Lễ... ly dị

Thứ Sáu, 30/05/2014, 08:00

Bạn bè tôi bây giờ ly hôn nhiều quá; còn trước đây một thập niên họ lại kết hôn quá mức cần thiết, khiến tôi luôn phải dành "vốn" thời gian ít ỏi của mình đứng ra làm chủ hôn, phù rể, hoặc những công việc thiết yếu khác thuộc phạm trù "xe duyên - kết mối" - tùy theo thực tế từng đám. Nhưng mọi sự đã thay đổi, giờ đây họ thường ly dị nhiều hơn, bởi đang là… "mốt" mà.

Và tôi vô cùng áy náy, khi biết những "dịp" ly hôn như vậy được tổ chức rất tồi. Tại sao ta lại không làm tiệc…ly dị với các nghi thức cùng những lời thề theo tiêu chuẩn? Phát kiến này thật là sáng giá và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía các cửa hàng hoa, siêu thị, phòng tin nhắn trong các mạng viễn thông, giới truyền đạo, nhà cung ứng thực phẩm cho các đại tiệc và các cửa tiệm chuyên cho thuê quần áo. Các bạn hãy tổ chức lễ… ly dị thật tưng bừng như đám cưới! Gửi thiếp mời đi khắp nơi, cho bạn bè và cho cả… kẻ thù nữa!

Với "kho" kinh nghiệm quen chỉ đạo và tổ chức các cuộc hội ngộ, theo tôi lễ hội phải được tổ chức tại nhà thờ, giống như khi đính hôn. Nên được công nhận bởi vị linh mục từng chứng kiến lễ kết hôn của bạn. Lễ… ly dị không thể thiếu chàng tình địch (kẻ từng là nguyên nhân dẫn đến sự ly hôn). Anh này sẽ tháo nhẫn cưới trên ngón tay áp út của nữ chủ nhân ra, ném xuống đất và dẫm giày lên.

Nghi lễ cần trang trọng. Một vài câu "vâng, đúng" khi trả lời câu hỏi của vị linh mục chủ trì. Tỉ như: "Phải chăng cô từ chối anh ấy làm chồng" và ngược lại; hoặc: "Anh chị có hứa là sẽ không bao giờ yêu nhau và muốn có nhau nữa không?". Sau đó theo trình tự: "Có ai trong đám người đang có mặt tại đây biết được lý do để hai vợ chồng này không nên ly dị, xin cho biết ý kiến của mình"; hay: "Có ai phản đối gì không?" - Đó là những lời bắt buộc của vị chủ lễ.

Bây giờ đến lúc hai kẻ bỏ nhau tiến đến gạch bỏ tên mình trong cuốn sổ giá thú gốc, trong cảnh một đô vật đang diễn lại một vài "pha" tiêu biểu trong vở vũ kịch ăn khách "Trái tim tan nát". Dàn phó nháy chớp lia lịa, ảnh sẽ đóng vào album làm kỷ niệm cho hai người. Khác với đám cưới, "đám bỏ" này cần có chí ít là hai thợ chụp hình, bởi sẽ có phong tục mới là cặp ly dị ra về theo hai cửa khác nhau. Khách mời ném theo họ những mảnh chén đĩa vỡ, được thu gom lại trong những lần xô xát trước đây.

Sau nghi lễ chính thức - là phần tiếp tân. Bạn bè lên chúc mừng, không khí lâng lâng ngà ngà hơi men. Dĩ nhiên, đến lượt bà nhạc lên phát biểu, bày tỏ nỗi vui mừng vì con gái mình đã thoát được…"tên quỷ sứ ấy". Cặp chủ nhân cùng lên tiếng cám ơn bạn bè đã tới dự, cũng như đã từng chia sẻ những nỗi bất hạnh của họ trong quá khứ. Điện tín và tin nhắn của những người vắng mặt gửi tới được đọc to lên, đa phần là của đám bồ bịch cũ, mời tối thứ Bảy này ghé nhà họ "tâm sự"…

Phó nháy đã thay phim mới, bánh lễ được mang lên. Trên đó có hai hình người, đương nhiên là đứng quay lưng vào nhau (không loại trừ khả năng một trong hai kẻ vừa ly hôn dùng dao ăn cắt phéng đầu người khác giới trên bánh đi; nhưng may mà mọi sự đã được trù liệu trước). Sau khi bánh lễ nhiều tầng được cắt xong, mỗi thực khách được một mẩu để đem về… bỏ dưới gối nằm cho "nhớ đời". Đến lượt cựu cô dâu ném bó hoa đang cầm trên tay đi. Cô gái trẻ nào mới lấy chồng cũng đều cố sức bắt kỳ được bó hoa đó, bởi theo quan niệm duy tâm mới: ai có diễm phúc ấy, sẽ tới lượt mình làm lễ ly dị trong thời gian kế cận. Các tặng phẩm hồi họ cưới nhau được chất đầy trong phòng bên, để trả lại quan khách theo giấy ghi tên đính sẵn. Có vài thứ như bình hoa, chậu cảnh, khung ảnh… bị méo mó hay nứt rạn - hậu quả từ các lần xung đột bất hòa.

Đó là cách sắp xếp của tôi theo một lễ… ly dị bình thường, tất nhiên theo thời gian người ta sẽ bổ sung những mục khác cho phong phú và "sành điệu" hơn…

Trần Hồng (dịch)
.
.