Họ đã gặp lại nhau

Thứ Hai, 10/10/2016, 08:00
Ngay từ hôm điểm danh số tù nhân nhập trại đầu tiên, anh giật mình vì đã nhận ra hắn. Một thằng cùng quê, học sau anh một lớp và nổi tiếng ngỗ ngược, sẵn sàng ẩu đả, sống mái với bất kỳ thằng con trai nào, kể cả những thằng học ở lớp trên, cao hơn hẳn một cái đầu. Nhưng với tụi con gái thì lại "nịnh đầm" không chê vào đâu được, mặc dù chỉ mới mười hai, mười ba tuổi...

Sau nhiều năm đánh phá dữ dội miền Bắc của không lực Hoa Kỳ, khu rừng nguyên sinh ấy vẫn cứ ngát xanh, rậm rạp và mang nhiều bí ẩn. Cả ba tầng rừng: Dưới mặt đất, mặt đất và bên trên mặt đất vẫn là lãnh địa, thiên đường cho các loài muông thú. Ngửa mặt nhướng mắt nhìn lên những vòm lá quanh năm không cho tia mặt trời xâu kim, xuyên thấu thấy đàn chim cu xanh giật mình nhún chân, đập cánh khi những con voọc đu cành hay những con chồn bay đuối đà rớt từ cành cao xuống cành thấp.

Dỏng tai lên nghe, tiếng chân hoẵng, chân nai khi thong thả, lúc hốt hoảng đạp trên tầng tầng lớp lớp lá khô và đừng vội bệt mông trên một thân cây khô mục khi mệt mỏi, hãy nhìn kỹ để phân biệt đó có thể là lưng của một con trăn đất. Hãy cẩn trọng trong từng bước đi nếu không muốn thụt nửa người vào một tổ ong đất, còn khi đã trót thụt chân xuống rồi thì khỏi cần phải đào huyệt nũa vì đã có sẵn cái huyệt dành cho người xấu số trong tư thế chôn đứng...

Đấy là ban ngày, rừng hoang dã khiến người ta rợn rợn, dựng tóc gáy và lạnh toát dọc sống lưng. Còn ban đêm, nếu phải ngủ ở rừng mới thấy hết được rừng thiêng. Đêm mắc võng thấy cây lá ào ào, ngả nghiêng gió nổi chợt thức giấc, ngước lên mảnh tăng che trên chiếc võng mắc giữa hai thân cây vẫn thấy im im, không phần phật.

Khi đã thức giấc, bỗng bật ra câu hỏi: Gió từ đâu tới? Không lẽ gió chỉ chọn những ngọn cây mà rung mà lắc, hay gió muốn cố ý trêu người, đánh thức giấc ngủ mệt nhoài, vật vã sau một ngày lử lả vì đói và những công việc nặng nhọc. Rồi rừng bỗng im phăng phắc để nối lại giấc ngủ chập chờn. Chao đảo vì cánh võng bỗng có ai đưa tít mù đến nỗi không thể thò chân xuống đất mà hãm được.

Minh họa: Đặng Tiến.

Cùng với những âm thanh rin rít như của người tiền sử thuở hồng hoang, rùng rợn là một bàn tay lông lá luồn vào mạng sườn. Kẻ yếu bóng vía chắc sẽ phải chồm dậy, chạy thục mạng trong rừng. Chạy cho đến khi nào đập trán vào một thân cây rồi bật ngửa, hay ngã lộn nhào vì một dây leo ngáng lối và ngất xỉu. Người can đảm thì cũng phải ngồi bật dật, quơ vội chiếc đèn pin, lật tăng soi chiếu ra xung quanh chỉ thấy những thân cây chằng chịt dây leo lặng phắc như giễu nhại.

Nửa phong lương khô chập tối bấm bụng dành để ngày mai bỗng dưng biến mất. Ma quái chứ đâu phải giấc mơ. Chừng như phải mất một thời gian dài sống ở khu rừng bí ấn, những người đến đây mới hiểu ra rằng cái thứ gió ào ào là do con trăn gió tạo ra, còn lũ đười ươi và những con khỉ độc đã đưa võng và thó trộm nửa phong lương khô, bật lửa và vài thứ đồ sinh hoạt khác.

