Hoa bất tử

Thứ Sáu, 11/09/2015, 08:00
Trận ném bom tọa độ kéo dài không quá ba phút. Nhoáng một cái, sáu quả bom trên bốn trăm bảng Anh rơi đúng trục đường vận tải. Ngầm Xợp tanh bành. Hai hố bom sâu hoắm choán hết phần ngầm. Miệng hố toang hoác phơi mép đất đỏ tròn vành vạnh.

Máy bay Mỹ ném bom tọa độ chỉ lướt qua một lần, không gian trở lại im ắng. Cả trung đội nữ thanh niên xung phong mang thi hài hai cô gái hy sinh đi làm lễ an táng tận triền núi cao. Ngầm Xợp trở lại không khí im ắng lạ thường, tưởng chừng rừng đêm đang say giấc ngủ hồng hoang.

Thực ra, trong hang đá cách suối Xợp không xa, có hai người đang đánh vật với thần chết. Người đang xăng xái cứu thương, liền tay mở cuộn bông băng, lắc lắc chai thuốc đỏ là cô y tá Minh của trung đội nữ thanh niên xung phong. Người nằm co quắp trên nền đá ẩm trông chẳng khác con nhộng chưa ra khỏi kén là cô trung đội trưởng Hồ Oi. Đúng lúc máy bay địch ào tới, Hồ Oi đang đứng giữa ngầm, nước ngập ngang đầu gối, làm cọc tiêu cho xe tải qua trọng điểm. Quả bom nổ, hất tung cụm cây rù rì cùng cô gái lên sườn núi. Hồ Oi thoát chết nhưng bị sức ép hơi bom dồn vào cơn mê bất tỉnh. Cô y tá lặng lẽ băng bó cánh tay bị thương của Hồ Oi. Xong, lại ngồi theo dõi nhịp thở của cô gái. Mãi đến khi thấy cô gái lép nhép đôi môi, đưa đầu lưỡi liếm mép, cô y tá mới nở một nụ cười lặng lẽ. Cô cầm chiếc bi đông, nghiêng nhẹ trên làn môi Hồ Oi, từng giọt, từng giọt cho cô gái nhấm nháp làn nước suối. Chợt Hồ Oi chớp chớp làn mi, lên tiếng thều thào:

- “Đây là đâu?”

Cô y tá mừng rơn khi nghe giọng nói của Hồ Oi dù rất mỏng manh. Cô đặt tay lên trán cô gái, nói:

- “Oi ơi, vậy là em sống lại rồi”.

Hồ Oi nhíu vầng trán, lặp lại câu hỏi:

- Đây là đâu? Chị em đi đâu cả rồi?

- Ngủ đi, dưỡng sức cho khỏe. Chị em ra ngoài ngầm hết rồi.

Đúng lúc, một toán nữ chiến sĩ ùa vào hang. Cô y tá đặt một ngón tay lên môi, ra hiệu không ai được báo cho Hồ Oi biết tin hai chị em hy sinh trong trận bom vừa qua. Hồ Oi cố lấy sức ngồi dậy, nhưng không thể nào nhấc nổi mình khỏi sàn đá. Cô ra hiệu cho ba cô tiểu đội trưởng lại gần, giọng phều phào:

- Xử lý sự cố đến đâu rồi?

- Đã huy động toàn bộ cáng chở sỏi đá lấp hố bom - Một cô gái đáp, giọng thỏ thẻ.

- Không kịp giải phóng đoàn xe hướng Bắc trong đêm nay. Phải nghĩ cách khác.

Hồ Oi cố nhúc nhích cái đầu, chực nhổm dậy nhưng không thể nào gượng được. Cô y tá phải nâng đầu Hồ Oi đặt lên đùi mình.

- Tại trạm giấu xe phía Nam, cách ngầm hai cây số có bốn chiếc xe Ben. Các chị vào đấy nhờ họ. Đơn vị ta dồn sức người xúc cát sỏi lên xe. Chỉ hai chuyến là san bằng hố bom, giải phóng được đoàn xe vào mặt trận.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Nói được chừng đó, Hồ Oi mệt lả, gục đầu vào lòng cô y tá. Xem chừng cô gái đang vận hết ý chí hòng vượt qua nỗi mệt nhọc và cái đau đang hành hạ bên trong cơ thể. Chưa chịu nằm yên một bề, cô chỉ vào túi ngực cô y tá, nơi để lộ một mảnh giấy trắng và chiếc bút bi. Hiểu ý, cô y tá lấy giấy bút ra chờ sẵn. Hồ Oi đọc từng chữ, từng câu đứt quãng, nhờ cô y tá ghi hộ:

"Kính gửi Trạm X. Trung đội TNXP ngầm Xợp đề nghị… bốn xe… ngay trong đêm…".

