Lá ngón

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:05
Lệnh bắt Lử và Cay đã có, Phừ và bốn trinh sát có kinh nghiệm điều tra và bắt tội phạm ở tuyến trên điều về đang cùng làm việc để đưa ra phương án tốt nhất. Phừ bị loại khỏi tổ công tác vì mối quan hệ rắc rối của anh và đối tượng. Thế đấy, anh là kẻ không hoàn thành nhiệm vụ, là kẻ công tư không phân minh...

- Vẫn là lá ngón!

Phừ chua chát thốt lên như vậy.

Ngồi xổm bên bục thềm đắp bằng đất bị mấy con lợn thả rông cọ lưng vào nhẵn thín, Phừ đợi Cay mang cơm cho vợ từ trạm xá về. Hạng Thị A, vợ Cay may mà được cứu sống. Xưa nay "hung thần" lá ngón đã bỏ bùa ai thì đố mà giải được. Thế mà vợ Cay lại thoát chết vì được phát hiện sớm... Người vợ trước của Cay cũng chết vì thứ lá ấy. Phừ rùng mình không dám nghĩ tiếp.

Phừ đợi Cay từ lúc mặt trời ở trên đỉnh đầu đến lúc bóng chiều kéo cái bóng của anh dài ngoẵng, đầu chạm vào chum nước. Cay vẫn chưa về... Ba đứa con của Cay khiêng chảo cơm ra gần bếp lửa nguội ngắt, đang chia nhau từng mảng cháy vàng sậm vì quá lửa. Cơm gạo nương càng nguội càng dẻo, chúng ăn một cách ngon lành. Chúng dường như không biết là mẹ chúng vừa chết hụt. Phừ nuốt khan cái gì đó vương vướng nơi cổ rồi chống gối đi vào nhà. Căn nhà của vợ chồng Cay tối om vì cái cửa ngách cài kín và cửa chính thì khép vào một bên cánh gỗ.

Muỗi đói ùa vào nhà kêu ngứa cả tai, Phừ bồn chồn ngó nghiêng khắp nhà và bảo bọn trẻ đốt lửa lên cho ấm. Ánh lửa toát lên từ những thân cây lanh khô, lùng bùng cháy. Phừ ngửi thấy mùi thịt dê, mùi rượu nồng nặc của bữa tiệc đêm trước. Đêm trước nhà Cay có cỗ thì phải. Anh không hỏi gì bọn trẻ con cả thì một đứa trẻ mau miệng:

- Nó vào rừng rồi!

Cay vào rừng làm gì? Phừ chưa kịp hỏi tiếp con bé thì Cay đã về, xoè hai bàn tay bầm dập và con dao dựa lam nham mẻ. Cay hổn hển: "Tao giết, giết hết, một ngày không hết thì một tháng, một năm. Chặt cành nó không chết thì tao đào cả gốc cả rễ, tao thù cái giống ác độc". Nước mắt Cay ứa ra, lấp lánh lăn xuống gò má. Phừ thương bạn quá mà không nói được lời nào. Anh vớ cái sừng trâu treo trên cột nhà và dốc ngược, chỉ còn vài giọt rượu đùng đục rỉ ra. Anh muốn hỏi Cay cơn cớ làm sao mà nên chuyện thì lại sợ khơi vào chuyện buồn của Cay nên cứ im lặng. Bóng tối tràn vào nhà vây lấy bếp lửa tạo thành một quầng sáng nhỏ, dai dẳng phát sáng nhưng không đủ sưởi ấm cho ba gian nhà thiếu vắng hơi người đàn bà.

Bỗng dưng Phừ buột miệng:

- Nó không sao là may rồi.

Cay nhếch mép, mấy sợi ria quá lứa quăn queo khẽ động đậy: "Nó mà chết, tao đốt hết cả cánh rừng kia". Không được rồi, nghĩ thế và nói thế là không được rồi. Phừ lắc đầu, không nói lời nào cả, tính nết Cay vẫn thế, không thay đổi được là mấy. Rất dễ bị kích động, rất dễ bị những điều xấu xa lợi dụng. Cay cười nhạt:

- Mày làm công an xã, mày ăn lương nhà nước nên mày nói tốt cho nhà nước, mày khinh những đứa làm việc xấu ảnh hưởng đến nhà nước chứ gì? Tao mà biết mày có thể cho A một cuộc sống đầy đủ hơn, tao đã không lấy nó...

