Hoa Chăm Pa không tuổi

Thứ Hai, 23/10/2017, 16:48
Năm 1980, tôi là sinh viên năm thứ nhất, Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hôm đó là ngày Chủ nhật, tôi lên thư viện mượn cuốn truyện thơ dân tộc Tày "Khảm hải" (Vượt biển) làm bài tiểu luận. Vừa bước đến sân A5, tôi ngạc nhiên thấy mấy tốp sinh viên chạy tán loạn. Có mấy nam sinh viên Lào xách xô, chậu chạy theo… 

Tôi chưa hiểu chuyện gì mà họ chạy như ma đuổi và vẫn đi thong thả… Vừa bước vào cầu thang tầng một, bất ngờ tôi hứng trọn gáo nước lạnh toát giội từ đầu xuống chân và ngã oạch trên bậc cầu thang ướt nhượt. Thời tiết Xuân vẫn ngập ngừng trước Hạ. Nước thấm qua chiếc áo len. Quần lụa đen sũng sượt. Có bàn tay từ phía sau đỡ tôi dậy. Trước mặt tôi là một nam sinh viên Lào cao lớn, mái tóc bồng bềnh. Anh nhặt sách bút đưa cho tôi, hơi cúi thấp đầu:

- Mình xin lỗi bạn. Hôm nay là ngày Tết Bunpimay (Tết té nước) của Lào. Người Lào mình té nước là để cầu may. Bạn là người may mắn đó vì nhận được nhiều nước. Nhưng mình xin lỗi vì đã… khiến bạn bị ngã...

Anh ta cứ bần thần, cúi thấp đầu bối rối như người có lỗi. Trên tay, chiếc xô nhựa nước vẫn tong tong. Nhìn thái độ phản ứng của tôi, anh ta chờ đợi sự "phán quyết". Tôi giận lắm. Nhưng nhìn nét mặt anh ấy tái dại, lại là sinh viên Lào, tôi kịp nén lòng, quay gót trở lại ký túc xá.

Thay xong quần áo, tôi thấy đầu váng vất. Mấy hôm nay người đau nhức rã rời. Cuốn vở ghi chép ướt mèm. Tôi lục tìm Thẻ thư viện, nhưng không thấy. Chắc Thẻ đã văng ra lúc tôi bị ngã. Đầu nặng như đá đeo. Tôi quay trở lại tìm Thẻ. Mất Thẻ là rầy rà. Nhưng điều quan trọng là không có sách học. Thứ hai là hạn cuối cùng nộp bài.

Đang ngó nghiêng tìm kiếm, bỗng ào… một gáo nước nữa hắt từ phía sau… Quay lại, một sinh viên Lào thấp đậm vừa cười vừa đuổi theo nhóm sinh viên đang… Tôi lững thững trở về ký túc. Quả là một ngày xui xẻo. Sách không mượn được. Thẻ thì mất. Người thì ướt lạnh, run rẩy. Ngay chiều hôm đó, tôi bị cảm lạnh và sốt. Chuân và Hằng hì hụi ra tận cổng chính mới mua được cháo hành, tía tô, đập trứng. Tôi không động thìa nào. Minh Hằng và Lê Phương bươn bả xuống trạm xá xin thuốc. Tỉnh dậy, tôi thấy trên mặt hòm đựng quần áo có chiếc phong bì to. Chuân nói ngay:

- Lúc tối, có chàng hiệp sĩ "Đôngkisốt" gửi đấy. Chàng hỏi mày rất nhẹ nhàng, tao bảo mày mệt. Chàng tần ngần đứng chờ ở ngoài hành lang. Tao cứ nghĩ chàng về ngay. Ai dè chàng vẫn đứng đó chờ mày từ lúc chập tối đến khi tao ra khóa cửa đi ngủ. Rễ si mọc dài vẫn thua rễ người mày ạ. Phục quá. Phen này muỗi được bữa no. Thấy thế, tao đành phải hỏi:

- Anh có gửi gì cho Hà không? Bạn ấy sốt, nhưng mới vừa thiếp đi.

- Bạn chờ mình một lát nhé! Chỉ nghe tao nói có thế, chàng tất tả chạy như bay. Tao vừa chạm tay mở cửa bỗng nghe tiếng "rầm…". Tao chạy ra cầu thang thì thấy chàng đổ phịch, lăn quay dưới cầu thang… Chàng trở lại nhờ tao gửi thuốc và cái phong bì này cho mày. Chết nhé! Khai mau!