Nghe chữ được, chữ mất, cuối cùng cô y tá vẫn chép xong lời đề nghị của cô Trung đội trưởng Thanh niên xung phong. Lúc bấy giờ, Hồ Oi mới đưa tay cho cô y tá đặt bút vào và ký loằng ngoằng một chữ "Oi".

Ba cô gái tiểu đội trưởng cầm thư đi ngay.

Cô y tá tiêm cho Hồ Oi một mũi thuốc an thần rồi khẽ khàng đặt cô nằm ngửa, đầu gối vào túi gạo dự trữ. Oi nhắm nghiền hai làn mi mỏng khép dưới đôi lông mày thanh tú. Đường sống mũi thanh mảnh như đọt lúa chưa bung khỏi ngọn. Nếu không có hai cánh mũi nở rộng theo chiều ngang thì chẳng ai nhận ra đây là một cô gái Vân Kiều. Gương mặt trái xoan với nước da mịn hồng kia là những nét quen thuộc của một cô gái Kinh xinh đẹp.

Hồ Oi sinh ra ở vùng đất miền Tây, mái núi Trường Sơn nghiêng về đất giáp Lào. Là con em của một cán bộ thôn bản, cô được gửi về xuôi đi học hết cấp hai, cấp ba. Mười tám tuổi, Oi được ra T hủ đô Hà Nội, vào một trường dạy nghề cơ khí. Chính ở Thủ đô, cô làm quen với một sinh viên Đại học Giao thông vận tải tên là Hồ Bình, cũng là một thanh niên dân tộc Vân Kiều. Ngay sau ngày hai người ra trường họ về quê làm lễ cưới. Đàng nhà trai chạy đủ một con bò, hai con lợn và mười con gà nộp lễ xin dâu.

Ăn ở với nhau chưa tròn năm, gặp phong trào chi viện cho chiến trường miền Nam, Hồ Bình xung phong vào đường dây gùi thồ của tuyến vận tải 559. Đến đầu những năm đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, Hồ Oi vắng bặt tin chồng. Chẳng bao lâu sau, cha mẹ Hồ Bình nhận giấy báo tử của con. Nội dung tờ giấy chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ: "Hy sinh tại mặt trận miền Nam".

Hồ Oi đau xót than khóc hàng tháng trời. Duyên nồng mới bén không thể nào dứt, Oi không tin rằng chồng mình đã hy sinh. Chắc có sự nhầm lẫn thông tin nào đây. Oi cứ bền lòng chờ đợi. Dù vậy, tai vạ vẫn không buông tha Oi. Chỉ sau ngày làm lễ truy điệu Hồ Bình sáu tháng, bà con đàng họ nhà chồng Oi họp bàn thủ tục nối dây cho Oi.

Nguyên do, từ bao đời nay, dân tộc Vân Kiều có tục lệ định rằng hễ một người đàn ông nào đó trong dòng tộc qua đời thì người vợ góa phải lấy tiếp một người đàn ông phía nhà chồng. Tục lệ ấy có tên gọi là "xợp"; đã truyền từ đời này qua đời khác. Người ta ghép cho cô gái Hồ Oi lấy một ông chú họ già hơn cô bốn mươi lăm tuổi.

Chuyện quá ngỡ ngàng. Oi đã từng nghe nói đến tục "xợp" nhưng cô lại biết rằng từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người Vân Kiều ở các bản làng đông Trường Sơn đã xóa bỏ hủ tục ấy nên cô đinh ninh chuyện ấy không thể đến với cô. Cho đến khi ông chú đi ngang nhà Hồ Oi, cởi chiếc áo đang mặc vứt lên sàn nhà cô thì cô gái mới ngớ người ra rằng dân miền Tây chưa bỏ qua tục cũ.

