Lão Chí thi nhân

Thứ Hai, 13/03/2017, 07:56
Lễ bế giảng lớp học viết văn được tổ chức rất long trọng cùng với sự có mặt của đại diện các ban, ngành. Với lão Chí, một lão nông cả đời chưa một lần trải nghiệm cuộc sống thị thành thì hai tuần trôi qua khá nhọc nhằn. Hai tuần lão Chí sống xa cháu con. Hằng ngày chỉ có nghe giảng, cơm bụi và những bữa nhậu khan mồi làm lão Chí quá mệt mỏi. 

Lão đếm từng ngày, mong thời gian trôi thật nhanh. 

Lớp học buổi bế giảng khác hẳn ngày thường. Các học viên, trông ai cũng hớn hở, trang phục chỉnh tề. Một số bác giai thì cà-vạt, áo quần sơ-vin trang trọng. Các bác gái thì váy đầm, áo tân thời khoe sắc, trang điểm đậm như văn công chờ ra sân khấu. Lão Chí, hôm nay cũng diện bộ oách nhất trong túi tư trang mang theo. Lão khấp khởi chờ đến lượt mình lên nhận chứng chỉ. Lão nghĩ ngay đến việc sẽ mua một cái khung ảnh thật đẹp, lồng cái giấy chứng nhận vào, treo lên chỗ trang trọng nhất trong nhà để mọi người, ai ra vào cũng nhìn thấy. 

Đáng khoe quá đi chứ! Ở tuổi đầu bảy "đít chơi vơi" mà đi học viết văn như lão Chí hỏi có mấy ai? Tết này, Tết tiếp theo, rồi hai Tết nữa là lão Chí bước sang tuổi tám mươi. Giá mà cho ai bớt được hai chục tuổi nhỉ? Nếu lão mới chỉ sáu mươi tuổi thì tốt biết mấy. Lão sẽ chu du thiên hạ để tìm thi hứng. Lão sẽ gặp gỡ kết giao bạn bè thi hữu trên mọi vùng miền của dải đất đâu cũng nên thơ, người người làm thơ này. Giá như còn trẻ thì lão sẽ sắm "con vi tính bàn" để cải thiện điều kiện viết lách, kết nối mạng, giao lưu chít chát online. Lão Chí bắt đầu ao ước…

Lão Chí chắc chắn một điều, rằng từ bây giờ trở về sau thơ của lão sẽ lên thêm một trình nữa. Nhìn thấy cái chứng chỉ hoành tráng, chứng tích chương trình bồi dưỡng viết văn thì ai còn dám chê thơ của lão. Ngay từ khi chưa được học viết văn lão Chí đã được người làng, người xã gọi là nhà thơ. Bạn văn chương thường gọi lão là: "Thi nhân làng Đồi", "Chí thi nhân". 

Mỗi lần đọc thơ ở đám đông thì những lời tán dương tưng bừng, không chỉ của bạn bè cùng sở thích thi ca bủa vây lão Chí thi nhân. Mỗi lần như thế, lão cũng muốn bay lên cùng thi ca. Mấy ông cán bộ chủ chốt của xã, thậm chí cả những đại diện huyện phát biểu cũng chẳng được vỗ tay hoan hô to, hoan hô dài như khi lão đọc thơ. Thế mà mấy cái anh báo chí, văn chương chẳng anh nào để ý. Bao nhiêu lần lão gửi thơ lên báo tỉnh, báo trung ương chả thấy có hồi âm gì. Rồi sẽ biết, lão Chí này là ai nhé.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Thơ của lão Chí đã có tới cả trăm bài. Ngay sau khi rời lớp học, trở về là lão xúc tiến việc tuyển chọn bài, in sách. Lão sẽ làm đơn xin vào hội văn nghệ của tỉnh luôn. Hội tỉnh thì được quá đi chứ vì lão đã được bồi dưỡng qua trường lớp đàng hoàng, do hội trung ương tổ chức hẳn hoi. 

Nghe nói mấy anh chưa in sách bao giờ, chưa từng vào hội văn nghệ địa phương nhưng sau lớp bồi dưỡng viết văn như thế này đã được vào thẳng hội của Trung ương đấy thôi. Lão Chí phê phê trong mớ suy nghĩ có đầu, có cuối rất chi là chí lý ấy. Mắt lão mơ màng nhìn lên cái tít: "Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng viết văn khóa…". Bỗng tên lão Chí được xướng lên làm lão giật bắn người. 