Có một trại giam đã được chuẩn bị từ trước ngày giải phóng vẫn lặng lẽ chờ đón những tù nhân. Không có bê tông và sắt thép nhưng vô cùng kiên cố bằng những vật liệu sẵn có của rừng. Những tù nhân khi đã vào đây, muốn vượt ngục họa khi chỉ có thể mọc ra đôi cánh mà bay. Giám thị trại giam, quản giáo và nhân viên đều ăn chung một bếp, không phân biệt khẩu phần. Hạt bo bo và rau rừng vẫn là những khẩu phần chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày. Cả tuần lễ mới có dăm bảy hộp thịt được khui ra, dằm nát nấu với rau rừng là những bữa ăn tươi nhất.

*

Rồi nhóm tù nhân đầu tiên cũng đến trại. Họ là những ai? Tất cả đều là những sỹ quan trong quân đội phía bên kia, những người đã có nhiều nợ máu với nhân dân và dân tộc. Họ đã bại trận, quy hàng trước cái mà ta vẫn gọi là "bạo lực cách mạng". Ngã ngựa rồi nhưng không phải tất cả đều dễ dàng tâm phục, khẩu phục trước kẻ chiến thắng và những thể chế mới mà họ coi đó là một sự ngược đãi. Đứng đầu trong nhóm chống đối ấy là Thiếu tá Ba Đen.

Ngay từ hôm điểm danh số tù nhân nhập trại đầu tiên, anh giật mình vì đã nhận ra hắn. Một thằng cùng quê, học sau anh một lớp và nổi tiếng ngỗ ngược, sẵn sàng ẩu đả, sống mái với bất kỳ thằng con trai nào, kể cả những thằng học ở lớp trên, cao hơn hẳn một cái đầu. Nhưng với tụi con gái thì lại "nịnh đầm" không chê vào đâu được, mặc dù chỉ mới mười hai, mười ba tuổi.

Chính vì chê hắn nịnh đầm khi lấy nước rửa chân cho một đứa con gái dẫm phải phân bò mà anh bị hắn cho lỗ mũi ăn trầu, vẫn còn nhớ mãi. Hình như hắn đến trường không phải để học mà chỉ để chơi vì môn nào cũng xếp loại... đội sổ. Vậy mà khi thi hết môn, hết cấp hắn qua được mới tài. Hắn thi đậu vào trường võ bị Đà Lạt, trong khi anh thì rớt lên rớt xuống.

Phải thú thật rằng anh đã từng ghen tỵ khi hắn về quê trong bộ võ phục có bông mai bạc trên ve áo. Nhưng anh lại rất hả hê khi biết Út Sáu thẳng thừng từ chối trước lời tán tỉnh rất nịnh đầm của hắn.

*

Mới đó mà đã hai mươi lăm năm, đã một phần tư thế kỷ. Lòng anh bỗng chùng xuống khi nghe hắn phát âm Huỳnh Ba Đen lúc điểm danh bằng tiếng quê mình đặc sệt. Nỗi niềm hơn hai mươi năm thương nhớ quê hương bỗng dội về da diết. Trước lúc xuống ghe đến điểm tập trung để lên tàu đi tập kết ra Bắc, Út Sáu đã cầm tay anh đặt lên bụng mình và bảo: "Chừ anh đi mạnh giỏi. Khi mô về, chắc thằng nhỏ đã biết gọi ba". Anh ứa nước mắt. Anh tin vào thiên chức của phụ nữ khi Út bảo: "Nó nghịch dữ lắm anh à!".

Hơn hai mươi năm xa quê, anh đã nhiều đêm mất ngủ. Mất ngủ vì những kỷ niệm, những vấn vương trong tưởng tượng. Nhưng đêm nay, anh lại trắng đêm khi được xích gần, được chạm vào nỗi nhớ rất cụ thể. Tuổi thơ của anh và hắn đâu có hận thù gì?

