Không hẹn mùa côm cốm

Thứ Sáu, 17/01/2014, 08:30

Suốt mấy năm sau đó tôi vẫn không thể nào quen được cảm giác vắng chị. Những lần đi học đội mưa về nhìn lên đồi thấy từng vạt hoa côm cốm ướt sũng là tôi lại nhớ chị đến trào nước mắt. Tôi thấy mình lạc lõng và cô đơn, thấy mình như đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi giữa chốn thị thành láo nháo và đầy cám dỗ. Những lúc ấy, tôi hận chị đã bỏ tôi mà đi. Tôi không cần tiền, tôi chỉ cần chị, có chị thôi là đủ. Rồi tôi sẽ đi làm, sẽ nuôi chị. Tôi thà chịu khổ còn hơn phải sống đối diện với nỗi cô đơn và sợ hãi của mình. Nhưng rồi không thể, tôi học cách đối diện với nó và chai lì lớn lên...

Tôi đợi ở ga tàu nốt tiếng đồng hồ này nữa là vừa một buổi sáng ròng. Tàu trễ đến gần 6 tiếng đồng hồ làm tôi đứng ngồi không yên, cứ nóng ruột, lo lắng lẫn hồi hộp rồi lại nản chí. Người người chen chúc trên sân ga lúc sáng tới giờ cũng đã vãn dần. Tôi đốt thuốc liên tục, vừa đốt vừa nhìn đồng hồ đến nhìn ra ngoài bãi ngô cao ngút đầu người chờ mong một tiếng còi tàu đến tha thiết. Đến khi không chịu nổi nữa, tôi định bụng đứng dậy ra ngoài thì đồng hồ tích tích gõ 12 tiếng đều đặn và khô khốc, cũng là lúc con tàu tôi mong đợi đã kéo còi vào ga cuối. Bao nhiêu bực dọc nhấm nhẳn, khó chịu phút chốc trôi tuột. Chỉ còn lại trong tôi nỗi háo hức, quýnh quáng. Nóng ruột đến không thể tả. Tôi chờ đợi chị tôi.

Vậy là chị rời xa tôi đến nay đã ngót 20 năm rồi. Thời gian tưởng dài lê thê hóa ra lại cứ như chớp mắt. Mới vừa đây thôi, hai chị em tôi còn cõng nhau ra thắp hương cho bố mẹ. Tôi thắp hương, chị ngồi sụp giữa đám cỏ may óng ánh nhặt cỏ. Chị vừa nhặt vừa nói chuyện một mình rằng không biết đến bao giờ mới có thể đủ tiền để xây được mộ cho bố mẹ. Mà nếu có xây được mộ rồi chị cũng sẽ chừa một ô đất nho nhỏ trồng vào đó một bụi cây côm cốm: "Bố chắc xuống dưới đó cũng không bỏ được nghề vớt củi. Mỗi bận đi vớt củi lụt về, người bố lại tưa tướp đầy máu, phải có một cây côm cốm để bố cầm máu như ngày đang sống vậy".

Tôi không tham gia vào câu chuyện của chị, nhưng hễ cứ nghe đến đó là lại khó cầm lòng. Ấy vậy mà sau thời gian làm ở biển bãi Ngang một thời gian, chị quyết định ra đi. Ngày trước khi đi, hai chị em tôi ngồi lặng lẽ với nhau trên bờ đê. Từ bờ đê này, qua một vùng đất cát, chỗ con lạch thông ra với biển. Xa xa giữa mặt biển tối thẫm, những ánh đèn câu mực lấp lánh như lân tinh vậy.  Tôi tựa lưng vào chị. Chị ngả người vào tôi. Hai chị em dựa vào nhau như một cái nạng chống vào cây sau những ngày sau bão. Nghĩ đến chuyện nay mai đây không có chị, tự nhiên tôi buồn, ôm lấy chị rấm rứt khóc. Chị ôm lấy đầu tôi thì thầm:

- Nhà chỉ còn hai chị em, chị không nỡ. Nhưng nghèo quá, phải tính thôi. Chị đã hứa với bố mẹ rồi, phải cho em đi học bằng người.