Buổi bế giảng đã sang phần quan trọng nhất, trao chứng chỉ cho học viên. Lão Chí trong nhóm học viên đầu tiên, cao niên nhất nhì của lớp được mời lên bục danh dự. Lão Chí chậm rãi bước, nhưng hai chân cứ luýnh quýnh, muốn va vào nhau. Lão như muốn khuỵu xuống. 

Trống ngực dồn dập, thúc thình thịch. Tưởng chừng lớp vải của cái áo sơ mi cộc tay nhãn hiệu Việt Tiến thằng cháu rể mua tặng trước hôm lão lên thành phố dự lớp học viết văn cũng rung theo nhịp đập của quả tim hơn bảy mươi xuân không biết mệt mỏi là gì. Lão Chí hướng về phía người chủ trì đang xướng tên học viên mà bước, lòng rưng rưng cảm động, chả giống với những lần lên đọc thơ ở quê tẹo nào. Tâm trạng của lão Chí cũng không giống hôm lão lên đứng ở chính chỗ này đọc thơ. Không phải là người được gọi tên cuối cùng, nhưng lại là người cuối cùng lên tới bục danh dự nên lão Chí phải đứng ở rìa hàng.

Khi được ông giảng viên hôm nay trong cương vị khách mời trao tấm giấy chứng nhận nền vàng chanh, ép plastic đẹp đẽ vào tay thì lão Chí lóng ngóng đánh rơi xuống đất. Lão nhặt lên, lại lóng ngóng, lại đánh rơi. Tấm giấy của lão chạm vào tấm chứng nhận của một bà đứng cạnh xúng xính áo hoa nhiều màu sắc, váy đen óng ánh kim tuyến, lòe xòe rất dài, trùm lên hết cả bàn chân. Hai học viên cao niên cùng vội cúi xuống nhặt thứ của mình bị rơi. 

Lão Chí chưa kịp mở miệng để cất lời xin lỗi cho phải phép thì bắt gặp ánh mắt sắc lẻm nguýt dài hướng về phía kẻ vừa gây ra va chạm. Có đáng gì mà lườm như muốn xúc đất đổ đi như thế chứ? Đếch vào xin lỗi nữa. Đàn bà gì mà ghê gớm, đáo để thế! Tính nết thế này mà cũng là thi nhân cơ đấy! Trông người đâu đến nỗi mà sao lại hẹp cái bụng. Chắc bà ta phải kém lão tới dăm bảy tuổi chứ không ít nhưng phốp pháp quá, khí thừa cân. 

Lão Chí chuyển từ những suy diễn chủ quan không vui về bà lòe xòe sang những suy nghĩ ích lợi, thiết thực cho lão. Lão Chí tập trung tạo dáng trước bốn, năm cái chụp hình, vừa máy ảnh, vừa điện thoại di động đang chĩa lên phía hàng người trên bục cao. Lão Chí bụng bảo dạ: "Phải có cái ảnh ngon lành một tí, phóng to treo giữa nhà cho bõ những ngày phải xa nhà, lạ chỗ, ngủ cũng chả có đêm nào ngon giấc". Lão quên hẳn bà lòe xòe bên cạnh đang ưỡn cái bụng béo, lòi cả người ra khỏi hàng ngang. 

Lão cứ loay hoay, hết xoay ngang lại xoay dọc tấm giấy chứng nhận hình chữ nhật trước bụng vì hàng người đứng ken nhau như úp thìa, không phải vì cái bục giảng ấy quá hẹp mà vì lượt này đông quá. Ai cũng có tâm lý muốn gần trung tâm của cái phông chữ lễ bế giảng trang trọng, lịch lãm. Một tay học viên trung niên khệ nệ ôm cái máy ảnh khá hiện đại có ống "tê-lê" được kéo ra hết cỡ, vừa chĩa lên phía hàng người ngắm nghía, vừa nói to: "Mọi người cứ đứng dãn ra một chút". Rồi anh ta ra hiệu cho lão Chí, gọi: "Bác gì ơi, để thấp tay cầm chứng chỉ xuống đi".

