Khoảng trời gió

Thứ Hai, 01/05/2017, 08:06
Chị dâu đã trở dậy nấu xong nồi cám cho đàn lợn. Mẹ nhìn chị tần ngần: Trời đất này chẳng biết thế nào. Người đi biển cũng chẳng biết lúc nào không trở về. Thương tụi bay mất một đêm… 

Gió bắt đầu, từng chặp, lúc rào rạt trên những cành cây, lúc lặng thinh, lúc cuống cuồng đuổi những đám bụi và lá cây sàn sạt trên mặt đường.

Chị co người, bàn chân rắn chắc lao vào bụi và gió, vượt lên phía trước. Mái tóc chị rối bời, sợi dài, đen ánh. Con đường cả tôi và chị đã qua bao nhiêu lần mà vẫn cảm giác như bị bỏ lại ở đâu đó. Cát, bụi và gió…

Chị Nhàn bước vào làm dâu nhà tôi. Căn nhà ba gian với những cây cột lim cũ kĩ chỉ kê vừa đủ hai chiếc giường ở hai gian bên. Gian giữa là bàn thờ và bộ bàn ghế dùng tiếp khách. Gọi là bộ bàn ghế chứ thật ra là một chiếc bàn gỗ đã mọt lỗ chỗ và bốn chiếc ghế nhựa kê vuông vắn bốn cạnh bàn. Mẹ dọn cho anh chị căn buồng trái nhà, căn buồng chứa đống đồ mộc với những vật dụng dang dở của bố từ ngày còn trẻ.

Anh Đức về phép trước ngày cưới được hai ngày, tranh thủ dẫn vợ sắp cưới đi chào họ hàng hai bên, đưa thiếp mời bạn bè, làng xóm, chẳng còn thời gian chuẩn bị cho cái tổ hạnh phúc của mình. Vậy là công việc trang trí buồng ngủ của anh chị được tôi và Ngân đảm nhận.

Chúng tôi đạp xe lên cửa hàng tạp hóa trên thị xã chọn mua giấy dán tường là màu hoa đỏ rực, thêm bức tranh đôi thiên nga bơi trong hồ nước xanh và ảnh một thằng bé mập mạp. Ngân tỉ mỉ quét từng đường keo trên mảnh giấy, vuốt thật phẳng rồi áp lên tường, sao cho chúng vừa đủ khít, không lộ những khe nhỏ.

Chiếc giường được bố cất công đi đặt nhưng cũng chỉ kê vừa đủ, chừa một lối đi. Mẹ cẩn thận tự tay trải giường, không cho tôi động vào. Chiếc ga màu tím nhạt.

Tôi nấp sau cánh cửa hồi hộp chờ mong lời hồi đáp của anh. Anh bảo, có một nơi bình yên để tìm về là hạnh phúc lắm. Từ nay chị Nhàn là nơi bình yên nhất của anh. Đời lính quen sóng gió, quen những vui buồn và có khi là cả sự cô đơn. Vậy nên trân trọng lắm một bến bờ bình yên…

Ánh mắt anh hút vào khoảng không phía trước, làn khói thuốc tan nhanh trên gương mặt sạm đen. Gió nổi lên từ phía ấy, tiếng sóng biển rì rầm… Anh nhìn ra phía trước, mắt ngập ngừng không chớp rồi lại ngước nhìn lên mái ngói: Mai phải tranh thủ sửa lại nhà cho bố mẹ. Bố dạo này yếu quá, không biết… Anh ngừng lại rít thuốc, mắt hướng về phía biển. Lặng im.

Tôi biết anh đang nghĩ tới những chuyến ra khơi. Nơi ấy anh và đồng đội vẫn nhắc nhau sẽ không bao giờ là chuyến đi cuối cùng. Đời lính biển nguyện trôi theo con sóng, bước lên tàu là lại muốn ra khơi.

