Luồng rừng

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:02
Luồng Rừng chia thành hai mé tả tử hữu sinh, vậy nên cô không được phép sai sót dù chỉ một li. Trụ vững rồi, Lành trở người một cái, lái thuyền về mé hữu. Nước tuy rất xiết, nhưng ấy mới là cửa sống. Quai hàm cô bạnh ra, bẻ chèo, mồ hôi tuôn như mưa thấm ướt lưng áo mỗi khi cố tránh những mỏm đá nhọn nhô lên...

1

Xuôi theo Đà Giang, tiến dần tới thác Bờ thì dòng sông tách mình làm ba khoảnh: Một tiếp tục làm nhiệm vụ lưu thông nằm bên mé hữu; một đứng giữa với các ngọn mầm đá nhấp nhô với hang Hổ sâu không thấy đáy nằm dưới lòng sông; một rẽ nhánh về mé tả có nhiệm vụ cuốn lấy các súc cây, rơm rác cũng như xác người trôi dạt và đất cát tạo thành hòn đảo nhỏ rồi lại rong du theo hành trình, sáp nhập vào sông, mang danh Luồng Rừng. Nhìn sang hai bên, đền Chúa Sơn Lâm trấn bờ phải, đền Chín Cô giữ bờ trái, ôm trọn lấy sông.

Nước dữ quá! Lành nắm chắc đôi chèo, khuỷu tay khuỳnh ra, hai chân choãi chắc trong lòng chiếc thuyền con chao đảo giữa dòng. Lành đã quen mặt với đám thần đá trấn thủ gần miệng Hổ và đôi lần giáp mặt với bè lũ củi mục và hút nước ở phía bên này, thi thoảng dường như thương nhớ bạn cũ, chúng vẫn cố gắng níu giữ tay cô lại và mong đưa cô vào sâu trong xoáy nước.

Luồng Rừng chia thành hai mé tả tử hữu sinh, vậy nên cô không được phép sai sót dù chỉ một li. Trụ vững rồi, Lành trở người một cái, lái thuyền về mé hữu. Nước tuy rất xiết, nhưng ấy mới là cửa sống. Quai hàm cô bạnh ra, bẻ chèo, mồ hôi tuôn như mưa thấm ướt lưng áo mỗi khi cố tránh những mỏm đá nhọn nhô lên.

Cứ vậy mà bơi đi, cũng thong dong lại dần. Lành thở phào một hơi, nhắm mắt lại hòng thư giãn đôi chút rồi nhìn xét đám cá bạc trong khoang. Chúng trợn mắt, thoi thóp thở. Lành chợt cảm như mình tựa lũ cá. Cũng buổi sáng như thế này, đầu tuần trước, cô đã vớt được một xác người chết trôi dạt vào Luồng Rừng, nếu như không mắc vào đám củi mục thì hẳn người phụ nữ ấy đã trôi ra sông và bị bọn ác ngư rỉa sạch trước khi về được tới biển.

Còn hai năm nữa là chuyển lòng hồ. Lành bần thần cả người, gió man mác thổi qua lần tóc mai khiến cơn ngái ngủ ập tới, cô đã hai đêm thức trắng để săn cá Anh Vũ nhằm kịp giao hàng trong buổi họp chợ dưới bến Đền vào ngày mai.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Thuyền đã bình an về với dòng chảy êm đềm sau khi thoát khỏi xoáy nước ác độc, bên kia, đôi ba chiếc đò lặng lẽ xuôi theo mái chèo của người đưa khách. Ông Thà, hàng xóm của cô, đang xách đôi cá đi lững thững bên bờ sông, trông thấy Lành bèn gọi với sang:

- Về rồi đấy hả Lành?

- Dạ vâng! - Lành đáp, tiếng cô loang rộng trên mặt sông, dường nhỏ lại, làm ông Thà phải nghiêng tai lắng nghe - Đôi cá kia dễ phải gần bốn cân bác nhỉ?

Ông Thà dừng chân, thuyền của Lành cũng dần cập vào bờ, cô chống sào nhảy xuống mép nước nông, cầm sợi thừng kéo thuyền rồi buộc nó vào cọc gỗ. Thuyền bè ở phố Hạ này không cần đánh dấu, để ở chỗ nào cũng xong mà không hề suy suyển gì. Lành lội nước vào bờ, trông đôi mắt cô thâm quầng, ông Thà bảo:

- Tao tính mày về ngủ một giấc đi.

