Không có cha

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:00
Lúc tôi bảy tuổi, một hôm đi học về nhà thấy người đàn ông lạ. Mẹ bảo đó là cha tôi. Người đàn ông đưa tay xoa đầu tôi. Tôi vùng chạy ra sau giếng gội đầu hết một xô nước. Không, tôi không có cha và tôi đã quen với cuộc sống không cần đến một người cha nào cả.

Những ngày hôm sau, người đàn ông vẫn ở trong nhà với mẹ con tôi. Bầy gà cứ mỗi ngày mất một con, mẹ bắt vào thịt. Tôi không đụng đũa một miếng thịt gà nào cả. Mẹ nói con không thương cha sao. Tôi đáp con chỉ thương bầy gà. Mẹ dằn tôi ra đánh. Người đàn ông chạy đến kéo tay mẹ ra. Tôi cố lách mình về phía mẹ để được đánh. Thà được đau dưới đòn roi của mẹ hơn là đón nhận tình thương từ một người lạ lẫm.

Mấy bác trong xóm gặp tôi lại trêu, kiểu như bữa nay mày có cha ngon rồi đó nghe, hay buổi tối mày ngủ ở giường nào đấy. Bữa sau tôi không đi qua con đường đó nữa mà băng lùm tre lủi thủi về nhà. Áo quần nhơ nhớp, tay chân bị gai cào tươm máu. Tôi muốn mẹ thấy đứa con này đã khổ sở thế nào từ khi có cha. Tôi muốn mẹ thấy có cha chỉ xơ xác thêm chứ chẳng ngon lành gì như người ta vẫn nói.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Buổi tối tôi vẫn nằm ngủ với mẹ. Người đàn ông nằm giường khác. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi quờ tay không có mẹ, chỉ nghe tiếng thì thầm ở đầu kia. Và tôi nín khóc trong đêm. Mẹ trở về giường ôm tôi vào lòng. Tôi quay người lăn khỏi vòng tay mẹ. Hôm sau mẹ không bỏ giường giữa khuya nữa.

Người làng bảo mẹ tôi đẹp từ thuở mười lăm tuổi cho đến giờ. Dăm bảy người đàn ông mê mẩn vẻ đẹp của mẹ đã từng đến nhà muốn được làm chồng mẹ, chấp nhận coi tôi như con. Tôi luôn tỏ vẻ không thích những người đàn ông và cố giữ mẹ cho riêng mình. Đôi lần mẹ mềm lòng, mời người ta ở lại ăn cùng một bữa cơm. Mấy lần đó tôi nhịn đói để phản đối. Tôi đã thay một người cha nào đó giữ gìn mẹ. Đến khi có một người xuất hiện và xưng cha thì tôi càng giận, càng kiên quyết chối từ. Công lao tôi bảo vệ mẹ bấy lâu nay không thể dễ dàng cho không như vậy, dù đó là cha đẻ của tôi. Ông là cha tôi, sao lâu nay không đến mà canh giữ mẹ. Và tôi cũng giận mẹ. Hình như mẹ cũng nói dối đó là cha, chỉ để tôi chấp nhận người đàn ông này sống cùng trong căn nhà này mà thôi.

Lúc năm tuổi, tôi đã ý thức được sự tủi hổ khi đi học lớp mẫu giáo không được cha đưa đi đón về như bạn bè khác. Khi cô giáo hỏi tên cha, tôi đáp không có, chúng bạn đã cười ồ lên. Mãi đến những hôm sau bạn bè còn trêu tôi là con hoang. Tôi đã quen với chịu đựng sự thiếu hụt và thương hại. Bây giờ người đàn ông xuất hiện, xưng là cha tôi, thì chỉ làm cho cuộc sống yên bình của tôi bị xáo trộn mà thôi.

Mẹ bảo từ nay có cha rồi, con ở nhà học bài, khỏi đi theo mẹ ra đồng trồng khoai. Tôi không nghe, vẫn cầm cái cuốc nhỏ đi theo mẹ. Người đàn ông thỉnh thoảng đưa mắt nhìn phía sau lưng mẹ, lúc mẹ khom lưng xới đất. Tôi cố ý đứng chặn giữa hai người, để cái ánh mắt sục sọi đó không còn nhìn được mẹ. Mẹ bảo tôi chạy ù về nhà mang nước ra cho cha uống. Tôi đáp tôi không khát, ai khát thì tự đi lấy mà uống. Mẹ lắc đầu. Người đàn ông mỉm cười với mẹ, nói anh cũng không khát.

