Khi bóng mây vừa tan

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:05
Có người lại bảo anh ta đi buôn lậu, bị Công an đuổi, quay lại đánh Công an, nên mới ngồi tù dài vậy. Có người lại bảo anh ta liên quan đến đường dây buôn ma tuý xuyên quốc giav.v... Chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng biết chuyện nào là thật, chuyện nào là bịa nữa. Chỉ có duy nhất chuyện anh ta vừa ở tù ra là có thật.

Con đê Ngự Hàm 3 sừng sững như một cánh cung khổng lồ, ngăn cách giữa đất liền với biển. Trời không nắng nhưng rất oi, khó chịu, vậy mà vượt sang bên ngoài con đê, không khí đã đổi khác. Một vùng triều mênh mông, gió biển nhè nhẹ thổi. Một không gian thoáng đãng, không khí trong lành, mát mẻ.

Hải nới lỏng tay ga cho xe chạy chầm chậm để nghe tiếng gió vi vu bên tai, gió mơn man trên má, trên cổ. Một cảm giác khoan khoái dễ chịu như được đánh thức lan toả khắp cơ thể anh. Chợt cu Tuấn ngồi sau xe la lên: "Chú ơi! Mẹ cháu kìa! Mẹ cháu đang ở dưới đầm kìa!".

Không cần liếc mắt nhìn theo tay cu Tuấn, bởi ngay từ lúc ở trên mặt đê Hải đã nhìn thấy Thoa, mẹ của Tuấn rồi. Anh cho xe rẽ vào khu đầm. Xe chưa kịp dừng, cu Tuấn đã vui sướng reo lên: "Mẹ ơi…! Mẹ ơi!...".

Hải có cảm tưởng, giá như đang đứng ở dưới đất nó sẽ nhảy cẫng lên vỗ tay vui sướng đến thế nào. Mẹ nó ngửng mặt lên, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi cười rạng rỡ: "Sao không ở nhà với cô mà lại theo chú ra đây hở con?". "Ra đây thích hơn, lại được ngồi xe máy chú Hải". Hải phân bua: "Cô Lam đón đường nhờ tôi đưa cháu ra đây đấy. Cô ấy bảo phải vào thị trấn có chút việc".

"Thì… tôi có nói gì đâu mà anh vội thanh minh nào". Hải cười cười: "Thì… tôi cứ nói trước đi vậy, kẻo lại bảo tôi rủ rê". "Gớm… người đâu mà nhớ dai thế không biết". Cô nguýt Hải một cái thật dài rồi bảo với con: "Con cứ sang chơi với chú Hải đi, xong việc, mẹ  sẽ sang đón, rồi hai mẹ con cùng về".

*

Còn nhớ hồi ông Khang đưa Hải ra đây trông coi đầm cho ông. Hải ra buổi sáng thì buổi chiều chuyện về Hải "nổ như ngô rang". Người này rỉ tai người kia: "Thằng ấy mới đi tù về đấy. Cẩn thận". "Trông cũng "phong độ" ra phết đấy chứ, vậy mà đi trộm cướp. Nghe đâu ngồi tù những 7 năm cơ đấy".

Có người lại bảo anh ta đi buôn lậu, bị Công an đuổi, quay lại đánh Công an, nên mới ngồi tù dài vậy. Có người lại bảo anh ta liên quan đến đường dây buôn ma tuý xuyên quốc giav.v... Chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng biết chuyện nào là thật, chuyện nào là bịa nữa. Chỉ có duy nhất chuyện anh ta vừa ở tù ra là có thật.

Chính ông Khang nói: "Chú ấy ở xã K, cũng là người trong huyện ta cả, vừa mới ra tù, công ăn việc làm chưa có. Tôi đưa chú ấy ra đây vừa giúp tôi trông coi đầm, vừa giúp chú ấy làm lại cuộc đời". Nhưng những "cư dân vùng đầm" lại không nghĩ như ông. Người ta ỉ eo dè bỉu: "Ôi dào! Làm phúc phải tội giờ đấy mà. Hẳn hoi thì chẳng sao, lơ tơ mơ với nó thì… đến con tép cũng chẳng còn".