- Vâng - Lành cười rồi cô chào ông, trở xuống nhặt cá vào trong đôi chiếc sọt đang chờ sẵn ven sông, thong thả cất gót về nhà.

Đá trứng ngỗng dằn dưới lòng bàn chân trần đôi lúc làm cô giãy nảy lên như phải bỏng, bước đi cũng có phần nào lúng túng. Nắng bắt đầu buông, từng tia lấm tấm bụi vàng lơ lửng như một dải lụa óng ả loang toả giữa dòng.

*

Hôm nay là ngày họp chợ nhưng từ chiều hôm qua, một số thuyền buôn đã cập bến để kịp chuẩn bị sắp xếp hàng hoá. Gà gáy vang khi trời đất chưa tỏ mặt người, tiếng gáy dội vào những vách đá rồi lan vọng khắp khu phố, hương khói ở những ngôi đền cũng bắt đầu thơm toả dưới cái lạy xì xụp của các bà từ xuôi lên cầu phúc, cầu con. Vạn vật tỉnh dậy sớm hơn lệ thường.

Trên cao nhìn xuống, phố và sông giống như vịnh Hạ Long thu nhỏ, thuyền lườn từ vùng cao xuôi về, thuyền lớn từ miền xuôi ngược lên, bè nứa từ Ngòi Hoa sang ngang qua lại như đưa thoi dần tụ lại tại bến Cây Đa, rốt cùng chật như nêm cối không thể nhúc nhích. Cùng với đó, tiếng anh mua tôi bán, tiếng người ta hỏi thăm sức khoẻ, hỏi thăm gia đình hoà lẫn vào nhau xôm rộn một vùng. Lành ngồi bên đôi sọt cá, tay vừa thoăn thoắt bán hàng, nhận tiền từ khách, mắt lại cố gắng tìm kiếm một bóng hình đã quen thuộc bấy lâu nay.

Tùng - vốn làm phóng viên cho một toà soạn ở Thủ đô, đến Hoà Bình vì sự kiện xây đập thuỷ điện - xếp bằng trên chiếc bè nứa mượn được của một con buôn, cổ đeo máy ảnh, vai khoác cái cặp da đã bong tróc, thận trọng chống sào lách qua đám đông. Trông thấy cô, anh nhoẻn miệng nở một nụ cười:

- Được ngày vẻ bán khá hơn mọi khi ấy nhỉ?

Lành liếc nhìn Tùng, quở:

- Từ khi nào mà cậu học được cái thói trống không thế?

- Tôi thích thế - Tùng thản nhiên nói.

Rồi vắt chiếc túi xách sang một bên cho gọn, nhấc hai sọt tre lên, anh nói:

- Để tôi giúp cô.

Ông Thà bây giờ cũng đang dọn hàng, nhìn đôi trẻ, thủng thẳng nói:

- Làm gì thì làm, cứ dẫn bạn về gặp bố mày trước.

Lành ngạc nhiên, rồi hiểu ý ông, ngại ngùng lắc đầu:

- Bác cứ đùa cháu.

- Đấy là tao dặn trước, mày nhìn gương con gái bà Chèn đấy.

Lành gai người, đờ đẫn nhớ tới người bạn gái nọ, cô bất giác nhìn lên cây gạo cổ thụ, nơi ấy đã táng hồn biết bao thiếu nữ?

Trời gần về trưa, đám con buôn sắp xếp bếp lửa trên bãi cát để nấu nướng, chợ vãn dần, chỉ còn tiếng sóng xô đá ngoài xa.

2

Chầm chậm dạo ven sông, Tùng khẽ rùng mình, bất giác kéo cao cổ áo khoác. Giống như một giấc mộng an bình khiến người ta trở nên biếng nhác, giờ anh sống một cuộc sống không viết lách gì, không suy nghĩ gì quá phức tạp. Thay vào đó, anh theo ông Cầu - bố của Lành đi đâm cá, và theo các thuyền buôn ngược các chuyến về Sơn La hoặc sang sát biên giới phía Bắc. Tùng nhặt một viên sỏi đen như bồ hóng liệng mạnh vào khoảng không.

