Lão Sủng

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:00
Từ ngày vợ hắn đi làm Ôsin bên Hàn Quốc gửi tiền về, hắn ra bộ ra dạng, cái gì cũng phải oai, phải oách, phải “hơn người” hắn mới chịu! Thì đành rằng “mạnh về gạo, bạo về tiền” nhưng cũng phải “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” chứ. Sao mà chóng quên thân phận nghèo hèn của mình đến vậy...

Chờ cho mặt trời lên cao, nắng xua sạch những giọt sương trên ngọn cỏ, lão Sủng mới cho bò đi ăn. Ruộng hoang cỏ mọc, từ lâu đã không còn, bây giờ đến những con đường nội đồng cũng bê tông hóa, nên lão phải dắt bò ra tận cánh Mả Trăn nơi ấy vẫn còn những con đường đất, mới còn cỏ cho bò gặm. Bò gặm cỏ còn lão vểnh tai lên nghe chuyện của mấy mẹ nạ dòng đang cúi lom khom nhổ cỏ lúa ở cạnh đấy:

- Tưởng bà ấy đi bữa trước tết ấy chứ. Trụ được đến hôm nay là tốt lắm rồi.

- Bà ấy đến 90 chưa ấy nhỉ?

- Thì Hội Người cao tuổi vừa mừng thọ tuổi 90 cho cụ ấy hồi tháng giêng đấy thôi. Không nhớ à?

Lão cố nghe xem họ đang nói chuyện ai, thì một mẹ đứng lên vặn lưng, nhìn thấy lão, vội hỏi:

- Ơ... bà cụ Hân mất rồi, ông không biết hay sao mà còn đi bò?

- Hả? Cái gì? Ai mất? - Lão hỏi, mặt lão nghiêng nghiêng để cái tai hướng về phía người nói.

- Bà cụ Hân! Mẹ của chú Tảo ấy, bà cụ mất từ sáng sớm nay cơ mà.

Có lẽ lão đã nghe thủng nên chẳng hứ chẳng hừ gì nữa, lão kéo thừng cho con bò quay ngoắt lại đường cũ. Lão cho bò về chuồng.

Lão với cụ Hân có họ hàng hang hốc gì đâu, người ta báo tin là có ý mỉa mai lão. Bởi ở trong làng bất cứ cái đám hiếu nào, trẻ hay già, ốm đau bệnh tật, hay tai nạn mà chết, lão nghe tin lúc nào là lão đến lúc ấy, không ai cần lão, lão cũng cứ đến. Cũng may mà phong tục làng quê, cưới xin, giỗ chạp hay mừng này, mừng nọ thì phải mời, nghĩa là “ăn” thì phải “có mời” còn như việc hiếu thì... không mời mà đến cũng không sao, có khi lại được gia chủ cảm ơn “đã đến chia buồn với gia đình” nữa là khác.

Ấy là nói chung vậy, chứ với lão Sủng chẳng ai cảm ơn lão, nhưng cũng chẳng ai chửi bới lão, nhà có đám mà to tiếng thì chẳng hay ho gì nên dù có tức đầy ruột cũng cố mà nhịn cho trong ấm ngoài êm. Lão đến, có việc thì lão ghé tay vào làm như quét tước, dọn dẹp, kê bàn, trải chiếu .v.v... còn không có việc thì lão ngồi, có khi mình lão một bàn lão cũng cứ ngồi. Kệ lão!

Đám hiếu có người ngồi cho là tốt rồi, chỉ sợ không có người ngồi thôi. Rồi đến bữa, nhà đám sắp cơm cho người phục vụ, lão cũng ngồi ghé vào. Có khi được ngồi cùng mâm, nhưng nhiều khi lão phải ngồi riêng ra một góc. Nhưng lạ, lão không hề có biểu hiện gì là tự ái cả. 

Vẫn cứ ăn, cứ uống bình thường. Ăn xong, có việc thì làm, không có việc lại ngồi. Có lẽ tính lão dễ dãi, xuề xòa, lại không biết tự trọng nên chẳng ai tỏ ra tôn trọng lão cả, dưới con mắt của người làng, lão chỉ là một kẻ hâm hâm dở dở thế thôi.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Lão đến, lúc ấy nhà cụ Hân đã đông người rồi, ngoài sân mấy thanh niên đang dựng rạp, còn ở trong nhà, cậu cháu chú Tảo đang bàn bạc chuyện hậu sự cho cụ. Lão nhìn quanh, ở dưới bậc hè, rơm rác, lá cây rụng xuống sân được gió thổi xoáy vào một góc. Lão lấy chổi quét gom lại đang định xúc đổ đi thì nghe ông Lượng nói với Tảo:

- Bây giờ cậu đến nhà ông Gia, nhờ ông ấy xem giờ nhập quan, giờ di quan, giờ hạ huyệt. Có giờ có giấc rồi, căn cứ vào đấy mới thông báo tin buồn với làng xóm được, rồi còn mời đội kèn trống, mời thầy cúng nữa. Cháu đã nhờ người đi mời kèn trống chưa? Hay để cậu đi qua nhà ông Thể cậu mời luôn.

