Khi ta hai mươi

Thứ Sáu, 07/04/2006, 15:10
Từ khi sinh ra Hân không biết mặt bố. Dĩ nhiên Hân không phải là đứa con hoang. Bố mẹ Hân có hôn thú đàng hoàng. Có điều, cưới nhau được hơn một năm, khi mẹ có Hân trong bụng được tám tháng, ông mới phát hiện ra rằng cuộc hôn nhân giữa hai người là điều sai lầm tệ hại, thế là ông đi theo người đàn bà khác.

Hân chạy thật nhanh vào quán. Chậm mười phút. Chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận cái nhăn mặt nhìn rất khó chịu của tay quản lý và chục cái lườm nguýt từ mấy đứa làm cùng ca. Đi muộn tí thì có sao, nhất là con người vừa đi làm, vừa đi học như Hân chứ.

Minh họa của Lê Trí Dũng

Đi vào phòng thay đồ, Hân trút bỏ áo phông, quần bò đầy mùi sinh viên và bụi đường, mặc vào bộ váy đồng phục xinh xắn màu vàng chanh rất phù hợp với sự sang trọng lịch lãm nơi đây.

Hân vén tóc cao lên, tô lại ít son môi rồi đứng ngắm mình trong gương. Một đôi mắt đen, sáng trên gương mặt trắng hồng nhìn lại cô, đôi môi tươi cố nhoẻn miệng cười để xua nốt nét mệt mỏi còn vương trên nét mặt. Cảm thấy thật tự tin rồi, Hân mới mở cửa bước ra.

Hân đi làm thêm không phải vì nhà nghèo mà bởi vốn sống ít ỏi cộng với mớ lý thuyết dài dòng ở trường chẳng đủ cho Hân viết được cái gì nên hồn. Cái cần nhất của Hân là tích lũy những gì có thể để cái đầu Hân sáng ra. Chẳng có gì tốt hơn là đi tìm cho mình một việc gì đó để làm.

Ngày đầu đi làm của Hân cũng không tệ lắm. Hân chỉ bị mắng về tội làm rơi Orders lung tung trong khi Hân đứng cách đó chừng ba mét và nghe thông báo là số tiền bán hàng bị hụt nửa triệu.

Hôm sau, Hân đến, mấy đứa nhân viên ngó Hân nhếch mép cười, tay quản lý quanh quẩn bên két tiền chẳng dám đi đâu. Không khí nghe chừng hơi bức bối nhưng vẫn được che giấu bằng những nụ cười tươi đầy nồng nhiệt pha thêm ít vẻ chân thành đón chào khách.

Khoảng mười tám giờ, quán thường vắng khách. Hân ngồi riêng một góc giở tạp chí ra đọc. Những nhân viên cũ túm tụm lại buôn dưa lê với nhau ở góc bar, thỉnh thoảng cười ré lên sau mấy câu đùa tục tĩu, có lúc lại  thì thào to nhỏ, ánh mắt đá về phía Hân vừa dò xét, vừa khó chịu. Từ khi đến đây Hân chưa từng nói chuyện thân mật với họ bao giờ. Việc của Hân, Hân làm. Việc của họ, họ làm. Cuối tháng lĩnh lương, cả hội kéo nhau đi ăn uống, hát hò, riêng Hân tách ra đi về hướng khác. Mẹ vẫn đang chờ Hân một mình như hàng đêm.

Từ khi sinh ra Hân không biết mặt bố. Dĩ nhiên Hân không phải là đứa con hoang. Bố mẹ Hân có hôn thú đàng hoàng. Có điều, cưới nhau được hơn một năm, khi mẹ có Hân trong bụng được tám tháng, ông mới phát hiện ra rằng cuộc hôn nhân giữa hai người là điều sai lầm tệ hại, thế là ông đi theo người đàn bà khác. Không rõ ngày ấy mẹ có buồn nhiều không, nhưng từ khi lớn lên, Hân chưa từng thấy mẹ khóc bao giờ. Mẹ luôn hát trong lúc làm việc nhà, cười trêu Hân lớn rồi mà vẫn rúc vào nách mẹ. Khi Hân gặp, chơi thân rồi yêu Sơn, mẹ dành ra chút thời gian trước khi ngủ để trò chuyện với Hân về Sơn. Thỉnh thoảng, Hân thấy một vài tạp chí khoa học viết về “sinh lý cơ thể người”, hay “những thầm kín của tuổi mới lớn” để đầu giường. Hân cắm cúi đọc và thầm cám ơn sự tâm lý, chu đáo của mẹ. Thế giới của Hân là đôi mắt hiền của mẹ. Có mẹ, thế là quá đủ rồi.