Ngay trong đêm xảy ra sự việc, Hồ Oi bỏ nhà đi biệt tăm. Cô không theo cách hành xử của các bà lớp trước chống "xợp" bằng cách bỏ ra sống tách biệt ngoài rừng. Cô đi theo tuyến giao liên vào thẳng binh trạm phía Bắc, xin làm công nhân ở một đơn vị đang phá đá mở đường. Tay nghề thợ khoan của Hồ Oi vượt qua cuộc thử thách và cô được nhận giao việc ngay. Ngoài tài sử dụng mũi khoan đục lỗ đặt mìn phá đá, Oi còn có tài lẻ dùng búa và choòng đào lỗ chôn cọc néo dây cầu treo.

Tiếng tăm của cô gái Vân Kiều dẫn đầu chiến dịch mở đường xe cơ giới ở Lùm Bùm vang xa và nhiều lần được nêu lên mặt báo. Cho đến một ngày có vị tướng đi kiểm tra hiện trường, biết chuyện Hồ Oi "chuyên gia phá đá" đã ra lệnh không được để phụ nữ leo trèo, khoan, đục ở những nơi cheo leo, nguy hiểm. Hồ Oi được chuyển sang công tác đảm bảo giao thông. Vậy là Hồ Oi đã tìm ra con đường giải phóng phụ nữ trên con đường chi viện chiến trường, giải phóng miền Nam.

Nhớ tới các bà, các chị chống "xợp" bám trụ nơi rừng sâu, núi hiểm, Hồ Oi lén quay về vận động bà con thoát ly, phục vụ tuyến vận tải. Chiến tranh càng ác liệt, số thanh niên tòng quân rồi hy sinh ở chiến trường ngày càng nhiều thêm. Không ai bảo ai, số góa phụ trẻ tuổi thoát ly theo Hồ Oi ngày một đông. Cuối cùng một trung đội thanh niên xung phong gồm các nữ chiến sĩ Vân Kiều chống "xợp" được hình thành. Hồ Oi được bổ nhiệm làm trung đội trưởng. Đơn vị đảm bảo giao thông trên một con suối không tên, qua một quãng ngầm không tên nằm giữa những đỉnh núi không tên trên bản đồ.

Không biết bắt đầu từ đâu, từ người nào mà trung đội nữ thanh niên xung phong người Vân Kiều mang cái tên lạ lẫm là trung đội "Xợp". Con suối và quãng ngầm do họ đảm bảo giao thông được đặt tên là "suối Xợp", "ngầm Xợp". Hai năm liền, trung đội được biểu dương là "đơn vị tiên tiến" do thành tích lấp hố bom, phá bom nổ chậm và phòng tránh bom đạn tốt. Sở dĩ đạt được danh hiệu ấy, trước hết do cô trung đội trưởng Hồ Oi đã rèn luyện cho chị em kỹ năng tác nghiệp trên hiện trường luôn luôn chuẩn xác và nhanh chóng. Sáng nay là lần đầu tiên xảy ra trường hợp bị thương vong do bom tọa độ của máy bay Mỹ đánh trúng đội hình tổ trực chiến.

*

Trong mơ Oi thấy mình mắt nhắm mắt mở, bước nhanh ra cửa hang. Chỉ sau một thôi đường bồng bềnh sương khói, cô bám được vào bệ một chiếc xe tải. Xe qua ngầm, lừng lững tiến vào trạm ba-ri-e phía trong. Tà áo rách bươm do trận bom đầu hôm cứ bay phần phật theo nhịp xe lăn. Oi bám vào thành ngoài giàn lá ngụy trang. Chưa tới trạm gác, xe lên dốc bò chậm rì. Chợt Oi nhận thấy dưới một gốc cây săng lẻ bên đường, có một người đứng, dáng như đang chờ ai. Mới thoáng thấy dáng người cao ráo, đầu đội mũ tai bèo, khoác áo phóng viên lắm túi, vai quàng chiếc cặp Liên Xô tím sẫm, Oi liền nhảy xuống đường, miệng kêu ríu rít:

- Anh Bình!... Hồ Bình!

Hai vợ chồng nhận ra nhau, cùng dang tay ôm chặt cơ thể người thân, mãi không rời ra.

Hồ Bình lên tiếng trước:

- Sao áo quần của em tả tơi thế này?

- Em thoát chết trận bom đầu hôm.

- Vậy ra em đã vào thanh niên xung phong. Từ bao giờ vậy?