Sự bực tức, lúc hả hê thời ấy với anh bây giờ chỉ là kỉ niệm của một thời nông nổi. Anh đang phải đối mặt với một sự thật đau lòng khi phải kìm nén, căng lên như sợi dây cung đã nằm trên ná. Anh vật vã vì những đắn đo khi nào phải bật lẫy cho mũi tên bay đi, mũi tên bay đi giữa hai khoảng không gian thù hận và thương cảm.

Giá như hắn cứ ngoan ngoãn, cứ phục tùng những quy chế của trại giam chắc anh không thể tiếp cận và quyết đoán trong vị thế của một người giám thị. Ba ngày nay, hắn không dậy điểm danh, không đi làm và cũng không ăn uống. Chiêu trò tuyệt thực của những phạm nhân anh có thừa kinh nghiệm, nhưng với hắn, anh linh cảm có một điều gì đó khác thường. Chỉ có điều anh chưa biết hắn có nhận ra anh? Anh còn biết rõ hắn không hề tuyệt thực sau ba ngày. Các đệ tử  của hắn vẫn cung phụng cho hắn đầy đủ. Người trợ lý nói như quát:

- Phạm nhân Huỳnh Ba Đen ngồi dậy!

- Tôi bịnh lắm. Không thể ngồi dậy được.

Một thoáng đắn đo. Anh ngồi xuống mép giường bằng những thân bương đập dập rồi móc túi lấy ra bao thuốc Điện Biên bao bạc, rút một điếu thong thả hút. Mỗi một hơi thuốc rít dài thở ra, khói thuốc thơm lừng. Điếu thuốc đã cháy sát ngón tay vứt xuống nền đất, di mũi giày day cho nát vụn lại một điếu thuốc khác châm tiếp. Hắn khẽ cựa mình. Đến điếu thứ ba thì hắn ngồi nhỏm dậy khi anh đút bao thuốc vào túi đứng lên. Anh cố nén để khỏi phì cười trước cái điệu bộ khúm núm khác xa vẻ ngang tàng, hách dịch với hàm thiếu tá của hắn với những đàn em trong trại.

- Thưa ông! Ông có thể làm ơn cho tôi xin một điếu được không?

Anh đưa cả bao thuốc dở cho hắn. Hắn vồ lấy, châm một điếu rồi đút vội bao thuốc vào túi sau một câu lí nhí cảm ơn. Anh bước chân ra cửa, vẫn nghe người trợ lý bảo hắn:

 - Muốn sớm được về với vợ con thì đừng giả bộ cáo bệnh và lôi kéo người khác, nếu không muốn ở đây cho đến hết đời.

Từ sau hôm đó, hắn trở thành một phạm nhân tích cực cải tạo. Anh em trong trại vẫn nói đùa với nhau:

 - Không ngờ cái phép thử của thủ trưởng lại đánh gục hắn chỉ bằng mấy điếu thuốc lá.

Ngày hắn mãn hạn cải tạo, đến đón hắn là một cậu con trai cao dong dỏng, nước da trắng mịn và cặp môi đỏ chót như môi con gái. Hắn đến chỗ anh để chào từ biệt và nói lời cảm ơn. Sau những lời căn dặn chân tình, anh thấy hắn cứ nấn ná, dường như hắn có điều gì muốn bộc bạch mà không thể. Gương mặt cậu con trai khiến anh thần người bởi nó gần như là một phiên bản chỉ có điều khác giới với Út Sáu. Rồi hắn cũng xin phép ra về. Đi được vài bước, hắn quay lại nói với anh:

 - Chừ đất nước đã thống nhất, chắc ông cũng sẽ có dịp về thăm quê.

Từ lúc cha con hắn đi, không hiểu sao anh lại không tập trung làm việc được. Nào có phải tâm trạng của một giám thị trước một phạm nhân đã hoàn án, hoàn lương. Hóa ra cả anh và hắn đều cố giấu mình mặc dù đã biết nhau rõ mười mươi.