- Mày lại hiểu sai ý tao rồi. Đêm qua bọn nó bắt dê của người Giáy về đây mổ phải không? A không ăn thịt, mày chửi nó phải không?

Mắt Cay long lên vì lời buộc tội của người bạn thân từ thuở cởi truồng chăn trâu, và trong cơn bực bội, Cay lỡ lời tuôn ra những bí mật:

- Không phải. Nó không ăn thịt dê bao giờ cả chứ không phải thịt dê trộm. Nó dọa sẽ ăn lá ngón chết nếu tao còn bán thuốc cho thằng Lử. Nó sợ xấu hổ khi phải nhìn thấy mày bắt tao nộp cho công an.

Lửa trong bếp nguội dần và lửa trong hai cái đầu đàn ông cũng nguội rồi. Họ thấy lạnh và xích lại gần nhau. Khi da thịt hai người chỉ cách nhau mấy lớp vải chàm mỏng, Phừ mới nhẹ nhàng:

- Mày nói thật đi, đã nghiện chưa?

Cay cười buồn bã: "Chưa, chưa kịp, thằng Lử đưa gói thuốc cho tao, A nhìn thấy, giật lấy và đem ném vào lửa, tao tát nó hai cái và bảo nó mở to mắt ra mà nhìn, tao định dùng thuốc ngay trước mặt nó để cho nó biết thằng Cay đếch sợ vợ. Thằng Lử bảo bán thuốc mà không dùng thuốc thì công an cho ngồi tù có ngày. A chạy đi, tao tưởng nó đi tìm mày nên đi theo, nhưng nó lại vào rừng tìm lá ngón. Thằng Lử ác thật, nó bảo để cho chết, nó cưới cho đứa khác đẹp hơn".

Minh họa: Tô Chiêm.

Cay thở một hơi rồi lại tiếp tục: "Ngày trước, San chết, tao tưởng nó tức tao uống rượu nhiều, đánh nó đau. Bây giờ tao biết nó chết vì xấu hổ, vì thấy nhục". "Có phải mày nể tao là bạn mày nên mày không cho bắt tao? Có phải mày còn thương A nên sợ tao ngồi tù thì nó khổ? Mày cứ nói đi, đàn ông thì có gì mà không dám nói chứ".

Phừ gật đầu: "Tao nể mày, chính là tao đã hại mày, tao thương A chính là tao đã giết A đấy. Hôm qua A mà chết thì người có tội là tao, mày có hiểu không? Mày nên trình diện và khai báo tất cả đi. Chỉ tại tao, chính tao đã không tin là mày lại dại dột thế".

Sáng hôm sau. Tờ mờ, Cay đã lên trạm xá đón vợ về rồi, giết gà luộc cho vợ con ăn xong, Cay bảo có việc lên xã gặp Phừ và mấy người. Cay còn dặn vợ, nếu thằng Lử đến thì phải nói với Lử là Cay vào rừng đốt than đấy...

Phừ cứ đi đi lại lại ngoài sân trụ sở xã mà bụng thấy bồn chồn bất an. Trong phòng làm việc, mọi người đang nói chuyện lá ngón. Thì ở cái bản này, nếu bỗng dưng nói chuyện ai đó chết vì ăn lá ngón thì cũng bình thường thôi. Người dân tộc khác có thể chọn sự giải thoát bằng thuốc ngủ, thuốc độc, nhảy sông, nhảy giếng, nhảy lầu hay treo cổ.

Nhưng với người Mông, đặc biệt là đàn bà con gái thì không có chọn lựa nào khác ngoài lá ngón cả. Loài cây ấy mọc trong rừng rất nhiều, rất dễ thấy và những cái lá xanh non rất đỗi hiền lành. Rừng xanh bao dung nuôi dưỡng, chở che muôn cây cối. Có cây làm thuốc chữa bệnh để giữ gìn mạng sống thì cũng có cây sẽ cướp đi mạng sống của con người trong lúc cùng quẫn. Muôn cây làm thuốc, chỉ một cây giết người, vì thế người đi rừng hễ gặp cây lá ngón là thẳng tay chém bỏ.

