Lòng dạ láng giềng

Thứ Bảy, 19/01/2019, 08:04
Dọn về nhà mới được hơn hai tháng, vợ tôi chàng màng phát hiện có cái gì đó không ổn ở Nguyệt. Vì cửa hai nhà đối diện với nhau, mùa hè luôn mở cửa cho thoáng gió, nên dường như mọi sinh hoạt trong nhà Nguyệt cứ đập vào mắt vợ chồng tôi...

Tích cóp hàng chục năm trời, cộng với khoản vay mượn của bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng tôi mới đủ tiền mua một căn hộ trên tầng ba một chung cư cũ của Hà Nội.

Căn hộ hai phòng, tổng diện tích trên ba chục mét vuông tính cả khu phụ. Từ cảnh đi ở nhờ, ở trọ nhiều năm, nay có nhà riêng, toàn quyền sử dụng nên cả nhà vui lắm, hết lau dọn lại bày biện bàn ghế, lọ hoa, kệ sách, treo tranh… cứ y như chuẩn bị đón tết không bằng.

Anh chủ nhà cũ cỡ tuổi trung niên, vui tính. Hôm đầu tôi đến xem nhà, anh đón tiếp tôi tựa một ân nhân. Anh bảo: "Hành lang này chỉ có ba hộ gia đình, hai mẹ con chị Nguyệt hiền lành, mau mồm mau miệng ở căn hộ đối diện; còn hộ anh kỹ sư lâm nghiệp, đóng cửa im ỉm cả tháng vì bận đi công tác các tỉnh.

Nói chung, láng giềng dễ chịu, dân trí cao". Tôi trả giá, bớt gần hai trăm triệu nhưng anh ta vẫn đồng ý tắp lự. Việc mua bán diễn ra chóng vánh chỉ trong vòng một ngày. Khâu sang tên đổi chủ cũng chỉ hơn nửa tháng sau là hoàn tất.

Hôm dọn về nhà mới, hai vợ chồng tôi đang tính toán kê dọn đồ đạc, bỗng một phụ nữ trắng trẻo, đẫy đà đẩy cửa vào nhà. Chị ta lịch sự bắt tay vợ chồng tôi, miệng mau mắn: "Chào láng giềng mới! Anh chị về đây ở cùng em cho vui, hành lang có mình nhà em, buồn chết đi được! Em tên Nguyệt, "đầu ba đít chơi vơi". Chắc em ít tuổi hơn chị nhà".

Vợ chồng tôi kéo ghế mời chị hàng xóm ngồi, rót nước mời Nguyệt, vui vẻ tiếp chuyện xã giao, trong lòng cũng vui vì cô hàng xóm vui tính, nhanh mồm nhanh miệng. Lát sau, Nguyệt đứng dậy, giọng nghiêm trang: "Thôi thì bán anh em xa, mua láng giềng gần, tình cảm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng dù sao em cũng phải nói rõ nguyên tắc sinh hoạt của hành lang này để anh chị biết: Không được sống ích kỷ, không được nói năng linnh tinh, nhất là không được xía vào chuyện riêng tư của nhà người khác. Lúc khó khăn phải nhiệt tình giúp đỡ nhau. Anh chị nhất trí chưa? Thôi, em về, lúc khác gặp lại anh chị sau".

Cô hàng xóm Nguyệt làm kế toán tại một công ty trong thành phố; ông chồng là kỹ sư dầu khí, công tác mãi trong Vũng Tàu. Nguyệt đang ở cùng cô con gái học lớp ba. Nguyệt tâm sự với vợ tôi rằng, vợ chồng cô ta sống ly thân đã mấy năm nay.

Dọn về nhà mới được hơn hai tháng, vợ tôi chàng màng phát hiện có cái gì đó không ổn ở Nguyệt. Vì cửa hai nhà đối diện với nhau, mùa hè luôn mở cửa cho thoáng gió, nên dường như mọi sinh hoạt trong nhà Nguyệt cứ đập vào mắt vợ chồng tôi. Hễ cứ về đến nhà là Nguyệt vận quần áo mỏng tang, hở nách, trễ cổ, đi đi lại lại trong nhà y như đang biểu diễn thời trang.