Ngược về phía anh, Ông Cầu lững thững trở về với một giỏ tôm sông, ống quần xắn cao để lộ đôi bắp chân chi chít các vết sẹo lồi lõm di chứng từ mấy cuộc chiến vệ quốc. Tùng cất lời chào ông.

- Cậu ra sông sớm thế? – Ông Cầu gật đầu nói.

- Vâng, cháu không ngủ được. Để cháu cầm cần câu giúp bác – Tùng thưa và đỡ lấy đồ đạc của ông.

Hai người, một già một trẻ thong dong trở về. Sương mù sớm mai tháng chín giăng dày, đặc quánh, tới cả ánh nắng cũng không len qua nổi càng khoá kín hơi ẩm băng giá. Ông Cầu chợt hỏi:

- Cậu lên đây bao lâu rồi nhỉ?

- Thưa bác, cũng được ba tháng rồi ạ.

- Ừ nhanh gớm, nhanh thật – Ông Cầu gật gù.

Rồi hai bên lại im lặng, nước vỗ ì oạp vào mạn sông. Dưới kia, thuyền bè bắt đầu qua lại như thoi đưa. Xa xa đã í ới có tiếng gọi đò. Về tới nhà, ông Cầu đón lấy cần câu từ tay của Tùng, gác lên vách, để giỏ tôm lên chiếc ghế đẩu ngoài sân, ông gọi với vào trong:

- Này Lành, mày mang hai con cá tao úp trong chậu kia sang cho lão Thụ nhé. Còn rượu bố mới mua thì ở trong chạn ấy, nhớ đem theo không lão ấy lại kêu ca.

Lành đương dở tay bên chậu quần áo, cô đứng dậy “vâng” một tiếng và chạy vào trong bếp. Phiên phiến xâu lạt buộc hai con cá, xách chai rượu ngô, cô thong thả đi ra ngoài. Tùng ngạc nhiên hỏi ông Cầu:

- Ông Thụ là ai thế bác?

- À, một người bạn cũ, một lão già gàn – Bố Lành bật cười, vê thuốc lào, đánh một hơi giòn tan.

Trông thấy Lành tay xách nách mang, Tùng mở lời:

- Hay để tôi đi phụ cô nhé?

Quả thực đồ đạc có cách rách, Lành đưa mắt nhìn bố của mình hỏi ý. Ông Cầu được hơi thuốc lào, lim dim mắt, thủng thẳng nói:

- Nhớ về cho sớm. Không hàng xóm người ta kêu ca.

Bấy giờ, lão Thụ đã già lắm rồi, lão sống lủi thủi trong một căn lều lúp xúp bên sông và qua ngày nhờ vào mớ tôm mớ cá mà ông Cầu đem cho. Từ nhà Lành, đi qua bãi Cánh Chim - nơi có bãi sỏi muôn sắc xếp lớp trên cát trắng trải dài - chừng hai mươi phút là tới lều của lão Thụ. Trên đường đi, Tùng tranh thủ nhặt thêm vài viên sỏi đỏ hồng bỏ vào túi xách, bảo với Lành:

- Để chặn giấy vừa tiện lại đẹp.

- Chỉ tổ rác nhà!

- Ô hay, rác nhà tôi chứ đâu có rác nhà chị.

Lành biết mình lỡ lời, mặt ửng hồng cả lên, vội vàng rảo chân đi trước. Tùng cười vang, đuổi theo phía sau, miệng vẫn gọi lớn:

- Này cô gì ơi, hay cô về ở với tớ cho vui cửa nhà.

Lành quay ngoắt lại, gắt giọng không hài lòng:

- Tôi lạy anh, anh nói nhỏ giùm, người ta nghe thấy thì cái thân tôi chẳng ra gì đâu! Thôi đến nơi rồi, không nói nữa.

Tùng tủm tỉm, yên lặng nghe lời cô. Trước mắt anh hiện ra một túp lều nhỏ lụp xụp mà hai bên vách đều đã bị mọt ăn hỏng, chỉ e một cơn bão thì sẽ tung vỡ tan tành. Nước vỗ mạnh làm trành chiếc thuyền neo cạnh đó. Bên trong, lão Thụ đương ngồi uống rượu, khề khà với một đĩa ớt xanh muối. Nước sông tanh toả, ánh nắng rọi qua mái gianh thủng lỗ chỗ soi vào “mâm thức nhắm” của lão. Nom lão nhỏ thó, mặt choắt nhăn nheo, mũi lấm tấm sẹo thuỷ đậu, Tùng ái ngại nhìn Lành, chỉ thấy cô lắc đầu ra hiệu hãy an tâm.