*

Đám cưới chẳng chuẩn bị được nhiều, mẹ làm chục mâm mời họ hàng. Lễ cưới cũng được cắt bớt đi những phần không quan trọng. Ý bố thế. Với lại anh không có nhiều thời gian. Cả chuẩn bị và tuần trăng mật vẻn vẹn hai tuần. Mẹ mong sớm có cháu bế bồng nên cũng nhất trí tổ chức gọn nhẹ đỡ mất thời gian của anh chị.

Đám cưới vừa xong thì trời đổ mưa. Mưa ào ạt. Gió theo mưa cuốn tung những đám lá sàn sạt, mái ngói lạo xạo. Tiếng người gọi nhau ngoài bãi, tiếng bước chân đàn bà, trẻ nhỏ chạy cả ra ngoài ấy. Mẹ kéo cửa, đội nón soi đèn pin loang loáng. Anh giữ mẹ lại, lao ra  ngoài. Tôi chạy theo anh, gió quất vào mặt rát buốt. Những chiếc thuyền kịp trở về trong đêm. Anh giúp họ cho thuyền vào bãi neo an toàn. Gần sáng thì mưa ngớt, gió cũng không còn gầm réo, biển lại rì rầm với những con sóng ngầu đỏ.

Chị dâu đã trở dậy nấu xong nồi cám cho đàn lợn. Mẹ nhìn chị tần ngần: Trời đất này chẳng biết thế nào. Người đi biển cũng chẳng biết lúc nào không trở về. Thương tụi bay mất một đêm…

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Chị cười, gom một đống áo quần, chăn màn cho vào chậu, bọt trào trắng bông, đôi tay chị ngỡ như mềm mại thế mà từng chiếc, từng chiếc ráo nước, vắt đầy dây phơi. Những sắc màu xen nhau, phất phơ trong nắng. Bỗng dưng tôi nhớ ngày mẹ còn trẻ và anh em tôi còn bé, cảnh nhà cũng êm đềm và bình dị như thế.

Tôi co cổ hít một hơi dài rồi lấy xe đạp thẳng ra bờ đê ven biển. Sương tan dần dưới bàn chân mát lịm. Nắng bắt đầu lên theo vòng xe quay đều... Tôi thích buổi sớm mai trên biển. Nắng bắt đầu ánh lên từ phía xa xa, đỏ rực như màu lửa, rồi lấp lánh trải trên từng đợt sóng, tan dần và hồng cùng ánh mặt trời. Ngân đã chờ tôi ở khúc vòng có những bông hoa muống biển tím ngắt còn ướt đầm sương hay tối qua bị táp vì bọt sóng, lay lay trong nắng.

Ngân thích ngồi bên vạt hoa muống biển quanh năm bám mình trên cát. Loài hoa có sức sống diệu kỳ khoe sắc trong cái nắng, cái gió biển đêm ngày. Tôi phát hiện ra Ngân đẹp dịu dàng. Tôi cười ngô nghê vì ý nghĩ ấy. Con gái miền biển quê tôi ai cũng có nước da nâu giòn, đôi mắt to và đen nhánh. Cả thân hình toát lên một sự rắn rỏi. Nhưng ẩn sau cái vẻ cứng cỏi ấy là một tâm hồn dịu nhẹ, như sóng biển quê tôi lúc vỗ bờ ào ạt, lúc êm mềm lượn cong như dải lụa.

*

Hết phép, anh phải vào đơn vị chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày. Mẹ đến bên bàn thờ thắp một nén hương, lầm rầm khấn. Anh nhìn chị: “Sóng biển thì nhiều nhưng sóng điện thoại lại không, đừng lo. Khi nào biển lặng anh gọi về”.

Chiếc ba lô đầy hơn mọi lần. Chị cúi mặt bước, giấu đôi mắt đỏ hoe sưng húp sau vành nón. Xe lao đi trong làn sương mỏng. Bàn tay anh vẫy vẫy rồi hút vào những tán cây xanh đen phía trước. Chị đứng lặng. Đôi mắt đen láy, thi thoảng hàng lông mi cụp xuống rồi lại mở ra, ánh nắng tô màu vàng nhấp nhánh.