Tôi ý tứ kê bộ bàn ghế tiếp khách xa cửa, khuất tầm nhìn, nhưng có phải lúc nào mình cũng giữ ý giữ tứ được đâu. Một chiều, vợ tôi đi vắng, tôi đang tắm, bỗng Nguyệt xông vào sát cửa buồng tắm, oang oang: "Anh Tuân ơi! Đi đâu về mà tắm táp ghê thế?... Có cần người kỳ lưng giúp không, để em bố trí?". Tôi giật mình, ngỡ ngàng, Nguyệt tiếp: "Đùa anh tí thôi. Tắm xong, anh sang nhà em nhờ chút việc nhé!".

Nghĩ là có việc quan trọng, tắm xong, tôi mặc quần áo chỉnh tề, ngó đầu vào phòng nhà Nguyệt, đánh tiếng: "Cô Nguyệt có nhà không?... Có việc gì nhờ tôi vậy?". Nguyệt từ buồng trong đi ra, trên người chỉ mặc độc chiếc quần short và chiếc áo trong, vội kéo tôi vào nhà rồi nhanh tay đóng cửa: "Em đau lưng quá, anh giúp em nhổ bão ở đốt sống lưng nhé?!".

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Tôi vùng ra, hoảng hốt: "Không không!... Tôi không biết làm, việc ấy tôi chịu, không làm được đâu!...". Nguyệt kéo tay tôi, giằng lại: "Anh Tuân, hàng xóm láng giềng gì khó khăn thế, nhờ nhau chút mà cũng..."… Tôi đẩy cửa, lao nhanh về nhà, đóng chặt cửa, trong lòng hoang mang kỳ lạ…

Mấy hôm sau, vợ tôi bảo: "Này, anh cẩn thận đấy, đừng có mà xí xớn với cô Nguyệt, rồi ầm ĩ lên, xấu mặt cả nhà đấy!". Thì ra là mấy lần gặp vợ tôi, Nguyệt cứ hết lời khen tôi rằng "Anh Tuân chồng chị phong độ vui tính quá, chị thật diễm phúc. Anh Tuân ga lăng nhưng rất chung thủy với vợ con, chị là chị sướng nhất quả đất đấy".

Một buổi trưa, tôi để quên tập tài liệu, phải đảo về nhà lấy. Vừa mở cửa, Nguyệt bỗng xuất hiện sau lưng tôi. "Anh Tuân, sang nhà em uống nước, em bảo này…". Tôi nói đang vội, nhưng Nguyệt cứ ôm lấy ngang người tôi, kéo vào nhà cô ta. Nguyệt ôm chặt lấy tôi, thút thít: "Sao anh vô tâm thế… chẳng giúp gì em cả… Hàng xóm láng giềng với nhau đâu phải ai xa lạ…".

Tôi vùng mạnh, chạy bán sống bán chết xuống thang gác. Từ đó, tôi cố tránh những tình huống phải ở nhà một mình, cố tránh phải chạm mặt Nguyệt ở hành lang. Có lẽ vì thái độ cứng rắn của tôi nên Nguyệt bắt đầu chiêu trò chọc ngoáy, trêu ngươi gia đình tôi. Cứ chiều chiều, cô ta mang bếp than tổ ong đặt ngay cửa ra vào, chĩa thẳng vào cửa phòng nhà tôi, cho quạt máy con cóc thổi vù vù làm khói xộc khắp nhà tôi như hun chuột.

Con gái tôi ho sù sụ, nước mắt giàn giụa vì khói. Vợ tôi góp ý, Nguyệt cười khẩy: "Nhà em nghèo chị ạ, không đủ tiền đun bếp ga, em phải tiết kiệm dành tiền cho con học hành". Nói mãi cũng vậy, vợ tôi chỉ còn cách đóng chặt cửa để ngăn khói độc bay vào nhà.

Một chiều chủ nhật, bên nhà Nguyệt hình như tổ chức sinh nhật cho bé Hiền. Sinh nhật con bé, nhưng khách đến dự toàn những ông trung niên, cứng tuổi, đi đứng rầm rầm, cười nói oang oang. Vợ tôi biết ý, cửa đóng then cài, cốt để cho nhà Nguyệt tự nhiên ăn uống, chuyện trò. Nhưng dù cửa đóng kín, tiếng cười nói vẫn văng vẳng sang nhà tôi.