Rời bục danh dự, về chỗ ngồi, lão Chí ngắm nghía mãi tấm giấy chứng nhận. Cuối cùng thì lão cũng đã hoàn thành khóa học viết văn. Cứ tưởng là đi cho vui, để giao lưu gặp gỡ với bạn văn chương như thằng cháu rể nói, ai dè… Lão Chí thở phào. Thằng cháu rể thủ thỉ: "Nếu ông muốn dự lớp bồi dưỡng viết văn thì làm đơn đi. Cháu nhờ mấy anh ở hội văn học của tỉnh giới thiệu cho ông. Kinh phí học chỉ phải đóng góp gọi là. Hội Trung ương vẫn bao cấp hết". 

Nghe bùi cái lỗ tai nên lão Chí làm đơn. Nào ngờ, từ hôm lão về nhập học, phải lên lớp suốt cả ngày, sáng nghe giảng, chiều nghe giảng. Buổi trưa được nghỉ nhưng ăn xong bữa cơm bụi quay về đến nhà khách, nằm chưa kịp chợp mắt thì các phòng đã lục tục gọi nhau đến giờ lên lớp. Mấy ngày đầu lão thấy người mệt kinh khủng. Có những buổi nghe giảng mà lão Chí cứ như vịt nghe sấm, chả hiểu mô tê gì. 

Cái đầu lão ong ong nặng trịch. Buổi giảng của vị giáo sư, tiến sỹ văn chương thì không thể tiêu hóa nổi một chữ. Chữ nghĩa của giảng viên ấy cao siêu, xa vời với lão Chí. Lão nhức hết cả tai, đau hết cả đầu. Buổi nào cũng giống như buổi học ngày thứ hai, thứ ba thì chắc lão phải bỏ lớp học. Lão Chí đã quên hẳn việc học từ hơn sáu mươi năm nay. Vả lại, đã ở cái tuổi khó mà nhập tâm được cái gì nên lão cứ nhấp nha nhấp nhổm, không thể ngồi yên vị để nghe bất kỳ giảng viên nào. 

Cứ mươi phút lão lại phải đứng lên đi ra khỏi hội trường. Lão không thể ngồi lâu còn vì cái chứng đau cột sống thoái hóa đĩa đệm nó hành lão. Ngồi một lúc thôi là lão đau ê ẩm từ gáy xuống cổ, từ cổ xuống thắt lưng. Đau từ thắt lưng xuống hông, rồi đau xuống hai đầu gối. Lão Chí cứ ngọ ngoạy đều. Giá mà ở nhà, lão khểnh ra cái sập gụ một lúc là ổn ngay. Ở lớp học bên trái người, bên phải người, đằng trước người, đằng sau cũng người, đi ra, đi vào phải len lách qua người ngồi bên cạnh. 

Mỗi lần đi ra, đi vào là một sự bất tiện, nhưng lão Chí vẫn cứ phải đứng lên và đi ra, đi vào. Rồi cũng quen dần, lão Chí đã tìm được cách riêng để giải tỏa đầu óc. Bàn nước cho học viên kê phía ngoài hội trường trở thành chỗ chiếm mất nhiều thời gian của lão Chí nhất. Có lúc do muốn uống một ngụm nước, có lúc chẳng phải do khát lão Chí cũng vẫn ra ngồi ở đó. Lão hay chọn một cái ghế kê gần cửa sổ, ngồi hóng ra đường cái. Những lúc ấy lão mơ màng nhớ nhà, nhớ cái làng đồi bốn mùa hoa tươi, trái ngọt, nhìn sướng con mắt. Lão Chí chỉ mong lớp học kết thúc nhanh. Cái sự học đúng là một sự tra tấn đối với lão Chí.

Rồi lớp học cũng kết thúc. Tấm chứng chỉ đang trong tay lão Chí thi nhân đây. Theo cho đến buổi hôm nay, Lão Chí đã cố gắng bằng một nỗ lực lớn. Với lão Chí, một lão nông tri điền thì việc trải qua lớp học như thế này đích thực là một chiến tích. Ai tiếp xúc với lão cũng tấm tắc khen: "Cao niên thế mà vẫn phấn đấu học hành, vẫn còn đam mê cái nghiệp văn chương nhiều khổ ải". 