Oi không trả lời chồng, hỏi lại dồn dập:

- Sao bao nhiêu năm, anh chẳng có thư về? Có tin báo tử từ hai năm rồi, nhưng em vẫn tin là anh không chết.

Hồ Bình vỗ vào lưng Oi:

- Chết thế nào được. Lính Trường Sơn là bất tử!

- Không chết thì phải có thư về chớ!

- Anh vào tận Suối Bạc, đi sâu vào trong hàng chục binh trạm, nay ở tuyến này, mai tuyến khác, dễ gì thư đến nơi.

Oi kể cho Bình nghe chuyện dòng họ sắp xếp cưới "xợp" cho cô với ông chú họ Hồ Rinh. Bình giãy nảy:

- "Xợp" là thế nào? Lạc hậu, cổ hủ lắm rồi. Em phải chống đến cùng.

- Thì em thoát ly đi công trường chống Mỹ là để chống "xợp" đó, Bình à… Anh về với em đi. Bản làng rất vui khi anh trở về đó.

Hồ Bình gỡ tay Oi ra khỏi vòng ôm của cô. Anh nói trong hơi thở nhẹ bên tai cô:

- Còn giặc Mỹ, anh còn phải đi. Hẹn em ngày độc lập thống nhất, anh sẽ về…

Đúng lúc ấy, có một chiếc xe tải phủ đầy lá ngụy trang từ hướng Bắc trờ tới. Hồ Bình bất giác buông Oi ra, nhảy vội lên xe, lẩn mình vào đám cành lá phủ bụi dày.

Oi đứng ngơ ngác một mình bên cây săng lẻ, giậm chân tiếc nuối:

- Bình ơi, chờ em với!

... Cô y tá nghe tiếng Oi đập chân lên sàn đá dữ dằn, liền đưa tay giữ chặt chân Oi, miệng thảnh thốt:

- Oi ơi! Em tỉnh lại đi. Nằm mơ à?

Hồ Oi nắm chặt tay Minh, nước mắt đầm đìa:

- Em vừa gặp anh Bình chị ạ!

- Thôi, em cố ngủ đi.

- Sáng đến nơi rồi, làm sao mà ngủ nổi, chị ơi?

Trời sáng hẳn. Ánh nắng đã le lói ngoài cửa hang. Một tốp chiến sĩ quân giải phóng đi từ ngầm Xợp về phía hang lèn. Người đi đầu mặc chiếc áo phóng viên nhiều túi, vai đeo máy ảnh cùng xắc cốt da. Từ cửa hang người ấy lên tiếng:

- Chào các o! Ai là cô Hồ Oi đây?

Đáp lại tiếng chào, một cánh tay từ sàn hang giơ lên vẫy vẫy. Giọng Hồ Oi giật cục bên tai y tá Minh:

- Chị ơi! Anh Bình quay lại đó!

Chị y tá đỡ lời:

- Không phải anh Bình mô. Anh Nho, Trung úy điều độ viên vận tải trên binh trạm xuống. Em cứ nằm yên.

Trung úy Nho đến gần hai cô gái, nói vui với cô y tá:

- Chiến sĩ Quyết thắng của binh trạm mà chịu xếp xó ở trong hang, buồn quá hè. Chẳng hay vết thương ra sao?

- Chỉ rách nát đôi chỗ phần mềm. Tim phổi tạm ổn. Chỉ phiền đau dữ ở vùng sống lưng, không ngồi dậy được. Có lẽ phải về trạm xá.

Mắt Nho sáng lên:

- Vậy là chứng co cơ, giống tôi năm ngoái. Để xem nào!

Nho bảo Minh lật sấp cơ thể Oi. Anh tặc lưỡi:

- Y hệt chứng cũ của tôi. Chẳng thuốc tây, thuốc ta nào trị nổi. Năm ngoái tôi nhờ bác sĩ bấm huyệt mà lành đó… Để tôi thử xem. Bài học chuyên môn, tôi chưa quên.

Trung úy Nho sờ nắn qua lại làn da ngang thắt lưng Oi, chuyển dần bàn tay ngược cột sống đến tầm ngang bả vai thì dừng lại.

Anh nói nhỏ:

- Cô Oi chịu đau một chút nhé!