Hân và Sơn học cùng lớp với nhau. Cả hai đều chơi chung với nhóm bạn sáu người. Những buổi học chung, những ngày cả lũ dắt tay nhau lang thang dưới mưa hay thỉnh thoảng trốn học đi ăn hàng đã làm Sơn và Hân thân thiết nhau lúc nào không rõ. Sơn sống tình cảm, lãng mạn, chân thật, giản dị đúng kiểu con trai học văn. Còn Hân, cô biết là mình chẳng yêu Sơn lắm, xa không quá nhớ, gần không mấy vui. Chưa khi nào tim Hân đập rộn ràng khi gần Sơn. Lúc Sơn ôm lấy bờ vai bé nhỏ của Hân, ghé lên môi Hân một nụ hôn dịu dàng, Hân cũng chẳng cảm thấy gì cả. Buồn cười thật. Nhưng nếu không bên Sơn nữa thì Hân buồn lắm, chẳng rõ có chịu được không bởi Hân gắn bó với Sơn chỉ sau mẹ. Sơn hiểu Hân, chiều Hân, chịu đựng hết những giận dỗi vô lý, những thói đỏng đảnh thất thường của Hân, luôn bên Hân đúng lúc khi Hân gặp khó khăn. Có lẽ mọi việc nên dừng ở tình bạn thân thiết thì tốt hơn. Nhưng Sơn lại yêu Hân mà Hân không muốn Sơn buồn. Vậy là thành đôi. Tuy mệt mỏi một chút, nhưng Hân cũng bằng lòng với quyết định của mình. Rồi một ngày không xa, Hân sẽ yêu Sơn thật sự. Chắc vậy.

Chiều, từ trường về, Sơn đưa Hân đi làm luôn. Sơn luôn ý tứ không bước vào quán, cần để Hân với việc làm riêng của mình. Hân nhảy như bay xuống xe. Hôn gió Sơn một cái rồi chạy vào quán, mang theo chút gió, nắng từ ngoài đường vào, xua tan bớt không khí cô đặc của phòng máy lạnh.

Bàn mười trên tầng hai, một sinh tố bơ, một cà phê nâu đá, thuốc lá, đĩa mì xào. Xong! Bàn một, đồ nhắm, bốn chai “Ken”, Xong! Sang bàn bốn thanh toán tiền. Xong! Còn bàn trên tầng ba nữa, mang lên thêm hai trà đá. Lúc Hân đến, chỉ có hai người khách trung niên ăn mặc lịch sự ngồi đó. Họ đang mải dúi đầu vào nhau nói chuyện. Người đàn ông tóc muối tiêu hết cầm tay lại hôn lên má người đàn bà rất tình cảm. Hân ý tứ quay xuống, cố tình dậm bước chân thật mạnh. Đặt hai ly nước xuống bàn Hân khẽ mỉm cười, trông họ thật phúc hậu. Hai ông bà cũng gật đầu cám ơn Hân. Hân đi xuống, tự dưng thấy lòng vui vui. Lại thêm một bàn trên tầng ba, năm anh nhà báo quen mặt, năm cà phê đen đá không đường và những cuộc tranh luận kéo dài đến vài giờ đồng hồ. Hân chuẩn bị thêm năm ly nước lọc “khuyến mãi” và một nụ cười tươi, cẩn thận bê khay nước lên. Lần này bàn hai người trung niên có thêm một người đàn ông gầy gò, tóc điểm bạc. Lúc Hân đặt ly cà phê thứ tư xuống, cả hội giật mình vì tiếng cốc vỡ xoảng một cái trên mặt bàn. Không phải là do Hân, mà phía góc bàn bên kia. Cả lũ quay ra tròn mắt. Người đàn ông mới đến nhảy dựng lên, người đàn bà ôm chặt tay ông ta kêu van, em xin anh, em lạy anh, về nhà mình nói chuyện. Cái ông tóc muối tiêu ngồi bưng mặt, dòng máu đỏ chảy qua kẽ tay. Một trong mấy anh nhà báo nói thầm, đánh ghen đấy, rồi chạy ra. Hân ríu cả chân, mặt vẫn còn đần ra, ngỡ ngàng. Nhờ sức khỏe và số đông, các anh tách được ông gày gò đang điên cuồng gào thét chực lao vào đánh tiếp người đàn ông tóc muối tiêu, đẩy được bà vợ về trước.

