Mở cửa ra! Không thì chúng tôi phá khóa”. Trong tiếng con òa khóc, vợ Sơn sợ sệt: “Đừng mở! Nhỡ cướp thì sao?”. Sơn ghé mắt nhòm qua mắt thần, phân vân: “Mở không?”. Vợ Sơn mặt tái nhợt: “Đúng cảnh sát không?”. Sơn cuống: “Đúng! Nhiều lắm”. Lại có tiếng gõ cửa dồn dập, vợ Sơn lắp bắp: “Thôi, mở đi!”.

Cửa bật mở, một cảnh sát quật Sơn xuống sàn, khóa tay bằng chiếc còng số 8. Một cảnh sát đẩy vợ Sơn đứng úp mặt vào tường, hai tay giơ cao. Một cảnh sát lao vào phòng ngủ mở tủ, ngó gầm giường rồi vào bếp, toilet, balcon. Khi biết không còn ai trốn nữa, viên chỉ huy rút từ túi áo ra tờ giấy, đọc lệnh tạm giữ Sơn vì tội bán giày thể thao nhái hiệu Adidas.

Sơn nghe, gào toáng lên: “Các ông bắt nhầm người rồi! Tôi buôn quần áo, chưa từng bán giầy”. Đám cảnh sát ngớ ra, nhìn nhau lắc đầu. Nhưng Sơn vẫn bị giải đi trong tiếng khóc tức tưởi của vợ và ánh nhìn đầy sợ sệt, nhòe nhoẹt nước mắt của con gái năm tuổi.

Buông điện thoại, Yến thở dài. Con gái người Ba Lan của ông “chồng hờ” ở biên giới phía đông vừa gọi cho Yến biết, bố cô đang hấp hối vì bạo bệnh. “Con ghẻ” đề nghị “mẹ kế” về quê li hôn với bố và cắt hộ khẩu để bán nhà. Thực ra Yến chẳng thèm cái nhà cũ kĩ cũng như khoản tiền còm thừa kế của bố cô ấy. Yến chỉ cần chỗ “nương thân,” để ba tuần nữa được xét cấp quốc tịch. Muốn “về quê” để nhét sâm vào mồm “chồng hờ” đang hấp hối, nhưng Yến sợ “con ghẻ” vòi tiền. 

Hai giờ sáng, Yến đang yên giấc nồng với chồng và con trai trong căn hộ cũ kỹ thì hai cảnh sát ập vào kiểm tra nhân khẩu. Viên cảnh sát gặng hỏi ba người quan hệ với nhau thế nào, Yến chưa hết bàng hoàng cho biết, người đàn ông là bạn trai. Với lời khai thế, Yến chỉ vi phạm chế độ một vợ một chồng. Kế độc này do “chồng thật” của Yến học mót bọn bạn trong lúc trà dư tửu hậu.

Một tuần sau, Yến nhận được giấy tòa triệu tập về việc “con ghẻ” tố cáo “mẹ kế” kết hôn giả với chồng Ba Lan để làm visa và sắp tới là quốc tịch.

Nhanh như kền kền đánh hơi xác thối, ngay tối hôm đó Hen gọi điện cho Yến hẹn gặp. Trong góc quán café, Hen chẳng loanh quanh úp mở, bảo đã biết chuyện của Yến, rằng người đàn ông Việt hôm cảnh sát khám nhà chính là “chồng thật” chưa từng ly hôn của Yến, còn ông già Ba Lan là “chồng giả”, Yến cưới “dịch vụ” để có quyền cư trú. Hen cao giọng dọa, tòa án chứng minh không khó điều này.

Nheo đôi mí mắt hùm hụp, Hen dõi theo đôi bàn tay Yến run rẩy cầm khăn giấy vần vò đến nhàu nát, sắc mặt tái dần. Thấu hiểu nỗi tuyệt vọng hiện lên trong đôi mắt “con chim trời” mắc cánh vào lưới bẫy, Hen đắc chí gợi ý: “Thực ra chứng cớ cưới giả rất mơ hồ, chưa đủ cơ sở để buộc tội”. Sắp chìm nghỉm vớ được phao, Yến rụt rè: “Anh có cách nào giúp em không?”. Nghe Hen thì thầm vào tai, Yến giãy nảy: “Ối, giời ơi! Ngần ấy thì vợ chồng em lấy đâu ra?”. Hen gằn giọng: “Cô nuôi gã chồng già nghiện rượu ngần ấy năm, đừng giả nghèo!”. Yến nghẹn ngào: “Em trả trọn gói một lần, chứ có nuôi ông ta tháng nào đâu. Đẻ con, em còn chẳng có tiền nuôi, lấy đâu nuôi người dưng”.