- Không - Tôi òa lên khóc - Em cần có chị. Chị ơi! Em cần có chị.

- Bây giờ em đã lớn rồi, đã thi đậu đại học thì nay mai sẽ phải lên thành phố. Ở quê, chị không thể kiếm đủ tiền để nuôi em đi học được. Chị đi rồi, vườn tược em cứ để cho các chú các mự quanh nhà trồng rau trồng màu cho đỡ cô quạnh, nhà em cứ đóng cửa, thi thoảng về thắp hương cho bố mẹ đỡ tủi. Chị sẽ gửi tiền về nuôi em.

Suốt mấy năm sau đó tôi vẫn không thể nào quen được cảm giác vắng chị. Những lần đi học đội mưa về nhìn lên đồi thấy từng vạt hoa côm cốm ướt sũng là tôi lại nhớ chị đến trào nước mắt. Tôi thấy mình lạc lõng và cô đơn, thấy mình như đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi giữa chốn thị thành láo nháo và đầy cám dỗ. Những lúc ấy, tôi hận chị đã bỏ tôi mà đi. Tôi không cần tiền, tôi chỉ cần chị, có chị thôi là đủ. Rồi tôi sẽ đi làm, sẽ nuôi chị. Tôi thà chịu khổ còn hơn phải sống đối diện với nỗi cô đơn và sợ hãi của mình. Nhưng rồi không thể, tôi học cách đối diện với nó và chai lì lớn lên.

Tôi tốt nghiệp đại học rồi ở lại thành phố. Thú thật khi đã quen với lối sống thị thành, tôi không thể về quê. Dạo vừa mới học xong tôi đã có ý định về nhà sửa sang vườn tược, nhưng rồi loanh quanh làng trên xóm dưới, tiếp xúc với mọi người tôi quyết định trở lại thành phố. Tôi gọi điện cho chị, chị lặng đi một lúc rồi trả lời:

- Tùy cậu, sống ở đâu mà cậu thấy thoải mái và tốt nhất là được. Nhưng tuyệt đối không được dứt quê hương. Thiếu quê hương là không còn gì nữa đâu cậu ạ. Dù có thiếu thốn đến mấy cũng không được bán vườn tược bố mẹ để lại.

- Vâng!

Tôi nhẹ lòng. Thật ra lúc ấy tôi chỉ trả lời một cách đãi bôi với chị để chị yên tâm về tôi. Phần tôi, bao nhiêu năm sống một mình, tôi đã cho mình cái quyền được tự quyết định cách sống mà mình cho là đúng đắn. Cho dù chị đã nuôi nấng tôi nên người chị cũng không thể quyết định thay tôi được.

Mọi thứ đến với tôi đều nhẹ nhàng. Công việc, gia đình đều cứ thế thuận đà và tôi đã thực sự làm chủ cuộc sống của mình một cách vững chắc. Chỉ có một điều, tôi đã không nhận ra ngay từ ngày đó, tôi đã mất chị. Vĩnh viễn mất chị, dẫu chị vẫn đều đều gửi tiền cho tôi qua tài khoản ngân hàng mỗi khi tôi nói về việc kinh doanh đang gặp rắc rối mà không hỏi han gì thêm. Mỗi năm ngày giỗ bố mẹ, chị gọi điện về nhắc nhở. Tôi cần chị như cần một cái ngân hàng có thể rút tiền ra mà không cần lo lắng về khoản nợ lẫn lãi suất. Tuyệt nhiên, tôi quên đi mất không hỏi chị tôi rằng chị có khỏe không, gia đình của chị thế nào, chị sống ở xứ người ra sao và có còn nhớ đến cả khu vườn rực màu trắng, xanh tím của loài hoa côm cốm mà chị hằng yêu thích?