Hân trấn tĩnh lại, nhanh nhẹn ra đóng chặt cửa phòng lại, tránh gây náo động xuống tầng dưới. Tranh thủ mấy anh kia quây quanh ông chồng đang bức xúc kể lể tội lỗi ngoại tình của bà vợ, Hân lấy một chiếc khăn lạnh nhẹ nhàng đến bên người đàn ông tóc muối tiêu lau máu trên khuôn mặt không giấu nổi vẻ hoảng hốt và trên bàn tay còn run bần bật. Hân kéo ông ta ra cái bàn khuất sau chậu cây cảnh. Lúc Hân chạy đi cất khăn, ông ta mới kéo Hân lại, rên lên: "Cháu giúp bác với… Cháu là cô bé tốt, cháu giúp bác nhé… đưa bác ra khỏi đây… Ông kia tưởng nhầm, hai bác chỉ ngồi bàn công việc thôi mà, khốn nạn, mang cả cái ly nước đập vào mặt, may mà tránh được. Còn đâu là uy tín của tôi…?!".

Chắc là ông ta không biết Hân đã nhìn thấy họ âu yếm nhau như thế nào, nhưng bây giờ phải giúp ông ta thoát khỏi cơn giận dữ của ông chồng bị vợ phụ bạc kia. Nếu không giải quyết nhanh, càng nhiều người chứng kiến, càng mất mặt cả ba người này. Hân đi ra, ngoắc một anh rồi thầm thì to nhỏ, nhét vào tay một chùm chìa khóa, anh chàng khẽ mỉm miệng cười. Vòng tròn quanh người đàn ông khép chặt hơn nữa. Tránh được tầm mắt người đàn ông gày gò, Hân đẩy ông tóc muối tiêu ra cửa đằng sau, đi xuống cầu thang dẫn ra một ngõ nhỏ sát quán. Nghe tiếng quát tháo từ trong phòng vẳng lại: “Nó  đâu?... Mày trốn đâu hả?… Được rồi, tao xuống chỗ để xe xem mày chạy đi đằng nào?…”. Tim Hân đập thình thịch, suýt nữa bắn ra ngoài khi điện thoại di động của người đàn ông đứng bên đổ chuông. “Em à, về chưa, đừng lo cho anh, em cứ giải quyết với chồng của em đi. Cứ bảo là em đến gặp anh nhờ giải quyết vụ nhà đất… Thôi nhé!”. --PageBreak--

Lại còn thế nữa, ông bà già rồi mà lắm chuyện thật. Tuổi này đúng ra cần chỉn chu gia đình, dạy dỗ bảo ban con cái, lại vướng vào mấy trò rắc rối này. Hân bực mình quay đi. Lúc ấy, tự dưng Hân nhớ đến mẹ, thương mẹ, vì Hân, mẹ đã hy sinh cả tuổi trẻ cùng những đam mê của mình. Đúng lúc ấy, chiếc xe máy Dylan của người đàn ông muối tiêu được mang đến. Ông ta cám ơn rối rít rồi nhanh chóng lao xe ra khỏi ngõ, hòa vào dòng người tấp nập ngoài kia. Hai anh em nhìn nhau. Anh phóng viên rảo bước vào quán ngồi uống nước, tiếp tục cuộc tranh luận với bạn bè như không có chuyện gì xảy ra. Hân đứng lại, ngồi thụp xuống gốc cây, chao đảo như người say, lòng ngổn ngang những hình ảnh mịt mùng.