Giá mà tôi có thể lại gần ôm đôi vai gầy của chị, để mái đầu kia tựa vào vai mình, lặng nghe sóng tóc mềm như sóng biển đêm. Nhưng tôi chỉ đứng im đó, tới khi chị giục ra về. Những dấu chân nhỏ in trên cát, sóng xô từng đợt, lấp đầy… Tôi theo sau, giẫm chân mình lên cát, nghe từng đợt sóng trào, vuốt ve đôi bàn chân rát ửng. Đi sát như thể để không có ai chạm được vào chị. Nhưng gió vẫn cứ xô nghiêng, đùa mái tóc, đầy trong mắt.

Gió quét đêm dài thăm thẳm...

Tóc chị đen dày, ánh dưới trăng. Tàu anh ra khơi. Mẹ nghe đài báo bão lại lặng thầm đến bên bàn thờ thắp một nén hương. Lầm rầm khấn. Nheo mắt nhìn lớp lớp sóng gối nhau cong như lưỡi liềm đang từ xa lao tới. Chị dâu không ngủ, mang sách ra ngoài hiên ngồi rồi lại quay vào bếp cặm cụi chẻ củi, xếp thành đống. Mẹ nhìn ngón tay buộc vải trắng còn dây máu mắt bần thần: Lần sau đừng thức đêm chẻ củi, nghe tiếng vọng trong đêm mẹ sợ lắm. Chị dắt xe ra ngõ, quên tết tóc để những sợi dài, đen ánh cuống quýt trong gió sớm.

*

Tôi ra đến đầu làng thì bị Ngân túm áo, hớt hải bảo có một cô gái trẻ vừa hỏi thăm nhà anh Đức bộ đội. Đôi mắt Ngân nhìn tôi chừng khó hiểu. Tôi chẳng đủ thời giờ và tâm trí hỏi xem Ngân nghĩ gì, đạp xe thẳng về nhà. Hẳn là đã có chuyện gì với anh. Cơn bão biển vừa rồi? Tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có thể lắm chứ.

Ba người ngồi quanh chiếc bàn nhỏ. Bố tôi, mẹ và một người con gái có mái tóc hoe vàng và làn da trắng thấp thoáng sau lớp áo mỏng màu trắng đục.

- Cháu và anh Đức quen nhau đã lâu nhưng chưa có dịp về thăm hai bác. Nay cháu hỏi thăm bạn bè nên biết địa chỉ nhà. Cháu...

- Chị là bạn thằng Đức ?

- Vâng. Chúng cháu quen nhau trong lần anh Đức về phép…

- ...

- Thằng Đức nhận công tác rồi. Còn vợ nó không có nhà. Chị có gì nhắn nhủ không?

Bố tôi nhấn từng từ, rõ ràng. Có lúc ông còn hạ giọng xuống trầm khàn nghe sờ sợ.

- Anh Đức… đã có vợ?

Chị ta cúi xuống, bàn tay nắm lấy vạt áo vo tròn sát bụng, vẻ ấp úng. Chẳng chờ chị ta nói thêm, mẹ đứng dậy bước ra cửa. Gió lùa vào hơi lạnh buốt. Gương mặt mẹ đanh lại, không cảm xúc. Đôi tay run run kéo chiếc khăn trên đầu che kín mặt.

Tối hôm ấy vẫn như thường ngày. Bố và mẹ cố tỏ ra không có chuyện gì nhưng tôi hiểu những lo lắng trong mắt mẹ. Tôi nghe tiếng thở dài nặng nhọc.

Chị Nhàn không biết tới sự xuất hiện của cô gái kia. Và tất nhiên là tôi không nói ra, cả Ngân cũng không được nhắc hỏi. Những ngày sau trôi như thế nào tôi không thể nhớ. Cuộc sống vẫn như thường ngày. Tôi theo sau chị Nhàn vào buổi sáng, chị kể cho tôi nghe những câu chuyện ngày anh chị mới yêu nhau, chuyện bạn bè anh trong đơn vị.