Sau này, khi ổn định việc làm ăn rồi, trong một lần gọi điện về, chị có hỏi chuyện về cây côm cốm bây giờ ra sao. Tôi nói tôi lâu lắm rồi không về quê, đợt trước về thấy vườn hoang quá, thuê người chặt hết vườn tược cho thoáng và cho các bà các mự xung quanh trồng rau cho sạch sẽ. Chị tôi lặng đi một lúc rồi cười:

- Cậu làm thế cũng phải. Chị chắc không trở về nữa đâu, những gì của bố mẹ tùy cậu quyết định. Chỉ tiếc...

Chị bỏ lửng câu nói rồi cúp máy. Tôi thoáng bần thần rồi cũng quên. Công việc bận rộn, gia đình vợ con khiến tôi ít có thời gian rảnh rỗi. Việc về quê thăm nhà cũng vì thế mà vơi đi nhiều.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Con gái tôi gọi điện:

- Ba à, con vừa đậu học sinh giỏi, ba thưởng gì con?

- Tốt quá, để ba thu xếp, cả nhà mình sẽ đi du lịch một chuyến.

- Con không thích - Con bé dằn dỗi - Con muốn về quê.

Chiều con gái, tôi đưa cả nhà về quê. Định chỉ ở chơi ít ngày thôi nhưng con bé cứ lần lữa không muốn về thành phố vội. Thấy tôi về, hàng xóm láng giềng xôn xao gọi mời chơi nhà uống nước. Tôi đưa vợ con ra mắt họ hàng, tiện thể mời mọi người ăn bữa cơm cuối năm ấm cúng.

Tôi ngồi lặng lẽ bên chiếc ghế xích đu trước hiên nhà. Chiếc xích đu được bố  làm từ mảnh ván gỗ bố vớt được dưới sông trong lần đi vớt củi lụt. Làng tôi ở cạnh sông, cứ mùa lũ đến, nước từ thượng nguồn sùng sục đổ về kéo theo những cây gỗ và củi là cả làng lại ra sông vớt củi tấp đầy cả một ràn bò, đủ cho cả năm trời đun nấu, củi lửa. Ngày đó, đang trong mùa nắng, bố tôi dỡ củi khô lấy tấm ván đen bóng hì hụi làm cho tôi cái xích đu treo ngay dưới gốc cây trứng gà trước sân, lấy chỗ chơi cho cu con khi chờ mẹ đi chợ về. Sau này, khi bố mẹ tôi mất, anh Thực đã thay mấy lần dây thừng nhưng tấm ván thì vẫn giữ nguyên đen nhức. Chỗ xích đu ấy sau này là chỗ chị thường ru tôi ngủ trong những đêm nhớ mẹ nhọc nhằn. Là chỗ chị tôi thường ngồi chải tóc. Tóc chị đen bóng đổ xuống khoảnh sân lấp lánh đầy nắng.

Đang mải mê chuyện, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng con gái thét lên thất thanh rồi tắt lịm. Tôi vụt chạy ra ngoài vườn, dẫm lên một vùng hoa côm cốm nát bứa, nhầu nhĩ.

Khi tôi tìm được con đã thấy anh Thực dìu nó dậy. Thấy tôi, con bé òa lên khóc:

- Ba à, con rắn.

- Cậu. - Anh Thực chào tôi rồi cười - Không sao đâu, con bé chỉ bị xây xước nhẹ. Anh đã lấy cây côm cốm rịt vết thương cho nó rồi - Đoạn anh xoa đầu con bé - Cây côm cốm này thần kì lắm đấy cháu ạ.

Cả ngày hôm đó anh Thực ở lại uống rượu cùng tôi. Anh vốn kiệm lời, cứ lặng lẽ uống. Rượu đã ngà ngà rồi anh mới bắt đầu nói, giọng nhỏ nhẹ:

- Cậu, cậu đừng phá vùng côm cốm đó nhé.