- Cậu cứ đi xem giờ giấc cho cháu, còn kèn trống để cháu nhờ đội ngoài Phúc Hải.

Ông Lượng ngạc nhiên:

- Sao lại phải nhờ mãi ở huyện ngoài, tỉnh ngoài vậy? Ở trong làng thì sao? Họ đi đám khác rồi à?

- Không biết! Nhưng cháu không nhờ. Cũng mất đồng tiền tội gì phải nhờ phường của lão Thể. Nhạc nhẽo có ra cái gì, trống thì phành phành, bung bung, kèn thì li loa li loe nghe tức như bò đá.

- Thì... mọi đám hiếu ở làng cũng đều do đội bát âm ông ấy đảm nhận cả, có sao đâu.

- Bởi vì giá rẻ mà khi thanh toán xong rồi, họ còn trích ra một vài trăm, đặt lên ban thờ phúng viếng nữa, nên có muốn chê bai cũng không tang chủ nào dám mở miệng mà chê. Nhưng cháu thì khác, cháu không ham của rẻ “Sống đèn dầu - Chết kèn trống”, làm cho đàng hoàng, không hơn thì thôi, dứt khoát không thể thua kém bất cứ cái đám hiếu nào ở cái làng này. Mẹ cháu có chết hai lần đâu!

 Không biết “bò đá” tức đến thế nào nhưng nghe cái giọng “ta đây” của thằng cháu, ông Lượng chỉ muốn vả một cái rõ đau vào mồm nó. Nhưng ông cố kìm:

- Thà rằng ở làng không có hoặc họ đã nhận lời đám khác rồi thì đi một nhẽ, đằng này, cháu làm vậy có bỉ mặt người ta quá không, cùng làng, cùng xóm.

- Cậu thì lúc nào cũng làng xóm! Thời buổi này là cạnh tranh, ở đâu hơn thì người ta mời chứ.

Ông Lượng vẫn từ tốn:

- Về lý lẽ không sai, nhưng sống với làng với xóm, chết cũng nhờ làng nhờ xóm, chứ có ai khiêng bố mẹ đi chôn bao giờ.

Tảo cứng họng, chưa nghĩ ra câu gì để nói lại thì lão Sủng, chẳng biết nghe lỏm được ở đâu bây giờ mới nhớ ra hay bất ngờ thông minh đột xuất mà lại đi “chọc lợn đằng đít”:

- Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Điên tiết, Tảo quát lên:

- Ông thì biết cái đ... gì mà chõ mõm vào đây! Việc nhà ông à? Đi ra ngoài kia.

Lão Sủng im bặt, hí húi quét tiếp. Còn Tảo, biết mình hơi quá lời hay muốn ngầm bảo với ông cậu: “Thôi! không bàn nữa, cậu cứ làm vậy đi” mà đứng dậy đi vào buồng mở màn ra nhìn mẹ.

Nhìn thái độ ấy của hắn, ông Lượng tức đến nghẹn ứ nơi cổ họng, nhưng tức thì tức vậy chứ biết làm sao! Bởi, suy cho cùng chị là chị ruột của ông nhưng lại là mẹ đẻ ra nó. Lo ma chay cho cha mẹ là trách nhiệm của con cái, ngoài con cái ra, những người khác kể cả ruột rà máu mủ cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi.

Nghĩ vậy, ông cũng được an ủi một phần, cơn tức cũng nguôi ngoai. Chỉ có lão Sủng, lạ thật, hắn “vỗ” vào mặt lão như vậy mà lão chẳng có phản ứng gì. Lão vẫn thản nhiên cắm cúi dọn dẹp quét tước như không có chuyện gì vừa xảy ra. Kể cũng lạ. Người ta bảo “non xanh biến đổi, bản tính khó dời”. Nhưng sao bản tính hắn lại biến đổi nhanh đến vậy.