Mùa này ngoài đảo sóng táp vào làm cháy sém những vườn rau các anh mới trồng. Sáng ra, từng người thay phiên nhau rào chắn lại, cây vẫn lên xanh tốt. Đảo bây giờ cây cối xanh non, có đủ thứ quả, đủ rau xanh cho anh em. Tất cả đều nhờ bàn tay và khối óc. Các anh đang nỗ lực nối liền từng thước đất giữa đảo với quê nhà, không còn khoảng cách và khác biệt. Đôi mắt chị mở to, đen láy dưới đôi hàng mi dày như đứng phía trước là anh, là đảo.

Đêm.

-  Phải hỏi xem cô ta ở đâu, làm gì? Như thế nào đã chứ. Sao lại đuổi đi luôn như thế!

- Sao lại phải hỏi?

- Nhưng nỡ phải… thì làm sao?

- Thế ông định sao?

Bố lặng im, thả khói vào với gió... Tôi lững thững thả dây kéo từng gàu nước nặng nề đổ đầy vào ang, nước tràn lênh láng, tràn cả vào chân, vào ngực ướt lạnh. Mẹ ngồi trên đống lá khô nghe gió lùa từng chặp ngang qua. Mái tóc lưa thưa không che nổi những giọt nước chực chờ rơi.

Biển nuốt những con sóng ngầm rồi một ngày sẽ lại chồm lên, giận dữ. Lòng biển bao la, sâu thăm thẳm. Muôn con tàu bé nhỏ. Nơi đây, một khoảng trời vẫn ngập gió.

Tôi lật mình sang phải, sang trái, nhắm mắt rồi mở mắt. Không sao ngủ được. Bước ra ngoài, lặng nghe gió lồng lộng thổi trên những tán cây trên mái ngói lạo xạo. Một vài mảnh vỡ rơi đâu đó, văng rất xa…

*

Con đường ngoằn nghoèo. Qua cây cầu, mặt sông hắt sóng lăn tăn, lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Tôi đưa mắt tìm chị trong khuôn viên vắng lặng. Những cánh cửa lớp học mở nhưng không còn bóng dáng học sinh. Ở dãy tập thể cũng im lìm. Tất cả như chìm trong buổi trưa tĩnh lặng và thảnh thơi. Chỉ có tiếng chim non chiu chíp đua nhau chuyền cành, tiếng một vài con chích chòe hót vang. Bác bảo vệ già ngồi trầm ngâm bên cốc trà nguội, chỉ tay về phía ghế đá dưới tán cây bàng xanh mướt nụ… Hai người con gái.

Tôi nấp dưới lùm cây gần đó, không nghe thấy tiếng ai. Sao chị ta lại có thể tìm đến cả cơ quan của chị? Để làm gì? Để giành giật một người đàn ông hay chỉ để khoét thêm vào lòng chị Nhàn nỗi đau của sự giả dối? Người đàn bà kia đứng lên, vội vàng đi. Dáng chị ta khuất sau mấy rặng cây, chị Nhàn vẫn ngồi lặng trên chiếc ghế đá lạnh ngắt.

Tôi ngồi sụp dưới đất, nghe những rạn vỡ trong tim của thằng con trai mới lớn khi nhìn đôi vai chị run lên khe khẽ.

Đường về nhà như dài hơn. Trong mỗi chúng tôi bây giờ ai cũng đuổi theo những nghĩ suy của riêng mình. Chị có bỏ tôi, bỏ lại căn nhà đầy gió ra đi cho người con gái kia bước vào căn buồng của chị. Tôi giấu nỗi hoang mang và lo lắng ấy trong lòng, không nói với mẹ. Tôi càng sợ chị dâu biết mẹ đã giấu chị chuyện này. Tôi đi trong gió, trong ánh nắng yếu ớt mà nghe từng đợt âm thanh va vào nhau, không rõ ràng, không đồng đều. Nắng trong mắt, những ô màu xanh, đỏ, nhảy nhót rồi tan vào nhau. Nhạt nhòa.