Lão Chí chỉ cười. Nhưng nếu ai tinh ý, sẽ nhận ra nụ cười của lão Chí có phần hơi gượng gạo chút xíu. Nhưng quả thật, không có thơ ca thì làm sao mà lão Chí có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích được như lão đang sống đây?! Ở quê lão, phàm cứ nhà nào mà người vợ chẳng may bệnh trọng đi trước thì người chồng cũng âu sầu, rầu rĩ đến bệnh tật rồi cũng ra đi rất nhanh. 

Còn lão Chí thi nhân lại là ngoại lệ. Sau khi người vợ qua đời, lão Chí cũng buồn khổ mất một thời gian. Miếng cơm và vào miệng cứ đắng ngăn ngắt không muốn nuốt. Lúc nào trông lão Chí cũng thất thần, phờ phạc. Lão nghĩ dại dột, cứ thế này thì mong được đi theo bà lão lại hơn.

Rồi tất cả đã thay đổi sau một giấc mơ lạ. Một đêm khuya khoắt, lão Chí gặp người vợ quá cố. Bà từ chín suối trở về lục vấn lão. Thấy chồng rệu rạo, xọm cả người từ khi vợ mất, bà lão đã làm một trận lôi đình, rằng: "Ông phải khỏe mạnh để làm chỗ dựa tinh thần cho lũ con cháu chứ. Chết theo tôi thì ai sẽ đọc thơ khi các cụ cao tuổi hội họp hả? Ai sẽ làm thơ ca ngợi làng, xã mình đang đổi mới, đang đi lên hả?…". 

Lão Chí ú ớ một hồi. Tai lão đã nghe được chính những âm thanh không rõ lời từ miệng của lão phát ra. Rồi lão Chí tỉnh giấc. Lão dậy khỏi giường, lại ban thờ gia tiên trên đó có di ảnh của người vợ. Lão thay nước, thắp nhang, chắp tay đứng nghiêm trang, lầm rầm khấn: "Tôi cảm ơn bà. Bà đã về với tổ tiên còn lo cho tôi. Bà biết rõ là tôi hơi yếu đuối mà. Bà biết rõ là tôi khó sống khi thiếu bà mà. Chỉ vì tôi buồn quá khi không có bà trên cõi đời này nữa nên tôi mới ra nông nỗi này. Tôi biết khi còn sống bà luôn nhận thua thiệt về mình. Bà luôn chăm sóc tôi và con cháu không quản nắng mưa, sớm tối. Bà là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời. 

Thật đấy. Bà biết đấy, tôi sống rất khó khăn từ khi thiếu bà. Xin lỗi bà nhé. Tôi sẽ cố gắng, sẽ kiên cường trụ lại cuộc đời này theo ý nguyện của bà"… Lão Chí đang tập trung tâm trí vào những lời cầu khấn người vợ quá cố thì một con bướm đen khá to, bay từ vườn vào nhà qua khung cửa sổ đang để ngỏ. 

Con bướm lượn quanh mấy vòng trên trần nhà. Rồi nó đảo đôi cánh lốm đốm những chấm trắng viền bằng nhiều vòng xanh lá, bay nhanh ra vườn. Chắc bà lão về chứng lễ cho người chồng đang u buồn vì mất vợ. "Bà sống khôn, thác thiêng! Mong bà phù hộ cho tôi và các con, các cháu bà nhé". - Lão Chí vừa thì thầm, vừa nhìn theo hút con bướm đen đã lẫn vào màn đêm. Chỉ còn lại một mình lão Chí. Đêm càng u tịch hơn.

Lão Chí đã được lôi ra khỏi cơn sầu đau mất vợ sau giấc mơ ấy. Lão đã vịn vào thơ ca để đứng dậy, lại sống khỏe, sống vui. Lão quay lại với thơ phú ở cái mốc cúng một trăm ngày cho người vợ. Bài thơ tự sự theo thể lục bát với tiêu đề "Từ ngày nhà vắng bóng bà" không những được con cháu trong nhà mà cả bạn văn thơ đánh giá là một trong những bài thuộc tốp nhất trong kho tàng thơ ca của lão. 