Linh tính mách bảo rất có thể là chàng sinh viên Lào té nước… Chắc chàng ta ân hận vì sự quá tay và định tạ lỗi. Tôi đoán không sai. Tấm thẻ sinh viên của tôi trong phong bì cùng cuốn sách bằng chữ Lào, những túm chỉ màu trắng thanh khiết và 5 bông hoa đại trắng ép trên tấm bìa màu hồng rất nghệ thuật. Tôi giở cuốn sách ra có rất nhiều hình ảnh đất nước, con người nước Lào. Nhưng chữ Lào thì đành chịu. Ngay trang đầu cuốn sách kẹp một tờ giấy thếp viết bằng chữ Việt Nam, nét chữ đều và đẹp. Mở đầu là lời xin lỗi.

Chàng thanh minh chuyện người Lào té nước gắn với phong tục, nét văn hóa quen thuộc của Tết Bunpimay diễn ra từ ngày 13 đến 16-4 hàng năm. "Bun hốt nậm" còn có ý nghĩa chuyển năm và chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa. Người Lào té nước là để cầu may.

Trước tiên, là tưới nước lên các tượng Phật, rồi đến các nhà sư, sau đó là nhà cửa, đồ thờ cúng, cây cối xung quanh chùa… và cuối cùng mới đến những người xung quanh. Riêng thanh niên nam nữ thường té nước cho nhau ngoài việc chúc mừng cũng còn mang ý nghĩa tỏ tình. Tôi thầm nghĩ anh chàng này "sửa lỗi" thật thông minh. Vừa làm đối phương hết giận, nhưng quan trọng là khéo léo giới thiệu nền văn hóa của "đất nước triệu voi". Chàng ta quả có tố chất của nhà ngoại giao văn hóa…

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Kể từ sau sự kiện bị giội nước lạnh, mỗi lần đến thư viện, tôi hay vẩn vơ tìm dấu hương xưa trên từng bậc cầu thang. Thực lòng, tôi mơ hồ niềm mong lịch sử lặp lại để gặp cái người té nước. Tôi cũng muốn rút lại "đôi mắt hình viên đạn" không mấy thiện cảm với chàng sinh viên Lào. Nhưng thật khó. Bạn bè thì lục vấn tôi liên hồi về "chàng hiệp sĩ Đôngkisốt" ấy khi thấy chàng "trồng si" với mật độ đậm đặc ở cửa phòng ký túc xá.

Nhưng lạ thật, tôi lại chưa hề gặp, thậm chí còn không thể nhớ nổi nét mặt chàng. Dạo đó, tôi bận ra Hàng Bông học may. Chợt thấy lòng xao động... Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu quan tâm đến lưu học sinh Lào đang học tại trường. Ký túc Lào ở gần khu Hiệu bộ. Khi mới vào nhập trường, tôi đã ấn tượng về khuôn viên "VIP", với khu nhà sạch sẽ, cây cối xanh tươi, vườn hoa đẹp đẽ, đầy đủ sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đặc biệt là sắc màu rực rỡ từ những dây phơi quần áo…

Trong lúc điều kiện khó khăn "ăn như sư, ở như phạm", phần lớn nhà lá (đã nhiều lần bị cháy), chỉ có 7 nhà 4 tầng (từ A1 đến A7), trong đó chỉ có 2 nhà A6, A7 chủ yếu dành cho sinh viên khoa Toán, khoa Văn thì khu ký túc xá dành cho sinh viên Lào khang trang, đẹp đẽ, hấp dẫn và rất hiếm hoi nổi bật trong khuôn viên sư phạm chúng tôi.

Gần ký túc xá sinh viên Lào có con đường trải dài, hun hút sâu hai bên rặng nhãn. Con đường lý tưởng và hết sức lãng mạn dành cho những cặp tình nhân. Trước đó, tôi chỉ quan tâm đến con đường này khi có việc đến khu Hiệu bộ. Nhưng kể từ sau lần bị té nước, bị sốt mê man ấy, không hiểu sao bước chân vô định cứ thôi thúc tôi đi qua con đường này nhiều hơn, nhất là những chiều nhập nhoạng hoàng hôn. Đã nhiều lần tôi kiếm cớ đi "Đường gần mà cứ đi vòng cho xa" cũng để mong được gặp chàng.

Không ai biết "âm mưu mua đường" của tôi. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy anh kể từ sau "sự kiện" ấy. Thật ra, tôi cũng chưa hình dung nổi khuôn mặt "thủ phạm" té nước. Chàng tên gì, học khoa nào, năm thứ mấy… tôi nào có biết. Nhận ra chàng có chăng là mái tóc bồng bềnh, dáng cao lớn như vận động viên bóng rổ.