*

Mặt trời vàng ởn. Ánh nắng xuyên qua tảng mây, xuyên qua lớp sương mù đặc, rọi những tia yếu ớt xuống mặt nước còn chờn vờn sóng. Những chiếc thuyền nối đuôi nhau, người dưới thuyền nhìn lên, người phía trên cầu nhìn xuống.

Chị để chiếc cặp treo trên tay lái, dắt đi chầm chậm. Sự im lặng đến khó hiểu. Nó như đốt từng mảng thịt trong tôi. Người đàn bà kia chắc đã kể cho chị Nhàn nghe về cuộc gặp gỡ của anh Đức và chị ta. Bình thường lắm chứ nếu chị ta yêu một người lính đẹp trai, chân thật như anh. Nhưng không phải cứ yêu là được bất chấp tất cả!

Sóng nghiêng ngả. Phía anh vẫn là những tiếng tút dài lạnh lùng, không câu trả lời. Gió bao giờ thôi không thổi nữa?

Bố nhâm nhi chén trà đặc trên bàn nghe đài báo thời tiết. Thỉnh thoảng lại đưa điếu cày lên rít một hơi, ho khè khẹ rồi nhả khói bay lên mái tóc, lẩn vào đó. Mẹ xếp những đống hoa cuối vụ đầy gian bếp, hương nồng nồng nôn nao.

Tiếng chó cắn ran từ ngoài cổng, chưa ai kịp chạy ra thì chị ta bước vào. Tôi đứng lặng trên hiên nhìn người con gái đứng giữa sân nhà, chưa biết chào hỏi thế nào cho phải. Mái tóc chị ta hoe vàng, chiếc quần mặc vừa chấm mắt cá chân. Chiếc áo khoét cổ, rộng và hơi mỏng trong khoảng trời ngập gió.

Bố đặt điếu cày xuống chân ghế. Mẹ ngẩng ra nhìn, đôi mắt bao trọn khoảng sân:

- Chị tìm ai?

- Cháu.... gặp chị Nhàn.

Chị đánh rơi chiếc gàu múc cám xuống đôi bàn chân còn bám đầy bụi quay nhìn mẹ. Mẹ giấu đôi mắt vào khoảng không phía trước nhưng chiếc khăn tay đã rơi xuống ngực.

*

- Cứ để chị ta ở lại sinh con mẹ ạ.

- Làm sao thế được. Chị ta là ai mà ở lại? Còn làng xóm…

Chị Nhàn đưa từ trong túi ra một bức thư được gói trong túi còn nguyên nét chữ xô nghiêng. Mẹ nâng trên đôi tay run rẩy, mấy tháng nay không nhận được tin về anh.

- Là thư của thằng Đức. Cô ta giữ nó?

- Vâng.

Lá thư viết ngắn gọn kèm vài lời hỏi thăm sức khỏe và ghi rõ địa chỉ nhà.

“….Đây là địa chỉ nhà anh. Ở đó có bố mẹ và vợ anh, họ sẽ giúp đỡ em.

Nếu không còn nơi nào để về thì em cứ tìm đến. Nhàn là người tốt, anh tin cô ấy sẽ thông cảm và chia sẻ với em…”.

 Mẹ khóc.

Gió rít lên từng cơn lạnh buốt, những chiếc lá va vào nhau soàn soạt. Tôi nấp mình sau cánh cửa nhìn chị ngồi lặng dưới vầng trăng khuyết treo trên nền trời đen sẫm.