Khoảng mười một giờ đêm, đám khách bên nhà Nguyệt lục tục kéo nhau ra về. Tôi nghe tiếng ồn ào ngoài hành lang, bèn thò cổ ra xem. Một ông, rồi hai ông khách… liêu xiêu, đổ gục xuống nền gạch hành lang, nôn thốc tháo. Mùi chua của thức ăn trộn lẫn men rượu xộc lên phát lợm giọng. Sáng hôm sau, mẹ con nhà Nguyệt ra khỏi nhà rất sớm, để nguyên xi bãi nôn xú uế nơi hành lang. Vợ tôi lại lụi hụi lấy chổi, nước quét dọn sạch hàng lang dù phải đi làm muộn ít phút. Vừa dọn, vợ tôi vừa càu nhàu: "Trần đời có lẽ chỉ có duy nhất mụ láng giềng quái ác này… Thế mà lão chủ nhà cũ cứ xoen xoét là "ở đây dân trí cao, sống dễ chịu, láng giềng tốt"… rõ thật là…"…

Mấy ngày sau, vợ tôi bảo Nguyệt: "Hôm khách của nhà cô nhậu nhẹt khuya, ầm ĩ cả lên, làm cái Hoa nhà tôi học không thuộc bài, hôm sau bị điểm kém đấy!".

Nguyệt cong môi, đai giọng: "Con chị học kém, điểm thấp, sao chị lại đổ lỗi cho em? Láng giềng sống với nhau phải phiên phiến chứ, chị cứ máy móc, thánh soi thì không ở với ai được đâu!". Rồi Nguyệt bảo: "À, này, tiện thể, em nói với chị luôn, nhà em diện tích hẹp quá, mai kia em sắm cái tủ giày, em để ngoài hành lang cho thoáng… Em chính thức nói với chị rồi nhé!".

Vợ tôi chưa kịp phản ứng gì, chiều hôm sau, Nguyệt rước cái tủ giày cao, dài kê chềnh ềnh ngay cửa ra vào, chiếu thẳng vào cửa nhà tôi. Tôi góp ý: "Cô Nguyệt, cô bày tủ ra đây, vừa chật hành lang chung, vừa mất mỹ quan tập thể quá!". Nguyệt cười bí ẩn: "Láng giềng mà anh, vì nhau một tí. Anh là đàn ông đàn ang, để ý mấy chuyện vặt vãnh của đàn bà làm gì cho mệt!".

Vài hôm sau, Nguyệt lại tha cái kệ ba tầng bằng sắt về, kê liền với cái tủ giày, xếp từng lớp than tổ ong như bày hàng, khiến cái hành lang luộm thuộm, bẩn thỉu vì than vụn rơi vãi đầy xung quanh. Vợ tôi bảo: "Anh ơi, cứ cái đà này không khéo con mụ hàng xóm tha cả chuồng gà, chuồng vịt bày quanh hàng lang cũng nên?!"…

Vợ tôi nói quả không sai. Một tối, hai vợ chồng tôi đang ngồi coi tivi, bỗng có tiếng chó sủa ăng ẳng ngoài hành lang. Ra là Nguyệt lôi ở đâu về cái cũi nhốt hai con chó cún, kê một hàng với tủ giày và kệ than. Tôi bảo Nguyệt: "Nhà chung cư mà cô nuôi chó thì bẩn chết đi được… Mà cô để chó ngoài hành lang, trộm nó xách mất thì toi". Nguyệt lại liếc mắt nhìn tôi, cười bí ẩn: "Ấy, anh yên tâm, em đã đóng chốt chôn vào tường và khóa vào cũi rồi. Đến bố trộm cũng phải bó tay!... Dào, mà nếu mất, em lại tậu cặp cún khác, đáng là bao!".

Từ hôm ấy, hễ cứ về đến hành lang là gia đình tôi lại bị tra tấn bởi mùi hôi của chó cộng với chất thải của chúng, rồi mùi than và khói của bếp than tổ ong, pha trộn với mùi thức ăn chiên rán từ bếp nhà Nguyệt bay ra… hòa quyện thành một thứ ô nhiễm không khí ô hợp, hôi hám và buồn nôn. Dĩ nhiên là từ đó, cửa nhà tôi luôn phải đóng im ỉm dù cho thời tiết nóng bức, ngột ngạt đến mức nào. Đóng cửa chống được ô nhiễm không khí thì nhà tôi lại bị ô nhiễm tiếng ồn.