Quả đất cũng hẹp. Tình cờ, tôi cũng đã… nhìn thấy chàng trai Lào trong sân vận động của trường. Tôi lặng lẽ đứng từ xa quan sát. Chàng cao lớn nổi bật màu áo đỏ trong đội bóng chuyền sinh viên Lào. Chàng ở vị trí chuyền 2 nhanh nhẹn, có kinh nghiệm, chiến thuật đúng và có tốc độ trong việc di chuyển khắp mặt sân. Ở vị trí này, anh phải có khả năng làm việc với các tay đập, sắp xếp để giữ nhịp cho toàn đội và chọn tay đập phù hợp cho đợt tấn công để chuyền bóng…

Mải nhìn chàng, nhìn đồng hồ "Chết! Sắp hết giờ làm việc". Tôi bươn bả phi như bay về phía Hiệu bộ nhận "lương sinh viên" cho lớp. Ngày ấy, học bổng sinh viên được 22 đồng (riêng sinh viên nữ được thêm 5 hào). Nhận xong tiền, tôi rẽ vào lấy thư cho lớp đúng lúc chị văn thư đi ra cổng. Tôi chạy theo chị khẩn khoản:

- Chị giúp em đi! Em mà về tay không thì chúng nó "giết" em mất!

Chị tặc lưỡi, đành quay lại trước lời cầu cứu của tôi. Chị thừa biết niềm hạnh phúc của sinh viên được nhận thư, nhất là thư người yêu. Có thư mẹ. Vừa đi, tôi vừa mải miết đọc. Ôm đồm thế nào mà tôi đánh rơi cái túi (trong đó có tiền vừa lĩnh và Thẻ sinh viên). Đi đến cuối con đường rặng nhãn, bỗng có một nữ sinh viên mặc Phaa sin (một kiểu váy dài có các mảng hoa văn đặc trưng của phụ nữ Lào) hớt hải chạy đến trước mặt tôi:

- Túi… này… của… bạn phải không? Tôi gọi mãi… không thấy bạn quay lại…

Tôi giật mình. Mặt tái dại. Nếu mất số tiền đó… thì… Tôi có thêm người bạn Lào thật thà, nhân hậu. Chị tên là Minh Vân, nói tiếng Việt như người Việt. Bố mẹ chị đều đã học ở Việt Nam. Chị thấp đậm, da đen giòn, học năm cuối khoa Hóa và đang chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Sau "sự kiện té nước" một tháng là đến sinh nhật tôi. Bạn bè đến chúc mừng và hát rất vui. Hơn 7h tối, chị Minh Vân đến với bó hoa hồng rực rỡ trên tay. Và thật bất ngờ, đi cùng với chị là… người ấy. Tôi bối rối… đến lặng người… Hai má chắc đỏ rậng, như có một luồng điện chạy rần rật. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn trộm và bắt gặp cặp mắt người ấy… Chị Minh Vân giới thiệu tên anh tên là Sẻng Tà Văn Thăm Mạ Vông (ánh mặt trời), sinh viên Khoa Lịch sử. Cũng như chị Vân, anh đang bận ôn thi tốt nghiệp. Anh cầm đàn guitar lên hát rất tự nhiên:

Ơi này cô gái, ơi này cô gái Lào
Mình anh hát, mình anh lăm tơi
Múa một mình sao nó không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp
Em hỡi em ra đây cùng khều lăm tơi khèn anh ngân vang…

Sau lần đó, cứ mỗi lần nghe ca khúc ấy, lòng tôi lại chộn rộn, nhớ người hát da diết… Đến lượt chị Minh Vân hát bài "Hoa Chăm pa", anh Sẻng Tà Văn đưa tay mời tôi điệu múa lăm vông đầy quyến rũ… Bàn tay ấm nóng… Luống cuống, bước chân chệnh choạng…

Những ngày sau đó, tôi thấy anh Sẻng Tà Văn và chị Vân thường đi với nhau. Dẫu biết hai người đang bận rộn ôn và thi tốt nghiệp, nhưng tôi vẫn hơi… buồn. Vẫn nghĩ hai người có quan hệ đặc biệt. Con người lý trí trỗi dậy, tôi tự dặn lòng mình "Mày tỉnh táo đi. Họ là một cặp đôi lứa xứng đôi. Mày mà để trái tim mình "sa lầy" là rất khó gỡ đó. Nhà nước chưa cho phép quan hệ hôn nhân với người nước ngoài đâu. Mày nên nhớ, nên nhớ và nhớ lấy nhé…".