“Con chim trời” xõa cánh thành mẹ bổi ngồi trước mặt Hen, môi son đỏ chót, váy hoa đuồn đuỗn thả từ vai xuống gối, chân vòng kiềng lợn phi qua không chạm, giày đế bệt màu cá da trơn. Hen vén tay áo xem đồng hồ, giọng lạnh tanh: “Gọi điện về nhà bảo mẹ già bán đất đi! Tôi lạ gì các cô. Thôi! Giờ tôi phải đi dịch cho cậu Sơn. Cứ nghĩ thật kĩ rồi gọi lại cho tôi!”.

Trong phòng xét hỏi Trại tạm giam Sở Cảnh sát, Sơn lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Những bông tuyết đầu mùa lãng đãng bay, bám lên cửa kính, tan chảy thành những rãnh nước ngoằn ngoèo. Nửa tiếng sau, Hen theo sau hai viên cảnh sát bước vào phòng. Bốn người ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật. Sơn ngồi đối diện với viên cảnh sát hỏi cung, một bên là viên cảnh sát viết biên bản, một bên là Hen.

Viên cảnh sát đối diện hỏi: “Ông có muốn xem lệnh khám nhà không?”. Hen nhìn Sơn: “Chắc em hiểu câu hỏi?”. Sơn gật đầu: “Em hiểu!”. Hen nhanh nhảu tư vấn: “Em cứ trả lời là không cần. Bởi nhà thì đã khám rồi”. Sơn phân vân, phần muốn xem lệnh vì nghi cảnh sát nhầm nhà, phần nghĩ Hen có nhiều kinh nghiệm giúp “người mình” nên cứ tuồn tuột nói như cái máy cài sẵn chương trình.

Viên cảnh sát đối diện hỏi Sơn: “Ông kinh doanh mặt hàng gì?”. Không do dự, Sơn trả lời ngay: “Tôi bán quần áo, chưa bán giày thể thao bao giờ”. Hen quay sang Sơn nói nhăng nói cuội rồi liến láu dịch: “Anh ta kinh doanh quần áo là chính, nhưng đôi khi cũng bán thêm giày thể thao”. 

Viên cảnh sát đối diện hỏi Sơn: “Ông có biết rõ quyền hạn của mình không? Ông có muốn kháng cáo lên Tòa án và Viện Công tố không?”. Hen quay sang Sơn nói nhăng nói cuội rồi liến láu dịch: “Anh ta biết rõ quyền hạn của mình và không muốn kháng cáo lên bất cứ cấp nào”.

Viên cảnh sát đối diện hỏi Sơn: “Ông có cần luật sư tư vấn hay liên hệ với đại sứ quán Việt Nam không?”. Hen quay sang Sơn nói nhăng nói cuội rồi liến láu dịch: “Anh ta từ chối luật sư tư vấn, và liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam vì thấy không cần thiết”. 

Viên cảnh sát đối diện ngạc nhiên: “Sao ông từ chối quyền bào chữa và bảo vệ mình?”. Hen quay sang Sơn nói nhăng nói cuội rồi liến láu dịch: “Anh ta đã nhận ra lỗi của mình nên thấy không cần thiết”.

Viên cảnh sát thư ký đọc lại biên bản cung khai. Hen dịch lại theo ý mình. Khi viên cảnh sát đề nghị ký thì Sơn do dự. Hen động viên: “Mình thành khẩn nhận lỗi thì sẽ được xem xét giảm nhẹ tội. Hỏi cung chỉ là thủ tục, chứ họ biết cả rồi. Cứ ký đi em! Không sao đâu”.