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn càng xa. Thuê người trông coi anh ta thì chẳng ai thuê nhưng "nhất cử, nhất động" của anh ta đều bị hàng trăm con mắt "giám sát" rất chật chẽ. Đã vậy, lại không ai chơi bời quan hệ với anh, người ta lảng tránh anh như tránh bệnh hủi. Cũng không trách người ta được, người ta cũng có cái lý của người ta. Dân gian đã có câu: "Thân cận nhà giàu no bữa cám/ Cận kề kẻ trộm chỉ no đòn". Càng tránh xa những kẻ xấu càng tốt. Cái xấu dễ lây nhiễm đã đành mà có khi còn bị liên luỵ nữa là khác,  "ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn".

Chỉ có cu Tuấn là "vô tư" chẳng phân biệt "chú Hải" là ai cả. Không ra đầm thì thôi, chứ đã ra thì chỉ có "chú Hải", mẹ cũng "ra rìa". Mà cũng lạ, "chú Hải" lại cũng rất mến nó, thích đùa vui với nó. Tiếng cười con trẻ trong veo, lan xa theo mặt nước khu đầm, lòng Thoa se lại chạnh buồn. Giá như bố nó còn sống để được đùa vui với con như thế này…

Minh họa: Tô Chiêm.

Rồi một hôm, hôm ấy trời nắng lắm, Thoa bận phải đi thanh toán với ngân hàng, đã dặn cô Lam trông cháu cẩn thận rồi, vậy mà còn để anh ta rủ rê thằng bé ra đầm suốt từ sáng đến tối. Vẫn biết rằng, chẳng ai để thằng bé chang nắng cả. Nhưng trẻ con tránh sao được lúc chạy ra, chạy vào. Tối hôm ấy thằng bé bỏ cơm, đêm lên cơn sốt, người nóng như hòn than. Cô y sỹ ở làng bảo: "Cháu chỉ bị cảm thôi. Không sao đâu!" rồi cho mấy viên thuốc uống cũng đỡ. Sáng hôm sau, chẳng biết ai nói mà ông Khang và cả anh ta nữa vào thăm ngay.

Vừa xót con, vừa muốn "không quan hệ chơi bời gì với loại người ấy", cô bốp chát: "Từ nay, tôi cấm anh không được rủ rê thằng bé ra đầm nữa. Ốm cũng là còn may đấy. Nói trời bỏ quá, lỡ nó sẩy chân lăn xuống đầm thì anh nói với tôi sao đây? Vả lại...tôi không muốn con tôi sau này rồi lại...ngồi tù". Mặt anh ta biến sắc, miệng lắp bắp muốn nói nhưng lại cố kìm. Anh ta đến bên cu Tuấn vuốt vuốt lên mái tóc lờm xờm của nó: "Chú về nhé". Cô thoáng thấy mắt anh ta ậng nước.

Anh ta đi rồi, ông Khang mới trách: "Thím thật quá đáng", rồi ông kể: "Trước khi vào tù Hải cũng có một thằng con trai 3 tuổi, kháu khỉnh, bụ bẫm lại đang bập bẹ tập nói. Làm mẹ, thím cũng biết rồi đấy, tiếng trẻ bi bô ngọng nghịu nó găm vào lòng nỗi nhớ da diết lắm. Thím biết không, hôm nó lên thăm bố nó ở trại, trước khi ra về nó dặn: "Bố...cịu… khó...ải tạo tốt để…ớm… về với... con".  Anh ta đã bật khóc.

Hải bảo, nó được ra tù trước thời hạn 2 năm cũng vì cả những lời dặn ngọng nghịu của thằng bé nữa. Vậy mà, lúc được ra tù, thằng bé nghe bảo bệnh nặng không cứu được. Vợ buồn đời cũng bỏ đi. Cảnh đời éo le như vậy, người ta khát khao có đứa trẻ vui vầy, cũng là điều dễ hiểu thôi, thế mà mà thím…".

Cô nhìn ông Khang như hối lỗi. 