Chị Nhàn mượn căn nhà tập thể của cơ quan cho chị ta ở tạm đến ngày sinh con. Mọi người trong thôn hỏi, chị bảo người họ hàng xa. Đồng nghiệp hỏi chị cũng bảo thế. Nhưng làm sao có thể giấu mãi được, lúc chị ta sinh con, lúc đứa bé lớn lên? Chị lặng lẽ từng ngày, bỏ ngoài tai những lời hỏi như tra khảo của cơ quan, bạn bè, làng xóm.

***

Tôi tìm mẹ trên cánh đồng bạt ngàn màu hoa vàng đã lỡ mùa. Mẹ lom khom, màu khăn đội đầu vàng hơn màu hoa. Chị ta sinh rồi, một thằng bé kháu khỉnh. Đêm qua, tại trạm xá. Mẹ đội chiếc nón lên đầu, chân run run bước. Gió quẹt ngang vai áo đã sờn.

Mẹ đón đứa bé từ tay bác sĩ. Là bé trai. Khỏe mạnh, ba cân rưỡi.

Đứa bé được cuốn tròn trong tã, miệng tóp tép vì vừa được uống giọt sữa đầu tiên. Chị ta lặng người không nói được lời nào, nước mắt chảy tràn trên khuôn ngực chị Nhàn. Chị múc từng thìa cháo, dỗ dành chị ta ăn cho lại sức.

*

Những ngày sau biển lặng sóng… Chị Nhàn mong anh. Mẹ mong anh. Và cả tôi, mong nghe được tin tức về anh từ ngoài biển nơi anh từng ngày đối diện với sóng và gió. Anh sẽ trở về chứ? Để nhìn mặt đứa bé đáng yêu đang nằm ngoan trong vòng tay hai người đàn bà. Tôi đứng trên bãi biển nhìn lớp lớp sóng hắt vào bờ trắng xóa, đám bọt biển tan ra trên nền cát. Gió vẫn thổi từ phía ấy, những con thuyền lắc lư, bồng bềnh trên từng ngọn sóng nhấp nhô. Có tiếng ai gọi  lẫn trong tiếng ầm ào của biển.

- Anh!

Đúng là anh rồi. Dáng người rắn rỏi trong bộ quân phục màu trắng, mái tóc lơ phơ trước mặt. Tôi đứng yên định hình lại những cảm xúc như đang vỡ òa trong lồng ngực. Thầm ước chỗ mình đang đứng là chỗ của chị Nhàn. Chị sẽ chạy lại ôm anh thật chặt, đánh vào ngực anh. Hay chỉ lặng yên lắng nghe từng nhịp đập rộn rã nơi vồng ngực căng ra sau lớp áo quân phục.

Anh ôm tôi. Vòng tay chắc nịch và nụ cười sáng bừng trên gương mặt đen sạm.

- Thế nào? Khỏe không?

Tôi cười, nắm bàn tay anh đang đặt lên vai mình ấm nóng.

- Anh về được lâu không? Cả nhà mong anh lắm. Chị…

- Anh tranh thủ về phép thăm bố mẹ và em rồi lại đi. Lính biển mà, xa biển lâu sao được.

Tiếng anh cười át cả tiếng sóng đang ầm ào bên tai.

- Cả nhà đang trên trạm xá cả rồi.

- Sao lại ở đó?

- Chị ta sinh rồi, ở trạm xá, con trai. Anh…?

Anh đứng lại, nghiêm trang nhìn tôi rồi mỉm cười, vẫn là nụ cười ấy, hào sảng đầy lạc quan.