Bạn bè cùng lớp xì xầm to nhỏ chuyện cha tôi đã về. Có đứa bảo người đàn ông đó không phải cha tôi, đó là người chồng mới của mẹ tôi thôi. Tôi ngồi im không cãi lại, cũng không hùng hổ xông vào đánh nhau. Tôi không có cha, mẹ tôi thì đã cắt tình thương một phần cho người đàn ông đó rồi, chẳng còn ai bảo vệ tôi nữa. Một đứa xúi tôi về gọi cha ra đánh vỡ mồm cái thằng kia đi. Tôi đứng thẳng bảo đúng, tao không có cha, được chưa.

Tôi về nhà ném cặp sách vào giường, nói với mẹ từ nay nghỉ học. Mẹ hỏi có đứa nào trêu con đúng không, đứa nào trêu để mẹ bảo cha ra đánh nó. Tôi đáp không đứa nào ở lớp trêu cả, chỉ có một kẻ trêu ngươi con.

Mẹ bảo ở cái làng này khó sống, người ta dị nghị đủ điều, có lẽ chúng ta chuyển đi nơi khác. Tôi hỏi chúng ta là những ai. Mẹ nói là mẹ, con và cha. Tôi không chịu. Chỉ vì một người đàn ông lạ mặt đến đây mà hai mẹ con tôi đang sống yên ổn phải rời đi. Đâu có cần thiết đến vậy. Chỉ cần ông ấy rời đi là yên chuyện thôi mà.

Người đàn ông gom hết áo quần vào túi, bước ra cửa, đưa tay xoa đầu tôi, bảo thôi thì cha đi đây. Tôi lại chạy về sau giếng gội đầu hết một xô nước.

Tối đó mẹ lại thịt con gà choai. Mẹ không đụng đũa. Tôi ăn ngon lành hết cả con gà.

*

Thỉnh thoảng mẹ đưa cho tôi một bộ áo quần, chiếc cặp đi học, vài cuốn sách truyện. Mẹ nói hội từ thiện gửi tặng nhưng tôi biết đó là do người đàn ông gửi về. Tôi không chịu dùng. Mẹ nói con phải hiểu chứ, nhà mình nghèo khó, ai cho gì cũng nên nhận con ạ. Tôi thương mẹ nên chấp nhận món quà của người đàn ông. Dù sao nhờ những thứ đó mà tôi tự tin hơn mỗi lần đến trường.

Tôi tranh thủ thời gian nghỉ học cùng mẹ làm việc. Tôi thương mẹ, muốn đỡ đần mẹ nhiều hơn. Tôi muốn làm một người đàn ông thực sự trụ cột trong nhà cho mẹ đỡ buồn và quên người đàn ông ấy. Nhưng mọi sự cố gắng thay thế ở đời đều khập khiễng.

Nhiều lần mẹ hỏi tôi, con không cần cha sao. Tôi đáp sống thế này thích hơn, có mẹ là đủ. Câu nịnh nọt đó không làm mẹ vui hơn. Những câu hỏi kiểu như vậy dần dần thưa hơn khi tôi càng lớn. Có lẽ mẹ sợ làm tôi tổn thương, xao nhãng chuyện học hành.

Mẹ lại đòi chuyển nhà lần nữa. Lý do là để tôi được vào thành phố lớn, vài bữa học đại học tiện hơn. Tôi nói chúng ta không đất, không nhà cửa trong thành phố, lấy đâu chỗ ở. Mẹ đáp có nhà cha con. Hóa ra đơn giản mẹ muốn chuyển nhà để được sống cùng người đàn ông đó. Tôi trả lời vậy mẹ cứ đi, con ở đây một mình. Mẹ không đi, không đòi chuyển nhà thêm lần nào nữa.

Bốn mươi tuổi mẹ vẫn còn đẹp mặn mà và quyến rũ. Ấy là khi tôi đã ý thức rõ rệt sự đẹp xấu. Tôi ước sau này sẽ lấy được một người vợ đẹp như mẹ. Nhưng cái sự đẹp của mẹ càng khiến tôi thấy lo vì những người đàn ông vẫn tìm đến với mẹ. Một năm có dăm ba đám đến chơi. Toàn những người đen đũi, gầy ốm, na ná gương mặt của người đàn ông hồi xưa xưng cha với tôi. Mẹ không bắt tôi gọi những người đàn ông này là cha. Mẹ cũng không còn đon đả quý mến họ. Tôi đắc thắng khi thấy người ta uể oải quay lưng bước ra.