*

 Con quạ khoang đậu trên bậu balcon, láo liên ngó vào bên trong, ngoác to mỏ kêu những tiếng quạc quạc não lòng khiến Hen thức giấc. Cầm chiếc đồng hồ đeo tay đặt trên mặt tủ con cạnh đầu giường lên xem, Hen hớt hải bật dậy “Thôi chết, bảy giờ rồi! Một tiếng nữa phiên tòa xử Yến giả mạo giấy tờ bắt đầu. Mẹ kiếp! Mở mắt ra, quạ đã phá inh ỏi. Hôm nay xui lắm đây”. Bước đến bên cửa sổ, Hen vung mạnh tay. Con quạ nháo nhác đập cánh bay lên.

Hen uể oải vặn người, đấm lưng rồi khật khừ đi vào toilet. Dạo này Hen thiếu ngủ triền miên. Hen mệt mỏi lắm rồi. Hen không muốn áp lực công việc đè nặng thêm nữa. Suốt nửa năm nay, Hen đi dịch tối ngày, hết cho cơ quan Ba Lan lại “chạy show” cho người Việt. Hen thấy mình như đang quay cuồng trong môi trường đầy rẫy tội phạm. Đang đánh răng chợt Hen dừng tay ngẩn người nghĩ tới trọng trách được trao. Nhìn vào gương, Hen đỏ bừng mặt. Hen không được làm ngơ với các hành vi sai trái, khiến hình ảnh người Việt hoen ố. Hen muốn thanh lọc cộng đồng. Hen mơ được trở lại thời dĩ vãng thanh tao, yên bình.

Hen hớn hở đẩy mạnh cánh cửa phòng xử án. Bên trong chỉ còn một chỗ trống dành cho phiên dịch. Đem theo nguồn sinh khí mới cùng sứ mệnh lớn lao, Hen len lén đi vào phòng xử án. Hồ hởi cúi chào khắp lượt, Hen ngồi xuống ghế. Phiên tòa bắt đầu khai mạc. Tòa hỏi: “Khi cưới chồng Ba Lan, bị cáo đã li hôn chồng Việt Nam chưa?”. Yến trả lời: “Đã làm thủ tục li hôn, nhưng chưa có giấy chứng nhận từ phía Việt Nam” thì Hen dịch: “Đã thỏa thuận li hôn, nhưng chưa đăng ký với phía Việt Nam”. Tòa lại hỏi: “Có sống với chồng Ba Lan không?”. Yến trả lời: “Có sống với nhau tuy nhiên không thường xuyên vì bận bán hàng ở Warszawa” thì Hen dịch: “Có về thăm nhưng không sống chung vì bận bán hàng ở Warszawa”.

Nghe quan tòa phán quyết, bị cáo phạm tội giả mạo giấy tờ, Yến ngồi phịch xuống ghế lặng đi hồi lâu. Đến lúc biết mọi chứng cớ đều chống lại mình, Yến tìm Hen để hỏi cho rõ thì gã đã biến khỏi phòng xử án. Thực ra Hen chưa về. Hen đang lang thang trong sân tòa để hả hê với công trạng vừa loại được thêm một “tội phạm” Việt Nam khỏi đất Ba Lan. Cùng lúc đó, phiên tòa xử Sơn buôn hàng giả đang diễn ra tại phòng xử án dưới tầng trệt.

“Lô giày thể thao nhái mác Nike của ông sẽ bị tiêu hủy, không chỉ vậy, ông còn phải nộp phạt 10 nghìn zua và lưu tội danh vào hồ sơ”. Người phiên dịch chậm rãi dịch lại cho Sơn nghe lời cáo buộc của tòa.

Sơn ngạc nhiên, liền phản ứng: “Lô giày không phải của tôi! Tôi chưa từng bán giày. Tại sao tôi khai một đằng, tòa buộc tội một nẻo?”. Quan tòa cầm búa gõ xuống bàn: “Đề nghị ông không được hét to!”. Công tố viên đứng lên, nói dõng dạc: “Tất cả lời khai của ông với cơ quan điều tra là bằng chứng buộc tội. Rất tiếc! Tòa không thể làm khác được”. Đổ người về phía trước, Sơn vung tay nói bằng thứ tiếng Ba Lan ngô ngọng: “Lời khai nào chống lại tôi? Thưa ông! Tôi phản đối phán quyết của tòa!”. Quan tòa cầm búa gõ xuống bàn: “Đề nghị ông không được hét to!”. Công tố viên đến bên Sơn, chìa ra tờ biên bản cung khai hôm trước, hỏi: “Chữ ký ông đây có phải không?”. Sơn gật đầu xác nhận. Công tố viên đọc dõng dạc trước tòa lời khai của Sơn ghi trong biên bản. Phiên dịch dịch xong, hỏi Sơn: “Hôm trước anh khai thế, sao hôm nay lại phản cung? Anh còn từ chối cả quyền bào chữa nữa”. Giơ hai tay lên ôm đầu, Sơn thảng thốt: “Thôi, chết rồi! Đ.mẹ thằng Hen! Nó lừa tôi”.