*

Rồi dịp thuận lợi cũng đến. Thoa nhớ, bữa ấy là cuối năm, nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội hay cựu chiến binh gì đấy, ông Khang được mời đi thăm lại chiến trường xưa. Một buổi sáng ông vận bộ quân phục rất tề chỉnh, quân hàm, quân hiệu lấp lánh, bước vào lều của cô, cả anh chàng Hải nữa. Ông "giao nhiệm vụ" cho cả hai người: "Tôi đi vắng, nhanh thì một tuần, chậm có thể mười ngày hoặc hơn. Công việc ở nhà, nếu thím cần đến sự xốc vác của đàn ông thì cứ gọi chú Hải. Chú Hải sẽ có trách nhiệm. Còn ngược lại, chuyện chợ búa, cơm nước thím phải hỗ trợ chú ấy. Có một thân một mình lại là con trai nữa nên rất dễ ăn quàng ăn quấy cho xong bữa. Mà ăn như thế lấy sức đâu mà làm".

Nói xong, ông chờ cho hai người "lĩnh hội" đầy đủ tinh thần "nhiệm vụ" ông giao xong, ông mới hỏi lại: "Chú Hải và cả thím Thoa nữa, ai có ý kiến gì không?". Cô đưa mắt nhìn Hải, không ngờ Hải cũng quay lại nhìn cô. Bốn mắt gặp nhau rồi cả hai vội vàng nhìn ra chỗ khác, nhưng lại cùng đồng thanh: "Không ạ", rất đều như có người bắt nhịp. Cô quay mặt đi khẽ mỉm cười.

Ông Khang đi 12 ngày, thì có tới 7 ngày, cô cần đến sự "xốc vác" của đàn ông, nghĩa là cần đến Hải. Phải nhờ vả người ta nhiều cũng nể lắm nhưng biết làm sao! Việc làm đầm là việc của đàn ông, sức vóc đàn bà sao kham nổi! Hồi chồng cô mất, cô đã có ý định sang tên cho người khác nhưng ông Khang gàn: "Mua vải bán áo. Cả sản nghiệp chú thím đã dồn hết vào đây rồi. Cứ để mà làm rồi tôi sẽ hỗ trợ thêm". Nhưng "nhiệm vụ" của cô thì cô chỉ hoàn thành một nửa, ấy là chuyện chợ búa.

Nói đúng ra là cô đi chợ cho nhà mình, kết hợp mua giúp Hải bó rau xanh, dăm lạng thịt hay vài chục trứng, thế thôi. Còn chuyện cơm nước, Hải có ý không nhờ mà cô cũng cố ý lẩn tránh.

Cũng phải thôi, Hải là đàn ông độc thân, cô là gái goá, cứ xì xụp nấu nướng với nhau, tránh sao được miệng lưỡi người đời! Ngay cả việc ở lại đầm buổi trưa, từ ngày ông Khang đi vắng cô cũng thôi luôn, dù công việc đang dở dang thì cũng phải để lại chiều làm tiếp. Buổi tối, có việc phải ra đầm cô phải bảo thêm cô Lam, chị em cùng đi cùng về. Duy chỉ có một lần, bữa ấy bận làm cỏ, dọn vườn để gieo vài luống rau cải nên phải gần trưa cô mới ra đầm.

Cô cũng chỉ định ra qua một chút rồi về, nào ngờ,  vừa dựng xe ở trước lều thì đã nghe tiếng bà già mếu máo bên đầm nhà lão Vinh: "Tôi xin chú! Tôi lạy chú! Có con tôm con cá nào trong giỏ, chú lấy thì cứ lấy đi đừng bẹp giậm của tôi. Tôi nhờ nó để sống, chú bẹp nó rồi tôi biết sống ra sao. Tôi van chú! Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy chú…".