Đêm đến, hai con chó chắc bị chủ bỏ đói, thi nhau eo ẻo như chó sủa ma. Có đêm, chó sủa liên tục làm cả nhà tôi không sao chợp mắt được. Vợ tôi bảo: "Không lẽ mình chịu thua cái con mụ hàng xóm vô liêm sỉ ấy à? Anh không trị được nó, để em!". Tôi can vợ: "Ấy ấy, em đừng có nóng mà manh động, giận dữ quá là mất khôn đấy! Để anh và cả em nữa, cùng gọi cô ấy ra, ba mặt một lời yêu cầu dọn sạch hành lang. Mình nói chuyện đàng hoàng, xem cô ta nói gì nào".

Tối hôm đó, sau bữa cơm, vợ chồng tôi gõ cửa nhà Nguyệt, mời cô ta ra hành lang, chỉ vào "khu vực lấn chiếm diện tích chung", yêu cầu Nguyệt phải kê dọn tất cả tủ, cũi, kệ vào trong nhà, trả lại diện tích hành lang, đảm bảo vệ sinh chung cho các hộ. Nguyệt không những không tiếp thu, còn to tiếng bật lại: "Tôi kê đồ trong diện tích chung, xâm phạm gì đến nhà riêng của chị, chị đừng có lắm điều!".

Vợ tôi cố kìm nén, ôn tồn phân giải: "Cô bày những đồ này ra hành lang, làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung, nhà tôi phải hứng chịu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt"… Nguyệt gân cổ, dài giọng: "Thì chị cũng bày ra như em đi!... Ai cấm chị đâu?! Em cũng xin hứng hết ô nhiễm, được không nào…". Biết có nói thêm nữa cũng không lại với người cố cãi cùn, tôi dịu giọng ôn hòa: "Thôi, hàng xóm láng giềng với nhau, cô cũng phải tôn trọng ý kiến những người xung quanh, tôn trọng ý kiến góp ý của vợ chồng tôi chứ…".

Nguyệt cười khẩy, lại nụ cười đầy bí ẩn: "Láng giềng là cái giếng làng/ Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân! Biết điều thì đây cũng biết điều lại, ích kỷ thì đây cũng chẳng kém cạnh!". Dứt lời, Nguyệt quay ngoắt vào nhà, sập cửa đánh "uỳnh", bỏ mặc vợ chồng tôi ngoài hành lang bên cái cũi chó hôi rình. Hai con cún trong cũi giương mắt nhìn vợ chồng tôi, miệng ư ử như muốn đòi ăn…

Từ hôm vợ chồng tôi công khai góp ý kiến với Nguyệt, dường như Nguyệt trở chứng hơn, hay ngâm nga thơ ca hò vè, mà lại kiểu ngâm đổng, chửi xéo, cố tình cho vợ chồng tôi nghe thấy. Nội dung mấy câu ca dao, thơ con cóc Nguyệt ngâm chẳng ra đâu vào đâu hết. Có hôm, vợ chồng tôi từ quê lên, đang lạch cạch tìm chìa khóa mở cửa, bỗng Nguyệt mở toang cửa, chõ sang nhà tôi, ngâm nga: "Thóc bồ thương kẻ ăn đong/ Có chồng thương kẻ nằm không một mình!".

Lại một hôm, vợ chồng tôi đi đâu về, cũng đang mở cửa thì nghe Nguyệt véo von: "Cho em một chút tình thương/ Em đây sẽ dọn, xin nhường hành lang…".

Tối hôm đó, tôi bảo vợ: "Những người sống cô độc, tâm sinh lý không cân bằng, tính khí thường quái ác… Có khi còn hâm hâm nữa! Thơ với chẳng phú!". Vợ tôi bỗng dưng nhẩy lên: "Anh định sang nhà con mụ hàng xóm để "cân bằng" cho mụ ấy đỡ khó tính ý hả?". Rồi vợ tôi lên giọng răn đe: "Anh mà léng phéng với nó là tôi cắt tiết, ra tòa ly dị ngay tức khắc!".