Nhưng lạ lùng thay, loài cây này sống dai dẳng trong lúc người đàn bà Mông lại rất dễ bị tổn thương. Cực nhọc, vất vả, đói khát, họ chịu đựng được tất cả, nhưng sự xúc phạm thì không. Con gái bị phụ tình, có lá ngón. Vợ bị chồng sỉ nhục, coi thường, có lá ngón. Mẹ bị con cái tệ bạc, rẻ rúng, cũng lá ngón. Thậm chí, chị em gái xích mích bất hoà cũng tìm giải pháp lá ngón.

Phừ sinh ra và lớn lên ở đây, bên cạnh Cay như ngọn măng mọc cạnh ngọn măng, cây cỏ mọc cùng cây cỏ. Khác chăng Phừ được đi học nhiều hơn nên nhìn xa hơn và được làm cán bộ cốt cán của xã. Qua đợt tập huấn về công tác quản lý hành chính và an ninh trật tự địa bàn ở trên huyện Phừ cũng đặt ra được một câu hỏi xác đáng đó là: "Nếu ai cũng vì túng quẫn mà làm liều như cái thằng Cay thì liệu cái bản Mông này có còn bình yên được?". Thế là phải bắt đầu từ thằng bạn thân với các hành vi "Chống phá và đi ngược".

Nhưng tính Cay thì Phừ hiểu hơn ai hết. Nó là con ngựa không có cương, là con trâu chưa bị sỏ sẽo... Nó chưa biết thế nào là sợ cả, mấy lời mặn nhạt đêm qua chắc gì nó đã nghe được và ngấm được. Thằng Lử là người khác huyện, lần mò về góc rừng này như con ma sợ ánh sáng ban ngày, được thằng Cay tiếp tay trở nên ngang nhiên hơn.

Với chức phận của mình tại sao Phừ lại không bắt thằng Lử trước? Thằng Cay đã nói: "Măng có cái đắng cái ngọt, người có kẻ tốt người xấu, người như thằng Lử không ít đâu". Nghĩa là thằng Lử này bị bắt lại có thằng Lử khác mọc lên. Chỉ trong một tháng, chỉ quanh khu vực mà Phừ biết, có ba người bị chết vì ma tuý, mà đều là do sốc thuốc. Có hai nam thanh niên và một bé gái tám tuổi. Vậy thì tội ác ở trong con người mà Phừ gọi là bạn, là cố tỉ rồi. Phải bắt nó thôi.

Nhưng giờ này mà thằng Cay còn chưa ra trụ sở trình diện thì biết tìm nó ở đâu? Lệnh bắt người cũng chưa có, mà cho nó tự do một ngày để phân phát thứ thuốc độc hơn cả lá ngón ấy thì nguy hiểm lắm. Thằng Cay chỉ biết rằng, cái gì khiến con người ta chết ngay mới là độc, như lá ngón ấy. Còn nếu nói là ma tuý độc thì nó chưa tin...

Mặt trời đã lên cao. Ở đây, mặt trời khi qua được ngọn núi, qua được sương mù, qua được thảm lá dày đặc mà nhô lên thì đã trưa lắm rồi. Con kiến đã lẩm nhẩm bò trong bụng rồi. Cay vẫn bặt tăm. Dù biết Cay không có ở nhà nhưng Phử vẫn đi về hướng đó. Những con dê con nhảy cồm cồm trên đá. Những đài lá ngô non phất phơ. Những người đàn bà lụi cụi vun vun, xới xới, trưa không có nghĩa là phải về nhà. Họ đi làm theo ông mặt trời mà còn về sau cả ông mặt trời.

Trong số họ, có người là mẹ của những đứa con nghiện ma tuý đang bỏ nhà dặt dẹo trên phố. Có người là vợ của những ông chồng nghiện ngập vô trách nhiệm... Nếu như họ cũng dại dột như A mà tìm đến  lá ngón thì còn ai để làm xanh những hốc đá, những ven rừng? Nhưng Phừ buồn vì họ không biết phản kháng, chỉ biết khóc...

Từ xa, Phừ đã thấy A ngồi chải tóc bên bậu cửa. Vừa chải cô vừa ngắm hàng răng lược mà buồn bã. Phừ phải gắng gượng, cố làm ra vẻ tự nhiên để bước vào sân. Trông thấy Phừ, A chải tóc lên và cặp lại, phủ lên đầu cái khăn màu xanh lá lúa. Đôi môi nhợt nhạt, hố mắt trũng sâu, như kẻ vừa ốm dậy. A chỉ chỗ cho Phừ ngồi, đó là cái ghế gỗ trong nhà, nhưng Phừ không vào. Anh đứng ở sân, chỉ ra vạt nắng loang lổ trước nhà và hỏi: "Ấm rồi, sao chưa gieo hạt rau xuống?".