Nhưng tình yêu thì muôn đời vẫn có lý lẽ riêng. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào, kể cả khoảng cách không gian, địa lý, biên giới, cách ngăn... Dù biết là "khó đi tới đâu", nhưng những mối tình của sinh viên Việt - Lào vẫn nảy nở.

Sau này, cũng có một vài đôi kiên trì chờ đợi, hôn nhân cũng đã đến với họ. Khánh Hương cùng lớp tôi yêu anh Khăm Phải trong tha thiết và tuyệt vọng. Bạn ấy không giấu nổi tình riêng. Song cũng lại canh cánh nỗi lo âu "Biết đi đâu về đâu". Có đêm trời giông gió, ký túc xá mất điện, Khánh Hương lao ra ngoài trời, không mũ, không áo mưa, tắm mưa, tắm gió. Đợi mãi, không thấy bạn về, tôi lao ra ngoài tìm nó. Thương bạn và thương cả thân mình đã trót nặng lòng với chàng trai Lào...

Tôi đưa ra lý do rất chính đáng để dứt khỏi mớ rối bòng bong ấy. Phải rất khó khăn, gắng gượng lắm mà vẫn không thoát khỏi cảm giác "đánh lừa" mình. Rồi lòng tự trọng, yêu quý chị Vân khiến tôi không thể ích kỷ vờ như không biết để "thực hiện mệnh lệnh trái tim". Tôi càng không xen giữa để chị Vân hiểu lầm. Trái tim lý trí đã khiến tôi tránh gặp anh "ánh mặt trời" mà lòng dằng dặc, miên man, hoang hoải...

Mùa hè năm ấy - với tôi - thật dài và tồi tệ. Trước khi về hè, tối hôm đó, tôi đến chào chị Vân. Tôi chọn bộ tranh thạch cao (2 chiếc) có hình cô gái mặc áo dài tay cầm bông sen, một bức tặng chị, bức kia nhờ chị gửi tặng anh Sẻng Tà Văn, với ý nghĩ sau này trở thành vợ chồng, anh chị sẽ treo nó như một cặp tranh đăng đối (sau mới biết quan hệ của họ không như tôi nghĩ). Chị rất vui khi thấy tôi đến. Rót nước mời, chị nói ngay:

- Tháng 8 này, nhà trường sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp và chia tay sinh viên Lào về nước. Biết là đang kỳ nghỉ hè, nhưng chị và anh Sẻng Tà Văn muốn em đến dự… Em chờ chị một lát nhé! Có người tặng quà em đấy. Họ muốn gặp em lắm.

Chị đứng dậy, lấy từ tủ ra một bọc nilon và dạy tôi cách mặc. Một chiếc váy dài tơ pha màu hồng đỏ, chân váy có những đường hoa văn tinh tế. Chiếc áo được làm cầu kỳ với những họa tiết được phối màu hài hòa. Chị quàng chéo trước ngực tôi chiếc khăn "phạ biềng" và thắt "khểm khắt" (chiếc thắt lưng đồng). Lùi người lại, chị Minh Vân trầm trồ:

- Òa, Hà mặc đẹp lắm. À, để chị búi tóc cho em. Thiếu nữ chưa chồng thì búi tóc lệch một bên như chị. Còn phụ nữ có chồng thì búi tóc thẳng giữa đỉnh đầu. Để chị thử búi thẳng cho em.

Bàn tay chị thoăn thoắt. Chị reo lên:

- Chà, em rất giống cô dâu Lào…

Tôi giật mình nhớ câu hát của người ấy "Yêu nhau cởi áo trao nhau…" trong sinh nhật chị Minh Vân. Chàng biết quê ngoại tôi ở miền quan họ. Tôi vội vàng cởi váy, áo, xếp gọn ghẽ, đặt lên giường:

- Chị ơi, em chào chị. Giờ em mới nhớ có hẹn với bạn ở Bách khoa sang!

Chị chạy theo tôi gọi với:

- Hà ơi! Quà của em đấy mà! Hà ơi!