Tôi phân trần: "Em nhặt đâu ra cái suy nghĩ ngông cuồng và rồ dại ấy thế? Cái loại chợ búa ấy, có cho không, anh cũng xin vái cả nón!". Vợ tôi lại lẩm bẩm: "Thảo nào, hôm gọi nó ra hành lang, nó chỉ đấu khẩu với chị, chứ có động lời nào đến anh đâu! Tôi là nhạy cảm cái chuyện đó lắm…! Đàn ông các anh, thấy gái trẻ mắt cứ sáng rực lên, anh cũng loại đàn ông thế cả thôi!...". "Hay mình tính bán lại căn hộ này, tìm chỗ khác mua ở cho thanh thản?..." - Tôi bàn với vợ.

Vợ tôi bảo: "Cũng là một hướng, nhưng bán cũng đâu dễ, nhà chung cư mới bây giờ rao bán đầy trên mạng, giá cũng chỉ nhỉnh hơn căn cũ này ít thôi". Bàn đi tính lại, vợ chồng tôi thống nhất tìm anh chủ nhà cũ, nhờ anh tìm người mua, bán giúp để đi tìm mua nhà nơi khác. Tôi được vợ giao nhiệm vụ tìm gặp anh chủ nhà vì cùng đàn ông với nhau, dễ nói chuyện hơn. Lần mò mãi tôi mới tìm được nhà anh chủ. Anh hiện ở trong một căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, ven nội với cảnh sống độc thân, cô quạnh. Thấy tôi đến, anh hỏi luôn:      

- Sao, vợ chồng lục đục, hả?

- Sao anh hỏi em vậy?

Anh chủ nhà cười, nhưng ánh mắt buồn rười rượi:

- Cô Nguyệt quấy rầy nhà cậu chứ gì?

- Ối, sao anh biết hết vậy?

Anh chủ nhà mắt nhìn xa xăm, chậm rãi nói với giọng rầu rầu:

- Tôi cũng cố tránh xa cái bẫy ấy, nhưng… cũng chỉ được lúc đầu…

- Cô ấy "trói" anh rồi à…?

Anh hạ giọng:

-…Vợ tôi bỏ tôi cũng vì chuyện ấy… Giờ, tôi mất trắng cả vợ cả con rồi…

Tôi im lặng. Anh tiếp:

- Mà cũng chỉ vì tôi không bản lĩnh, không kiên quyết cưỡng lại cám dỗ… Trót nhúng chàm, rồi trượt dần, rồi bung bét, gia đình tan nát hết…

Châm điếu thuốc, rít một hơi dài, anh chủ nhà hạ giọng:

- Ngẫm ra ở đời, không chỉ có chuyện tình cảm, cái gì cũng vậy thôi, cứ hễ mắc sai phạm là nó kéo theo đổ bể hàng loạt… có cố vớt vát lại cũng chẳng được!...

Anh ta kể, sau khi cặp kè chiều theo ý của cô Nguyệt hàng xóm, vợ anh phát hiện và nhất quyết gửi đơn ra tòa ly dị dù anh quỳ lạy, van xin vợ tha lỗi cả tháng trời. Tòa xử con gái ở với mẹ, hàng tháng anh phải chu cấp tiền cấp dưỡng nuôi con. Anh chán chường vục đầu vào bia rượu, công việc chểnh mảng, đến nỗi công ty phải đơn phương cắt hợp đồng lao động.

Cảnh thất nghiệp, thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê khiến sức khỏe anh xuống dốc trông thấy từng ngày. Anh quay trở lại với Nguyệt nhưng cô ta chơi trò "vắt chanh bỏ vỏ", dúi cho anh ít tiền lẻ rồi đẩy ra khỏi nhà, cấm cửa anh không được lai vãng. Căn nhà này là anh ở nhờ một người bạn cùng quê, đồng môn từ ngày học phổ thông trường làng…

Tôi bần thần ngồi nhìn anh chủ nhà. Ra là cô láng giềng đã đưa dẫn anh đến thảm cảnh này. Mới biết, cái cạm bẫy chẳng ở đâu xa, nó có thể ở ngay quanh ta hàng ngày, rất đỗi bình thường nhưng đầy sức quyến rũ.

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ
.
.