Kẻ háo danh

Thứ Năm, 23/06/2016, 08:21
Bà Jeanna Smith đột nhiên phát hiện ra khả năng cầm cọ của mình lúc vừa bước vào tuổi 50. Con cái đã trưởng thành, trong khi ông chồng lại ra nước ngoài sống với một ả lăng loàn chưa bằng tuổi đứa con đầu.

Sau khi nhận chứng chỉ hội họa từ một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, Jeanna chính thức bước vào con đường nghệ thuật. Bà theo đuổi trường phái siêu thực, trên lý thuyết thì màu sắc cùng cách bài trí họa phẩm không thành vấn đề, cốt sao gây được cảm giác mạnh cho người thưởng thức làm họ mủi lòng...

Vậy mà chẳng ma nào thèm để ý đến những bức tranh của Jeanna, cho dù bà đã đầu tư mở phòng trưng bày riêng, cũng như tham gia nhiều cuộc triển lãm chung với những cây cọ mới nổi khác. Nhưng vẫn chẳng ăn thua… Jeanna quyết định chuyển tới New York, thuê một phòng trong hotel ít sao hòng thử thời vận giữa chốn đô thị đa dạng hàng đầu này.

Vậy mà giới làm nghệ thuật ở đây vẫn tỏ ra thờ ơ với nữ họa sĩ trung niên. Bà chợt hiểu ra rằng đó không phải là điều mình muốn vẽ, bởi các nét họa quá đơn giản, quá thực tế đến mức trần trụi dễ gây nhàm chán. Cần phải sáng tác thứ gì khác kia… Jeanna trằn trọc suốt mấy đêm liền hòng tìm kiếm chủ đề ăn khách hơn.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Một tối nọ, vô tình ngắm mình trong gương, nữ tác giả nhận thức được rằng những bức tranh đã phản ánh chính con người mình. Một phụ nữ luống tuổi, da nhăn nheo xấu xí, đã thấp lại còn béo phì cùng trang phục không hợp thời. Hay nói một cách khác là những họa phẩm ấy không có sinh lực, cũng chẳng in đậm sắc thái riêng của bậc danh họa. Vấn đề ở đây là cần có một người mẫu. Bà liền nhắm mắt lại cố mường tượng chân dung cây cọ Jeanna Smith trong mơ, với những đường nét thon thả trẻ trung đầy gợi cảm trước công chúng… Chợt một nỗi buồn miên man lan tỏa, bà chỉ còn biết thở dài trước khi cất bút vẽ vào ngăn tủ để đi nằm.

Bỗng có tiếng gõ cửa gấp gáp. Jeanna nhớ là mình đâu có gọi phục vụ phòng, cũng như bà đâu có bạn bè ở cái thành phố xa lạ này. Vậy ai tìm mình làm gì? Qua lỗ khóa trên cửa ra vào là một cô gái cao lớn, trang điểm khá kỹ, trông y như một… họa sĩ trẻ.

- Cô tìm ai? - Jeanna hỏi qua khe cửa cài móc xích bảo vệ.

- Xin lỗi về sự đường đột này, thưa bà Smith - vị khách vội đáp.

 Nữ chủ nhân mở cửa, mùi cần sa thoang thoảng xộc vào mũi bà. Cô gái liền lên tiếng:

- Không dám, đây có phải là nơi cư ngụ của ngài John Smith? Hay tôi nhầm phòng?

- Vậy là chắc cô có công việc làm ăn với ông ta?

- Vâng, đúng.

- Hãy quên lão già ưa trống bỏi ấy đi - Nữ chủ nhân kéo khách vào phòng rồi sập mạnh cửa - Xin tự giới thiệu tôi là Jeanna Smith… Còn cô có muốn thâm nhập vào thứ công việc thuần túy nghệ thuật không?

 Thoạt tiên vị khách chẳng hiểu gì sất, nhưng rồi cô dần vỡ lẽ trước sự thổ lộ của người đối diện. Phải rồi, một công việc quá ư dễ dàng bởi không phải làm gì mà vẫn có tiền bạc và danh vọng. Cớ sao không thử liều xem? Mà đâu có mất mát gì?... Vậy là bà Jeanna bắt đầu một giai đoạn sáng tác mới cùng kỳ vọng sẽ mang lại thành công, nhờ định mệnh run rủi qua dung nhan của một thiếu nữ tràn trề sức sống.

 Kế đến Jeanna đưa cô gái tới hiệu làm đầu quen thuộc để nhuộm món tóc đen tuyền thành màu vàng óng ả, bà cũng đổi tên cô thành Witte Brives nghe điệu đàng hơn. Dưới những bộ cánh hợp mốt cùng đồ trang sức đắt tiền do bà chủ sắm cho, Witte đi cùng người quản lý Jeanna Smitht tới hầu hết các phòng trưng bày ở New York hòng lăng xê tên tuổi mới. Sau rốt họ thuê một phòng tranh gần khu trung tâm, Witte giả vờ cầm cọ trong khi Jeanna đánh xe về nhà cũ, chở đến tất cả những bức họa bị xếp xó lâu nay. Bà chỉ việc thay đổi chữ ký tác giả từ Jeanna Smith thành cặp chữ in hoa thời thượng "W.B". quy tụ hai chữ cái đầu của "nữ danh họa" Witte Brives.