A thật thà: "Cay vứt đi rồi, nó bảo giống rau ở đồng bằng không sống trên núi đá được, từ sau anh đừng mang về cho nữa". Phừ cười, nghĩ bụng Cay ghen đấy. Ai bảo ngày xưa A đẹp nhất bản, nhất xã, giỏi giang khéo léo để bao nhiêu gã trai si mê lượn vòng quanh. Cay là trai đã có vợ chết mà vẫn lấy được A là vì lúc ấy Cay có trâu, có ruộng, có sức để cày cuốc nương nhà bố vợ, còn Phừ thì chúi mũi vào học hành. A lấy Cay, Phừ buồn cả năm, dù Cay là bạn thân đấy.

Nhưng rồi như con nước phải chảy qua ghềnh mới tung được bọt, mới reo được, Phừ phải có người con gái khác mới nguôi ngoai được mối tình đầu đơn phương thuở nào. Mà lạ thật, đứng trước A, dù A đã ba con, lúc nào con tim Phừ cũng vẫn xốn xang, nao núng.

Một suy nghĩ thoáng qua, Cay mà vào tù thì A sẽ thế nào? Phừ lại mềm lòng bước qua vạt sân nhỏ lúp xúp những bó lanh hong sương, dãi nắng cho dẻo sợi. Ánh mắt A mềm ấm như tia nắng mùa đông đủ để làm tan loãng mọi ý đồ dù xấu dù tốt vừa được nhen lên trong Phừ. Vì thế Phừ vội vàng trốn khỏi những tia nắng ấy...

Anh cứ bâng khuâng bước đi trong cái cảm giác hiếm hoi khó tả. Có người con gái một thời anh yêu thương đang dõi theo. Đến khi bàn chân đi dép của anh vấp vào đá đau điếng anh mới biết, anh đang đi trên con đường mòn xuyên qua cánh rừng nối xã của anh với xã bên cạnh rồi.

Vợ Phừ nắm cơm cho anh từ sáng sớm bỏ vào tay nải chàm nhạt. Bao giờ anh cũng đến uỷ ban xã với bộ đồ tinh tươm nhất. Cái mũ chàm bảy múi bóng láng, cái quần phẳng phiu và cái cổ áo xanh như tảng rêu, ngạo nghễ với những đường thêu sắc sảo nhất. Những gì anh mang trên người là do chị tự tay xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm và thêu thùa.

Vợ Phừ cũng đẹp nhưng mắt chị không có tia nắng tiễn chồng mỗi buổi sáng, chị chỉ cười rồi chúi đầu vào cối đậu giã dở hoặc sợi lanh đang tước, hoặc củi đuốc. Lâu rồi thành quen, anh đi và về như con gà ra vào chuồng mỗi ngày thôi. Chẳng có gì hối thúc, chẳng có gì chờ đợi. Nhưng nỗi niềm về A thì khác hẳn. Phừ ngồi xuống vệ cỏ bên đường, cố gạt đi những suy nghĩ rối bời.

Con đường mòn giữa rừng được tạo ra bởi những vệt kéo gỗ. Gỗ quý bị đốn ngã, đóng đinh quai vào gốc rồi dùng trâu kéo về. Móng trâu bập xuống con đường mòn vẹt mỗi buổi chiều tà. Khi trời xanh rùng mình đổ mưa thì con đường thành con suối nhỏ chảy nhớp nháp. Đang ngày nắng, nhìn xa con đường giống như vệt roi bầm trên da thịt người, minh chứng cho những quằn quại, đau đớn. Phừ có linh cảm, Cay đang trên đường đi gặp thằng Lử về và trên người Cay thế nào cũng có thuốc...

Nhưng linh cảm của Phừ đã sai. Ngồi chổm chổm trước mắt anh như con gấu chó kia là thằng Lử với khuôn mặt xanh nhạt và ánh mắt tối om om giấu kín những thủ đoạn xấu xa. Nó chìa cho Phừ xem con dao nhọn có máu làm Phừ thoáng gai người: "Tao và thằng Cay vừa kết nghĩa anh em sống chết có nhau rồi, mày mà làm gì, người của tao lên Mường Cón về giết mẹ con con A trước tiên".