Từ ngày vợ hắn đi làm Ôsin bên Hàn Quốc gửi tiền về, hắn ra bộ ra dạng, cái gì cũng phải oai, phải oách, phải “hơn người” hắn mới chịu! Thì đành rằng “mạnh về gạo, bạo về tiền” nhưng cũng phải “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” chứ. Sao mà chóng quên thân phận nghèo hèn của mình đến vậy. Dân làng nhỏ to bàn tán, người khen hắn biết tiêu tiền, kẻ chê “vung tay quá trán”, người thâm trầm cười nửa miệng: “để xem có được mãi vậy không?”.

Người bộc trực thì bảo: “Giỏi giang gì cái loại bám váy vợ.” Hắn nghe tất cả nhưng cũng bỏ ngoài tai tất cả, chỉ hạ một câu xanh rờn: “Ghen ăn tức ở, chấp gì!”. Láo, láo quá thể. Dân làng này nhiều thằng bằng tuổi nó đi làm ăn xa mang tiền mang của về, giàu gấp 5 gấp 10 nó ấy chứ, vậy mà có thằng nào láo đến vậy đâu.

 

Mà thôi, nó láo thiên hạ chửi nó nhiều, chứ ông là cậu nó có chăng thì chỉ phiền cái lỗ nhĩ khi phải nghe chuyện của nó thôi. Kệ xác nó, việc trước mắt bây giờ là phải lo cho chị ông được “mồ yên mả đẹp” cái đã, mọi việc tính sau. Nghĩ vậy, ông đứng dậy bước nhanh ra ngõ.

*

Phường kèn bát âm Phúc Hải đúng là “oách” thật. Ngay khi họ bước ra khỏi cái ôtô 7 chỗ (Quyết, bạn của Tảo thuê ở làng ra đón) khiến cả nhà đám phải nể trọng. Cả 5 người đều quần âu trắng, áo đen, giày đen, mũ capi màu trắng, đồng phục từ đầu đến chân, lỉnh kỉnh những nhạc cụ. Nào là trống lớn trống con, chiêng, phách nhị, hồ, kèn, đàn bầu... cái nào cũng ngon lành sạch sẽ, sáng choang chứ không cóc cáy ghẻ lở như của phường bát âm ở làng. Dàn âm ly được đặt trong cái tủ nhỏ có 4 bánh xe di chuyển. Micrô toàn loại phát sóng và cả 2 cái loa thùng to cao hơn đầu người. Một cái loa nén miệng loe ra to hơn cái thúng đại, đựng đến hai chục cân thóc.

Chưa biết vào cuộc chơi hay dở ra sao nhưng nhìn “hoành tráng” quá, khiến ai cũng phải trầm trồ. Chỉ có riêng lão Sủng là vẫn cứ một mình một bàn, im lặng.

Tối hôm ấy, phần thì tò mò muốn biết cái ban nhạc “oách” ấy mặt mũi nó ra làm sao mà nhà chú Tảo phải ra tận Phúc Hải đón về làm ma cho mẹ, phần thì “nghĩa tử là nghĩa tận” nên bà con trong xóm ngoài làng, bạn bè gần xa đến chia buồn đông lắm, chật cả sân, phải kê ghế ngồi cả ra ngoài vườn. Đứng bên bàn thờ mẹ để đáp lễ những người lên thắp hương phúng viếng, Tảo nhìn ra ngoài thấy người mỗi lúc một đông, lòng hắn hỉ hả lắm. Gì chứ, phải ngang ngửa với đám ma bố thằng Tuyên “vẩu” là cái chắc. Nhưng nhà Tuyên “vẩu” có anh nó làm cán bộ tỉnh, em  gái nó làm giáo viên chứ đằng thẳng ra, cái thân nó “một mình một ngựa” chắc gì đã đông được vậy! Hơn nữa, tiếng là cán bộ, giáo viên nhưng đều “mèng mèng” cả thì làm sao mà “vời”  được cái ban nhạc “tầm cỡ” như thế này cơ chứ!  Có mà... mơ.

Đúng là “tầm cỡ” thật, nhạc đám ma là phải nỉ non, thương xót, bi ai thì lại cứ rống lên khoe công suất của 2 chiếc loa thùng. Đám ma mà cứ ầm ầm chẳng khác gì đám cưới, thành ra, người đến viếng gặp nhau, chỉ còn biết gật đầu thay cho lời chào hỏi. Một đám ma chỉ có “gật” và “lắc” chứ không có tiếng nhỏ to chuyện trò hay chia buồn với đại diện của tang chủ.

Có lẽ không chịu nổi loại nhạc “bom tấn” ấy, hay lão ấy phải nhường ghế cho người khác ngồi nên chính vào lúc đông người đến viếng nhất thì lão lại bỏ ra về. Mấy thằng thanh niên gặp lão ở đầu ngõ, bóng gió:

- Sắp có bão hay sao mà ông về sớm thế?