*

Hơn hai mươi năm chiến tranh và bom đạn đã làm cho nhà cửa, đường sá nhiều chỗ, nhiều nơi đã biến mất khỏi mặt đất. Cũng phải khó khăn và có phần may mắn lắm anh mới tìm lại được ngôi nhà của mình trước khi tập kết. Anh bất ngờ khi nhận ra người đàn ông ngồi hút thuốc rê trước hiên nhà lại là hắn. Đỡ giùm chiếc ba lô nặng trĩu từ vai anh, hắn thản nhiên bảo:

 - Tui biết chắc chắn thế nào rồi ông cũng sẽ trở về. Cứ chờ hoài, chờ mãi. Hóa ra cũng không uổng.

Hắn vô nhà mang ra một xị rượu đế rồi rót ra hai cái chén nhỏ:

 - Xin uống mừng ông đã trở về.

 Anh thấy chén rượu trên tay hắn sóng sánh cùng những ngón tay run rẩy. Hắn bây giờ đâu có còn là một phạm nhân trước một giám thị? Hình như chỉ sau khi ngửa cổ uống cạn chén rượu thứ ba hắn mới trở lại đúng vị trí chủ nhân của ngôi nhà.

Phải nói là thời trẻ, hắn rất điển trai khiến nhiều đứa con gái phải xiêu lòng, nhưng hắn chi mê mỗi mình Út Sáu. Hắn đã đau khổ đến tột cùng khi phải đứng từ xa nhìn đám rước dâu lúc Út Sáu đi lấy chồng.

… Cái ngày Út Sáu cùng vô số người bị bắt vào trại giam vì có chồng, con, anh em đi tập kết ra Bắc và buộc họ phải ly khai cách mạng, hắn biết Út Sáu không thể chịu đựng nổi những đòn tra tấn, nhất là cổ lại đang bụng mang dạ chửa. Hắn ra lệnh đưa Út Sáu vào phòng biệt giam có một cửa tò vò nhìn sang phòng tra tấn. Những tiếng kêu thét vì đau đớn bởi roi vọt, kìm điện cứ liên tục vọng sang.

Út Sáu chỉ ngó sang một lần duy nhất khi thấy một phụ nữ trần truồng bị treo trên sợi dây thừng, những giọt máu vẫn rỉ đỏ theo thanh củi thọc sâu vào vùng kín rồi ôm bụng lo lắng nghĩ tới giọt máu của anh, liệu nó có còn sau hai năm hiệp thương và tổng tuyển cử lúc anh về?

Trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra với thân phận một con người. Ở phòng biệt giam, Út Sáu đã không bị tra tấn và vẫn được đưa cơm, nước đầy đủ. Đêm ấy, sau khi bị bịt mắt bằng một dải băng đen và bị đưa đi trên một chiếc xe Zép, Út nghĩ mình sẽ bị đem đi thủ tiêu.

Trong căn phòng đầy đủ tiện nghi, hắn đi đi lại lại. Chiếc tẩu thuốc thi thoảng lại được bập vào đôi môi dưới hàng ria được cắt tỉa công phu. Giọng hắn chân thành:

 - Mấy ngày ở trại giam chắc Út đã biết rõ. Đây là khu gia binh của sĩ quan, ở đây Út được tự do. Tôi chỉ nhắc Út hai điều: Đừng dại dột mà bỏ trốn và nếu có ai hỏi thì cứ nói là vợ Trung úy Huỳnh Ba Đen, vợ hờ thôi nghe.

Chủ nhật nào hắn cũng trở về khu gia binh với những túi to, túi nhỏ đựng đồ xài. Đêm hắn trải thảm nằm dưới nền nhà. Những đêm hắn về, Út thức trắng đề phòng và mỏi mòn chờ đợi cái ngày anh trở về.

Đêm ấy mưa giông. Ngoài khung cửa chớp sáng giật từng cơn. Trong ánh chớp, mưa như nghìn vạn chiếc đinh thép trắng lao xuống mái tôn. Hắn bảo:

 - Út hãy ôm chặt thằng nhỏ kẻo nó giật mình. Thằng nhỏ vẫn ngủ yên trong tiếng sét vỡ toác như bom nổ.

Mưa tan.

