Làm chứng chuyên nghiệp

Thứ Bảy, 06/01/2018, 08:05
Khi cảnh sát đến nơi chiếc xe máy gây ra tai nạn, những người xúm lại xem trước đó bỏ đi hết, chỉ còn một mình Lý Tứ đứng ngây ra như một tảng đá, trở thành người duy nhất chứng kiến sự việc.

Người bị nạn được đưa lên xe cấp cứu kéo tay Lý Tứ, cảm động nói: “Cảm ơn! Cảm ơn anh nhiều! Thật khó tìm được một người làm chứng nhiệt tình như anh! Cảm ơn! Cảm ơn!”. Trong tay Lý Tứ lúc này chợt thấy có tờ 100 nhân dân tệ.

Âm thanh sột soạt của tờ giấy bạc kích thích mãnh liệt vào thần kinh Lý Tứ! Đây là lần đầu tiên y có thu nhập từ khi thất nghiệp cách đây hai tháng. Sóng lòng Lý Tứ cuộn dâng bởi nghĩa cử vừa rồi thì ít, mà bởi sự trả công quá hậu hĩnh của người bị nạn thì nhiều! Chỗ ngoặt này là đoạn đường thường xảy ra tai nạn, cứ năm ba ngày lại có một vụ. Lý Tứ bỗng nghĩ ra một cách kiếm tiền mới.

Hằng ngày Lý Tứ ra nơi xảy ra sự cố rất sớm, mang theo chiếc máy ảnh cũ, chăm chú theo dõi người xe qua lại trên đoạn đường này từ lúc bình minh cho tới khi mặt trời khuất núi. Đúng là, sự kiên trì của Lý Tứ đã được đền đáp. Sang ngày thứ ba, quả nhiên ở đây xảy ra một vụ tai nạn do hai ô-tô tông nhau.

Minh họa: Lê Tâm.

Lý Tứ nhanh tay ghi lại mấy pô ảnh đen trắng. Tài xế hai xe cãi nhau, ai cũng bảo mình đi đúng luật. Cảnh sát tới. Lý Tứ nói với người tài xế đi đúng luật hơn: “Tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc và có chứng cứ rõ ràng có lợi cho anh, không biết anh có cần? Tôi đã chụp được mấy tấm ảnh, rất tiếc là, nếu đưa cả cuộn phim cho anh thì tôi không còn phim để tiếp tục tác nghiệp…”. Anh lái xe rất sáng dạ hiểu ngay ý tứ của Lý Tứ bèn dúi vào tay y 50 tệ.

Một tháng sau, khi thu nhập của Lý Tứ bắt đầu khá lên so với việc đi làm công nhật, nhất là lúc nào cũng được nghe những lời cảm ơn, những lời khen ngợi từ người bị nạn và cảnh sát giao thông, cách nhìn nhận vấn đề của Lý Tứ cũng khác trước. Người được y bênh vực đưa tiền cho y đã đành, ngay cả người kia cũng lén lút đút tiền cho y nhờ y nói khéo để được nhẹ tội! Lý Tứ tự nhiên được tiền của cả hai phía. Và, y thực thi phương sách mới, lần lượt nói với từng bên “anh có cần tôi làm chứng có lợi cho anh không?”. Vậy là, hai bên hình thành thế giằng co, Lý Tứ được lợi gấp hai lần!

Thế rồi, sau một thời gian Lý Tứ bỗng thấy thu nhập của mình giảm sút hẳn. Thì ra, cảnh sát giao thông thấy mất bò nên lo làm chuồng, lập tức lắp đặt các biển báo giao thông, cử các nhân viên giàu kinh nghiệm chốt giữ tại các “điểm đen” dỡ bỏ các vật kiến trúc, chặt hạ cây cối che chắn tầm nhìn của người tham gia giao thông, mở rộng mặt đường tại các điểm cua gấp… Lý Tứ vừa thay mới phương tiện hành nghề lập tức rơi vào tình thế phải đối mặt với cục diện kinh doanh không mấy thuận lợi!

Trên đoạn đường Lý Tứ vẫn thường làm ăn, một đêm nọ y gặp một tai nạn giao thông, một chiếc xe tải lớn chở đầy hàng, vì tránh gấp một chiếc xe khách ngược chiều đã quay 360 độ trên sườn dốc, hai bên thùng xe bung ra, hàng hóa văng đầy đường. Cảnh sát giao thông phạt cả hai lái xe vì đã không chịu quan sát biển báo, nhưng cả hai đều nói, không hề thấy biển báo nào cả! Lúc này cảnh sát mới phát hiện ra, các tấm biển báo giao thông trên đoạn đường này đã không cánh mà bay tự lúc nào! Cảnh sát nghi ngờ, chất vấn Lý Tứ, y chối đây đẩy: “Ai có thể chứng minh là tôi phá hoại các biển báo giao thông?”.

Ngay lúc đó, một người trạc tuổi Lý Tứ từ bên kia đường đi tới: “Tôi có đầy đủ chứng cứ. Tôi thấy anh nhiều đêm liền lảng vảng ở đây. Tôi còn chụp ảnh sự việc, hoàn toàn có thể cung cấp cho cảnh sát những bằng chứng xác thực về việc các biển báo giao thông biến mất! Điều đó cũng có nghĩa là, cả hai bác tài đây đều đúng!”. Trước bằng chứng không thể chối cãi, Lý Tứ buộc phải tra tay vào còng số 8.

Khi bị tống lên xe cảnh sát, Lý Tứ liếc nhìn hai anh tài xế, họ đang dúi vào tay anh thanh niên nọ một thứ gì đó. Dù không thấy rõ nhưng Lý Tứ cũng thừa biết đó là gì rồi!
Truyện vui của Trình Hiến Đào (Trung Quốc)- Trà Ly (dịch)
.
.