Tôi vào đại học. Mẹ già hơn và kiếm tiền khó khăn nhưng vẫn đều đặn chu cấp cho tôi được bằng bạn bằng bè. Mẹ bảo cứ yên tâm học hành. Có lần mẹ lỡ miệng bảo đừng lo chuyện tiền bạc, cha vẫn gửi tiền về phụ mẹ nuôi con. Hai mươi tuổi, tôi đã không còn trẻ con như hồi lên bảy, nhưng tôi vẫn không chấp nhận được người đàn ông đó là cha. Tôi dặn lòng cứ dùng tiền này để ăn học, ra trường làm việc kiếm tiền trả lại cho người ta.

Có lần dì Gái - em ruột mẹ - gọi tôi đến bảo cháu phải thông cảm cho mẹ. Cháu đi học xa, rồi đây chắc sẽ làm việc trong thành phố, để mẹ ở nhà thui thủi một mình tội nghiệp. Nên có một người đàn ông về ở cùng mẹ thì hay hơn. Có thể cháu không cần cha, nhưng mẹ cháu cần một người đàn ông bên cạnh. Tôi cãi lời dì, bảo chỉ hai năm nữa tốt nghiệp cháu sẽ về sống với mẹ.

Tốt nghiệp đại học, tôi được một công ty lớn nhận vào làm việc. Lương khá cao, tôi gửi tiền về cho mẹ và vẫn dành ra được một ít cất để trả nợ cho người ta.

Ba năm làm việc cật lực, tôi đã dành được một khoản tiền khá lớn. Tôi mang về đưa ra cho mẹ xem và xin mẹ địa chỉ người đàn ông. Mẹ hỏi có phải con muốn trả nợ cho người ta không. Tôi đáp không, số tiền này con để đưa mẹ cùng đi tìm cha.

Lần đầu tiên tôi gọi người đàn ông đó là cha.

Lần đầu tiên tôi có ý thức về cha.

Lần đầu tiên tôi cần có cha.

Tôi ngỡ mẹ sẽ mừng lắm. Nhưng mẹ ráo hoảnh bảo người đàn ông đó không phải là cha của con đâu, chỉ vì ông ấy yêu mẹ nên thương con đó thôi. Đừng đi tìm mất công.

Suốt đêm tôi nằm trăn trở, không nguôi những suy nghĩ về chuyện mẹ nói. Chẳng lẽ trên đời lại có người đàn ông cao thượng đến mức đó.

Tôi lục lọi mớ giấy tờ trong tủ, tìm được địa chỉ của người thường gửi tiền cho mẹ. Tôi phải tìm gặp người đàn ông. Tôi sẽ gọi ông bằng cha, chẳng cần biết ông có phải là cha đẻ của tôi hay không. Và tôi sẽ cầu xin ông về sống với mẹ tôi.

Lần theo địa chỉ trong giấy, tôi tìm được nhà. Bức hình ông nằm trên bàn thờ. Ông đã mất cách đây một tháng. Chủ ngôi nhà này là người cháu gọi ông bằng chú. Anh cho biết chú anh không lấy vợ, nên anh lo tang ma và thờ tự luôn. Nghe nói trước đây ông có thương một bà nào đó ở tận miền Trung. Tôi hỏi thế ông với cái bà trong miền Trung có với nhau đứa con nào không. Anh đáp không biết, chưa hề nghe ông chú nói chuyện đó.

Tôi lại về quê, bằng mọi giá phải hỏi mẹ cho rõ. Mẹ phải cho tôi biết người đó có phải là cha tôi không. Nếu không, thì cha đẻ tôi giờ ở đâu.

Nhưng mẹ không còn nói được. Cơn tai biến đã hóa mẹ thành một người quên hết mọi thứ. Chẳng còn ai nói cho tôi biết đó có phải là cha tôi không. Ôi, ông trời đã không cho mẹ nói ra. Có lẽ vì thương tôi nên mẹ vẫn để tôi tin rằng người cha của tôi còn đang sống đâu đó. Để tôi hy vọng có ngày gặp lại cha, được sống một ngày thực sự có cha.
Truyện ngắn của Hoàng Công Danh
.
.