- Đó là Liên. Để anh kể em nghe… Anh quen Liên lần về phép vừa rồi tại ga tàu. Cô ta tới xin anh chút tiền làm lộ phí về quê. Thấy cô gái trẻ bụng mang dạ chửa lại một mình nơi tàu xe nhộn nhạo, anh móc ví đưa tạm cô ta chút ít gọi là…  Chuyến tàu hôm ấy cô ta đi cùng anh. Dọc quãng đường cô ta tâm sự một mình bỏ quê lên thành phố làm thuê, thân con gái làm đủ việc để kiếm tiền. Trót vướng vào yêu đương, mang thai với một gã đàn ông. Khi biết cô ta có thai, gã đã xua đuổi, tìm cách chạy trốn, bỏ cô lại một mình. Cô ta bảo về quê giờ thì bố mẹ, họ hàng chẳng nhận nữa mà vài tháng nữa sinh đẻ chẳng thể ở lại thành phố nên giờ cứ lên tàu, tìm một nơi nào đó xuôi về chờ sinh. Nghe cô ta nói quê nội ở nhà mình đấy, đâu cũng là người cùng quê hương. Mà quê hương là chùm khế ngọt. Lính bọn anh chỉ cần nghe giọng nói là nhận ra người cùng quê. Mà cùng quê thì là anh em ruột thịt. Lính không gọi tên mà gọi anh hay em Quê dạo này thế nào? Khỏe không? Có mấy nhóc rồi? Đó, giờ thì đưa anh đi nhìn thằng bé nào. Biết đâu chuyến sau về chị Nhàn cũng sinh cho anh một đứa con. Là con anh, con của lính biển, đẹp trai và hào hoa như bố, can đảm và xinh đẹp như mẹ.

Dứt nụ cười tôi cùng anh chạy dài trên bãi cát. Bao lâu rồi tôi vẫn không thể theo kịp anh. Nắng đổ dài, lấp lánh một màu trên biển mênh mông. Những con sóng gối đầu nhau nằm ngủ, chỉ còn tiếng rì rào, rì rào rất khẽ.

*

Mắt mẹ rưng rung nhìn thằng con trai đang đứng nghiêm trang như nhận lệnh:

- Cha mi, về không báo trước để mẹ nấu cơm đón.

Anh ôm mẹ. Vòng tay rộng thênh thênh.

- Báo trước thì còn gì bất ngờ hả mẹ? Vợ con?

- Nó trong kia.

Anh nhìn theo hướng tay mẹ chỉ. Qua song cửa của khu phòng hộ sinh chị Nhàn đang ôm đứa bé, nắm bàn tay nhỏ xíu hồng hào chạm vào ngực mình. Chị vừa ngước mắt lên, bắt gặp ánh mắt anh nhìn.

Đêm hôm ấy sau khi ăn bữa cơm chiều, anh và chị ra hiên ngồi. Không biết anh nói với chị điều gì, chỉ thấy tiếng chị khàn nghẹn, e ấp:

- Em hiểu. Liên đã kể cho em nghe đã gặp anh ở ga tàu. Mà anh không sợ em hiểu lầm à? Chẳng ai liều như anh.

- Anh hiểu em nên mới chỉ cô ta về nhà mình đấy chứ. Mà đứa bé đáng yêu thật. Anh mong chúng mình cũng có đứa con để em vui vầy khi vắng anh.

Chị ngả đầu trên vai anh. Đêm hôm ấy rất dài. Có lẽ dài hơn những đêm bình thường khác…

*

Tôi hẹn Ngân ở khúc cong con đường, nơi có những bông muống biển màu tím mỏng. Ngân bảo sắp tới tham gia cuộc thi viết về người lính đảo mà chưa lần nào được ra đảo. Tốt nghiệp xong tôi sẽ là lính, Ngân ra thăm tôi là sẽ được ra với đảo. 

Ngân nhìn tôi, bàn tay ngập ngừng khe khẽ ngắt những cánh hoa bay. Tôi nắm tay Ngân, rất nhẹ: Em có đủ can đảm để đối mặt với sự hy sinh, có đủ bao dung để hiểu hết những gian nan của lính. Tôi mong sẽ chỉ kể cho em nghe những bài ca về biển, tình ca của lính. Không phải những đau thương, mất mát và hy sinh thêm nữa. Biển sẽ mãi xanh, xanh như mái tóc em, xanh như màu áo lính

Chúng tôi đứng bên nhau, im lặng nghe sóng vỗ dưới chân mình, rất khẽ...

Truyện ngắn của Dương Giao Linh
.
.