Trăng lộng sáng đến nhễ nhại. Trăng hắt qua khung cửa sổ rồi đậu xuống gương mặt thiếu phụ trắng nõn nà với đôi môi mọng đỏ. Nếu có thể đổ lỗi cho trăng đã can dự, xúi giục hay là sự chờ đợi chỉ có giới hạn của một người đàn bà đẹp, đa tình và càng đẹp hơn sau một lần sinh nở thì Út đâu có lỗi.

- Ảnh nằm hoài dưới nền đất rứa làm tôi xót lòng, chịu sao thấu?

Chúa ơi! Xin Người cứu rỗi. Xin Người đừng bắt con giã từ bản ngã. Xin người độ lượng, bao dung cho con vượt qua các giới hạn hữu hạn để được về với bể đời. Nơi con người không thể thiếu tình yêu trong đó có tình yêu lứa đôi và tính dục. Hắn bế bổng thân xác người đàn bà đã mềm lả và bảo:

 - Để cho thằng nhỏ ngủ yên, chỗ của tôi và Út là ở dưới nền nhà.

Sau cái đêm trăng lộng sáng đến nhễ nhại ấy là những ngày day dứt và cũng là những ngày mà Út mong ngóng đến cuối tuần, mong hắn trở về. Nhìn đứa con đang chơi một mình thơ thẩn và nghe cái thai đang đã bắt đầu động cựa khiến Út chợt nghĩ: Nếu mai mốt, ảnh từ Bắc trở về thì sẽ tính sao đây? Những câu hỏi cứ thường trực, cứ dai dẳng mặc dù điều đó đã không xảy ra ngót một phần tư cuộc đời sung mãn của người đàn bà như Út. Và chính nhờ những câu hỏi ấy mà trong Út luôn có hai người đàn ông cùng tồn tại. Một trong đời sống hàng ngày và một trong tâm tưởng.

Ngày Ba Đen mãn hạn cải tạo trở về và quyết định di cư sang Mỹ nhờ có người thân bảo lãnh, Út bảo:

 - Mình và hai sắp nhỏ cứ sang trước, tôi sẽ sang sau. Mấy chục năm sống với nhau chắc mình hiểu tôi quá rõ, tôi ráng thêm ít bữa chờ người ta về, nói với người ta một câu cho nó vẹn tình trọn lẽ. Tôi biết lúc nào mình cũng thương tôi. Thương tôi thì hãy để cho tôi được thanh thản. Sang bển, biết bao giờ trở lại đất này, sang bển mà tôi cứ phải sống trong day dứt chắc mình cũng chẳng vui gì.

Ba Đen ôm ghì lấy eo lưng vợ. Cái ngày tỏ tình với Út không thành, cái ngày tưởng trái tim mình rỏ máu nhìn đám rước dâu, cái ngày đưa Út về khu gia bình, đêm đêm trải mền xuống nền nhà chờ đợi đủ biết Ba thương Út biết chừng nào. Ba thương Út và cũng rất thương thằng con riêng của Út như con đẻ của mình. Ba sẽ xin gia hạn xuất cảnh, Ba không thể ra đi mà thiếu Út.

*

Chiến tranh đã kết thúc nhưng không ai ngờ được là máu vẫn còn đổ. Trái mìn còn sót lại đã cướp đi mãi mãi khỏi vòng tay của Ba người vợ yêu thương khi Út đạp phải. Thả nắm đất xuống huyệt vợ, Ba cũng đồng thời chôn đi cái quyết định di cư. Sẽ chẳng có phương trời, xứ sở nào mang lại cho Ba hạnh phúc khi không còn Út. Dường như dưới lớp đất sâu kia, Út vẫn còn day dứt vì chưa nói được với "người ta" một câu cho trọn tình, vẹn lẽ.

Những đụn mây cuối ngày trong giáng chiều bỗng rực đỏ rồi sẫm lại như màu máu. Trên mộ Út, những thân nhang uốn vòng như những số không. Trong khói hương nghi ngút trước khi tan loãng trong trời chiều đã chia đều cho cả hai người đàn ông cô độc. 

Truyện ngắn của Triệu Văn Đồi
.
.