Nói rồi chọn ba huyệt đã từng được bác sĩ hướng dẫn, anh lần lượt điểm mạnh. Hồ Oi giật mình kêu đau, nhưng bàn tay bấm huyệt của ông bác sĩ "bất đắc dĩ" vẫn thao tác liên tục. Cho đến khi Nho bảo: "Cô ngồi dậy coi!". Oi rụt rè trở mình, cô ngoan ngoãn ngồi dậy, đứng lên. Chỉ sau mươi phút vận động cơ thể theo bài bản của Nho, cô chuyển động nhẹ nhàng. Miệng cô nở một nụ cười vui sướng tột cùng, tuy đôi môi còn nhợt nhạt. Điều kỳ diệu xảy ra trong thoáng chốc khiến cô y tá Minh cũng ngỡ ngàng không kém Oi. Minh quá phấn khởi, lấy ngay chiếc máy ảnh từ trong ba lô ra, nhờ mấy anh bộ đội bấm cho một kiểu hai cô gái đứng cạnh Trung úy Nho. Mấy anh bộ đội cũng giơ máy ảnh lên ghi hình hai cô gái.

Mọi việc xong xuôi, anh Trung úy điều độ vận tải của binh trạm mới rút trong túi ngực ra tờ quyết định của cấp trên. Anh nói rõ nội dung:

- Lệnh điều động Trung đội trưởng Thanh niên xung phong ngầm Xợp Hà Oi đi nhận nhiệm vụ mới.

*

Sau hai tuần lễ nằm ở trạm xá của Tổng đội Thanh niên xung phong số 3, Hồ Oi trở về đơn vị làm nhiệm vụ mới.

Ngầm Xợp bàn giao cho đơn vị khác. Chủ trương của cấp trên là ngoài vũ khí và quân dụng vẫn được chở bằng tuyến đường cũ, từ nay việc vận chuyển lương thực, thực phẩm được tiến hành qua một tuyến đường mới. Đó là tuyến sông Xê Biêng dài ba mươi ki lô mét. Gạo được chở bằng thuyền nan trên dòng sông nước không sâu nhưng thông suốt. Phương tiện vận chuyển không thể mang thuyền bè từ vùng xuôi ngược qua đỉnh 1001 để đến bờ sông Xê Biêng. Một loại thuyền mới được chế tác, khung xương bằng tre, bọc bên ngoài là vải bạt không thấm nước, đủ sức chở dăm tạ hàng và hai người chèo chống. Trung đội nữ Thanh niên xung phong gồm các cô gái Vân Kiều do Hồ Oi chỉ huy được giao đảm nhận nhiệm vụ này. Việc chặt chẻ cây tre và róc song, mây vốn là nghề quen thuộc của các cô gái vùng núi. Toàn đơn vị vào rừng lồ ô sâu trong núi, chọn và đẵn những cây cao và thẳng đủ lớn để chẻ sáu, chẻ tám. Một công trường nhỏ hình thành. Hình mẫu thiết kế khung thuyền nan bọc vải nhựa đã biến thành hiện thực từ tay các cô gái. Hiện trường lao động nằm trong rừng sâu, nơi có nhiều đơn vị nam giới đang lắp trục dây cáp để vận chuyển các bao tải gạo từ núi cao tuôn thẳng xuống bờ sông vượt qua bao vực thẳm, đỉnh đá tai mèo.

Một buổi sáng, trung đội trưởng Hồ Oi dẫn hai đội viên đi kiếm vạt luồng tận trên sườn núi cao. Họ phát hiện được một lùm cây lồ ô cao vút, ước chừng dài quá mười sải tay. Ba chị em đẵn xong một lô cây, đang xếp đống cho gọn, bỗng xuất hiện một toán bốn người Vân Kiều, tay dao tay mác, sán tới sát nách. Có tiếng hô to:

- Ôi, con Oi đây rồi! Mày dám trốn tránh tục lệ ông bà, mày dám chống lại tổ tiên người Vân Kiều ta à?

Chỉ trong nháy mắt, trước con mắt sững sờ, sợ hãi tột cùng của hai đồng đội, Oi bị trói chặt tay, dẫn đi vào rừng. Hai cô gái thoát nạn chạy ù về trại, báo tin dữ bất ngờ: "Hồ Oi bị người rừng bắt đi".