Lão thủng thẳng:

- Nhạc nhẽo chơi đ. đúng ngày xưa.

Bọn chúng cười rộ lên, quát vào tai lão:

- Bây giờ phải hiện đại chứ, sao lại cứ phải giống ngày xưa? Ông lạc hậu quá rồi đấy. Thôi, vào đi ông, làm chén rượu “xếch” đã rồi hãy về.

Nhưng lão vẫn thẳng bước. Sau này biết chuyện, ông Gia, vốn là thầy cúng nổi tiếng một thời, bảo: Ông ấy nói đúng đấy, đáng lẽ ra, đêm hôm ấy khi xóm làng đến chia buồn phúng viếng, âm nhạc phải sử dụng điệu "lâm khốc ai", cùng với "bản dồn, bản chờ" mới đúng, đằng này lại sử dụng các làn điệu theo kiểu “tùy hứng”  lúc thì đi lưu thủy, lúc thì lại “tình cha - lòng mẹ” lại còn dùng cả làn điệu dân ca “Ru con Nam Bộ” nữa nên nó chẳng ăn nhập gì với nghi lễ chứ sao.

Thì ra cái lão Sủng “ù lỳ” vậy mà cũng có cái tai âm nhạc ra phết đấy chứ!

*

Cứ tưởng rồi đám hiếu cụ Hân sẽ diễn ra êm thấm như bao cái đám hiếu ở làng, nào ngờ kẻ xấu bụng, đến cả việc hiếu nghĩa nó cũng chẳng tha. Sáng hôm sau, vào lúc cúng cơm cho cụ lần cuối trước khi đưa cụ ra đồng, ban nhạc vào lấy nhạc cụ để tấu lễ mới ngã ngửa ra rằng, toàn bộ nhạc cụ trước khi nghỉ đã để cả vào góc nhà, vậy mà giờ đã bị phá hỏng hết. Hai cái trống đều bị đâm thủng cả hai mặt, kèn bẹp đằng kèn, nhị, hồ đều bị bẻ cần, đàn bầu mỗi nơi mỗi mảnh. Chỉ còn duy nhất bộ xập xeng (Não bạt), có lẽ vì nó bằng đồng dễ phát ra tiếng động nên kẻ gian chừa lại.

Tảo phát điên lên, mặc cả bộ đồ tang lồng lộn, hết vào rồi lại ra, rồi lại vào, miệng chửi đổng: “Mẹ nó chứ! Thằng nào? Thằng nào dám rờ dái ngựa. Ông mà biết thì ông đốt cả nhà... Ai động chạm gì đến nhà chúng nó cơ chứ! Đồ đểu! Thằng nào giỏi thì lên tiếng đi...”. Tảo chợt nhớ ra: “Phải rồi... cái này chỉ có lão Sủng, sáng hôm qua chả bị tôi chửi, nên hằn đây mà. Đúng rồi! Chỉ có lão ấy. Thằng Hách đâu? Đi tìm lão Sủng về đây cho chú!”.

- Anh đừng nói vậy mà oan cho ông ấy - Một người trong làng lên tiếng - Tối hôm qua ở đây về, tôi với ông ấy đến luôn nhà chú Hợi, bố chú Hợi chết ở trên thành phố đưa về quê làm ma, ông ấy được chú Hợi nhờ ra Nhà Văn hóa làng, trông coi mấy cái ôtô để ở ngoài ấy, kẻo trẻ con nghịch ngợm. Ông ấy không làm cái chuyện này đâu. Tính ông ấy tôi biết.

- Phải đấy cháu ạ. Một mất mười ngờ. Một ngờ mười tội. Thôi, cháu cứ vào ngồi với mẹ đi. Để đấy, các chú tính... - Ông Sáo xóm trưởng là đại diện cho chính quyền lên tiếng.

- Vậy còn chúng tôi? Các ông tính sao đây - Ông trưởng ban nhạc lên tiếng.

Tảo sừng cồ:

- Ông không thấy sao mà còn tính với toán. Cứ để đấy, xong công việc cho mẹ tôi đã.

Ông trưởng ban nhạc:

- Sao anh lại quát tôi? Lỗi này tại gia đình hay tại chúng tôi nào. Chẳng lẽ...

- Thôi, thôi, tôi xin lỗi ông - Ông Lượng vội can ngăn - Gia đình sẽ nói chuyện với các ông sau, giờ việc trước mắt là phải làm các thủ tục để đưa chị tôi ra đồng cho đúng giờ đã. Cháu... cháu cứ vào với mẹ đi. Mời ông Sáo, anh Khánh, ông Đằng, bà Tư, bà Bưởi, ta vào cả trong nhà hội ý một tý nhé.