Phiên xử kết thúc, người phiên dịch khẽ bảo: “Tiền phạt hành chính không đáng ngại bằng án phạt hình sự. Bởi khi gia hạn visa, Sở Ngoại kiều căn cứ vào tội trạng để quyết định”. Sơn ngồi phịch xuống ghế, vẻ mặt thất thần.

Tạm gác lại nỗi oan ức, Sơn lao vào guồng quay buôn bán với nỗi thấp thỏm không nguôi. Giữa buổi chợ, cô chủ quầy đối diện hớt hải chạy vào gí tận mặt Sơn một tờ hóa đơn VAT: “Anh xem này! Khốn nạn đến thế là cùng. Lúc nãy bán hàng cho khách Lítva, vô tình em thấy cái hóa đơn khống đóng dấu công ty em trong tay cô ta. Em tra thì cô ta bảo mua của một người Việt ở quầy X30, Trung tâm Thổ. Anh gọi ngay cho cảnh sát và thuế vụ giúp em. Để chậm trễ, khách hàng mang hóa đơn VAT này lỡ bị thanh tra phát hiện thì em rũ tù, hết cửa làm ăn”. Dạo này nhiều kẻ lòng lang dạ sói, vì tham lam mà gắp lửa bỏ tay người. Đang là nạn nhân, giờ nghe cô hàng xóm nói thế, Sơn càng hoang mang với vận hạn sắp tới.

Bảy giờ sáng, Sơn lên Sở Ngoại kiều. Đoàn người xếp hàng dài hai trăm mét trên phố. Tám giờ cửa mở, đoàn người như con trăn khổng lồ trườn dần vào bên trong. Bấm giấy lấy số, Sơn ngồi đợi trên ghế ngoài hành lang mà nghe rõ nhịp tim đập trong lồng ngực. Mở cuốn hộ chiếu, nhìn dấu hủy visa đỏ hồng đóng chéo trang giấy, Sơn như thấy trời quay đất lở. Khi cánh cửa Sở Ngoại kiều đóng sầm lại sau lưng, Sơn nghiến răng văng: “Đ.mẹ thằng Hen!”.  

*

Năm container hàng “ngon” của Sơn đang lênh đênh trên biển, ít ngày nữa sẽ cặp cảng Hamburg. Mới xem mẫu, khách đã tranh nhau đặt tiền. Vậy mà Sơn sắp phải ra khỏi biên giới Ba Lan. Đứng lặng ngắm vợ và con ôm nhau ngủ, Sơn ứa nước mắt. Không có Sơn, vợ giải quyết sao nổi ngần đấy hàng. Hay là Sơn bán vận đơn theo kiểu “bán lúa non”? Làm cách đó gọn, nhưng Sơn mất hai trăm nghìn đô la tiền lãi. Vợ chồng Sơn đã xin cho con học lớp mẫu giáo Quốc tế và đặt cọc tiền mua căn hộ cao cấp ở trung tâm Warszawa. Thế mà chỉ vì thằng Hen, mọi viễn cảnh của Sơn đổ bể. Nắm chặt hai bàn tay, Sơn thề: “Đ.mẹ thằng Hen! Tao chết thì mày cũng hết đường sống”.

Sáng hôm sau, khi bình minh lấp ló đỏ rực đường chân trời, Sơn dậy đưa con đi học rồi lái xe đến văn phòng dịch vụ của Hen.