Hết ca, Hân thay quần áo về. Bước chân ra ngoài đường đã thấy Sơn đứng chờ. Vất vả quá đấy, nhưng Hân thấy mình đã trưởng thành lên nhiều.

Sương đêm rơi. Hà Nội thu mình trong ánh đèn vàng hiu hắt. Đường Nguyễn Du ban ngày thấy chật chội, giờ như trải rộng thênh thang. Hương sữa rơi ướp nồng nếp tóc. Trong đầu Hân vẫn váng vất chuyện ban chiều. Có Sơn bên cạnh, Hân thấy lòng mình yên ổn, có gì để tựa vào. Chỉ có Sơn và hoa sữa… Bất chợt, Hân thấy mình nép người vào sát Sơn.

- Một tháng nữa là thi giữa kỳ rồi, em có định nghỉ không?

Hân không trả lời, dựa đầu vào vai  Sơn.

- Em đã có nhiều ý tưởng cho truyện ngắn đầu tay chưa?

Vẫn im lặng. Hân quàng tay ôm Sơn thật chặt. Sơn xúc động, cầm tay Hân nhẹ nhàng.

- Đến khi nào em mới về nhà anh?

- Cũng sắp rồi…

- Nếu Hân ngại, mình rủ thêm mấy đứa nữa.

- Tùy anh!

Ngày lễ Phụ nữ Việt Nam, quán đông hơn ngày thường. Hân chạy không kịp thở. Gã trai pha chế góc quầy ba thì thào, cái thằng tây kia đúng là hâm, dở hơi không ngửi nổi, gọi toàn những thứ kỳ quặc. Hân suỵt khẽ, ông ấy đứng sát đây, cẩn thận ông ý nghe thấy. "Nó biết quái gì tiếng Việt, cứ chửi cho bõ ghét". Hân chưa kịp thốt lên lời nào, ông Tây quay lại nói bằng giọng Việt khá chuẩn: “Cậu vừa nói cái gì?”. Gã trai ú ớ, Hân cúi người xin lỗi rồi lặng lẽ đi ra.

Bàn của một nhóm khoảng hai chục người gọi Hân ra tính tiền, Hân bấm nhanh máy, hết một triệu sáu trăm bảy mươi ngàn đồng. Một nhân viên khác chạy ra giằng lấy, để tao tính cho. Hân lẳng lặng cầm khăn dọn dẹp lau bàn kế bên, nghe rõ giọng nhân viên đó nói dù tiếng nhạc bật khá to: “Của anh chị hết một triệu tám trăm, bảy mươi ngàn đồng”. Hân ngẩng đầu lên, thấy anh ta đưa ra một Orders sạch sẽ khác hẳn cái trước. Tránh cái nhấm nháy trông ngứa mắt của hắn, Hân cúi xuống  lau nốt bàn.

Cuối buổi, Hân bảo hắn, coi như mình chưa nhìn thấy gì, chưa nghe thấy gì, nhưng lần sau mà vậy, mình không bỏ qua đâu. Tên nhân viên ném điếu thuốc lá, di chân lên, một mình chẳng trụ được lâu đâu. Hân dắt xe về, chẳng buồn nói thêm câu nào.

Mấy hôm sau, tay quản lý gọi Hân lên phòng làm việc riêng: "Nhiều người than phiền về em lắm đấy. Làm việc trễ nải, không hòa đồng với tập thể, lại thích  nói xấu, dạy đời  người khác. Anh mong em nghĩ lại, nếu thấy có thể thay đổi được thì em tiếp tục làm".

Hân ngỡ ngàng. Nước mắt đọng lại trên mi. Cô đã thực sự cố gắng. Cô thấy mình yêu công việc này rồi. Những người khách quen mặt và dễ mến. Bao nhiêu bậc thang là lên được tầng trên, ô cửa tầng ba trông ra một khoảng xanh ngăn ngắt đầy lá, đầy nắng… Hân quay đi. Trước khi đóng cửa, cô quay lại rành rọt: “Ngày mai em sẽ bàn giao lại công  việc”. Tay quản lý ngỡ ngàng nói: “Em vẫn còn thời gian nghĩ lại cơ mà”. Cô mỉm cười, như thế tốt hơn, phải không?!