Trong mục điểm tin hằng ngày, tờ Thời báo New York bắt đầu gọi W.B là "nữ họa sĩ trẻ đang lên cùng những họa phẩm sinh động đầy cuốn hút". Riêng tạp chí chuyên ngành Thời sự Nghệ thuật lại khen nức nở, rằng "với nét vẽ chân thực đầy ấn tượng, những kiệt tác của W.B quả xứng là người đại diện cho nền hội họa Bắc Mỹ ở nửa đầu thế kỷ XXI".

Mọi người giành giật nhau những bức tranh có giá cao ngất ngưởng. Phòng tranh lấy một nửa số tiền bán được, nửa còn lại chia phần cho Jeanna và Witte cùng hưởng. Họ tha hồ tiêu pha thoải mái bất chấp giá cả sinh hoạt đắt đỏ, kể cả tiền mua ma túy cho nữ họa sĩ đội lốt. Thi thoảng bà Jeanna thấy Witte xuất hiện trên mặt báo, chụp ảnh chung với các diễn viên hay nhân vật nổi tiếng. Thì ra kẻ mà bà bảo trợ đã cố tình "đánh quả" riêng…

Một bữa nọ Jeanna gọi điện thoại đến Soho Grand Hotel sang trọng trên đường Houston nơi W.B đang cư ngụ, thông báo rằng sẽ tới lấy chữ ký của Witte vào bản hợp đồng mới, do hợp đồng cũ đã hết hạn. Căn hộ rộng mênh mông của Witte tọa lạc trên tầng ba, thời gian này Jeanna không thích gặp kẻ mà mình đại diện tí nào cả.

Càng ngày bà càng ganh ghét cô ả, bởi bao nhiêu công sức bỏ ra rốt cục Witte hưởng gần hết. Đã vậy cô nàng còn trâng tráo coi thường người đỡ đầu. Dường như càng ngày Witte càng lún sâu vào con đường nghiện ngập do có tiền tiêu pha thoải mái. Thậm chí cô ả còn giao du với những kẻ bặm trợm, xăm trổ đầy mình giống đám xã hội đen…

Tuy vậy lúc Witte ra mở cửa cho Jeanna, bà thấy trong phòng không có ai khác ngoài chủ nhân. Không có mùi cần sa cố hữu, thay vào đó là mùi dầu bóng pha quyện với dung môi pha màu nước. Khắp nơi ngổn ngang bút lông, bút chì, vải toan vương vãi trộn đủ thứ màu… Trên giá vẽ ngay cạnh cửa sổ là một bức họa khác lạ, không quên kèm chữ ký quen thuộc bên góc phải. Nghĩa là Witte đã bắt đầu tập tành… múa cọ! Có lẽ do được đánh giá quá cao khiến cô ả nuôi ảo tưởng hão huyền, rằng mình có thể trở thành một danh họa thực thụ chăng?

- Bà có thích bức tranh này không? - Nữ chủ nhân hỏi người vừa xuất hiện.

- Chưa thấy họa phẩm nào trông tệ hơn - Jeanna bĩu môi.

- Bà cứ đứng đấy mà chê với chả bai - Witte chợt cao giọng khác hẳn nét nhu mì vốn có - Xin nói thật để bà biết, rằng ngài Jonathan LeVine chủ phòng trưng bày cùng tên trên phố 20 giữa khu Manhattan sầm uất đang năn nỉ tôi hòng mua lại bức này đấy. Theo nhận định của viên trợ lý nghệ thuật của LeVine, thì đây là một kiệt tác hội họa có một không hai…

- Tôi chưa từng nghe thấy điều này - Jeanna nghiêm giọng - Nhưng xin nói để cô biết là chớ nên bêu riếu danh tiếng nhà nghề của tôi…

- Tôi đâu cần đến bà nữa, bà thừa biết điều đó mà - Witte vừa chống nạnh cả hai tay vừa đáp - Không có tôi, bà chẳng là cái quái gì sất. Mang tiếng là người đại diện khác gì loài cộng sinh ăn bám… Thú thật tôi nhắm mắt vẽ còn đẹp hơn tranh của bà.

 Jeanna giận run người, bà thét lạc cả giọng:

- Đồ ăn cháo đá bát!  Không có ta thì ngươi vẫn chỉ là một gái gọi hạng bét bị người đời khinh bỉ.

Witte chợt nổi đóa:

- Cái con mụ già cóc đế này đúng là đồ… chó chết!

Bà Jeanna tức điên liền vớ lấy chiếc búa đóng khung ảnh, nhằm vào đầu kẻ đối diện giáng xuống cho thỏa cơn nóng giận lên tới cực điểm…

Sau khi Jeanna bị bắt vào tù, bà vẫn được ban quản giáo ưu ái cho phát huy sở trường chuyên môn. Nhưng những bức họa do bà vẽ ra dưới danh tính đích thực đều bị giới phê bình nghệ thuật dè bỉu, chê là một dạng "bắt chước W.B đến mức lố bịch". Âu cũng là sự trả giá cho kẻ háo danh.

Emanuel Ikonomov (Anh)- Thu Hường (dịch)
.
.