Miệng bà già van xin, nhưng tay bà cố giằng cái giậm từ tay lão Vinh ra. Lão hằm hằm: "Bỏ ra! Bà bỏ ra không tôi đạp luôn cả bà xuống đầm bây giờ. Đã múc trộm tôm mà còn xin với xỏ". Nói dứt câu, lão lấy đà giật mạnh cái giậm, cái giậm văng khỏi tay bà già, còn bà già ngã chúi về phía trước. Lão giơ cái giậm lên cao, định dồn sức, đập thật mạnh xuống đất cho cái giậm bẹp dí mới hả giận. Nhưng cái giậm chưa kịp đập xuống thì Hải đã lao đến giơ tay đỡ lấy cán giậm, và giật nó ra khỏi tay lão Vinh. Hải nói: "Anh nhầm rồi. Chỉ có bọn choai choai anh vừa đuổi đấy là có thể  múc trộm tôm ở đầm nhà anh thật. Còn bà cụ đây, từ sáng đến giờ tôi chỉ thấy bà cụ lần mò đánh giậm ở bên ngánh chứ chưa hề bước lên bờ đầm. Anh nói vậy là oan cho bà cụ".

"Ông thì biết cái gì? Ai khiến ông. Đồ hới lơ…". Đang cơn tức giận lão lao đến đẩy Hải ra để giằng lại cái giậm. Bị bất ngờ Hải ngã vật xuống bờ đầm, cổ tay phải nhói buốt. Chiếc giậm theo đà ngã của Hải cũng văng ra, nhưng an toàn. Hải lồm cồm bò dậy, mắt vằn đỏ nhìn thẳng vào lão: "Ông giở trò gì đấy hả?". Lão Vinh luống cuống: "Tôi…tôi…không cố ..ý", rồi lảng dần.

Bà cụ lấy lại được cái giậm, cảm ơn Hải rối rít. Còn Hải thì cứ xoa xoa bóp bóp vào cổ tay phải, mặt nhăn nhó, đau đớn. Thấy vậy bà cụ kêu lên: "Chú…chú bị gãy tay hay sao? Khổ! Vì tôi mà chú bị thế này. Đưa tay  tôi xem nào?". Lúc ấy cô mới vội vàng chạy lại - Hải nhìn cô cố làm ra vẻ bình thường: "Không sao đâu. Có lẽ chỉ trật khớp hay bong gân gì đấy thôi".

Cô đỡ lấy cổ tay Hải cũng sờ nắn, xuýt xoa nhưng lòng cô đang trào lên một cảm xúc rất lạ, vừa cảm phục, vừa tin yêu. Cô bảo Hải: "Có lẽ phải vào bệnh viện chiếu chụp xem thế nào". Hải ngần ngừ. Bà cụ bảo: "Đi bệnh viện chi cho tốn kém, chú ấy chỉ bị trẹo thôi mà. Nhà tôi có nghề gia truyền, cô chú chờ tôi nhé". Nói rồi bà cụ vác giậm lên vai tất tả bước vào làng. Chiếc giỏ đeo bên hông nhẹ tênh lúc lắc.

Buổi trưa hôm ấy, cô chủ động ở lại nấu cơm giúp Hải. Vừa hì hụi nấu nướng, tự nhiên cô nhớ đến thái độ của mình hôm nào đối với Hải. Một nỗi day dứt, hối hận cứ trào lên, cô thấy mình không chỉ "quá đáng" mà còn nhỏ nhen ích kỷ nữa. Cô gợi chuyện: "Anh Hải còn nhớ hôm cu Tuấn bị ốm không?". Hải cười: "Chuyện đó anh Khang đã nói lại với tôi rồi. Thôi, quên nó đi cô Thoa ạ. Tôi cũng quên chuyện đó từ lâu rồi". "Vâng! Nếu được vậy tôi cũng đỡ áy náy".

Hải cười to quên cả cổ tay đang nhức buốt: "Có gì mà phải áy náy nào! Hồi tôi mới ở tù ra, nhiều người còn đối xử với tôi tệ hơn thế nhiều, cũng là lẽ thường tình thôi mà, nên tôi chẳng để bụng đâu. Thời gian rồi họ sẽ hiểu. Tôi tin vào mình cô Thoa ạ".