Chủ nhật, mặc kệ nỗi buồn còn vương lại đâu đó trong tâm trí, xóa hình ảnh tay quản lý quanh quẩn bên két tiền như một bù nhìn rơm. Hân chọn chiếc váy đẹp nhất, chuẩn bị sang nhà Sơn. Mẹ vuốt tóc, con gái mẹ lớn thế này rồi cơ à? Hân ôm lấy mẹ hít thật sâu mùi mồ hôi quen thuộc. Cô thấy yêu mẹ quá.

Nhà của Sơn là một ngôi biệt thự xinh xắn nằm phía cuối thành phố. Hoa hải đường giăng đỏ thẫm lối vào, những bụi cỏ nhân tạo nằm khép mình dưới khóm hoa hồng đủ màu rực rỡ. Đúng như những gì Hân thích. Đón Hân là một người phụ nữ nhỏ nhắn, chưa tàn phai hết nhan sắc bởi thời gian. "Hân phải không, nghe Sơn kể nhiều rồi hôm nay mới được gặp chau. Vào nhà đi, Sơn nhà bác và các bạn đang chờ trong nhà đấy".

Hân khép nép bước vào phòng ăn. Sơn chạy ra đón, không giấu nổi vẻ vui sướng. Cả lũ nhao nhao lên, đến muộn thế, đói muốn chết rồi này. Hân chưa kịp cười trêu lại, bỗng giật mình, ngồi chính giữa đầu bàn, người đàn ông tóc muối tiêu hôm nào cũng đang nhìn sững Hân. Sơn vui vẻ: "Giới thiệu với bố, Hân bạn học cùng lớp với con. Còn đây là bố anh đấy". Hân chào như không quen biết. Rất nhanh, cô quay sang đùa cợt với bạn bè. Hai người ngồi ăn gượng gạo, tránh nhìn vào mắt nhau. Buổi đến chơi nhà Sơn thành ra kém vui so với những gì Hân tưởng tượng.

Khi về mẹ hỏi, Hân được dịp kể hết những gì còn lắng lại phủ mờ tâm trí cô. "Thế nhà Sơn ở đâu hả con?". "Trong khu Linh Đàm, nhà đầu tiên của dãy biệt thự. Có phải nhà có bụi  hoa hải đường không?". "Có phải ông ý người cao đậm, ánh mắt như biết cười và tóc muối tiêu không". Hân tròn mắt, sao mẹ biết. Mẹ thở dài, ra ngoài phòng khách một lúc lâu, rồi mẹ quay lại, thì thào đứt quãng: "Con đừng gặp Sơn nữa được không?.. Sơn là con riêng của bà ấy… nhưng… thôi đi con ạ".

Hân sững sờ, ngây như tảng gỗ, rồi cô gục xuống, sao mẹ lại giấu con.

Ngoài cổng nhà cô, khóm hải đường vẫn bung từng đóa hoa đỏ tươi như máu. Ngày mai gặp Sơn, Hân biết nói gì…

Mùa đông, cây khô trụi lá, mọi việc qua nhanh như một giấc mơ… Mẹ Sơn tìm đến mẹ Hân, hai người ôm nhau khóc như hai đứa trẻ. Mẹ Hân biết bà ấy cũng không hạnh phúc gì hơn. Được cái trước mắt, nhưng mất nhiều về sau. Bỏ qua mọi quá khứ của người lớn, Sơn và Hân vẫn ở bên nhau, thân thiết, thương yêu nhiều hơn những ngày qua. Gió mùa ùa về mang theo hương ngọc lan vương vít ven hồ Tây. Nhìn qua khoảng nước mênh mang thẫm tối, Sơn lần tìm tay Hân siết chặt. Tuổi hai mươi tươi đẹp, đường đời dài phía trước, còn biết bao việc phải làm

.
.