Lập cập xuống khỏi cầu thang, tôi thập thõm như đi trên mây. Đêm nay trăng rằm. Từng bóng trăng rơi rắc hoa trên mặt đất. Tôi tựa vào gốc nhãn ngước nhìn trăng. Hai tay ôm chặt lồng ngực. Hình như trong đó có bầy ngựa hoang đang phi nước đại… Trăng sáng bỗng trốn đâu? Thì ra, một bóng người cao lớn đứng chắn trước mặt…

- Bộ váy áo này mẹ may và nói chỉ dành tặng con dâu…

Rặng nhãn lao xao… Lào rào… Một trận mưa lá… Tôi lút lụt…

Tôi đợi mua vé ở Bến Nứa đã thấy chàng đốn đáo kiếm tìm. Tôi bươn bả bê túi du lịch chạy trốn lên xe. Thế là sắp được về nhà với mẹ. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ trung niên có nét mặt khá hiền. Nhìn thấy anh lên cửa trước xe tìm, tôi nhờ cô bên cạnh trông hộ đồ, luồn lẹ xuống cửa sau. Xe nổ máy, tôi vội vàng chạy lên xe. Thấy chàng vẫn đôn đáo kiếm tìm. Vào đúng số ghế, tôi không thấy người phụ nữ ngồi bên trông hộ đồ… Thế là toàn bộ gia tài của tôi đã bị "cầm nhầm" (trong đó có quà tặng của chàng). Tôi thất thểu về quê chỉ độc bộ quần áo đang mặc. Tôi phải giấu mẹ nỗi buồn khủng khiếp. Nhất là phải xa những người bạn Lào. Tự dằn lòng, tôi không đủ can đảm lên trường chia tay anh Sẻng Tà Văn và chị Minh Vân về nước. Không thấy tôi trong Lễ tốt nghiệp, hôm sau, chàng tìm về quê tôi chỉ với số thông tin ít ỏi. Tôi rấm rứt cắn chặt môi đến bật máu khi thấy anh lững thững trở về Hà Nội trong nhập nhoạng hoàng hôn...

Bao kỷ niệm tuổi hai mươi cứ ùa ập trong tôi. Tôi yêu hoa chămpa nở rộ trên đất Lào khi mùa xuân về. Chăm pa là biểu tượng của đất nước và con người Lào. Cánh hoa trắng điểm chút phấn vàng, thơm man mác. Người con trai Lào và 5 bông hoa chăm pa ép khô cùng những dòng chữ viết nắn nót trên trang giấy học trò đã gợi nhắc cho tôi về tình cảm lặng thầm, trong sáng một thời tuổi trẻ:

Cả một đời thương nhớ hoa chăm pa
Chỉ hoa hiểu những điều em chưa nói
Cánh hoa vàng giấu nhớ thương không tuổi
Hương hoa thơm theo mãi suốt cuộc đời…

Hôm nay, con gái tôi về nước. Chồng tôi đang có chuyến công tác ở Nga nên không có mặt ở sân bay Nội Bài đón cô gái rượu. Ngọc Lan đã hoàn thành 5 năm học tại Đại học Quốc gia Lào theo diện học bổng Hiệp định giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, chuyên ngành lịch sử. Cậu con trai lái xe đưa mẹ đi đón em gái. Nó rẽ qua shop hoa Ngọc Hà mua 3 bó hoa lớn. Tôi ngạc nhiên, con trai nói ngay:

- Mẹ ơi, Ngọc Lan báo tin bay chuyến 20h10’ từ Viêng Chăn. Nhà mình chuẩn bị đón khách mẹ ạ. Chuyến bay này có cha con thầy giáo hướng dẫn em sang dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học tại Hà Nội. Cha con thầy giáo muốn đến thăm nhà mình và thăm Hạ Long. Hình như thầy có quen người bạn Việt Nam từ thời sinh viên. Ngọc Lan nói thầy yêu Hạ Long lắm. Phòng khách nhà thầy treo bức ảnh Hạ Long rất lớn. Con trai thầy tên gọi ở nhà là Hạ Long. Cậu ấy yêu Ngọc Lan nhà mình...

Xem facebook của con, tôi đã từng giật mình khi chạm mắt tới gương mặt ấy. Cậu ấy giống chàng trai Lào thời xa ngái. Mới nhớ ra có lần, Ngọc Lan thủ thỉ với mẹ:

- Nếu con yêu người con trai Lào có được không mẹ?

Con chạm đến miền ký ức xa xăm của mẹ…

Con gái chạy tới ôm choàng mẹ. Theo sau là cậu con trai cao lớn, mái tóc bồng bềnh cúi đầu chào. Tôi lút lóa trong hoa. Không thể tin nổi, trước mắt tôi là… Sẻng Tà Văn Thăm Mạ Vông - chàng trai Lào của 30 năm về trước… 

Truyện ngắn của Lê Thị Bích Hồng
.
.