- Vì sao ạ? Nó chỉ là cây hoang dại thôi mà. Em chưa có ý định trồng cây gì nên chưa phá, nhưng không biết trước được.

- Ừ - Anh Thực lại nói, vẫn giọng nhỏ nhẹ - Bây giờ đất rừng người ta cũng bán hết cả rồi. Duy một vùng cuối chân đồi của nhà cậu đây vẫn còn hoang, chưa trồng cây gì lên đó cả. Vùng này cơ man là côm cốm.

- Ít bữa em cho trồng ít keo tràm giữ đất.

- Ừ - Anh Thực lại nói nhỏ hơn như chỉ để một mình anh nghe vậy - Côm cốm là cây hoang. Càng chặt nó càng lên xanh tốt. Hoa nó bay đến đâu là cây mọc đến đó. Không thể nào hết được. Vùng này không thể nào hết loài hoa côm cốm được, Nhạn ạ.

Đêm hôm đó, tôi không ngủ. Câu nói cuối cùng của anh Thực làm tôi chạnh lòng nhớ chị. Không biết có phải do rượu không khi anh gọi tên tôi bằng tên chị tôi. Hay có nỗi lắng đọng mơ hồ nào đó thẳm sâu trong kí ức duềnh lên khiến anh lỡ lời. Hay anh mãi mãi không quên được người con gái mà anh đã yêu thương hẹn thề ngày đó.

Chập chờn trong giấc mơ tôi cứ hiện lên vườn cây côm cốm lúc chiều. Trong ánh nắng cuối ngày lóng lánh phủ trên rợp trời hoa côm cốm, con tôi tóc sổ tung đen bóng ngồi tựa lưng trên một mỏm đá đẹp như một bức tranh vậy. Ai cũng nói rằng con bé giống tôi, nhưng sao bây giờ nhìn nó tôi lại nghĩ đến hình ảnh chị tôi ngồi xoã tóc gội đầu bằng nước lá côm cốm.

Hồi đó chị cũng trạc tuổi con gái tôi bây giờ, cũng xinh đẹp khi đứng lặng trong vườn côm cốm. Tại sao hồi đó tôi không hề nghĩ đến chị tôi cũng chỉ lớn hơn tôi hai tuổi. Tôi cũng không nghĩ đến việc chị tôi có thể hẹn hò yêu đương như bao thanh niên trai gái trong làng khác. Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi òa khóc. Bao nhiêu những hình ảnh ngày xưa đột ngột quay về, quấn riết, bóp chặt tim tôi đến nghẹt thở: Hình ảnh một đứa trẻ ương bướng vùng vẫy trên đường đi học về vì muốn có một con tò he xanh đỏ; đứa con gái ngập ngừng mở chiếc túi rút nhỏ đựng tiền mua cho em nó rồi bần thần mất một lúc vì không biết phải lấy đâu ra tiền để đóng học phí cho em vào tháng tới...

Đứa con gái bé bỏng của tôi bây giờ vẫn còn làm nũng tôi mỗi ngày. Vậy mà chị tôi, khi bằng tuổi nó đã phải cáng đáng nuôi một đứa em bất trị chỉ kém chị hai tuổi. Chị giống như bố mẹ tôi, chăm chút cho tôi từng li từng tí, đến nỗi tôi cứ nghĩ chị như đã già cách tôi hàng chục tuổi. Tôi cứ thế tồng ngồng lớn lên bên chị như cây non tìm được giậu leo, cứ thế quấn quýt vào giàn.