Lão Chí cũng rất tâm đắc với bài thơ ấy, nên tuy bài thơ gợi buồn nhưng lão rất hay đọc mỗi khi có cơ hội trình làng. Buổi giao lưu "đọc thơ cho nhau nghe" của học viên lớp viết văn, lão Chí đã lên sân khấu đọc bài thơ nhớ vợ đó. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt khi lão nói: "Bài thơ đến đây là hết ạ". Vậy là, thơ của lão Chí cũng được đánh giá cao ở lớp học này, nơi mà các học viên toàn là thi nhân, văn nhân; toàn là tinh hoa từ khắp đất nước tụ về; toàn là thi sỹ, văn sỹ - lực lượng tiềm năng của các hội địa phương và hội trung ương; toàn là cây bút sắp chuyên nghiệp đến nơi. 

Sau lớp học viết văn này không biết kỹ năng viết lách của lão Chí có lên được chân kính nào không thì lão chưa biết, nhưng thấy ngay là lão sẽ có thêm rất nhiều bạn bè văn chương, thơ phú ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Lão Chí sẽ chả đủ sức mà đi, chả đủ thời gian mà thết đãi bè bạn thi nhân tại cái làng Đồi, quê hương của lão.

Chiều hôm qua, thằng cháu rể alo, bảo tiện đi công tác Hà Nội sẽ đón ông về luôn. Lão Chí đã chào tạm biệt bạn bè thi hữu trong lớp, khăn gói sẵn sàng trước khi ra hội trường dự lễ bế giảng. Lần nào cũng thế, cứ nghĩ về thằng cháu rể là lão Chí lại thấy mát lòng mát dạ. Người trong nhà không ai khuyến khích lão Chí làm thơ, ngoại trừ bà vợ lúc còn ở bên lão. 

Khi cháu gái của lão Chí xuất giá thì lão có thêm đồng minh là thằng cháu rể. Xem ra, tuy khác máu tanh lòng nhưng "cu cậu" yêu quý ông nội của vợ cực kỳ luôn. "Cu cậu", ấy là cách lão Chí thường gọi thằng cháu rể. Hai đứa cưới nhau được bốn năm, đang công tác và sinh sống ở tỉnh lỵ, cách quê chỉ chưa đến bốn mươi cây số. Đã thành lệ, mỗi tháng một lần vào ngày nghỉ cuối cùng của tháng chúng nó lại về thăm nhà. 

Biết ông nội của vợ thích thơ văn, thằng cháu rể mỗi lần về đều mang theo một lô xích xông báo, tạp chí địa phương, trung ương đủ cả làm quà. Với lão Chí, thật chả có quà gì quý bằng sách báo! Không chỉ có thế, thằng cháu rể luôn luôn khích lệ lão: "Ông đọc thêm để làm thơ cho nuột. Nay mai cụ còn dạy cho chắt gái của cụ làm thơ".

"Chả hiểu cu cậu có thích thơ của ông nội vợ không nhưng nghe nó nói thấy rất sướng lỗ tai" - Lão Chí tỏ ra mãn nguyện, hài lòng với con cháu của mình lắm. Lão Chí đã lên chức cụ ngoại từ ba năm nay. Hồi này lại thấy bụng cháu gái lùm lùm. Chỉ trong Tết này đại gia đình nhà lão Chí sẽ đón thêm thành viên mới, cũng là gái. Lão Chí bảo: "Trai gái vui tất, bình đẳng bình quyền. 

Thời nào nữa mà còn trọng nam, khinh nữ. Con gái có hiếu, có nghĩa còn hơn vạn thằng trai bất hiếu, phá phách".  Một lần về thăm nhà, sau khi tặng cho lão Chí một túi to sách báo, thằng cháu rể vò tóc, gãi tai: "Ông ơi, chúng cháu bị vỡ kế hoạch mất rồi". Lão Chí cũng lo lo, không biết lương công chức thời buổi đồng tiền mất giá từng ngày thế này thì hai đứa xoay xỏa thế nào khi nhà thêm miệng ăn ở phố. Rồi lão Chí bàn với con trai và con dâu thực hiện ngay một kế hoạch tiết kiệm chi tiêu để dành tiền hỗ trợ cho vợ chồng chúng khi có thêm người.