 “Hội ý” là tìm một phường bát âm khác thay thế, nhưng biết tìm ở đâu? Phường của làng, Tảo đã không nhờ mượn rồi, với lại họ đang phục vụ cho đám tang nhà chú Hợi, chẳng lẽ lại bảo họ tạm dừng, để đến đây lo đám này trước, rồi về phục vụ tiếp hay sao? Có mà điên. Ai người ta nghe. Hay đi tìm phường khác ngoài làng, ngoài xã? Cũng có thể được, nhưng giờ mới báo thì họ đến sao kịp? Chỉ còn hơn hai tiếng nữa là phải di quan rồi, lại còn hạ huyệt cũng phải đúng giờ nữa! Chuyện “ngày”, “giờ” trong đám cưới, đám ma, không thể tùy tiện được. “Thầy” đã phán sao cứ vậy mà làm, chớ có làm sai, sau này nhỡ xảy ra chuyện gì thì lại đổi cho tại này, tại nọ, khổ lắm, không khéo tiếng để đời chứ lỵ. Cái tâm lý “ngày”, “giờ” đã ở miệng “thầy” phát ra nó sẽ được thực hiện triệt để, đố anh nào dám cãi! Nhưng chẳng lẽ đám ma lại không có tiếng trống tiếng kèn thì nó còn ra làm sao nữa, có mà đám ma... “chui” à?

Những cái đầu thuộc bậc cha chú đang loay hoay chưa tìm được kế sách gì, thì lão Sủng chẳng hiểu sao lại lù lù xuất hiện. Sau khi nghe thủng chuyện lão thủng thẳng:

- Bảo đứa nào sang bên trường học mượn về đây cái trống, tôi đánh cho. Có trống, có xập xèng là đưa tiễn cụ được rồi.

Ông Sáo vỗ tay vào đùi đánh đét một cái:

- Hay quá! Rất hay! Thế mà chúng tôi chưa ai nghĩ ra. Các ông các bà thấy thế nào? Cách này được đấy chứ?

Chẳng được thì lúc này cũng... phải được. Các bậc bề trên đành phải miễn cưỡng gật đầu đồng ý. Thôi thì “méo mó có hơn không” chứ không thể đám ma mà không có tiếng trống được!

Có trống, có xập xèng, dù không còn hoành tráng nữa nhưng vẫn là có nhạc. Đám tang lại tiếp tục được cử hành các phần việc tiếp theo.

*

Cái tin lão Sủng đánh trống thay phường kèn ở đám hiếu cụ Hân lại là một sự kiện nữa khiến cho sự tò mò của dân làng được khích lệ, người đi đưa đám cụ Hân cũng rất đông, nhất là bọn choai choai thì có lẽ không thiếu một đứa nào. Chiếc trống của trường học được buộc đứng vào một bên gác ba ga xe đạp. Thằng Minh “tồ” được “vinh dự” dắt chiếc xe ấy cho lão Sủng, còn chiếc xập xèng vẫn là người của đội Phúc Hải trực tiếp đánh.

Dân làng thật sự ngạc nhiên khi thấy lão Sủng cứ chậm rãi bước, hai tay hai dùi vung lên hạ xuống dẻo không kém gì “thợ” chính hiệu. Lúc thì đánh vào mặt trống kết hợp gõ vào tang, lúc thì chỉ “tùng tung”, lúc thì chỉ “cách cách” đúng điệu trống rước, nhịp nhàng, đều đặn. Có lẽ vì đến với đám hiếu nhiều nên lão cũng học lỏm được ít nhiều nhịp điệu của việc đánh trống đám tang. Tiếng trống của lão hòa cùng với tiếng xập xeng ngân rung nên việc đưa cụ Hân ra đồng cũng bớt đi phần lạnh lẽo.

Đi trước linh cữu mẹ, nhưng lại là đi lùi, theo phong tục “cha đưa mẹ đón” nhưng Tảo thỉnh thoảng vẫn ngoảnh lại đằng sau nhìn lão Sủng, thì ra trong cái rủi vẫn còn có cái may, hắn vẫn còn có lão. Xong công việc nhất định hắn sẽ phải nói lời cảm ơn và xin lỗi lão tha thứ cho cái vụ sáng hôm qua.

Nhưng khi lễ tạ mộ mẹ xong, quay ra, hắn không nhìn thấy lão Sủng đâu cả. Hỏi ra mới biết, lão lại đi đến đám ma bố chú Hợi rồi.

Truyện ngắn của Nguyễn Bá Doanh
.
.