Mặt thằng Lử nhơn nhơn đắc ý làm máu trong huyết quản Phừ sôi lên. Mày dám thách thức, dám doạ nạt tao hay sao. Cơ bắp cuộn lên qua lớp vải chàm của Phừ làm thằng Lử hồ nghi lùi lại mấy bước. Nhưng nắm tay đã vo tròn thì không thể duỗi ra nữa, Phừ ngồi bật dậy chạy theo thằng Lử. Thằng Lử nhăm nhăm con dao trong tay, hai mắt mở thao láo, đồng tử xám xịt đảo qua đảo lại theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhất của Phừ.

Nhưng chẳng khó khăn mấy cho Phừ khi anh quật ngửa thằng Lử và tước con dao của nó. Tay anh vừa chạm vào cái tay nải của thằng Lử thì Cay ở đâu xuất hiện với cái gậy to trong tay. Trong khi Phừ đè ngửa lấy Lử thì Cay xô lại đoạt lấy cái tay nải của Lử và vung gậy lên. Phừ tối tăm mặt mũi rồi ngất đi...

Anh tỉnh, ngồi dậy được thì mặt trăng đã le lói xiên qua tán lá rừng trải lên những dấu chân trâu... Phừ cay đắng nhổ máu trong miệng ra và đưa tay sờ lên cái đầu sưng múp của mình. Chỉ nặng tay chút nữa là anh đã không bao giờ tỉnh dậy được. Lử và Cay đã ngang nhiên thách thức anh đây. Việc trước tiên là phải về trụ sở xã để trình báo sự việc và xin ý kiến lãnh đạo đã. Bụng đói cồn cào mà bàn tay Phừ chạm vào nắm cơm nguội ngắt lại bỏ ra...

Đến ngã ba đường. Một đường mòn đi xuống suối, qua suối là đến bản của người Giáy, ranh giới tự nhiên của người Giáy và người Mông vùng này. Một đường to, rộng đi lên uỷ ban xã và trường học, một đường đi vào khu dân cư người Mông mà nhà của vợ chồng Cay là ngôi nhà đầu tiên. Đã định đi về trụ sở xã mà lính quýnh thế nào, bước chân đói khát của Phừ lại đi về phía bản, nơi có ánh lửa ấm áp, có tiếng khèn môi dặt dìu tình tứ của người trai đang yêu...

Thế là chẳng cưỡng được, Phừ đi về phía ấy. Đến gần ngôi nhà đầu tiên, ngôi nhà nhỏ lợp Proximăng tinh khôi dưới ánh trăng. Trên một phiến đá phẳng gần nhà có một đôi trai gái đang say sưa nhảy dưới ánh trăng, người con gái hát và người con trai vừa thổi khèn vừa nhảy. Chẳng cần nhìn, chỉ cần nghe tiếng khèn và tiếng hát thì Phử  cũng nhận ra cặp trai gái ấy là A và Cay...

Một thoáng ghen tuông, một thoáng thương xót và một thoáng giày vò. Phử lại quay lưng lại với phiến đá với tiếng khèn và tiếng hát.

Lệnh bắt Lử và Cay đã có, Phừ và bốn trinh sát có kinh nghiệm điều tra và bắt tội phạm ở tuyến trên điều về đang cùng làm việc để đưa ra phương án tốt nhất. Phừ bị loại khỏi tổ công tác vì mối quan hệ rắc rối của anh và đối tượng. Thế đấy, anh là kẻ không hoàn thành nhiệm vụ, là kẻ công tư không phân minh.

Anh định dùng tình cảm, lẽ phải để cảm hoá và quy hàng đối tượng nhưng không thành. Bị kỉ luật đã đành, anh còn có cảm giác mình là kẻ vô dụng. Anh đã xem hàng loạt phóng sự điều tra và truy bắt đối tượng. Đó là khi đối tượng mất cảnh giác nhất, như khi ngủ với vợ con hoặc ăn cơm với bố mẹ, hoặc trốn trong chùa chiền...