Có tiếng xe máy vọng lại từ xa, Hải bước ra ngoài ngó nghiêng rồi nói vọng vào: "Bà cụ đang ra rồi". Chiếc xe máy theo tay Hải vẫy, ngoặt vào sân. Đi cùng với bà cụ là một người con trai, trắng trẻo, dáng thư sinh. Sau vài câu trò chuyện xã giao anh ta cầm tay Hải lên xem xét, sờ nắn rồi bất ngờ giật mạnh một cái, khiến Hải thét lên đau đớn. Anh ta cười cười: "Việc nó phải thế, không nói trước được. Bây giờ thì anh yên tâm, bó thuốc vài ngày sẽ khỏi".

Bà cụ lôi ở trong cái bọc ni lông ra một mớ lá tươi, đủ các loại lá, nhưng lá nào cũng đã bị vò nhàu, không còn nhận được màu sắc, hình dạng nữa. Cô giúp bà bó thuốc cho Hải. Bà khen thật lòng: "Đàn bà như hạt mưa sa. Lấy được người chồng hiền lành lại biết thương người như cô thì đúng là "hạt rơi xuống giếng" đấy". Hai người đưa mắt nhìn nhau, nhưng chẳng ai có ý định cải chính cả.

*

Mưa. Mưa dầm dề đã 3 ngày rồi mà vẫn chưa có biểu hiện gì là ngớt cả. Bầu trời vẫn xám xịt, cả không gian vùng triều mờ đục như bao phủ một màn sương. Những người làm đầm sợ nhất là mưa dai dẳng kiểu này, đất sẽ nhão ra, một vết nứt, một ổ mối đùn cũng là nguy cơ làm cho bờ đầm vỡ. Nhất là lại đúng lúc triều cường như thế này thì nguy cơ vỡ đầm lại càng lớn. Nghề gì mưa gió có thể nghỉ ngơi, thậm chí trùm chăn mà ngủ chứ nghề làm đầm thì càng mưa gió càng phải có mặt ở đầm.

Mưa bớt hạt, Thoa trùm vội tấm ni lông bước ra đầm. Cô lo nhất là đoạn bờ mới bồi trúc hồi đầu năm, đất chưa kịp dẽ, lại gặp lúc trời mưa dai dẳng thế này… Thuỷ triều đang lên, cả vùng triều trắng băng nước, chỉ còn nhìn thấy những tán vẹt, tán bần bần chắn sóng mờ mờ ở ngoài xa. Trong đầm nước cũng ngập sắp lút bờ. Cô cứ chầm chậm bước, vừa bước vừa nhìn xoáy vào hai bên bờ tìm nguy cơ bất trắc. Chợt cô nhìn thấy một mạch sủi đang đùn lên ở ngay mang cống, sát chân bờ phía trong đầm, còn ở phía biển, đã hình thành một vòng xoáy nước, sóng ì oạp vỗ vào làm sụt từng mảng đất lớn, chẳng khác nào tên đao phủ cầm dao vạc đi từng mảng thịt.

Nguy cơ vỡ đầm trong gang tấc. Cô hốt hoảng la lớn: "Bác Khang ơi!... Anh Hải ơi! Các bác, các chú ơi!… Đầm nhà tôi sắp bị vỡ rồi... Giúp …cứu đầm tôi với… đầm nhà tôi  sắp bị vỡ …Ốo các bác các chú ơi…". Tiếng la hét của cô xuyên qua tiếng mưa rơi, qua không gian mờ đục, dội vào từng gian lều đánh thức tính cộng đồng. Chỉ dăm phút sau, hầu hết những người đang ở vùng đầm đều đã có mặt, người thì mang theo móng (tương tự như cái xẻng) người thì vồ sàm, cọc tre, bao tải… giống như đi cứu hộ đê vậy.

Bằng kinh nghiệm đã đúc kết, những sự cố như thế này, cách nhanh nhất và hiệu quả nhất vẫn là phải tìm đúng vị trí của mạch sủi, rồi từ đó đóng cọc tre bao quanh và lèn đất xuống để gia cố chân bờ. Nhưng để tìm đúng được mạch sủi trước hết phải là người có sức khoẻ, dẻo dai, bơi lội giỏi. Đặc biệt là phải có hơi lặn dài.