- Ông Thụ ơi, bố cháu bảo cháu đem sang đây ít thức ăn.

Lão Thụ vẫn rung đùi hát gì đó ra chiều đắc chí lắm. Lành hắng giọng, lại gọi lớn hơn:

- Ông Thụ ơi, bố cháu bảo cháu đem cho ông ít thức ăn!

Ông cụ vẫn không thưa. Bỗng Tùng bước lên một bước, cất tiếng lớn tới mức khiến Lành và lão giật thót:

- Cho hỏi ông Thụ có nhà không ạ?

- Đứa nào đấy? – Lão Thụ hấp háy mắt nhìn ra, lè nhè – Không thấy ông ngồi to như bãi… ấy ở đây à?

Rồi lão lại quay lại như không có ai ở đó, ngước mắt nhìn sông, rung đùi nghê nga:

Có con thuồng luồng con ở trong hang Hổ

Mẹ nó đi vắng, bố nó đi vắng.

Nằm buồn nó lên bờ chơi.

Tùng đưa mắt nhìn Lành đầy ái ngại. Nhưng chỉ thấy cô vừa đặt đôi cá lên chõng cho lão vừa cười nói vui vẻ hỏi tiếp:

- Nó lên bờ chơi rồi thì sao nữa hả ông?

Lão Thụ bỗng dừng bặt tiếng hát, ngoắt lại nhìn Lành, cúi đầu xuống như một đứa trẻ đánh đổ bát đĩa trong nhà đương hối lỗi trước mắt người lớn, lẩm bẩm:

- Nó bị chặt đầu mất rồi, bị chặt đầu. Bố mẹ nó về không thấy con đâu bèn dâng nước, nước cuốn vào làng. Người không kịp trở tay, chết trôi cả. Lũ cuốn trôi làng, cuốn trôi làng…

Tùng biến sắc mặt. Lành chợt nhớ lại cái ngày bố mình cứu được lão Thụ khi đang víu váo lấy khúc gỗ khô gần các xoáy nước hang Hùm. Khi đó lão mới ngoại bốn mươi, nhưng không rõ va đập vào đâu mà trí não mất đi linh hoạt, đôi khi còn dở điên dở dại lang thang khắp nơi. Lão Thụ lại quay đầu nhìn sông, nhón quả ớt xanh chua cay bỏ vào miệng nhai nhóp nhép, tiếp tục nghê nga:

Con thuồng luồng dâng nước,

Con thuồng luồng chột mắt cụt đuôi

Con thuồng luồng hoá thân làm người.

3

- Hang Hổ rốt cục là nơi thế nào?

- Hễ rơi vào đó là tan xác.

Đôi nam nữ ngồi trên bờ cát, cát trắng tinh và sạch sẽ, dù có ngồi xuống cũng không làm lấm lem áo quần. Trăng sáng vằng vặc rạng tỏ mặt sông lấp lánh, gió cuốn qua các bụi lau nghe xào xạc yên bình. Nơi xa, ngọn núi đá có đề bài thơ thuở Lê Thái Tổ dẹp loạn Đèo Cát Hãn rạch thẳng lên nền trời như một vết sẹo lâu năm.

- Gia đình cô định chuyển đi đâu? – Tùng hỏi.

Chỉ còn một năm nữa là chuyển lòng hồ, các hộ dân đã bắt đầu tìm chỗ trú chân để còn kịp thời rời khỏi phố trước khi nước dâng ngập. Lành ôm gối, thở dài:

- Bố tôi bảo sẽ lên Đà Bắc, trên đấy đất rộng.

Tùng gật đầu rồi anh cũng thở dài theo cô, nói:

- Tôi viết xong bài, chắc cũng sắp phải về. Ở dưới toà soạn đánh tin lên, rằng thiếu người quá…

Lành nhoẻn miệng cười:

- Thành phố hợp với anh hơn.

Dưới trăng, nụ cười của cô chênh chao đẹp lạ khiến cho trái tim Tùng run lên, lỡ nhịp. Anh bất giác xích lại gần cô, chần chừ mãi mới lên tiếng:

- Cô về cùng tôi chứ?