Đã nhiều lần tôi nhìn thấy chị và anh Thực đứng nói chuyện với nhau cuối chân đồi, ngay khúc quanh con ngõ rẽ vào nhà tôi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến những cuộc trò chuyện hỏi han thân tình của người hàng xóm chứ không hề nghĩ đến chuyện anh yêu chị. Chỉ đến khi đám bạn trong làng đấm vai nhau thình thịch khi chị tôi đi ngang, tôi mới sững người nhận ra rằng chị tôi vẫn còn rất trẻ và đám bạn cùng trang lứa với tôi thách đố với nhau rằng: ai sẽ được làm anh của tôi sau đó.

Lúc đó, tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Bọn trẻ con đó không thể nào có cái quyền được đụng chạm đến chị tôi. Chị là một điều thiêng liêng mà không phải để dành cho cái bọn trẻ con tồng ngồng mới lớn trêu chọc. Tôi đem nỗi ấm ức về trút lên đầu chị. Chị chỉ lặng lẽ cười.

- Chị không thể lấy một trong số đám bạn của em làm chồng - Tôi hăng tiết đến nóng cả mặt - Bọn chúng chỉ là một lũ trẻ con không hơn không kém. Ngay cả anh Thực cũng thế. Chị không được yêu ai cả, không được yêu. Chị mà lấy chồng em sẽ bỏ học.

Tôi nói rồi giận dữ bỏ đi. Chị là cha tôi, là mẹ tôi, là chỗ dựa duy nhất của tôi hơn bất kì một ai khác. Đó là tất cả những gì mà tôi có trong đời. Tôi không thể chia sẻ chị cho một ai khác được. Tình yêu không có sự chia sẻ hay bớt xén. Lúc đó, tôi chỉ sợ duy nhất một điều rằng nếu như chị yêu anh Thực hay ai đó trong đám bạn của tôi, lúc đó tôi sẽ là một kẻ mồ côi không hơn, không kém.

- Chị không lấy chồng đâu. Chị sẽ ở vậy nuôi cậu.

Chị nói rồi ôm chầm lấy đầu tôi, vít xuống hôn tới tấp lên mái tóc rối bù của tôi, cưng nựng như mẹ yêu con vậy. Tôi không cần gì hơn thế. Chỉ cần điều chắc chắn ấy của chị là tôi yên tâm lăn quay ra ngủ. Đêm đó, tôi biết đâu chị tôi vẫn còn trằn trọc cho đến sáng.

Nhà tôi ở mé chân đồi. Mở mắt thấy núi nhấp nhô và sương mù giăng giăng mỗi sáng. Ngọn đồi trước mặt mới được trồng lại, rời rạc những vạt tràm đã bắt đầu bén rễ xen lẫn với những bụi côm cốm hoang dại. Mỗi khi hai chị em làm cỏ, chị tôi cứ nhắc nhở tôi đừng phá bỏ cây đó trong vườn nhà. Chị nói loài cây đó hồi bé chị hay nấu nước tắm cho tôi khỏi sài, khỏi đẹn. Chị nói nó có rất nhiều tác dụng, là cứu nhân cho chị khi tôi đứt tay hay chảy máu vì những trò nghịch ngợm con trẻ. Tôi vì chị nên để nguyên cả một khoảnh đất rộng chỉ toàn hoa côm cốm. Mùa thu, hoa côm cốm bung nở. Hoa màu xanh tím nhạt, sau trắng phủ khắp cả vườn nhà đẹp như chốn thiên thai u hoài của chị tôi vậy.

 *

Tôi nằm mãi không ngủ được. Nghĩ đến chị nước mắt đã chảy từ bao giờ. Tôi lặng lẽ ra sân. Đêm chớm thu, gió từ sông thổi vào lành lạnh ràn rạt kéo trên những rặng tràm những tiếng riu riu không dứt. Mùi lá côm cốm dập gãy hăng nồng cả một khoảng sân trống vắng. Tôi cầm điện thoại gọi, đầu kia, giọng chị buồn buồn:

- Cậu

- Chị.