Chẳng biết Hải có đủ những "yếu tố" ấy không mà vừa đến nơi anh đã nhảy ngay xuống xoáy nước lặn tìm. Một hơi, hai hơi rồi ba hơi mà vẫn chưa tìm ra vị trí. Sóng vỗ vào bờ đầm, táp vào người anh bắn ra trắng xoá. Vòng xoáy nước cứ mỗi lúc một rộng thêm ra, trên bờ thỉnh thoảng lại một mảng đất tự động vỡ ra đổ ùm  xuống nước. Lòng cô thắt lại. Phải đến hơi thứ năm, một hơi lặn dài, dài đến nỗi trên bờ đã có người chột dạ Hải mới ngoi lên nói trong hơi thở ngắt quãng: "Nó… nó ở chỗ này…lấy mấy cái bao tải…để chèn …".

Những bao tải được chuyền tay nhau đưa đến cho Hải, lại thêm được ông Hùng, lão Vinh nhảy xuống giúp sức nữa, vậy mà cũng phải một lúc sau mạch sủi mới bị chặn lại, vòng xoáy nước lập tức giảm cường độ. Mọi người hò nhau đóng cọc, lèn đất gia cố chân bờ.

 Nhìn bờ đầm đang được gia cố, cô thở phào trút được nỗi lo âu. Nhưng hỡi ôi, "họa vô đơn chí", cái "họa"cho bờ đầm vừa đi qua thì cái "họa" mới lại đến. Hải từ dưới chân bờ bước lên để đón hòn đất từ vai cậu Hoàng đưa sang, trượt chân, ngã ngửa ra đằng sau, đầu đập vào mang cống.

Cô hoảng hốt hét lên rồi lao đến bên Hải. Hải chỉ ú ớ được vài tiếng rồi bất tỉnh. Mọi người xúm lại hò nhau đưa Hải vào trạm y tế. Lão Vinh cúi xuống định bế xốc Hải lên, ông Khang quát: "Không được! Cứ để chú ấy nằm yên thế, đề phòng tai biến". Nói rồi ông lấy luôn tấm ni lông của cô giăng rộng ra, bốn người cầm bốn góc che mưa cho Hải. Còn ông thì "sơ cứu" cho anh bằng cách vừa ấn vừa xoa nhè nhẹ lên ngực trái. Phải đến năm phút sau anh mới khẽ cựa mình tỉnh lại. Lúc ấy ông mới cho đưa anh đi.

Mặc dù đã được ông trưởng trạm y tế cấp cứu kịp thời nhưng tình hình của Hải vẫn không tiến triển gì hơn. Đã bốn giờ đồng hồ trôi qua rồi mà anh mới duy nhất có một lần mở mắt nhìn cô khi nghe cô gọi, rồi lại chìm ngay vào giấc ngủ mê mệt. Chai dịch truyền treo lủng lẳng ở đầu giường thong thả nhỏ từng giọt, từng giọt, chậm rãi. Nhìn anh, tự nhiên  hai giọt nước mắt cô trào ra. Cô đưa tay lên lau vội và len lén nhìn ông Khang, cũng may ông Khang đang nói gì với ông trưởng trạm y tế nên không nhìn thấy. Chợt cu Tuấn chạy ùa vào: "Mẹ ơi! Cô Lam cho con ra thăm chú Hải. Chú Hải bị ốm à?".

"Ừ, chú bị ốm. Con gọi chú đi con". Cô đẩy con lại bên giường: " Gọi đi con. Gọi chú Hải ơi! Cháu ra thăm chú đây này". Cu Tuấn làm theo: "Chú Hải ơi!  Cháu ra thăm chú đây này. Chú mở mắt ra…chú Hải! chú mở mắt ra đi…". Hải từ từ mở đôi mắt mệt mỏi nhìn Tuấn, rồi giơ tay định ôm Tuấn sát vào mình, vô tình anh lại nắm phải bàn tay cô, nhưng cô không rụt tay lại mà cứ để yên trong tay Hải. Phải một lúc lâu, cô mới nhẹ nhàng rút tay ra, nói với Tuấn: "Con đứng sát vào nữa đi, chú Hải quàng tay muốn ôm con đấy...".

Truyện ngắn của Nguyễn Bá Doanh
.
.