Lành ngước mắt, chưa bao giờ hơi thở của họ gần nhau đến thế. Cô giật thót, vội vàng đứng dậy, song cát lún làm cô mất thăng bằng ngã về phía sau. Theo phản xạ, Tùng nhổm lên níu đỡ lấy Lành. Hiềm sức nặng của cô lại kéo tuột cả hai xuống vùng nước nông.

Ban đêm, sông Đà lạnh buốt, duy hơi ấm con người là nóng bỏng. Trăng rải từ đỉnh núi, chênh chao lướt ngang, trăng lụa óng ánh, mềm mại, dịu nhẹ phủ kín đôi trẻ cuộn mình trên nền cát.

Đêm tối khôn cùng.

4

Nước của tháng mười trong xanh lạ kỳ, chỉ cần khẽ liếc mắt thôi cũng đã thấy từng đàn cá dạn dĩ thong thả ngược xuôi. Ngồi trên thuyền, Tùng cúi đầu nom nước văn vắt thấu đáy lừ lừ bóng lưng cá lớn sống lâu năm. Anh vươn tay xuyên qua mặt sông, nước ấm và mịn, mềm mỏng tựa tơ lụa cuộn vào cổ tay, thấm vào da thịt. Lành khoả chèo. Còn cách miệng Hổ một quãng khá xa, Lành bẻ hướng thuyền, lách sang luồng sinh. Bên kia, hoa trái Luồng Rừng kết rợp quyến rũ hòng đưa kẻ xấu số tới với mình. Lành trỏ tay vào nơi có các mỏm đá sắc nhọn nhấp nhô với nước cuộn xoáy gầm vang như hùm beo cùng với hút nước sâu hoắm đương ngoác miệng chờ con mồi:

- Chỗ xoáy kia là hang Hổ, không biết nó dẫn tới đâu.

Tùng nheo mắt, quả thực không ai có thể tìm thấy đáy của nó sao? Nơi đó có gì? Hang thuồng luồng như lời lão Thụ gàn hát, hay chỉ chất đống các mảnh vụn thuyền bè? Anh bảo:

- Chúng ta vào bờ thôi.

Lành kinh ngạc nhìn anh, chân mày khẽ nhíu lại nghi vấn. Tùng bật cười trấn an:

- Nguy hiểm lắm.

Lành gật đầu.

Thuyền gần cập vào bờ, bỗng đâu vang lên tiếng kêu cứu. Bên kia nơi Luồng Rừng, chỗ cành cây trĩu quả nhô ra có đứa bé con tuổi độ mười hai đang cố gắng bám trụ. Nước đập mạnh vào cơ thể nhỏ bé, quật qua quật lại như rong rêu đáy suối. Nó khóc váng. Cành cây sắp gãy. Lành sợ hãi mở trừng mắt, tim đập thình thịch. Cô bảo:

- Anh xuống đi, nhanh lên để em sang cứu nó, không là không kịp nữa.

Tùng chưa rời khỏi đó ngay, anh ngắm kỹ gương mặt của cô, khoé môi vẽ một nụ cười, nụ cười ấy nhanh chóng đổi sang thê lương, rồi anh giữ lấy mái chèo. Lành cả kinh, hiểu rõ Tùng định làm gì, cô toan bước lại lên thuyền để kéo anh xuống. Hiềm nỗi, Tùng nhanh chóng khoả nước, doi thuyền ra xa. Anh vốn rành thế nước, thuyền lại hăm hở bước vào chiến địa quen thuộc, băng băng lao về phía trước.

Lành nhảy lên, thét gọi anh trở lại, cô kinh hoàng lần theo bờ sông, thu hết hình ảnh của anh vào tầm mắt. Tùng thôi không nhìn Lành nữa, ngập tràn trong khối óc anh lúc này chỉ còn đứa bé đương chênh vênh bên miệng tử thần. Cây ở Luồng Rừng dẻo dai, nhất là khi gặp mưa bão, sự dẻo dai ấy lại càng được khuếch trương lên gấp bội. Ban đầu chúng chỉ là một nắm hạt cây trôi giạt, gặp thời thì bám vào được vách đá nơi đây, trải gió cuốn bụi sa, đất cát bồi đắp, chúng được phen nảy mầm, để rồi dù có tương kiến phong ba cũng vẫn vươn dậy mà ngạo nghễ.

