Hình như tôi bị lừa rồi

Thứ Hai, 29/06/2015, 08:10
Sáng sớm, một người đàn ông trung tuổi đến đồn cảnh sát. - Là như thế này, hình như tôi bị lừa rồi, một tên lừa đảo đã lừa tôi... -  Người đàn ông nói. 

Người cảnh sát lấy sổ sách và rất lễ phép cắt lời: "Xin lỗi, tên ông là gì?". "Tôi tên là Vĩnh Bình".

- Được rồi, ông Vĩnh Bình. Nghe giọng nói của ông, tôi biết ông không phải là người vùng này, có phải ông là người Sơn Đông không?

- Vâng, tôi là người Sơn Đông, tôi đến đây từ hơn một tháng trước.

- Vừa rồi ông nói là ông bị lừa, việc này xảy ra từ bao giờ?

- Khoảng gần tháng nay, trí nhớ của tôi không được tốt lắm, có lẽ còn lâu hơn.

- Sao bây giờ ông mới đến trình báo.

- Thực ra mà nói, tôi vẫn chưa xác định được có thật là mình bị lừa không. Tôi đang đợi anh ta xuất hiện nhưng lâu quá rồi mà chẳng thấy tăm hơi anh ta đâu, tôi nghĩ có thể mình bị lừa thật rồi.

- Xin ông hãy nói tỷ mỷ, rõ ràng xem nào.

Minh họa: Lê Phương.

- Hơn một tháng trước đây, tôi mở một cửa hàng tạp hóa ở trên phố. Tôi đến đây không có ai thân thích. Ngay hôm thứ hai khi tôi vừa mở cửa bán hàng thì một người cao gầy bước vào, anh ta mua hai tút thuốc và một chai rượu ngoại. Khi tôi nói thanh toán tiền, anh ta nhìn tôi rồi hỏi: "Ông là Vĩnh Bình?". Anh thử tưởng tượng xem lúc đó tôi kinh ngạc như thế nào không? Tôi ở cách quê hương hơn một nghìn cây số bỗng nhiên gặp được người quen. Tôi nhìn kỹ anh ta và cảm thấy rất lạ. Đúng là trí nhớ của tôi tồi quá, lúc đó anh ta lại hỏi tôi: "Tôi là người Sơn Đông, ông quên rồi à? Vĩnh Bình, tôi là Kiến Quốc". Tôi cố nhớ xem tôi có quen anh ta không?

- Theo tôi biết, bất kể ở thành phố nào cũng có thể tìm ra một trăm người tên là Kiến Quốc. Vậy cuối cùng ông có quen anh ta không?

-  Đây là điều mà tôi đang nghi ngờ, nhưng anh xem, anh ta biết quê của tôi, lại gọi đúng tên tôi, vậy có thể khẳng định anh ta biết tôi nhưng tôi thì lại không nhớ được là tôi có quen anh ta hay không.

- Sau đó thế nào?                    

- Sau đó chúng tôi nói chuyện với nhau rất vui, vì là đồng hương mà. Cuối cùng anh ta nói: "Vĩnh Bình, tôi phải chịu của anh số tiền này, anh cứ yên tâm". Sao tôi lại không yên tâm? Trong thành phố này anh ta là người duy nhất quen biết tôi nên tôi cho anh ta chịu có sao đâu. Ngoài số tiền hàng là 800 đồng, khi anh ta đi, tôi còn giúi vào tay anh ta 200 đồng nữa.

- Sao ông lại làm thế?

- Để cho nó chẵn một ngàn đồng...  Kiến Quốc nói, nhiều lắm là một tuần anh ta sẽ mang trả tôi, lúc đó anh ta sẽ mời tôi uống một bữa rượu. Sau khi anh ta đi, tôi vẫn rất vui, vì tôi cảm thấy rằng tôi ở đây không cô đơn. Nhưng từ hôm ấy đến nay, không biết đã mấy tuần rồi mà không thấy anh ta đến. Tôi có cảm giác rằng mình đã bị lừa.

- Điều đó rất có khả năng, giả mạo là người quen để lấy lòng tin, trò lừa này không có gì mới, ông là người nhẹ dạ cả tin quá.

- Nhưng anh thử nghĩ xem, lúc đó tôi vừa đến đây được vài ngày, một người quen cũng không có. Giả dụ anh ta là một kẻ lừa đảo thì anh ta làm sao mà biết được quê và tên của tôi. Tôi có lý do gì mà không tin anh ta.

- Nghe giọng của ông có thể biết ông là người Sơn Đông, nhưng làm sao anh ta lại biết được tên của ông? Nếu anh ta là kẻ lừa đảo thì điều đầu tiên chúng ta cần làm rõ là vấn đề này. Sau khi ông đến đây, ông có giao lưu với ai hoặc nói cho ai đó biết tên của ông không?

- Không, tuyệt đối không.

- Hay là ông để mất giấy tờ tùy thân?

- Giấy tờ tùy thân của tôi vẫn ở trong túi áo.

Thật là kỳ lạ, thôi được, tôi đã ghi chép đầy đủ cả rồi. Anh ta có phải là kẻ lừa đảo hay không chưa xác định được. Nếu sự việc này có tiến triển, tôi sẽ lập tức báo cho ông biết. Vậy vấn đề cuối cùng, ông Vĩnh Bình, cửa hàng của ông ở đâu?

- Ở trên phố Mẫu Đơn Tây, đối diện với nhà hàng Lê Viên.

Người cảnh sát vừa ghi chép vừa hỏi: "Tên cửa hàng của ông là gì?".

- Cửa hàng Vĩnh Bình

- Cửa hàng Vĩnh Bình? - Người cảnh sát đặt bút xuống im lặng hồi lâu rồi nghiêm túc nói - Ông Vĩnh Bình, bây giờ tôi có thể chắc chắn báo với ông rằng anh ta là một kẻ lừa đảo... 

Truyện vui của Trương Đăng (Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.