Lão Chí có quyển sổ tiết kiệm ba mươi triệu đồng con cháu lập cho từ nguồn phong bì phúng viếng đám tang bà lão. Người vợ tần tảo suốt cả một đời bỏ lão mà đi khi bà mới sáu mươi sáu tuổi. Chúng gom hết tiền phúng viếng của họ hàng, làng xóm, thân bằng cố hữu, bảo tiền ấy là của lão. Chi phí làm ma cho bà lão thì các con trai, dâu, gái, rể chia nhau cùng chịu, không động đến một đồng trong số tiền phúng viếng mẹ. 

Kiểm phong bì sau đám tang, thiếu ba hay bốn trăm ngàn gì đó thì được chẵn ba mươi triệu đồng. Cô con gái út của lão là chủ xí nghiệp may xuất khẩu, rất sẵn tiền nên đã phụ thêm cho tròn để làm sổ tiết kiệm cho bố. Từ đó, tiền tiêu vặt thì lão rút lãi từ sổ tiết kiệm; ăn uống, thuốc men thì vợ chồng anh con trưởng lo. 

Trước khi đi học lớp này, lão Chí rút ra ba triệu đồng. Cộng với dăm trăm có trong túi, lão Chí thi nhân tự tin, ung dung về phố lớn mang theo mục tiêu mở mang tầm mắt. Loanh quanh ở làng, ở xã như trong ao tù, cứ con hát mẹ khen hay mãi thì tiến bộ làm sao được. Cuối năm, khi cô cháu gái ở cữ, lão sẽ rút sổ tiết kiệm hỗ trợ cho chúng nó mười triệu, bảy triệu để xuất bản thơ. "Vị chi, vẫn còn mười triệu để dành dự phòng công to, việc lớn" - Lão Chí nhẩm tính lại vốn liếng.

Mấy lần trước, thằng cháu rể đã mang thơ của lão Chí về tỉnh đánh máy, in ra, rồi photocopy đóng thành quyển. Lão đã chia tặng khắp, nhưng như thế vẫn chưa phải là sách. Lần này về, lão Chí sẽ đầu tư cho ra tấm, ra món, xuất bản đàng hoàng, vừa để tặng bạn bè, vừa lưu lại mai sau cho cháu con. Trên phần bìa sách gấp vào nhất định phải có thông tin cá nhân tác giả và ghi rõ: "Đã tốt nghiệp lớp bồi dưỡng viết văn của HNVVN". Lão Chí vạch ra chủ trương, kế hoạch rất rõ ràng chi tiết như thế. Bà lão nơi suối vàng chắc cũng sẽ đồng lòng nhất trí cao với lão. Đang đắm đuối trong những suy tính cho tương lai thì lão Chí nghe tiếng thằng cháu rể ngay bên tai:

- Ông ơi, về được chưa ạ?

Lão Chí giật mình, đứng bật dậy khỏi ghế như người vừa tỉnh cơn mê. Thằng cháu cười cười:

- Ông sao thế? Đang mơ màng gì vậy? Hay có bà thi nhân kháu lão nào hút hồn ông rồi?

- Bố nhà anh. Đến khi nào thế? Làm ông giật cả mình. Về luôn hả cháu? 

Hai ông cháu nhà lão Chí thi nhân lặng lẽ rời khỏi hội trường. Buổi lễ bế giảng lớp viết văn vẫn đang tưng bừng, náo nhiệt. Hơn tám chục học viên hôm nay gần như đủ mặt anh hào. Họ đang từng tốp, từng tốp chụp ảnh lưu niệm với thầy cô giảng viên và ban tổ chức lớp học trước nền phông chữ "Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng viết văn khóa…" tươi rói, lung linh.

Cuối cùng, chỉ mỗi hai buổi học là lão Chí thấy thích nhất, thấy hợp với khả năng nghe và tiếp thu của lão nhất. Chỉ hai buổi ấy thi nhân làng Đồi có thể quên thời gian và quên cả cái cột sống thoái hóa. Đó là buổi bắt đầu và buổi kết thúc khóa học viết văn. Điều này cũng nên nói ra lắm ý.

Truyện ngắn của Y Mùi
.
.