Đang cặm cụi rê chuột sau màn hình máy tính, thấy Sơn đẩy cửa bước vào, Hen ngẩng đầu lên chột dạ. Cố rặn nụ cười, chợt nhớ ra, Hen vội ngậm miệng lại, nhưng Sơn vẫn kịp thấy cái lỗ đen ngòm giữa hàm răng trên của Hen. Mấy ngày trước, Sơn nghe con mẹ béo, chủ quầy bên cạnh khoái chí cười híp cả mắt, kể về vụ Hen bị một bọn trùm chăn bắt lên xe, chở vào rừng nện cho một trận thừa sống thiếu chết, gãy cả hai răng cửa. Có đứa còn đòi cắt gân chân để thằng “Việt gian” hết cơ hội “thanh lọc cộng đồng”. May một đứa giơ tay ra ngăn kịp, không thì thành to chuyện.

Hen uể oải rời bàn máy tính đi ra salon mời Sơn ngồi. Nghe Sơn trình bày yêu cầu, Hen trề môi:

- Tội của cậu, giời mới cứu nổi.

- Tài như anh, chẳng lẽ bó tay?

- Chịu thôi! Tôi hết cách rồi.

- Anh cố gắng giúp! Em sẵn sàng chi thỏa đáng.

- Tôi nghĩ, chỉ còn cách chứng minh cậu chưa từng bán giày và lệnh khám nhà ghi nhầm địa chỉ do lỗi thằng đánh máy. À! Cậu định chi cho phi vụ này bao nhiêu?

- 5 nghìn đô!

- Thế mà bảo “sẵn sàng chi thỏa đáng”. Cả một dây chạy án đấy. Phải 10 nghìn!

- Thôi thì trăm sự nhờ anh! Em đành cố vậy. Chiều thứ bảy, em sẽ đưa trước 3 nghìn đô, còn lại em sẽ đưa nốt sau khi phi vụ hoàn thành.

Trong quán café, khi Hen đang rạng rỡ nhét 3 nghìn đô la Sơn vừa đưa vào cặp thì đội cảnh sát đặc nhiệm bịt mặt, trang phục đen từ đầu tới chân, lưng áo in hàng chữ trắng “Policja” ập vào. Series từng tờ tiền mặt khớp hoàn toàn với thông tin từ một e-mail gửi đến Sở Cảnh sát. Cả Hen và Sơn bị còng tay ngay tại chỗ, tống lên xe chở phạm đến trại tạm giam.

Ngồi trước mặt hai viên sĩ quan cảnh sát, trong khi Hen cố chứng minh 3 nghìn đô la là khoản tiền Sơn trả dịch vụ thì Sơn lạnh lùng khai, đó là khoản tiền Hen yêu cầu đặt cọc để chạy án và đưa băng ghi âm.

Hai tháng sau, diễn ra phiên tòa xét xử vụ án đưa và nhận hối lộ của hai bị cáo liên quan là Hen và Sơn. Sau hai tiếng tranh biện, tòa phán quyết Hen chịu án một năm tù giam. Do thành khẩn nhận tội, Sơn chịu án một năm tù cho hưởng án treo. Được trả tự do tại tòa, nhưng Sơn vẫn phải ra khỏi Ba Lan vì tội hàng nhái.

Khi đi ngang qua Hen, Sơn ưỡn ngực, vung vẩy hai tay với vẻ mặt đầy khiêu khích. Nhìn đôi tay Hen trong còng số 8, Sơn ghé tai gã nói nhỏ: “Đằng nào tao cũng bị trục xuất”. Trợn đôi mắt hờn căm, Hen ném theo Sơn câu chửi: “Đ. mẹ thằng đểu!”.

Hai năm sau. Khi đi siêu thị BigC Garden mua thực phẩm, vợ chồng Sơn vô tình gặp vợ chồng Yến. Bỏ mặc hai bà vợ đẩy xe đi nhặt hàng, hai ông chồng rủ nhau vào quán café. Chồng Yến hồ hởi khoe: “Tôi nghe nói, thằng Hen sau khi ra tù bi đát lắm. Ba Lan thì thu bằng phiên dịch công chứng, cộng đồng thì tẩy chay, nó chạy bàn cho một nhà hàng Ba Lan, sau lại bị vợ đuổi ra khỏi nhà. Hình như thằng Hen đã về hẳn Việt Nam. Giờ nó làm gì, ở đâu chẳng ai biết. Còn đồng bào ta ở Ba Lan vẫn hoang dại thế, khó hội nhập lắm!”.

Truyện ngắn của Trần Quốc Quân
.
.