Tôi chỉ nói được từ đó rồi lại oà lên khóc. Từ bao giờ kí ức ùa về nguyên sơ đến nỗi tôi như chạm được nỗi cô đơn quạnh quẽ của mình đêm nào trên bờ đê đầy gió. Thì ra, nỗi cô đơn chẳng bao giờ mất đi được cả. Cho dù thời gian có như lớp lớp sóng đầy lên thì nó vẫn đánh thức trong ta cái cảm giác trống trải tuyệt vọng khi ta thực sự đối diện với chính mình.

- Em nhớ chị.

Tôi nói thêm được thế rồi lại òa lên khóc. Ở đầu dây bên kia tự nhiên lặng lời.

- Chị về với em đi chị.

Tôi nói được thế rồi cúp máy. Lặng thinh. Tôi một mình đi ra mé chân đồi, mùi côm cốm dập gãy dưới chân ngái ngái làm tôi nhớ mùi hương trên tóc chị tôi quặn thắt. Cho đến giờ phút này, khi đã trải qua gần nửa cuộc đời rồi tôi mới nhận ra rằng, rốt cuộc với chị, tôi mãi vẫn chỉ là một đứa trẻ cần được bao bọc và che chở.

Tôi loay hoay hết nhìn ở cửa ra vào số 2 rồi lại chạy lại cửa số 4. Người người chen nhau như mắc cửi khiến tôi không tìm được chị. Tôi chạy vụt ra đường ray, tìm trên khắp các toa tàu nhưng không thấy. Mệt. Bất lực. Mồ hôi vã như tắm làm tôi lạnh người. Tôi sợ, một nỗi sợ mơ hồ nào đó trào lên trên mắt. Tôi với tìm điện thoại, tắc mạng, đầu dây bên kia chỉ vang lên tiếng nói xa lạ: "Thuê bao quý khách..." làm tôi rối bời. Đầu óc tôi như hoa lên, rối rắm đến hoảng loạn. Tôi không thể mất chị, không thể.

- Cậu

Chị đứng sững trước mặt tôi thân quen như tự bao giờ. Quãng thời gian 20 năm không đủ dài để tôi quên đi tiếng gọi thân thuộc của chị. Tôi sững người, lùi lại mất mấy bước rồi cứ thế đứng khóc rống lên. Khóc một cách oan ức như đứa trẻ bị mẹ bỏ quên bên cổng trường giờ tan lớp. Tôi cứ để mặc nước mắt nhòe nhoẹt chảy cho đến khi chị ôm chầm lấy tôi dịu dàng. Từ bao lâu rồi tôi mới được ở trong vòng tay chị. Vòng tay ấm áp bao dung nhè nhẹ vỗ vỗ lên vai tôi dịu dàng. Tôi lặng yên nhận ra rằng con người mình dẫu có lớn lao ôm được tất cả mọi thứ trên đời vẫn chỉ là bé nhỏ và yếu ớt đến thế khi được ở trong vòng tay người mà mình yêu thương nhất.

Tôi dành thời gian rảnh rỗi cùng chị đi khắp làng trên đến xóm dưới. Đi đến đâu chị cũng khóc, nắm lấy tay những người đã cưu mang chị em tôi khi còn thơ dại. Chị nói với anh Thực là chủ tịch xã bây giờ, chị muốn làm cho xã một con đường thật đẹp từ ngoài đường lớn đi vào xóm cho đến tận cuối chân đồi. Chị chỉ xin anh một điều đừng phá đi vùng hoa côm cốm cuối chân đồi mà chị từng ở đó.

Chiều hôm đó, tôi thấy chị tôi và anh Thực đứng nói chuyện giữa đồng hoa. Tôi lắng lại, vẫn nghe giọng anh nói. Rất nhỏ: 

- Lạ nhỉ, không hẹn mùa mà côm cốm vẫn nở.

Trong khi chị tôi đi bên vẫn lặng lẽ cười

T.Q.N.
.
.