Nhưng Phừ lại không làm được, không vượt qua được cảnh ân ái cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ. Cay rất yêu vợ, biết được ngày chia ly đã tới gần, có thể Cay đã nói dối vợ là đã đi trình báo và được tha bổng. Thảo nào ánh mắt A lúc trưa nhìn Phừ như có lửa, vừa biết ơn, vừa hân hoan rạng rỡ. A ngây thơ nhảy múa bên người chồng mà cô những tưởng đã hoàn lương. Phừ không muốn cướp đi niềm hạnh phúc giản dị của người vợ trẻ ấy, dù tội của Cay là trầm trọng và phải trừng phạt thích đáng... Cay đã sai khi nghe theo Lử và kết anh em với kẻ phạm tội, để rồi lưới trời lồng lộng, cái ác không thể dung tha.

*

Thằng Lử bị tra tay vào còng số 8 với tang chứng vật chứng rõ ràng không thể chối cãi. Cái tin Cay trốn thoát làm Phừ lo lắng tột cùng. Phừ bổ đi tìm, anh không mang theo vũ khí. Anh đi tìm Cay như con thú đầu đàn đi tìm con bị lạc, bị chấn thương, bị bỏ rơi... Phừ đến tất những nơi hai người đã đến, từng bờ suối, từng hốc núi, từng hang đá... những nơi mà chỉ có Phừ và Cay biết...

Tự nhiên anh lại có cảm giác biết ơn đối với cấp trên khi họ không cho anh tham gia bắt Cay. Nếu để anh làm có lẽ lại thêm một lần thất bại. Bao giờ anh cũng thất bại trước Cay. Cay học được một tý chữ, nói tiếng phổ thông còn ngọng. Nhưng Cay thổi khèn hay nhất nhì trong bản. Có vợ rồi mà khối đứa con gái còn mê mệt. Cay đến chợ tình là có tình. Cay lên rừng là có gà, có thú. Cay xuống suối là có cá ăn.

Cuộc sống của Cay vất vả vì đông con, vì mẹ đẻ đau ốm nhưng lúc nào Cay cũng phong lưu khác người. Thằng Lử gian ngoan đã chọn Cay để đưa thuốc độc vào vùng đất này. Đó là điều không ai ngờ tới. Người vợ đầu tiên chết vì sự sa ngã của Cay cũng chưa khiến Cay mở mắt.

Chỉ đến khi A tự vẫn, Cay mới mù mờ nhận ra. Nhưng thằng Lử quỷ quyệt lại đổ cái tội giết A lên lá ngón, lên Phừ, lên chính quyền, khiến Cay hiểu rằng A sợ Cay bị cầm tù và bị giết chết... Thế là Cay dấn thân vào bãi bùn nhơ mà không rút ra được, đằng nào cũng phải chết cơ mà...

Lần theo những phán đoán, Phừ đi về phía rừng già, đến bên bờ vực sâu hút, nước óc ách chảy. Không đời nào Cay nhảy xuống đây cả. Dù có là con thú cùng đường thì Cay cũng không chọn lối thoát này. Phừ bắc tay lên miệng hú gọi.

Tiếng gọi của anh len qua rừng, lọt xuống khe, đập vào vách núi, u, u dội vào tai anh, biến dạng thành tiếng kêu của con thú bị thương... Anh không hú gọi nữa. Anh lần xuống mép suối, con suối mùa đông cạn nước, đáy trơ ra những viên sỏi tròn trịa ướt át và an phận. Những viên sỏi sao mà lành hiền đáng thương như lũ đàn bà con gái bản anh.

Anh thấy thương cho A, cho vợ anh, thương cho niềm tin đã đặt vào ai là bất di bất dịch, để rồi khi niềm tin bị đổ vỡ thì không chịu đựng nổi. Anh thấy thương cho Cay, thương cho cái sự hiểu biết ít ỏi. Và thấy thương cho bản thân mình, một đứa trai có học hành, có hiểu biết mà không cứu được bạn, để vợ bạn phải chết vì xấu hổ. Thế ra lòng tự trọng ở đàn bà còn lớn hơn, sự phản kháng cái xấu còn mãnh liệt hơn ở những người đàn ông hiểu biết như anh. Nghĩ đến San và cái chết của cô, tự nhiên anh hoảng hốt. Anh ngồi bật dậy, tất tả đi ngược dốc về phía nương nhà Cay.

Từ xa, một cái bóng áo chàm nằm vắt ngang mộ San, làm Phừ rụng rời. Anh lại là kẻ đến muộn. Phừ nâng Cay ngồi dậy, khoé mép Cay rỉ ra một vệt máu đen. Có lẽ Cay là người đàn ông đầu tiên ở bản Mông này chết bằng lá ngón. 

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
.
.