Trung úy Nho có mặt lúc ấy ở trại đan thuyền nan, vội vã tới đơn vị làm cáp treo xin một tổ ba người lao nhanh vào rừng. Phán đoán vị trí thôn bản gần nhất có đường mòn đi qua, Nho dẫn quân đi tắt, chặn đường toán bắt cóc. Chẳng bao lâu, toán người hung dữ bắt người xuất hiện. Bốn tay súng Thanh niên xung phong nhảy ra lối mòn, vây kín toán người lạ:

- Các ông dẫn cô gái này đi đâu? Sao lại trói người ta? - Nho dằn mạnh từng tiếng.

Một ông già quãng dưới sáu mươi, bình tĩnh trả lời:

- O ni trốn chạy tục lệ ông bà, bọn tui phải dẫn về cho dân bản xét xử.

Nho nói giọng rành mạch:

- Tự ý bắt người là phạm pháp. Bắt người đang làm công việc cho Nhà nước, cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước là có tội. Các ông mắc tội to.

Anh quay lại nói với các chiến sĩ:

- Các đồng chí! Thu hết dao rựa của bốn người này, dẫn họ theo đường dây binh trạm về Công an huyện. Mau cởi trói cho cô gái này.

Ngay trong buổi sáng hôm ấy, Hồ Oi được cứu thoát. Cô có linh cảm Hồ Bình hiện về qua con người Trung úy Nho. "Lính Trường Sơn là bất tử", câu nói của chồng còn đọng lại trong trí nhớ của Oi. Có lần, Oi đánh bạo hỏi Nho:

- Anh có quen biết một anh cán bộ giao thông tên là Bình không?

Nho đáp:

- Tôi có quen một người tên là Hồ Bình, cán bộ thiết kế cầu đường, học trên tôi một lớp. Nghe nói anh ấy hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn này rồi.

- Anh ấy chưa chết - Hồ Oi cắt ngang lời Nho.

Thế rồi đoàn thuyền nan chở lương thực ra mặt trận, xuôi dòng sông Xê Biêng. Nước sâu một đầu với, các cô gái vừa chống, vừa chèo, có đoạn phải nhảy xuống sông đẩy thuyền, đi cùng đơn vị đến tận cuối tuyến. Bắt đầu từ một bến ẩn kín dưới vòm cây, các bao ni lông xanh căng phồng đựng gạo được thả xuôi dòng nước xiết qua một địa bàn trống trải. Lại thêm một đơn vị nữ rải ra dọc sông, dùng sào đẩy những bao gạo tạt vào bờ bị kẹt tiếp tục trôi theo dòng chính. Từ đoạn này, Trung úy Nho chia tay cô Hồ Oi và y tá Minh.

Chẳng bao lâu sau đó, hai chị em có dịp về nhận vải bạt bọc thuyền nan tại binh trạm, cố dò hỏi tin tức về Trung úy Nho. Chỉ huy trưởng binh trạm hỏi lại:

- Nho nào? Có phải Trung úy Hoàng Tú Nho, quê Thanh Hóa, điều độ viên vận tải không?

Hai chị em mừng rơn, cùng đáp:

- Đúng anh ấy đấy ạ!

Đồng chí trạm trưởng nhìn hai cô gái, có vẻ ái ngại, hạ giọng nói:

- Hoàng Tú Nho hy sinh năm ngoái rồi!

Cô gái Hồ Oi không tin, cố cưỡng lại thông báo của binh trạm trưởng:

- Cháu nói thật mà. Anh ấy còn chụp ảnh với các cháu tháng trước.

- Ảnh đâu?

Y tá Minh đưa cho thủ trưởng chiếc máy ảnh trong có cuộn phim chưa mở. Cơ quan tuyên huấn được giao việc rửa phim. Chẳng mấy chốc, binh trạm trưởng giăng cuộn phim trước mặt hai cô gái, nói:

- Đâu nào. Toàn là ảnh của hai cô, chẳng có anh con trai nào trong này cả.

Cả hai cô gái đều ớ ra. Quả thật, trong phim không có ảnh của Trung úy Nho. Binh trạm trưởng liền dẫn hai cô ra một góc rừng kề đơn vị, chỉ cho hai cô một nấm mộ mới xây. Trên bia mộ còn khắc rành rành hàng chữ: "Nơi đây an nghỉ Trung úy Hoàng Tú Nho. Hy sinh ngày… tháng… năm…". Ngay trước bia mộ, ai đó đã đặt một bình hoa bất tử.

Truyện ngắn của Lương Sỹ Cầm
.
.