Tùng gắng gượng giữ thăng bằng. Sóng nhào ra khỏi nơi trú ẩn, gằn giọng cười và táp rát da thịt anh từng đợt từng đợt. Cây cối ranh mãnh thúc giục đám ma nước ghẹo người khách lạ bằng cách thả trôi một đầu người chết sũng nước còn nhơm nhớp dớt dãi và máu đọng đen bầm. Đứa bé tái mặt, khóc ngằn ngặt. Tùng giật mình đánh thót, hơi thở nghẹn lại, anh nhắm chặt mắt để không trông thấy vật không sạch sẽ kia nữa.

- Nào, đưa tay cho chú!

Thằng bé sụt sịt, run rẩy vươn cánh tay gầy guộc ra. Tùng lập tức nắm chặt lấy nó. Thuyền chòng chành…

Hút nước, con thuyền đã bị hút nước trông thấy! Nó kéo bầy đàn sóng lớn ra và bắt đầu sách nhiễu với kẻ lạ mặt. Tùng cả kinh khi thuyền mất phương hướng, vội vàng kéo thằng bé con vào lòng. Tựa như một miếng bột mỳ mới cán phủ trên bàn tay thợ bánh và bị lão biểu diễn với vẻ đắc thắng, thuyền cứ xoay tròn mãi, giống con quay, giống đèn cù, giống những cơn lốc xoáy vô hồi vô tận không một lối thoát.

Trời đất quay cuồng chao đảo, trời đất tối sầm như thế nước, và rồi mưa. Tạo hoá bất công, mưa lại thường xuất hiện vào những lúc mà cả người và trời đều điên cuồng như vậy, mưa càng khiến cho đám binh lính nước nọ thêm phần hả hê khi sức mạnh tăng lên gấp bội. Chúng gầm lên phô trương thanh thế, hoá thành bọn quỷ mặt xanh nanh vàng, giơ trăm cánh tay khổng lồ như xúc tu níu lấy con thuyền lạ, cười the thé một tiếng, cuối cùng kéo tuột nó vào miệng Hổ.

Chân Lành mềm nhũn, cô vươn tay ra song chỉ tìm thấy khoảng không lạnh lẽo sụt sùi tiếng mưa thác đổ. Lệ không sao chảy ra được, cứ đọng mãi nơi khoé mi. Nước gào lên dữ dội, vừa gằn rít vừa như than dài, thuyền vỡ tung và các mảnh ván bắn tung lên trời, để rồi các vụn rời ấy thiết lập một vũ khúc trong không trung và nhào ập xuống.

Hồi kết.

Lành phủ phục, đá dăm găm vào đầu gối và lòng bàn tay. Răng của Lành cắn ngập vào môi, máu ngòn ngọt lợm tanh trong cổ họng.

5

Cuối năm, lão Thụ chết đuối, không tìm thấy xác, chỉ thấy cái ống điếu của lão trôi giữa sông. Cũng trong thời gian ấy, tiếng mìn nổ phá đá xây đập thuỷ điện làm rung chuyển cả vùng, dân họp lại thành các nhóm nhỏ, giúp nhau khuân dỡ tài sản, lần lượt chuyển tới nơi ở mới. Kẻ lên Đà Bắc, người xuôi về quê, kẻ lên Phú Thọ, người rẽ đường sang Sơn La kiếm kế sinh nhai. Thảy như những đoàn hành hương đi tìm đất thánh. Hoà lẫn trong dòng người như nước và các chuyến xe do những nhà có của ăn của để thuê chở đồ đạc, Lành ngần ngừ nhìn sông lần cuối…

- Đi thôi - Ông Cầu vỗ nhẹ vào cánh tay con, nhắc nhở.

Lành khẽ vâng một tiếng, rồi khoác chiếc bao dứa lên vai, xách đôi hòm đồ chất lên chiếc xe thồ hàng, cùng với cha mình di tản với đoàn người trên Thượng, dưới Hạ. Bọn họ không ngoảnh lại nhìn lấy một lần, bên kia sông, ẩn nơi lần nước trong loáng thoáng nóc đền Chúa Sơn Lâm. Đền Chín Cô tọa ở vị trí cao hơn, nước cũng đã ăn tới chân thềm. 

Truyện ngắn của Phạm Thị Thúy Quỳnh
.
.